.....................................
T ổ kinh tế mới kinh Đòn Giông chẵn một chục mười hai.
Bên mé nhà Phương, từ đầu ngã ba kinh chảy ra sông có nhà bà Bẩy , kế tới là gia đình ông Minh, nhà Luận một cặp vợ chồng trẻ chưa có con cái gì, nhà Huân và nhà vợ chồng anh. Cách khu đồng cỏ năng một quãng lớn mới tới gia đình ông Xuân, cô Sáu, ông Khương. Bờ đối diện, xế phải nhà Phương có nhà vợ chồng anh Năm Đắc, kế tới là nhà gia đình ông Khánh rồi tới nhà gia đình ông Thư, ông Quang.
12 người đại diện gia đình tổ kinh Đòn Giông kẻ đứng, người ngồi bao quanh ông Ba Cà Lăm trưởng ấp, chủ tọa cuộc họp trước một chiếc bàn gỗ cũ kỹ của gia đình bà Bảy nhà sát bờ sông ở đầu kinh.
Ông trưởng ấp Vàm Rầy là một ông già hơn 70 tuổi, cao gầy tráng kiện, người đen sạm vì nắng gió, quần áo kiểu bà ba màu nâu cũ , chân đi đất. Sau khi tự giới thiệu với giọng nói ngập ngượng của ông, ông Ba Cà Lăm yêu cầu mọi người đề cử ra một thư ký đại diện cho tổ. Anh Năm Đắc, Huân, ông Minh cùng đề nghị Phương, mọi người đều đồng ý rất nhanh. Phương được ngồi vào bàn bên cạnh ông trưởng ấp trước mặt vài tờ giấy hơi nhàu và một cây bút bích được ông trưởng ấp mang theo.
Đề tài chính của buổi họp bữa nay nói về chiện phát gạo và phát xuồng. Ông Ba Cà Lăm mở đầu :
- Hai bữa nữa các chủ gia đình sẽ cùng đi với tui ra xã ký tên lãnh gạo. Còn xuồng thì bữa sau.
Mọi người có vẻ hài lòng, nhìn nhau , ông trưởng ấp đã gãi trúng chỗ ngứa của các chủ gia đình ở đây vì mớ gạo mục đem theo từ Gò Vấp xuống cũng đang sắp hết.
- Mỗi gia đình được lãnh mỗi người bao nhiêu ký gạo?. Ông Minh lên tiếng.
- Người lớn được lãnh 9 kí gạo một tháng còn mỗi đứa nhỏ 3 tuổi được 3 kí. Người trưởng ấp già trả lời.
Tất cả 12 chủ gia đình không ai bảo ai, lại nhìn nhau. Phương sợ mình nghe lộn nên nhìn ông Ba hỏi:
- Chú nói lại để tui ghi trong biên bản .
- Người lớn lãnh 9 kí, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi lãnh 3 kí một tháng. Ông Ba Cà Lăm nhắc lại thật rõ ràng.
Phương làm bộ cắm cúi ghi nhưng anh không thể dấu được một nụ cười vì ý nghĩ thoáng đến trong đầu: khác với thứ cách mạng nghèo khổ mạt rệp của Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn Gia Định. Cách mạng ở đây sang hơn nhiều. Gạo cấp phát miễn phí mỗi tháng còn nhiều hơn số gạo phải sắp hàng từ 5 giờ sáng mới hy vọng tới lượt được mua. Nhưng không biết gạo phát ở đây có bị mối mọt như trên đó không. Chỉ tính sơ sơ sơ nhà anh cũng có được 24 kí lô rồi, đủ ăn, nếu có thiếu thì ra ngoài cửa hàng hợp tác xã mua thêm khoai lang, khoai mì. Nghĩ tới khoai và sắn Phương dơ tay xin được hỏi:
- Nếu thiếu gạo ăn thì có được mua thêm khoai, sắn, bo bo ... hay không ? Mua ở đâu chú Ba. Ở ngoài xã có cửa hàng hợp tác xã hay không ?.
