Q uê ngoại gần là như vậy, nhưng tôi lại rất ít khi chịu về vì ở bển buồn lắm! Cách nhau một dòng sông, chẳng sao bên ấy lại “quê mùa” – theo ý nghĩ của tôi lúc bấy giờ – là như vậy? Những hàng dừa xanh buồn tăm tắp, hàng cau chơi vơi, những rẫy bắp; mía ngút ngàn… rồi đến những căn nhà lá thấp lè tè, lạnh lẽo u tối như nhà ma.
Đó quê ngoại trước một trẻ thơ của tôi chỉ bấy nhiêu đó, làm sao bì được với quê nội chợ búa, trường học, rạp hát, những biệt thự rộng thênh thang. Bởi lẽ đó mà tôi vẫn bị mẹ rầy hoài mỗi khi mẹ bồng tôi về ngoại…
Và một ngày hình như có đám giỗ gì đó – tôi phải theo mẹ sang bên kia sông! Tin đã loan đi tự bao giờ, mà khi tôi vừa lên khỏi đò, đã có mấy dì chờ sẵn. Mấy dì mới thật là chán nữa. Mặc áo bà ba vải, kẹp tóc, đi chân đất. Xấu xí thấy mồ. Một dì chạy lại ôm tôi, hôn cầu bơ cầu bất dầu tôi đã lớn chòng ngòng, hỏi:
– Con thương dì hôn?
Tôi lạnh lùng đáp:
– Hông,
Dì tôi cười ngất:
– Đồ chó… sao con không thương dì…?
Má trợn mắt với tôi:
– Lâm, con ăn nói vậy hả? Phải nói là thương dì chớ.
Tôi vẫn vùng vằng không chịu nói bởi lòng tôi lúc bấy giờ không thể nào nghe thương mấy dì này được.
Nhà ngoại cách bến đò tới hơn một cây số. Chúng tôi đi theo con đường mòn dọc con lạch nhỏ, con đường đất thịt mát lịm dưới hàng dừa. Thỉnh thoảng chúng tôi lại phải qua một cây cầu khỉ. Dì cõng tôi chạy nhong nhong làm ngựa. Tôi khoái chí cười dòn.
Mẹ có ý buồn rầu:
– Con bắt dì làm ngựa cho con như vầy mà con không thương dì sao?
Tôi không hiểu được nỗi buồn của mẹ, không hiểu được câu nói của mẹ. Cho đến về sau này khi lớn khôn, khi mẹ đã nằm yên trong lòng đất, tôi mới hiểu rằng: ngày xưa mẹ vì nghèo mới lấy ba, trong sự lấy chồng của người đàn bà ấy có nhiều uẩn khúc do xã hội giai cấp gây ra. Mẹ buồn khi nghe tôi chê quê ngoại nghèo. Mẹ khóc khi tôi nói nhà ngoại hôi… Vậy mà tôi có biết đâu tuổi thơ ham vui thích sang giàu… Tôi đã làm cho mẹ, người yêu thương nhất trong đời, phải buồn khổ âm thầm.
Mẹ ơi, giờ này con biết khôn thì mẹ có còn đâu nữa!
Về đến nhà ngoại chưa được lấy một giờ, tôi đã than buồn, đòi về. Dầu ngoại tôi hết sức dỗ dành. Mấy dì đi hái đủ thứ trái cây cho tôi ăn, có dì leo tuốt lên ngọn dừa để hái trái cho tôi uống, tôi vẫn nèo nẹo đòi về.
Giữa khi đó có tiếng người reo lên:
– Con Nén về, má ơi, con Nén về.
Tôi nín khóc nhìn ra ngõ. Một thiếu nữ đang tiến vào, áo dài màu hồng sáng chói, quần trắng, đầu tóc uốn quăn. Một người con gái ở thành thị, như tôi.
Cũng xin nói thêm thời điểm là năm đó tôi được tám tuổi, học lớp “ê-lê-măng-te” (lớp sơ đẳng tiểu học) trường làng. Với mớ tuổi đó, cố nhiên, tôi cũng có thể biết được thế nào là người con gái đẹp, và dì Nén của tôi đẹp thiệt!
Dì Nén đến trước tôi và hỏi:
– Đứa nào vậy?
Mẹ đáp:
– Thằng Lâm đó, mày không nhớ sao?
– Ủa, thằng Lâm đây hả? Mau lớn quá. Mấy tuổi rồi? Học lớp mấy?
Tôi đứng thẳng người đáp:
– Dạ tám tuổi, học lớp “ê-lê-măng-te”,
– Cha! giỏi quá!
Dì tôi năm đó khoảng mười lăm, mười sáu tuổi. Tuổi dậy thì của một người con gái làm sao không đẹp!
