V ừa qua khỏi khúc quanh, Yến đã nhìn thấy ngả ba, một ngả rẽ vào chân đồi, một ngả đi thẳng ra quốc lộ. Yến chạy xe lên con dốc về phía ngôi nhà nhỏ nằm sát chân đồi như lời dì Phước đã chỉ dẫn. Một bãi cỏ mênh mông, xanh mượt trước mặt ngôi nhà, cho Yến cảm giác yên bình, thư thái. Yến nghĩ thầm, dì Phước ở đây vắng vẻ, yên tĩnh, phù hợp với sở thích của dì - một nơi chốn không có tiếng xe cộ ồn ào, không có bóng người qua lại; chỉ có tiếng chim hót, tiếng côn trùng rỉ rả quanh đây, thật cô tịch, an lành!.
Những vỉ bánh phơi đầy trước sân mà dì Phước đã tráng từ sáng sớm phát ra tiếng “rắc rắc” trong nắng; Yến cảm thấy vui vui, nhớ lại hồi còn đi học sống với dì Phước, nàng hay giúp dì chồng những vỉ bánh gần khô lại để bánh khỏi bể, dễ gỡ, để được dì thưởng cho ăn bánh ướt. Ngày ấy, Yến thường cầm chén đứng chờ dì Phước tráng cho mấy cái bánh ướt ăn lót lòng khi đi học về chưa nấu cơm kịp. Những cái bánh ướt trắng mịn, thơm thơm mùi bột gạo được dì Phước vớt từ trên lò nóng hổi, cuốn tròn chấm mắm ớt sao mà ngon quá; cho dù sau nầy, Yến cũng đôi lần ăn bánh mới tráng như thế, nhưng không thấy thơm ngon như hồi ấy. Chắc là chiếc bánh được vớt ra từ tấm lòng thơn thảo chăm sóc của dì chăng? Hay là vì bao tử háu đói ham ăn của mình đang bị trống?
Dì Phước thường nói, cứ nghe thấy con cháu có đứa nào khổ là dì xót ruột, trăn trở không chịu nổi. Tình cờ, Yến thường bắt gặp dì đùm túm gạo, mắm gởi chạy sang cho mấy đứa con của bà Sáu trong xóm. Có lần, Yến thấy dì lấy cái quần đen mới may cho một người đàn bà lạ - Yến hỏi:
- Sao dì đem cho họ cái quần mới may vậy? Cho cái cũ là được rồi, cái mới để mặc chớ dì?
Dì Phước cười:
- Có cho, thì lựa cái nào còn ngon, còn tốt hãy cho, mình mặc gì mà chẳng được, cháu!. Cho mà còn lựa cái cũ thì người ta dùng sao được lâu?.
Yến cười theo dì:
-Hèn chi ông bà ngoại đặt tên cho dì là Phước!
Những năm sau đó, gặp thời bao cấp, gạo châu củi quế, mà chị hai của Yến lấy chồng tận trên miền đất đỏ, nghe chị hai khổ, dì cứ chép miệng “tội nghiệp con nhỏ” rồi tìm người gởi gạo, gởi mắm lên cho chị hai hoài. Nhận được nhiều lần như thế, nên anh chị hai rất ái ngại, không dám nhận nhiều của dì nữa. Chị hai tâm sự với Yến: “Mình “nhận không” của dì hoài, giống như mình lợi dụng tấm lòng tốt của dì - coi sao được, em? Hơn nữa, dì cũng khó khổ chớ có dư dã, sung sướng gì mà gởi cho mãi?”. Có lần anh chị hai về thăm nhà, dì Phước biết anh chị hai e ngại, nên bỏ bao gạo nằm trong bao cám to rồi gọi anh chị hai lên - cười, nói:
-Dì mới xay lúa hôm qua, có mớ cám, hai đứa chở về trển cho gà, chứ dì không có nuôi heo, nuôi gà gì hết, đem bán thì cũng chẳng được bao nhiêu.
