N hà tôi chuyển từ Làng Vân Hồ ra sống loanh quanh ở khu vực Ô Cầu Dền ( Cuối phố Bà Triệu, cuối phố Lê Đại Hành ) cũng phải đến hơn 60 năm.
Theo Lịch sử, Ô Cầu Dền là một cửa ngõ của kinh thành Thăng Long, từ thời Lý, thế kỷ XI – XII. Lúc sinh thời, Giáo sư Trần Quốc Vượng cho biết: Cái tên “Ô Cầu Dền” đã xuất hiện ở cố đô Hoa Lư (Trường Yên, Ninh Bình) với tấm bia cổ, chiếc cầu đá bắc qua sông Hoàng Long và cũng là một cửa ngõ của kinh thành Hoa Lư. Vì lý do đó nên có nhà sử học đã cho rằng cái tên “Ô Cầu Dền” cũng như nhiều tên khác ở Hà Nội: Cầu Đông, Chợ Dừa, Đình Ngang... đã được Đức Vua Lý Thái Tổ khi dời Đô từ Hoa Lư mang theo ra kinh đô mới Thăng Long cách đây nghìn năm trước.
Gốc gác cái tên “Ô Cầu Dền” là như vậy, nhưng cũng có những truyền thuyết : Đời nhà Mạc, ở làng Kim Liên ( đối diện với công viên Thống Nhất bây giờ ) có một người học trò nhà nghèo, cha mẹ mất sớm, một mình phải bươn chải kiếm ăn qua ngày. Trời làm đói kém, nhờ có mấy mẫu ruộng rau Dền ( Ở ngay Ô Cầu Dền ) nên anh đã cứu giúp được nhiều người qua khỏi nạn đói. Vì thế, người ta gọi chỗ ở của anh là Cầu Dền.
Tôi vẫn nhớ năm 1954 ở đây còn có con đê Bành Lao ( Chạy suốt từ Cầu Giấy qua Đại Cồ Việt, qua làng Thanh Nhàn ra tới đê Sông Hồng ); Có nhánh sông Tô Lịch nhỏ dẫn nước thải từ nội thành ra, hai bên bờ trồng rau màu quanh năm xanh tốt. Trong đó rau Dền là nhiều hơn cả. Chiếc cầu bắc qua con sông hai bên bờ có nhiều rau Dền nên gọi là Cầu Dền?
Ô Cầu Dền ngày nay nằm ở ngã tư phố Huế, Bạch Mai, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt. Đây cũng chính là vị trí của ô Cầu Dền ngày xưa.
Đường Đại Cồ Việt và đường Trần Khát Chân đã được mở rộng, đẹp và hiện đại, lại có 1 chiếc cầu vượt lớn từ Đại Cồ Việt sang Trần Khát Chân nên hoàn toàn không còn dấu tích gì của “Ô Cầu Dền”.
“Ô Cầu Dền” mang nhiều kỷ niệm thời niên thiếu của tôi: Tôi và lũ bạn thường xuyên ra chơi ở đó. Tôi cũng hay được theo Ba mẹ ra đây đi Tàu Điện ( Ô Cầu Dền có bến tránh Tầu Điện ) lên tận Bưởi hay phố Châu Long ( Quán Thánh rẽ vào ) thăm Thông gia của các Cụ. Cảm giác thích thú khi quỳ trên ghế Tàu Điện ngắm phố phường Hà Nội suốt một chặng đường dài còn mãi đến bây giờ…