Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


CHỢ CÁ BẾN GIO



C hợ cá quê tôi từ thuở xa xưa gọi là chợ Bến Gio, họp ngay trên gò đất trải dài chừng ba chục mét. Nói là điểm thì đúng hơn. Thuyền đánh cá từ biển, từ bãi, cập bờ theo thói quen, theo con nước. Cá tươi được đưa lên gò, khách mua người bán loáng thoáng chóng vánh đề phòng bom Mỹ thả, đạn Mỹ bắn. Kẻ bán, người mua trao nhau cá tươi, tiền tươi. Loáng một cái, chợ đã tan, tản về các nơi. Những mẻ cá vừa đưa lên thật ngon, tươi roi rói, bán nhanh và được giá. Những chủ hàng tiếp tục chất cá vào làn, vào thúng, vào thùng đưa lên phố thợ.

Mẹ tôi là người từng gắn bó thiết thân với chợ. Từ ngày từ nhỏ, bà đã theo mẹ lũn cũn với rổ cá. Lớn lên, một mình bà cáng đáng, nuôi cả nhà. Bố tôi làm ruộng, không mấy khi lên phố, ra thị xã. Mọi việc chợ búa bếp núc dồn lên vai mẹ. Cuộc đời bà là gánh cá dìu dặt trên vai. Đôi chân thoăn thoắt chạy cá tươi. Gánh cá nặng gần trăm cân đi không bén đất. Lúc nào đòn nặng vai là bà chạy như ngựa vía, như gọi người cấp cứu, người chữa cháy. Nghĩa là phải chạy nhanh, bán nhanh nếu không cá sẽ ươn oai mất giá. Mẹ rủ các bà, các chị trong xóm lập nhóm buôn bán cá, buôn có bạn, bán có phường, tránh né người phòng thuế và giúp nhau giải quyết những vướng mắc thường xảy ra. Mẹ tôi luôn đi theo nhóm. Ai cũng nhanh nhẹn và sẵn sàng đương đầu với những kẻ rình rập, đón bắt. Bị giữ lại, mấy người đứng dừng, hỏi han, trình bày, van vỉ. Ầm ầm ào ào rồi thoáng chốc. Người đón bắt cứ ngẩn ra, không biết cá đi đằng nào người chạy ngả nào. Hình như có mưu mẹo gì đó, các bà, các mẹ xin xỏ, thậm chí lạy van, nếu cần, lấy đòn gánh làm vũ khí chống đỡ. Gặp các bà các mẹ chạy cá tươi như vậy, những người chức trách to giọng vài câu còn thường tránh mặt, làm ngơ, bỏ qua. Đều thân quen với nhau cả. Họ rình túm những kẻ đi lẻ, ăn mảnh vừa chắc vừa không sợ hớ. Cái đón gánh dẻo dai, nhẵn bóng mồ hôi gắn bó với cuộc đời chạy cá của bà.

Dân buôn cá thời ấy thường bán dôi ra cho bà con quen biết. Lởi xởi trời cho bo bo trời đọa. Rộng rãi với người mua, chặt chẽ, mặc cả với người bán. Cân tươi một chút chẳng đáng là bao nhưng xuê xoa mát mẻ cho vui lòng người.

Các dòng cá theo xe đạp lên phố thợ, còn chuyển theo túi, theo giành lồ… cuốc bộ vào thôn xóm. Chợ cá di dịch, động cựa, chuyển chỗ bán và thời gian. Thời gian thì tính theo con nước thủy triều mà họp chợ. Khi bờ đê, khi bãi sú tùy vào con nước. Thuyền vội vàng neo đậu những nơi cần bán rồi lại nhanh chóng nhổ sào đến nơi khác. Máy bay gào rít. Kẻ bán người mua từng công đoạn hầu như quen thuộc nhau. Không mấy khi nói thách, ước lượng và ra giá theo mớ, theo con.

Sau này, lớp con cháu lớn lên, tung tăng khắp mọi phương trời. Chúng sống bằng mọi nghề bằng trách nhiệm và lòng yêu thích. Có đứa theo nghiệp bà, nghiệp mẹ, nghiệp chị, bán cá. Chúng không gánh gồng nữa mà dùng phương tiện thông dụng từ xe tải, xe máy, xe đạp để dễ len lách đưa hàng vào các chợ, các ngõ ngách, xóm thôn, đến từng nhà... theo chỉ dẫn, theo yêu cầu.



Chuyện những thôn xóm làng quê đã dần lên đô thị hóa. Làng ven biển này thành phố thị hiện đại. Chợ Bến Gio quê tôi nhỏ bé, không mái lợp. Người ta đi đứng nhẵn lì cả nền. Đến giờ nó được dịch theo con nước, xây thành ngôi chợ hai tầng dài rộng và to đẹp. Chợ cá được phân một khoảnh phía cuối chợ. Lớp trẻ không còn phải chạy như mẹ tôi xưa. Cá được dồn từng lồ từng đống chờ xe tải từ đâu tới chở đi. Những xe máy, xe lôi chuyển tiếp thành lối, thành hàng. Chợ đông đúc, nhộn nhạo, ầm ĩ hơn.

