CHƯƠNG I
IV–QUAN THANH DÂN TỰ AN
Con trâu sào ruộng. Cái cày cái cuốc. Chiếc thuyền gỗ. Cánh buồm nâu. Treo lưới và sợi dây câu. Chèo sóng chém gió… Những thứ đó gắn vào đời sống và tâm hồn cư dân vùng đồng chua nước mặn ven sông Vân Cừ. Chế độ phong kiến cùng những quy tắc, tập quán, lễ nghĩa. Lũy tre làng lưu cựu bao đời. Vòng đê biển bao quanh, cách trở đò giang, cách trở giao lộ. Làng xã quản lý con người, phát triển xã hội lao động bằng truyền thống gia phong dòng họ, bằng văn hóa vùng miền. Đấy là những bùa ngải vô hình thắt chặt tình yêu, tình người; nhưng cũng là những chiếc “vòng kim cô” trói buộc người nông dân dẫm chân trên đất đai, rơm rạ, cỏ cây.
Năm hai nhăm tuổi, Tấn làm lý trưởng của làng. Chuyện Tấn làm lý trưởng là cả một câu chuyện vượt tề gia nội trợ của bà Lễ Đĩnh, một người đàn bà đảm đang, quyết đoán và có gan “gái góa lo việc triều đình”!
Bà Lễ Đĩnh từng phải bán mất ba mẫu bẩy sào ruộng để chạy đền cái án mèo kêu. Chỉ vì tiếng mèo kêu mà bà sạt nghiệp. Sự thể là: Nhà có lứa mèo tam thể đã đến kỳ xuất chợ. Người ta rất thích giống mèo tam thể của bà. Hôm ấy, bà đi đò dọc mang mèo con sang chợ huyện bán. Đò cập bến, bà xăm xổ cắp giọng mèo vào nách. Vừa bước bà vừa nhìn đăm đăm một ông quan đang ngồi trên lưng ngựa. Con ngựa đang uống nước. Ông quan cũng đang thả hồn sang cô lái đò. Ông quan này coi mặt còn trẻ, chắc làm to lắm, tận trên phủ trên tỉnh gì đây?... Đang vừa nghĩ vừa nhìn, bà bỗng bước hụt từ tấm ván cầu đò xuống đất, ngã chúi, va đầu vào gốc cây. Chiếc giọng tuột khỏi tay, lăn lông lốc. Con mèo trong giọng kêu “mao” lên một tiếng rất to, rồi cứ thế thét thúa như bị cắt cổ. Con ngựa bắn mình, chồm lên, thụt hai vó xuống nước, hất ông quan ngã nằm ngửa tếnh hênh. Chiếc khăn xếp nhiễu xanh trên đầu văng ra, nổi lềnh bềnh trên đám bèo bọt. Không biết mô tê gì, ông ta cứ thế hai mắt nhắm nghiền, hai tay chới với la thất thanh: Bay đâu! Bay đâu... cứu ta...
Đám quan lính nháo nhác đổ lại, chen nhau lội xuống đỡ quan dậy. Người xuýt xoa, kẻ gột rửa áo quần bê bết bùn đất cho quan. Mãi lâu mọi người mới định thần, vỡ lẽ: Thì ra con ngựa giật mình sợ hãi bởi tiếng mèo kêu đột ngột của một bà nhà quê! Tiếng mèo đã khiến quan gặp hạn, ngã một cú đau điếng, hồn vía lên mây! Còn bà cũng hết cả thần sắc, lồm cồm bò dậy, bỏ cả giọng mèo lăn lóc, chạy lại chỗ quan, vừa quệt máu trên trán vừa rập đầu lạy lia lịa. Ngài trợn mắt: Này bà kia! Con gì mà nó thét như vậy, làm ngựa ta hoảng sợ?
-Dạ! Con cắn rơm cắn cỏ lạy quan! Bẩm quan! Con mèo ạ! Con đi bán mèo, chẳng may bước ngã. Con mèo nó kêu đấy ạ! Ngàn lạy mong quan tha tội... Đám lính nhao nhao xỉa xói: Mụ có biết quan lớn đây là ai không? Dạ không ạ! Quan Tổng trấn Cung Đình Vận đấy, nghe chửa? Dạ dạ! Muôn lạy! Muôn lạy! Xin các quan lớn tha tội tha tội!... Mụ già ghê thật! Gặp quan trên về làng đã không chào bẩm, còn để mèo kêu vô trật tự. Hay bị kẻ nào xúi bẩy hại quan? Dạ không! Dạ không!... Phen này quan mà què quặt thì nhà bà vạ to! Có con mèo cũng không biết giữ mồm giữ miệng cho nó!...
Cuối cùng, không hiểu do bà van vỉ hay quan liếc mắt thấy cô lái đò xinh đẹp một tay chống sào, một tay bịt miệng vì không nín được cười mà mọi việc dịu lại bình thường? Bà lạy tạ rồi tiếp tục qua đê xuống đò ngang sang phố huyện bán mèo. Lưng áo bà ướt lạnh mồ hôi.
Tan chợ về. Bà thuật lại chuyện với ông: Nghe thiên hạ đồn quan Tổng trấn khét tiếng, ăn thịt người không tanh mà sao hôm nay lại nhân từ, đại lượng thế? May quá! Chứ không thì vạ tày liếp! Ông Lễ Đĩnh lẩm bẩm tính đốt ngón tay: Bà tuổi Dậu, chắc quan tuổi Tý, lại con ngựa gặp con mèo...? Tý, Ngọ, Mão, Dậu... Tứ hành xung... Thật phúc lớn cho bà, cho cả nhà ta! Bà bảo: Mai gặp phiên chợ Đình, tôi sắm lễ sắm quà cho ông sang tạ quan lớn đã không thèm chấp kẻ lê dân!
Chiều ấy, bà đang phấn chấn ngồi têm trầu thì ngoài ngõ có tiếng gọi mở cổng. Con chó sủa ầm ĩ. Giật thót người, bà quay ra cửa. Hai anh lính lệ cùng lý trưởng làng xăm xăm bước vào. Thôi chết rồi! Lại có sự gì đây? Tưởng chừng mọi việc qua đi! Nào ngờ một bức trát đòi bà sang huyện đường! Hôm sau bà phải vội vã sang ngay để hầu quan. Thì ra quan huyện An Bang bị quan tổng trấn trách mắng không biết nuôi dạy dân, để dân đem mèo đi bán lung tung. Mèo kêu làm ngựa sợ. Ngựa sợ làm quan ngã. Quan ngã gẫy cả tay!... Chuyến đó bà bị án nặng, phải bán ruộng để lấy tiền nộp phạt, nếu không muốn bị bỏ tù.
