Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

Chiều quê – Sơn mài – Mạnh Cường.

VƯỜN CỔ


V ào cữ tháng Chạp, miệt vườn Cao Lãnh quê tôi trông sởn sang như người đàn bà mấy tháng sau cơn vượt cạn. Bắt đầu vỗ về những hàng cây vàng võ vì nước ngập, phù sa hào phóng có mặt khắp nơi lặng lẽ làm cái việc đền bù. Mỗi năm một mùa lũ và sau đó là qui luật bồi trả của đạo trời, mất rồi được, ấy là sự thoả thuận không văn tự nhưng lâu dài, có lẽ vĩnh viễn giữa thiên nhiên và cộng đồng chúng sinh nơi đây.

Xuống xe đò từ thị xã, cỗ xe lôi đạp lêu khêu quen thuộc chở tôi đi lúc lắc trên đường làng ráo hoảnh phù sa mật trộn với cát giồng. Dáng nón dáng người kín đáo trong những mảnh vườn lưu niên, những mái nhà xám lặng dưới thập loại cây đã có tên có tuổi từ đời nào, một câu chào giữa đường hay tiếng động cơ xe máy nghe cũng trang nhã hơn dưới vòm lá cổ, ấy, ấy là quê là cội của tôi trong sự yên tịnh mà tôi hằng tôn kính.

Vượt qua ngôi phủ thờ lợp ngói âm dương và khu mộ tổ lúp xúp sau những gốc xoài đại thọ không kém các đấng cổ thụ trong vườn quốc gia, tôi bảo người thanh niên chủ cỗ xe đưa tôi tới thẳng nơi cần tới. Số là mấy đêm trước bỗng dưng tôi nằm mơ, một giấc mơ thông thường không đầu không cuối nhưng khi choàng tỉnh, tôi thấy tinh thần minh mẫn lạ thường như thần kinh vừa bị đánh thức bằng một liều thuốc quí. Tiếng gió khua trong vườn, những giọt đàn bầu văng vẳng, những tràng cười phong lưu ngất ngưỡng cùng dáng áo the khăn xếp mơ mơ hồ hồ của ông chú tôi, tất thảy chừng như có ý nghĩa khi tôi trở dậy cầm lên quyển gia phả trước nay vẫn đặt dưới mớ giấy tờ cá nhân trong ngăn tủ. Giấc mơ đã liên quan một cách rất là lôgich với ngày giỗ sắp tới của chính ông chú ấy, cái ngày hẳn đang lên tiếng nhắc nhở rủ rê tôi, cô cháu gái tuy cách trở về huyết thống và đường đất nhưng chưa bao giờ thôi quan tâm đến số phận và tính cách kỳ lạ của ông, dù sự quan tâm ấy thụ động, âm thầm, tưởng rằng chỉ mình tôi biết. Và thế là từ Sài Gòn một mình một túi tôi đáo về, bằng các thứ phương tiện công cộng gắn bó với phận đời xê dịch, trong tâm trạng vừa cảm động vừa sốt ruột một cách bí ẩn.

Cây cầu đá hàng trăm tuổi vắt qua mương lớn nối hương lộ với khuôn vườn vẫn trơ gan sau ngần ấy mùa lũ, thấy rõ chớn rong mới đang xỉn đen bên thành lan can. Không còn bàn tay bay bướm của ông chú, hàng rào giâm bụt chào tôi bằng chiều cao rõ ràng tình trạng vô chính phủ. Cây vú sữa tím của tuổi thơ tôi già đến mức phải trật ót mới nhìn thấy lũ trái nhỏ xíu trên cao, bộ rễ khổ hạnh của nó lồi lên một cách quyết liệt trên váng mỡ phù sa bắt đầu nẻ dòn. Tôi nhảy từng hai bậc thang một để lao lên sàn nhà, ngày mai giỗ chính, chiều nay đã phải cúng rước rồi, sự tẻ quạnh khác thường nầy báo hiệu điều gì sao? Không ai, không một ai lên tiếng với tôi, chỉ có ván sàn khẽ rung như từng thớ kỷ niệm bỗng chốc cựa mình.

