M ỗi nhà mỗi cảnh, thời trẻ tôi có tới 2 Ba,2 Má, 2 bà Ngoại...Chuyện là cô Sáu em của ba tôi sanh được anh con trai thì bệnh sao đó không sanh được nữa, trong khi Má tôi mần một hơi 2 đứa con gái và đang mang bầu tôi. Thời chiến tranh giặc giã ở quê ai cũng nghèo, nhưng cô Sáu ham con quá bèn dặn Ba tôi “ Nếu kỳ này chị Năm đẻ con gái nữa, anh cho tui nuôi nhe” Tưởng ai xa lạ chớ em ruột của mình, cho cổ có mất đi đâu, chắc Ba nghĩ vậy nên gật đầu liền, Má tôi vì nể chồng nên hổng dám cãi, chớ bà cũng xót ruột xót gan.
Khi tôi vừa sanh ra còn đỏ hỏn là Cô Sáu lật đật ôm về làm khai sanh ,lấy họ Dượng tính đặt tên là Trần Ngọc Nuôi , nghe đâu thời đó có cô đào cải lương cũng tên là Ngọc Nuôi tài sắc vẹn toàn, chắc ông bà cũng muốn tôi giống như vậy nhưng nghĩ bụng phân vân “ Rủi sau này nó biết nó là con nuôi thì sao? không đựợc đâu,phải dấu biệt vụ này để lớn lên nó không mặc cảm mà mình dạy dỗ nó cũng dễ” và họ đặt tôi cái tên khác nghe cũng sáng láng và quyết chí dọn nhà lên chợ Sóc Trăng ở để bà con dưới quê khỏi xầm xì này nọ , họ hàng ai mà nói động tới con nuôi con ruột là Má tôi chửi tắt bếp!
Vậy đó, tôi đương nhiên là con gái cưng của Cô dượng Sáu, hàng xóm biết Ba Má có hai đứa con thôi, anh Tùng đi lính quanh năm, lâu lâu mới về phép , Ba tôi có cái quán hớt tóc ở đầu hẻm, gọi là quán vì nó được che tạm bợ vừa đủ kê hai cái ghế đẩu và tấm kiếng đặt dựa vách, cạnh bên treo tòn teng sợi dây nịch bằng da cũ dùng để liếc dao cạo, một cái khăn choàng ngã màu cháo lòng nhưng luôn được giặt sạch sẽ, cái kệ đóng sơ sài để dao kéo tông đơ… Đồ nghề của ba chỉ có vậy ! Nghe nói cả đời Ba ôm mỗi cái nghề hớt tóc này thôi..”Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” Nếu câu này ứng vô ba tôi là sai bét, hớt tóc mấy chục năm vẫn nghèo!
Má tôi thì giỏi giang hơn, bà bán buôn đủ thứ, nhớ hồi tôi 9-10 tuổi gì đó, Má tôi dạy thêu, dạy móc..bà vô sạp vải mua vải khúc đầu thừa đuôi thẹo về, miếng lớn thì cắt áo đầm trẻ con, miếng nhỏ thì cắt áo túi, khúc xanh nối với khúc đỏ may đồ con nít , tôi thêu vài cái bông cái hoa vô cho nổi hơn, ngày Tết đổ ra chợ bán đâu phải quần áo không mà còn kèm cả chục hủ củ kiệu, cả thúng bánh ít bánh tét..Nói chung Má làm quần quật nhưng trông thảnh thơi vì “ quen tay quen việc” Má không cho tôi đụng vô bếp núc ,chê tôi vụng về, đụng đâu hư đó..Chỉ lo học hành tử tế là được rồi, Mọi việc có Má lo, thậm chí đi học về Má dọn cơm sẳn đậy lồng bàn, tôi chỉ ăn và rửa mấy cái chén! Con cưng là con hư, sau này ra đời đi làm ăn cơm tập thể, lấy chồng cũng chưa nấu được bửa cơm tươm tất, may mà không làm dâu làm con ai, chứ Má chồng còn sống chắc tôi ra sau hè..
