Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



MÙA XUÂN VÀ CHIM ÉN




Từ trong sâu thẳm của ký ức, của kỷ niệm hay từ cõi mơ mộng thời tuổi trẻ được học thơ Nguyễn Du – mỗi lúc nghĩ đến mùa Xuân, là tôi lại nhớ đến những cánh chim én…

Bầu trời xanh trong đầy chim én bay liệng với cánh đồng yên ả tươi mát quả thật là một bầu trời Xuân tuyệt đẹp!

Tôi và vài đứa bạn trong xóm, sau buổi học chiều không trở về nhà vội, đã rủ nhau lên những gò đất cao giữa đồng; làm bẩy bắt chim én. Chúng tôi cắm những thanh tre nhỏ vuốt nhọn, xuống đất- phía trên là một vòng tròn thòng lọng có buột một con ruồi (hay cao cào nhỏ) và im lặng ngồi chờ.

Chúng tôi mải mê nhìn theo từng đường bay lượn của đàn én, lúc bay bổng, lúc sà xuống thấp; tạo thành một điệu luân vũ êm đềm và quyến rũ. Mùa xuân như được chúng đan dệt, thêu thùa, để ngày càng đến gần rực rỡ.

Tôi nhìn ngắm và tưởng tượng ra chim én chắc là đẹp lắm. Chắc là đặc biệt lắm. Nếu không, sao chim én có thể là biểu tượng cho mùa Xuân? Sao chim én yêu thích mùa Xuân mà trở về?

Một cánh chim sà xuống quãng gò cao, và liền bị một chiếc bẫy cột chặt. Chúng tôi reo lên, cùng chạy đến để “xem mặt” chú chim én xấu số!

Đó là một cánh chim nhỏ, thanh mảnh, lông đen, mắt sáng… Nhìn kỹ, tôi không thấy có một nét gì đặc biệt. Chim én không là loại chim đẹp, quý hiếm; nhưng hình như ở cái vóc dáng nhỏ bé ấy toát ra một sự thông minh, lanh lợi, hiền từ…

Sau khi cùng ngắm nghía chú én – mỗi đứa được cầm trên tay một lần – tôi đề nghị : “Thả cho nó bay, tụi bay !”. Không có đứa nào phản đối, có lẽ tất cả chúng tôi đều thương cái dáng vẻ bé nhỏ, diệu hiền của nó…Chim én được tôi thả ra – bay vút lên cao!

Những buổi chiều sau, và những buổi chiều sau nữa trong đời, tôi thường ra gò hóng gió, và để nhìn chim én bay liệng… Chim én về càng đông, là tôi biết ngay mùa Xuân đã gần kề – Tết đến !

Lớn lên, xa quê- nhưng tôi rất may mắn được ở tại một ngôi chùa mà phía trước là cánh đồng, xa xa là núi đồi cô tịch. Và nhất là mỗi sớm chiều chớm Xuân, chim én lại về trên cánh đồng… Cánh đồng lúa mênh mông trải dài đến tận chân đồi một màu xanh ngan ngát. Chim én từng đàn bay liệng, chao đảo, như cũng nô nức, rạo rực đón Xuân. Phía trên là những cánh én. Phía dưới là đàn cò trắng. Đàn cò thong dong bước, từng bước – như kẻ đi dạo ngoài đồng…

Đứng ở cổng chùa, tôi có thể nhìn bao quát cánh đồng, theo dõi từng đường bay nhẹ tênh của chim én mà không thấy chán. Chim én ở quê tôi, và chim én trên cánh đồng Hòa Thịnh này – không có chút gì khác cả. Vẫn thoăn thoắt . Nhẹ nhàng. Quyến rũ và thơ mộng ! Có khác chăng là cuộc đời tôi qua từng mùa chim én về, từng nỗi thương đau mất mát, đổi thay, đã đưa tôi trôi dạt về đây…

Thời gian quay theo từng cánh chim én, đời tôi cũng quay theo cuộc gian truân ; tôi rời xa ngôi chùa cổ kính thân yêu cũ để lại trôi dạt về một phố biển. Như bao phố khác, ở đây nhà cao tầng, cột điện, ống khói nhà máy, và tiếng động luôn ầm vang thôi thúc ngày đêm.

Anh mắt tôi, tầm nhìn tôi cũng lại bị giới hạn, cô thúc bởi các dãy nhà cao lêu nghêu, bởi công việc, bởi cuộc sống quay đều như một cổ máy. Những lúc nhìn lại đời mình, cuộc sống mình, tôi nhớ những cánh chim én ở quê xưa, và ở ngôi chùa cũ. Cánh én bay qua, liệng lại trong trí tôi như những gợi nhớ êm đềm.

Tôi cảm thấy thương cho đời mình và bao lớp người trẻ hôm nay đã không có thời gian, không có dịp để ngắm nghía những đàn én bay múa thong dong trên bầu trời xuân yên lành, trong trẻo nữa. Cuộc sống thiếu cánh én (đàn cò trắng, cánh chuồn chuồn, châu chấu, đôi chim sâu, bươm bướm), là thiếu đi một phần tươi mát của tâm hồn! Rời xa thiên nhiên là tự mình làm khô cạn mạch nguồn cảm xúc; từ bỏ những nhu cầu thiêng liêng cao quý của cuộc sống !

Con chim én bé xíu thân yêu kia đã có lần nằm trong đôi bàn tay tôi. Tôi vô cùng hạnh phúc mỗi khi mùa xuân về, nhớ lại cánh én của tuổi thơ dong ruổi trên đồng và đàn én rợp trời trên cánh đồng Hòa Thịnh mỗi sớm mai hay mỗi lúc chiều tà đứng ở cổng chùa Phi Lai say mê nhìn mãi…






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com