Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

VỀ THĂM CHỐN CŨ




M ột chiều cuối thu, mây trôi lơ lững, mưa nhè nhẹ giăng buồn, anh đi trên con đường đến trại giam Đồng Sơn, nơi mà cách đây ba mươi ba năm anh đã từng ở. Ngày ấy anh đi vượt biên bị bắt rồi đi tù, cuộc sống trong tù thật cơ cực, đúng là người ta thường nói ' nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại '. Thời gian ba năm anh tưởng chừng dài như ba thế kỷ.

Con đường vào trại ngày xưa đầy sỏi đá lởm chởm quanh co chẳng có bóng cây nào giờ đây thông reo vi vu, keo lá tràm xanh ngát, tỏa bóng mát ngập tràn hai bên đường. Chính giữa con đường nhựa đen mướt, giáp với con đường Trường Sơn có tấm bảng đỏ chữ vàng đề ' Trại giam Đồng Sơn ' . Anh tìm vào đến tận cổng và xin được vào thăm chốn xưa nhưng người gác phía trước không cho vào và cũng không cho chụp hình. Anh đứng bần thần nhìn lại nơi anh đã từng ở ba năm Ba năm gian khổ đi chặt cây, phát rẫy trong rừng sâu, làm lụng vất vả, cuốc đất trồng sắn trồng khoai, bữa ăn chỉ có vắt bột sắn mà bẻ ra bên trong toàn phân chuột đen thui như có hột đậu đen. Khẩu phần một tù nhân chỉ có bốn cân lương thực một tháng. 

Anh vẫn cố gắng sống, lao động để hy vọng, để đợi chờ  một ngày anh mãn hạn ra tù anh trở về cùng gia đình. Núi rừng nơi đây đã in dấu chân anh, sỏi đá nơi đây đã chia xẻ những nhọc nhằn gian khổ cùng anh, bầu trời nơi đây, mây trắng nơi đây đã hòa cùng hơi thở của anh. Anh lang thang tìm lại dấu vết khổ nhọc của mình ngày xưa, xa rồi, tất cả đã xa rồi, những ngày khủng khiếp đã qua, anh đưa cặp mắt già nua  kiếm tìm, anh mơ hồ những ngày gian khổ như rất gần, rất gần và như mới đâu đây thôi. Anh nhìn bầu trời lãng đãng, vài cụm mây trắng trôi về nơi vô định, để lòng buồn nhớ về những ngày xa xưa, những ngày đã in đậm vào trái tim anh, in đậm vào tâm trí anh. Anh nhớ lại những ngày đầu mới bị đưa đến đây anh đã mừng rỡ vì anh vừa ở trong khu biệt giam lao Thừa phủ ở Huế ra. Ở trong đó suốt ngày không thấy ánh sáng, chỉ trừ những lúc đến phiên anh đi đổ thùng phóng uế, những lúc ấy cũng vội vã không dám chần chờ. Giờ ra đây, anh được hít thở khi trời trong xanh, còn công việc lao động thì quá bình thường đối với anh, sau biến cố 75 anh đẫ trải qua năm năm vất vả, làm ruộng, chế biến mì sợi, xay ngô… nên đã quen đi phần nào.  Anh nhớ có lúc anh bị sạn thận hành hạ đau buốt, rồi anh bị một cái mụt đồng đanh thật to giữa bụng, đớn đau quằn quại giữa một nơi gần như đơn độc của kiếp tù đày. Có những lúc anh tưởng như mình không thể nào vượt qua được nổi đau của thể xác và tinh thần, những ngày gian lao cực nhọc. Cũng may đau ốm rồi cũng qua, qua đi trong nỗi lo sợ phập phồng, trong niềm đắng cay, tủi cực. Anh tồn tại được trong hoàn cảnh đó là nhờ hình bóng cha mẹ già, người vợ thân yêu và đàn con nhỏ dại đang chờ anh trở về…

Anh đến bên tấm bảng của trại chụp một tấm hình để kỷ niệm. 

Rồi anh tất tả lái xe về hướng nam, anh ghé Tam Kỳ. Anh hỏi thăm đường lên Kỳ Sơn, nơi mà cách đây ba mươi tám năm anh bị tập trung lao động vất vả vì anh là sĩ quan của quân đội VNCH. Qua bao tháng năm mọi vật đã đổi thay đến không ngờ,  con đường này ngày xưa đồi dốc quanh co, lội suối băng rừng bây giờ được đúc bê tông rộng thênh thang trắng lóa, băng ngang  những con suối đã có cầu khang trang, hai bên đường được trồng hai dãy keo lá tràm mát rượi, rải rác có nhà dân ở. Anh phóng mắt tim lại chốn xưa không còn dấu tích. Tất cả đều xa lạ mới mẻ đến không ngờ, trại tù Kỳ Sơn đã được xóa bỏ, đã  dời về Tiên Lãnh từ cuối năm 1976, một nơi xa thẳm tận rừng sâu. Anh nhìn về hướng dốc ba hương, cái dốc mà muốn lên đến đỉnh dốc phải tàn ba cây nhang, nơi ấy ngày xưa anh cố gắng lắm mới lên đến đỉnh dốc hụt cả hơi, vai vát hơn mười  hom sắn mà như vát cả giang sơn nặng không bút nào tả nỗi.