- Không, xã không có hợp tác xã mà hợp tác xã để làm gì, thiếu thì cứ ra chợ ngoài cầu mua. Chợ có đủ thứ từ gạo, muối, khoai.. muốn mua bao nhiêu cũng có. Còn nước mắm thì trong ấp mình nhà nào cũng có ủ vài lu, chú đừng lo.
Lại thêm một điều khác với cách mạng ở Sài Gòn. Không hợp tác xã, chợ bán tự do gạo muốn mua bao nhiêu cũng có. Đúng là chuyến đi kinh tế mới Long-Châu-Hà lần này mình hên, qúa hên!.
- Gạo phát trong vòng mấy tháng ?. Hân hỏi.
- Ba tháng.
Mọi người gật gật đầu, nét mặt vui sáng hẳn lên nhưng chỉ nhìn nhau im lặng không bộc lộ ra ngoài.
Ông Ba Cà Lăm nói thêm:
- Phát gạo cho các hộ là để ăn trong thời gian đợi gặt lúa sau khi trồng ở trong Cỏ Cội. Đất ở trỏng nước ngọt chớ hổng phải nước lợ như ngoài này.
- Cỏ Cội ở xa không ?. Ông Xuân hỏi.
- Cũng khá xa, chèo xuồng mất một giờ.
Không nói năng gì Phương nghĩ: Một giờ là đối với ông chớ đối với tụi tôi thì chắc là ba, bốn giờ. Kinh nghiệm làm ruộng, trồng luá thì tôi cũng đã có ở La Ba rồi không biết ruộng ở đây có giống ở trên đó không, làm ruộng nghe thấy ơn ớn!.
- Đất có nhiều không?. Hân hỏi.
- Tha hồ mần, sợ không có sức.
Anh Năm Đắc lên tiếng:
- Tụi tui đâu có ai biết đi xuồng !.
- Dễ lắm, ông Ba Cà Lăm trả lời, tập một hai tiếng là chèo được liền à. Sau khi phát gạo bữa sau sẽ cấp xuồng, cấp xuồng khi nước lớn để bà con chèo về cho dễ....
- Sao mà dễ ?. Anh Năm lại hỏi tiếp.
- Nước ròng thì chỉ cần giữ mái chèo, ghe tự nó trôi từ trong cầu cũng dzề tới ngoài này. Ông trưởng ấp già cười.
- À...tôi hiểu rồi. Anh Năm Đắc cũng cười, mọi người cùng cười. Không khí buổi họp có vẻ thân mật hơn.
Khỏi cần thắc mắc, hỏi han xa xôi gì, nghe tới chữ xuồng là mắt Phương sáng hẳn lên. Xuồng tức là ghe. Có xuồng anh sẽ chèo ra coi biển. Phương sẽ tập chèo xuồng thật giỏi.
Cảm giác bực bội, khó chịu mỗi khi phải tiếp xúc với những người gọi là cách mạng của 12 chủ gia đình tổ Kinh Đòn Giông này qua kinh nghiệm họ đã có, mà không bao giờ muốn có, ở Gò Vấp, Sài Gòn hơn 3 tháng qua như được che lấp đi, được quên đi .
Người cách mạng trưởng ấp già này không phải như mấy tên trưởng ấp, trưởng khóm, chủ tịch phường Bắc Kỳ nhà quê nhi nhô vênh mặt hoạnh hoẹ qua từng cử chỉ, từng lời ăn tiếng nói, chúng luôn vỗ ngực tự xưng là người chiến thắng.
Ông trưởng ấp già này như không cần biết 12 người đang vây quanh ông là lính, là dân , là người ở tầng lớp xã hội nào của chính phủ VNCH trước đây mà tất cả đều là NGƯỜI như ông.
Từ lúc gặp mặt cho tới lúc ngồi vào bàn họp này chưa lần nào mọi người nghe ông mang ra xài những chữ đao to búa lớn như cách mạng, nhân dân, chiến thắng, đoàn kết, hồ hỡi, ... chưa lúc nào ông ca ngợi bất kỳ một ai, một cái gì. Đây là điểm đặc biệt mà Phương đã nhận ra ở ông.
