C hị Sen dựng chiếc xe đạp ngoài sân, xách chiếc giỏ kẹp vào nhà. Chị hí hửng khoe với anh Khiêm:
-Hôm nay có cái giò heo bồi dưỡng cho cả nhà, lâu quá rồi chỉ toàn rau mắm không hà.
Anh Khiêm cười:
-Có sự kiện gì hả?
-Sự kiện gì đâu - chị khẽ cười, lâu rồi không cho con ăn miếng thịt nào, hôm nay cả nhà ăn một bữa thôi. Chị liếc nhìn chồng - thiên hạ ngày nào cũng thịt cá thừa mứa, con mình …
Chị Sen bỏ lửng câu nói, vội xuống bếp bắt nồi cơm, rồi chặt cái giò heo bỏ vào xoong. Chị vừa nấu cơm vừa hát, xem bộ điệu rất vui vẻ, tươi tắn. Cái giò heo bao lần chị trả giá định mua nhưng lúc nào kiểm lại cũng thiếu tiền! Chị thoăn thoắt ra sau vườn chọn trái đu đủ vừa to vừa mới chín hườm, gọt vỏ, rửa sạch bỏ vào hầm chung với xoong giò đang sôi. Đu đủ chín sẽ làm cho nồi giò bốc hương thơm hơn, và nước thì ngọt ngon hấp dẫn hơn. Chị vừa tưởng tượng đến hương vị của nồi giò, vừa nghĩ đến các con. Hai đứa con trai lớn của chị đang đi học chắc cũng sắp về - nhớ đến con, chị cảm thấy thương chúng quá; cả năm mấy lần có được miếng thịt vào bụng đâu?
Hôm nay nhìn thấy xoong giò heo hầm chắc ba đứa mừng lắm đây. Đất nhà chị rộng, trồng đủ loại rau; ra vườn một chút là có rau nấu canh hoặc rau luộc. Anh Khiêm siêng năng trồng đủ loại, nào bầu, bí, đu đủ, rau lang, rau bồ ngót... cho nên ngày nào cả nhà cũng canh rau, canh bầu, rau luộc rồi đu đủ luộc, đu đủ xào, nấu canh; nhờ vậy gia đình lây lất cũng qua ngày. Có lẽ nhà nào trong xóm Gò nầy muốn mua một cái giò heo hay ký thịt, cũng phải đắn đo, dành dụm cả tháng mà đôi khi vẫn chưa mua được.
Viễn - con trai lớn của chị ôm cặp vừa vào nhà, đã khịt khịt mũi:
-A! Mùi gì thơm vậy má?
Linh - con gái út của chị Sen, cười - trả lời anh.
-Thịt heo chớ mùi gì mà hỏi, ông?
Viễn cười ha hả:
-Trời! Bữa nay nhà mình sang vậy, má? Đã à nhen!
Chị Sen nhìn con trai - nét mặt vui vẻ:
-Con cất cặp đi tắm rửa thay đồ chuẩn bị ăn cơm, lâu lâu cho tụi con ăn sang một bữa. Còn thằng Vũ đâu, không về chung à?
Chị Sen nói chưa hết câu thì nghe tiếng Vũ ngoài sân:
-Con về rồi đây - thoắt một cái Vũ đã tới bên mẹ, Vũ hít hà - thơm quá! Má con là nhất! - Vũ cười sung sướng.
Anh Khiêm trải chiếc chiếu cũ ngoài hiên rồi vào bếp phụ chị dọn cơm. Cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm chiều trông vui vẻ khác thường. Nồi giò heo hầm đu đủ hườm bốc mùi thơm lựng. Có lẽ nhờ cái giò heo mà bữa cơm chiều của gia đình chị Sen thêm ấm cúng. Chị thoáng nhìn anh với nụ cười hạnh phúc, rồi bới cơm vào chén cho các con - chị cười:
-Nào, mời anh, mời các con. Ăn đi, ngon lắm đấy!
