Việt Văn Mới
Việt Văn Mới










MẸ HAI








K hông ngờ sự việc lại diễn biến nhanh như vậy. Trước đây nó là một thằng bé ngoan, biết nghe lời, đi đâu làm gì, có tâm sự gì là nó đều vui vẻ chuyên trò hỏi ý kiến bố mẹ. Nó ước ao sau này học xong chương trình Phổ thông trung học là nó thi vào Đại Mỏ Địa chất. Mẹ nó rất hy vọng vào nó, mặt mũi nó sáng sủa, nhanh nhẹn tháo vát, chơi lắp ghép hình vào loại cực siêu. Luôn là một “Game thủ” suất sắc. Mẹ nó chỉ tiếc một điều là nó không bao giờ có em nữa. Trước đây đã có một lần nó cũng đã hỏi mẹ về chuyện này “sao mẹ không đẻ em ?” . Bây giờ thì nó đã hiểu, mẹ nó bị ung thư buồng trứng nên người ta đã cắt bỏ đi rồi. Nó vĩnh viễn là đứa con một. Mà là con một thì sẽ là đứa trẻ được chiều chuộng sẽ hư hỏng.

Nó rất thương mẹ nó. Mẹ nó cũng rất thương nó, đi đâu làm gì cũng cho nó đi theo. Những buổi chiều mẹ nó trồng tỉa rau trên mảnh đất đầu nhà, nó cũng được tham gia. Khi mẹ nó thổi cơm nó cũng rất muốn được mẹ sai bảo điều gì đó để giúp đỡ mẹ. Nó là đứa trẻ rất ham mê đọc sách : Đô rê mon, Dũng sĩ lừng danh Co Nan, các sách tranh truyện, truyên cổ tích... mẹ nó thường vào cửa hàng sách ở chợ trung tâm để mua về cho nó xem. Mẹ nó đặt báo Học Trò cười dài hạn để cho nó đọc. Trên giá sách của nó bao giờ cũng đầy ắp sách truyện.

Bố nó là công nhân khai thác than Hầm lò, làm việc cách nhà 12 km, có xe đưa đón đi làm hàng ngày, thường xuyên vắng nhà. Mẹ nó đã hứa với nó là học giỏi mẹ sẽ mua cho nó cái xe đạp đắt tiền có ghi đông ngang như bạn bè của nó. Nhưng bây giờ tất cả bị đảo lộn cả rồi, mẹ nó đã ngả bệnh ốm, phải đi viện mặc dù ông bà ngoại cả bố nó đã tận tình chăm sóc nhưng không qua khỏi, người ta gọi là bệnh hiểm nghèo đến thời kỳ cuối không thể chữa được.

Mẹ nó đã ra đi hôm nó đang ngồi trong lớp. Nó đã gào lên gọi mẹ khi biết mẹ nó ra đi.. Cũng từ đấy nó luôn sống trong tâm trang thảng thốt. Khi đi học về thấy ngôi nhà trống vắng là nó cảm thấy hâng hụt vì không nhìn thấy bóng dáng của mẹ nó nữa...Nó biết người ta sống chết đều có số cả, mẹ nó chết là tận số, nhưng người ta bảo đức năng thắng số cơ mà, mẹ nó tốt thế sao không được sống?. Nó đã trách ông trời sao lại nghiêm khắc khắt khe với mẹ nó như thế, nó muốn mẹ nó sống thêm 5-10 năm nữa để nó đủ khôn đủ lớn để bước vào đời.

Nói đến số má mẹ nó đã kể cho nó một câu chuyện về một đôi vợ chồng đều làm thầy cúng nọ đều phải chết trẻ. Mẹ nó bảo : Đến số chết thì phải chết chẳng có cách gì mà cưỡng lại được đâu con ạ. Những người thầy cúng sinh ra để cúng ma trừ tà để cho người ốm sông lại , nhưng Ngọc Hoàng - Thượng Đế lại không chấp nhận cho việc làm ấy của họ…Nghĩ đến chết là do số nó đã nguôi ngoai đi phần nào.

Mẹ nó chết lúc bố nó mới 43 tuổi. Bố nó cũng tỏ ra buồn phiền. Nhưng vì là đàn ông, lại vì công việc cuốn hút hàng ngày nên dần dần bố nó cũng lấy được thế thăng bằng và ổn định. Bố nó đã rất quan tâm học hành của nó, và theo nguyện vọng mẹ nó dặn bố nó đã mua cho nó một cái xe đạp đắt tiền, ghi đông ngang.

Nó đã biết đỡ đần bố nó nhiều việc, biết nhóm lò, quạt bếp nấu cơm và nấu những món ăn đơn giản, sáng biết chủ động dạy, cầm chổi quét nhà. Nó đã tự động giặt lấy quần áo. Nó đã cố gắng thể hiện là đứa con ngoan để bố nó vui. Nhìn bố nó thui thủi một mình, nó cũng rất thương, nó cũng luôn mồm nói chuyện này chuyện nọ cho bố nó vui...