Cách mạng của ông Ba Cà Lăm này là :
- Nhà nào cần cái gì cứ ra tui!.
Ngược hẳn với thứ cách mạng : Tao cứ việc tới nhà mày lấy, cứ việc tịch thu, tiếp thu !.
Mọi người cùng im lặng , vẻ hài lòng qua những gì vừa được người trưởng ấp giải thích
Một chập sau, ông Ba Cà Lăm lên tiếng:
- Có ai còn hỏi chiện gì nữa không ?.
Lại im lặng.
- Tạm ngưng ở đây, hai bữa nữa mọi người ra tui để cùng lãnh gạo. Nhớ đi sớm một chúc nghe!.
Mọi chủ gia đình lục tục rời địa điểm họp. Phương hí hoáy viết những giòng cuối của tờ biên bản rồi đưa cho ông Ba Cà Lăm. Người trưởng ấp xếp tờ giấy Phương vừa đưa làm tư :
- Từ bữa nay trở đi chú là thư ký, nếu cần gì cứ ra tui hỏi, tui không có nhà thì hỏi thằng Sứt hay thím Hai, má nó, đừng ngại. Vừa nói ông vừa đưa tay chỉ một anh thanh niên tuổi trạc 17, môi bị sứt, gầy guộc, đeo trên vai một khẩu AK.
- Cảm ơn chú Ba.
Sau khi ông trưởng ấp đã đi xa, anh Năm Đắc, ông Minh , ông Xuân , ông Quang, cô Sáu và Phương tụm lại chuyện trò, bàn tán . Tất cả đều ngạc nhiên nhận ra một điểm : Tổ Kinh Đòn Giông không có ai là tổ trưởng, tổ phó gì giống như người "cách mạng" tổ chức ở Gò Vấp.
- Như vậy mới là dân chủ. Mọi người đều làm chủ, mọi người đều quản lý!. Ông Xuân châm biếm.
- Chú Phương đã là thư ký thì là tổ trưởng luôn cho khỏ mất công thắc mắc. Ông Minh can thiệp.
- Không chú ơi. Thư ký đủ mệt rồi. Mình ở chế độ dân chủ nên không cần tổ trưởng tổ chiếc gì hết.
- Đúng, đúng !.
Trong những tiếng cười đùa , mọi người chia tay.
M ới sáng sớm, ở tổ Đòn Giông tiếng người ơi ới từ bờ kinh bên này qua bờ kinh bên kia đánh thức nhau, rủ nhau chuẩn bị bao, túi đi lãnh gạo.
Đoàn người, kẻ trước người sau già trẻ lớn bé, tay sách nách mang, nối đuôi nhau như một con rắn dài trên đường mòn từ kinh Đòn Giông ra nhà ông trưởng ấp già. Bây giờ cách ăn mặc của Phương và hầu hết mọi người bớt chải chuốt, vuốt ve. Phương chải mái bằng với năm ngón tay của anh là xong. Vài ba người dưới chân còn cố mang lệt bệt đôi dép nhưng đa số như anh Năm Đắc người đi cạnh Phương đã bắt đầu tự nhiên với đôi chân trần còn trắng rất rõ trên nền đất đen.
Chị Năm Đắc và Thúy với thằng con trai lủn đủn đi trước, Cơ thoăn thoắt , một bên cạnh mẹ một bên cạnh Thắng, con trai lớn của anh Năm Đắc, 14,15 tuổi thân thể chắc nịch mong manh một áo sơ mi tay ngắn với chiếc quần sọc xanh bạc. Từ hôm ra khám phá chợ tới bữa nay Phương mới lại có dịp trở ra.
- Chú thấy ông Ba Cà ra sao?. Anh Năm hỏi nhỏ .
- Em nghĩ ông già này là một người tốt, đúng bản chất người miền Nam, cởi mở, thành thực.
- Anh cũng nghĩ như chú. Cách mạng ở đây không giống trên Gò Vấp mình.