Nhưng chỉ sau đó ba năm cày cấy, chăn nuôi, ra rừng ra bãi chặt củi, bắt còng bắt cáy… ông bà đã vực lại được nghiệp nông gia.
Từ ngày ông Lễ Đĩnh mất, bà Lễ Đĩnh tiếp tục một mình chèo chống, mở mang cơ nghiệp. Cả cuộc đời bà dồn cho việc gánh vác và tu tạo giang sơn nhà chồng. Trên con thuyền mất người chèo lái, bà đứng thế vào tay lái với muôn nỗi gian truân. Vì quá lo lắng cho gia phong, cho con cái phải được hơn người mà bà trở nên căn cơ, cứng rắn và khắc nghiệt. Đặc biệt với cậu Tấn: Nó không thể là một thằng bé mất cha mà kém cỏi! Bà luôn miệng dạy con cái:
-Đi buôn một chuyến không bằng hà tiện một năm! Một người lo bằng một kho người hay làm! Trăm cái làm không bằng cái nết căn cơ!
Một ngày không biết bao nhiêu lần bà lặp đi lặp lại những lời dạy đó. Nó giống như những giọt nước mưa từ mái gianh nhỏ đều đặn xuống thềm gạch, thềm đá. Lâu ngày hằn thành vết, thành hốc ăn sâu.
Quanh năm tần tảo, những đống củi sú vẹt, củi gỗ núi đá, những đống rơm rạ, thùng trấu, thùng lá khô chất trong vườn, sau hè nhà đầy ắp… Mùa nào thức ấy, tha hồ đun nấu. Nhà có khách, chỉ việc rút ít rơm, xúc ít trấu vào bếp đun là có ngay ấm nước sôi sùng sục, có ngay nồi cơm thơm bén cháy vàng rộm. Đón Tết nào cũng vậy, dù gặp năm mất mùa, bà Đĩnh cũng lo bằng được gạo nếp, lá dong gói bánh chưng cho cả nhà ngồi quanh bếp lửa đêm giao thừa, để cho bọn trẻ khỏi tủi...
Thời gian đó, Vũ Chẩm, lý trưởng cũ tinh thần rệu rã, không đủ sức gánh vác việc làng. Ông ta còn mắc tội lừa dối quan trên. Ấy là cái đận đầu xuân trồng cây cho làng. Mải máu mê cờ bạc, lại nghe tay hầu cận bày mưu, ông ta cho trương tuần, thôn trưởng đốc sức dân chúng các xóm quấy quá cho xong chuyện. Lo gì! Quan huyện chả rỗi hơi đâu mà qua sông về cái xó quê này kiểm với chả tra! Không ngờ chiều hôm ấy có tin báo sáng mai quan huyện về thật. Lý trưởng vội quẳng bài, hộc tốc sai người cấp tập đào hố, kiếm cây đi trồng tức khắc. Để che mắt, ông ta cho chặt cả cành xoan, cành ổi, cành dâu da, mầm chuối cắm xuống, vun đất lại cho đủ ngả đường cái nào cũng có cây. Sáng ra các hàng cây qua đêm sương còn vẻ tươi tốt. Giá lúc này quan huyện có mặt thì không nên nỗi! Nhưng ai biết, đến gần trưa đoàn huyện quan mới kéo về. Trời nắng to, cây mỗi lúc một héo rũ. Quan huyện nghi ngờ, cho lính nhổ lên. Ai nấy ngã ngửa: Toàn cành cây với vết chặt chưa khô! Không cãi vào đâu được, lý trưởng liền bị điệu ra đình đánh một trận nên thân. Quan huyện trỏ mặt lý trưởng:
-Cả gan lừa trên dối dưới mà ngươi cũng làm quan đứng đầu làng được à?…
Làng Lụa bỗng dậy lên việc chọn cử lý trưởng mới.
Biết Tấn là người có học, các cụ trong họ họp bàn cử anh ra tranh chức lý trưởng. Cùng lúc đó, gia ổ bên ngoại có ông Bạ Miện làm Thủ bạ, Tấn gọi bằng chú, cũng đứng ra tranh chức. Vậy là hai chú cháu cùng chạy đua. Dòng họ bên ấy đã đông suất đinh, nhà ông Bạ Miện lại làm “hàng xáo” mua thóc giã gạo lấy lời. Nhưng tính ông Bạ Miên lại ki bo “trông lọ nước mắm ngắm củ dưa hành”. Đi ăn giỗ, guốc mộc cắp nách, đến nhà đám mới xỏ chân... Bên bà Lễ Đĩnh xem chừng kinh tế yếu hơn. Vả lại, Tấn còn trẻ, chỉ ham học, chỉ cốt đọc sách dùi mài văn chương. Nhưng tin vào lực học và năng lực của con trai, bà Đĩnh đã ra sức động viên và quyết chí chạy đua giành bằng được chức lý trưởng về dòng họ nhà chồng. Đã có chữ, cần phải có cả thế và lực. Bà đã chứng tỏ cho dân làng và dòng họ biết bản lĩnh “đứng mũi nổi mũi, đứng lái nổi lái” của người đàn bà góa.
Bà bàn với ông dỡ ngôi nhà lá ra xây cất lại. Cốt gỗ lim năm gian sáng bong. Tường gạch, ngói mới đỏ au. Hiên chuyền, kẻ thượng. Cửa bức bàn gỗ dổi xanh chạy chỉ ba lô. Một ngôi nhà khách ba gian cốt gỗ cũng được dựng kề vuông góc bên cạnh, quay hướng đông. Cơ nghiệp bề thế đâu vào đấy. Muốn ra làm quan, trước hết phải củng cố nhà cửa gọn gàng để tránh tiếng thị phi!
