C òn vài ngày nữa mới đến Tết Đoan ngọ, mùng 5 tháng 5 âm lịch, vậy mà quê tôi đã bắt đầu rộn ràng chuẩn bị đón Tết. Miền Tây quê tôi có nhiều món ăn dẫn dã, nhưng không biết từ lúc nào, hễ đến ngày này, thì hầu như nhà nào cũng chuẩn bị món bánh xèo trưng lên bàn thờ cúng ông bà. Nhắc tới món bánh xèo, là thấy lòng háo hức, dù lớn bao nhiêu tuổi, tôi vẫn không thể nào quên hương vị bánh xèo của bà ngoại ở quê.
Hồi tôi còn nhỏ, tới ngày Tết Đoan Ngọ, má dẫn mấy chị em tôi về nhà ngoại ăn bánh xèo. Vào ngày đó, con cháu tụ về đông lắm, mà phải về trước một ngày. Cả nhà cùng làm, mỗi người mỗi việc, chộn rộn đông vui như ngày hội. Sáng sớm, bà ngoại đem thùng gạo ra cối đá để xay bột. Nhìn cái cối đá to đùng quay đều đều dưới bàn tay thành thạo của bà, tôi ngưỡng mộ lắm. Tôi xin bà ngoại cho xay bột, nhưng dù tôi gồng hết sức, cái cối cũng nằm ì một chỗ không chịu quay. Ai nấy cũng cười, bà ngoại nói: “Cái cối này nặng lắm, con bé xíu quay sao nổi, sau này lớn lên tha hồ quay nhe hông”. Vậy là tôi thôi xay, lấy cái muổng múc gạo bỏ vào cái cối cho bà ngoại xay.
Bà ngoại nói, gạo này ngâm từ đêm qua, muốn làm bánh xèo ngon, phải lựa gạo hơi cũ, gạo mới bánh bị nhão, không giòn. Tôi nói với ngoại, một thùng to như vậy xay biết chừng nào xong. Bà cười nói. Một lát xong mà. Năm nào bà cũng ngâm một thùng lớn như vầy, cho tụi con ăn cho đã, về thành phố không có mà ăn đâu. Bà ngoại xay một lát, giao cho người anh họ xay.
Bột xay rồi được bồng lại trong cái bao vải (bồng bột), đặt trong thau, lấy mấy tấm thớt nặng dằn lên trên để ra cho hết nước, sau đó lấy ra quậy thành bột làm bánh. Bột trộn với nước cốt dừa cho béo, hành lá sắc nhuyển cho thơm, một ít bột nghệ cho vàng, thêm một chút gia vị mặn mặn, ngọt ngọt. Bột trộn xong không bị nhão, hoặc quá khô thì bánh mới ngon.
Cánh con gái nhí nhố như mấy đứa tôi được phân công ra phía sau vườn hái thêm rau dại. Chua choa ôi, nhìn rổ rau sống đủ loại, nào là cải xanh, xà lách, đọt xoài, lá cóc, lá lốt, bằng lăng, rau nhái, rau diếp cá, rau quế, rau thơm... mà phát mê.
Má tôi và mấy dì bằm củ hủ dừa để làm nhân bánh. Nhân bánh còn có thịt ba rọi xắt mỏng, tép đồng, thịt vịt xiêm bằm nhuyễn nữa. Tất cả ướp gia vị, rồi xào vừa chín để sẵn.
Má tôi làm nước mắm ngon lắm, nước mắm pha bằng nước dừa tươi, chanh, tỏi, ớt. Dưa chua làm bằng củ cải trắng, củ cải đỏ xắt sợi để riêng, khi nào ăn thì cho vào chén nước mắm. Nhìn chén nước mắm sóng sánh, tỏi ớt nổi đều trên mặt, chua chua, ngọt, thấy mà thèm.
Bà ngoại đổ bánh bằng chảo gang, to hơn vòng tay của tôi, bếp củi than đỏ hừng hực, vài sợi khói mờ mờ, khiến cho căn nhà thêm ấm áp. Bà ngoại khéo tay lắm, bà lấy cái vá múc bột đổ vào cái chảo nghe “xèo xèo”, tay lắc cái chảo nhẹ một cái, bột trong chảo thành cái hình tròn vo như cái bánh tráng vậy, rồi để nhân vào, đến khi bánh vàng đều, bà xếp đôi lại, mỗi chiếc bánh được để cách nhau bằng miếng lá chuối vuông vuông đặt trong cái sàng bằng tre. Mấy đứa tôi xúm lại nhìn, vừa thán phục vừa hau háu muốn ăn. Thật là thú vị mỗi khi nghe tiếng “xèo xèo” réo lên trên chảo mỡ nóng, mùi thơm ngào ngạt bốc lên, bụng đói cồn cào.