- Như vậy là anh em mình nghĩ y chang nhau. Trong bữa họp tổ em cũng nghĩ như vậy. Ông Ba Cà Lăm này là trưởng ấp nhưng em không nghe ông ấy ca tụng Bác, ca tụng Đảng từ đầu tới cuối. Thêm một chuyện nữa là ở đây buôn bán vẫn tự do, gạo thóc tự do mua, chẳng thấy quản lý quản liếc gì.
- Chú không thấy sao!. Ngoài chợ mình muốn mua gì cũng được, chợ bán cũng đầy đủ, gạo muối, cá thịt gà qué đầy chợ chẳng bù cho ở trên Sài Gòn cả thắng cũng không có được một mẩu thịt dính kẽ răng. Trên đó sáng khoai mì, trưa bo bo, tối ăn cháo ... kiểu Tây Liên Sô gọi là súp ăn tối cho nhẹ bụng dễ ngủ.
Nghe anh Năm nói , Phương bật cười. Cả hai cùng cười lớn làm Thúy phải quay lại hỏi :
- Chuyện gì vui mà hai anh em cười dữ vậy?.
- Em không biết đâu, chuyện bí mật mà!. Phương vẫn cười, nói với vợ.
- Thây kệ hai ổng, thím ơi. Chị Năm cũng cười hiền can thiệp.
Tất cả lại vui vẻ tiếp bước.
- Một chúc nữa ra ngoài chợ tui mua một con cá đuối rồi biểu thằng Thắng mua một xị . Chiều nay chú, thím mang hai đứa nhỏ qua tui, hai anh em mình nhâm nhi nghe!. Anh Năm đi sát vào Phương rủ rê.
- Một xị chắc là không đủ. Phương dỡn.
- Thì mua hai. Chú thím phải qua nghe!. Rượu đế cá đuối là hết sẩy đó chú!.
- Dạ, em qua, qua sớm chớ về trễ trời tối thui khó thấy đường.
- Ờ, vậy là mình làm sớm. Ở bên tui, sửa soạn xong tui sẽ kêu qua chú.
- Nghĩ cũng vui phải không anh!. Ở đây khoẻ mình chỉ cần đừng bên này kêu qua bên kia là được liền khỏi phải chạy xe xa sôi cho mất công như Sài Gòn.
Chuyện trò làm con đường ngắn lại. Ông trưởng ấp cũng đã sẵn sàng dẫn đoàn người của tổ Kinh Đòn Giông vào trụ sở Xã ký tên lãnh gạo.
Đúng như lời ông Ba Cà Lăm nói, mỗi đầu người lớn lãnh 9 kí, mỗi đưá nhỏ 3 ký. Mà gạo là gạo thực chứ không phải loại gạo mốc, mọt của Ủy Ban Quân Quản thành phố hồ hởi bị giải phóng Sài Gòn.
Những hạt gạo trắng tinh còn thơm mùi cám, đã từ lâu rất lâu đám người Gò Vấp này mới lại được ngửi, được thọc tay vực, được cho tuôn chảy trong lòng bàn tay. Điều quan trọng nhất là khi ký giấy lãnh họ không bị những lời nói gắt gỏng những cái nhìn trịch thượng, cau có của những kẻ bán hàng ở các cái gọi là Hợp Tác Xã trên Gò Vấp nơi họ ở. Quả thực, cách mạng cũng có loại cách mạng đểu giả, cách mạng cướp bóc, cách mạng gian manh hay cách mạng tử tế , cách mạng có nhân có nghĩa, cách mạng cho dân vì dân hay nói giản dị một cách khác là thứ cách mạng Ba hay Bốn cái Đình và cách mạng của những người như ông Ba Cà Lăm, ông Hai Bắc, người Chủ Tịch Xã Bình Sơn, một người Bắc Kỳ như Phương, người này cũng giản dị như ông Ba Cà Lăm.
