Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



BÊN BỜ KÊNH TẺ



T ôi đang ngồi ở một quán cà phê ven con lộ vắng chạy cong cong theo bờ kênh Tẻ. Đây là quán thứ ba kể từ buổi trưa nay. Tôi loanh quanh trên con lộ mới này, gọi là mới, vì tôi đoán chừng con lộ và cả khu dân cư này được xây dựng chưa tới hai mươi năm. Năm 1995, trước khi tôi rời Saigon, thì nơi đây vẫn còn là cánh đồng mênh mông cỏ lác.

Ngày mai tôi lại xa Saigon rồi. Ba mươi ngày sống với ngờm ngợp bằng hữu, sống tung tăng với bờ cây góc phố xưa, chạy xe gắn máy một mình loanh quanh hết đường này qua ngõ nọ, nơi đâu cũng bát ngát những kỷ niệm, những ân tình ngày xưa gieo xuống, sống tận cùng mỗi khoảnh khắc khi thức dậy buổi sớm mai, và kể cả khi nằm ngủ để hiểu được rõ rằng mình không đi tìm cái gì hết, mà thực sự là về để được sống với một thời quá khứ. Ngày chót trước khi rời Saigon, tôi không giữ một cuộc hẹn nào với các thân tình, mà muốn một mình tận hưởng được sống với chính mình.

Tôi sinh ra ở Hà Nội, mà lớn lên ở Saigon. Vùng đất sống dài lâu nhất là khu vực giáp ranh quận Năm với quận Nhất - khu vực chân cầu chữ Y - sau đó vượt qua dòng kênh Tàu Hủ, và sống ven dòng kênh Tẻ. Kênh Tàu Hủ và kênh Tẻ là hai dòng kênh song song, chính giữa là quận Tư. Còn bây giờ, tôi ngồi đây là bên kia dòng kênh Tẻ. Cùng bắt nguồn từ sông Saigon, kênh Tàu Hủ chạy dọc theo quận Nhất, cùng với kênh Tẻ chảy song song vào đến ranh giới quận Năm thì gặp nhau tại ngã ba sông có Cầu Chữ Y, hai con kênh nhập lại thành một chạy về phía tây, chạy tuốt xuống Long An và chảy ra sông Vàm Cỏ Đông. Kênh Tẻ lớn hơn kênh Tàu Hủ. Theo Sài Gòn Năm Xưa của cụ Vương Hồng Sển, con kênh này được đào từ năm Kỷ Mão 1819 thời vua Gia Long, và người chỉ huy việc đào kênh là Huỳnh Công Lý, nhạc phụ của vua Minh Mạng. Khi kênh đào xong được đặt tên là An Thông Hà. Nhân vật Huỳnh Công Lý này khá đặc biệt. Nguyên do là khi vua Gia Long gần mất, có ý muốn lập tự quân là người nối ngôi, triều đình chia thành hai phe, một phe đề nghị lập hoàng tôn là con của hoàng tử Cảnh đã mất, một bên muốn lập một vị vua lớn tuổi hơn để giữ giềng mối. Cuối cùng, Gia Long nghiêng về phía lập con lớn tuổi nối ngôi là Minh Mạng.

Khi Minh Mạng lên ngôi, phe nghiêng về lập hoàng tôn trong đó đứng đầu là Tả Quân Lê Văn Duyệt đang là Tổng Trấn Gia Định Thành. Trước nhất đây là một vị tướng dày công lao, thứ hai là đang cầm đại binh trấn đóng phương xa và thứ ba, uy tín của vị lão thần quá lớn nên không thể ra mặt trị tội, Vua bèn sai nhạc phụ mình là Huỳnh Công Lý vào làm Phó Tổng Trấn, có thể cũng là để kiềm chế bớt uy quyền của Tả Quân. Huỳnh Công Lý có công đào An Thông Hà, và có thể cậy công, cậy là cha vợ của vua nên khi vắng mặt Tả Quân đã làm một số điều vi phạm. Tả quân làm phiếu trình tội lỗi của Huỳnh Công Lý dâng về kinh xin trị tội. Vua Minh Mạng muốn trì hoãn nên ra lệnh giải Huỳnh Công Lý về kinh xét xử. Tả Quân biết ý vua, nhưng cậy mình có Thượng Phương Bảo Kiếm chém trước tâu sau nên ra lệnh chém và gửi thủ cấp về kinh. Hiềm khích vua tôi càng thêm nặng nề nên sau khi Tả Quân từ trần, Án Sát Gia Định Thành là Bạch Xuân Nguyên cùng các quan ở trong kinh thành Huế đồng loạt dâng biểu kết tội. Chuyện này đã làm con nuôi của Tả Quân là Lê Văn Khôi nổi loạn, chiếm đóng thành trì chống trả với triều đình suốt ba năm từ 1833 tới 1835.