Từ đó tôi không đòi về nội nữa, mà dì cháu tôi xoắn lấy nhau để nói chuyện. Tôi được biết dì học lớp “mo-den” (lớp nhì) ở Quận. Dì Nén cũng mến tôi có lẽ vì tôi là đứa cháu thông minh và sạch sẽ nhất trong số những đứa cháu của dì tại quê ngoại.
Trước nhà ngoại là một con lạch nhỏ lúc đó nước đang đầy, một chiếc thuyền đi câu cặm sào cạnh chiếc cầu ván ngâm nửa mình dưới nước. Tôi và dì cùng ngồi trên cầu cho chân xuống vọc nước, dì hất nước lên chân tôi, tôi hất nước lên chân dì, cười giỡn. Tiếng cười của dì thật dòn, trong nắng. Tôi nói:
– Lên thuyền câu chơi.
Dì từ chối:
– Đừng, thuyền câu chòng chành lắm, dì không biết lội, sợ thuyền lật, uống nước.
Tôi lêu lêu mắc cỡ dì:
– Ý nhát, dì nhát hơn Lâm. Lâm dám leo qua nè, dì không qua, Lâm leo một mình.
Không đợi cho dì trả lời, tôi phóng qua thuyền câu. Đây là một loại thuyền nhẹ, mong manh. Nên khi tôi bước qua thì cả thân thuyền lao chao như muốn lật úp.
Dì nén đứng trên cầu ván sợ tái mặt kêu lên:
– Lâm, Lâm… coi chừng…
Tôi nhăn răng sún ra cười. Tôi có hai cái răng sún, con nít thì chê xấu và hay nhạo. Người lớn lại nói có duyên. Và, có lẽ răng sún của tôi có duyên thật. Nên dì Nén cười trìu mến:
– Lâm liều quá, không sợ té xuống nước sao?
– Hổng sợ. Đâu có sao, dì bước qua coi. Bước qua đại đi. Có Lâm nè.
Dì chiều ý tôi nhè nhẹ dợm chân bước sang. Chiếc thuyền lắc lư làm dì sợ hãi, muốn rút chân về, nhưng tôi nói:
– Đừng sợ, cứ bước.
Lúc đó một cánh tay của dì đưa về phía tôi. Dì đã thay áo ngắn màu xanh, cánh tay trắng như bông bưởi và tròn trịa dễ thương làm sao. Tôi lại có ý ác, nắm tay dì kéo một cái thiệt mạnh. Dì Nén chới với kêu “ái” lên một tiếng thật lớn rồi té ùm xuống sông. Tôi nhớ mình cũng có la nhưng không biết đã la tiếng gì, mà la nhiều lắm!
Có nhiều người trong nhà chạy ra xôn xao. Mẹ tôi ôm tôi trong lòng vuốt tóc, mặt đầy vẽ hãi hùng.
Dì Nén hụp lặn dưới nước, vài người nhảy xuống vớt dì lên đem vào nhà. Người ta để dì ở trong buồng rồi tôi không được biết gì nữa, Nhiều lần tôi thoát tay mẹ chạy đến cửa buồng, nhưng liền bị đuổi ra ngay:
– Con nít đi ra cho khác chơi!
Tại sao người ta không cho con nít vào? Tại sao người ta không cho tôi thăm dì Nén? Tôi thương dì Nén lắm mà. Sao người ta ác quá. Tôi không ưa người ta nữa, tôi ghét tất cả mọi người ở quê Ngoại. Họ làm phách quá, họ khinh con nít quá.
Tôi ra sau nhà. Rẫy bắp non mới lú mầm xanh, dài xa mút đến tận hàng cau nhỏ xíu. Đất đen màu mỡ pha trộn mùi bùng nghe hăng hăng. Tôi đến ngồi trên một bờ ao. Có con cá nào đó ăn móng nghe “ộp” một tiếng. Rồi nhiều vòng nước tròn lan rộng, lan rộng ngộ nghĩnh. Khi những vòng tròn không còn nữa, mặt nước lại phẳng lặng in rõ bầu trời xanh cao và vài cụm mây trắng bay buồn buồn. Tôi cảm thấy chán ngắt từ phút phải xa dì Nén, nên cầm một hòn đất nhỏ ném xuống ao để xem những vòng tròn.
Mẹ đến bên tôi hỏi:
– Con làm gì đó?
Tôi nũng nịu:
– Hỏng làm gì “hớt”, buồn quá hà. Tại sao không cho con vào thăm dì Nén hả má?
Má vuốt tóc tôi mỉm cười:
– Con thương dì Nén lắm sao?
– Thương lắm.
– Tại sao con lại thương dì Nén?
Tôi suy nghĩ rồi lắc đầu.
– Hỏng biết.