-Thưa mẹ! Mẹ để con học để con làm người như lời cha dặn, chứ con không thích làm lý trưởng, trương tuần xã dịch gì đâu! Tấn giãi bày thực lòng với mẹ: Nhưng… Sao mẹ lại thích con làm quan? Thấy con trai cự lại ý tốt của mẹ, bà Lễ Đĩnh chợt một thoáng hụt hẫng. Lát sau trấn tĩnh, bà ân cần dỗ dành:
-Làm được con ạ! Xem mặt mà đặt hình dong, con lợn có béo bộ lòng mới ngon! Mẹ biết con trai mẹ là người làm được! Phải nối dõi ông nội chứ!
-Có điều lạ là sao người nước Nam mình cứ thích làm quan, học cốt để làm quan? Người tài làm quan, hẳn một lẽ. Kẻ không tài cán gì cũng cố mua quan? Khi đã leo lên một chức sắc, tự thấy mình to ra, dễ trở thành tham tàn. Tấn nhìn mẹ, kéo dài giọng đượm vẻ khôi hài: Mẹ ơi! Làm quan thường phải ác, phải rắn! Trên thì đe dưới thì búa. Không ác không trị được bàn dân thiên hạ! Mà hiền ngu thì bị các cơ cánh chúng vin đầu dúi cổ, giật dây như giật chân gà...
Ngắm con với vẻ thăm dò, như ngắm một đứa trẻ, bà Lễ Đĩnh thầm nghĩ: Được! Tưởng thằng này cũng lý sự ra trò!
-Sao con lại nói thế? Bất kể làm gì, cũng phải lúc nhu lúc cương mới được việc! Người có tài có tâm thì làm gì cũng nên đình nên đám…
-Với lại làm quan thường sinh nhiều kẻ ghen ghét. Họ vừa thân mình đấy song lại giở giáo ngay. Như cụ Dương Đình Nghệ chẳng hạn… Cụ vừa nuôi ba nghìn con nuôi dưới cờ tụ nghĩa vừa lập công lớn chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc. Sự nghiệp đang dở dang lại bị chính thằng con nuôi thân tín Kiều Công Tiễn giết hại… Hay như trong truyện “Tam Quốc”… hai thằng lính thợ may giết chủ tướngTrương Phi…
-Đâu phải ai cũng Kiều Công Tiễn, đâu phải thằng lính nào cũng như hai thằng thợ may… Thời nào chả có người trung kẻ phản… Chẳng qua là do cụ Dương Đình Nghệ chủ quan, ông Trương Phi đối xử quá lắm với đám lính nên nó đâm lòng thù ghét… Bà nhấn giọng: Cốt yếu phải biết dùng đức mà trị!
-Đọc sách đông tây kim cổ con thấy như vậy! Nhiều người đang tử tế, khoác áo quan vào bỗng thành kẻ khốn nạn, vô lương. Quyền bính như “con ngựa” bất kham. Nó rất khó cầm cương. Người thiếu nhân cách mà cầm cương, nó sẽ tung phá, gây gục ngã làm chết như chơi. Nó còn là con dao hai lưỡi, có thể giúp đời và cũng có thể làm hại dân hại nước nếu rơi vào tay những kẻ bất tài, tham lam, ưa xiểm nịnh! Tấn cố ý nhấn mạnh: Làm quan dễ biến người thành cáo thành cầy! Chi bằng u cứ để con học tiếp để làm thầy làm thợ có hơn không?
-Ừ… Con nghĩ thế là tốt! Nhưng cũng phải biết tùy thời, tùy cảnh mà đứng ra. Như làng ta hiện nay… Ai cũng sợ làm quan, ai cũng chỉ cốt lo làm dân, không đoái trông làng nước, xã hội, thì phó mặc cho nó bát nháo à? Không ai người gánh vác làng xã thì sao còn lại giang sơn? Làng xã cũng như các bộ phận con người. Không có các bộ phận thì làm sao nên cơ thể? Cơ thể mà không có cái đầu cái óc thì… là cái hình nộm trông lúa!... Sau một thoáng thở dài, bà nhìn con, rồi quả quyết: Nhà mình khác! Con khác! Dùng đức mà trị! Dùng đức mà làm việc con ạ! U đẻ con, u thuộc cách ăn, tính làm, nết học của con… Phải nghĩ về gia phong, về danh dự dòng họ, làng xã chứ! Hôm nọ u thấy con đọc câu gì nhỉ? Về… thay cái cũ đổi cái mới, về rường cột gì gì ấy nhỉ? Đọc u nghe.
-À! Mẹ cũng để tâm cơ à? Có phải câu: ”Lương đống duy tân gia thanh phi chấn;Hoán luân y cựu thế trạch lưu phương” không ạ?
Ánh mắt bà Lễ Đĩnh sáng lên: Phải rồi! Cha tổ anh… Giải nghĩa u nghe! Tấn đọc chậm rãi: “Rường cột duy tân, gia thanh hưng chấn. Đổi thay y cựu, thế trạch lưu phương”. Đại ý: Đổi mới cái cũ, thay đổi từ gốc. Đổi mới từ nền móng rường cột... để phát triển và lưu một phương tiếng thơm cho đời... Bà Lễ Nghĩa quệt môi, ghé đằng sau nhổ nước trầu vào chiếc ống đồng, rồi quay lại: Thế mới là con mẹ con cha chứ con!
Hai bên gia ổ đã ngầm một cuộc chạy đua. Lặng lẽ và đôn đáo.
Ổ bên ông Bạ Miện, người ta mưu mẹo thuê mượn trâu bò trong làng trong họ tấp nập dắt về để phô trương. Quan huyện về làng, vào nhà Bạ Miện thấy rõ ràng nhà tranh vách đất mà sao trâu lại cột trong vườn, ngoài ngõ lắm thế. Những con trâu mộng được tắm rửa sạch sẽ, phơi lưng đen nhoáng dưới rặng xoan. Nền đất, vạt cỏ dưới chân chúng nhẵn nhụi, bằng phẳng. Cày bừa xếp một loạt tới chục cái ngoài bờ giậu mồng tơi. Lợn kêu ủng ỉnh trong chuồng chình tường đất thấp lè tè, chỉ vài bãi phân… Họ sinh nghi và đã lướt qua…
Bên này, bà Lễ Đĩnh cũng bán thóc bán lợn mua thêm ruộng, tậu thêm trâu. Năm sau, đúng dịp làng chọn lý trưởng, bà mời quan huyện về thăm gia cảnh. Bà dẫn các quan ra thăm cánh đồng, thăm bầy trâu đang kéo cày, thăm vựa lúa, chuồng trại chăn nuôi... Thấy nhà cao cửa rộng, cơ ngơi ngăn nắp đàng hoàng, đoàn huyện quan ghé vào, nghỉ lại. Thấy Tấn khỏe mạnh, gương mặt sáng sủa, nói năng lịch thiệp, đối đáp rành rẽ, tỏ rõ người có học, ai nấy gật đầu. Trong lúc hỏi chuyện đông tây kim cổ, nghe Tấn thông tường địa sử, am hiểu văn chương,.. các quan huyện cười to, rất cảm tình và yêu mến.