Trong nghiên cứu “Lê Văn Khôi và sự biến thành Phiên An (1833-1835), GS. Nguyễn Phan Quang cho hay, cuộc nổi dậy này, lại thêm có Xiêm La, Cao Miên hưởng ứng với Khôi, nên rất mạnh. Vua Minh Mạng bởi việc này, mà nổi trận lôi đình, trách tội Lê Văn Duyệt nuôi mầm tai họa, án hậu tử của Lê Văn Duyệt sau đó hình thành. Sau khi bình định được thành Gia Định, vua cho giết sạch thành rồi, truyền đem hết cả những thây đó vào chôn chung một huyệt tại làng Chí Hòa bây giờ, được tục kêu là “Mả Ngụy”. Ấy là việc ghi chép chung về hậu kết cuộc nổi dậy, cả thành Phiên An tất thảy đều bị giết hết”.

Cũng khu vực giữa hai dòng kênh này, nhất là bờ phía nam kênh Tẻ, vào thời gian từ năm 1945 đến 1960 là mật khu của quân Bình Xuyên. Theo Wikipedia ghi lại là: "Sau khi quân Anh-Pháp gây hấn ở Saigon (23-9- 1945), nhiều lực lượng quân sự chống Pháp tự phát được thành lập. Người lập bộ đội thường lấy tên của mình đặt cho lực lượng trong vùng, như bộ đội Tân Quy cũng được gọi là bộ đội Dương Văn Dương, hay gọn hơn là bộ đội Ba Dương. Bộ đội Nhà Bè mang tên bộ đội Hai Nhị, Hai Soái... Khi Dương Văn Dương, thủ lĩnh các nhóm giang hồ Nam Bộ, thống nhất các lực lượng quân sự chống Pháp ở Tân Quy, Tân Thuận, Nhà Bè, Thủ Thiêm, ông đã chọn cái tên "Bình Xuyên" để đặt cho lực lượng thống nhất này. Đây là tên chữ trên bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn để chỉ vùng Hố Bần, còn gọi là Xóm Cỏ, địa bàn hoạt động của lực lượng này. Cái tên "Bình Xuyên" còn hàm chỉ: "Bình" gợi chiến công đánh chiếm và bình định, còn chữ "Xuyên" để chỉ vùng chi chít sông rạch."

Bình Xuyên là một tổ chức tự phát tập họp nhiều thành phần là giang hồ tứ chiếng, có nông dân chân lấm tay bùn, có nho sinh, hào kiệt khắp vùng lục tỉnh Nam kỳ, nhiều tay kiệt liệt võ nghệ cùng mình mà cũng nhiều tay du đãng quanh vùng Sài Gòn - Chợ Lớn về đầu quân lập nghiệp. Sau năm 1955, khi bị đánh tan, số còn lại của lực lượng kéo về Rừng Sác rồi tan biến dần trong dân gian. Khu vực bên kia cầu Kênh Tẻ là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quân Pháp với Bình Xuyên, giữa quân đội Ngô Đình Diệm với Bình Xuyên và cả giữa các băng nhóm khác nhau của Bình Xuyên tranh giành quyền lợi đánh lẫn nhau. Tàn chiến cuộc, biết bao nhiêu xương cốt, vũ khí bỏ hoang phế nơi ruộng lầy, nơi đầm nước, nơi kênh rạch mà dân cư lâu lâu lại tìm thấy.

Khi về cư trú vùng xã Tân Quy Tây, huyện Nhà Bè, tôi ngạc nhiên khi gặp chỉ trong một ấp là Ấp 4 nơi tôi ở có tới cả chục người tên Gấu: Ông Tám Gấu sửa xe, ông Hai Gấu bán tiệm tạp hóa, chàng thanh niên Gấu làm nhân viên xã... Hỏi ra mới biết trong vùng có một vị Thầy Ngải thuốc Nam, chuyên bốc thuốc, coi bói, cúng kiếng mà dân rất nể trọng. Gia đình nào có con sợ khó nuôi đem đến thầy xin cúng thế, thầy cúng rồi cho bùa ngải đeo trên người cùng lúc đặt tên lại, và không rõ thầy thờ gì, nhưng đa số đặt tên là Gấu. Khi tôi tới đó, ông thầy đã mất rồi, chỉ có một nhân vật lạ lùng ở ngay trong xóm tôi là cậu Hai Gấu làm tôi nhớ hoài.