Tôi không biết thật. Không biết tại sao mình lại thương dì Nén hơn những dì khác. Tôi thấy nhớ khuôn mặt tươi vui của dì. Tôi nghe như tiếng cười, giọng nói của dì còn văng vẳng đâu đây.
Không dằn được, tôi cầm tay mẹ van nài:
– Má, cho con vô thăm dì Nén đi má. Tại sao con lại không được vô thăm dì Nén?
Mẹ rất thương tôi. Nên chưa bao giờ tôi đòi một việc gì mà mẹ từ chối. Mẹ đứng lên và đáp:
– Ừ, để rồi má cho con vô thăm dì…
Dì Nén nằm trên giường, chiếc mền đắp ngang ngực. Mắt dì đăm đăm nhìn lên nóc mùng vẻ mệt mỏi, bơ phờ, Tóc dì ướt sũng trùm trong một chiếc khăn lông…
Tôi đứng lặng im ở ngưỡng của nhìn dì. Tôi muốn được nhìn thật lâu và không bị bắt gặp. Từ lâu rồi, không hiểu tại sao tôi lại thích nhìn những người bịnh, nhứt là người bịnh con gái. Họ có vẻ gì yếu đuối mềm mại, héo xàu như một cánh hoa sau cơn mưa dầm, nằm xơ xác trên mặt đất. Phải chi dì Nén chết! Dì cũng sẽ nằm im và bất động như vậy. Tôi sẽ khóc dì, khóc thiệt nhiều và giữ mãi hình ảnh của dì của phút này trong tâm tưởng tôi.
Chiều đã xuống hút bên ngoài. Ánh sáng mờ, căn phòng đầy bóng tối. Những nơi có màu trắng như mùng, áo quần, trắng bệch ra như những bóng ma. Tôi muốn bước đến và thắp cho dì bốn ngọn đèn cầy ở bốn góc giường. Phải ngọn đèn cầy trắng như tôi đã có dịp nhìn thấy ở nhà thờ. Tiếng muỗi bay vo ve ở góc phòng. Hơi đất từ nền nhà bốc lên lạnh toát. Một chú chuột chạy hoảng xô vào góc nhà gây thành tiếng động. Dì Nén giựt mình quay lại thấy tôi, mặt dì có hơi biến sắc rồi tỉnh lại: dì mỉm cười, nụ cười đã cuốn hút tôi từ phút đầu ấy giờ đây càng quyến rũ hơn trên khuôn mặt một người bịnh. Dì hỏi:
– Lâm làm gì đó?
Tôi bước đến bên giường, muốn leo lên giường rúc vào nách dì như đã từng rúc vào nách mẹ mỗi khi mẹ bịnh. Đó cũng là một loại đam mê của tôi. Không bao giờ mẹ bịnh mà tôi không đòi nằm chung một giường để rúc vào nách mẹ. Ba hết sức cấm cản, bảo như vậy không tốt, coi chừng bị lây bịnh. Nhưng khi vắng ba là tôi lén vào nằm với mẹ. Mẹ thương tôi nên không bao giờ đuổi tôi đi.
Tại sao tôi không thể làm vậy đối với dì Nén?
Tôi do dự đáp:
– Lâm vào thăm dì.
Dì Nén xích vô trong nhường chỗ trống ở cạnh giường tiếp:
– Lâm ngồi lên đây. Nằm trong này một mình buồn quá.
Tôi chậm rãi, sợ sệt. Sao lại sợ sệt? Ngồi lên giường, dì Nén hỏi:
– Lâm cứ ngồi đây đi, nãy giờ, Lâm làm gì?
– Lâm buồn lắm, Lâm ra sau hè ngồi.
– Sao lại buồn?
– Người ta không cho Lâm vào với dì.
Dì Nén cười vuốt tóc tôi khi tôi đã ngồi bên cạnh: bàn tay mềm mại với những ngón tay thon nhỏ của dì, chạy dài xuống má, xuống vai tôi. Tôi đưa tay nắm lấy tay dì, hai bàn tay dừng lại, bóp chặt. Hai dòng máu như muốn chan hòa cho nhau.
Cả bầu trời của một miền quê im ả vào buổi chiều như đồng lõa với chúng tôi trong sự im lặng khó giải thích này.
Bỗng tôi quay sang hỏi:
– Dì có giận Lâm không?
– Sao lại giận Lâm?
– Hồi nãy, Lâm làm dì té xuống sông!
Dì nén lắc đầu:
– Không!
– Lâm sợ dì chết quá!
Dì nén lại cười, ánh mắt lấp lánh vui tươi.
– Sợ thiệt hả?
– Thiệt, sợ lắm nên Lâm cứ muốn thăm dì. Hồi nãy thấy dì nằm im trên giường Lâm cứ tưởng dì chết. Lâm muốn thắp đèn cầy cặm bốn gốc cho dì. Đèn cầy trắng, Lâm sẽ ngồi trên ghế kia mà nhìn dì, nhìn cho đến khi người ta mang dì đi, và Lâm không còn nhìn được nữa.
