Việt Văn Mới
Việt Văn Mới










IN SÁCH








C uối cùng bản hợp đồng in đã được ký kết : Tôi bên A tác giả tác phẩm, còn bên B là Công ty TNHH MTV In..., nhận in cho bên A cuốn truyện " Mối Tình Muộn" với số lượng 300 cuốn khổ 13 x 19...    

Đây là tác phẩm đầu tay của tôi. Vì là đầu tay nên còn nhiều khiếm khuyết là điều không tránh khỏi. Sau khi bản thảo gửi đi cho NXB được hơn tuần thì dược NXB có phản hồi cho biết sẽ biên tập, trình duyệt và lấy giấp phép xuất bản cho tôi. Bạn bè đã hỏi và khen sao ông viết nhanh vậy. Tôi cũng không biết trả lời thế nào, nhưng trong thâm tâm cũng phải nhận rằng tôi viết nhanh, cảm xúc nó tuôn trào ra đầu bút một cách ào ạt. Tất nhiên trong chuyện có nhiều tình huống đụng chạm và va quyệt... cho nên phải cắt bỏ một số truyện và chi tiết mà tôi sẽ kể sau đây.    

Nhưng câu hỏi bạn bè tôi vẫn để ngỏ không trả lời được.    

Cho đến hôm nay ông bạn nhà văn THĐ có gửi cho tôi bản photo bài viết của Giáo sử TĐ, thì tôi mới nhận ra câu trả lời của tôi có thể là ở bài viết này đây. Bài viết của GS có tựa đề : " Văn chương có đau mới hay?" Có thể tôi đau nên tôi viết nhanh chăng( Còn hay thì đợi đấy). Tôi đã đọc một cách thích thú và xin trích ra đây một số đoạn mà tôi tâm đắc . Ông viết : "Khổng Tử xưa có nói “Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán”. Khả dĩ hưng, là gây niềm hưng khởi, cổ vũ. Khả dĩ quan, nghĩa là giúp nhận thức, biết nhiều chuyện. Khả dĩ quần, nghĩa là tập hợp, gọi đàn. Khả dĩ oán, là nói lên niềm oán hận, đau đớn….    

Tư Mã Thiên có câu “bất bình tắc minh” nghĩa là bất bình thì kêu lên. Ông lại có câu “phát phẫn trước thư”, nghĩa là có uất đau thì mới viết sách.... Nhà viết kịch Lí Ngư cho biết cả đời ông toàn là ủ ê đau đớn, không khi nào được nở mày nở mặt, chỉ khi sáng tác hướng tới nơi ảo cảnh mới thật sự có được niềm vui.... Hàn Dũ đời Đường đã nói “Đại phàm vật khi bất bình thì phải kêu ”... Khuất Nguyên, Tư Mã Thiên, Trang Chu, Tương Như, coi là những tiếng kêu đau mới hay...    

Nietsche cho rằng người làm thơ như con gà mái đau khi đẻ, nó có đau thì mới đẻ. Có đau thì mới sáng tác, chứ sướng vui thì chỉ có thi ca tầm thường. Kêu đau là tiếng tự nhiên, rất tự nhiên, không vì mục đích nào khác. Nhà thơ Áo Franz Grillparzer bảo, con trai đau không biết kêu thì nó cho ngọc. Flaubert cho rằng phong cách nhà văn toát ra từ nỗi đau của con trai, cũng cùng ý ấy. Heiner hỏi:    

“Thơ ca của con người phải chăng là hòn ngọc do đau đớn như con trai mà có?” Nhà thơ Anh A. E. Housman nói thi ca là một sự trút xả, như cây thông chảy nhựa nơi lở loét, hay như con trai cho ngọc ở nơi đau. Một nhà thơ Ý nói: Vui sướng khiến người ta khoa trương, ồn ào, còn đau thương khiến người ta nén lại. Goethe nói khi vui lòng như mang cái gì hình tròn, êm ái, khi đau lòng mang một vật hình nhiều cạnh. Cái hình tròn chỉ một loáng nó đi qua, cái hình có góc cạnh còn vướng mắc mãi. Các nhà thơ lãng mạn phương Tây cũng nói rất nhiều nỗi đau. “Thơ ca đẹp nhất là những thơ ca nói lên niềm đau đớn”. Có người nói: “Thơ ca đích thực là thơ ca xuất phát từ trái tim đau nỗi đau của nhân loại, đồng loại”. Lại nói “Bài thơ đẹp nhất là bài thơ tuyệt vọng, chỉ thuần tuý là nước mắt”. “U uất là điệu tình cảm phù hợp nhất của thi ca”. Nhà mĩ học Ý là Croce nói “Thi ca là sản phẩm của sự bất như ý”. Một nhà lí luận Thuỵ Sĩ viết cuốn văn học sử bi kịch, cho rằng “thơ ca, văn học thường bắt nguồn tư nỗi đau ẩn giấu”.    

