T âm ngồi trên thanh tà vẹt của nhà ga Thừa Lưu cũ, đưa mắt ngắm chung quanh. Tuyến đường sắt song song quốc lộ I từ những năm 1965 đã không còn được sử dụng do mất an ninh. Nếu cứ đi về phía Nam anh sẽ đến đèo Hải Vân và qua địa phận của thành phố Đà Nẵng.
Quê Tâm ở tận Hải Phòng xa xôi. Năm 1954 gia đình anh theo tàu há mồm vào Nam, lưu lạc nhiều nơi và cuối cùng định cư tại Hóc Môn. Chưa bao giờ anh đến miền Trung nếu không có đợt công tác Chiến tranh chính trị của trường Võ Bị Việt Nam.Từ Đà Lạt, anh và đồng đội được không vận bằng máy bay C130 ra phi trường Phú Bài và lên xe GMC vào đây.
Địa bàn hoạt động của toán anh là vùng Thừa Lưu-Nước Ngọt thuộc quận Phú Lộc, một quận phía nam của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Vùng đất chạy dọc theo chiều dài của bờ biển và dãy núi Trường Sơn. Bên kia là phá Tam Giang với các xã Vinh Mỹ, Vinh Hiền, Vinh Giang…mà anh đã nghe Chi khu trưởng Phú Lộc, Trung tá Tôn Thất Khiêm thuyết trình trên bản đồ ngày qua. Trưởng toán, niên trưởng Nguyễn thái Hằng dặn dò “Đừng đi lờ quờ, coi chừng Vẹm cắt cổ”.
Cái nhà ga cũ tàn tạ, sập mái tạo cho Tâm một cảm giác nao lòng. Anh hình dung đến truyện ngắn “Buồn ga nhỏ” của nhà văn Thanh Nam. Buồn đến thế này là cùng!
Chiều đã về. Ánh nắng hắt hiu trên các mái nhà tranh. Hoa sim tím trải dài ngút mắt che khuất đường ray cũ. Tâm nhớ bài hát quen thuộc mà niên trưởng Bùi Phạm Thành k 25 thường hát vào những chiều thứ bảy ở Hội quán Huỳnh Kim Quang “Những đồi sim…những đồi sim…màu tím hoa sim…màu tím hoa sim…”
Chiều qua, toán của anh đã đến thắp nhang cho niên trưởng K19 Võ Thành Kháng, tử trận ở Bình Giã, quê Phú Lộc. Chiếc kiếm thủ khoa trang trọng đặt trên bàn thờ. Hình ảnh một bà mẹ miền Trung gầy guộc, tóc pha sương, ôm những đứa con Võ Bị trong tay, nhỏ những giọt lệ như sương làm anh xúc động. Anh nhớ đến người mẹ thân yêu của mình ở Hóc Môn. Nếu một ngày kia anh cũng ngã xuống trên chiến trường…
Đoàn công tác SVSQ Võ Bị đóng ở Chi khu nằm cạnh cầu Sắt, chiếc cầu cũ kĩ từ thời Pháp thuộc. Bên cạnh Chi khu là một ngôi trường Tiểu học. Từ trong phòng, mỗi buổi sáng Tâm nghe rõ tiếng bọn trẻ ê a, tiếng thước gõ vào cạnh bàn của cô giáo. Cách đó khoảng 500 mét là chợ Nong, một ngôi chợ nghèo ba ngày một phiên. Chợ chỉ có một quán bán bia La Rue, thứ giải khát duy nhất của Tâm và các bạn sau những chuyến đi xuống địa bàn công tác.
Trung tá Tôn Thất Khiêm, Chi khu trưởng rất chịu chơi. Thoạt đầu mới nghe tên ông, người ta cứ ngỡ ông là anh em chi đó với Đại tá Tôn Thất Khiên,Tỉnh trưởng Thừa Thiên- Huế. Xuất thân khóa V có tên Vì Dân của trường Bộ binh Thủ Đức nhưng ông rất có cảm tình với những chàng SVSQ Võ Bị. Ông đích thân lái chiếc Jeep chở bọn Tâm lên Huế chơi. Lần đầu tiên Tâm biết xứ Thần kinh với sông Hương núi Ngự. Ông còn tếu táo “Chú nào muốn xuống Đệ Thất hạm đội trên sông Hương. Anh chiều .“
Hùng, bạn Tâm than thở: “Cùng ra Vùng I nhưng có toán ở ngay trung tâm tha hồ dắt đào đi giung giăng cầu Trường Tiền.Tụi mình phải về “ hóc bà tó” kiếm đâu ra “tình chiến dịch”. Hôm kia tao thấy niên trưởng TrầnThế Hưng K27 đi với một nường trông thật noble, nghe đâu là sinh viên”.Tâm cười.