Từ cửa sau tôi nhìn phóng ra vườn, ngôi mộ ốp đá của ông chú hình như vẫn y nguyên dưới vòm sapôchê, trong khuôn viên dành cho hai người đã được lên rào kiên cố, song song và bình đẳng với ông là ngôi mộ của người đàn bà chính thức, đương nhiên. Thế đó, nhà đó, vườn đó, mồ yên mả đẹp đó, đâu vào đấy cả, vâng, ông đã trót sống và trót chết trong sự đâu và đấy ấy để xong quách một đời người, vậy thì giấc mơ liên quan đến ông muốn điều khiển gì và muốn thông tin gì đây ? Tôi nhìn thấy đứa cháu nhỏ của bà cô họ, tức cô cháu cố hương hoả của ông chú tôi, cô bé đang phơi đầu trần giữa nắng xế để rọc lá chuối tươi cho việc gói bánh, tôi chắc thế, bởi không có bánh ít gói bằng lá chuối thì ngày giỗ ở quê coi như chưa đủ bộ. Nhận ra tôi nó bỏ việc chạy tốc vào như cơn gió, tiếng cười, vẻ nhẹ nhõm và mùi vườn tược ở nó toát lên sự bình yên mãn nguyện, điều đó lại khiến tôi ngỡ ngàng.

“ Bà ngoại đâu ?”- tôi hỏi. Bà ngoại nó là cô con đầu goá bụa của ông chú tôi.

“ Bà lên chùa ? - nó đáp nhẹ tênh rồi tập trung ngay bởi vẻ dò hỏi căng thẳng của tôi- Bà lên chùa đặt tiền mơi làm chay cúng ông cố”.“ Sao, sao phải cúng cơm trên chùa?”

“ Vì.. .vì hồi chết ông cố căn dặn vậy, dặn kỷ lắm. Mấy năm, hồi bà cố còn sống cũng toàn cúng vậy, con tưởng dì biết rồi”.

Ông chú tôi hay đóng bộ áo dài khăn xếp, hay thắp nhang và đi chùa, sự biến đổi từ đen sang trắng làm ngơ ngác dòng họ, làm mỏi miệng đám ngồi lê hay săn lùng chuyện đời ông làm trò tiêu khiển, sự biến đổi gần chứ không hẳn là sám hối ấy tôi có biết nhưng ý nguyện không cúng giỗ ông trong ngôi nhà của ông tới giờ tôi mới được nghe. Và tôi sực nhớ một người đáng ra tôi phải nghĩ tới từ đầu.

“ Vậy bà Giáo, bà cố Giáo bình thường khoẻ mạnh không ?” Nụ cười con trẻ không đủ sức xua tan hoài nghi trong tôi, cô bé hạ giọng nhí nhảnh ra chiều bí mật: “Bà khoẻ lắm, bà sống một mình gan lắm. Bà hứa chiều nay về đây thắp nhang ông , thắp nhang lần đầu kể từ hồi bà cố chính mất đó chớ”.“ Chiều nay?” “ Dạ, chiều nay cúng chay tại nhà. Về già ông cố ăn chay trường, bộ dì không nhớ sao?”. Vẻ nghiêm trang như thể trách cứ của cô cháu họ khiến tôi bối rối. Trong khi tôi đặt đồ lễ và chuẩn bị thắp nhang, cô bé chỉ vào một trong ba bức ảnh đàn ông trẻ xếp thẳng tắp ở hàng chót trên bàn thờ :“ Dì biết ai đây không? - lại một câu hỏi nữa như thể đánh đố rồi cô bé nói luôn- Là ảnh ông nguỵ con trai của cố với bà Giáo, bà ngoại con mới ôm về nói là đã tới lúc phải gom gia đình lại. Mà có làm vậy thì cố Giáo mới chịu theo về ở hẳn đây”.