Tôi sống những năm tháng bình yên trong gia đình của Cô dượng Sáu mà không mảy may suy nghĩ về thân phận mình, Ba Má đã hết lòng chăm lo cho tôi, mái tóc của tôi cũng một tay ông cắt nếu nó dài quá eo, cắt ngang thôi chứ không được “ so le chiếc lá” như kiểu thời trang của mấy đứa bạn mà tôi rất thích, Ba tôi không biết cắt hay sao nhưng ông chống chế “ cắt vậy hư tóc hết con à”, tôi vùng vằng rồi cũng thôi, hồi xưa đâu có mái che trán dồ như bây giờ, chỉ rẽ đường ngôi ở giữa là xong, mà lạ hồi nhỏ tôi không để ý mình có cái trán nhô ra bướng bỉnh, cái trán mà bà Nội tôi nói đậu được mấy chiếc máy bay và hai cái răng cửa làm đủ bộ ván ngựa ( nguyên văn )
Quần áo tôi cũng một tay Má may, đồ bà ba, đồ bộ, áo đầm kiểu này kiểu kia Má tôi chế ra đủ thứ, Má nói đồ chợ may không chắc đường kim mối chỉ, tôi nghĩ Má sợ tốn tiền thì đúng hơn, còn nhỏ mặc sao cũng được, so với con hàng xóm thì trông tôi tươm tất lắm.
Khi tôi đậu đệ thất trường Hoàng Diệu, Má tôi lại tự mua vải ka tê về nhà may áo dài, lớp 6-7 thì suông đuột thùng thình cũng không sao nhưng khi có eo có co mà Má vẫn dành may thì tôi phản đối tới cùng, năn nỉ riết Má mới chịu cho ra tiệm may, Má sợ tôi đua đòi! nhưng Ba tôi thì khác, tôi ỉ ôi thế nào Ba cũng cho tiền may cái quần ống loe mode híppy thời đó, mỗi lần mặc phải lén đừng cho Má thấy.
Nhà nghèo nhưng yên ấm, hạnh phúc, tôi lớn lên từng ngày nhờ gánh cơm tấm bánh mì bì của Má dạo quanh xóm mỗi sáng khi tôi đến trường, và cái tông đơ của Ba suốt những năm tháng “húi cua” các ông các cậu qua mấy thế hệ trong vùng, có những buổi đắc khách Ba đứng rả chân và những khi ế hàng, Má cũng lội rả giò để bán cho hết phần quang gánh.
Má tôi tuổi Mùi Ba tôi tuổi Sửu kỵ khắc “ tứ hành xung” nhưng hai người chưa bao giờ cải nhau trầm trọng, nếu có chắc là vì tôi nhiều hơn, trời mưa đi học về ướt dầm tôi bị sốt, ba tôi ra vào hết sờ trán con rồi lại ra bàn thờ đốt nhang lâm râm khấn vái “ con cháu nhỏ dại xin ơn trên tha mạng nếu nó có lỡ lầm gì’(!) Má tôi thì nhất định ép uống mấy viên “ ốp ta li đông” trị cảm, thế là cải nhau vì cách điều trị. Lên bàn ăn tôi thò đũa đâu Ba cũng cản “ từ từ con, bệnh mới bớt ăn coi chừng trúng” Má thì biểu “ ăn cho nhiều vô mới có sức “ đói ăn rau, đau uống thuốc có gì mà cử”
Vậy là “ tứ hành xung “ xảy ra.!
