THƯƠNG NHỚ MỘT MIỀN QUÊ
Q
uê hương ư? Tôi nhớ trong một bài thơ tôi viết trên một chuyến bay từ Việt Nam sang Mỹ có đoạn kết như thế này:
Những chuyến bay mắt đỏ
Riềm mi không đủ khép nỗi buồn
Mặt đất xa ngàn dặm.
Biết đâu là quê hương!
( Những chuyến bay mắt đỏ )
Quê hương theo nghĩa hẹp là mảnh đất nơi ta sinh ra và lớn lên. Nhưng khi ta đang ở một vị trí xa xôi ngàn dặm thì nó là Tổ Quốc. Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến hai từ quê hương theo nghĩa hẹp: Mảnh đất nơi ta sinh ra và lớn lên.
Với tôi, mảnh đất ấy chính là thị xã Quảng Ngãi.
Đất Quảng Ngãi nằm trên chỗ eo hẹp nhất của bản đồ Tổ Quốc. Có lẽ vì thế mà nó luôn nghèo khó như bao mảnh đất miền Trung nói chung. Đó là mảnh đất mưa dầm thấm đất, nắng cháy da thịt. Nơi đất quê nghèo cày lên sỏi đá, và cũng là nơi bão lụt tàn phá không thương tiếc. Tuổi thơ của tôi là những ngày tháng đi học đi bộ trong cái rét cắt da cắt thịt, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập vì không có áo len. Mưa tối tăm cả đất trời như sắp tận thế. Ngủ thì thôi, thức dậy bao giờ cũng nghe tiếng mưa rơi trên tàng lá cây mận bên cửa sổ, triền miên bất tận như một nỗi niềm day dứt - giai điệu của mùa đông. Sau những ngày mưa to thế nào cũng có lũ lụt. Thế là cả nhà phải dọn đồ đạc chạy đến chỗ đất cao hơn. Ngày còn nhỏ, mỗi lần nước lụt đổ về thành phố là bọn nhỏ chúng tôi vui mừng vì được đi lội nước, đâu biết người lớn phải cực khổ như thế nào. Tôi và đám bạn mỗi đứa chống một cây gậy và cứ thế lội nước suốt ngày. Mấy đứa bạn trai còn biết đốn chuối làm bè, chèo chống vui chơi.Tôi càng thích hơn khi thấy ngôi chợ lớn nhất thị xã phải dời vào khu ngoại ô gần nhà tôi. Vì thế khi nước rút dần tôi rất buồn. Niềm vui nỗi buồn của chúng tôi cứ ngược chiều với người lớn như thế
Sau những ngày mưa lũ dai dẵng, vào cuối năm, khoảng cuối tháng mười một, đầu tháng chạp, trời tạnh ráo dần. Buổi sáng lạnh kinh khủng và có sương mù. Nắng cũng vàng hơn, đất khô ráo hơn, đó là những ngày có nấm mối. Buổi sáng tôi thường chịu khó dậy sớm ra vườn tìm nấm mối. đó là món ngon của đất trời không gì thay thế được. Nấm mối thường mọc trong những bụi tre, nơi trước đó một thời gian có mối đùn. Nấm thường mọc rất sớm nên muốn tìm nấm mối thường phải dậy sớm để nhổ nấm. Vì nhổ trễ nấm sẽ tàn khi mặt trời lên. Nấm dạng búp ngon hơn nấm đã nở to cánh. Những khi tìm được một vạt nấm tôi rất vui, vì trưa hôm đó sẽ có món ngon cho gia đình. Mẹ tôi sẽ xay bột đỗ bánh xèo, lấy nấm làm nhân. Nhân nấm mối ngon hơn tôm thịt nhiều. Nấu canh với rau lang cũng rất ngọt. Có lẽ mãi mãi về sau tôi cũng không bao giờ quên hương vị đặc biệt của nó.