Cậu Hai Gấu khoảng ba mươi tuổi, dáng người thanh mảnh, mặt mũi sáng sủa, thường mặc nguyên bộ bà ba trắng sống trong một khu vườn cây trái rộng, có một căn nhà xây, mái ngói cổ kính khá lớn, nằm lẩn sau những tàn cây um tùm hoa trái.

Thường mỗi buổi chiều, cậu thong thả đi dạo xóm trên xóm dưới, chỗ nào cũng được chào hỏi trân trọng. Có lần đứng trước cửa nhà, thấy cậu ta đi ngang, miệng cười vui vẻ, tôi cũng chào hỏi, cậu ta dừng lại chuyện trò hỏi thăm gốc gác, công chuyện làm ăn và rủ bữa nào rảnh ghé vô em làm vài chung rượu nghe anh Bảy.

Một bữa rảnh rang, tôi đi sâu vô xóm, quẹo trái quẹo phải theo hàng rào cây lá, đi tiếp nữa cho tới khi nhìn trước mặt là ruộng lúa, xa lắm mới có một mái nhà. Mùa này trời mưa nên vùng nước lợ đã ngọt lại, bà con có thể gieo trồng lúa, khác với mùa nắng, nước nhiễm mặn bỏ mặc cho cỏ lác mọc bạt ngàn.

Vui chân đi cho đến khi trời chập choạng mới tìm đường quay về, tới gần xóm thì trời đã tối hẳn. Tôi đi từ phía ruộng lên nên đi vào phía sau nhà cậu Hai Gấu. Từ cuối vườn tôi thấy một cái miếu nhỏ sáng đèn nhang, thấp thoáng có bóng người, rồi cậu Hai Gấu lên tiếng hỏi anh Bảy hả, đi đâu về phía này vậy, ghé vô chơi.

Tôi ghé vô và được mời vào cái bàn có sẵn hai băng ghế đá ngay trước miếu. Trong miếu không có bài vị hay hình thờ, mà trang trọng trên bàn thờ, là một cây mác cụt cán bày trên giá gỗ, phía sau là một khung hình có chữ Tâm. Quen với cậu Hai Gấu rồi, tôi được mời dự một buổi cúng tổ vào giữa tháng Giêng. Bữa đó tôi mới biết đằng sau cái dáng vẻ thanh mảnh nhẹ nhàng đó, cậu Hai Gấu là một nhân vật có võ công như phim chưởng, cậu bay nhảy từ dưới đất lên đọt cây, từ đọt cây này chuyền qua đọt cây khác hai tay liên tục đưa ra những chiêu thức lạ mắt và nghe gió lộng vù vù một khi cánh tay vung lên. Cũng bữa đó, tôi được giới thiệu nhiều tay mã thượng giang hồ, tên chỉ là hai chữ Tư Bân, Mười Tổng… khuôn mặt phong trần gân guốc, tuổi tác có khi lên tới 70, râu tóc bạc phơ, ngồi nói chuyện mà luôn tỏ vẻ kính trọng một câu thưa cậu Hai, hai câu thưa cậu Hai. Tới lúc làm lễ họ đồng loạt ra trước miếu múa võ cúng tổ, đường quyền cứng cáp mạnh bạo, khi di chuyển nhẹ nhàng thanh thoát như một vũ công. Tàn cuộc lễ, họ trải hai hàng chiếu giữa sân, mọi người ngồi chung quanh, có hai cây đàn guitar phím lõm, một cây đàn nhị, một cây đàn gáo và nâng ly rượu hát hò xướng họa với nhau.