Dì Nén kêu “ái” lên:
– Ý, Lâm nói nghe sợ quá!
Tôi cười hì, khoe răng sún hỏi lại:
– Bộ dì sợ chết làm sao?
– Ừa, dì sợ chết lắm. Dì không muốn chết đâu. Lâm đừng nói nữa dì sợ.
– Lâm không sợ chết, để Lâm chết thay cho dì. Dì ngồi lên đi. Lâm nằm và dì thắp đèn cầy cho Lâm nha.
Dì Nén còn mệt nhưng vẫn ngồi lên chiều theo ý tôi. Bây giờ tôi thấy Dì mặc áo ấm màu đỏ đẹp quá. Sao dì mặc áo nào coi cũng đẹp hết. Mặt dì tròn, má phúng phính. Nụ cười rạng rỡ trong ánh sáng thoi thóp, huyền ảo… như một chuyện thần thoại.
Tôi nằm ngay ngắn lên giường, tại chỗ dì đã nằm, gối đầu lên chiếc gối dì đã gối. Một chút hơi ấm nào đó vương lại thấm vào người làm tôi mang một cảm giác ngầy ngật. Tôi nhắm mắt, hai tay xuôi dài theo người, bảo:
– Dì khóc đi, Lâm chết rồi. Nhớ thắp đèn cầy cho Lâm.
Dì Nén đứng bên cạnh giường làm bộ khóc hu hu nói:
– Lâm ơi! Lâm ơi…
Tình cờ mẹ đi ngang, nghe được vội bước vào hỏi:
– Chuyện gì đó?
Dì Nén và tôi cùng ôm bụng cười dòn. Mẹ ngơ ngác không biết chuyện gì, cứ đứng nhìn hai đứa. Dì Nén nói:
– Lâm giả chết và biểu tôi khóc.
Mẹ bật cười, nhưng lại rầy:
– Con nhỏ này lớn rồi mà còn dại, chơi cái gì kỳ vậy?
Hai dì cháu tôi lại nhìn nhau cười, Mẹ nói với tôi.
– Thôi Lâm, con ra ngoài chơi để cho dì nghỉ.
Dì Nén nắm tay tôi giữ lại:
– Để nó đây chơi với tôi chị hai, nằm trong nầy một mình buồn quá.
– Ừa, thì cũng để nó ăn cơm rồi một lát trở vô.
Tôi hỏi dì:
– Dì ăn cơm không?
– Ăn, má đáp, nhưng dì con phải ăn ở đây.
Tôi nũng nịu:
– Con cũng ở đây ăn cơm với dì.
Mẹ cú đầu tôi cười hiền lành:
– Cha, nó mê dì Nén nó dữ ha!
Tôi cúi đầu xuống và nghe sự xấu hổ chạy khắp da thịt. Trong niềm xấu hổ đó có pha lẫn sự sợ hãi, nỗi sợ hãi của kẻ có tư tưởng quấy bị người khác biết được.
Nhưng không, có lẽ má, mà cả dì Nén nữa, không ai biết được ý nghĩ của tôi đâu. Chính tôi còn không biết được nữa là ai. Tôi chỉ thấy mình mến và quyến luyến dì Nén lắm. Nếu bây giờ mà bị bắt buộc phải xa dì, chắc tôi buồn không biết đến bao giờ mới nguôi.
Ở phút này, tôi lại thích đứng ra che chở, bảo bọc cho dì. Tôi bước xuống đất và nói:
– Dì nằm nghỉ nghen, Lâm đi thắp đèn đem vô.
Vài phút sau, dưới ánh đèn dầu vàng ấm, hai dì cháu tôi ngồi ăn cơm. Mâm cơm do chính tay mẹ dọn. Mẹ thật là hay, ở bên nội mẹ làm việc suốt ngày, cơm nước… đủ mọi chuyện. Về đây vừa thay áo dài ra, tôi lại thấy mẹ làm việc không hở tay.
Dì ăn cháo. Mẹ nói dì còn mệt, ăn cháo cho khỏe. Còn tôi ăn cơm. Đợi mẹ ra khỏi phòng tôi liền làm nũng với dì:
– Hăm, dì ăn cơm với Lâm à?
Dì nhỏ nhẹ nói:
– Đâu được, dì còn mệt lắm, để dì đi ăn cháo, ăn cơm không tiêu.
Tôi vẫn nằng nằng:
– Dì phải ăn với Lâm một miếng, để Lâm đút dì “ùm” nghen.
Dì cười há miệng cho tôi đút cơm, Vừa lủm gọn miếng cơm, dì vừa nói “ùm”… Tôi cười thích thú. Rồi hai dì cháu tôi cùng ngồi ăn.
