Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

BAO NHIÊU LẦN TÔI ĐÃ KHÓC...




X ế trưa, chuyến xe đò liên tỉnh về tới Vĩnh Long. Tôi đeo cái túi vải trên vai, lầm lũi đếm bước trên con đường rải đá, theo bà nội, về nhà chú thím Hà. Bầu trời Vĩnh Long rộng thênh thang. Hàng cây viền hai bên lối đi. Nắng hạ vàng từng vạt đu đưa đầu cành. Những con chim ẩn trong khóm lá ríu rít gọi mời. Nhà chú Hà ở trong một xóm nhỏ. Có con đường nối ra phố chợ. Con đường đá giăm dài tưởng chừng như vô tận. Bà nội bước thoăn thoắt phía trước. Tôi lẽo đẽo theo sau. Bà nội lúc nào cũng dẻo dai, năng động. Tôi, hồi ấy, học trò, mười bốn tuổi mà ốm o, yếu đuối.

Nhà chú thím Hà là một mái tranh, nho nhỏ, xinh xắn, nấp bóng một cây bàng rậm lá.

Vừa bước vào sân, chân tôi suýt vấp phải bậc thềm vì hai mắt bận dán lên một bóng người. Một cô gái nhỏ, tóc chấm vai, từ trong nhà chú thím rón rén đi ra. Cậu học trò thành phố và cô gái tỉnh nhỏ ngỡ ngàng nhìn nhau. Cô gái khẽ mỉm cười, rồi cúi đầu bước nhanh xuống bậc thềm. Còn tôi quên bẵng mình đang đi đâu.

“Thằng cháu của thím làm gì mà ngẩn người ra thế?” Từ trong nhà vọng ra giọng nói ngọt ngào của thím tôi. Tôi đỏ mặt, khoanh tay chào người thím lâu ngày không gặp.

“Hàng xóm của thím đấy.” Thím Hà kết thúc câu nói bằng một cái nháy mắt đầy ngụ ý.

Chú Hà từ nhà sau đi lên, bắt đầu ngay bằng một câu châm chọc, “Tôi đoán là từ nay năm nào cháu tôi cũng sẽ về đây nghỉ hè.” Mặt tôi bừng nóng. Ai đã từng mười bốn, mười lăm tuổi đều cũng sẽ đỏ mặt như tôi.

Trong lúc bà nội ngồi bên ly nước chè tươi xôn xao kể chuyện thành phố. Chú Hà rủ, “Đi chợ với chú không?” Tôi hăng hái bước theo chú. Lần nào đến một nơi chốn không phải là thành phố mình, tôi đều thấy lòng xôn xao, thích thú.

Phố chợ nhỏ bé, vuông vức. Những hàng quán lưa thưa. Rải rác những quang gánh. Lác đác người đi chợ. Vài con chó quanh quẩn bên những quầy hàng thức ăn.

“Chợ chiều nên vắng vậy đấy cháu,” chú Hà giải thích. “Sáng sớm mới đông người.”

Tôi thong dong đếm bước trên lối đi hẹp giữa hai hàng quán, và dừng lại trước một sạp báo. Những tờ nhật báo kẹp trên sợi dây dăng ngang. Bà bán hàng ngồi trong bóng mát, phe phẩy chiếc quạt nan. Tôi lẩm nhẩm đọc tên những tờ báo quen thuộc mình vẫn thấy ở Sài Gòn. Vài cuốn sách mỏng cũng được cặp bằng chiếc kẹp phơi quần áo vào sợi dây dăng ngang. Trong những cuốn sách ấy, tôi bắt gặp, Đêm Nghe Tiếng Đại Bác. Cuốn sách mỏng, với trang bìa giấy trắng đơn sơ.

Tôi mừng rỡ, run run gỡ cuốn sách xuống, nhanh nhẹn trả tiền cho bà cụ và hí hửng theo chú Hà ra về. Chú Hà mua con vịt xiêm. Con vật quàng quạc bên tai hai chú cháu suốt đường về.