Cuối cùng bà Lễ Đĩnh thắng cuộc. Con trai trở thành lý trưởng làng Lụa Vân và cũng là lý trưởng trẻ nhất trong các hàng chức sắc ở Hà Yên. Cũng qua cuộc tranh chức lý trưởng cho con mà bà được biết nguyên do cái án mèo kêu, bà bị phạt, phải bán ruộng chạy án. Thực ra sau khi bị ngã ngựa, quan Tổng trấn đã tha cho bà: “Từ rày đi bán mèo bà già phải cẩn thận!”, xong thôi. Về huyện đường, quan tổng trấn có lời quở trách quan huyện An Bang không biết bảo dân, để dân đem mèo đi bán lung tung. Hai ngày sau đó, đám quan nha đã lạm quyền quan huyện, đưa trát gọi bà, dọa phạt tù. Lo sợ, bà về bàn với ông chạy bán ba bẩy sào ruộng lấy tiền đem sang xin nộp. Khi quan huyện An Bang biết vụ việc “bà già nhà quê bị phạt án mèo kêu” năm ấy hóa ra lại là thân mẫu của lý trưởng làng Lụa Vân… thì sự đã rồi!
Theo lệ làng, Tấn phải mở tiệc “khao lý trưởng”. Thâm tâm Tấn chỉ muốn làm mấy cái lễ đơn giản: hoa quả thì ra chùa, lễ mặn thì ra đình, ra Nghè, ra họ trình tạ Phật, Thánh, tổ tiên… Nhưng bà Lễ Đĩnh lắc đầu: Không được! Không được! Làm thế mất thể diện, hàng tổng họ cười cho! Con để mặc ta! Cốt lo tiếp khách khứa cho tốt…
Bà đôn đáo cho mổ lợn gà, trâu bò làm lễ khao lao cẩn thận. Để hàng tổng biết tiếng con trai, từ đó, con trai biết được nhiều người mà làm việc, bà không chỉ khao làng với đại diện dân làng. Bà còn cho mời các chức sắc hàng huyện, hàng xã đến dự cỗ khao. Nhớ lời ông Lễ Nghĩa khi còn sống kể: “Ngày xưa tổ tiên vùng làng đảo Hà Yên mình, các cụ đã rất trọng nghệ thuật ca ngâm hát xướng. Ngay đắp đập, hàn thủy đê điều, như thuở hợp long quãng đê Cống Đào chẳng hạn, các cụ cũng đón các gánh hát về khích lệ dân công trên công”… Bà liền cho mời cả gánh hát cô đầu trên Thăng Long, Nam Định về hát. Những làn điệu ca trù trầm bổng, ngân nga cùng nhịp phách “tom chát” dìu dặt trong ngôi nhà gỗ dưới lũy tre xanh. Những ả đào xinh đẹp và sang trọng, đàn ngọt hát hay, mời khéo, khiến các hàng chức sắc và người dân quê cứ há hốc miệng ra nghe. Nhà trên, nhà khách và ngoài sân đông chật. Đêm khuya, tiếng hát, tiếng đàn, tiếng xênh lắng đọng, vô cùng da diết.
Phò tá và giúp việc cho Lý Tấn có Lê Đình Kha làm phó lý trưởng, Lý Văn Đàn, hàng cháu, con một người cô họ làm thủ bạ. Họ đều là những người ngay thực, đắc lực và nhiệt tâm. Cờ đến tay ai người ấy phất. Từ bỡ ngỡ, rụt rè, dần dà Tấn đã thành thạo guồng máy điều hành làng xã. Bên cạnh đó, bà Lễ Đĩnh không lơi để mắt công việc con trai làm hằng ngày, thậm chí chú ý đến gắt gao. Đôn hậu nhưng nghiêm khắc, bà chăm sóc, hỏi han, động viên con từng lời ăn tiếng nói.
-Ở nhà thì ăn mặc quần đùi áo cộc, xuề xòa xong thôi. Ra chốn đình chung phải khăn áo chỉnh tề. Sổ sách, văn tự phải ghi chép đầy đủ. Buổi sáng không được uống rượu. Ngồi cỗ bàn không được say sưa, phải biết cầm chừng… Bà hỏi han từ cách giao tiếp, ứng xử, cách giải quyết đến kết quả làm việc và không quên dặn kỹ: Làm gì thì làm cũng phải trọng tín nghĩa, không được cho mình là to trước dân, không được bớt xén của dân. Bên mâm cơm, bà khéo léo lồng ghép các câu chuyện gần xa, bóng gió.
-Quốc chính thiên tâm thuận /Quan thanh dân tự an /Thê hiền phu họa thiểu /Tử hiếu phúc tâm khoan (Khổng Tử). Bà giảng giải nôm na nhưng đâu ra đấy: Trời và lòng người thuận thì quốc gia vững. Quan thanh liêm thì dân yên ổn. Vợ hiền thảo thì nhà chồng bớt nạn. Làm con có hiếu thì phúc đến cùng cái tâm thanh thản… Hoặc: “Nữ viết kê minh. Sĩ viết muội đán”. Đàn bà chăm chỉ phải dậy sớm như con gà nhớ nết gáy sớm. Đàn ông học trò phải thức khuya, đọc sách dưới đèn. Trong làng xảy việc có người qua đời, phải trực tiếp đi đưa đám. Cất gánh thay vai. Mình có đi đưa cha mẹ người ta thì người ta mới đi đưa cha mẹ mình. Trước đó phải lo liệu, thúc giục trong họ ngoài làng sắp xếp trai đinh khỏe mạnh đi khiêng đòn rồng, đưa tang, chôn cất chu đáo. Làng xóm đồng lần đời này đời khác với nhau…
Con đường xóm Cổ Thành, xóm Tam Thôn, Thầu Dầu ngày xưa là những quãng đê cổ xáp với cửa sông. Ngoài xóm Tam Thôn có mô đượng Bãi Lau khá rộng ở giáp bến sông, người dân họp chợ trên đó. Các làng thường gọi đây là chợ Bãi Lau hoặc chợ Ma. Chợ Ma ngày xưa, họp vào lúc nửa đêm, gà gáy. Thuyền nghề đem về rất lắm cá, tôm, cua, mực tươi sống. Cư dân thời ấy đã có cách thử để biết tiền thật hay tiền giả. Vì đêm tối tù mù dưới ánh sáng của những cây đuốc bập bùng, những ngọn đèn dầu leo lét bé bằng hạt đỗ, nên người bán hàng thường múc sẵn một chậu nước để bên cạnh. Ai mua hàng cũng phải thả đồng tiền vào chậu nước đó, đồng nào nổi ắt tiền giả, không nhận; đồng nào chìm thì đấy là tiền thật, mới nhận.