Trụ sở của xã ông không tiếng loa kêu hét "Anh Vữn Kứ Hành Quân", không "Như Kó Bác Hồ Trong Ngày Xui Đại Nắng" hoặc "Đêm Qua Em "Thất Kinh" Gặp Bác Hồ" mà ông Hai Bắc cũng chẳng nói năng gì tới cái Phe cái Đảng nào trong suốt dịp tiếp xúc đầu tiên với những người trong tổ kinh Đòn Giông này.
Những hạt gạo trắng thơm nức hương vị Miền Nam này tuôn tuột từ lòng bàn tay Phương làm anh nghĩ đến mẹ anh, các em anh, nghĩ đến những người trong xóm, gia đình anh Mai bạn anh ...
Thằng Cường, em trai út của anh, nhờ ơn Bác, ơn Đảng đánh Mỹ nên hàng ngày nghỉ học hồ hởi từ 5 giờ sáng xếp hàng mua được một hai kí gạo, vài củ khoai mì ... mọt.
Là cái đỉnh cao trí tuệ biết thứ gạo ở miền Nam Việt Nam này cực kỳ nguy hiểm nên cứ thế từng đoàn xe Molotova lũ lượt vác, chở về Bắc ... thủ tiêu. Thủ tiêu cũng như thủ tiêu tài sản, nhà cửa, cái chén, đôi đũa ... của những người miền Nam, những quân nhân chế độ cũ như cha Phương ... Chứ theo lời tất cả các anh bộ đội đã nói với dân Sài Gòn thì ở miền Bắc dưới chế độ Cộng Sản thì cái gì cũng có, từ "cái nồi ngồi trên cái cốc" đến cái "đồng hồ không người lái" ... không cái gì thiếu.
Được cấp phát xong, những đàn ông vác gạo trên vai, các cậu trai trẻ mỗi người một sách trên tay lần lượt ra khỏi trụ sở Xã quay lại con đường họ vừa đi ra. Phần các bà thì tủa vào chợ.
Anh Năm Đắc bảo thằng Thắng, con trai, vác gạo đi chung với Phương về trước, anh vô chợ.
- Em với chị Năm đi chợ nghe. Em kiếm thức ăn với bánh trái cho hai con !. Thúy bảo chồng.
- Ờ, em đi một lượt với anh Năm đi !. Anh mang gạo về một mình cũng dễ.
- Em và chị Năm đi riêng.
- Cũng được!. Tui khỏi mất công đợi!. Anh Năm cười.
- Chuyện của ai nấy làm, như vậy khỏi bị hối. Chị Năm cũng cười .
Ba người chia làm hai tiến vào chợ.
Nắng lên đã từ lâu .
Đoàn người kinh Đòn Giông theo thứ tự lãnh gạo rời trụ sở xã, kẻ trước người sau lúc đầu còn đi gần nhau rồi dần dần khoảng cách mỗi lúc một xa. Đa số là những người chưa biết khuân vác nặng nên phải ngừng lại đứng ... thở. Ban đầu họ chỉ thở , sau đó vừa thở vừa gạt mồ hôi trán. Phương không nằm ngoại lệ số người "hít thở" này.
Thằng Thắng vác bịch gạo đi phía trước. Phương đặt bịch gạo trên lưng như nó, từ từ bịch gạo trên vai chuyển xuống hai tay được một lúc lại trở lên vai, cứ thế ì ạch Phương còn thằng Thắng vẫn đều đặn bước càng lúc càng đi xa.
Đường về lúc đi ra đã xa bây giờ nó còn xa gấp mấy lần. May thay, người ăn hiền ở lành như Phương bao giờ cũng có "quới nhân" trợ giúp.
- Anh để em phụ tay cho anh.
Phương nhìn cậu thanh niên khoảng trên 20, vóc dáng vạm vỡ, tay chân nặng chịch lại bảnh trai mình trần trùng trục nước da xạm nâu chỉ một chiếc quần nhà binh đã cũ trên người , đi chân đất vừa nói với anh.
Dù chưa biết tên nhưng Phương biết anh ta là con trai lớn của bà Bảy ở đầu kinh.