Ánh sáng ấm cúng soi bóng dì, bóng tôi lên vách lá, chập chờn lung linh. Dì múc từng muỗng cháo, nhẹ nhàng đưa lên miệng, gọn bân, từng miếng nhai nhỏ nhẻ đẹp vô cùng. Đã có phút tôi chống đũa nhìn dì ăn đến ngẩn ngơ.
Dì mỉm cười, hỏi:
– Ăn đi chớ, sao dòm hoài vậy?
Tôi giựt mình và lia những và cơm vào miệng nhai ngấu nghiến, như muốn nuốt cho trôi đi một cảm xúc lạ nào đó cứ toan trào lên trên miệng. Bỗng dì hỏi:
– Chừng nào Lâm trở về nhà nội?
– Hỏng biết, chừng nào má về thì Lâm về. Còn dì?
– Dì ở đây ba ngày.
– Lâm cũng “kiêu” má ở lại ba ngày.
Dì chỉ cười và múc cháo tiếp tục ăn. Tôi cũng và cơm cho đến tàn bữa.
Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa lên khỏi ngọn hàng cau ở xa xa, thì má gọi tôi vào sửa soạn đi về nội, lúc đó tôi và dì Nén đang bàn tính chuyện đi câu. Tôi mất hứng vùng vằng:
– Hăm, con chưa muốn về nội! Con ở lại chơi.
Má hết sức ngạc nhiên, vì lâu nay khó mà kêu tôi về ngoại và khi về đến nhà ngoại thì chừng nửa ngày là tôi đòi về nội trèo trẹo, lần này tôi lại không về mà còn đòi ở lại.
Trong sự ngạc nhiên của mẹ đó có pha lẫn chút vui tươi: bà vui vi thấy con mình đã mến thích quê ngoại của nó. Má liền nhắn với người hàng xóm đi chợ:
– Chị ghé qua nhà ba má tôi, nói giùm bên này có chuyện, mai tôi về nghe chị.
Tôi lại xen vô:
– Hông, ở đây ba bữa.
Má vẫn thấy tôi còn trẻ thơ nên cười:
– Ừa, thì ở lại ba bữa…
Tới đó thì tôi chạy ton ra ngoài tìm dì Nén. Dì đang lui cui đào trùn để làm mồi đi câu. Được con trùn nào, dì dùng hai cây que như đôi đũa để gắp, vì dì rất sợ trùn.
Tôi a tới và dùng tay bắt bỏ vào lon dễ dàng, trước mắt thán phục của dì. Mỗi khi dì Nén thán phục tôi điều gì, tôi nghe như hãnh dìện và sung sướng như ở tại lớp học làm toán rồi trước bạn bè, đem lên bàn thầy, được thầy cho phép đứng góp tập thi của bạn theo thứ tự.
Khi hai dì cháu tôi xách cần câu, lon mồi, và giỏ đi ra rạch, dì Nén hỏi:
– Má “kiêu” Lâm vô làm chi đó?
– Má biểu Lâm về nội?
Dì Nén thoáng buồn:
– Chừng nào?
– Liền bây giờ, nhưng Lâm đòi ở lại…
Gương mặt dì như vừa qua một cơn buồn. Dì bước mau hơn làm tôi phải chạy lúp xúp theo. Hai dì cháu tôi ngồi trên một cầu khỉ, mỗi người cầm một cần câu thả mồi xuống nước. Cả hai dì cháu đều hẹn nhau coi ai câu được cá trước.
Nước lúc đó đang ròng nên giựt mạnh, hai sợi chỉ căng song song từ hai cần câu xuống rạch. Quê ngoại thật êm ả, gần như cả ngày tôi không nghe động cơ của một loại xe nào. Người ở đây phần nhiều đi bộ, thỉnh thoảng mới có một người đạp xe đạp nghe có tiếng líp xe “rè rè” êm êm như tiếng nhạc. Bỗng sợi câu của tôi giựt mạnh. Cá ăn, tôi liền giựt cần câu lên. Trong khi đó, dì Nén cũng làm một cử động giống hệt tôi. Và khi cả hai sợi dây lên khỏi mặt nước, thì hai dì cháu tôi cười gần rời xuống nước. Bởi chẳng có cá nào cả, mà chỉ là hai sợi dây cước quấn vào nhau thôi.
Cũng vừa khi ấy, dì Bảy trong nhà ngoại chạy ra:
– Nén, về sửa soạn về Sài Gòn, cô Năm nhắn tin vô kìa.
Cô Năm là má của dì Nén, tôi phải gọi bằng bà. Nghe tin mẹ, dì Nén lật đật đứng lên hỏi:
– Nhắn hồi nào?
– Có người mới ghé lại cho biết, về mau đi. Hình như bịnh cô Năm trở lại nặng lắm.