Nhóm của Tâm có nhiệm vụ qua xã Vinh Hiền trình bày về hiệp định Paris cho dân chúng. Địa điểm được chọn là ngôi trường tiểu học núp dưới những hàng dừa xanh mát. Ở đây nghe nói có một ngôi chùa cổ rất nên thơ.
Các cô giáo đã giúp bọn Tâm chăng bạt, cắm hoa trang trí hội trường. Tâm để ý một cô có cái tên ngồ ngộ: Tôn nữ Thương Nhất.Trên má phải của cô có một cái núm đồng tiền cũng ngồ ngộ không kém.
Buổi thuyết trình diễn ra một cách tốt đẹp. Khi nhảy xuống chiếc đò máy để trở về bên kia Phú Lộc,Tâm nhận ra Thương Nhất cũng đang dắt xe đi xuống. Anh đỡ giúp cô chiếc xe đạp. Cô đỏ mặt lí nhí cám ơn.
Thương Nhất mặc một chiếc áo dài màu xanh da trời, quần đen, tay xách chiếc cặp nhỏ.Trông cô nổi bật giữa đám dân quê lam lủ trên đò.
Những câu chuyện trao đổi ngắn gọn cũng cho Tâm biết một số điểm chính về Thương Nhất. Học Sư Phạm, nhà trên Huế, ở trọ bên Phú Lộc, ngày hai buổi qua đò máy dạy ở trường Tiểu học Vinh Hiền.
Gió lồng lộng trên phá Tam Giang. Mái tóc dài của Thương Nhất bay phơ phất. Một vài sợi tạt ngang mặt Tâm. Mùi hương bồ kết nhè nhẹ lan tỏa. Tâm những muốn ngậm một vài sợi tóc mềm ấy. Hùng ngồi ở băng đối diện nhìn Tâm nháy mắt với một cái cười đầy ngụ ý “Tình chiến dịch có rồi đấy nhé”.
Quen Thương Nhất, những ngày công tác của Tâm trở nên ý vị hơn. Nhà Thương Nhất ở trọ cũng ở gần nhà người mẹ già của niên trưởng Kháng. Ngôi nhà tranh nằm giữa những cây chè Truồi, cây dâu da với những chùm quả treo lúc lỉu. Lần đầu tiên Tâm biết thế nào là vị ngọt đậm của bát chè xanh miền Trung.
Trong cái nắng hanh hao của tháng cuối năm,Tâm ôm đàn Guitar cho Thương Nhất hát bài Chiều trên phá Tam Giang của Trần Thiện Thanh,phổ thơ Tô Thùy Yên. Những câu thơ mơ hồ trong trí nhớ anh ngày học Văn Khoa:
Chiều trên phá Tam giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận
Giờ này thương xá sắp đóng cửa
Người lao công quét dọn hành lang
Những tủ kính tối om
Giờ này thành phố chợt bùng lên
Để rồi tắt nghỉ sớm
Mắt Thương Nhất long lanh, giọng hát cô lan tỏa trong bóng chiều chập choạng .
Chiều nay thứ bảy,Thương Nhất đưa Tâm lên thăm chùa Túy Vân. Ngôi chùa cổ nằm trên ngọn núi gần cửa bể Tư Hiền được xây dựng từ thế kỷ XVII. Hằng chục cây thông cổ thụ vây quanh khu rừng tràn ngập hoa dại và tiếng chim hót. Bước lên gần trăm bậc tầng cấp rêu phong, hai người đứng bên bia đá có khắc bài thơ của vua Thiệu Trị nhìn ra đầm phía Cầu Hai. Thấm mệt, má Thương Nhất đỏ au, trông cô thật quyến rũ.Tâm nghĩ thầm: “Cảnh này người ấy thì nên đổi tên chùa là Túy Nhân (người say) thay vì Túy Vân(mây say)”. Anh cúi nhìn tấm bia đá bằng chữ Hán lẩm nhẩm đọc “Vân Sơn Thắng Tích”.