Còn những lần anh đi làm trong rừng bị vắt cắn máu nhỏ xuống từng giọt, từng giọt trên đoạn đường anh bước, lúc ấy anh thầm nghĩ đến câu hát ' máu thấm đường ta đi, lẫn mồ hôi rơi, tình yêu tha thiết, ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình '. Anh bổng nghĩ đến cái chết của một người bạn ở khóa đàn anh. Sáng hôm ấy là ngày chủ nhật vợ anh ấy lên thăm không biết cậu vệ binh nói gì mà anh ấy chụp cổ áo của vệ binh và trạc ngực áo mình ra giận giữ nói ' ngực ta đây có giỏi thì bắn đi, chớ đừng làm nhục ta trước mặt vợ ta ' Vậy là sáng hôm sau trong giờ đi làm rừng, anh ấy bị bắn chết với tội danh trốn trại Cái chết của niên trưởng đã làm cho tâm hồn anh xao xuyến hoang mang, ngậm ngùi rơi nước mắt, ám ảnh anh mãi mãi, chẳng thể nào nguôi ngoai. Bây giờ nhớ lại anh vẫn thấy con tim đau nhói. Buổi sáng hôm ấy là thứ hai nắng vẫn đẹp, đám tù nhân đang cặm cụi làm việc phát quang làm rẫy bổng nghe hai phát súng nổ chát chúa. Mọi người dừng tay quay lại, ai nấy chết lặng, bàng hoàng, anh ấy nằm đó không còn cử động, anh đã trút hơi thở cuối cùng. Các bạn tù đưa anh về trại, ghép tạm mấy miếng ván làm  quan tài, không có cơm xông đầu, không có khói nhang, không có đám ma, im lìm lặng lẽ,, nhưng trong lòng bạn tù, bạn đồng đội, ai cũng thắp lên nén tâm hương, mà nén tâm hương ấy cháy mãi không bao giờ tắt, không bao giờ tan biến.

Hôm sau, nơi anh ấy ra đi, trời  đang yên lặng bổng một vùng gió xoáy, xoáy tròn, rồi tụ lại ngay nơi anh ngã xuống, các anh trong lán hết hồn và lâm râm khấn vái hương hồn anh có linh thiêng hãy về với vợ, với con của anh... Rồi hôm sau một con rắn to khoanh tròn ngay chỗ anh ấy nằm trong lán. Các tù nhân vội đuổi nó vào rừng sâu, nó lẩn vào trong đám tranh, ai cũng nghĩ anh linh của trung tá Võ Vàng, một người xông pha nơi trận tuyến, giờ đây chết oan ức, tức tưởi giữa núi rừng, chết bất ngờ không nói được lời nào.

Hai ngày sau vợ anh mới biết được, lên ôm ngôi mộ đất còn mới khóc ngất, khóc rất thảm thiết, khóc đến rã rời, đôi mắt sưng vù làm cho các tù nhân ai thấy cũng mủi lòng không cầm được nước mắt, ai cũng cảm thông, cũng biết trong trái tim chị ẩn chứa một nỗi đớn đau vô cùng tận, một nỗi hụt hẫng, mất mát vô bến bờ

Rồi đến cái chết của một Bác sĩ mà anh không nhớ tên, người này tự tử, vì vợ con anh quá thiếu thốn, anh quá đau lòng. Rồi đến  cái chết của một bạn Công binh vì lặn xuống suối lượm trái lựu đạn không nổ, nhưng khi anh ấy đụng vào thì nó nổ. Những cái chết đã làm cho trái tim anh đau đớn, nát tan.

