Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









VẦNG TRĂNG HAO KHUYẾT





B uổi học cuối cùng rồi cũng qua. Tiếng chuông reo như dấu chấm hết một năm học. Sân trường phần lớn là những cây kiền kiền cổ thụ, chỉ có cài cây phượng già xơ xác nhưng cũng đã trỗ cho đời những chùm hoa đỏ chói. Đã xa lắm rồi cái thời đi học nhưng tự nhiên tôi cũng thấy lòng nao nao buồn.

Đám học sinh đã về gần hết. Bao nhiêu là hò hẹn rộn rã, bao nhiêu là lo lắng ưu tư trong một mùa hè. Mùa hè của rong chơi, mùa hè của thi cử. Mấy quyển lưu bút của học sinh lớp 12 chĩu nặng trong tíu xách vốn đã dày cộm mấy quyển sách giáo khoa và tập giáo án. Tôi mang tuổi học trò của các em về nhà. Đứa nào cũng dặn: “ Cô viết cho em nhiều nhiều ”.

Dãy hành lang dài và sân trường bắt đầu vắng ngắt. Tôi bỗng chú ý đến môt hình hài nhỏ nhoi vẫn còn đang ngồi trên chiếc xe lăn, lấp ló sau một cánh cửa lớp. Thì ra là Vũ. Em vẫn còn ngồi đó, trên chiếc xe lăn, chắc đang đợi người nhà. Hôm nay là buổi học cuối cùng nên trường cho về sớm hơn thời khoá biểu. Có lẽ người nhà không biết nên không đến đón.

Tôi để ý đến Vũ từ khai giảng của hai năm học trước. Khi đó Vũ mới vào lớp mười. Một thân hình gầy nhỏ, một khuôn mặt sáng sủa thông minh nhưng đôi mắt buồn xa xăm. Phia dưới là một đôi chân bại liệt teo tóp trong hai ống quần rộng thùng thình. Người nhà đưa em đến bậc thềm của hành lang phòng học. các bạn của em đã chờ sẵn ở đó, nhấc bỗng chiếc xe lăn lên mấy bậc thềm, đẩy về phòng học. Cứ thế hai năm trời trôi qua. Năm Vũ học lớp 12, ngẫu nhiên tôi lại dạy lớp em. Giá như đó là lớp học của một trường khuyết tật có lẽ giáo viên đứng lớp sẽ ít nao lòng hơn khi giữa bao nhiêu con người bình thường vui tươi , khoẻ mạnh bỗng lạc vào đó một hình hài tật nguyền. Cái xe lăn Vũ đặt nơi đường đi giữa lớp, Vũ còng lưng trên cái bàn học đặc biệt của mình như một sự hiện diện lạc lõng và tội nghiệp.

Cứ thế, cái con người hầu như chỉ còn có một nửa ấy vẫn hiện diện đều đặn, bất kể mưa gió bão bùng, chăm chỉ và nghiêm túc như thể việc học là tất cả ý nghĩa của cuộc đời em. Giờ ra chơi, Vũ hay tự đẩy xe ra ngoài hành lang, nhìn các bạn đá cầu, chơi đùa, và đôi mắt bao giờ cũng buồn thăm thẳm. Giá như Vũ cứ ngồi lại trong lớp, giá như không có cái nhìn cam phận từ đôi mắt buồn xa xăm ấy người chung quanh đỡ nao lòng hơn.

Nhưng tại sao lần nầy Vũ lại ở lại lớp có một mình? Thường thì tôi thấy Tâm và Hải – hai người bạn thân của Vũ – vẫn thường ở cạnh em, có khi đẩy xe cho em về, nếu người nhà không đến kịp. Thấy tôi đến, em khẻ chào. Tôi hỏi:

-Sao Vũ còn ở đây ? Các bạn không đưa em về sao ?

Vũ nhấc cặp kính cận ra khỏi mắt:

-Thưa cô, hôm nay các bạn đi dự sinh nhật ở nhà bạn Long. Bạn Long có mời nhưng em không muốn đi. Hải bảo em ở đây chờ bạn ấy một lát, bạn ấy đến chúc mừng Long rồi sẽ quay lại đưa em về.

-Vì sao em lại không muốn đi?