.Thương Nhất tròn xoe mắt ngạc nhiên.Té ra anh chàng Võ Bị này cũng “đa hiệu” ra phết.
Những chiếc lá vàng rơi. Một vài chú tiểu quét lá.Tiếng chuông chùa ngân nga. Khung cảnh thanh bình quá. Ước gì đừng có chiến tranh…
Sang tháng 1 năm 1973, đoàn công tác của SVSQ Võ Bị đóng tại địa bàn Phú Lộc đã non tháng. Mùa Xuân đã về. Sáng sáng nằm ở trên giường,Tâm nghe âm thanh những bản nhạc Xuân vang vang bên ngôi trường. Thương Nhất cũng chuẩn bị về ăn Tết. Tâm trêu bằng giọng địa phương: “Khi mô em cho anh về thăm mạ?”. Màu hồng nhuộm trên gò má Thương Nhất. Cô nói: “Mạ em khó lắm. Đưa anh về em biết nói răng?”
Tâm đưa Thương Nhất ra quốc lộ đón chuyến xe đò về Huế.
Ngày mồng Hai Tết. Sau một vòng kiểm tra cờ xí, nhắc lại âm mưu “lấn đất giành dân”của đối phương cho mấy ngưới lính địa phương quân; từ chối bữa rượu của ông Trưởng ấp,Tâm gãi đầu gãi tai xin niên trưởng Hằng về Huế với lời hứa sẽ về trước 4 giờ chiều.
Qua trường Đại Học Sư Phạm, qua Đập Đá, thôn Vĩ Dạ hiện ra qua lời dặn dò của Thương Nhất: “Nhà em ở gần phủ Tuy Lý Vương phía tay phải”
Ngôi nhà ngói cổ kính nép sau hàng tre trúc với bức bình phong long ly quy phụng chắn phía trước. Mấy chị em Thương Nhất đang đổ lục xâm hường trên sập gụ. Ba Thương Nhất tiếp Tâm trong gian phòng khách treo đầy câu đối hoành phi. Đó là một ông giáo già đã về hưu.
Bây giờ thì Tâm đã biết gia đình Thương Nhất là một nhánh trong dòng họ Tuy Lý Vương, chú của vua Tự Đức. Vốn liếng thời học Văn khoa giúp Tâm có thể nói chuyện với ba em mà không đến nổi mang tiếng “võ biền”. Và khi nghe Tâm bình về bài thơ “Mãi trúc dao” của Tùng Thiện Vương thì ba Thương Nhất đã chắc lưỡi khen và nhất định mời Tâm ở lại ăn trưa cùng gia đình.
Bữa ăn được dọn ở nhà ngang với những món đặc trưng của Tết Huế như dưa món, nem, tré, măng hầm , bánh tét…Tất cả được trình bày một cách mỹ thuật trong những chiếc đĩa sứ mỏng manh, xinh xắn.
Đi từ sớm lại chưa ăn gì, bụng đói meo nhưng Tâm cố ăn một cách từ tốn, nhỏ nhẹ qua ánh mắt quan sát kín đáo, nhẹ nhàng của mẹ Thương Nhất. Và Tâm cũng biết được sự độc đáo trong cách đặt tên của gia đình này. Ba cô gái có tên theo thứ tự Thương Nhất,Thương Hai,Thương Ba…mà Thương Nhất là chị đầu. Đứa em út trai tên Thương Tư cứ sờ nắn cái alfa đỏ một gạch mà xuýt xoa “Lính chi mà cái phù hiệu đẹp ri anh?”.
Thương Nhất đưa Tâm ra chơi sau vườn. Một khu vườn đầy cây lưu niên như mít, thanh trà, cam, quýt…Mùi hoa cỏ thoang thoảng ngất ngây. Em đọc nho nhỏ câu thơ của Huy Cận : “Đường trong làng hoa dại với mùi rơm.” Tâm tiếp lời “Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm”. Hai người yên lặng, trong khoảnh khắc mơ hồ như nghe được nhịp đập của trái tim.
