Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


VIẾT LÊN BIA MỘ




B uổi sáng. Thư viện vắng người. Anh tìm hoài cuốn sách của một tác giả quen tên. Nắng bẻ cong những cành cây bên ngoài khung kính. Một vuông trời biếc xanh trên cao. Cánh chim chao đi trong cái mênh mông của đất trời. Tiếng chuông điện thoại reo trong khu nhân viên. Đứa bé gái cầm cuốn sách có hình Mickey Mouse lăng xăng chạy ra quầy kiểm sách.

Bỗng dưng tôi nghĩ đến em. Nếu em còn đâu đó trên thế gian, hẳn em cũng có đứa con gái dễ thương như thế.

Tìm được cuốn sách, anh ôm nó trong tay như sợ ai cướp mất. Anh đi tới đi lui trong khu sách tiếng Việt. Tờ báo Việt ngữ ai đó bỏ trơ trọi trên mặt bàn. Anh ghé mắt nhìn. Thủ Tướng Việt Nam thăm Hoa Kỳ. Ừ, lâu lắm mới lại có người Việt Nam làm lớn qua thăm nước Mỹ. Anh nhớ hồi học tiểu học có thấy hình Tổng Thống Ngô Đình Diệm đọc diễn văn trước lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ. Tấm hình đen trắng. Anh nhớ cả những bản tin về Tổng Thống Thiệu ghé hòn đảo nào đó (hình như là Midway) để thảo luận với Tổng Thống Nixon chuyện chiến tranh Việt Nam. Hôm Nixon chết, anh coi ti vi, thấy những chiếc máy bay phản lực của không quân Hoa Kỳ xé bầu trời, bay chào vĩnh biệt. Những mảng trí nhớ vuông vức.

Anh bới những cuốn sách chen chúc nhau trên kệ khu sách Việt ngữ. Anh nhìn thằng bé Harry Potter tiếng Việt trên bìa cuốn sách dầy. Anh gặp Quỳnh Dao. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam. Thì cũng mừng cho Quỳnh Dao. Mùa Thu Lá Bay. Ừ, mùa thu lá bay em đã đi rồi. Em đi lâu rồi, nhưng người ta vẫn nhớ.

Nhưng bấy giờ thì hết rồi.

Anh lầm lũi bước ra cửa. Đèn đỏ bật sáng. Chuông báo động réo vang chói tai. Rồi ngọn đèn chớp tắt nhập nhòe. Tấm gỗ cản lối ra đóng chặt. Anh giật bắn người.

Thưa ông, xin ông vui lòng trở lại quầy sách lưu hành.

Anh lầm lũi bước lui, về phía cái quầy hình bán nguyệt. Mặt anh chắc đã đổi sang mầu gấc chín. Anh đưa cuốn sách trong tay cho người nhân viên thư viện và sực nhớ mình chưa đưa cho người ta kiểm qua máy. Hèn gì vừa bước đến cửa, còi báo động đã reo vang.

Tiếng còi ấy anh thù lắm. Nó làm anh liên tưởng đến tiếng còi báo động ở những phố phường Âu Châu thời thế chiến hai, lúc sắp bị máy bay bên địch ném bom.

Để tôi nhớ lại xem em đã nói với tôi những gì nhé. Em kể cho tôi nghe về những ước mơ. Em thèm có đứa con gái giống mẹ. Để em sẽ chải đầu cho nó, sẽ gài từng nút áo cho nó. Chải đầu xong, em sẽ gỡ sợi tóc rối trên trán nó. Gì nữa nhỉ. Em sẽ thổi vào đầu gối con bé lúc nó vấp ngã bên hiên nhà. Em sẽ vừa đánh xuống đất, vừa mắng cái nền nhà hư quá, làm sưng đầu gối con của mẹ.

Hạnh phúc đơn sơ biết chừng nào.

Ông chưa check out cuốn sách này. Vì vậy mà máy báo động.

