Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









NGOẠI ƠI



T oàn bước vào nhà.  Căn nhà tối om, ẩm mốc.  Anh phải đi chậm lại để mắt quen dần với bóng tối. Toàn không thể nhận ra được một chút nào cái không khí quen thuộc của gia đình mặc dù chung quanh anh vẫn là những người thân.  Mẹ anh đó, các em anh đó, những bàn máy may cũ kỹ vẫn còn đó, chiếc đi-văn vẫn nằm ở góc phòng, cái bàn thờ cẩn sa cừ với bộ lư hình mắc tre và chim chóc cùng những món đồ bày biện khác vẫn còn đó.  Tại sao Toàn lại thấy lạc lõng như vậy?

Bao nhiêu năm tháng xa nhà, xa mái ấm gia đình, Toàn luôn mơ có ngày này.  Mơ cái không khí quen thuộc mà anh đã từng sống từ thời ấu thơ.  Mơ thấy mẹ anh đang ngồi bên bàn máy may cắm cúi làm việc; cái kiếng lão gọng vàng trể xuống tận sống mũi.  Mơ thấy em anh đang chuẩn bị lò than để làm bữa cơm chiều.  Mơ thấy anh đang đứng tựa cổng rào ngắm nhìn những cô gái học trò đạp xe ngang qua, chiếc áo dài trắng và mái tóc thề tung bay trong gió chiều.

Có những đêm nằm thao thức vì cái đói hành hạ trong trại cải tạo, anh mơ thấy cả nhà anh đang quay quần cười nói vui vẻ bên nồi cơm nóng hổi, đĩa cá kho tiêu và tô canh rau.  Mơ thấy anh đang phụ mẹ tháo từng sợi chỉ lược trên chiếc áo dài mẹ vừa may xong.

Không có được giấc mơ tương phùng với người vợ thân yêu kể từ khi vợ anh nói tiếng giã từ, anh chỉ còn mơ những giấc mơ của thời niên thiếu bên gia đình anh.

Toàn không thể nào quên được những ngày Tết như thế này, anh đem bộ lư xuống khỏi bàn thờ tháo rời từng phần ra rồi đem phơi nắng trước sân nhà.  Sau đó anh đem vào cẩn thận thoa lên một lớp dầu “miroir” hiệu “con sư tử”.  Chờ cho chúng nóng rang dưới ánh nắng, anh dùng những sợi vải dài kéo qua lại cho đến khi sáng bóng.  Cái bàn thờ cẩn sa cừ đã có vài chổ bị tróc ra, anh dùng dầu dừa để chùi cho thật bóng.  Anh không bao giờ bỏ sót một thứ gì trên bàn thờ mà không chùi rửa thật sạch để chuẩn bị đón Tết.

Chiếc bàn thờ bây giờ trơ trụi.  Những câu liễn và bức tranh cổ đã bán đi từ lâu khiến cho cái bàn thờ trông mất hết vẻ uy nghi đường bệ của nó.

Anh đảo mắt nhìn quanh phòng để cố tìm ra một cái gì đó thiếu sót.  Ờ đúng rồi, bộ ván gõ đã biến đâu rồi?  Bộ ván mà bà ngoại Toàn vẫn thường ngủ và chính Toàn lúc còn bé vẫn ngủ với ngoại trên đó.  Anh vẫn không thể quên được lời trách mắng của ngoại “cái thằng nó hư lắm, tối ngủ nó đái dầm ướt cả mình ngoại!”

Đất nước mình còn đang khó khăn, gia đình mình cũng còn khó khăn, vì vậy đã phải bán đi những món gì có thể bán được để mà sống sót qua ngày!  Cái điệp khúc ‘khó khăn’ này Toàn nghe quá nhiều kể từ ngày ‘họ’ vào ‘giải phóng’ Sài Gòn và biến nó thành cái thành phố mang tên ‘H C M’.  Bên kia đường trước cửa nhà anh, bãi đất trống đã biến mất nhường chổ cho mấy ngôi nhà lầu đồ sộ, cao ngất của những ‘ông cán bộ’ Việt Cộng.  Đất nước thì khó khăn, dân chúng thì càng lúc càng nghèo khổ, nhưng ‘họ’ thì chẳng ‘khó khăn’ một chút nào!  Nhớ ngày mới vào Sài Gòn, họ được lệnh của ‘đảng’ không được lấy ‘một cây kim sợi chỉ’ của người dân; Toàn bỗng bật cười.  Cây kim sợi chỉ thì lấy để làm gì?  Cây kim sợi chỉ vẫn còn đó, nhưng nhà cửa đất đai tài sản của người dân thì lọt vào tay 'họ'!

Toàn bước lên thang gác.  Một cảm giác nhầy nhụa dưới bàn chân anh.  Anh khựng lại khi tầm mắt chạm phải lớp lưới chống muỗi bao quanh căn gác gỗ.  Bụi đã bám kín các mắt lưới.  Đây là ‘phòng ngủ’ của vợ chồng anh trong những ngày mới cưới.  Giờ nó không còn là căn phòng nữa mà là một cái ổ chuột.  Mái nhà thì dột nát, những viên ngói bể nhìn thấy cả ánh sáng chiếu qua.  Mùi ẩm mốc xông lên nồng nặc.  Nước mưa và bụi bặm lâu ngày quyện vào nhau thành một lớp bùn ẩm.  Toàn lắc đầu chán nản quay bước trở xuống.

Anh dò dẫm đi về phía nhà bếp.  Cái sàn nước trước kia sáng sủa mà sao bây giờ lại tối om thế này?  Những tấm tôn rỉ sét đã che lấp khoảng trời xanh giữa căn nhà chính với nhà bếp khiến căn nhà thiếu hẳn ánh sáng. Sài Gòn bây giờ ‘tấc đất tấc vàng’, do đó mọi nhà đều tận dụng khoảng trống. 

Nhà cửa chẳng những lấn ra mặt đường, chiếm lấy lòng lề đường mà còn phải lấn về phía sau nhà, lấn cả khoảng không gian ở giữa nhà. Không khí để thở không quan trọng bằng chổ để con người cư ngụ. Sống ở Sài Gòn bây giờ còn ngột ngạt hơn cả ở trong trại ‘cải tạo!’  Toàn nghĩ thầm rồi bật cười với điều so sánh của mình.

Bỗng chân Toàn vấp phải một cái gì đó khiến anh lảo đảo suýt té.  Thì ra đó là chiếc ghế bố cũ kỹ với tấm bố bằng nylong đã rách phải vá lại bằng đủ loại vải vụn.  Chiếc ghế bố mà trước kia bà ngoại anh thường nằm để phụ với mẹ anh đơm nút, làm khuy cho những chiếc áo của khách hàng.  Toàn cúi xuống sát hơn.  Mùi khói thuốc rê quen thuộc của ngoại hình như còn phảng phất.  Ngoại đã chết rồi.  Hơn mười năm rồi.  Thân xác ngoại giờ đây chỉ còn lại một nhúm tro tàn trong chiếc hũ sành.  Ngoại ơi, gần Tết rồi mà nhà cửa không ai quét dọn, bàn thờ thì bụi bám nhện giăng.  Mọi người đều bận rộn với miếng cơm manh áo, chỉ có mình con là rảnh rang vì mới ra khỏi trại tù.  Ngoại ơi con sẽ leo lên để sửa lại mái nhà, sẽ dọn dẹp nhà cửa, sẽ lau chùi lại bàn thờ và bộ lư, sẽ…sẽ… 






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com