Ăn bánh xèo phải ăn bằng tay mới đúng điệu. Bánh vừa lấy ra khỏi chảo còn nóng hổi, vàng hực, lấy tay xé một miếng bánh giòn rụm với đầy đủ nhân thịt vịt, thịt ba rọi, tép, đậu xanh, củ hủ dừa cuốn với rau sống còn tươi rói, chấm vào chén nước mắm ớt có dưa chua, cay cay, ngọt ngọt, từ từ đưa lên miệng... Hời ơi, ngon không thể tả được.
Bà ngoại thấy mấy đứa tôi ăn một cách hồ hởi, bà cười đôn hậu: “Tết Đoan Ngọ mà không có bánh xèo thì chắc gì mấy đứa về đông đủ như vầ.”. Nghe vậy, ai nấy cũng cườ híp mắt, rồi tập trung gói gói, nhai nhai, hít hà “Đã quá ngoại ơi”.
Ờ, vừa ăn bánh xèo, vừa nghe tiếng “xèo xèo” trong chão, tiếng lốp bốp khi bột xôi, tiếng giòn giòn khi bánh vàng tới. Mùi thơm của bánh tỏa khắp nơi, cảm thấy hồn quê hòa quyện, hương quê thắm đượm vào lòng.
Cái hương vị quê ấy, mặn, ngọt, chua, cay thấm sâu vào lòng, da diết khó mà phai nhạt. Làm gì, ở đâu, đi đâu cũng thương, cũng nhớ. Càng lớn, càng đi xa, càng hiểu nhiều, biết nhiều, càng lo toan, càng tính toán thì càng thấm thía hương vị quê nhà. Bất chợt, tôi nghĩ nếu đời người không có vị quê hương, thì cuộc sống nhạt nhẽo và vô vị biết bao nhiu. May mắn thay, khi trên đời này tôi còn có quê hương, có tình quê, có vị quê, có những lần về quê ngoại ăn cái bánh xèo dân dã mà tràn đầy yêu thương, ấm áp.Tôi mới hiểu, vì sao những người bà con ở nước ngoài, mỗi khi về quê là háo hức đòi ăn bánh xèo cho được.
Tết Đoan Ngọ năm nay, mấy chị em tôi rủ nhau về nhà má đổ bánh xèo. Bánh xèo bây giờ làm đơn giản hơn, mua bột pha sẵn đem về trộn bột, không còn ngâm gạo qua đêm nữa, không còn dằn mấy tấm thớt để bồng bột nữa, không còn xay bột bằng cối đá nữa, có lẽ vì vậy mà không khí cũng ít rộn ràng hơn xưa.
Bánh chín, tôi dọn một măm cũng ông bà, cúng ba, má. Mấy chị em tôi quây quần bên nhau, vừa ăn vừa kể cho con cháu nghe chuyện hồi xưa. Chị Hai pha nước mắm cũng ngon lắm, nhưng không đậm đà bằng má hồi xưa. Chị Tư đổ bánh cũng tròn lắm nhưng không khéo và đẹp bằng cái bánh của bà ngoại hồi xưa. Cái gì cũng không giống hồi xưa nữa.
Nhìn mấy đứa nhỏ ăn bánh xèo một cách vồn vã, tôi nói: “Ăn từ từ thôi mấy đứa, bột còn nhiều lắm, ăn tới mai vẫn còn”. Chị Hai tôi giật mình: “Sao nói y chang bà ngoại vậy chèn?”. Tôi cười cười, mà trong lòng vời vợi nỗi niềm quê xưa.
Nhớ quê, nhớ da diết âm thanh cót két của cái cối xay bột, nhớ đôi tay khéo léo của ngoại, nhớ lúc ngoại cười, lúc ngoại nói, ấm áp, thương yêu. Nhớ bếp lửa than hồng, nhớ tiếng “xèo, xèo” trong chão nóng. Nhớ cái bánh xèo ngày xưa ấy, tròn đầy, thơm ngát, đậm đà tình quê. Nhưng tất cả chỉ còn lại trong ký ức mà thôi. Bà ngoại đã lên trời. Má tôi cũng theo bà ngoại qua mấy cái Tết Đoan ngọ rồi, để lại trong lòng tôi nỗi niềm thương nhớ vô biên.
Ngoại ơi, con nhớ ngoại nhiều lắm, nhớ hương vị bánh xèo ngày xưa của ngoại, giờ cố tìm nhưng không còn nữa, ngoại ơi./.
(Đoan Ngọ 2021)