Anh chị hai chở bao cám về, mở ra thấy gạo. Chị hai nói với chồng:
-Thiệt tội dì Phước ghê, anh ơi! - anh coi nè, dì độn gạo trong bao cám. Thương dì quá dì ơi!. Nói dứt câu, chị hai òa lên khóc hu hu.
Yến nhớ, lúc còn ở với dì đi học, có hôm, Yến thấy dượng Từ - chồng của dì Phước, lấy cái bóp của dì Phước mở và trút ra, nào nhẫn, dây chuyền, đồng hồ... đủ thứ. Yến thấy một mặt dây chuyền tượng Phật Quan Thế Âm rất đẹp. Yến trầm trồ:
-Ôi! Cái tượng Phật đẹp quá!
Dượng Từ cầm đưa Yến:
-Cho con đó, thích thì lấy đi.
Yến ngạc nhiên về lời nói của dượng Từ, nhưng thích quá hỏi lại:
-Của Dì Phước mà, dượng?
-Của dì cũng là của dượng, có gì đâu. Dì không la rầy đâu mà sợ.
Dì Phước ngồi ràng bánh ở nhà dưới, nghe hai dượng cháu nói chuyện vội bước lên, hỏi:
-Cái gì thế?
Yến xòe tay ra cho dì Phước xem cái mặt dây chuyền.
-À! Cái mặt dây chuyền nầy dì mua từ thời con gái, con thích thì lấy đi, đi đâu có mà dùng.
Dượng Từ cười vui vẻ:
-Thấy chưa, con cháu đứa nào thích cái gì của dì, là dì cho liền hè. Dượng biết mà.
Đi xa, mỗi lần nhớ nghĩ đến dì Phước, Yến luôn nghe cay cay nơi khóe mắt. Yến vẫn xem dì Phước như mẹ, có chuyện gì vui buồn, cũng đều tâm sự với dì; như một chỗ dựa vững chắc, an ổn cho cuộc đời mình.
Nhìn ngắm ngôi nhà nhỏ xinh xắn, yên tĩnh, khép nép giữa vùng đồi núi, xanh mượt cỏ cây, Yến thấy vui thích, lại ao ước muốn được về sống cùng dì Phước như ngày nào. Yến nhận ra dễ dàng trên gương mặt dì Phước, dầu trải qua bao tháng năm thăng trầm, nhưng luôn toát ra nét tươi sáng của tấm lòng nhân hậu, khiến Yến yêu quý dì vô cùng. Nhiều người nhìn thấy, gặp gỡ dì chỉ một lần, cũng cảm thấy thân thiện, gần gũi với dì; bởi ánh mắt hiền từ, dịu dàng, như thầm kín bày tỏ sự che chở, bao dung sâu rộng.
Dì Phước dọn về sống dưới chân đồi nầy mấy tháng rồi, nhưng vì quá bận bịu nên Yến chưa lên thăm dì được. Đây là miếng rẫy dì Phước đã mua, để trồng bạch đàn, khi đến lập nghiệp ở thành phố biển nầy. Miếng rẫy nằm sát chân núi, xa thành phố; khu nầy xưa kia hoang vắng, không người ở; nhưng nay là khu dân cư mở rộng của thành phố, chia đường phân lô, xây nhà, người người tụ lại đông đảo. Dì Phước chia nhà đang ở dưới phố cho các con, hai vợ chồng dì lên rẫy cất nhà, tráng bánh sống qua ngày, cho yên phận. Dì Phước nghĩ đơn giản rằng “ở đâu cũng là ở, cũng tráng bánh, chớ có buôn bán, kinh doanh gì mà phố với xá. Ở rẫy, mát mẻ, rộng rãi, gần gũi thiên nhiên, yên vui hơn nhiều”. Dì tỏ ra rất yêu thích sự tĩnh lặng của núi đồi những sáng sớm, hay chiều về. Dì an vui với công việc hằng ngày, vì mở mắt ra là nghe tiếng chim ríu rít từ ngôi nhà nuôi yến trên đồi cao, hay từ những cành cây quanh nhà.