Tôi đã từng đi coi cải lương, nhưng tuồng tích là chính, chưa bao giờ thưởng thức thực sự âm điệu kỳ diệu của vọng cổ. Ở đây trong vòng tròn, người ta hát những làn điệu dân ca xưa cổ như Nam Bình, Nam Ai, Tống Biệt, Khốc Hoàng Thiên..., lời ca là nỗi niềm riêng của huynh đệ giang hồ nghe buốt dạ:

Mấy khi rồng gặp mây đây
      Để rồng tâm sự với mây đôi lời
     Nữa mai rồng ngược mây xuôi
     Biết bao giờ nối những lời rồng mây...

Đêm đó cậu Hai Gấu mặc bộ bà ba trắng như bình thường, nhưng khác hơn là trên đầu quấn cái khăn nâu, cột sau ót giống như một cái nón, lưng thì cột một khúc vải cũng màu nâu sẫm, thắt lại bên hông thả tua xuống đùi, chân mang giày vải bó chân. Vòng tròn hơn hai mươi người nhưng không ai nói chuyện riêng, chỉ chăm chú nghe từng người hát, rượu không rót ra ly mà đựng trong bầu, họ chuyền tay nhau mỗi khi uống xong, giữa vòng tròn người là khoảng trống không có thức ăn mồi nhậu gì cả.

Chừng giữa buổi, cậu Hai Gấu đứng dậy, bước ra giữa vòng, cung tay bái về phía miếu, và vòng tròn rồi bắt đầu đi quyền.

Nghe hung tín Nhị Ca đà thọ khổn.
     Hồng Đào San em quay ngựa trở về đây.
     Kìa! Giữa pháp trường cát bụi mù bay,
     Quân đao phủ sắp ra tay hành quyết.
     Khoan khoan, hãy để anh cạn phân đừng giết oan một trang hào kiệt, nghe lời anh đình thủ bớ La ... Thành.

Một ông lão tóc bạc, tướng mạo hùng vĩ, đột ngột đứng lên hát tiếp...

- Thôi rồi một lưỡi gươm đưa đã dứt mạng anh hùng.

Đơn Nhị Ca ơi còn đâu một đời ngang dọc, quyết vẫy vùng cho rõ mặt núi sông. Nhớ năm xưa cùng nhau thề câu chị ngã em nâng, dẫu tử sanh quyết vẹn nghĩa kim bằng. Thế mà hôm nay u hiển đôi phang, giữa pháp trường chia tay vĩnh viễn.

Cả hai quay tròn bên nhau, lúc người này hát, người kia múa võ, thay đổi qua lại.

- Đơn Nhị Ca ơi, ôm thây anh máu thắm nhuộm chinh y.

Lòng tiểu đệ thêm não nùng chua xót. Nhớ đến câu "Tiền đồng tịch, kim bằng cộng lạc, hậu lâm nguy bất kiến đệ huynh". Đấng anh hùng đâu ngại lẽ tồn vong, nhưng chết tức tưởi ngàn thu còn di hận.

Giữa lòng đêm và ánh lửa bập bùng trước miếu, giữa không gian vừa trang nghiêm vừa hào hùng, dường như lẫn cả vào đó chất bí ẩn thiêng liêng làm tôi mường tượng ra khung cảnh của lớp người ngày xưa đi mở đất phương Nam.

Tiệc rượu kéo dài tới giữa đêm mới tàn, một số người leo lên xe gắn máy rời địa điểm, nhưng ấn tượng nhất với tôi là hình ảnh ông già râu tóc bạc phơ, phất tay đứng dậy, chào cậu Hai Gấu, và chào chung quanh bằng câu ngắn gọn, "thôi qua về nghen mấy em", và lừng lững bước ra phía sau, bên bờ rạch đã sẵn một chiếc ghe tam bản, ông bước xuống, lấy mái chèo, khua nước rồi đi xa dần giữa bóng đêm, con trăng ngày rằm soi dòng nước lãng đãng, hắt trên lưng áo một vệt như ánh bạc.

Sau này, cậu Hai Gấu mới nói cho tôi biết những lời ca đó là trong trích đoạn bài vọng cổ Tống Tửu Đơn Hùng Tín, đoạn họ hát trao đổi với nhau là lớp Tần Quỳnh khóc bạn. (http://mp3.zing.vn/bai-hat/Tan-Quynh-Khoc-Ban-Thanh-Hai/ZWZA9U0O.html)

Bây giờ khu xóm cũ không còn nữa. Tôi đã về tìm lại. Nơi đây đã được xây cất thành những tòa chung cư lớn, tân kỳ hiện đại; ruộng lúa, bờ dừa khi xưa thành những con lộ tráng nhựa rộng rãi. Tìm gặp vài người còn sót lại, họ cũng không biết cậu Hai Gấu tên họ là gì, không biết nguồn gốc miếu thờ đó là thờ ai, không biết nhóm người tụ họp cúng kiếng rồi ngâm vịnh hát hò đó thuộc hội nhóm nào và sau chót là khi khu đất giải tỏa, họ cũng chẳng biết cậu Hai Gấu lưu lạc nơi đâu, hãy còn hay đã mất.