Lan man trước chợ, tôi thường nghĩ về dân chạy chợ. Có người gắn với chợ cá nhưng chỉ bán một hai loại hải sản riêng biệt. Vào chợ không nhìn thấy không mua. Như bà Chuyên Chu, bán cá nướng. Bà ra chợ chọn cá đục vừa mua, chỉ chỉ. Người bán lặng lẽ trút cá vào làn cho bà. Dừng lại một lát thăm hỏi, trả tiền, thông tin hay than vãn những chuyện vừa nghe được, bà khoác trên tay như người khoác bị. Bà Lưu Chắt chuyên bán mực xim. Những con mực nho nhỏ như đầu ngón tay cái, nhớt mực dẻo quánh chảy dài. Mực được đựng trong chiếc thau nhôm. Chợ có bao nhiêu, hầu như bà mua hết. Bà làm mực cũng nhanh và bán đắt hàng. Đó là tôi nghe vậy vì bà mua đây nhưng bán ở mãi chợ Mới, chợ Địa Chất. Bà The Tư mua cá vụn về xay giã, bán chả. Bà Năm Cẩn mua mực ống, mực mai về giã tay, rán chả bán cho người ăn bánh cuốn… Cô Nam Thà bán cá nướng. Cá khô, cá tươi qua tay cô ướt rượt, nhuyếnh nhoáng mỡ. Mùi thơm quyến rũ, bay rập rờn khắp mấy quán bia hơi. Họ là những người bán chuyên, dễ nhớ. Chịu nhau tiền, thêm cho nhau một chút là chuyện thường ngày.

Người mua, người bán rất đông. Nhiều mánh khóe trở thành thủ đoạn lừa dối người tiêu dùng. Cá ươn cá thối họ mua tất rồi tẩm hóa chất, xay ra bán chả cá từng chậu từng thùng thơm ngon như vừa mới ra lò, tươi nguyên. Có người chuyên buôn mực ở chợ này về xay bằng máy rồi mới giã tay. Họ pha trộn, gia công làm hàng nhái, đưa đến tiêu thụ tại các vùng quê xa, thành phố xa. Từ mực tươi phơi khô, thường là loại mực câu, mình dày, nướng thơm, ăn ngọt đến mực ươn, mực lá, mực cóc. Hàng đến tay, họ chỉ muốn đẩy đi, tiêu thụ cho nhanh, quay vòng như chong chóng. Để tăng cân, nâng cấp mực, ghim, đuối… lên thành loại đặc chủng, đặc biệt, họ dùng bàn là. Con mực, con ghim khô đang còng queo vêu vao như những đôi dày tẩm dầu ga-doan của thợ được là, dàn mỏng ra rồi rải xuống nền đất ẩm để qua đêm. Mực hút gì trong đất tạo thành lớp phấn trắng như muối trông rất hấp dẫn. Người không sành sỏi, mua về ăn hay làm quà. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. Mực ấy mang nướng lên khét lẹt mùi đất, khô xác... như nhai que mục. Chưa kể có miếng còn làm rách cả miệng người ăn.

Những kẻ buôn bán gian lận, lừa lọc kiếm tiền ấy, không sớm thì muộn cũng phải bỏ nghề. Lại được thay bằng lớp lứa mới, trẻ trung hơn. Lại xuất hiện bao lật lọng, bán luôn cả nhân phẩm, danh dự lấy đồng tiền giữa cái nhộn nhạo như cướp được.

Những người buôn gian bán trá trong chợ như thế, cuộc đời cũng chẳng tốt đẹp gì. Nhân nào quả ấy, dẫn chứng nhãn tiền. Tôi sẽ kể bạn nghe trong một dịp khác. Mẹ tôi giờ đã già, bà chỉ còn thú vui đôi khi chống gậy lững thững ra chợ, la cà cùng mấy người bán hàng quen biết, tâm tư đôi hồi. Lâu dần còn có thêm những bà bạn mới. Họ ra chợ cá nghe lại tiếng chào mời, tiếng người, tiếng chợ, để sống lại những phiên chợ từ trong kí ức.

Những ngày tết đến, chợ chộn rộn hơn. Người mua người bán người xem người chơi… tíu tít. Chợ cá Bến Gio quê tôi vẫn còn giữ lại được cái hồn cốt, tâm tính của người dân biển. Nó thoải mái, phóng khoáng, chân thật, cởi mở. Họ bán cá mà coi trọng tình người sâu đậm. Bán cá mà lòng gìn giữ tình nghĩa, không pha tạp tanh ươn. Họ luôn tươi tắn, bền chặt vị mặn mòi cùng sóng biển.






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com