Vũ gãi đầu bối rối:

-Dạ…Em không muốn đến chỗ đông người.

- Vậy hàng ngày Hải vẫn đưa đón em?

-Dạ. Vì mẹ em đi làm xa nhà. Buổi trưa phải ở lại công ty, nên dạo nầy Hải vẫn đưa đón em.

Hải là vậy đó. Nghịch phá nhưng vẫn rất thân ái và hết lòng với bạn bè. Có lần Hải leo lên trần nằm trên ấy trốn tiết Địa lý vì không thuộc bài, thỉnh thoảng lại khua lục cục vào trần nhà. Học sinh cười rúc rích nhưng cô giáo vẫn không biết vì sao lại có tiếng động ấy. Cô giáo không thể nghĩ có học sinh lại nghịch đến thế. Khi tình cờ biết chuyện, tôi gọi Hải lên phòng hội đồng, mắng cho cậu một trận. Hải gãi đầu lúng túng nhận khuyết điểm và hứa sẽ không tái phạm. Cậu bảo hôm ấy vì không thuộc bài nên phải leo lên trần trốn.

Nhìn đôi mắt không mang kính của Vũ, tôi thấy rõ ánh mắt mệt mỏi vì thức khuya. Thể chất vốn ốm yếu, lại phải nổ lực cho kỳ thi đại học sắp tới, trông Vũ lại càng còm cõi thêm. Tôi hỏi:

-Em thi Tin học phải không? Học vừa thôi, đừng cố quá em nhé. Nhỡ bệnh thì khổ.

Vũ gật đầu:

-Thưa cô, em biết rồi ạ.

Tôi định hỏi về ba em, nhưng ngại em buồn nên thôi. Không chỉ sinh ra đời với một hình hài bất hạnh, Vũ còn có một gia đình không êm ấm. Nhà chỉ hai người: Mẹ và Vũ. Ba Vũ không mấy khi về nhà, ngoài thời gian đi làm, ông thường chung sống với cô tình nhân, lấy cớ chán gia đình sau khi sinh ra một đứa con tật nguyền như Vũ. Ba mẹ Vũ cũng muốn sinh một đứa con nữa nhưng lại hiếm muộn không sinh được. Mẹ Vũ nhiều lần muốn ly hôn nhưng vì thương Vũ nên cứ kéo dài tình trạng ly thân phần ai nấy sống như hiện nay. Ít ra là làm như thế để thấy gia đình vẫn còn đó, chưa tan đàn xẻ nghé. Tôi có gặp chị hai lần trong kỳ họp phụ huynh học sinh đầu năm và cuối học kỳ một. Chị tên Nguyệt - mảnh mai như một vầng trăng khuyết, có nhan sắc và có cặp mắt buồn buồn, cam chịu. Vũ giống mẹ ở cặp mắt buồn như dự báo một cuộc đời không bình yên ở phía trước. Chị ở lại sau buổi họp, hỏi han về Vũ và thật tình cờ tôi nghe chị tâm sự về hoàn cảnh gia đình. Tôi càng thương Vũ hơn. Một học sinh tật nguyền như em lại phải sống trong môi trường gia đình không hạnh phúc. Tạo hóa thật không công bằng.

Lần thứ ba tôi gặp Nguyệt trong cuộc họp phụ huynh cuối năm. Và sau đó chị ghé thăm nhà, nhân tiện báo tin vui Vũ đã đỗ vào Bách Khoa. Lần đó tôi bắt gặp ánh mắt vốn buồn buồn của Nguyệt lấp lánh niềm vui. Chị mời tôi cùng về quê với mẹ con chị ít hôm, để Vũ thư giãn sau kỳ thi, và cũng nhân tiện tôi đang nghỉ hè, chị thì đang nghỉ phép thường niên. Thấy tôi ngần ngại, chị nói:

-Chị đi với mẹ con em nhé. Đây cũng là mong muốn của Vũ. Có chị đi cùng Vũ sẽ vui hơn đấy.