Chuyện Ba Má tôi viết cả đời không hết, sống từ nhỏ đến lớn kể ra biết bao nhiêu là vui buồn thăng ít mà trầm nhiều trong cái gia đình nhỏ đó, tôi cũng không nhớ chính xác là lúc nào thì tôi biết được “ lý lịch” con nuôi của mình, bà con thì cũng hay nhỏ to “ mày là con Ông Năm mà “ nhưng đâu có nghe cậu mợ Năm xác nhận gì đâu, Mỗi mùa hè tôi vẫn lên Sàigòn ở nhà cậu và chơi với mấy đứa nhỏ,
Anh Tùng tôi cưới vợ và bà chị dâu gọi tôi là “ cô Út” ngọt xớt , lúc đầu chị em còn vui vẻ với nhau vì suýt soát vài ba tuổi, chỉ siêng làm bánh “ thục linh” cho tôi ăn, nhưng vài tháng sau bổng chị trở bệnh bất thường, do bị chứng hoảng loạn tâm lý nào đó mà bác sĩ cũng bó tay. Ba Má tôi lại khổ sở khi thấy con dâu cưng của mình thỉnh thoảng tóc tai rũ rượi, cười khóc vô hồn, Má đi coi “ Thầy Năm nước lạnh” trong hẻm thì thầy phán là bị ma ám, thế là nhà tôi ngày đêm ngập mùi nhang khói, Ba Má tôi hì hục lạy xin “ Cửu huyền thất tổ” phù hộ độ trì cho con dâu khỏi bệnh, lo cơm dưng nước rót để dâu khỏi động móng tay.Ông bà lo cưng dâu mà quên ...cưng tôi, nghĩ lại hồi nhỏ sao lòng ganh tị “ cà nanh” lớn quá, trong lần cải cọ nào đó với bà chị dâu, tôi buột miệng “ bây giờ ba má thương chị hơn thương tui, bởi vì tui là con nuôi mà” Má nghe giận lắm, bà kéo ra góc bếp chửi một trận te tua “ sao ngu vậy, nói ra chi cho chị dâu mày không nể, con nuôi hay con ruột thì cũng là con nhà này, sở dĩ tao với ba mày dấu không cho mày biết gốc tích là để nuôi dạy mày đàng hoàng , mày không mặc cảm này kia…”
Ba thì buồn hiu phân trần “ coi như con mượn bụng Mợ Năm mà chun ra làm con của ba, lúc nào Ba cũng thương con hết”.Thiệt tình tôi cũng thấy mình ngu hết sức.
Sau 1975, Cậu Năm từ Sàigòn xuống Sóc trăng trong tư thế của bên thắng cuộc, ông hỏi coi thằng Tùng có ra trình diện đi học tập chưa? trong nhà có chứa súng ống hay văn hóa phẩm đồi trụy thì phải khai nộp cho cách mạng! Cái điều tôi sửng sờ nhất là ông đòi bắt con “ Nó phải về với tôi, vì bây giờ gia đình Cô là sĩ quan ngụy, nó không thể tiến thân được, nó phải đổi trở lại họ Lê trong gia đình cách mạng …” Má tôi cố nói giọng cứng cỏi “ con anh thì anh bắt , ăn thua tấm lòng của nó thôi” còn Ba Sáu tôi thì nước mắt ròng ròng khi nắm tay tôi “ cậu Năm nói phải đó con, còn học hành tương lai nữa, con ráng vô Đại học nhe con, Ba Má lúc nào cũng thương con hết” Mà thiệt vậy mười mươi tôi cũng là con cầu con khấn của nhà này, bao nhiêu năm nay tôi đã sống bình yên hạnh phúc trong tình thương yêu đùm bọc của Ba Má Sáu. thì lẽ nào tôi quay lưng để trở về gia đình ruột của mình sao đành!
Trong đời có biết bao cuộc chia ly, nhưng có lẽ đó là lần chia ly sầu thảm nhất mà mỗi lần nghĩ tới tôi cứ rưng rưng vì thương Ba Má, như có giọt nước mắt của Ba rơi xuống cánh tay tôi và đọng lại ở đó suốt đời!