Phải chăng mọi chuyện đang diễn biến theo chiều hướng thuận, theo qui luật hoà bình hiếu nghĩa sau chặng bể dâu dễ đến hàng nửa thế kỷ. Tôi cắm một lượt nhang từ cửu huyền trên cao chí đến ba chiếc lư hương dàn hàng ngang bên dưới gồm ông con rể và hai ông con trai của ông chú tôi, một với bà chính làm sáng danh họ hàng bằng tấm bằng Tổ quốc ghi công và kia, như cô bé nói khi nãy, một ông nguỵ mới ôm về để gia tộc được bên nhau. Đáng lạc quan hay đáng buồn, những bức ảnh vừa cố nói lên điều gì lại vừa như bất hợp tác với tôi trong vẻ câm lặng càng nhìn càng thấy lẩn khuất, vô vọng.


♣ ♣ ♣

Khi tôi lên bảy hay tám tuổi gì đó, tuổi biết tò mò các thứ chuyện đời, thì kho giai thoại về ông chú em út của ông nội tôi đã phong phú lắm. Toàn chuyện ngộ và có sức chấm phá cả. Ví như chuyện ông bí mật đóng bộ com-lê rồi bất thần xuất hiện cùng với nó trong ngày cưới, thời điểm nhiều đàn ông còn búi tó, ấy là một hành động nổi loạn như muốn nắn gân cả thánh thần tiên tổ. Chuyện ông tự động bán sạch miếng vườn vừa được cắt riêng rồi mua nguyên một doi đất để phỉ chí làm ăn, dĩ nhiên sau đó ông trắng tay vì đất mới bồi và suýt mất mạng vì nạn đất lở xảy ra như cơm bữa ở vùng nầy, đến nỗi ông nội tôi phải bỏ ra cả gia tài chuộc lại nhà đất cũ cho ông. Rồi chuyện ông nạo hết tư trang của cố tôi để lại đi hưởng ứng Tuần lễ vàng và nhứt quyết không cho tổ chức yết tên, bảo đáng gì trò tiếng tăm ấy. Lại chuyện ông toàn chọn những ngày kiêng trong tháng để đi xa, bảo đi vậy tàu bè xe cộ rộng, tha hồ, chọn toàn ngày xấu để lợp nhà hay sửa bếp, bảo ừ thì trời cứ đánh thánh cứ vật đi xem nào, chuyện ông là người đầu tiên biết dùng thước tấc để đặt ra khoảng cách lý tưởng cho từng loai cây vườn, biết nuôi kiến vàng bằng mồi động vật để chúng làm bóng quả chín, biết tháp da cây mãng cầu vào thân bình bát để chúng cho năng suất cao.. . Tóm lại, những câu chuyện ấy cho tôi hình ảnh một tấm lưới trong đó ông chú tôi cựa quậy vẫy vùng một cách kịch liệt, điều đó lại khiến tôi luôn thấy tự hào.

Quả tình, trong cả làng Chùa, tôi chưa thấy người đàn ông nào sáng rỡ như ông. Ông cao ráo nhất, tôi áng thế, như cây tre với đầy đủ cốt cách đẹp, vai vuông trán vuông mắt sáng mũi thẳng và miệng rất hay cười, nói chung, ông sinh ra là để cống hiến cho đời chí ít cũng một giá trị nào đó. Ấy là ý nghĩ đã mang sắc thái tiếc thương không chỉ riêng tôi mà đúng hơn, còn từ những người lớn trong gia tộc, bởi vì khi tôi bắt đầu để ý đến chuyện đời thì ông đã tìm đến với đàn bầu, đã bị đóng khung trong mảnh vườn do ông nội tôi chuộc cho và điều nầy mới thật khắc nghiệt: ông đã chết dí trong cái địa ngục gia đình do chính ông thiết kế và gắn bó.

