Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


CÀ PHÊ Ở SÀI GÒN




những nơi khác thì tôi không biết thế nào, nhưng ở Sài Gòn thì cà phê chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim của mỗi con người nơi đây.

Câu cửa miệng quen thuộc của dân Sài Gòn là: “Rảnh không, uống cà phê?”

Nghe như vậy là đủ hiểu. Cà phê đối với con người nơi đây không chỉ là một món giải khát, một món uống bình thường mà là một nếp sống, văn hóa. Loanh quanh ở Sài Gòn, ta rất dễ dàng bắt gặp cơ man những quán cà phê với đủ loại giá cả, từ 5-7 nghìn một ly cho tới trên 50 nghìn một ly, thậm chí có nơi bán một ly cà phê với giá cả trăm nghìn.

Tuy vậy, gắn bó nhất với người Sài Gòn, chắc chắn là cà phê “cóc”. Sỡ dĩ Sài Gòn chuộng “cóc” như vậy, là vì ta có thể uống “cóc” ở bất cứ đâu, từ lề đường, bến xe đến tận… trong hẻm, thậm chí trong… sân chùa. Không rõ cà phê “cóc” xuất hiện đầu tiên vào thời điểm nào, nhưng qua những bức ảnh chụp Sài Gòn xưa có những xe nước giải khát (chắc là tiền thân của những quán “cóc” ngày nay) bán đầy xá xị Chương Dương, bia Con cọp, Coca Cola,…thì ta có thể chắc chắn một điều rằng các quán “cóc” đã xuất hiện ở Sài Gòn này ít nhất là trên 70 năm rồi.

Uống ở quán “cóc”, thưởng thức cà phê chỉ là phụ, vì đâu phải ai cũng gọi cà phê. Cái chính là…tám. Đủ thứ chuyện trên đời. Từ những câu chuyện chứng khoán, kinh doanh của những gã mặc những bộ đồ lớn được may cắt khéo tay, đến những câu chuyện thời bão giá của những con người mưu sinh mà trên khuôn mặt in hằn vết cơ cực cùng đôi mắt trũng sâu. Cũng có những cô cậu sinh viên, cậu ấm cô chiêu hay dân tỉnh xa nhà, mải mê bàn chuyện học, chuyện chơi, nổi hứng thì lôi cây ghi-ta ra dạo vài bài rồi mọi người cùng hát thật vui vẻ. Thậm chí, ở các quán “cóc”, ta còn bắt gặp được những câu chuyện… bàn đề, cá độ đá banh, đâm thuê chém mướn… của các tay giang hồ “gộc” với chi chít hình xăm trên người.

Chính vì cái sự “tám” đó mà uống cà phê ở Sài Gòn đem lại cho con người ta một cảm giác đồng điệu, bình đẳng rất… xã hội chủ nghĩa. Một tay Tổng Giám đốc ăn bận lịch sự tay đeo đồng hồ cực xịn vẫn có thể uống cùng bàn cà phê với một gã xe ôm ở đâu không biết. Không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Bước chân vào quán cà phê thì ai cũng như ai cả thôi. Có thể kiến thức tôi hạn hẹp, hoặc tôi thấy chưa đủ nhiều, biết chưa đủ rộng, nhưng tôi chỉ thấy được ở Sài Gòn mới có hình ảnh người ta đi hỏi người bàn bên rằng: “Cho tớ xin điếu thuốc đi bạn”. Và rồi họ cười nói với nhau như thể đã quen nhau từ lâu lắm rồi.

Uống ở quán “cóc”, chủ yếu là “đen đá”. Và uống phải đắng mới đã, uống ngọt thì yếu rồi. Dân Sài Gòn kháo nhau rằng, chỉ những ai trải qua thăng trầm của cuộc đời, chứng kiến được những binh biến của lịch sử, những nỗi buồn của thời đại thì mới uống được cà phê “đen đá” đắng đúng điệu. Còn “nâu đá”, người ta cho rằng chỉ dành cho giới sinh viên, cái tuổi phải thăng trầm với đủ thứ luận án, báo cáo dài thâu đêm nhưng vẫn còn chút mơ mộng nên cần thêm tí ngọt để thấy cuộc đời này vẫn còn tươi đẹp quá.

 

Cà phê ở Sài Gòn - 1

 

“Bạc xỉu” là từ Quảng Đông, có nguồn gốc từ người Hoa ở khu Sài Gòn – Chợ Lớn, sữa nhiều hơn cà phê, uống rất ngọt. Hồi xưa thì “Pạc sỉu” (nói theo giọng Quảng Đông) là món ăn sáng, dùng kèm với một cái “Pánh pao” (vẫn là giọng Quảng Đông). Ngày nay thì những người gọi “bạc xỉu” thường là những cô gái theo chân người yêu đến các quán “cóc” học uống cà phê.