“Cháu mua được cuốn gì thế?” Chú Hà hỏi.

Tôi hí hửng, “Đêm Nghe Tiếng Đại Bác của nhà văn Nhã Ca, chú ạ.”

Chú Hà gật gù, “Cháu ở Sài Gòn chắc ít nghe tiếng đại bác. Ở dưới này đêm nào cũng phải nghe.”

Trong lúc cả nhà bận rộn bếp núc, tôi ngồi ở thềm nhà, mê man với cuốn sách suốt buổi chiều. Cho đến khi cô gái hàng xóm tóc chấm vai bước lên bậc thềm. Tôi cầm chắc cuốn sách trong tay, sợ nó sẽ bay vụt khỏi tay mình như cánh chim. Tôi nhìn hai con mắt đen nhánh. Hai con mắt đen nhánh nhìn tôi. Cánh mi chớp vội. Và một khóe cười mỏng manh thoáng hiện. Cô gái bước nhanh vào nhà, đi thẳng ra sau bếp.

“Cháu ơi,” tiếng thím Hà gọi, vọng lên từ sau bếp. “Có muốn phụ thím một tay làm bếp không nào?”

Mặt tôi bừng nóng. Những ngày vừa mới lớn, bất cứ người nào cũng có thể làm mặt tôi bừng nóng. Bất cứ câu chọc ghẹo – dù xa xôi đến đâu – cũng làm tôi đỏ mặt. Những nhịp tim xôn xao trong lồng ngực. Tôi nhấp nhổm trên bậc thềm. Trong lúc ấy câu chuyện về người lính ngoài mặt trận và cô em gái ở thành phố trong Đêm Nghe Tiếng Đại Bác cứ xốn xang trong đầu.

Tôi ngước nhìn những chiếc lá bàng xanh biếc, hình dung những ngón tay cô gái hàng xóm của chú thím tôi – cái người tóc chấm vai - đang phụ thím nhặt rau thơm sau bếp. Dòng suy tưởng ấy bị cắt ngang khi chú Hà xà xuống, ngồi cạnh tôi trên bậc thềm còn hâm hơi nóng của nắng mùa hạ. Chú hỏi chuyện học hành, chuyện công ăn việc làm của bố mẹ, chuyện bầy em đang lớn. Hết chuyện, hai chú cháu ngồi lặng thinh bên nhau một lúc lâu.

Bỗng chú hỏi, “Trên ấy nhà cháu có đào hầm không?”

Câu hỏi của chú dẫn tôi về thực tại của một đất nước chém giết nhau cả trong những giờ hưu chiến.

“Không chú ạ, bố cháu chỉ làm hầm trong nhà.” Tôi kể cho chú nghe về cái hầm lộ thiên trong nhà với những viên gạch chồng lên nhau, với những thanh gỗ vắt ngang, bên trên chồng chất những bao cát.

“Dưới này nhà ai cũng có hầm,” chú kể. “Chú cũng đang định đào. Chúng nó pháo kích lung tung, chẳng biết đàng nào mà tránh.”

Tôi nghĩ tới những lần Việt Cộng pháo kích vào thành phố. Đêm khuya vắng, một tiếng nổ nhỏ, nghe rất xa, tiếng gió rít trên đầu và một tiếng nổ long trời theo sau. Điệp khúc của chiến tranh. Điệp khúc của những kẻ chui lủi trong bờ rừng, trong những hang hố tối tăm, đêm đêm mò ra, gieo chết chóc, kinh hoàng.

Chú Hà xoay qua nhìn tôi, “Cháu có sợ Việt Cộng pháo kích không?” “Cháu cũng...” Tôi ậm ừ câu trả lời. Mười bốn tuổi, lòng chưa thấm nỗi sợ cái chết không hình dạng, dẫu cái chết ấy lẩn khuất chung quanh. Không chờ câu trả lời của tôi, chú tiếp, “Tối nay chú lấy ghế bố cho cháu ngủ ngoài hiên này cho mát nhé.”