Dượng Từ ôm vỉ bánh dì Phước đã tráng xong ra sân phơi, chợt thấy Yến đứng tần ngần ngắm nhìn khu vườn - dượng Từ kêu lên:
-Ủa! Chớ lên hồi nào mà đứng im lặng, ngẩn người ra vậy cháu?
Yến quay lại - cúi chào:
-Dạ! Cháu mới lên. Ở đây bình yên quá hả dượng? Mát mẻ, rộng rãi thật khỏe! Cháu thích quá!.
-Ừ! Thích thì lên đây cất nhà ở với dì dượng cho vui chớ nói gì.
Yến cười giã lã:
-Cháu cũng muốn theo báo dì dượng đó chớ, nhưng thấy dì Phước tội quá, nên hổng dám.
-Có gì mà hổng dám, ăn nhiều chớ ở bao nhiêu, cháu?. Tụi mầy mà lên là dì dượng cắt cho miếng đất để cất nhà liền. Dì mầy sẽ vui lắm đó.
-Dạ! Bữa nào cháu lên.- Yến vừa nói, vừa cười giòn, rồi đi vòng ra nhà sau, chỗ dì Phước ngồi tráng bánh. Dì Phước, mặt lấm tấm mồ hôi, tay múc bột vào vá tráng đều trên mặt khuôn đang bốc hơi. Yến lên tiếng:
-Chào dì! Gần hết chưa dì? Nắng nóng quá, ngồi trong lửa hừng hực thế nầy, mệt không dì?
Dì quay qua, ngước nhìn - cười:
-Mới lên hả cháu? Ráng tráng một lát nữa cho hết thau bột rồi nghỉ. Nóng thì nóng, mệt thì có mệt, nhưng quen rồi.
-Đưa con tráng thay cho dì một lát.
Dì Phước cười to:
-Thôi đi cô, phá chớ tráng gì tráng. Chỗ dày, chỗ mỏng, ai mà mua.
-Dì cứ vậy, thành ra khổ, việc gì cũng cứ ôm một mình.
-Vậy mà tụi nó còn chưa ưng, nói nầy nọ nữa đó cháu.
-Tụi nào, nói gì?
Dì im lặng - thở dài:
-Con Hiền, vợ thằng Mậu với thằng Tá, chồng con Mai chớ ai vô nữa?
Yến cười giã lã:
-Kệ tụi nó đi, hơi đâu dì để ý tụi nó làm gì, cho mệt thêm tuổi già.
-Thì mình cũng kệ nó chớ biết làm gì đâu, cháu. Đứa nào nói ớn nó nín, dì mệt lắm rồi.
Mậu là con trai của em trai dì Phước, được dì Phước nhận về nuôi, khi ba nó mất và mẹ bỏ đi lúc nó mới ba tuổi. Dì xem Mậu như con trai mình, áo quần con cái dì thế nào, là Mậu cũng có thế đấy. Dì Phước chỉ có hai đứa con, Mai là chị cả, rồi đến Lợi, con trai út. Nhà cửa dì Phước chia đều nhau, mỗi đứa dì đều cất cho một cái nhà như nhau, Mậu cũng vậy. Nhưng con dâu và thằng rể cứ bì bù, cựa là nói khía, nói cạnh, châm chọc, làm dì buồn, dì mệt, nghĩ đến là buồn hoài. Nhiều lần ngồi bên dì, Yến đều nghe dì nhắc lại câu: “Tuổi già của dì không cần nhà cửa, ăn mặc sang trọng, mà chỉ cần lời ăn tiếng nói sao cho có nghĩa, có tình thôi, cháu à!”. Yến biết dì làm việc từ sáng sớm, đến tối mịt cũng còn ngồi cột từng ràng bánh; mà đi chợ mua bỏ cho đứa này con cá, thì đứa kia cũng miếng thịt, không ăn một mình được. Dì Phước thường nói: “Thôi kệ, đứa nào muốn nói gì thì mặc nó, không hơi sức đâu mà chấp, mà nghĩ, miễn mình thiệt lòng với tụi nó là được! Trời có mắt, cháu à! Dì chỉ nghĩ thương, tội nghiệp cho tụi nó thôi!”. Hằng đêm, dì thường tự an ủi, vỗ về giấc ngủ của mình như vậy, khi chợt nhớ lại những lời xỉa xói, bạc nghĩa của chúng, rồi nằm xuống ngủ khì một giấc đến rạng sáng.