Ngày tháng trôi đi như mây bay nước chảy quả không sai. Mới đây mà mẹ nó đã ra đi được ba năm rồi. Một hôm đi học về, hôm đó bố nó đi làm ca 3, nên ở nhà suốt ngày, đến 9-10 giờ đêm mới đi. Nó đã nhìn thấy một người phụ nữ ít tuổi hơn mẹ nó 2-3 tuổi đang ngồi nói chuyện với bố nó vẻ thân mật lắm.

Trông thấy nó đi về đã vội vàng đứng dậy đi ra sân vui vẻ : Chào cháu, cháu đã đi học về... Nó cũng đáp lại một cách miễn cưỡng : “ Chào Cô!” Trái tim bé bỏng của nó đã mách bảo cho nó biết, có thể bố nó đã quên mẹ nó rồi, và người phụ nữ này sẽ là vợ kế của bố nó đây. Nó nhớ ngay đến câu ca dao mà đã được đọc trong quyển Ca dao tục ngữ Việt Nam “ Mấy đời bánh đúc có sương ? Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Đã đành thời nay không phải thời phong kiến, nhưng người ta cũng không thể mặn mà với nó như mẹ nó được, bao nhiêu chuyện báo chí đã viết vì để chồng yêu người mẹ đã nhẫn tâm buông sông đứa con của mình đẻ ra. Vì chiều lòng người vợ mới mà người chồng đã hắt hủi đứa con của người vợ trước, rồi bà ta phải đẻ em bé nữa chứ, mình sẽ trở thanh ô sin.

Sự đối sử của bố nó đối với nó vẫn như xưa , vẫn quan tâm đến sự học hành của nó, vẫn vui vẻ với nó, nhắc nhở nó thay quần áo, cắt tóc, khi hiệu sách có sách mới vẫn giành tiền mua cho nó để nó xem...nhưng nó vẫn cảm thấy giữa nó và bố nó không được gần gặn như xưa nữa. Nhiều đêm nó đã khóc, nó cứ thổn thức nghĩ vẩn vơ và trách mẹ tại sao lại bỏ nó...Nhiều đêm nó đã mơ thấy mẹ nó, mẹ nó cười với nó, xoa đầu nó, khuyên nhủ nó học hành chăm chỉ, bảo nó phải cứng rắn không được uỷ mỵ sao nhãng học hành, mẹ nó còn nói trên thế giới con không thấy bao nhiêu người con có bố mẹ chết sớm vẫn phấn đấu vươn lên đấy thôi Nhiều lúc ngồi học bài, mà tâm trí nó để đâu đâu, những lúc ấy nó chỉ nghĩ về mẹ .

Nó cũng nghĩ đến người đàn bà thường xuyên đến với bố nó sau này có thể là mẹ kế của nó, không biết đối sử với nó như thế nào? Nó mong muốn mẹ nó bảo cho bà ta biết đừng đối sử quá tệ đối với nó. Nó cảm thấy tủi thân, khi bố nó vì bực bõ cái gì đấy mà hơi nặng lời với nó đôi chút.. Nó đặt ra quyết tâm thương nhớ mẹ phải học cho giỏi. Nhưng sự quyết tâm của nó nhiều khi bị phân tâm, nên kết quả học tập vẫn bị sa sút. Những lần trước đây khi bố đi làm về, nó thường chủ động chạy ra mở cổng cho bố. Nhưng bây giờ nó vẫn làm việc ấy nhưng đã thiếu đi sự nhiệt tình hào hứng .

Nhiều chuyện trước đây đã trở thành thông lệ, bây giờ bố nó phải nhắc nhở nó mới nhớ. Đôi lúc bố nó có nặng lời với nó vì trách nhiệm của người bố, nó lại cảm thấy mình bị hắt hủi, nó chỉ biết chịu nhẫn nhục và im lặng, hoặc trả lời một cách miễn cưỡng “Con quên”.