Một dạo dân làng đồn ầm ĩ: Cầu Mang cạnh chợ Ma có con ma áo trắng tóc dài, nom rất ghê sợ. Cứ vào khoảng nửa đêm gà gáy con ma lại xuất hiện nằm sõng soài vắt ngang cầu. Tóc nó thả chấm mặt nước. Người đẩy thuyền qua đụng vào mớ tóc rụng rời cả tay sào, ngã nhào xuống sông. Người đánh cá ngoài Cống Mang gánh cá về chợ bán, đang đi, đến cầu bỗng vấp phải, quẳng cả quang gánh, bỏ chạy thục mạng. Con ma vột dậy, còn đuổi theo một quãng xa… Nhưng có điều lạ, sáng ra quay lại thì không thấy quang gánh cùng cá tôm đâu cả.
Biết chuyện, ban đầu lý trưởng Tấn không tin. Có mà thần hồn nát thần tính. Làm gì có ma! Nhưng chuyện ma Cầu Mang mỗi lúc một rộ và còn được chèn nhiều tình tiết. Các thuyền nghề sợ ma bảo nhau chuyển luồng về chợ khác. Mọi ngày, gà gáy trẻ chăn trâu đã gọi nhau inh ỏi đánh trâu ra đồng cho người cày. Nay nghe chuyện ma bỗng dưng chúng không dám đi sớm nữa. Người làm ruộng ngoài xứ đồng này bị nhỡ buổi cày buổi bừa. Lý Tấn lấy làm lạ, nghĩ: Chả lẽ có ma thật? Chả lẽ con ma lại biết lấy hết cả cá tôm? Khi hỏi những người bị ma đuổi thì họ đều thề sống thề chết đã gặp ma và bị cuỗm cả chì lẫn chài.
Lý Tấn bèn lập kế cùng phó lý Đình Kha và thủ bạ Văn Đàn ra xóm Cống Mang. Quá nửa đêm, giả tốp người gánh cá, mỗi người một đoạn cách xa nhau, từ Cống Mang về chợ. Ông đi trước. Khi đến Cầu Mang quả thật thấy hiện lên thân hình một người đàn bà mặc áo trắng toát nằm xõa tóc vắt ngang cầu. Mới thoạt, ông cũng toát mồ hôi, ớn da gà. Bóng ma vụt đứng dậy, nhảy múa. Ông vứt gánh cá bỏ chạy lại đằng sau. Cách một đoạn xa, gặp hai ông đi tới, Lý Tấn vẫy tay: Có ma thật rồi! Nó vừa đuổi tôi… Nhưng hai chú phải bình tĩnh theo tôi!
Mọi người nín thở bò men theo bờ ruộng lúa đến chân cầu. Trước mắt họ, bóng ma áo trắng đang nhanh tắp nhặt đám cá vung vãi cho vào thúng. Nó đang định cất gánh thì ba người đồng loạt xông tới: Ai? Đứng im!
-Dạ... Dạ... Tôi... tôi... Con ma hoảng hốt, buột miệng kêu lên. Nó sụp xuống van lạy, chân tay run cầm cập: Tôi... tôi… là người... là người… Phó lý Kha và Văn Đàn túm chặt lấy tay ma: A! Hóa ra là Đào Én! Vậy là bắt sống ma nát người để cướp cá!
Nhà Đào Én ở trên gò Con Cóc có vườn ổi rậm như rừng. Gò Con Cóc có mấy nóc nhà gianh đều là của những người nghèo trong làng dạt ra. Họ ở đây trông đồng cho làng và dưới những ngôi nhà ấy cũng làm nơi thợ cày thợ cấy thường lên nghỉ tay tránh nắng, trú mưa, ăn nhờ bữa cơm trưa. Chiều, người ta lại gửi cày bừa, liềm cuốc qua đêm. Đám trẻ mục đồng thường lên hái ổi, chơi đánh khăng đánh đáo, chờ thả trâu. Chồng chết đã lâu, Đào Én ở một mình với đứa con gái còn nhỏ. Hằng ngày vẫn thấy hai mẹ con đi cấy thuê gặt thuê, đi mót lúa, mò cua bắt ốc. Lý Tấn hỏi: Sao nhà cô lại liều lĩnh thế này?
-Dạ! Bác tha cho em… Nhà em không còn gì ăn nên mới… làm ma dọa người… để lấy cá bán, lấy tiền… mua gạo…
-Nhà ngoài đồng thiếu gì việc mà cô lại bày cái trò này ảnh hưởng đến dân chúng? Lý Tấn khuyên: Từ rày chịu khó cày cấy, nuôi thêm con gà con vịt. Đừng làm lại nữa nhá! Còn cả cái chuyện xí nong thuê, cô cũng dẹp đi! Đừng có tiếp diễn như vậy, xấu hổ cái thân người đàn bà lắm!
Chuyện xí nong thuê là thế này: Mùa hạn hán, người trong làng phải đi từ nửa đêm ra đồng đặt ba cây chân sòng hoặc chiếc gàu dai xuống lỗ nong xí chỗ để đó, sáng mới có chỗ tát nước. Biết nhà Đào Én trên đượng Con Cóc ngoài cánh đồng, nhiều người đã thuê cô xí nong hoặc tát nước hộ. Để được phần, cứ tối đến các chỗ nào có nong tát nước cô đều cắm sẵn ba cây chân sòng. Người đi tát nước tưởng thật, đành vác khau về. Chỗ nong lớn dưới bờ sông, thường nhiều người đến tranh, cô nghĩ ra một mẹo mà không ai ngờ tới: Cởi truồng như nhộng, đứng vục gàu dưới nong. Ai đến, thấy người đàn bà trắng lốp, tóc tai lòa xòa, vú vê thăn lẳn cũng giật mình sửng sốt, đành lặng lẽ rút lui. Còn Đào Én mủm mỉm cười, chờ sáng ra người tát nước đến, bàn giao, chỉ việc lấy tiền thuê nong.