Anh muốn xin lỗi. Nhưng nói không nên lời. Người con gái nào đó nhìn anh. Bao nhiêu người trong thư viện nhìn anh nhưng anh chỉ nhớ một đôi mắt. Người con gái Triều Châu. Những người con gái Trung Hoa tình cờ bắt gặp, anh đều cho cái nhãn Triều Châu. Chắc bởi cái tên Triều Châu gợi lên bao nhiêu điều dịu dàng khó nói.

Người nhân viên cho thẻ thư viện của anh cùng cuốn sách chạy qua máy rồi đưa cho anh.

Lần sau ông nhớ check out.

Vâng, tôi nhớ. Cám ơn cô.

Lúc anh cho kiểm xong cuốn sách thì người con gái đã đi đâu mất. Anh bần thần nhìn quanh. Khi không anh muốn nán lại thư viện thêm một hai tiếng đồng hồ. Và lúc đi viền quanh những quầy sách Việt ngữ, anh gặp lại người con gái Triều Châu ấy. Chân co chân duỗi giữa hai hàng kệ. Chiếc váy dài phủ kín đôi chân. Mấy ngón chân đi dép lấp ló trên mặt thảm đỏ. Anh đứng sững ở đó, chăm chăm nhìn cô. Cô gái giống em ở thế ngồi cam chịu. Và giống cả mái tóc xõa xuống ngang lưng.

Cô gái phơi phới như mùa xuân đang ngồi mê mải đọc sách trước mặt tôi kia kìa. Còn em, bây giờ em giờ ở đâu.

Em. Sợ. Mai. Mốt. Chết. Không. Ai. Nhớ. Em.

Cái giọng khò khè còn hoài trong trí nhớ.

Tôi nhớ đã dẫn em ra khỏi bệnh viện. Em chập chững trên con đường sống trâu gập ghềnh đá núi của đảo hoang như em bé mới tập đi. Tôi dọa không chịu tập, mai mốt quên luôn, không biết đi như thế nào nữa đó. Em sợ ra ngoài gặp thiên hạ. Em sợ ngồi một chỗ mai mốt liệt luôn. Em sợ lỡ chết, không ai nhớ, không ai thắp cho mình một cây nhang. Tôi chỉ cho em coi tấm bia tưởng niệm sơ sài. Em nước mắt chạy quanh. Còn tôi lòng xoắn lại như ai rút ruột mình ra mà buộc đầu những ngọn dừa cao vời vợi. Mai kia mọi chuyện lắng xuống, người ta sẽ qua thăm nơi này, người ta sẽ dựng lên những tượng đài. Để thế nhân có lòng ghé qua thắp cho một nén nhang, sưởi ấm hồn oan những người không đến được bến bờ.

Tôi nghĩ nếu em không sống được, tôi sẽ là người khắc tên em lên tấm bia đài tưởng niệm.

Em. Hổng. Chết. Phải. Không. Ừ, không đâu. Em sẽ khỏi bệnh. Em. Sẽ. Định. Cư. Ở. Đâu. Ở đâu, định cư, định cư ở đâu nhỉ. Tôi moi óc tìm một địa danh trong cuốn sổ nhân đạo của loài người. Ở. Đâu. Hả. Bác. Sĩ. Em nhắc. Ở quốc gia thứ ba. Tôi nói vội. May mà tôi nhớ ra được. Quốc gia thứ ba.

Và cũng may mà em không hỏi tôi quốc gia thứ ba nào.

Tôi chỉ cho em coi tấm bia tưởng niệm bằng những mảnh gỗ sơ sài chắp lên nhau. Mai sau, con cháu mình nhìn tấm bia này, sẽ nhớ đến ông già Bi-đông, sẽ nhớ đến Ba Cô, sẽ nhớ bao nhiêu ngàn cô, bao nhiêu ngàn thuyền nhân đã chết trên biển cả mênh mông.

Chú ơi, phải chú viết cuốn này không?

Cô gái Triều Châu bây giờ ngồi xếp bằng ngay trên thảm, hai ba cuốn sách nằm bên cạnh. Mép váy lệch một bên, để hở miếng bắp chân trắng hồng. Cô đưa cuốn sách lên trước mặt chặn anh lại, lúc anh lững thững bước trở lại khu sách tiếng Việt.