Dì Phước nói với Yến:
-Cháu lấy gạo nấu cơm giùm dì đi. Cá, rau, dì để chỗ ảng nước đó. Dì tráng chắc nửa tiếng nữa hết bột, mình ăn cơm, rồi nói chuyện chơi nghen.
Yến dạ, rồi lấy hai lon gạo vào nồi, vo gạo, nấu cơm. Yến rửa sạch rau, nấu chén canh, và rửa cá bỏ vào nồi kho. Mùi cá nục kho bốc lên thơm phức, Yến nghe đói bụng. Nhớ lại hồi đi học ở với dì, mỗi sáng cá bán dạo trước ngõ tươi rói, mua về nấu ngọt cũng ngon, kho khô cũng ngon, không có chút hạt nêm, bột ngọt gì hết. Yến bỗng dưng thèm ăn cục cơm nguội với cá nục kho, ngon ơi là ngon.
Ăn cơm trưa xong, hai dì cháu nằm dưới nền xi măng đã lau sạch nghỉ trưa. Dì Phước than:
-Má mầy coi vậy mà khỏe, không có gì cho con, chẳng đứa nào bì bù so đo nhiều ít. Tự nó bương chải, không ngó chừng, ỷ lại gì hết; còn dì không dám ăn, không dám mặc, dành dụm cho tụi nó hết, tụi nó còn chê ít, kêu nhiều. Dì với dượng sang tên đất cho tụi nó hết rồi, còn miếng đất rẫy đây chớ mấy, mai mốt cũng tụi nó hưởng chớ ai vô, dì dượng ra đi có mang theo được chút đất gì đâu?
-Kệ tụi nó đi dì, hơi sức đâu lo, mà nghĩ cho mệt. Tụi nó nói ớn, nó nín thôi.
-Dì cũng biết vậy, nhưng có lúc nghĩ, nhớ lại những lời tụi nó nói, buồn chết được, cháu à!.
Yến chân thành:
-Đã nói đừng buồn rồi mà, mau già, mau bệnh lắm dì ơi. - Yến ngập ngừng, nhưng mà tụi nó nói gì mà dì buồn lâu vậy chớ?
Dì Phước đưa tay quẹt ngang đôi mắt ươn ướt:
-Bữa dì xuống nhà con Mai, mang cho mấy đứa nhỏ ràng bánh. thằng Tá nó nói: “Bà có của giữ đấy mà ăn, mai mốt có bệnh đau gì mướn người nuôi, chớ không ai nuôi bà đâu. Tui nói thiệt lòng tui, tụi tui không có nuôi bà được, nói trước để bà lo liệu”- cháu nghĩ coi, có buồn chết được không?
Dì Phước nói xong, khóc to lên.
Yến bất bình:
-Cái thằng vô ơn, ăn với nói, mà không chút suy nghĩ, nó ăn học chi cho uổng công. - Giọng Yến chùng lại, nhưng con Mai có nghe lời chồng nó nói không?
-Trước mặt con Mai đó chớ sao không - Dì thở dài, nó có mở nổi miệng ra đâu.
Yến chỉ biết nói lại những lời đã đôi lần an ủi dì:
-Thôi dì ơi! Nước trên cao chảy xuống thấp mà, thây kệ nó đi. Nó nói thiệt lòng nó đó, nó nói trước để dì lo liệu chớ nó có nói ngon ngọt, nói phớt để lấy lòng dì đâu? Nếu nó nói ngon ngọt mai mốt nó nuôi dì, hiếu thuận với dì, rồi nó lấy hết tiền không nuôi thì dì làm gì được nó?