Từ bữa bắt được quả tang vụ giả ma dọa người, không còn thấy ma Cầu Mang xuất hiện! Và cũng không còn thấy người đàn bà cởi truồng bên nong tát nước nữa!
Bốn năm sau, Lý Tấn nhận chức Chánh tổng.
Chịu ảnh hưởng giáo dục bởi tính cách mạnh mẽ, năng động của mẹ, kế thừa lòng nhân hòa, khoan dung của cha; quả thực, Lý Tấn đã là một lý trưởng có uy tín, liêm chính trong làng. Sau này ông còn là một Chánh tổng có tiếng đạo đức của cả tổng. Ông không hề cậy quyền, hách dịch với cấp dưới, với dân làng hay người ăn kẻ ở. Ra đường hay chốn đình chung, không hề thấy ông cầm gậy ba toong như những lý trưởng, chánh tổng khác.
Gặp ai ông cũng chào chạt, thăm hỏi. Người tuổi cao tôn bậc cha bác. Người tuổi kém gọi bằng chú với tình cảm đầy thân thiện. Gặp cụ già và trẻ con, ông ghé lưng cõng qua chỗ lội…
Trong chi ổ, cạnh nhà Tấn, Đoàn Ngải là anh con ông bác, sống trung thực và khôn khéo. Ông được Lý Tấn mời giúp việc tạp vụ như kiểu cán bộ văn phòng bây giờ. Đoàn Ngải làm việc nhanh nhẹn và linh hoạt. Chỉ nghe cái bụng, nhìn tầm mặt trời mọc, lặn và chuyển bóng, ông đánh trống báo giờ làm việc hay kết thúc rất chính xác. Ông còn có tài nặn mổ mụn nhọt, đinh râu, ai cũng phục lăn. Trẻ con, người lớn có ung nhọt tới ngày chín đều đến nhờ ông xử lý. Bệnh nhân vừa ngồi xuống phản, ông lừa đằng sau bất ngờ bóp mạnh vào ổ nhọt làm vọt cả đầu đanh cùng máu mủ ra ngoài. Rồi ông nhai lá rau ngót, lá cây dẻ dớt với chút muối đắp lên, lấy miếng vải trắng buộc lại vết thương. Vài hôm đã thấy mụn nhọt ăn da non, khỏi tăn ngẳn. Mỗi dịp làng vào đám hoặc có sự gì cần tản lộc về các nơi, Đoàn Ngải tay dao tay thớt, miệng nói chân bước, phân chia rất chi công bằng, khiến ai cũng quý mến. Không ít lần chia cho cả làng xong, đến lượt mình quay lại thì sạch ráo, ông lẳng lặng thu dao thớt. Nhiều lần ông cho người đội mâm phần đến nhà kính biếu, Lý Tấn vội vã xua tay:
-Thôi thôi! Coi như tôi đã nhận! Chuyển bác mang về để thêm thắt với bác gái và các cháu. Khổ lắm, cầm dao chia phần cho làng thì tài, không chê vào đâu được, mà mình thì không biết có miếng nào đến miệng không? Hễ có mưa, cháu nó đi câu, bác cứ cho em mớ cá đồng là báu nhất!
Với những người giúp việc đắc lực và nhiệt tâm, Lý Tấn đã điều hành hệ thống chính quyền trong làng hoạt động rất chạy việc và suôn sẻ. Ông đã tổ chức thực hiện một loạt lệ làng như hoàn chỉnh hương ước, lập lại các toán tự vệ thôn xóm, chống chữa cháy, phân công người trông coi đê điều, đồng áng. Xóm nào cũng đào và khơi ao hồ. Nhà nào cũng phải chứa nước đầy chum vại. Xảy ra cháy đống rơm, hoặc cháy nhà là thúc trống gọi cả xóm cả làng tới chữa cháy. Cấm cả việc thả rông lợn xề ra đường làng vốn thành nạn bấy nay… Về sản xuất thì khuyến nông, đổ chương chia ruộng sòng phẳng cho các trai đinh đến độ tuổi “vào đám”. Hàng năm, qua đầu giêng, sức dân chúng mang mai móng, cuốc thuổng, quang giành đi đắp đê, đào sửa mương máng. Rồi làm từ thiện, khuyến khích dân tu sửa đình chùa, quán xóm; bắc cầu gỗ qua sông ngòi cho dân đi làm ruộng; trồng cây bóng mát, dựng chòi ngoài đồng cử người trông lúa mạ... Mương thoát nước chạy dọc đường làng ông cho đào rất rộng, các nhà dân ven đường phải bắc cầu tre, cầu gỗ hoặc cầu đá để đi lại. Mưa lớn, nước thoát rồng rộc, thôn xóm trong làng không bao giờ bị ngập úng.
Lý Tấn còn bỏ tiền nhà ra xây hai cái cống lớn cuốn vòm bằng gạch chỉ và đá xanh luồn dưới đường Cầu Dừa, Ao Cần thoát nước cho khu Thượng Đồng và Hậu Hương. Những ngày mưa rào, bọn trẻ con trong làng đua nhau mang giành chui qua chui lại trong cống để chắn cá. Một vài tấm cầu đá rộng ngang tới hơn mét sót lại ở xóm Ngòi, thời sau này những lần nâng cấp đường làng không biết bị chìm lấp dưới đất hay biến đâu mất.