Anh ngỡ ngàng nhìn cuốn sách quen thuộc. Cuốn sách mà nhà xuất bản rất quen, rất thân đã in đi in lại rồi lâu lâu bán một đợt hạ giá ê chề.

Phải không. You must be the author. Thấy anh ngập ngừng, cô gái hơi nhíu đôi lông mày đặm như một đường viền rõ nét. Sorry. Tại cháu thấy cái picture của chú.

Không sao. Anh cười. Vậy mà tôi tưởng.

Chú tưởng gì?

Tưởng em là cô gái Triều Châu chứ.

Triều Châu gì chú.

Trung quốc.

I mean chú muốn nói là Chinese.

Anh gật đầu với nụ cười mỏng.

Do I look Chinese?

A, cái câu hỏi ấy, ngày xưa em cũng hay hỏi.

Bộ. Em. Giống. Tầu. Lắm. Hả. Bác. Sĩ.

Ấy là cái lúc cao ủy y tế hỏi tôi em giống hệt cô gái Trung Hoa có phải em người Việt gốc Hoa không. Và cái tên nữa, nghe cứ như tên tài tử Hồng Kông.

Anh ngần ngừ nửa muốn bước đi, nửa muốn ngồi hẳn xuống cạnh cô gái. Anh nhìn những cuốn sách cô sắp bên cạnh. Những cái tựa tiếng Việt.

Em đọc tiếng Việt được nhiều quá nhỉ. Anh đưa đẩy.

Not much.

Anh chỉ những cuốn sách nằm trơ vơ trên nền nhà. Ba bốn cuốn tiếng Việt nè.

Không có đâu, tại cháu có cái project phải làm.

Anh bị lôi cuốn không biết bởi điều cô gái nói ra hay bởi con mắt một mí lót quá đỗi Triều Châu.

Project gì vậy, nói tôi nghe với được không.

Sure. Chú phải promise sẽ kể cháu nghe something.

Anh gật đầu vội vã. Ô-Kê. Ô-kê nhưng project về cái gì chứ.

Về Boat People. Vietnamese Boatpeople.

Ô, ngực anh nhói lên cảm giác đau của cái lần mịt mù giữa biển khơi, chợt thấy lờ mờ vệt đen của một cánh buồm.

Boat People tiếng Việt là Thuyền nhân.

Hồi đó chú có là thuyền nhân không?

Có. Anh trả lời với chút nghi ngại.

Oh, my lucky day.

Đôi mắt cô gái sáng lên như ánh đèn chói lòa của ngọn hải đăng cheo leo trên dốc núi.

Sao. Gọi. Là. Em ngừng lại để thở. Rồi em cắn môi hít hà. Thuyền. Nhân. Em lại ngừng để thở. Vừa tập tễnh bước đi vừa nhăn nhó vì đau nhưng em cũng cố ném ra cho tôi – bằng cái giọng khao khao của thanh quản trầy nát trong đêm bạo hành của bầy thú dữ – những thắc mắc tái tê cả cõi lòng. Thuyền nhân là những người bỏ xứ ra đi bằng thuyền. Còn. Em chặn tay lên ngực. Gió biển lùa qua mớ tóc khô cháy, từng sợi, từng sợi phất phơ. Những. Người. Em liếm môi. Giọng nói mỏng loãng tan vào gió. Vượt. Biên. Em bật lên cơn ho thắt ruột. Tôi muốn vuốt ngực dỗ dành cơn ho như mẹ tôi thường làm khi con bé em nhỏ xíu của tôi bị ho nhưng tôi ngại ngần. Tôi không muốn những thằng cướp biển lại lảng vảng hiện về quanh em. Đường. Bộ.

À, những người vượt biên đường bộ thì sao. Những người vượt biên đường bộ…

Chú ơi, cháu có thể dùng chú cho cái project Vietnamese Boatpeople này không.