Các con chị đều lên tiếng “mời ba mẹ” rồi cùng bưng chén, cầm đũa. Chị Sen lựa gắp những khúc thịt nhiều nạc bỏ cho các con, nhìn chúng háu ăn chị rất vui và cảm thấy xốn xang trong dạ. Chị nhẹ nhàng chan chút nước vào chén, gắp vài cục đu đủ chín rục, nhường thịt cho chồng, cho con. Lâu lắm rồi gia đình mới có được bữa ăn ngon như thế này, nên ai cũng đưa chén bới cơm lia lịa. Chị nhớ hồi còn nhỏ, ba má chị buôn bán có tiền ra tiền vào, ngày nào chị cũng được ăn thịt cá, quần áo đủ màu, đủ kiểu. Chị luôn cảm thấy xót xa khi không lo cho các con được như ba má đã lo cho chị. Thời thế đổi thay, cuộc đời cũng chuyển biến theo buổi khó khăn, nhà nhà đều chỉ biết lo cho cái ăn qua ngày thôi; chị cảm thấy bất lực, không biết phải làm thế nào. Ngoài những ngày mùa ra đồng nhổ cỏ, dặm lúa; chị Sen còn đi mua phế liệu trên chiếc xe đạp cũ. Ngày ngày chị phải đạp hăm mấy, ba chục cây số để rảo vào từng nhà mà mua, tối về đôi chân chị mỏi rã rời. Dù vất vả, nhưng chị Sen hạnh phúc lắm khi các con chị đều chăm ngoan, học giỏi, cũng làm chị vơi đi phần nào nỗi nhọc nhằn. Nhất là Vũ, tối nào sau khi học bài xong, Vũ cũng xoa bóp cho đôi chân của mẹ. Chị hạnh phúc nhìn chồng con ăn rộn ràng như chính chị cũng đang nôn nao gắp từng miếng thịt vậy.
Ngoài việc ruộng nương, anh Khiêm còn làm đủ thứ chuyện, ai mướn gì anh đều làm thêm kiếm tiền. Anh thường phụ đóng hàng cho bà Hai mua phế liệu xóm ga. Công việc này rất nặng, đập nhôm, vô bao và nhiều khi gặp lúc đưa hàng lên xe anh cũng làm. Cũng may, có công việc này mới ổn một chút; chứ ngày trước, hai anh chị mới cưới nhau, anh hết lên rừng rồi xuống biển, vậy mà cái khổ, cái nghèo vẫn cứ đeo bám mãi, có thong thả chút nào đâu. Chị Sen thương anh, lỡ thầy lỡ thợ nên anh muốn làm gì tùy anh, chị không ý kiến. Ngày ấy, hết câu cua đinh anh lại đi tìm trầm, hết tìm trầm anh đãi vàng. Cứ lặn lội trên rừng, trên núi nên lúc nào da anh cũng vàng chái vì sốt rét. Có khi anh lên cơn nóng rồi lạnh, lạnh đến nỗi trùm hai cái mền dày mà anh cũng còn run lập cà, lập cập. Anh nhờ chị nằm ôm anh cho đỡ lạnh nhưng có đỡ chút nào đâu bởi chị cũng gầy gò lạnh lẽo vì kham khổ. Sau cơn bệnh anh lại thèm ăn, thèm đủ thứ; nhưng phải ráng nhịn, làm gì có tiền mà mua thịt cá. Nay nhờ có vựa phế liệu của bà Hai, anh có công việc làm này khỏi lên rừng, khỏi lo sốt rét. Anh làm nhiều như vậy nhưng không dư giả gì, ăn uống tiết kiệm giữ ngày, giữ bữa. Anh lao động nặng nhọc như thế cần phải ăn uống cho đầy đủ mới có sức khỏe để làm việc; nhưng phải lo cho các con học hành, nên vợ chồng anh chỉ ăn toàn rau củ quả trong vườn, và hủ mắm khô cho qua ngày đoạn tháng thôi!
Chiều nay, một ký giò chặt ra có là bao, mỗi người một miếng là đã thấy cạn nồi rồi. Thường ngày, anh luôn nhịn miếng ngon cho con; nhưng hôm nay, anh có vẻ như không chú ý đến việc ăn uống của con. Chị Sen không nghe thấy anh nhắc nhở, hay gắp thức ăn bỏ vào chén cho Vũ, cho Linh nữa. Từ đầu bữa cơm, anh vui vẻ ăn, rất thoải mái. Gần cuối bữa, anh ngần ngại liếc nhìn tô giò còn một khoanh cuối cùng, vẻ phân vân, do dự. Nhưng rồi - anh đưa đũa định gắp cục thịt cuối cùng cho mình - ngay lúc ấy, Vũ nhanh tay lấy đũa chận lại và gắp cục thịt bỏ vào chén chị Sen. Anh Khiêm đỏ mặt:
-Ba cũng nghĩ như con - anh gượng cười, Má con từ đầu đến giờ chưa ăn được miếng thịt nào.
Khuôn mặt anh như dài thêm ra, nụ cười thoáng hiện, mà nước mắt như muốn long lanh. Vũ nhìn Ba lo lắng:
-Con xin lỗi Ba! Con cũng biết nãy giờ Má chưa ăn cục thịt nào.
Anh Khiêm bình thản - nhìn con:
-Ba xin lỗi!
Mặt trăng vừa nhô lên, ánh sáng mát dịu, vàng óng chan xuống hàng tre trước ngõ, lung linh cả sân vườn.