Trong phong tục tập quán vùng quê này không ít những tục lệ lạc hậu đến se sắt. Đó là cái tục ép con cái thể hiện lòng hiếu nghĩa với cha mẹ khi cha mẹ qua đời. Khi nhà có cha mẹ mất, người ta, đặc biệt là dòng họ nội rất lo lắng việc khâm liệm, chôn cất. Khâm liệm phải là người họ nội, mới tin cậy. Khâm liệm phải chú ý ba lớp vải, bó buộc tử thi chặt chẽ, lót đệm các thứ cẩn thận xung quanh, để đề phòng áo quan rò rỉ. Có những đám tang phụ mẫu hàng chức sắc, nhà giàu, linh cữu quàn kéo dài mười ngày hoặc một tháng trong nhà. Người nhà đám phải khoét lỗ áo quan, cắm ống nứa bắc thông lên nóc nhà để thoát khí. Nếu xảy việc rò rỉ nước trong áo quan ra ngoài, bắt buộc người con trai trưởng phải bò lê liếm sạch những giọt nước đó để thể hiện sự hiếu thảo. Nếu chống lại sẽ mang tiếng là kẻ bất hiếu!
Lý Tấn đã ra lệnh bãi bỏ lệ này và bỏ cả lệ đội nọn, mũ gậy lăn đường:
-Đây là một hủ tục vô cùng mất vệ sinh, rất đáng sợ, không thể chấp nhận, không thể tồn tại! Đây không phải là cử chỉ ra vẻ lòng hiếu thảo. Lòng hiếu thảo phải thể hiện trong cuộc sống hàng ngày ăn ở, chăm sóc, đối xử tốt với đấng sinh thành và mọi người. Phải cắt đứt “đuôi nòng nọc” nó và thực hiện giữ vệ sinh cho người còn sống, cho làng nước!
Tự người trong dòng họ của ông làm trước. Tiếp theo ông đã thực hiện một loạt vụ xét xử, hòa giải các mâu thuẫn trong dân chúng có lý có tình.
Buổi xế chiều, đang cơ nắng dội lửa xuống xóm mạc. Những đọt măng tre rũ ngọn. Những tàu lá cau đứng sững. Một bà cụ gầy nhom đội nón rách bước vào sân nhà lý trưởng. Vừa khóc bà vừa chắp tay:
-Ối! Ông lý ơi! Cứu giúp tôi với… Thân tôi thế này mà thằng Dặm con tôi nó chửi nó dập vùi tôi! Ông có cách nào dạy nó hộ tôi… Thân góa bụa… nó dể duôi, nó hành hạ tôi…
Lý Tấn ra đón: Có gì thì thong thả kể tôi nghe? Sao mặt mũi bà lại máu me thế này?
-Thằng Dăm con tôi… Bà cụ nức nở…
Vũ Dặm là một tay lười biếng và sâu rượu ở xóm Thầu Dầu. Hắn uống rượu thay nước, ực một hơi hết luôn nửa chai. Rượu vào sinh chửi càn bậy bạ. Dặm chửi khắp xóm, không chừa nhà nào. Mẹ đẻ hắn cũng chửi. Anh chị em đến trói Dặm vào chân giường, đánh nhừ tử. Xong lại đâu đóng đấy. Mọi người về khỏi, hắn lại lôi bà cụ ra chửi như chửi trẻ con. Hàng xóm nghe tức lộn ruột mà không biết làm sao trị nổi. Chả lẽ buông xuôi. Chả lẽ cả xóm chịu mất ăn mất ngủ? Dọa trói đem trình lý trưởng và điệu sang huyện nhốt bỏ tù, hắn đập chai rượu xuống mâm cơm, mảnh chai bắn tóe lên mặt bà mẹ tứa máu… Giận con quá, bà để nguyên cả mặt mũi loe loét máu lên trình lý trưởng.
Lý Tấn sai phó lý Kha và Ba Xâm (một người câm điếc do cụ Lễ Đĩnh nhặt về nuôi từ bé) đến tận nhà lừa trói được Dặm, dẫn về sân.
-Dặm! Ai đẻ ra mày? Hay từ lỗ nẻ chui lên?
-Bu tôi…
-Vậy mà mày nỡ ăn ở tệ bạc. Bà cụ có mớ cá đồng đem chợ bán để đong gạo. Mày ra xin tiền không được, mày nỡ lấy chân giày xéo, hất đổ đám cá. Thế mày ăn bằng gì?
-Cơm…
-Cha mày mất sớm, một nách nuôi sáu, bảy chị em mày… bà cụ chưa được miếng ngon nào vào bụng. Còn mày đã miệng nốc rượu chè, bụng đầy cá thịt… nuốt tranh phần mẹ, còn chửi mẹ, là thế nào?
-Bà ấy đổ chai rượu của tôi…
-Câm mồm! Ngày xưa, nàng Thoại Khanh, là đàn bà mà còn khoét cánh tay mình lấy thịt nướng cho mẹ ăn qua cơn đói khát. Mày là đàn ông sức dài vai rộng đã lười biếng lại coi người đẻ ra mày như con trâu con chó! Nghe đây! Mắc tội bất hiếu, mày là người hay là chó?
-Người! Nghe vậy, tức quá, phó lý Kha nhảy bổ tới ấn đầu Dặm xuống:
-Tiên sư mày! Trước mặt ông lý, mày phải một bẩm hai dạ cẩn thận! Nghe chưa? Lý Tấn khoát tay: Các chú để yên ta xử!
Ông ra hiệu cho Ba Xâm lấy hai cái bát. Ba Xâm hiểu ý đi ngay. Một đơm cơm trắng. Một xúc bãi phân. Hai bát để trước mặt Dặm. Ông hỏi hắn:
-Dặm! Đây là hai bát gì?
-Một cơm, một… cứt…
-Hai cái bát này mày chọn bát nào? Dặm líu lưỡi, run lẩy bẩy:
-Dạ! Dạ… Bát… bát cơm… ạ…
-Chứng tỏ mày tỉnh, còn là người! Có tỉnh mày mới chọn cơm! Như vậy là mày không say! Mày lợi dụng rượu để láo với mẹ! Đồ bất hiếu. Mày phải là chó! Là chó thì phải ăn cứt! Nghe chửa? Ông ra hiệu Ba Xâm: Bê cho nó bát cứt!