Buổi tối, tôi ngồi dưới ngọn đèn dầu, vừa đập muỗi vừa say sưa đọc truyện Nhã Ca. Mãi đến khuya mới ra ngoài hiên, chui vào mùng, ngả lưng trên ghế bố, rõi mắt về phía căn nhà ở cuối dãy, nơi ánh đèn dầu le lói qua khung cửa. Thím Hà bảo nhà cô bé hàng xóm bé bỏng của thím ở đàng ấy. Tôi hít hà mùi hoa dại gây gây mọc đầy bên hàng giậu. Thím tôi bảo nhà cô bé ấy có trồng hoa lý. Đêm khuya, hoa lý thơm ngát không gian. Đêm, tôi sẽ xoay mặt về hướng ấy để đón mùi dạ lý và mơ màng dỗ giấc. Chốn ấy có một cô gái nhỏ có mái tóc chấm vai.

“Đêm,” giọng thím Hà ngập ngừng trong tiếng chó sủa ran ngoài đầu ngõ. “Nếu có pháo kích, chạy nhanh vào nhà, chui xuống gầm bàn, nghe cháu.” Thím tôi dặn dò, trước khi gài bốn góc mùng xuống dưới mép chiếc chiếu mỏng.

Tôi mơ màng trong tiếng rên rỉ của lũ ve sầu. Radio nhà ai vang vọng câu hát về một thời gạo trắng trăng thanh. Rồi tiếng nhạc chợt tắt, chắc tại đã khuya, nhà ấy sửa soạn đi ngủ. Tôi thầm hát trong đầu cho tôi nghe câu hát cuối, “vô đây em, dù trời khuya...” Gió nhẹ đu đưa những cành bàng, một đốm hỏa châu lập lòe trong kẽ lá. Tôi nằm chờ một giấc mơ. Giấc mơ mỏng mềm, có một người mái tóc chấm vai, đến hỏi mượn tôi cuốn truyện của Nhã Ca. Thế nhưng chẳng có ai rụt rè đến bên mùng tôi, ngập ngừng hỏi mượn Đêm Nghe Tiếng Đại Bác. Cũng không có hương dạ lý thoang thoảng trong thoáng gió mềm. Chỉ gây gây mùi hoa dại của loài cây mọc hoang bên hàng giậu. Đêm đầu kỳ nghỉ hè ở Vĩnh Long, tôi không kịp mơ thấy gì hết, và tôi cũng không bao giờ gặp lại cô bé hàng xóm của thím Hà – cô gái nhỏ có mái tóc chấm vai - nữa.

Mùa hè của tôi kết thúc bất ngờ như con vật tội tình bị nhát dao cắt ngang cuống họng. Thoáng mộng mơ năm mười bốn tuổi của cậu-thiếu-niên-tôi tắt ngúm sau ánh lửa lóe lên trong đêm tối và tiếng nổ xé toang màn đêm, cùng tiếng mảnh hỏa tiễn rơi như mưa rào, với tiếng la, tiếng hét, tiếng khóc vang dội trời đêm.

Đêm hôm ấy bọn khủng bố có cái tên dài lê thê Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam đã giết cô gái tóc chấm vai của tôi - phải của tôi không? – và bao nhiêu người khác nữa bằng hỏa tiễn 122 ly của Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Sô Viết.

Tôi cuống cuồng bò lê vào nhà, chui xuống gầm bàn, đầu va vào những chiếc ghế gỗ, sưng vù, tay vẫn ôm cứng cuốn sách nhàu nhò của Nhã Ca. Đêm Nghe Tiếng Đại Bác.

Ngày hôm sau, chìm giữa những chiếc áo tang nhăn nhúm, những vành khăn trắng rối tung, những thân người lăn lộn, vật vã, tôi khóc. Đó là mảnh kỷ niệm nhập nhòe của tôi với Vĩnh Long. Đó là lần tôi khóc giữa đám đông, bên những người xa lạ nhưng vô cùng gần gũi.