Dì Nén quên mất tôi, ton ton cùng dì Bảy vô nhà. Còn một mình ở lại, tôi buồn tủi muốn khóc, ôm hai cần câu, lon mồi và cái giỏ không. Tôi lủi thủi vô nhà như một cầu thủ đá banh bại trận… Trong nhà ai cũng xôn xao bàn tán về tin Bà Năm đau nặng. Mọi người vây lại lo cho dì Nén những hành lý để dì xách về. Người nói một câu ai cũng tranh nhau nói ồn ào. Tôi bị bỏ rơi hẳn, thui thủi lên chái trên ngồi. Người ta ở bên dì Nén đông quá. Tôi không muốn lẫn lộn vào đó.
Tôi muốn dì Nén phải nhìn, phải nói với tôi những lời đặc biệt hơn. Tôi ngồi đây vì biết rằng lát nữa dì phải đi ngả này để ra đường, nghĩa là dì phải thấy tôi trước khi tôi xa dì.
Câu chuyện bàn tán của mọi người đó, tôi được biết: bà Năm đang đau nên không về trong ngày giờ được mà cho dì Nén về. Nhưng có lẽ bà Năm đã phát đau nặng bất ngờ, nên nhắn tin gọi dì Nén về gấp.
Vài phút sau, dì Nén đã xách một giỏ nặng ra đi. Dì mặc chiếc áo dài màu hồng hôm qua. Buồn làm sao dì cứ cúi đầu đi mà không thèm nhìn thấy tôi. Dì đã quên tôi rồi sao? Có lý nào dì không một phút nghĩ đến tôi. Con đường như hút hẳn, dì quẹo theo lối đường cái bên cạnh rạch. Chấm áo đỏ lẩn khuất trong hàng cây xanh xa nhỏ dần. Tôi nghe mất mát quá nhiều mà không biết mất gì…
Ngay chiều hôm đó, tôi lại nèo nẹo đòi về. Má lắc đầu phàn nàn:
Hồi sáng thì không chịu về, rồi bây giờ lại nèo nẹo đòi về. Có ba mày ở đây ổng đánh cho nứt đít con ơi!
Một tuần lễ sau tôi lại theo má về quê ngoại, lần này thật buồn vì trong nhà có đám tang bà Năm!
Dì Nén mặc quần áo trắng, khóc hoài… thấy tôi, dì còn khóc nhiều hơn nữa. Lần này dì ôm tôi vào lòng mà khóc… Tôi được biết ông Năm không còn, dì Nén chỉ sống với bà Năm. Nay bà Năm lại mất nữa nên dì bơ vơ và đau khổ. Dì làm tôi khóc theo.
Tôi cũng đòi mặc áo quần trắng như dì. Cả nhà ai cũng buồn nên chẳng ai để ý đến tôi. Tôi lúc nào cũng ở sát bên dì Nén. Hai dì cháu tôi ngồi nhìn chiếc hòm của bà Năm có chong đèn sáng rực. Ý nghĩ về sự thương tiếc người chết không ở lâu trong đầu óc trẻ thơ của tôi. Tôi thì thấy vui ở đêm lại gặp dì Nén thôi.
Rồi đám tang cũng xong xã….
Mẹ lại lục đục sửa soạn trở về nội!
Đêm trước hôm trở về, tôi và dì Nén ngồi ở hàng ba ăn khoai mì sượng luộc. Những củ mì mới đào lên khi chiều ngọt sớt, bùi bùi…
Trăng ngập sương, buông ánh sáng đục mờ lên cây lá. Tôi nhai nhóc nhách miếng khoai trong miệng. Dì Nén nhìn tôi cười. Dì ăn những miếng e dè nhỏ xíu như con mèo. Tôi thấy ánh mắt dì long lanh ánh trăng. Mặt của dì đẹp thật…
Nhơn cái chết của bà Năm tôi mới được biết thêm. Bà Năm là em của ngoại, dì Nén với má tôi chỉ là chị em bạn dì. Bà Năm lập gia đình từ thuở nhỏ, và cũng như má tôi, bà Năm theo chồng ra ở tỉnh, tận Sài Gòn lận. Dì Nén cũng chỉ lâu lâu mới về quê một lần thôi.
Đối với dì Nén, tôi có một cảm tình khá khác biệt, cảm tình đó, người lớn chắc không ai ngờ, vì ai cũng nhìn tôi chỉ là một đứa con nít, mà dì Nén cũng là một đứa con nít luôn…
Bỗng dì quay sang nhìn tôi rất lâu rồi hỏi:
– Chừng nào Lâm về nội!
– Chưa biết, còn dì?
– Chắc dì ở lại đây luôn.