- Cảm ơn em, xách lâu nặng qúa xá!.
Nói xong Phương đặt bịch gạo 24 kí lô dưới đất nóng.
Người thanh niên cúi xuống, chỉ cần một tay anh đã nhấc bổng bịch gạo, né đầu, đặt lên một bên vai thong thả đi trước Phương.
Phương mừng rỡ lên tiếng:
- Không có em giúp chắc tới chiều anh mới về được tới nhà!.
- Em là Hùng. Nhà ở ngoài đầu kinh. Em biết anh từ bữa anh làm thư ký buổi họp...
- À, anh cũng biết em là con trai lớn của bà Bảy nhưng bữa nay anh mới biết tên em. Phương bước nhanh sánh vai bên Hùng.
- Thiệt ra em thứ ba, em còn người chị lớn vẫn ở trển. Ở đây chỉ có má em, em với thằng Dũng em út em. Nó kìa anh.
Hùng vừa trả lời Phương vừa chỉ một cậu trai đang đi đàng trước vợ chồng anh một khoảng khá xa, độ chừng 16, hệt như anh, thân mình chắc chắn, đen đúa, cũng chỉ một chiếc quần xà lỏn đi chân đất như anh lưng cõng bịch gạo có vẻ dễ dàng.
Bịch bịch , tiếng chân đàng sau lưng Phương.
- Tui biết trước sau gì chú cũng mang không nổi nên đi lè lẹ về tính giúp chú một tay.
- Cảm ơn anh, Hùng vừa vác dùm nên bây giờ đỡ rồi. Mấy bả ấy đâu ?.
- Hai chị em bả về sau. Mình lo chuyện mình.
- Anh Năm. Em dòm thấy anh ấy vác bịch gạo em rầu qúa nên biểu thằng Dũng vác một mình. Nhìn thấy dưới tay anh Năm Đắc cầm chiếc túi ny lông phồng nặng với mấy cây rau thơm thò đầu ra ngoài Hùng cười nói tiếp:
- Anh tính làm món gì với rau thơm vậy?.
Ngần ngừ một chút anh Năm Đắc trả lời:
- Tối nay nấu canh chua cá đuối.
- Chà, ngon à. Mà canh chua cá đuối phải có chút đế mới được !.
- Chiều nay anh làm canh chua cá đuối rủ chú Phương qua nhậu. Em có qua chơi được không ?. Anh Năm lên tiếng mời.
- Anh biểu qua chơi thì em không qua nhưng biểu em qua nhậu với hai anh thì em qua liền.
- Thì qua chơi ai mà để chú ngồi dòm tụi tui nhậu.
- Em qua. Anh mua mấy xị ?.
- Hai .
- Em xách thêm qua một xị nữa. Em mua từ mấy bữa nay rồi nhưng để đó. Uống một mình chán đời thêm.
- Vậy là chiều nay ba anh em mình sẽ chơi thả dàn. Lâu qúa xá mới được làm một mách!. Anh Năm hớn hở vì có thêm bạn.
Hai gia đình chia thành hai phe. Một phe phụ nữ, con nít quây quần ăn trong nhà còn phe là đàn ông ngoài sân.
Điếu thuốc vấn trên tay còn cháy, Phương đứng nhìn về mé nhà, trời chiều ửng đỏ ngoài mé biển, anh Năm từ trong bếp ra lên tiếng mời:
- Ngồi đi, ngồi đi chú.
- Dạ, đợi chú Hùng tới rồi cùng vào bàn.
- Chắc chú ấy cũng sắp tới . Chú cứ ngồi trước đi!.
- Dạ.
Phương vưà dứt lời thì Hùng đã xuất hiện từ bên tay trái anh, trên tay một xị rượu trắng.
- Em bận tay một chúc nên tới trễ để hai anh chờ!. Hùng vừa dơ chai rượu vừa xin lỗi.
- Không trễ chú ơi. Anh cũng mới bầy bàn xong. Chú Phương cũng đang đứng hút thuốc ngắm cảnh... Anh Năm trả lời Hùng rồi tiếp. Thôi hai chú ngồi xuống đi. Xong rồi.