Tôi nhớ rõ hình ảnh ông vào cái lúc ông hay tìm cách ăn ngủ bên nhà nội tôi để né tránh cuộc chiến tranh ở giai đoạn đầu với vợ. Ông rất hay trêu đùa cái tính tằn tiện của bà nội tôi để thêm gia vị cho các bữa ăn và cũng để không còn khoảng cách hào hố giữa chị dâu em chồng, ông nuông chiều đám cháu bằng ngụ ngôn La Phông-ten và tiếng đàn bầu bất kể lúc nào, rồi ông gục gặc hằng giờ bên chiếc radio mỗi khi có chương trình ca cổ hay sân khấu cải lương và rồi khi mọi người còn đang vui chuyện thì ông bật ngáy, tiếng ngáy thật say mê hết mình và, lần nào cũng như lần nào, trong lúc không ai ngờ, ông lại lên tiếng tiếp tục câu chuyện dở bằng cái giọng sảng khoái y như hồi chưa ngáy. Tất cả sự sinh động ấy chỉ diễn ra trong nhà nội tôi, còn ở nhà ông, ông trở thành một khúc gỗ, một khúc gỗ lừng lững lăn đi lăn lại làm chật chội làm xốn mắt cái không gian đã bắt vít vào nó, khiến nó chỉ có thể cục cựa như thế trước khi mục rệu đi.

Một lần bà nội tôi lấy giọng ruột rà: “ Sao chú cưới chi một người biết trước là không hợp, không có chút nào gọi là hoà hợp với mình ?” Ông dở khóc dở cười kêu lên : “Trời ơi bà chị còn lạ gì cái nết của thằng em nầy ! Nói thiệt lúc đó em mắc quá, vậy thôi!” Bà nội tôi không đỏ mặt mà tái người trước câu trả lời trần cả gan ruột ấy. Bà thím tôi người ở xã bên, được họ mạc tôi lưu truyền hai chi tiết không kém những giai thoại của ông chú tôi về sự độc đáo: thứ nhất, chuyện hồi mới cưới, trong ngày về khoản bái nhà vợ, suốt chặng đường xuồng không lần nào bà quay mặt lại phía sau với chồng lúc đó đang hăm hở cầm chèo, mà ông chú tôi chịu cầm chèo đưa vợ đi giữa làng xã đã là chuyện đến chim chóc còn phải tán thưởng nữa là, thứ hai, hôm đi giỗ bên nhà mình về, bà đã để quà trong một cái rổ tre bưng bộ về nhà chồng rồi đặt nguyên nó lên bàn mời ông bà cố và ông bà nội của tôi thưởng thức. Khi tôi lớn, họ đã có hai mặt con, bà Giáo ở cạnh chùa cũng đã có với ông chú tôi một con trai và cuộc chiến tranh trong nhà ông không biết bên nào khởi động đã làm giá lạnh hẳn hai người. Con người bà thím chính, ừ thì trung bình, có thể là trung bình kém như nhiều phụ nữ nông thôn trong điều kiện thiếu ăn thiếu học nhan nhản quanh tôi nhưng ở bà tôi luôn nhìn thấy một câu hỏi, rằng bên trong vẻ trung bình ấy là những thứ chất độc ghê gớm gì đã làm tàn lụi một cuộc đời sáng loé như ông chú tôi ? Đó là sự triệt phá không khoan nhượng giữa hai nền văn hoá hay chỉ là sự trả thù dai dẳng của lòng vị kỷ tăm tối ?

Chuyện kể rằng hồi bà Giáo còn là cô gái trẻ, ông chú tôi hay từ trong nhà ngắm ngẩn ngắm ngơ bà, như nhiều người đàn ông thấy vật lạ, chỉ vì từ khi bà về làng tôi với tấm bằng sơ học và chiếc áo dài của cô giáo tiểu học, bà trở thành một bông hoa kỳ lạ như được gởi tới từ phương trời nào. Làng cấp cho bà mảnh đất cạnh chùa để làm thổ cư, từ đó, làng tôi như có một thứ trái thơm quanh quất mùi hương sang trọng của chữ nghĩa. Một hôm, bắt gặp ông chú tôi từ thềm nhà nhìn miết theo bà Giáo, bà thím tôi buột miệng: “ Coi mòi ông thèm nuốt trọng người ta. Ngữ ông không thầy không chú, xách dép cho cổ còn khó, liệu hồn !” Ông chú tôi rung như vừa bị lia cho một băng đạn: “Cô thách tui hả ? Nếu tui xách dép cho người ta được, cô thua cái gì hả? “ Bà thím tôi rống lên như bị chọc tiết : “ Có giỏi lết đi mà cầu, tui đem hết ông bà ông vãi nhà tui ra mà cá với ông”. Theo tôi, đó là câu nói dưới mức trung bình kém, câu nói lột tả bằng hết sai lầm của chính cuộc hôn nhân đã giết chết cả hai người. Thế là ông chú tôi lao ra khỏi nhà và mất hút đúng một tháng trời, chỉ quay về khi ông nội tôi đích thân đi thét vào tai ông điều phải điều trái.

Khi tôi vào tiểu học, bà Giáo đã ba mươi lăm tuổi, trên danh nghĩa đã không thể là vợ thứ của ông chú tôi vì tiết hạnh của nghề giáo ấy, cái nghề bà sống chết vì nó, nhờ nó để nuôi dạy người con trai giống cha như lột. Tôi không biết chuyện đêm hôm giữa những người lớn thế nào, chỉ thấy ở trong lớp hay ở nhà bà, giữa chúng tôi luôn có sợi dây vô hình nhưng hết sức mãnh liệt hút lấy, bà cháu tôi yêu thương nhau đằm thắm như đôi bạn vong niên. Trong mắt tôi bà Giáo là người nết na nhất, cao nhã nhất mà tôi biết và từng đường nét hơi thở cử chỉ của bà như lúc nào cũng có ánh sáng của tình yêu. Trong khi đó ngôi nhà của ông chú tôi đã an bài một cuộc chiến tranh làm cấm khẩu cả vợ lẫn chồng, cuộc chiến tranh làm đau khổ mọi người, vì người bị sát thương đây là ông chú út, niềm hy vọng âm thầm của cả họ dù chẳng ai biết mình hy vọng cụ thể điều gì.

Cho đến khi người con trai bà Giáo bị bắt lính và mặc áo dân vệ mang tiểu liên đi thập thò trong làng. Chừng như “chính nghĩa” đã nghiêng hẳn về phía bà thím trung bình kém, nói cách khác, bà đã chộp lấy ngọn cờ chính nghĩa ấy để ngày đêm tung bay nó trong tộc họ khiến ông chồng, chính ông chồng chứ không chỉ cái “ con Giáo đĩ” kia phải gục đầu. Bấy giờ tôi không còn trẻ nhít nữa nên tôi nhìn thấy vẻ đắc thắng sâu xa của bà khi được thời thế tương tàn hỗ trợ , và đó cũng là niềm cay đắng lớn nữa cho dòng họ tôi. Thế rồi, người con trai chính của ông chú tôi thành liệt sĩ, sau đó là cái chết do đạn lạc của người con ngoài giá thú, những tưởng cái hố hận thù sẽ được san lấp bằng hai thây người, nhưng dư luận lại một lần nữa cùng với người đàn bà được dán nhãn chính thức ấy lên tiếng truy nguyên, rằng chiếc áo lính dân vệ và cây súng tiểu liên của người nầy dù gián tiếp, cũng phải chịu trách nhiệm về cái chết của người kia. Ông nội tôi rồi bà nội tôi lần lượt ra đi, tấm đệm giá trị nhất của dòng họ biến mất, ông chú tôi đầu hàng hoàn toàn bi kịch của mình trong tư thế quỵ ở chân tường. Và ông trở về hẳn với tín Phật, theo tôi, chọn áo dài khăn xếp, cơm chay, ngồi thiền và chăm chút vườn tượt, chính là sự lựa chọn xứng đáng với phẩm chất và trí tuệ ông.

