Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




B ước vào tuổi thất thập, ông Bích thấy cuộc đời của ông sao trôi nhanh đến như vậy! Ông ước gì được trẻ lại chừng hai mươi năm để thực hiện một số sở thích của mình hoặc học thêm cái này cái nọ. Không phải ông bị suy giảm về thể lực vì bệnh hoạn mà ông muốn kéo dài cuộc sống để được hưởng thụ tuổi già. Ông quên rằng cách đây hai mươi năm ông còn phải chạy kiếm cơm sói trán, thời gian đâu để tìm đến những sở thích. Con cái ông còn đi học, chưa ra trường để tự mưu sinh. Tuy nhiên lúc đó ông còn rất khỏe. Năm mươi hai, năm mươi ba tuổi ông còn ra sân đá banh với những đồng nghiệp trẻ hơn mười lăm hai mươi tuổi, và cũng đã có được một chiếc cúp nho nhỏ để trên bàn làm việc ở nhà, lâu lâu ghé mắt nhìn qua cũng thấy vui.

Một điều làm cho ông Bích thấy một chút bùi ngùi là có một vài người bạn nối khố từ xưa đã phủi chân lên bàn thờ ngồi nhìn gà khỏa thân vào mỗi dịp Tết, từ giả cuộc chơi.

Một trong số vài người bạn đã lên thiên đường là anh chàng có tên độc đáo là Cưng. Ông Bích tình cờ quen ông này tại một câu lạc bô Bi-ya vào một ngày Chủ Nhật, không phải đi làm việc. Lúc đó ông Bích mới 27, 28 tuổi, đang có “job” tại một thành phố cách Saigon khoảng hai trăm cây số. Buổi sáng hôm đó, thực ra cũng gần xế trưa rồi, ông Bích bước vào câu lạc bộ Bi-ya định tìm một bàn trống chơi một mình. Môn này ông Bích đã biết sơ sơ khi còn đi học ở Saigon. Những chiêu “giò gà”, “mắt kiếng”, “cu-lê”, “rề-trô” ông Bích cũng khá rành nhưng không giỏi lắm. Ông đưa mắt nhìn quanh thấy năm bàn đều có người chơi. Chợt có tiếng ai nói bên cạnh:

-         Đi một mình hả huynh?

Ông Bích chợt quay lại nhìn vào một bàn bên cạnh. Một “hán tử” đang chống “cơ” nhìn ông. Ông Bích nhẹ gật đầu và nói nho nhỏ:

-         Đúng rồi anh.

-         Ráp vô làm một hai cơ chơi. Tôi cũng đi một mình.

-         Tôi đánh dở lắm.

-         Ăn chung gì.

Nói rồi anh đến giá để cơ rút một cây đưa cho ông Bích sau khi kiểm tra đầu cơ còn tốt, rồi nói:

-         Làm một cơ 40 chục đi.

Đúng là anh ta chơi giỏi hơn ông Bích. Anh ta đi xong 40 điểm trong khi ông Bích lẹt đẹt mới 26, 27 điểm. Ông Bích khen:

-         Anh chơi giỏi quá!

-         Bao nhiêu đâu. Tôi nằm bàn ở đây mà. Chủ Nhật nào tôi cũng ra đây chơi. Hôm nào có bạn thì chơi xong kéo qua bên kia lai rai vài chai rồi về.

Rồi cũng như thông lệ, trưa đó ông Bích và anh ta qua bên quán bia làm lai rai mỗi người vài chai. Trong lúc nói chuyện Ông Bích biết được anh ta cùng tuổi ông, còn lớn hơn 3, 4 tháng gì đó. Anh đang làm việc tại một xưởng gỗ dưới Cầu Đá, phụ trách công việc sổ sách mua bán, trả lương cho thợ. Thỉnh thoảng anh ở lại ngủ đêm trực cho xưởng. Anh cho biết trực ở xưởng như vậy rất thích vừa canh không cho cái đám bên Đìa Cá qua trộm gỗ quí và máy móc, vừa được yên tĩnh để đọc sách. Anh cho biết:

-         Ờ nhà thằng nhóc tì hay phá phách, khó tập trung để đọc sách.

-         Có vợ con rồi hả?