Thấy Nguyệt khẩn khoản, tôi gật đầu. Quê Nguyệt ở một huyện nhỏ thuộc tỉnh Đồng Nai, một nếp nhà khang trang theo phong cách xưa, một vườn cây rộng trĩu quả như hầu hết các tỉnh miền Tây. Ba mẹ Nguyệt đã đi định cư tận nước Mỹ với anh chị Nguyệt, căn nhà và mảnh vườn nhờ vợ chồng cô Sáu của Nguyệt trông dùm. Hai vợ chồng già không con, nương tựa nhau sống trong khu vườn sum suê hoa trái. Tôi và Nguyệt đi lang thang trong khu vườn yên ả, và nhận ra đây đúng là một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng. Tôi hỏi:

-Quê nội của Vũ ở đâu?

-Cũng ở huyện này chị à. Cách đây khoảng năm cây số. Hồi xưa em và anh ấy học cùng trường, chỉ cách nhau hai lớp. Hồi đó khu này nhà cửa còn thưa thớt lắm. Vào nhà em còn mấy cái mộ nằm ven đường. Có lần em đi học về lúc chiều muộn, có một anh chàng đi theo em suốt đoạn đường dài. Muốn dọa anh chàng, em đến ngồi trên ngôi mộ gần nhà. Anh chàng muốn làm quen, hỏi: “ Nhà em ở đâu? “. Em bèn chỉ tay vào ngôi mộ. Anh chàng tưởng em là ma bèn quay xe bỏ chạy không ngoảnh lại. Em kể lại cho mấy nhỏ bạn, bọn nó cười đau bụng. Kể ra thì cũng giống ma thật. Em thì mặc đồ trắng, tóc bỏ xõa, lại chỉ tay vào ngôi mộ bảo đó là nhà mình. Lại nữa, trong bóng chiều chập choạng…Kể cũng tội nghiệp cho anh chàng nhát gan.

Tôi cũng cười. Lúc vào nhà Nguyệt tôi để ý vẫn còn một nấm mộ ở gần cổng. Nhìn nấm mộ hoang không hiểu sao tôi chợt nghĩ đến Đạm Tiên trong truyện Kiều.

Căn phòng Nguyệt dành cho tôi có cửa sổ nhìn ra vườn cây xanh. Nguyệt bào đó là phòng của Nguyệt hồi còn học phổ thông. Ngồi nơi bàn viết kê bên cửa sổ nhìn ra vườn lúc nào cũng nghe tiếng chim hót trong cành lá những cây bười da xanh. Những trái bưởi to tròn lấp lánh ánh nắng mùa hè, một vài chùm hoa bưởi trắng thấp thoáng trong cây lá tỏa hương thơm dìu dịu gợi cảm giác êm ả, bình yên. Có một lần ra vướn vào lúc hoàng hôn, tôi giật mình vì nghe nồng nàn mùi thơm của hoa dủ dẻ từ một hàng rào cây. Thứ hoa dân dã quên mùa mà ngày xưa khi còn sống ở quê nhà tôi đã có nhiều kỷ niệm với nó. Hoa dủ dẻ chỉ thơm vào lúc hoàng hôn. Tôi và em tôi thường đi tìm để hái vì mùi thơm quyến rũ của nó. Có lần hai chị em mãi mê tìm hoa vào lúc chập choạng tối mà em tôi bị rắn mổ vào tay, do đút tay vào bụi rậm. Hôm sau cánh tay sưng vù, cũng may mà chỉ là một con rắn mối cắn nên không nguy hiểm đến tính mạng.

Những ngày vui ngắn ngủi qua mau. Chúng tôi trở về phố để Vũ chuẩn bị nhập học. Hải cũng đậu vào Bách khoa cùng trường với Vũ nhưng khác khoa. Nguyệt xin cho Vũ ở nội trú để tiện đi lại với chiếc xe lăn.