Văn học Việt Nam cổ điển có nhiều tác phẩm tuyệt đỉnh cũng đều là văn thơ đau. Đó là thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đặng Trân Côn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Đình Chiểu. Thơ cười như Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Hồ Xuân Hương…cũng đều do đau đớn với đời mà sinh ra. Không có ai vui, phấn khởi mà làm nên thơ văn vĩ đại, bất hủ. Bảo Ninh là người lính chiến trường, chứng kiến biết bao đồng đội đã hi sinh, dồn nén nỗi đau mà thốt ra tự nhiên thành Nỗi buồn chiến tranh. Nguyễn Huy Thiệp phải đau đớn với đời mới có tiếng cười cay nghiệt. Văn chương đau ở ta vốn không nhiều, mà còn chưa được đánh giá đúng mức, nếu không muốn nói là còn định kiến và kì thị. Phải chăng nói đau thì thiếu lạc quan, thiếu tin tưởng, một tiêu chí của văn chương cách mạng? Niềm tin con người gắn với sự thật. Chính do nói nhiều điều không thật mà văn học một thời đã mất đi niềm yêu mến. Văn chương nói thật thì mới có niềm tin yêu lâu bền. Mà có tin thật thì mới có động lực trong cuộc sống. Không thể xây dựng niềm tin bằng ảo ảnh hoặc bằng che giấu... Cuộc sống đâu phải chỉ có tiếng reo vui, tiếng hào hùng, tiếng phấn khởi. Tôi nhớ nhà văn Ngô Thảo có lần lấy câu tục ngữ Nga, “Một nửa cái bánh mì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”. Hàng ngày xem báo chí trong nước, báo giấy và báo mạng, xem tin vui nhiều hay tin buồn, tin đau đớn nhiều? Tin thành công nhiều hay tin thất bại nhiều? Tin lãng phí, thất thoát, nợ xấu nhiều hay tin chống được tham nhũng nhiều? Tin bị lấn chiếm nhiều hay tin giành lại lãnh thổ nhiều? Vậy mà văn chương ít có tiếng oán thì mới lạ. Phải nói rằng báo chí chúng ta thật giỏi. Họ nhiều khi phanh phui được sự thật, hé lộ những sai sót chết người. Nhân dân sẽ mang ơn họ. Nhưng còn văn học thì sao? Đã có bao nhiêu tác phẩm nói được nối đau của người dân, của dân tộc? Đã có bao nhiêu tác phẩm nêu lời ai oán? Có bao nhiêu tác phẩm khóc cho các số phận bất công? Có tác phẩm nào kêu cho những mảnh đời tan vỡ?    

Ta đã có tác phẩm nào như Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn? Có tác phẩm nào như Cung oán ngâm khúc? Có tác phẩm nào như Ai tư vãn? (Nguồn: blog trandinhsu) .    

Có lẽ tôi thuộc "típ" người có nỗi đau nên tôi viết nhanh chăng ?.    

Tác phảm tôi viết xong gửi đi xin in, và chỉ được cấp giấy phép khi tôi phải ký vào bản cam kết sau đây :   

Tên tôi là    

CMND    

cấp ngày    

tại    

Hiện thường trú tại :    

Tôi viết giấy này xin cam kết như sau:    

Tôi có một bản thảo xin cấp giấy phép xuất bản tại NXB... . Bản thảo đã đươc Biên tập viên biên tập và Tổng biên tập đọc, ký duyệt. Tôi xin cam kết sẽ chấp hành mọi sửa chữa, biên tập của Biên tập viên. Cụ thể như sau :    

- Ở tác phẩm ( TP) " Chuyện nhặt" bỏ đoạn từ " Một hôm... đến " Thời phải thế"; bỏ đoạn : " Rồi những ngày..." đến " Tiên Lãng lắm". Bỏ toàn bộ TP " Bạn", " Chuyện lùm xùm", "Suy ngẫm về dịch bài thơ..."    

TP " Đọc kiếp luân hồi..." bỏ từ " Từng trang..." đến " đi đã" và bỏ từ " bây giờ..." đến hết. TP "Đọc chùm phượng tím..." bỏ toàn bộ phần trích tác phẩm. TP " Đọc Rượu chát..." bỏ hai bài thơ là Khao khát và Tiếng gọi . TP Đọc thơ Hoàng Tháp bỏ các bài thơ trích Cô gái và quả khế và Ông già câu cá.    

Tôi cam kết thực hiện nghiêm túc những điều đã nói ở trên. Nếu có sai sót gì, tôi xin chịu hoàn toàn trước pháp luật.    