Tôi cũng nhìn lại dì, miếng khoai trong miệng nghe không còn ngon nữa. Dì sẽ ở lại đây luôn, dì sẽ như dì Hai, như những dì khác sao? Tôi không chịu vậy đâu. Tôi nói:
– Dì không học nữa sao?
Dì Nén cười buồn:
– Ai nuôi dì mà dì học?
Tôi cầm tay dì quả quyết:
– Để Lâm nói với ba má, dì về ở với Lâm đi học.
Dì Nén lắc đầu:
– Không được đâu Lâm.
– Được mà, ba má thương Lâm lắm. Lâm nói gì ba má cũng nghe Lâm hết à. Để lát nữa Lâm nói với má.
Dì chỉ cười và nhìn ra sân. Dì lớn hơn tôi tới bảy tám tuổi. Lẽ dĩ nhiên dì hiểu chuyện đời một cách thực tế hơn tôi. Dì biết là tôi thương dì, và nhìn mọi việc chỉ bằng con mắt trẻ thơ. Cứ tưởng là quen nhau; đã gọi là bà con thì phải có bổn phận lo cho nhau. Chớ tôi đâu có biết rằng chuyện đời còn biết bao nhiêu là phức tạp khác nữa, những phức tạp đó đã làm cho con người ta khó gần nhau, khó bộc lộ tình thương cho nhau.
Đêm buồn không tiếng nói, nhạc côn trùng ra rả ngoài rẫy bắp, rẫy khoai… có tiếng con rắn lục húyt gió lanh lảnh như một lời ma quái.
Dì Nén buồn lắm. Thỉnh thoảng thở dài, tiếng thở dài của dì làm tôi nao nao. Tôi muốn cầm tay dì, muốn dựa vào người dì. Nhưng lại không dám.
Tôi băn khoăn. Tôi sợ dì biết được những ý nghĩ thầm kín trong tôi, dì sẽ buồn hơn và sẽ trách tôi cũng không chừng.
Tôi tức mình tại sao không là một người lớn. Tôi thèm trở thành người lớn để đi làm có tiền. Tôi sẽ nuôi dì Nén. Dì Nén muốn gì cũng có, quần áo mới, son phấn, cả xe hơi nữa. Tôi sẽ mua cho dì một chiếc xe hơi giống như xe của ông đốc trường, chiều chiều chở dì chạy đi đó, đi đây…
Trong tuổi trẻ, tôi đã mơ giấc mơ quá lớn để rồi sau này khi có đủ trí khôn, tôi mới biết thấu nỗi buồn của dì Nén lúc đó. Tôi giận mình, phải ngày ấy biết được có lẽ tôi đã giúp được dì nhiều lắm.
Lúc đó tôi đã hỏi dì:
– Dì thôi học có buồn không?
– Buồn lắm, dì phải xa trường, xa thầy, xa các bạn bè và nhất là phải xa một người… anh Tân.
Tôi hỏi ngay:
– Anh Tân nào? Phải cái anh mà bữa hổm bà Năm chết ảnh có vô rồi đứng nói chuyện với dì ở chái trên đó không?
Dì Nén lại lặng im mà gật đầu. Tôi buồn lắm mà dì đâu có biết. Hôm đó anh Tân vô chia buồn với dì đó, anh vừa tới đầu ngõ thì cả nhà xôn xao lên rồi. Người chạy kêu dì Nén báo tin. Người thì chạy lăng xăng để tiếp anh ấy. Hình như ai cũng sợ tiếp anh ấy không được đàng hoàng sẽ bị chê trách, ảnh là thượng khách mà!
Sau khi ảnh vào thắp nhang lạy bà Năm, thì Dì Nén ra ngoài ngồi tiếp ảnh. ảnh mặc đồ tây, quần tây dài màu xanh, áo sơ mi trắng tay dài, giầy đen bóng. Tôi sẽ nói với má may cho tôi một bộ giống như vậy.
Ảnh hớt tóc cao và chải láng mướt. Coi anh Tân bảnh quá, tiếp chuyện với anh Tân dì Nén cứ khóc hoài, còn anh Tân hỏi gì đó không biết, dài lắm. Mấy dì khác cứ lấp ló ở cửa buồng nhìn anh Tân xầm xì. Lúc đó dì Nén lại quên mất tôi mặc dầu tôi đang đứng trước mặt dì và nhìn trân trân anh Tân. Tôi tức và muốn đuổi anh Tân về ngay lập tức. Không bao lâu anh Tân ra về, dì Nén theo đưa anh đến tận một cây cầu họ đứng lại và còn nói thêm gì đó nữa. Bấy giờ dì Nén lại khóc nhiều hơn. Hai người đứng sát vào nhau nói những lời nhỏ xíu.
Tiếng khóc của dì Nén thút thít bên tai. Tôi ngẩng đầu lên và ái ngại khi thấy dì lại khóc. Từ hôm bà Năm chết đến nay dì Nén khóc hoài, khóc bất cứ lúc nào, có khi đang bữa ăn cơm, dì cũng khóc rồi thôi không ăn nữa.