Sau này khi lớn lên tôi phải xa mảnh đất quê hương vì chuyện học hành, rồi ra trường bươn chải với đời tìm cơm áo. Tôi xa Quảng Ngãi từ ấy. Nhưng trong lòng tôi mãi mãi hướng về một vùng quê nghèo. Nơi ấy tôi có một gia đình tuy nghèo nhưng êm ấm. Có một người mẹ tảo tần, một người cha nghiêm khắc và tám anh chị em đông đúc. Bây giờ tan tác mỗi người một nơi. Nơi ấy tôi cũng có những người bà con, những người bạn thân thương cùng chia ngọt xẻ bùi. Và cái làm tôi thương nhớ không kém là tiếng chày nện bánh nổ trong những đêm đầu tháng chạp. Người Quảng Ngãi là dân xứ đường nên nên có tục ăn Tết với rất nhiều bánh mứt. Họ chuẩn bị Tết rất kỹ. Hai thứ bánh truyền thống của người Quảng Ngãi là bánh nổ và bành thuẫn. Đầu tháng chạp người dân xứ Quảng đã rang nếp nổ, rồi nhặt sạch vỏ trấu, Nhà neo người thì thuê ngưởì nhặt. Khi nổ đã sạch vỏ thì xên đường với gừng, loại đường đen làm từ mật mía rưới lên nếp nổ rồi bỏ vào khuôn, nện bằng chày. Phải là thanh niên cường tráng mới nện chặt được. Nện mà không chặt thì bánh sẽ xốp. Khi khuôn đã đầy một cây bánh thì mở khuôn ra, cắt bánh thành từng miếng vuông vắn rồi sấy trên lửa than cho đến khi dòn thì bánh đã thành phầm. Sau đó để nguội rồi xếp vào thùng nhôm, đậy nắp kín để giữ độ dòn. Bành thuẫn thì đơn giãn hơn, có thể để gần tết làm cũng kịp.
Tuổi thơ của tôi là những đêm đông giáp Tết ngồi học bài, lắng nghe tiếng chày nện bánh nổ đâu đó trong xóm làng, khi gần khi xa.
Nó như là tín hiệu của mùa Xuân đang đến rất gần. Và âm thanh ấy đã theo tôi suốt cả cuộc đời. Bây giờ khi tuổi đã xế chiều,
ở một nơi cách xa Tổ Quốc nửa vòng trái đất. tôi vẫn đau đáu nhớ về quê hương miền Trung với bao nhiêu kỷ niệm thân thương,
trong đó có tiếng chày nện bánh nổ trong một đêm tuổi thơ nào xa lơ xa lắc, mờ ảo mong manh như vệt nắng cuối ngày.
( Highlands Ranch – CO -USA )
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ HoaKỳ ngày 24.03.2021 .
Q uê hương ư? Tôi nhớ trong một bài thơ tôi viết trên một chuyến bay từ Việt Nam sang Mỹ có đoạn kết như thế này:
Những chuyến bay mắt đỏ
Riềm mi không đủ khép nỗi buồn
Mặt đất xa ngàn dặm.
Biết đâu là quê hương!
( Những chuyến bay mắt đỏ )
Quê hương theo nghĩa hẹp là mảnh đất nơi ta sinh ra và lớn lên. Nhưng khi ta đang ở một vị trí xa xôi ngàn dặm thì nó là Tổ Quốc. Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến hai từ quê hương theo nghĩa hẹp: Mảnh đất nơi ta sinh ra và lớn lên.
Với tôi, mảnh đất ấy chính là thị xã Quảng Ngãi.
Đất Quảng Ngãi nằm trên chỗ eo hẹp nhất của bản đồ Tổ Quốc. Có lẽ vì thế mà nó luôn nghèo khó như bao mảnh đất miền Trung nói chung. Đó là mảnh đất mưa dầm thấm đất, nắng cháy da thịt. Nơi đất quê nghèo cày lên sỏi đá, và cũng là nơi bão lụt tàn phá không thương tiếc. Tuổi thơ của tôi là những ngày tháng đi học đi bộ trong cái rét cắt da cắt thịt, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập vì không có áo len. Mưa tối tăm cả đất trời như sắp tận thế. Ngủ thì thôi, thức dậy bao giờ cũng nghe tiếng mưa rơi trên tàng lá cây mận bên cửa sổ, triền miên bất tận như một nỗi niềm day dứt - giai điệu của mùa đông. Sau những ngày mưa to thế nào cũng có lũ lụt. Thế là cả nhà phải dọn đồ đạc chạy đến chỗ đất cao hơn. Ngày còn nhỏ, mỗi lần nước lụt đổ về thành phố là bọn nhỏ chúng tôi vui mừng vì được đi lội nước, đâu biết người lớn phải cực khổ như thế nào. Tôi và đám bạn mỗi đứa chống một cây gậy và cứ thế lội nước suốt ngày. Mấy đứa bạn trai còn biết đốn chuối làm bè, chèo chống vui chơi.Tôi càng thích hơn khi thấy ngôi chợ lớn nhất thị xã phải dời vào khu ngoại ô gần nhà tôi. Vì thế khi nước rút dần tôi rất buồn. Niềm vui nỗi buồn của chúng tôi cứ ngược chiều với người lớn như thế
Sau những ngày mưa lũ dai dẵng, vào cuối năm, khoảng cuối tháng mười một, đầu tháng chạp, trời tạnh ráo dần. Buổi sáng lạnh kinh khủng và có sương mù. Nắng cũng vàng hơn, đất khô ráo hơn, đó là những ngày có nấm mối. Buổi sáng tôi thường chịu khó dậy sớm ra vườn tìm nấm mối. đó là món ngon của đất trời không gì thay thế được. Nấm mối thường mọc trong những bụi tre, nơi trước đó một thời gian có mối đùn. Nấm thường mọc rất sớm nên muốn tìm nấm mối thường phải dậy sớm để nhổ nấm. Vì nhổ trễ nấm sẽ tàn khi mặt trời lên. Nấm dạng búp ngon hơn nấm đã nở to cánh. Những khi tìm được một vạt nấm tôi rất vui, vì trưa hôm đó sẽ có món ngon cho gia đình. Mẹ tôi sẽ xay bột đỗ bánh xèo, lấy nấm làm nhân. Nhân nấm mối ngon hơn tôm thịt nhiều. Nấu canh với rau lang cũng rất ngọt. Có lẽ mãi mãi về sau tôi cũng không bao giờ quên hương vị đặc biệt của nó.
Sau này khi lớn lên tôi phải xa mảnh đất quê hương vì chuyện học hành, rồi ra trường bươn chải với đời tìm cơm áo. Tôi xa Quảng Ngãi từ ấy. Nhưng trong lòng tôi mãi mãi hướng về một vùng quê nghèo. Nơi ấy tôi có một gia đình tuy nghèo nhưng êm ấm. Có một người mẹ tảo tần, một người cha nghiêm khắc và tám anh chị em đông đúc. Bây giờ tan tác mỗi người một nơi. Nơi ấy tôi cũng có những người bà con, những người bạn thân thương cùng chia ngọt xẻ bùi. Và cái làm tôi thương nhớ không kém là tiếng chày nện bánh nổ trong những đêm đầu tháng chạp. Người Quảng Ngãi là dân xứ đường nên nên có tục ăn Tết với rất nhiều bánh mứt. Họ chuẩn bị Tết rất kỹ. Hai thứ bánh truyền thống của người Quảng Ngãi là bánh nổ và bành thuẫn. Đầu tháng chạp người dân xứ Quảng đã rang nếp nổ, rồi nhặt sạch vỏ trấu, Nhà neo người thì thuê ngưởì nhặt. Khi nổ đã sạch vỏ thì xên đường với gừng, loại đường đen làm từ mật mía rưới lên nếp nổ rồi bỏ vào khuôn, nện bằng chày. Phải là thanh niên cường tráng mới nện chặt được. Nện mà không chặt thì bánh sẽ xốp. Khi khuôn đã đầy một cây bánh thì mở khuôn ra, cắt bánh thành từng miếng vuông vắn rồi sấy trên lửa than cho đến khi dòn thì bánh đã thành phầm. Sau đó để nguội rồi xếp vào thùng nhôm, đậy nắp kín để giữ độ dòn. Bành thuẫn thì đơn giãn hơn, có thể để gần tết làm cũng kịp.
Tuổi thơ của tôi là những đêm đông giáp Tết ngồi học bài, lắng nghe tiếng chày nện bánh nổ đâu đó trong xóm làng, khi gần khi xa.
Nó như là tín hiệu của mùa Xuân đang đến rất gần. Và âm thanh ấy đã theo tôi suốt cả cuộc đời. Bây giờ khi tuổi đã xế chiều,
ở một nơi cách xa Tổ Quốc nửa vòng trái đất. tôi vẫn đau đáu nhớ về quê hương miền Trung với bao nhiêu kỷ niệm thân thương,
trong đó có tiếng chày nện bánh nổ trong một đêm tuổi thơ nào xa lơ xa lắc, mờ ảo mong manh như vệt nắng cuối ngày.
( Highlands Ranch – CO -USA )