Tôi giữ cuốn Đêm Nghe Tiếng Đại Bác như giữ gìn bảo vật. Chứng tích khó quên của một chuyện tình – có không, một chuyện tình trẻ con? Nếu như đêm ấy những người anh em khốn kiếp kia không pháo kích vào tỉnh Vĩnh Long, biết đâu tôi với cô gái tóc chấm vai ấy sẽ còn vô số chuyện để kể với nhân gian.

Năm 1976, đối đầu với chiêu trò đốt sách của lũ cướp cạn, tôi thuê một ông thợ đóng sách đặt Đêm Nghe Tiếng Đại Bác, Giờ Thứ 25, Đài Tưởng Niệm Đen Của Bầy Diều Hâu Gẫy Cánh vào giữa hai cuốn báo Đứng Dậy của Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan rồi đóng bìa cứng. Lúc kiểm kê, bọn cướp cạn lật trang đầu, trang cuối, thấy bầy chữ nghĩa tươm mùi cách mạng, không tịch thu, và tôi giữ được những cuốn sách quý ấy một thời gian.

Cho đến khi có đứa tố cáo ông thợ đóng sách kia với gã công an khu vực. Tôi yêu mến tác giả Đêm Nghe Tiếng Đại Bác từ cái ngày Vĩnh Long xa xưa ấy, khi tôi mười bốn tuổi. Và dẫu chưa gặp Nhã Ca bao giờ tôi vẫn có cảm giác mình là người thân của tác giả, mình ở cùng xóm với tác giả Giải Khăn Sô Cho Huế.

Cho đến mãi nửa thế kỷ sau, ở Xứ Tuyết, trong lễ tưởng niệm những nạn nhân bị thảm sát ở Huế trong tết Mậu Thân 1968, tôi mới gặp (lại) tác giả Đêm Nghe Tiếng Đại Bác; cuốn sách mà tôi đã ôm cứng trong tay lúc co rúm dưới gầm bàn, tránh đạn pháo kích của quân khủng bố.

Buổi lễ trang nghiêm, u buồn. Ngôi chùa như nơi chốn nương tựa ấm cúng của những mảnh hồn lưu lạc. Nhà văn Nhã Ca của Đêm Nghe Tiếng Đại Bác, Giải Khăn Sô Cho Huế, nhà thơ Trần Dạ Từ của Thuở Làm Thơ Yêu Em trầm lắng trong tiếng cầu kinh. Những ngọn nến viền hình ảnh quê hương chữ S. Những ngọn nến nhỏ trong những lòng bàn tay bé nhỏ. Những tà áo trắng thướt tha như sương khói loang sóng nước dòng Hương. Giữa đêm u trầm tôi lao đao vấp ngã trên những nấm mồ lấp vội, hụt chân dưới hố chôn người buổi Mậu Thân khốn khó thuở nào. Nhã Ca kể về xác một người bạn tìm thấy trong hố chôn người ở Huế, tóc và móng tay vẫn mọc dài. Nhã Ca nói về nỗi băn khoăn rằng một mai người ta sẽ lãng quên những cái chết oan khiên.

Rồi ai đó kể câu chuyện về “một chiếc cầu đã gẫy.” Rồi ai đó nữa kể câu chuyện về một người mẹ bị cướp mất đứa con thân yêu giữa “cơn mộng đêm thái bình.” Những lời ca thấm tận vào từng ngõ ngách tâm hồn. Và đêm cuối mùa đông băng giá, giữa xứ sở an bình, trong lòng ngôi chùa ấm áp chân tình, tôi đã lại khóc.

Bao nhiêu lần tôi đã khóc giữa đám đông, bên những người xa lạ, nhưng vô cùng gần gũi.

Như cái lần khóc ở Vĩnh Long năm nào.






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com