Trong nhà ai cũng thương dì, mỗi khi dì khóc không ai nói gì mà chỉ khuyên nhủ hoặc im lặng nhìn nhau áy náy.
– Tại sao dì ưa khóc quá vậy?
Dì Nén tức tưởi
– Rồi biết bao giờ gặp lại nữa.
– Ai?
– Anh Tân!
– Sao vậy, mai mốt anh Tân rảnh qua thăm dì chớ gì. Anh Tân là bà con với mình phải không?
– Không, anh Tân là bạn của dì, anh Tân không trở lại thăm dì đâu. Rồi lâu… anh Tân sẽ quên dì luôn.
– Sao lại kỳ vậy? Anh Tân ở đâu dì chỉ để Lâm đi kiếm anh Tân cho.
Dì Nén lắc đầu:
– Lâm không biết đâu. Chừng nào Lâm lớn Lâm mới biết. Có những hoàn cảnh xa nhau rồi không bao giờ gặp nữa. Có những người mình thương mà không được ở gần.
“Chừng nào lớn… biết” đó là câu nói mà tôi vẫn bị người lớn trả lời mỗi khi tôi hỏi đến một điều gì hơi khó. Những khi đó tôi tức lắm. Tại sao phải người lớn mới biết mà con nít không thể biết được. Dầu sao tôi cũng thương dì Nén lắm. Thương bằng tất cả tấm lòng thơ dại của tôi, vì dì Nén đẹp, mà dì mồ côi nữa. Người ta nói con mồ côi khổ lắm, tôi thì không bao giờ muốn cho dì khổ, tôi muốn dì được sung sướng hoài nếu tôi phải khổ để dì sung sướng tôi cũng chịu nữa.
Sáng hôm sau dì Nén đưa tôi ra rời bến đò để tôi theo má về nội. Hai dì cháu tôi đi phía sau. Dì Nén mặc quần áo trắng, đầu chít khăn tang.
Tôi nói:
– Lâm sẽ qua thăm dì thường.
Dì Nén cảm động đáp:
– Dì mong lắm. Bởi ở đây buồn quá. Chung quanh chỉ là những rẫy, vườn hiu hắt, chỉ là những người quá câu nệ, không chịu hiểu biết, có lẽ dì sẽ câm miệng hoài không nói được gì!
Tôi nghe thương dì hết sức. Dì sẽ là con chim lạc loài, dì sẽ ở đây một mình với những đêm âm u, với ngọn đèn dầu mù mờ, với tiếng ễnh ương kêu ngoài mương thì làm sao chịu được. Lúc đó tôi thật tình muốn ở lại với dì, tôi mơ ước sẽ cùng dì ở bên nhau mãi. Những ước mơ của tuổi trẻ chỉ là một sự dại đột. Tôi biết vậy nên chỉ có thể sống với ước mơ của mình. Lúc đó, chúng tôi đang đi ngang một cây cầu khỉ. Tay tôi ôm một trái dừa tươi. Trái dừa mà chiều hôm qua chính tay dì Nén đã bẻ cho tôi. Tôi nói:
– Dì khắc tên của dì lên đây đi, Lâm sẽ cắt trái dừa nầy mà để dành hoài.
Dì Nén lắc đầu:
– Thôi đừng làm bộ về tới bên nội thì chặt dừa ra uống, vỏ dừa sẽ liệng thì tên của dì cũng quên theo đó luôn.
Tôi tức muốn khóc, và mạnh tay liệng tỏm trái dừa xuống rạch. Má nghe tiếng động quay lại hỏi:
– Cái gì vậy? Làm má hết hồn, tưởng con té xuống rạch.
Tôi phụng phịu, hờn mát, chạy về phía má, không thèm nói chuyện, không thèm nhìn dì nữa.
Dì vẫn âm thầm đi phía sau không lên tiếng gọi tôi.
Cho đến khi tôi xuống đò, dì đứng tại bến. Dì cháu tôi vẫn không nói một lời nào.
Con đò chòng chành rời bến. Người lái đò ra phía sau khua chèo. Dòng nước chảy êm. Hàng dừa xanh bên bờ quê ngoại im lìm soi bóng. Tôi ngoái đầu nhìn lại. Dì Nén vẫn còn đứng đó. Bóng dì nhỏ lại chỉ còn một vệt trắng, và dì cúi đầu.
Chắc dì đang khóc.
Tôi quay nhìn mẹ. Mẹ tôi cũng đang nhìn về phía dì Nén rồi thút thít khóc. Tôi nghe buồn rồi cũng khóc theo!!!.
(trong BÊN KIA MỘT GIÒNG SÔNG )