Những năm tháng trong tù, Má hay gửi cho tôi những lá thư viết sai chánh tả “con gáng cải tạo tốt để nhà nước cú sét sớm chở dìa sống dới gia đình, Ba Má cũng khẻo..” mà lần nào nhận được tôi cũng khóc rưng rức vì thương . Ông bà ráng lặn lội lên thăm tôi tận trong rừng núi Tánh Linh ngoài Trung được 2 lần, quà chỉ là muối xả, muối tiêu, cải khô cải muối mà sao ngọt tình ngọt nghĩa quá chừng, lần đi thăm cuối cùng Ba than mệt tuổi già sức yếu, chắc không lên con được nữa, ráng xách hai trái dừa xiêm gọt vỏ khô khốc cho tôi, cây dừa trong sân chờ con về hoài mà không thấy.. Lần thăm nuôi sau nữa Má đi một mình, Ba tôi đã chết gần giáp năm,tôi khóc sưng mắt khi nghe tin này…” Con là con của ba, ba đã mượn bụng người khác sinh ra con” Trời ơi! tôi chưa có một ngày đền đáp công ơn dưỡng dục trời biển này.
Rồi Má tôi cũng mất sau đó không lâu, hai đám tang đều hiu quạnh trong cảnh nghèo khổ , không có con cái bên cạnh, phải nhờ gã khờ nào đó trong xóm bưng dùm lư hương , nghe mà thảm thương trong dạ, Ba Má không thể chờ đợi ngày con mãn tù hay sao Ba Má ơi!
Rồi tôi cũng trở về quê sau mười mấy năm lưu lạc , thăm mộ Ba một nơi, mộ Má một nẻo, cỏ dại mút đầu nhang khói đìu hiu, tôi khấn vái để đưa Ba về nằm cạnh Má cho vẹn nghĩa tình, sống đồng tịch đồng sàng. chết thì đồng quan đồng quách, “ tứ hành xung” còn có ý là ông bà sống với nhau không đặng hào con , hào của nhưng yêu thương chăm sóc cho nhau đến lúc bạc đầu.
Tôi cũng tìm thăm anh Tùng, gia đình anh sống chui rúc trong rừng cao su đói nghèo lận đận, hai anh em ôm nhau khóc ròng trong ngày gặp lại sau mười mấy năm biền biệt. Là một sĩ quan tình báo trong QL/VNCH anh biết chắc ra trình diện là chết với Cộng Sản ,nên anh liều mình đổi họ tên lý lịch và biến vào rừng sâu sống đời ẩn dật để chờ cơ hội vượt biên.
Khi chính phủ Mỹ mở chương trình H.O, là người trốn “cải tạo” như anh thì làm sao đây, may là có người bạn thân mới đi tù về, anh liền gởi vợ con cho anh chàng làm hồ sơ đi Mỹ. Thú thật tôi bị “sốc” với sự chồng chéo này , nhưng anh cũng dằn nén cảm xúc để chia tay, “chị ấy theo anh mười mấy năm nay đói khổ bệnh hoạn đủ điều, hãy để cho chị em được hưởng hạnh phúc trong cuộc sống mới” Ai biết được trái tim anh tan nát chừng nào.
Tôi xót xa khi thấy anh ở lại một mình trong căn chòi tranh giữa đồng mưa nắng, rủi ro bệnh hoạn...
Tôi theo chồng qua Mỹ chừng vài năm thì anh cũng được con gái bão lãnh qua Mỹ theo diện đoàn tụ. Cả nhà lại xum họp nhưng nghe đâu bà chị dâu tôi đã không trở về mái nhà xưa. Bà đã nặng nghĩa với người chồng H.O. Và anh Tùng buồn nhưng không trách. Có trách chăng là trách Cộng Sản đã cướp miền Nam, gieo bao thảm họa cho đất nước này. Lỗi do thời cuộc, do vận nước đổi thay đã làm tan nát tất cả, biết bao gia đình phải chịu cảnh chia lìa, mất mát, có cả những cái chết thê lương, mà gia đình nhỏ của anh cũng phải chịu đựng những hệ lụy đau buồn đó.
Tôi nghĩ bây giờ chắc Ba Má đang thanh thản trên cõi Trời để phù hộ cho anh em chúng tôi hôm nay được sống bình an hạnh phúc ở xứ người, dù trể muộn nhưng vẫn là phước đức mới có được
Lòng tôi luôn nhớ ơn nuôi dạy của Ba Má, và khấn nguyện rằng “nếu quả thật có luân hồi thì con nợ Ba Má một kiếp tái sinh để đền ơn dưỡng dục”