UB ngày    

Ký tên    

Tôi xin ghi lại một số tác phẩm và đoạn trích phải bỏ đi. Ở tác phẩm "chuyện nhặt" phải bỏ đoạn sau đây:    

" Này biết gì chưa, Sếp của chúng ta lấy vợ đấy, bà này cũng là người cùng cơ quan mới hay chứ, thuộc loại phong tình lắm, lấy Sếp là thứ ba đấy, mà lại là người bạn của con Sếp nữa chứ,    

Tôi chống chế cho Sếp" con nuôi cha không bằng bà nuôi ông" mà! Rồi tôi tếu táo "cũng tại phu nhân của Sếp chết sớm qúa...nên buộc Sếp phải chơi "trống bỏi" chứ sao!.    

Cũng có ông cho rằng đã là con người như mọi người thì chẳng trách Sếp làm gì!    

Tác phẩm "Bạn" ? Tôi chỉ xin chép lại một số đoạn :    

Tôi và ông cùng vào nghề với nhau. Từ thưở hàn vi, cùng ở một Bộ. Tôi làm việc ở Công ty ở miền Đông Bắc. Còn ông làm việc ở Công ty ở Miền Trung. Chức vụ ngang nhau cùng làm cấp trưởng.    

Rồi cùng được đi thành phố Hô Chí Minh để nâng cao tay nghề và đều được Bộ xếp vào hàng loại giỏi. Số phân run rủi tôi gắn bó với ngành . Còn ông, ông được vinh thăng lên làm lãnh đạo : Giám đốc Công Ty , Tổng Giám đốc Tập Đoàn , Rồi Chủ tich Hội Đồng Quản trị Tập đoàn .    

Tôi thường tếu táo khoe với bạn bè : “Tao đã học cùng với nó, tao còn giúp nó tính toán bảng cân đối vốn đầu tư, tao dám chắc tao giỏi hơn nó ...Thế mà bây giò nó lên như diều gặp gió... Như có người túm tóc kéo nó lên...”    

Mỗi khi được nghe ông đăng đàn diễn thuyết, lời lời như nhả ngọc phun châu...    

Tuy nhiên, đôi lúc tôi cũng vẫn nhận ra trình độ hạn hẹp của ông và đã có nhiều khi nói hớ- cả trong lúc giao tiếp , cũng như trong quản lý- Tiền nhân dạy không sai : “Để là Đất nặn lên thành Bụt” .    

Ông có nói sai cứ phải im lặng cho qua .Vì ông nói đều theo tinh thần nghị quyết cả ! Thu nhập của ông cao chất ngất, còn tôi chỉ có mấy đồng lương còm ! Nên so sánh là chuyện vô duyên ? Ông là cán bộ cấp cao đi làm bằng xe nhà nước, ở nhà cao tầng khang trang.Không bao giò thiếu điện thiếu nước! Còn tôi tuy không phải nhà tranh vách đất nhưng điện nước vẫn thường bị cắt.    

Đúng ngày thành lập Đảng, ông phải rời vị trí. Ông về Bộ vẫn được phân công nhiệm vụ. Thế là được rồi. Trong thời gian ông làm cương vị lãnh đạo, tôi biết ông cũng là người có nhiều cố gắng, “Cần cù bù thông minh” đã lãnh đạo Tập đoàn làm được nhiều việc, một Tập Đoàn mạnh mang tầm cỡ Quốc gia đã có sự phát triển mạnh mẽ .Tuy nhiên đi kèm đó, ông cũng đã đem đến cho Tập đoàn nhiều tai tiếng, là Tập Đoàn liên tục không hoàn thành các mục tiêu .Tập Đoàn cũng đã liên tục trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, vì có nhiều sai sót trong quản lý,để người dân luôn phải sống trong tâm trạng bức xúc .Cũng chính ông đã góp phần làm tập đoàn này có con số lỗ khủng khiếp lên đến con số 25 ngàn tỷ đồng . Lỗ khủng khiếp như vậy vẫn dấu diếm được để đi vay tiền về trả lương cho người lao động vào loại cao nhất nhì trong nước và như thế ở vào hàng ngũ lãnh đạo như ông mới được lĩnh lương vào loại cao hơn thủ tướng. Ông còn cho phép Tập đoàn được đầu tư ra ngoài ngành để tăng thu nhập . Mãi đến bây giờ ông mới nhận thấy sai lầm và phải cho tiến hành gấp rút giảm đầu tư ngoài ngành và cái điều ông không muốn đã đến, ông đã “an toàn” ra đi. Đại thi hào Nguyễn Du đã có câu đúc kết : "Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao" Hoặc nhân tình thế thái : "Sông có khúc , người có lúc"… Bây giờ ông đã đến lúc thể hiện đúng "năng lực" mình. Năng lực mình chỉ có thế muốn làm cho tốt hơn cũng là điều khó khăn ! Nhà nước đã xác lập điểm dừng cho ông! Câu chuyện " Bạn" là thế.    