Chỗ ngồi này với tôi hết sức thân tình và cũng thật xa lạ. Thân tình vì ngày xưa, từ căn nhà mái lá của huyện Nhà Bè, bên cạnh dòng kênh Tẻ, tôi đã biết bao lần đưa mắt ngó qua bên kia bờ kênh, chỉ là những rặng dừa nước, những chòm cây sú, cây đước, cây tràm mọc mênh mông với những khoảng trống là cỏ lác... Vùng nước lợ không có vườn cây trái và cũng chẳng có chăn nuôi. Và cũng thật xa lạ vì những tòa nhà xây dựng mỹ thuật, rộng rãi với rất nhiều những con đường mới mang tên là số thứ tự 1, 2, 3... đặc biệt là con đường đẹp với hàng cây cao và công viên chạy dài theo dòng kênh Tẻ. Từ bên này bờ kênh nhìn qua, tôi vẫn còn mường tượng ra khu xóm cũ, cái hẻm nằm sâu hun hút bên những hàng dừa...

Tôi ghé quán cà phê đầu tiên lúc giữa trưa. Đây là một tòa nhà 4 tầng, trên tầng thượng, tôi có thể nhìn thấy con kênh Tẻ nước xanh ngắt chảy mênh mông, xa hơn là những tòa nhà cao tầng của quận Tư và xa hơn nữa, lẫn trong mây mờ là tòa nhà hình búp sen ở quận Nhất, tòa nhà đang được coi như một biểu tượng cho Saigon bây giờ. Sau đó, ngại ngùng vì ngồi quá lâu, tôi rời quán, đi dọc mé kênh tìm một quán khác ghé vào. Quán này nằm sát bờ kênh, tôi nghe được tiếng rì rào sóng vỗ, thấy được khuất sau hàng cây bên kia những mái nhà nhỏ, và rõ ràng còn nhìn thấy cả tuổi thơ tôi xưa hiển hiện khi nhìn đám trẻ con nô đùa dưới dòng nước mênh mông.

Về đây và bâng khuâng giữa Đi và Về.

Tôi về và yêu thích cái không gian trầm lắng nơi này. Ngay sát cạnh những sầm uất của quận Nhất, quận Năm, là những hàng cây cao, con đường mới mở chạy ven theo bờ kênh thanh vắng ít người, tạo ra một khoảng không gian đặc biệt thanh tĩnh nhẹ nhàng.

Chữ Về và chữ Đi ám ảnh rất nhiều trong các bài thơ hay của các thi sĩ nổi danh. Nhớ có lần, ngồi với Đinh Cường và Phạm Cao Hoàng ở cà phê Starbucks, tôi bất chợt nhớ đến một câu thơ hay mà không nhớ rõ của ai: "Bao nhiêu huyết lệ trong trời đất, huyết lệ nào không huyết lệ ta...". Cả ba đều ngần ngừ không biết chắc, cái hơi thơ kiêu bạc và hào hùng đó có lẽ là của Tô Thùy Yên trong bài Ta Về. Đêm đó, Đinh Cường gửi cho tôi một email, nói rằng, về nhà vẫn luẩn quẩn suy nghĩ và đã tìm ra, đó là thơ Mai Thảo trong "Ta thấy hình ta những miếu đền":

Ta thấy nhân gian bỗng khóc òa
      Nhìn hình ta khuất bóng ta xa
      Sao không, huyết lệ trong trời đất
      Là phát sinh từ huyết lệ ta.

Mai Thảo là nhà văn, gần một đời viết văn. Văn của Mai Thảo là những lời trau chuốt, mượt mà. Những câu ông viết trong các tùy bút đã trở thành quen thuộc bởi đó là những câu được các người dẫn chương trình nhà nghề sau này thường sử dụng, và sử dụng thuần thục. Gần cuối đời, ông xuất bản một tập thơ, và cũng là tập thơ duy nhất. Khi tìm đọc lại những trang thơ của Mai Thảo, rồi nhân đó tìm đọc thêm những trang thơ của Tô Thùy Yên bất chợt tôi nhận ra mấy điều kỳ lạ.