♣ ♣ ♣

Sau khi Vũ vào đại học khoảng nửa năm, tôi được đi định cư tại Mỹ theo diện con bảo lãnh. Ngày đi còn phải giải quyết bao nhiêu công chuyện nên tôi không có dịp từ giã Nguyệt và Vũ. Qua Mỹ, hòa nhập vào một môi trường xa lạ về mọi mặt, từ văn hóa, ngôn ngữ cho đến lối sống, phong tục tập quán...cuộc sống cứ thế cuốn tôi đi. Mãi bôn ba với cuộc sống, tôi cũng quên mất nhiều chuyện, nhưng hình ảnh cậu học trò tật nguyền có đôi mắt buồn thăm thẳm như thấy trước số phận cuả đời mình vẫn mãi ám ảnh tôi. Năm năm sau, có dịp về thăm quê hương, tình cờ trong một lần làm công việc từ thiện tại một cô nhi viện, tôi gặp lại Vũ. Lúc đó Vũ cùng một nhóm bạn thiện nguyện đang tập hát cho các em cô nhi. Vẫn chiếc xe lăn và đôi mắt buồn sau làn kính trắng, Vũ ôm đàn hát say sưa. Từ xa tôi đã nhận ra Vũ, chỉ thấy khác một điều là Vũ bây giờ nhanh nhẹn, hoạt bát hơn dáng vẻ rụt rè, cam chịu khi xưa còn ngồi dưới mái trường trung học.

Lúc gặp lại tôi, khuôn mặt Vũ rạng rỡ hẳn lên với nỗi vui mừng không giấu nổi. Tôi nắm chặt tay Vũ:

-Không ngờ cô trò mình lại gặp nhau trong cùng một công việc từ thiện này.

-Cô khỏe không? Từ ngày cô đi, em và mẹ rất buồn. Em nghĩ không biết có dịp nào gặp lại cô không.

-Mẹ em vẫn mạnh chứ? Và chắc là còn đi làm?

Đôi mắt Vũ như mờ đi trong một thoáng nước mắt:

-Mẹ em mất rồi cô ạ. Cả ba em cũng thế.

Giọng Vũ nghẹn lại như không nói nổi hết câu. Tôi cũng thấy tim mình se thắt. Chắc là có biến cố gì đây. Nguyệt còn trẻ thế, lẽ nào...

Thì ra Nguyệt mất trong một lần ba Vũ trở về nhà trong một cơn say. Ông cứ đi đi về về như thế sau những lần sống với bao nhiêu cô nhân tình. Ông đòi bán nhà nhưng mẹ Vũ không cho. Họ cải vã nhau một trận kịch liệt. Và vào lúc nửa đêm về sáng, lúc mẹ Vũ ở trong phòng riêng, ba Vũ đã khóa chặt các cửa ra vào ngôi nhà, ném chìa khóa ra ngoài và tưới xăng đốt nhà. Cả hai đều chết trong ngôi nhà oan nghiệt. May mắn là lúc này Vũ vẫn còn ở trong khu nội trú của trường đại học.

Sau biến cố của gia đình, Vũ có một thời gian suy sụp tưởng không gượng dậy nổi. Ông bà ngoại Vũ ở Mỹ trở về Việt Nam sống với đứa chàu tật nguyền. Thôi thì dù sao Vũ vẫn còn chỗ dựa cuối cùng của một cuộc đời bất hạnh.

Tôi đến nhà để thăm Vũ trước khi trở về Mỹ. Vũ đã tốt nghiệp đại học loại giỏi và đã đi làm được một thời gian. Công việc khá thuận lợi với Vũ, thu nhập cũng khá ổn. Ông bà ngoại đã trên bảy mươi nhưng trông còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Lợi tức từ vườn trái cây ngày xưa tôi đã có lần về quê nghỉ hè với mẹ con Nguyệt cũng đủ trang trãi cuộc sống. Tôi mừng cho Vũ, sau bao nhiêu biến cố, cuộc đời em đã đi vào một lối rẻ khác, bình yên phẵng lặng hơn như một dòng sông đã vượt qua bao thác ghềnh. Tôi thầm cầu mong ông bà sẽ sống thật thọ, để là chỗ dựa tinh thàn cho Vũ sau bao nhiêu sóng gió của cuộc đời.

Thắp một nén nhang trước di ảnh Nguyệt, tôi không khỏi chạnh lòng trước một người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Qua di ảnh, dôi mắt Nguyệt long lanh nhìn tôi thân ái. Và vẻ đẹp của cô – như khi tôi gặp lần đầu cô đi họp phụ huynh ở lớp chủ nhiệm của tôi ngày nào – vẫn mong manh như một vầng trăng hao khuyết.






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com