Dặm bặm miệng, vung vẩy đòi thoát khỏi vòng dây. Ba Xâm bê bát phân lên sát mặt hắn. Hắn nhắm mắt chun mũi:
-Dạ dạ… Con xin cụ lý tha tội… tha tội cho con… Từ nay con xin chừa…
Phó lý Kha đem giấy bút tới, viết làm bằng rồi bắt Dặm điểm chỉ vào góc dưới. Bà Lễ Đĩnh ngồi nhai trầu từ nãy ở góc hiên nhà trên. Thực tình, ban đầu bà cũng rất lo về cách hành xử của con trai. Sau biết ngón “đòn gió” hiệu nghiệm, bà mừng thầm: Được đấy con ạ! Giờ bà mới bước xuống xoa dịu:
-Thôi! Ông lý tha cho cháu nó! Rồi bà gõ khấu ngón tay lên trán Dặm: Từ rày chừa cái thói thất đức, rượu chè be bét, đi nhá! Đây là ông lý còn thương đấy, chứ điệu mày ra đình cho dân làng trỏ mặt thì chỉ có chết! Làng này từ trước đến nay không có kẻ nào bất hiếu. Bé cậy cha già cậy con. Làm người phải biết luân thường đạo lý, phải tu tỉnh, lo làm lo ăn mà lấy vợ sinh con cho mẹ mày nhờ!
-Dạ! Con… con đội ơn cụ… con đội ơn cụ…
Lý Tấn nhìn mẹ, quay sang quắc mắt với Dặm: Nể tình cụ đây xin cho nhà ngươi, nên ta tha. Chứ ý ta, chốc nữa sẽ điệu ngươi sang huyện…
-Dạ! Con cắn rơm cắn cỏ lạy ông, lạy cụ! Dặm rối rít dập đầu.
Dặm được cởi trói, cho về. Sau đó, tịnh không thấy Dặm chửi bới ai nữa. Vậy là trừ được một thằng say rượu. Xóm Thầu Dầu yên ắng trở lại. Từ đó, dân tình hết lời truyền tụng năng lực, đạo đức của Lý Tấn.
Đầu năm Nhâm Ngọ, tiết cuối xuân, lý trưởng Tấn được triệu sang huyện đường An Bang nhận sắc phong cùng những lời khen ngợi của vua Bảo Đại chuyển về. Quan huyện và chức sắc các làng càng thêm nể trọng. Cũng từ đó, vì nể phục Lý Tấn, kỳ hào chức sắc và dân chúng các làng đóng một bức đại tự lớn tặng ông bốn chữ “Thế phả Lý ba” (Đời ghi nhận dòng họ Lý phát triển, thăng hoa). Nhưng không có ai thể hiện chữ đẹp, nên người ta đã mời ông trực tiếp viết bốn chữ đó lên tấm gỗ dổi để thợ sơn khắc.
Đầu tháng tám nhân ngày giỗ cha, Lý Tấn cho treo bức đại tự lên gian giữa. Chức sắc, họ hàng, con cháu trong gia ổ tới ăn giỗ, chia vui. Cỗ bàn kéo dài đến khuya. Ai nấy đang ngất ngư say thì bỗng có tiếng hô hoán bên nhà Đoàn Ngải: Cháy! Cháy nhà! Cháy nhà! Cháy đống rơm… làng nước ơi! Cháy đống rơm nhà Đoàn Ngải… làng nước ơi… ơi…
Phó Lý Kha đã nhanh nhảu thúc trống liên hồi. Ba Xâm phồng má trợn mắt thổi tù và inh ỏi. Mọi người túa ra. Lửa bốc cao ngùn ngụt muốn liếm sang đống rơm nhà Lý Tấn cách một hàng rào ngay đó. Ngọn lửa vọt lên, sáng rực một góc trời soi rõ những rặng cây, những mái nhà xung quanh. Đám gia nhân la hét, chạy táo tác, xông vào cứu cháy. Chum vại lật nắp, quăng đáp ầm ầm cùng thùng chậu va loảng xoảng. Thóc rơm nổ bỏng lốp bốp. Nước dội ào ào. Lửa gặp nước sủi rùng rục. Những chiếc thang áp tới, bắc đè xuống đống rơm cho người leo lên. Trên ngọn, dưới đất ra sức vùi, đập. Một lúc sau thì đám cháy bị dập tắt, khói cuồn cuộn nghi ngút, khét khúa mùi rơm, mùi thóc cháy.
Hóa ra đống rơm nhà Đoàn Ngải. Đang nháo nhác chưa biết cháy do đâu thì Ba Xâm vừa ú ớ vừa khóa tay, ôm chặt một người, kéo vào sân. Người bị khóa tay lập tức bị Ba Xâm quật ngã đánh uỵch. Hắn ngôm lên rối rít van xin. Thoắt cái, Ba Xâm đã lấy chiếc khăn dài trói giật cánh anh ta lại. Ba Xâm hối hả ra hiệu ý bảo thằng này là thủ phạm, định đốt cả nhà, bắt được nó ngoài ngõ... Đám đông lập tức xúm xít lại, vây kín: Đánh bỏ mẹ nó đi! Đánh bỏ mẹ thằng phá hoại! Ôi! Thằng Mậm! Bà con ơi! Thằng Mậm con ông Xã Vòi. Nó là cháu ông Bạ Miện! Sao mày lại đốt nhà người ta? Ai xui mày đổ đốn thế này?
Cuối cùng, thằng Mậm khai: Người nhà ông Bạ Miện xui đốt đống rơm nhà Lý Tấn. Lợi dụng lúc mọi người mải vui, nó đứng ngoài ngõ ném con bùi nhùi chủ định vào đống rơm nhà Lý Tấn, nhưng đuối tầm tay, mồi lửa lại bay chệch sang đống rơm nhà Đoàn Ngải. Lý Tấn trân trân nhìn thằng Mậm. Ông giận lắm! Nhưng ông chợt hiểu. Chả lẽ ông Bạ Miện lại nỡ thế ư?
-Thôi! Các bác các chú cho nó về! Từ rày chừa đi nhá! Có bữa làng đưa đi tù mọt gông, nghe chửa? Ông liền ra hiệu cho Ba Xâm. Ba Xâm hiểu ý, vào nhà gói một chiếc bánh dày, một cái đùi gà và một đĩa xôi đặt vào tay Mậm. Lý Tấn bước tới vỗ vai Mậm:
-Ta có thỉnh cụ Bạ cẩn thận nhưng không thấy cụ đến. Tiện đây, ta nhờ anh mang về bảo ta gửi biếu cụ! Vì bấn tiếp khách nên ta chưa kịp cho người mang đến kính! Bẩm cụ thông cảm cho ta! Còn đĩa xôi này ta cho các cháu nhà anh…
…....... CÒN TIẾP