Anh còn nhớ đến một cán bộ quản giáo, đã kể câu chuyện tình của anh ta cho anh và các tù nhân nghe. Anh ta kể ' ngày ấy anh ta bị thương cũng ở gần vùng này, anh ta chạy vào nhà dân trong nhà  có cô thôn nữ, một mẹ già cô ấy mới lấy cái lu úp lại dấu anh ta, sau chăm sóc vết thương cho anh ta bảy ngày. Tình cảm thắm thiết nẩy sinh giữa hai người. Anh ta hứa hẹn ngày hòa bình  sẽ trở về nối nhịp cầu duyên cùng ân nhân cứu mạng.  Nhưng  hòa bình lập lai, anh ta không giữ lời hẹn ước vì cô ấy là thôn nữ mộc mạc, chất phát, nghèo. Anh ta còn phán một câu ' Ngu gì, về Đà Nẳng kiếm một cô  thời trang, đẹp, và giàu chứ cô ấy xấu quá, quê mùa quá ' Anh nghe mà bàng hoàng ngớ ngẩn, cảm thấy thương cho cô gái và đánh giá lòng dạ con người anh ta, đầy  tráo trở, bạc tinh....Anh nghĩ mà thương cho cô gái quá chừng.

Một lần anh nghe vợ anh kể : Cũng anh ta hay ra la cà nói chuyện cùng các vợ cựu sĩ quan. Anh ta nói mấy thằng ' ngụy ' sướng, có vợ đẹp và rất chung tình. Đem chồng nó đi đâu nó cũng tìm đến, không cho nó thăm, nó khóc ngồi ì mãi, mà cho nó thăm, nó về kéo lũ nầy đến lũ khác đến thăm. Còn ở miền Bắc chồng đi vào Nam mấy năm cũng không gửi một cái thư, nếu có chỉ là những lời động viên hoàn thành nhiệm vụ trên giao… Anh ta ngồi kể cùng các cô vợ đi thăm chồng rồi cười thích thú.

Bổng anh nghĩ tình yêu là nỗi nhớ trong sâu thẳm trái tim của mình, tình nghĩa vợ chồng là những gì gắn bó keo sơn, ràng buộc bởi tình yêu, bởi con cái, bởi gia đình, anh bâng khuâng nhìn về phía núi rừng xa xa lòng mang nhiều u uẩn

Anh nhớ có lần anh đi phát quang cho đoàn địa chất, họ lên để khảo sát mỏ vàng Bồng Miêu. Hai bên đường cây cối um tùm, dây leo chằng chịt, bít kín con đường và các hầm lò của mỏ vàng. Đám tù nhân làm từ sáng đến trưa. Anh đem theo lon guigo và nấu một lon chè đậu đen với đường đen, vị ngọt thấm vào cổ, vào tâm tư anh, anh có cảm nhận như từ lâu lắm rồi mình chưa được thưởng thức một hương vị nào đậm đà ngon ngọt như hôm ấy, anh thấy lòng mình khoan khoái, rồi anh nghĩ đến kiếp tù đày không biết ' tốt ' đến đâu để được về với gia đình vợ trẻ  con thơ, nghĩ đến đây lòng anh bổng  chùng xuống, rồi vỡ òa với bao nỗi đau xót bất an. 

Có những đêm trăng, nằm trong lán trại tù, anh nhìn qua khe hở của chiếc cửa sổ, anh thấy thèm tự do, thèm được ngắm trăng, thèm gia đình, thèm đón những cơn gió làm lay động ánh trăng. Anh nhớ đến đôi mắt của đứa con gái út có rèm mi dài cong vút và đứa con gái kế đẹp như thiên thần nhỏ, anh ước ao được sớm trở về, trong lòng anh rưng rưng niềm im lắng mênh mông

Rồi anh nhớ đến mẹ, người mẹ một đời tảo tần nuôi anh ăn học đến khôn lớn,  cưới vợ cho anh, anh chưa kịp đáp đền. Những năm anh ở Kỳ Sơn mẹ anh thường đến thăm anh, mẹ bới cho anh một lon cá bống kho tiêu mà anh để dành ăn dần suốt cả tuần chẳng bị ôi thiu. Người mẹ già hai tháng một lần vượt một quãng đường dài, từ Huế vào Kỳ Sơn, lên đèo xuống dốc,  lụm cụm bới xách cho anh. Rồi khi anh ở tù trại Đồng Sơn, măc dù con đường từ ga xe lửa đến trại rất xa, mẹ vẫn vượt một quảng đường dài sỏi đá lởm chởm rất khó đi với đôi chân già nua yếu đuối vẫn đến thăm anh, bới xách cho anh. Giờ đây người không còn nữa, người đã về bên tổ tiên ông bà, đã  vĩnh viễn ra đi, Mẹ ơi!  Dưới lòng đất sâu mẹ có còn nhớ đến con trai của mẹ không? Trong cõi vô hình ba mẹ có hạnh phúc không?  Anh mơ được còn mẹ để anh được cầm bàn tay run run xương xẩu của mẹ ấp vào đôi tay nóng ấm của mình mà thấy lòng tràn ngập yêu thương. Nghĩ đến đây anh nghe lòng mình chìm đắm trong nỗi xót xa, thương nhớ mẹ vô ngần.


          



| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com