Tô Thùy Yên người miền Nam, Mai Thảo người gốc Bắc. Cả hai là bạn thân của nhau và cùng chung một nhóm là nhóm Sáng Tạo. Mai Thảo là nhà văn, Tô Thùy Yên là nhà thơ. Hơi thơ của Tô Thùy Yên bi tráng, thơ của ông là những trò chuyện với tâm linh, với thiên nhiên mà ở đó không phải để nhìn ngắm, chiêm ngưỡng mà như một đối tượng để trầm tư, đối thoại.

Mai Thảo và Tô Thùy Yên cùng trong một thời điểm đưa ra hai bài thơ: bài Ta về của Tô Thùy Yên và bài Ta thấy hình ta những miếu đền của Mai Thảo. Cả hai bài đều là tuyệt tác, đều là những vần thơ rung động tim người, có điều hai bài đi ngược chiều nhau.

Mai Thảo sáng tác khi đang trong khoảng thời gian già yếu, nhiều trọng bệnh, trên đường đi về cõi chết, Tô Thùy Yên viết khi từ cõi chết trở về.

Cũng là Về, Mai Thảo thì thấy:

"Ta thấy hình ta những miếu đền
      Tượng thờ nghìn bệ những công viên
      Sao không, khói với hương sùng kính
      Đều ngát thơm từ huyệt lãng quên"

hay là:

Ta thấy muôn sao đứng kín trời
      Chờ ta, Bắc Đẩu trở về ngôi
      Sao không, một điểm lân tinh vẫn
      Cháy được lên từ đáy thẳm khơi…

Mỗi đoạn thơ chia hai câu trên thành lòng khao khát và hai câu dưới tự hỏi chính mình: Tại sao lại không? Bởi vì ... Nhưng tỏa trong không gian cái lòng độ lượng và thanh thản chịu đựng.

Tô Thùy Yên khi từ cõi chết trở về, cái nhìn cũng mênh mông và tráng khí:

Ta về khai giải bùa thiêng yểm
      Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi
      Hãy kể lại mười năm chuyện cũ
      Một lần kể lại để rồi thôi

Nỗi buồn của Tô Thùy Yên không thảm, mà bi tráng, thiết tha.

Ta về như hạc vàng thương nhớ
      Một thuở trần gian bay lướt qua
      Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
      Đành không trải hết được lòng ta.

Tôi ngồi đây và nghĩ tới Đi và Về. Đi Việt Nam hay Về Việt Nam. Ngay từ lúc ngồi trong phi trường ở Mỹ nghe những đồng hương nói chuyện, dường như không ai dùng chữ Đi mà chỉ nghe chữ Về. - "Về Việt Nam lần này chắc tui ráng đi Sapa một chuyến, nghe nói đẹp lắm", hay "Lần trước bà về, có ghé Rạch Giá không?".

Mỗi người về mang một tâm trạng khác nhau, cũng là thăm lại vùng đất khi xưa sinh sống, cũng là tìm gặp gia đình thân hữu, cũng là muốn hít thở lại cái không khí ngày xưa, sống lại cái không gian kỷ niệm, nhưng khi ra đi người nào cũng thấy lòng man mác.

Con ngõ nhỏ ngày xưa quanh co lầy lội, đưa về căn nhà mái tôn có giàn bông giấy tím, bây giờ con ngõ đã nâng cao, trải bê-tông sạch sẽ, căn nhà xưa đổi chủ, xây cao lên ba bốn tầng, nhưng cái cảm giác đi về vẫn là cái rạo rực như ngày xưa đi nghỉ hè xa về nhà. Dòng kênh xưa nơi mỗi buổi chiều nắng xuống, cùng một nhóm bạn trong xóm chơi u mọi, bắn bi, đánh khăng đánh đáo đã đời, rủ nhau nhảy ùm xuống bơi lội thỏa thích, thì nay dòng kênh đó có bờ bê-tông bao bọc, thiếu đi những cội cây đước cây tràm…

Trong nỗi cảm hoài của buổi trở về, chúng ta bắt gặp từ rất nhiều danh tác, từ thơ qua nhạc, cái nào cũng là một nỗi niềm u uất.