-         Rồi! Thằng nhóc được gần hai tuổi

Thật bất ngờ, ông Bích phát hiện anh chàng này là một con mọt sách. Những cuốn sách ông Bích đã đọc anh ta đều đã đọc qua. Anh kể thêm những cuốn sách mà ông Bích chưa hề biết tới. Nhờ vậy ông Bích coi như đã biết thêm một ít về nội dung những cuốn sách mà ông chưa hề đọc qua. Rồi từ đó Chủ Nhật nào ông Bích cũng ra bàn bi-ya đấu với hắn một vài cơ, đến trưa hai người lại qua quán nhậu và lại nói chuyện về sách. Chủ đề thường xuyên thay đổi theo từng tên tác giả, khi thì nói chuyện về sách của Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Nhật Tiến, Kim Dung.. hay các tác giả nước ngoài như Victor Hugo, Sartre, Sagan. Tất cả những sách của các tác giả này đều được in bằng tiếng Việt. Có lần ông Bích hỏi:

-         Sao lấy vợ sớm vậy bồ? Tôi thì “chưa hề yêu ai”.

-         Bồ muốn nhắc đến cuốn “Thần hổ” phải không?

-      Không phải. Trùng hợp thôi. Ừ mà cuốn đó cũng hay. Ban đêm đọc sợ “ma trành” hiện lên bóp cổ?

-      Ối, nhà văn người ta tưởng tượng chứ làm gì có thiệt.

-      Hỏi lại nè, vì sao lấy vợ sớm? Ông Bích gằn từng tiếng cho có vẽ tếu một chút.

-      Tại cái tên tôi đó.

-      Sao vậy?

-      Hồi xưa ông bà già tôi lấy nhau, chờ đợi mõi mòn đến ba bốn năm sau tôi mới chịu ra đời. Ông già khoái quá đặt cho tôi cái tên không giống ai, Cưng! Đào Cưng! Ông già tôi họ Đào!

-      Rồi sao nữa? Ông Bích cười ra tiếng.

-      Lên đến Tú Tài tôi quen được mấy cô bạn gái. Mỗi lần đi ăn chè mấy cô không bao giờ gọi tên tôi mà gọi là “ông già lùn”. Tôi hỏi “sao lại lùn?”, Mấy cô giải thích: tại tên anh bảo là “đừng có cao”. Tôi chợt nghĩ ra mấy cô dùng tiếng lái của tên tôi để chọc.

Vừa làm hớp bia, ông Bích suýt sặc vì phải bật lên tiếng cười. Anh ta kể tiếp:

-         Về nhà tôi càm ràm với ông già về cái tên tôi hồi xưa ông đặt nghe kỳ quá. Nhưng ông già đã trấn an: “con đừng lo, cứ chờ đi, chừng nào có đứa chịu kêu tên con tức là nó chịu đèn rồi đó. Cứ về cho ba biết ba đi hỏi cưới cho. Rồi chuyện đó cũng đã đến đúng như ông già tôi dự tính. Một hôm, một cô bất chợt đi theo sau và gọi tên tôi rồi đi song song nói chuyện. Tôi đánh bạo rủ cô đi ăn chè. Vậy là xong, mấy tháng sau chúng tôi làm đám cưới.

-         Chị có thích đọc sách như anh không?

-         Cái này mới tức cười. Hồi quen nhau có biết tìm hiểu gì đâu. Thấy bả có cảm tình với mình, mừng quá trời. Rồi sau đó hết đi ăn chè, đi xi-nê, đến đi dã ngoại ra vùng quê xung quanh thành phố này. Tới chừng cưới xong về sống chung mới biết bả làm biếng đọc sách lắm. Được cái bả rất hiền lành dễ thương.

-         Vậy là tuyệt vời rồi. Ông trời sắp xếp nhiều khi được cái này thiếu cái kia. Miễn là sống chung hạnh phúc là được rồi.

Chơi thân với ông bạn Cưng này được vài năm, đường cơ bi-ya của ông Bích cũng có tiến bộ, ông cũng đã lây cái “bệnh” đọc sách của anh bạn này. Cái tật mê đọc sách của anh này cũng khá đặc biệt. Mỗi khi đọc được cuốn nào mới mua hay đọc một đoạn văn nào hay anh thường đợi đến Chủ nhật đem ra bàn bi-ya cho ông Bích xem. Có lần vào lúc 2, 3 giờ sáng, anh gọi điện thoại dựng đầu ông dậy:

-         Tôi đang đọc cuốn “Người tù khổ sai”(4) có đoạn này hay quá…

Rồi anh tằng hắng lấy giọng đọc. Ông nhớ chỉ nghe được loáng thoáng vài dòng, mắt ông sụp xuống và ngủ trở lại. Vì ống nghe để ra ngoài nên anh ta gọi lại không được. Sáng hôm sau ông Bích phải xin lỗi anh ta và cho biết buồn ngủ quá vì đi nhậu về khuya.