Sau hoà bình, mỗi lần đi phép về quê, tôi đều đánh đường đến cái địa chỉ mà thiếu nó, lương tâm tôi không chịu nằm yên. Bà Giáo già đi, vẫn thơm và sáng một cách thần tình trong cái nghèo và nỗi cô đơn của mình. Một lần bà nói : “ Cũng đành, trời cho thì trời cũng có quyền lấy lại cái phần mà bà không đáng được có, bà thanh thản lắm, con !” Và dù bà không tâm sự nhiều nhưng tôi cũng nhận ra, việc công quả thường nhật của bà với nhà chùa chắc không hoàn toàn thản nhiên với đường tu cuối đời của ông chú tôi. Không hiểu sao tôi thấy như được an ủi khi nghĩ tới điều đó.


♣ ♣ ♣

Tôi gặp lại gần như toàn bộ mái tóc khô, vóc người tròn, nước da xam xám và cặp môi dày rất hiếm cười của bà thím đã quá cố trên người đàn bà tôi gọi bằng cô họ. Ông bà nội tôi từng nói rằng cái gì ông chú út cần để lại cho đời, ông đã gởi hết vào cái thằng đi dân vệ rồi. Cô Hai đi từ chùa về nhưng không thấy bà Giáo cùng xuống xe lôi, nhìn vẻ mặt cô, tôi hơi ngạc nhiên, lẽ nào chuyện đó lại bình thường ? Mừng nhau xong tôi hỏi ngay về bà Giáo, cô tôi tóm tém miếng trầu cho thấy vòm miệng đỏ lòm, giọng gọn khô: “ Thỉnh rồi, thỉnh mấy lần rồi mà coi bộ còn làm cao! Nếu vẫn coi đây là nhà chồng tự khắc sẽ có cách đi về đây thắp nén nhang chớ”.Tôi bực mình ra mặt: “ Vậy sao nghe cô tính đưa bà Giáo về đây?” Một đôi mắt trắng dã tóm lấy tôi: “ Không nuôi để có ngày phải đi nhận cái xác chết khô à ?”

Tôi đớ lưỡi, những câu đối đáp đại loại vầy đâu có gì mới để tôi phải buồn hơn. Và giấc mơ chưa có lời giải trở lại trong đầu.

Cô họ tôi mang theo một cây chỗi quét lá, ra hiệu cho tôi đi ra vườn. Một thế giới hiếm mây hiếm trời dưới sức nặng của cây và lá. Không được bốc hơi, sự yên tịnh như là đà không khí âm phủ . Có thể nhìn thấy rõ hơn khu mộ chỗ ông bà cố và ông bà nội tôi nằm bên khu vườn của ngôi phủ thờ, thôi, sáng mai trước khi lên chùa dự giỗ, tôi sẽ sang bên đó, tự dưng tôi thấy người nghiếc nặng trịch như bị gió độc đánh phải. Cô tôi chỉ cho tôi thấy hai tấm bia mộ bằng đá cẩm mới đặt cho ông chú bà thím, hãnh diện ra mặt khi qui chúng ra lúa. Nhưng việc đó không quan trọng với tôi bằng khuôn rào mới quét vôi đã một lần nữa khoanh chết ông chú tôi bên người đàn bà mà từ xa xưa thâm tâm ông đã rẫy bỏ, một hành động rõ ràng không bao dung của chính người đang sống.

“ Sao khuôn viên mộ không rộng hơn, thấu tình thấu nghĩa hơn ? “- tôi hỏi thẳng bà cô họ. Hình như cũng có được ít nhiều sự nhạy cảm của cha, cô con gái ông chú tôi co người như đỉa phải vôi: “ Vườn rộng vầy, nữa ai thích nằm đâu chẳng được. Còn muốn nằm đây thì, dưới chân ba má tui đó, cứ việc.”