Phạm Duy ngậm ngùi: Mẹ có hay chăng con về, chiều nay thời gian đứng im để nghe...

Anh Việt Thu tha thiết: Người về, một mùa thu gió heo may. Về đâu… Có nhớ chăng những vì sao long lanh...

Nghe Trương Vũ kể nhiều đêm nằm bỗng nhớ Nha Trang tới tê người.

Nghe Phạm Cao Hoàng nhớ Đà Lạt. Nghe Đinh Cường nhớ Dran. Cái nhớ mông lung, cái nhớ dịu dàng, nhớ mà không thể hình dung ra cụ thể là nhớ cái gì. Không chắc đã là con đường xưa, ngôi trường cũ, khung cảnh chung quanh, không gian đã sống, cũng không chắc là một bóng hình, một kỷ niệm hay một rung động đã qua. Mà có lẽ nó là một tổng hợp các thứ ấy trộn vào nhau theo một thứ tự vô hình nào đó, vào một thời điểm nào đó đã ghi một dấu ấn khó phai. Có phải đó là cái hồn của nơi mình đã sống vẫn tồn tại trong lòng mình hiện tại?

Mới đây, trên Facebook, đọc được bài thơ đắng lưỡi tê môi của Hoàng Lộc, bài Anh không về nữa:

Anh không về nữa, quê nhà
      Đã quen gió táp mưa sa mất rồi?
      Anh không về nữa người ơi
      Trái tim vừa cũng hết thời yêu thương?
      Phải đi cuối lối cùng đường
      Phải đau khắp phố khắp phường người dưng
      Để khi ngoảnh lại trông chừng...

Bài thơ làm tôi choáng váng, tê điếng người. Bữa đó, dù đang bị tiểu đường, cũng ráng pha ly trà đường uống cho đỡ đắng cổ.

Đi là tìm một cái gì mới, khung cảnh mới, đời sống mới, xã hội mới và rung cảm mới. Còn Về là được sống lại với chính mình của một thời đã qua. Về là hồi sinh, là được thoải mái thả mình vào ký ức, là gặp gỡ cảm giác non nớt của mình ngày xưa, và rung động thực của mình bây giờ. Con hẻm nhỏ lầy lội uốn lượn theo bờ cỏ bụi cây ngày xưa, đưa về căn nhà mái tôn lụp xụp không còn nữa, thay vào đó là đường đổ bê-tông, căn nhà cũ đã đổi chủ xây lên cao đẹp, thế mà cái cảm giác rưng rưng vẫn không thay đổi.

Đến một tuổi nào đó, người ta ngần ngại cho những chuyến đi, nhưng vẫn náo nức thèm mong một cuộc trở về. Tôi cũng vậy. Về lại Saigon lần này, tôi không dám nhảy xuống dòng kênh bơi lội, không cần phải núp vào gốc cây trước cổng trường Nguyễn Bá Tòng nhìn em tan học về, không được đạp những vòng xe nửa đêm từ Phú Nhuận về Nhà Bè, đường vắng lặng để vừa đạp xe vừa hát um sùm... "đường thênh thang gió lộng một mình ta", cũng chẳng cần ghé cà phê Bình Minh để nhìn đôi mắt sắc như dao, cũng chẳng còn được cái thú vui đêm rằm, chèo ghe theo đường rạch đi lễ chùa Ông. Nhưng kỳ lạ là tôi thấy chẳng mất đi đâu, vẫn nguyên vẹn trong tôi cả một thời nào xa lắc, vẫn quẩn quanh bên tôi tiếng cười đùa giọng nói đặc trưng Saigon của người xưa cũ.

Nói cho cùng, trở về chính là nhân đôi kỷ niệm, được sống, được thở và được vui buồn một lần nữa cái tuổi thanh xuân đã qua của mình.

Ngày mai tôi lại chia tay với Saigon, tôi không đoán được chuyến sau về tôi sẽ gặp ở Saigon điều gì. Những gì tôi thấy và gặp gỡ trong lần về này sẽ thành kỷ niệm? Hay lần sau khi về tôi lại hoài niệm tới một khoảng xa hơn nữa? Đời sống như một dòng chảy, nhìn thì giống nhau, nhưng có ai được tắm hai lần ở một dòng nước đâu. Thương quá Saigon của mỗi lần trở lại.

tháng 3-2017





| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com