Còn "Chuyện lùm xùm"?    

Cuối chuyện "lùm xùm " tôi viết :    

Đã đành rằng tốt xấu, hay dở, hiền ác, giết người cướp của thời nào cũng có nhưng người dân vẫn cảm thấy những hành động bây giờ nó tàn bạo và khủng khiếp ghê sợ quá. Trước đây “thương người như thể thương thân” đã thực sự làm gương cho lớp trẻ noi theo ! Bây giờ người dân đã phải trăn trở tự hỏi : Bây giờ được học hành nhiều hơn, nhiều người giầu hơn, đời sống vật chất của người dân khá lên rất nhiều, thế mà tại sao cái tâm, cái đức lại xuống cấp như vậy? Những người được gọi là thầy như thày dạy chữ, thầy thuốc chữa bệnh... cũng có những xa sút đáng chê trách : thầy dạy chữ lại đi gạ gẫm học sinh làm cái trò đồi bại. Thầy thuốc khám chữa bệnh không có quà cáp biếu xén chút đỉnh thì tỏ ra không vui...Kể cả bọn quan tham bây cũng vậy, nếu đem so sánh một cách máy móc bọn tham nhũng bây giờ với loại quan tham trước đây thì nó tinh vi hơn nhiều .Quan to ăn cái to, quan bé ăn cái bé, có tổ chức, có lãnh đạo biết chùi mép, biết của đồng chia ba của nhà chia đôi nên chức tước họ vẫn cứ mỗi năm mỗi chức, vẫn được các danh hiệu này kia...    

Ôi còn qua nhiều chuyện bất cập…Người dân chỉ biết thở dài an ủi “Thời Chiến quốc, thế Xuân Thu gặp thời thế thế thời phải thế” .    

Khi tôi viết xong tác phẩm, đặt tên cho nó Án Treo ( Tiểu thuyết).    

Tôi có gửi cho NXB nọ, được BTV gửi lời cám ơn. Rồi im bặt cũng chẳng hiểu BTV cám ơn tôi cái gì . Sau đó hơn một tuần bạn ở Nhà in thông báo cho tôi, NXB mà anh gửi đã chuyển cho em và nói em làm cầu nối với NXB nào đó in tác phẩm cho anh. Một cuộc gọi đã đến với tôi, nói là sẽ biên tập và xin giấy phép cho tôi, trong trao đổi vị đó nói : Tôi đã đọc tác phẩm Án Treo, một cảm nhận là câu chuyện có thật? Và đặt tên nó là An Treo không ổn, NXB muốn thay nó bằng một cái tên khác. Vị đó trao đổi tiếp nếu đặt cho nó cái tên khác thì theo tác giả nên tên là gì…Tôi đã nghĩ rất nhanh và trả lời ngay , gọi nó là CHUYỆN CỦA KIÊN . NXB trả lời , Vậy nhé…và xin phép cho nhà NXB được cắt xén bớt những nội dung có tính nhạy cảm…    

Nay CHUYỆN CỦA KIÊN đã được in xong…so sánh với bản thảo phải xén đi 4-50 trang…    

Vào các hiệu sách, nhìn các cuốn tiểu thuyết, những tập truyện ngắn, bút ký, phóng sự, những tập thơ...được trình bày trên giá, với các kiểu bìa cứng , mềm với những "lô gô" bắt mắt...có ai biết được, nó đã bị quăng lên quật xuống, nhiều cuộc điện thoại yêu cầu tác giả phải bỏ phải cắt đi truyện này, truyện kia, bỏ đoạn này đoạn kia mới được in. Tôi biết có tác giả bức xúc hỏi lại : Nếu không bỏ không cắt thì sao? thì được trả lời một cách thẳng queo : NXB không thê xin được giấy phép in cho ông . Nhiều tác giả phải đăm chiêu suy ngẫm, tiếc công tiếc sức, cân nhắc tính toán, bỏ một hai chuyện còn hơn bỏ mất cả tập...đành phải trả lời : Vâng cắt bỏ cũng được... Trả lời vậy, rồi thở dài ..    

Tôi lấy việc viết hồi ký hồi tưởng những năm tháng sống và làm việc trên đất mỏ làm kỷ niệm để khoả lấp những sự thăng trầm của cuộc đời.    

Tôi nghe lời dạy của Cụ Nguyễn Công Trứ : "Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt/ Trót đem thân thế hẹn tang bồng/ Làm trai sống ở trong Trời Đất/ Phải có danh gì với núi sông"!    

Cho nên mục tiêu viết của tôi : Viết cho được in... Đời dạy “viết phải lách”    

Không hiểu những Tác phẩm được Giải Nhà nước có phải quăng lên quật xuống không ?    






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com