Bữa cúng rước, ngoài món bánh ít gói rất thanh do cánh đàn bà bên phủ thờ giúp, còn có mấy món tương chao và các loại rau củ nấu chay cũng đưa từ bên ấy sang. Khi thắp nhang, cô họ tôi lại chỉ cho tôi một công trình mới nữa cho trật tự thờ cúng trong ngôi nhà không biết bao giờ mới hết phân chia và thù hận: đó là cái bệ thờ ba bậc để ông chú tôi ngồi giữa, bên trái thấp hơn là bà thím tôi còn bên phải, bệ thấp nhất còn để trống hẳn là dành cho một người chưa tiện nói tên ra. Không biết tôi nên vui hay buồn trước nghĩa cử qui tập một cách cẩn thận nầy. Nhìn xuống người chú họ chỉ có một may mắn duy nhất là giống cha cả thần lẫn nét, tôi không khỏi chạnh lòng, hẳn trước sau gì chú cũng được ở cạnh bà Giáo trên bàn thờ đầy không khí ban ơn nầy, nhưng việc đó liệu có ý nghĩa gì khi người ta không còn cần những thứ đó nữa? Lẽ nào cứ mãi thứ và bậc, phân và xếp, chính và tà thay vì hiểu biết và tình thương ?

Đêm mùa chướng ập xuống nhanh và ơn ớn lạnh. Tôi biết tôi sẽ không thể ngủ sâu nếu đêm nay tôi chưa gặp được người ấy, người đàn bà duy nhất của ông chú tôi nhưng những người bên phủ thờ khuyên trời tối vầy để sáng mai luôn thể, dù gì tôi cũng phải lên chùa giỗ chính cho ông tôi. Vườn thở và đất thở, kẹp giữa nó là những nỗi niềm với đủ thứ tên gọi, hình như tôi thiếp đi trong hình ảnh bà Giáo, chắc bà cũng đang nằm kiểu con tôm như tôi trên ngọn lửa của đau buồn. Không, có lẽ bà đang thức, đang ngồi đâu đó trong ngôi nhà tràn đầy sự tinh khiết của bà, với chiếc áo dài đen và chiếc vòng tràng hạt trên cổ.

Tiếng chim trao trão đánh thức tôi sát bên đầu hè. Có tiếng chân người chạy , tiếng sàn nhà rung huỳnh huỵch và tiếng ai đó đập cửa hớt hãi: “ Bà Hai ơi, mau mau, bà Cố Giáo ấy mà“. “ Chuyện gì? “- ngôi nhà sàn chao đảo.“ Chuyện kinh khủng lắm, bà chạy lên đó mà coi”. Tôi lao ra thềm, suýt làm té chú tiểu lạ. Cái kết thúc nầy chắc không có sẵn trong chương trình của lòng thù hận và đối địch u mê ? Chú tiểu lắc đầu nguầy nguậy, nước mắt nước mũi cùng chảy ròng ròng: “ Bà Giáo chết, chết cháy, như là tự thiêu, cháy không chữa được, chắc còn xương với cốt thôi”.

Tôi lao bằng chân trần theo chú tiểu, trên con đường làng đẫm sương và hương vườn cổ. Dù có kinh khủng thế nào tôi cũng phải được nhìn thấy cái chết nầy, một cái kết thúc có thể khốc liệt nhưng đầy niềm kiêu hãnh thuỷ chung, vì khi biết rằng, nếu con người không có được một chỗ như sự xếp đặt của số phận thì chui vào một cái bình tro hoá ra là thích hợp hơn cả. Và với bà, bà Giáo, bà thím, bà tiên vong niên của tôi, cuối cùng, may mắn duy nhất của bà là được chết cùng ngày với người đàn ông của mình, để từ rày, không ai có thể tách hai người ra được nữa mỗi khi người ta buộc phải nhớ đến hai người. Tôi chạy, cây lá quay cuồng chung quanh, vườn đã cổ lắm rồi, có lẽ đã đến lúc phải thay những lượt cây mới cho xứng với những mùa phù sa mới. -./.

Kim Giang 11/ 1997





| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com