Dì Phước khóc lớn hơn:
-Chẳng thà nó nói ngon, nói ngọt, mai mốt nó không nuôi, thì mình cũng còn chút hy vọng mà sống chứ cháu. Còn đây, nó nói rõ ràng là không nuôi rồi đấy - dì Phước đưa tay chùi nước mắt, nói tiếp - còn con Hiền, vợ thằng Mậu nữa. Dì nuôi thằng Mậu từ lúc ba tuổi, con dì có cái gì, nó có cái đó, có thua kém gì đâu. Dì bán miếng đất được hai trăm triệu, nó biểu đưa nó mượn, nhưng mà có còn đâu mà đưa cho nó chứ?. Dì mới bước vào nhà, nó ào lại ôm dì, vuốt ve: “má ơi! Con thương má quá! Thương như má của con vậy. Má con chết rồi, còn có má đây, mai mốt con sẽ lo cho má từ A đến Z, má con sao, má vậy!”. Nó vuốt mãi mà dì mắc cỡ, cứng mình, đứng im tần ngần, tay chân dì cứ muốn nhũn ra. Dì biết nó giả đò, đóng kịch thôi, bởi mới tối hôm trước nó điện thoại chửi dì tưng bừng, làm gì có chuyện nó thương dì nhanh chóng dữ vậy chứ?.
Yến sửng sốt:
-Đến vậy sao dì?
-Nó còn nói: “Khi con bước chân về làm dâu nhà nầy, con nghĩ sẽ lo cho má trăm tuổi già rồi. Con thương má lắm!”. Nhưng đến khi nó biết má không còn tiền, mấy tháng hổng thấy mặt nó đâu cả.
Yến bỗng cười:
-Vậy hai trăm triệu đâu? Đứa nào “bợ” rồi?
-Thì bà cả đó chớ ai, bả biểu đưa bả giữ, già để tiền trong người ai xin cũng cho hết, đưa bả giữ cho chắc ăn. Giờ cần tiêu chút đỉnh hỏi, bả nói ông chồng thua cá độ bóng đá hết trơn rồi. Chừng nào có thì trả, không ai ăn nuốt đâu mà sợ.
Yến lại thở dài:
-Thôi dì ơi! Dì có giữ cuối cùng cũng về tụi nó, đưa trước khỏi đưa sau mà dì!.
-Thì dì có nói gì với nó đâu, nhưng nghĩ tức một chút vậy thôi - giọng dì trở nên cứng cỏi - không tội gì buồn cho mệt, sống cho vui, cho khỏe thôi. Bây giờ dì chỉ chăm ngày rằm, mùng một về chùa lễ Phật, học Kinh, ăn chay. Sống ngày nào, phải vui ngày ấy, bởi không ai có thể sống thay cho mình được phải không cháu?. Nay dì biết rồi, rút kinh nghiệm.
Yến cười lớn:
-Có còn gì đâu mà rút kinh nghiệm, đưa tụi nó hết trơn rồi.
Hai dì cháu bỗng cười to hơn, giọng dì tươi tỉnh:
-Ngày xưa ông bà đặt tên cho dì là “Phước” - ai cũng nghĩ dì sẽ có nhiều phước, nhưng bây giờ thì… “vô phước” phải không cháu?
-Không phải vậy - Yến nhìn dì cười, dì có “cái phước” to đùng, mà dì không thấy đó thôi!
-Mày lại nói trêu dì rồi.
-Cháu nói thiệt mà dì!
-Cháu nói rõ dì nghe coi!
-Dì có dượng Từ luôn bên cạnh, sẵn lòng chia sẻ, yêu thương, chung thủy như vậy, còn không to thì cái gì lớn hơn?
Dì Phước cười lớn:
- Mày giỏi! Ở đây nghe tiếng chim ríu rít ca hát cả ngày, có dượng mầy…. dì cảm thấy hạnh phúc lắm!.
Trước sân, nắng đã úa vàng, những vỉ bánh đã gần khô được dượng Từ chồng hết lại. Yến bỗng nhìn ra thảm cỏ xanh phía trước thấy lòng yên bình, nhẹ nhõm lạ.
Quay nhìn sang bên cạnh, thấy dì Phước đang nằm yên, ngủ say.