Uống ở quán “cóc”, chắc chắn không thể thiếu hai thứ dùng kèm: bình trà và vài điếu thuốc thơm. Trà cũng là loại thường, có khi là trà nước hai, nước ba, thậm chí… nước thứ n, ai mà biết. Nhưng mà để pha vào ly cà phê với chút cà phê còn sót lại thì đúng là ngon, ngon quá. Còn thuốc lá, đúng thật là thứ không thể thiếu trên bàn cà phê. Có người thích hút điếu “nguyên zin”, tức là nguyên mẫu điếu thuốc thế nào thì hút thế ấy. Người thì chấm điếu thuốc vào ly cà phê, hoặc trà, để cho “tăng vị thơm”. Còn có người thì khoái rút đầu lọc ra, hút “cho khoái”. Cũng như vấn đề bình đẳng mà tôi đã đề cập ở trên, thuốc lá cũng là một yếu tố kéo mọi người gần nhau hơn. Anh là Tổng Giám đốc, anh thích hút Con mèo. Tôi là gã xe ôm, tôi cũng thích hút Con mèo. Vậy chúng ta có khác gì nhau?!

Về cách uống cà phê, thì quái lạ, dân Sài Gòn không có cách uống cà phê nào đặc trưng, hệt như cái xứ sở này. Đặc trưng của Sài Gòn chính là không cái đặc trưng nào cả. Vì Sài Gòn là nơi tập hợp của dân tứ xứ, dân nhập cư nên thật dễ hiểu khi nó có đủ diệu dàng để chiều lòng tất cả mọi loại người. Điều đó cũng ảnh hưởng đến cách uống cà phê của con người nơi đây. Các cô cậu thanh niên thì khoái tụ tập thành nhóm, hút cái “rột” ly cà phê và cười nói những câu chuyện không đầu không đuôi. Hoặc có những gã công chức, dù biết sẽ phải chạy trối chết để cho kịp giờ làm cũng ráng uống vội ly cà phê cho đỡ… ghiền, rồi sau đó nhanh chân để chen vào những ồn ào, vội vã của thời thế. Hay nếu để ý một chút, ta sẽ thấy những người vì khổ quá, buồn quá mà uống cà phê một mình. Những người ấy tôi vẫn hay gọi là “một cà (phê), một thuốc (lá), một bình trà”. Rất lặng lẽ, họ kiếm tìm những góc khuất. Nhấp ngụm cà phê, súc miệng lại bằng một chút trà rồi kéo một hơi thuốc. Để quên đời…

Nói đến cà phê Sài Gòn mà không kể ra một vài quán cà phê đặc biệt ở đây thì đúng là thiếu sót. Ngày nay, nhu cầu thưởng thức toàn dân tăng cao, quán cà phê không chỉ là bán cà phê nữa, mà xuất hiện nhiều loại hình cà phê khác lạ, như “Cà phê Văn phòng”, “Cà phê Sân vườn”, “Cà phê Sách”… Cách Phà Sê này nọ các thứ, nhưng vẫn không sao thay thế được vị trí của Cà phê “cóc”. Có quán cà phê kia đặc biệt lắm, ở gần ngã tư Phú Nhuận khúc đường Phan Đình Phùng, mà dân tình quen miệng vẫn gọi là cà phê “Âm phủ”. Bán đủ 365 ngày trong năm không nghỉ một ngày kể cả lễ, Tết, bán đủ 24 tiếng một ngày. Liên tục cứ như vậy chắc cũng đã hơn 70 năm rồi (theo lời người bán thì quán đã có từ thời Pháp còn chiếm đóng ở đây). Chính vì cái cách buôn bán lạ đời như vậy nên người dân mới gọi đây là cà phê “Âm phủ”, vì chỉ có dưới âm phủ mới có kiểu giờ giấc ma quỷ như vậy.

Ngược dòng thời gian về lại Sài Gòn xưa, chắc hẳn trong kí ức của nhiều người vẫn còn vương vấn “Trục Café” Givral – La Pagode – Brodard danh tiếng xưa kia, là nơi gặp gỡ của rất nhiều ông nghị, văn nghệ sĩ, nhà báo… Đáng tiếc, ngày nay thì “Trục Café” đã không còn vì bị đập bỏ để dành đất cho các công trình làm đổi mới thành phố. Cũng có một chút cố gắng, nỗ lực để khôi phục lại hình ảnh của Café Givral, nhưng theo đánh giá của nhiều người Sài Gòn xưa, thì không đáng kể. Và hình ảnh những tay tình báo, săn tin ngồi trong không gian dày đặc khói thuốc ở “Trục Café” để trao đổi tin tức sẽ chỉ còn là một kỷ niệm đẹp về Sài Gòn của những năm tháng ấy.

Kỷ niệm rất đẹp không phải vì nó vui hay nó buồn, mà vì nó ra đi sẽ không bao giờ quay trở lại. Cà phê sẽ không bao giờ tách khỏi Sài Gòn, vì trên hết, tự nó đã là một nét văn hóa, là phong cách của con người nơi đây;

Nó gắn liền với cuộc sống, ký ức của Sài Gòn. Nó là hiện tại của Sài Gòn. Nó còn là cái cớ để người ta nhớ nhau mà gặp mặt, là lý do hẹn hò của một cậu chàng nào đó, là nơi bàn công việc, là nơi tiếp đối tác, thậm chí là ký hợp đồng… Có thể nói, cà phê là khởi nguồn của mọi câu chuyện ở Sài Gòn. Cà phê chính là Sài Gòn.






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com