Rồi công ty nơi ông Bích làm việc bị phá sản, nhân viên tan hàng chạy tứ tán, ông Bích cũng chạy về Saigon sống gần với gia đình. Một người bạn cùng làm chung bay xa hơn ông Bích, về tận Cần Thơ, và vì không có văn bằng chuyên môn nên ông bạn này mua một chiếc xe đạp để hành nghề xe đạp ôm.

Hồi còn làm chung ông bạn từ vùng quê gạo trắng nước trong này cũng là một tay lả lướt có tầm cỡ. Ông ta lớn hơn ông Bích ba bốn tuổi và làm công việc giữ kho vật liệu. Ông ta còn là “sư phụ” của ông Bích về cái môn khiêu vũ. Phải nói là hồi đó ông chuyên viên giữ kho này có dáng nhảy rất đẹp và có phần nhí nhảnh. Các em ca-va gọi ông là “công tử Bạc Liêu”, và ông cứ phải luôn đính chánh:

-         Công tử Cần thơ!

Thời gian rảnh rỗi, ông công tử thường la cà ở mấy chỗ gần khu nhà ông ở trọ có người ta chơi cờ tướng. Đây là môn sở thích thứ hai của ông. Thấy hai môn chơi của ông công tử này có phần chỏi nhau, một đàng thì nhảy nhót sôi động, nhảy đã rồi bi ba bi bô với mấy em ca-va, một đàng thì trầm ngâm như bất động suy nghĩ từng nước cờ. Ông chỉ cho ông Bích khiêu vũ một cách nhiệt tình. Ông đi bước nữ rất nhuần nhuyễn, nhờ đó ông Bích tiến bộ rất nhanh. Để hậu tạ, ông Bích thỉnh thoảng bao ông công tử đi khiêu vũ, sau đó ra về đi nhậu ở một tiệm người Hoa với món mì vịt tiềm, đây là món công tử rất thích.

Cách đây vài năm, công tử lên Saigon ghé thăm ông Bích. Vừa gặp ông Bích kêu lên:

-         Công tử!

Ông ta cười hề hề:

-         Hay quá! Tưởng ông không nhận ra tôi.

-         Già như nhau, thấy là nhìn được liền. Lúc này làm ăn ra sao?

-         Phụ tá bà xã bán tạp hóa! Còn liên lạc gì với ông Cưng bi-ya không?

-          Lên thiên đường rồi!

-         Lâu chưa? Bị sao vậy?

-         Cách đây 5, 6 năm gì đó. Bị ung thư gan.

-         Chắc nhậu quá hả?

-         Tôi không nghĩ vậy. Bệnh này trời kêu ai nấy dạ. Tôi có thằng bạn cả đời không dám đụng tới miếng rượu, miếng bia cũng phình bụng lên rồi chết thẳng cẳng.

Buổi chiều hôm đó, ông Bích đưa ông công tử qua cầu Thị Nghè làm một bụng mì vịt tiềm. Ông khen:

-         Ông còn nhớ tôi khoái cái món này.

-         Nhớ chứ, Nhưng ở đây không nhậu được. Lát nữa qua nhà hàng bên kia, sát bờ sông lai rai tiếp.

Saigon mấy hôm nay mưa to gió lớn. Nhiều nơi bị ngập vì hệ thống cống rãnh đã bị nghẹt bởi rác do người dân đổ đầy ắp. Nước bình tĩnh tràn vô nhà dân. Ông công tử về Cần thơ được hơn một tuần. Ông Bích nghĩ cũng tội nghiệp ông già này, Hồi xưa lên Saigon đổi đời bây giờ già rồi lại trở về quê quán như xưa.

Buổi sáng, ông Bích đi uống cà phê về vừa bước vào nhà, điện thoại của ông rung lên trong túi quần. Tiếng nói của một người xa lạ:

-         Chú Bích ơi! Ba con bị tai biến, đi rồi…

Đó là tiếng nói của một người con ông công tử.






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com