Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



- LỤC TÀU XÁ -
CHÍ MÀ PHÙ - BÁNH TRÔI TÀU



C uối Thu trời se lạnh, sang đầu Đông trời đã lạnh, tôi lại nhớ đến các món ăn nóng hổi, bốc hơi nghi ngút, rất hợp với thời tiết này; Đó là ba món ngon rất quen thuộc với người Hà Nội, bản thân tôi cũng đã được ăn từ lúc còn bé tí và quen gọi là Lục Tào Xá-Chí Ma Phù còn Bánh trôi Tàu vẫn là Bánh trôi Tầu.

Ba món này có xuất xứ từ những người Hoa ( Dân Hà Nội quen gọi là Tầu với ý thân mật ) sinh sống ở Hà Nội lâu đời làm ra, và có lẽ sau một thời gian khá dài họ đã gia giảm những “thuốc nấu” bí quyết nên rất hợp “miệng kẻ sang có gang có thép” Hà Nội. Thưởng thức xong chỉ thấy xuýt xoa khen ngon, chẳng thấy ai chê này nọ…

Lục Tàu Xá nấu từ đậu xanh cùng với đường kính, chín nhuyễn không đặc cũng không loãng mà sánh, chỉ ngọt thanh thanh, ăn thấy thơm mùi gừng, vỏ quýt và một số vị nữa thuộc về bí quyết không biết là gì. Do vậy hương vị của Lục Tàu Xá rất khó tả, tùy theo cảm nhận mỗi người…

Có người đã gọi Lục Tàu Xá là chè đỗ xanh nhưng không chính xác, bởi chúng chỉ giống nhau ở nguyên liệu đậu xanh, đường kính còn hương vị khác nhau xa. Chè đậu xanh thơm mùi Va ni, còn Lục Tào Xá thơm mùi…bí quyết, vị cũng khác hẳn!

Chí Mà Phù là chè nấu bằng vừng (mè ) đen, nhìn màu đen đen tưởng khó ăn nhưng lại có hương vị thơm thơm ngậy ngậy của hạt mè đen, ăn ngọt mát lại nóng hổi rất hợp với thời tiết lạnh.

Bánh Trôi Tàu được làm từ bột gạo nếp dẻo, nước sánh ngọt và thơm mùi gừng. Bát bánh trôi bao giờ cũng chỉ có hai chiếc bánh nhỏ, một bánh nhân mè đen và một bánh nhân dừa.

Một thời gian Lục Tào Xá-Chí Ma Phù-Bánh Trôi Tàu ở Hà Nội tưởng như mai một vì lý do tế nhị, nhưng rồi lại xuất hiện, ban đầu chỉ…giông giống, sau càng ngày lại càng thấy…như cũ!

Vào thập niên 90 tôi cũng hơi bất ngờ khi được bè bạn cho biết Nghệ sĩ ưu tú Phạm Bằng mở quán Lục Tào Xá-Chí Ma Phù-Bánh Trôi Tàu ở chính nhà ông-30 Hàng Giầy. Tôi vốn mến mộ Phạm Bằng một diễn viên hài kịch diễn rất có duyên “diễn cứ như không”, nên thỉnh thoảng cùng vài người bạn lên đây thưởng thức. Quán do bà vợ ông-một người con gái Hà Nội xưa kém ông 8 tuổi, một phụ nữ đã “góp 98% vào thành công của mình…” như ông nói-quán xuyến. Năm 2003 bà mất, ông bị khủng hoảng tinh thần một thời gian; Rồi tới năm 2012 Quán đóng cửa vì ông lâm trọng bệnh, sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư gan, ông đi theo bà ngày 31/10/2016 hưởng thọ 85 tuổi. Kể từ khi ông ốm phải đóng cửa, mãi 5 năm sau (2017) con trai út của ông mới mở cửa trở lại. Hồi đó, có những lần vào buổi tối mùa Đông tôi theo bè bạn lên đây, gặp ông Phạm Bằng hôm không có lịch diễn, trực tiếp bán hàng, chúng tôi nói chuyện rất vui vẻ. Ông Phạm Bằng với thói quen nghề nghiệp nói chuyện với tôi rất…Kịch! Tôi cũng…Kịch lại. Nghe chúng tôi đối đáp với nhau, nhiều người lại tưởng tôi cũng là…diễn viên!

Lâu lắm tôi không lên “Quán Phạm Bằng” nghe nói năm 2017 khi anh Phạm Thanh Tùng là con trai út của ông mở cửa trở lại, giờ mở cửa là 15g30 mà khách đã đến trước hàng tiếng để chờ và ông chủ phải kính mời khách xếp 2 hàng, 1 hàng ăn tại chỗ, một hàng mang về! Đến giờ vẫn cứ đông như vậy! Không hiểu dân Hà Nội khoái khẩu món Lục Tàu Xá-Chí Mà Phù-Bánh Trôi Tàu hay tỏ lòng ngưỡng mộ cố Nghệ sĩ ưu tú Phạm Bằng? Có lẽ cả hai!






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com