Trong chiếc mâm bằng nhôm còn sáng loáng đặt giữa chiếc chiếu cói là một đĩa nửa con cá đuối lớn ngâm trong nước mắm trộn vài tép tỏi cạnh một tô canh chua lớn với hành ngò, cà chua , thơm , vài trái ớt trông thật hấp dẫn quanh đó là 2 xị đế với 3 chiếc ly thủy tinh nhỏ xíu và ba chiếc chén, đũa.
Cả ba người đàn ông ghé đít xoa xoa đôi bàn chân rồi xoay mình vào mâm thức ăn. Hùng đặt thêm chai rượu anh cầm trên tay bên cạnh hai chai đã bầy sẵn.
Anh Năm cầm từng chiếc chén, đôi đũa lần lượt đưa cho hai người khách sau đó cầm đũa của mình gắp một miếng cá đuối lớn bỏ vào chén Phương.
- Chú ăn thử coi sao !. Chú Hùng tự nhiên nghe.
- Dạ, anh đừng lo. Hùng trả lời .Nhưng em mời hai anh một miếng đế của em trước cái đã. Em mua ở trên Gò Vấp để dành từ bữa đó tới nay mới tìm ra người uống, bữa nay em khui chai ... Hùng vừa nói vừa nhắc chai đế của anh lên, mở nút chai rót từng ly một trao cho anh Năm và Phương. Rót xong Hùng hối hai người :
- Hai anh nhấp một chút đi rồi sẽ biết!.
Anh Năm tự nhiên đưa chén lên muĩ ngửi rồi ực một hơi, đặt ly xuống, thở phào:
- Đúng là đế Gò Vấp. Ngon thiệt. Chú Phương uống coi. Làm một hơi, đả luôn. Dứt lời mời, anh Năm gắp một miếng cà chua trong tô đưa lên miệng nhai. Phương đưa chén lên miệng, rượu nồng lên mũi làm anh muốn hắt xì hơi, anh ực một cái, đôi mắt chớp chớp :
- Rượu mạnh dữ à. Ngon.
Phương khen là ngon chứ thực ra là mạnh, cay đối với anh vì thường thường nếu phải nhậu nhẹt anh chỉ uống bia hoặc đôi khi wishky kiểu ông già chống gạy.
Hùng khoái chí, anh tự rót cho anh một ly. Sau đó rót tiếp cho hai người trong bàn.
Một hai ly đầu còn mạnh cho Phương nhưng uống tiếp tới ly thứ ba, thứ tư anh không còn biết nồng, cay, gắt gì nữa nhất lại là với những miếng mồi canh chua cá đuối của anh Năm thì chỉ còn biết hai chữ mà Hùng nói: ngon hết sẩy!.
Bữa nhậu tiếp tục, ba người đàn ông được rượu làm họ quên tất cả.
Anh Năm và Hùng kể lể chuyện ngày xưa, chuyện lính tráng, chuyện đi phục kích bắt mấy thằng du kích, chuyện đánh nhau với tụi Việt Cộng. Những chiến công mà họ được góp phần. Phương thuật lại chuyện ở Lai-Khê, chuyện vui ở Dĩ An nhưng anh không tiết lộ anh là gì, làm gì mà hai người trong bàn nhậu cũng không cần hỏi anh ở đơn vị nào. Điều quan trọng đối với họ, đối với Phương là cả ba anh em đều đã từng khoác bộ trây-i, chân mang bốt-đờ-sô mang phù hiệu của quân lực Việt Nam Cộng Hoà.
Cả ba không say rượu mà họ say với cái qúa khứ họ đã có, kẻ thì Địa Phương Quân, kẻ thì Quân Báo, kẻ ở Biệt Động Quân. Không cần phải nói ra họ biết rằng hai người ngồi bên cạnh mình là hai chiến hữu, có chung chí hướng, có chung qúa khứ, có chung hiện tại. Họ có thể tin tưởng, trông cạy, nương tựa nhau.