Đến ở cây khế cuối vườn,Thương Nhất đứng lại với tay vít một nhánh. Mùa Xuân, khế chưa có quả, chỉ là những nụ hoa tím rung rinh. Một vài nụ hoa rơi trên tóc em. Tâm cầm tay Thương Nhất. Bàn tay mềm và nóng hôi hổi. Anh nghe lòng rung động một thứ tình yêu thanh khiết, nhẹ nhàng.
Mọi chuyện diễn biến nhanh chóng như một cái chớp mắt. Đêm 31 tháng 3 năm 1975,Tâm là một trong những SVSQ cuối cùng rời trường Võ Bị. Qua cỗng Tôn Thất Lễ đằng sau Phạn xá, dù đã nén lòng nhưng mắt anh vẫn cay cay. Anh bỏ lại tất cả vật dụng cần thiết ngoại trừ tấm ảnh Thương Nhất nằm trên ngực trái. Giã từ ngọn đồi 1515 với gần bốn năm lăn lộn thao trường…
Tâm đi tù tại trại Trảng Lớn-Tây Ninh. Nhờ tài tháo vát của thời đi Hướng Đạo, dù không được tiếp tế nhưng anh vẫn được coi là một trong những sư phụ dễ dàng tìm nguồn sống cho mình và các chiến hữu. Nào cóc, nhái, chẫu chuộc dưới đất, nào chim chóc, hoa trái trên cây qua tay Tâm đều trở thành sơn hào hải vị . Đặc biệt những lần trại phát động phong trào làm “Báo Liếp”,Tâm chỉ ngồi một chỗ rung đùi cho các chiến hữu tự nguyện bổ củi, cuốc đất giùm, cà phê thuốc lá điếu đóm để anh có thời gian nghiền ngẫm “xuất khẩu”cho bốn câu thơ đi nộp cán bộ “ i tờ rít.”
Tấm ảnh của Thương Nhất sau hơn hai năm cải tạo đã bị mồ hôi của nhọc nhằn gian khổ làm nhòe đi. Nhớ về em, Tâm chỉ hình dung được đôi mắt long lanh và cái núm đồng tiền bên má phải. Anh ngậm ngùi nghĩ tới những câu thơ của Tường Linh trong bài “Nhắn Hoàng thành có người Tôn nữ ”:
Chừ còn gì đâu gởi ra Huế nữa
Mất hết từ ngày đi
Mất hết từ hôm bắt đầu nỗi nhớ
Đường ra như có lắm biên thùy
*
Vì biết sẽ buồn
Nên ngày xưa anh không hứa hẹn
Vì giông tố nên thuyền không cập bến
Vì em là chim hót giữa Hoàng thành
Vì anh là mây chiều còn luyến trời xanh
Ra tù,Tâm đi kinh tế mới ở Daknong. Bạn hàng xóm của anh là hai ông già Nam bộ chơn chất, hiền lành. Hai ông có đến năm cô con gái. Trong một bữa tiệc thịt rừng do anh săn được, ngà ngà say, một ông lên tiếng “Thôi, cũng lớn bộn rồi. Lấy vợ đi. Anh ưng đứa nào chúng tôi cho một đứa”.
Còn gì nữa đâu.Tổ quốc. Lý tưởng.Tình yêu. Tâm nhắm mắt chọn đại một cô. Ơn trời. Đó là người vợ hiền lành, hết lòng vì chồng con.
Năm 2010, kinh tế phần nào ổn định do mấy mẫu cao su thấm máu, mồ hôi, nước mắt đã đến kỳ thu hoạch, Tâm đưa vợ con về thăm quê cha đất tổ Hải Phòng theo lời trăn trối của mẹ già trước lúc lâm chung.
Xe qua hầm Hải Vân, qua Lăng Cô, vùng Thừa Lưu - Nước Ngọt hiện dần ra trước mắt. Gần 40 năm đã trôi qua. Một khoảng thời gian dài đủ xóa đi những vết tích. Cây cầu sắt và cái ga xép tiêu điều đã trở thành khu thị tứ đông đúc. Những ngôi nhà cao tầng san sát nhau. Tâm không thể nhìn ra đâu là nhà niên trưởng Kháng, nhà của Thương Nhất từng ở trọ…
Tâm bâng khuâng. Giã từ Huế. Giã từ những tháng năm đẹp nhất của đời người. Có những mối tình chỉ là một cái nắm tay nhưng cũng đủ theo ta đi suốt cuộc đời.