Anh ngần ngừ. Em muốn tôi phải làm gì đây.

Chú survive. Chú kể lại. Just tell your story.

Kể thế nào đây nhỉ. Biết bắt đầu thế nào đây. Để tôi bắt đầu từ đoạn giữa như người ta hay làm phim vậy.

Trên đảo chỉ có một bác sĩ thôi em ơi. Em. Sợ. Giọng nói như bị siết cổ, thắt họng. Hết sợ rồi. Em. Sợ. Giọng nói khè khè qua ống tre, ống nứa. Ở đây an toàn rồi. Sợ. Lắm. Tôi đứng sau tấm màn che. Ống thính chẩn quấn quanh cổ, thòng xuống trước ngực. Vòng dây cao su như con rắn chỉ chực quằn lên quấn lấy cổ họng. Em tới Mã Lai rồi. Cao ủy xã hội dỗ dành. Cô thông dịch thuyết phục. Mã. Lai. Giống. Hơi thở nào ứ trong lồng ngực. Thái. Lan. Khác, khác em à. Tiếng gào thét ngắt ngang những câu tra vấn. Nó. Đập. Hai cánh tay người đàn bà vung vẩy, xua đuổi kinh hoàng. Đầu. Chồng. Em. Máu. Máu. Cho. Tiếng người đàn bà bỗng chìm xuống thành thì thào như sợ ai nghe thấy. Nhưng đứng sau tấm màn dầy, tôi vẫn nghe được rõ ràng. Bác. Sĩ. Đàn. Bà. Rồi câu nói ngưng ngang.

Nếu còn sống người thiếu nữ ấy chắc cũng có đứa con bằng tuổi em. Tôi đoán vậy. Cô ta hay kể tôi nghe về mơ ước thời con gái. Mai sau có con, cô ấy chọn con gái. Đặt tên thật hay cho nó, mua sắm quần áo đẹp cho nó, diện cho nó đẹp hết biết luôn. Cao ủy xã hội phải dỗ dành thuyết phục mòn môi qua một người thông dịch nữ rằng trên đảo chỉ có một bác sĩ. Cô ấy run bắn lên khi nghe nói bác sĩ là đàn ông.

Tìm đâu ra bác sĩ đàn bà ở cái đảo hoang vu này. Người cao ủy than thớ với tôi như thế.

Ấy là lần duy nhất trong đời tôi muốn trở thành một người nữ để chia với em cái đau của một con người.


♣ ♣ ♣

Buổi trưa, thư viện bắt đầu đông người, anh đem cuốn sách trả lại quầy lưu hành. Nắng vẫn bẻ cong những cành cây bên ngoài khung kính. Vuông trời biếc xanh đã lốm đốm những vẩn mây mầu trắng. Nhìn qua cửa sổ, anh bắt gặp một cánh chim chao đi trong cái mênh mông của đất trời.

Tôi vừa tìm được một việc nhỏ để làm. Tôi sẽ theo cô bé trung học này tới lớp, tôi sẽ kể cho đám học trò cùng lớp cô nghe về tấm bia tưởng niệm thuyền nhân.

Nếu em còn trên thế gian, hẳn em cũng có đứa con gái dễ thương như thế.

Chết. Buồn. Lắm. Không. Ai. Nhớ. Mình. Nữa. Sợ.

Anh dẫn cô đi xem tấm bia tưởng niệm thuyền nhân lúc ấy mới chỉ là những thanh gỗ chắp lại, anh bảo mai mốt có tiền, người ta sẽ xây tấm bia xi măng. Sẽ không bao giờ quên những người đã chết trên biển cả. Lỡ quên, những tấm bia này sẽ nhắc.

Tôi có lỗi với em. Bởi tôi lỡ để người ta đục vỡ những tấm bia tưởng niệm.

Linh hồn Em có linh thiêng. Cho tôi viết nên một lời tạ tội. Của một kẻ đã sống sót.

Nhớ nghe chú. Two weeks from today. Chú sẽ làm cái presentation đó đó. À, here is my cell phone number.


     



| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com