Kinh nghiệm sống đã giúp bố nó nhận ra giữa hai bố con đang có sự xê dịch về tâm sinh lý. Trong thâm tâm nó đã vạch ra chương trình phải học hết cấp III để thi vào đại học như mẹ nó đã ủng hộ. Nhưng bây giờ mới học xong lớp 9, chuẩn bị vào lớp 10, thì bố nó đã tâm sự với nó, vì mẹ chết, bố càng ngày càng già, nghề lò mỏ bao giờ cũng phải về nghỉ hưu sớm so với các nghề khác 4-5 năm, nên bố nó định cho nó thôi học phổ thông để đi vào trường nghề, và bố cũng nói cho nó nghe là bố sẽ lấy vợ, bố nó đã dẫn giải như thế này, con là con trai của bố, sẽ ở với bố và chăm sóc lúc tuổi già “Trẻ cậy cha già cậy con”. Nhưng các cụ cũng dạy : “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”. Con học xong trường nghề đi làm kiếm cơm rồi con sẽ lấy vợ và có con, cho nên bố nghĩ bố phải lấy vợ để được chăm sóc lúc về già. Nghe bố nó nói đã làm nó bàng hoàng cả người. Nó đã dồn nén sự ẩn ức và bật khóc nói trong nước mắt : Nhưng Bố Mẹ đã hứa quyết tâm cho con học Đại học cơ mà. Bố nó đã lặng đi và đã trả lời một cách buồn buồn :“Nhưng mẹ con đã ra đi, một mình bố thì làm thế nào được? ”.

Tối hôm ấy nó đã khóc rất nhiều. Trong tâm trí nó phải giằng xé rất nhiều... Nó cũng biết bố nó phải sử sự như thế là đương nhiên, phải học ba năm nữa, rồi đại học mà chắc gì đỗ đại học. Nó đã rầu rĩ, miễn cưỡng đi mua hồ sơ để chuẩn bị vào trường nghề, vì biết phải bỏ học nó cũng chẳng ngó ngàng gì đến sách vở nữa, tối đến đi chơi với bạn bè, đôi khi không về nhà, bỏ cơm.

Tất cả những việc ấy diễn ra, bố nó cũng biết. Trong sâu thẳm của lòng mình, bố nó cũng đã nghĩ, nếu không có sự uốn nắn kịp thời thì có khi mất con là cái chăc. Bố nó đã bỏ thời gian ngồi tâm sự với nó, gạn hỏi nó về việc bố lấy vợ con có đồng ý hay không? Bó nó cũng nói , nếu con không đồng ý thì bố cũng thôi. Bản chất nó là đứa con thông minh, nó biết kìm nén lòng mình để trả lời cho bố vui lòng: “ Con đã hiểu “Con nuôi cha không bằng nuôi ông chứ bố”! Có những bữa cơm, hai bố con ngồi ăn không nói với nhau câu nào, người bố chỉ biết nhắc con , con ăn cho nó khoẻ... ốm là gay lắm đấy.

Khác với mọi lần, hôm nay người đàn bà sau khi ngồi nói chuyện với bố nó, đã chủ động vào phòng học của nó để tâm sự với nó. Bà đã nhẹ nhàng nói những suy nghĩ của mình khi chấp nhận tình yêu với bố nó. Người đàn bà đã dùng “Đại từ Cô” để xưng hô với nó. Trái tim bé bỏng của nó cũng nhận biết, người đàn bà này đã coi mẹ nó là người chị, thể hiện một sự biết điều! Bà nói : “Cô biết, mẹ “con” - bà đã mạnh dạn gọi nó là con - ra đi là rất thiệt thòi cho con. Cô biết như thế. Nhưng cuộc đời là vậy con ạ , con học truyện Kiều chắc con biết, Ông Nguyễn Du đã viết : “Bắt phong trân phải phong trần/ Cho thanh cao được phần thanh cao”, có ai được hoàn hảo 100% đâu. Cô cũng một đời chồng rồi con ạ Nhưng ông trời không cho cô kịp có con. Những tâm sự của con, bố con đều đã trao đổi với cô . Cô đã nói với bố con là cô xin chủ động gặp con để giãi bày tâm sự để con hiểu tâm sự của cô, cô cũng là người được học hành, có chút ít về kiến thức xã hội. Nếu sau này được Bố chấp nhận cô làm vợ, cô đã xác định cho mình cô phải có trách nhiệm với con. Chuyện đó cũng không nói hay được, nhưng cô cũng có thế làm được 7-8 phần so với mẹ con. Mẹ con và cô rất hiểu nhau, lúc mẹ con ngả bệnh đi Bệnh viên cô cũng có đến thăm, mẹ con đã nói vui, nếu tao ra đi một cách đột ngột, mày hãy đến chăm nuôi nó hộ tao...nó là đứa thích học nguyện vọng của nó là muốn được vào Đại Học...Lúc đó cô cho rằng mẹ con nói đùa. Còn việc bố con bắt con phai nghỉ học để vào trường nghề, cô đã trình bày với bố, và nói ý kiến của cô là phản đối việc làm này. Con phải đựoc đi học tiếp để thi vào đại học theo nguyện vọng của con. Cô cũng có giành rụm được ít tiền, cô sẽ giúp con khi con vào đại học. Vả lại thời nay nhà nước ta có chính sách cho Sinh viên vay tiền học cơ mà, miễn sao con có chí ... Còn tình cảm con đối với cô, có gọi “cô” là gì, tuỳ con .Cô không bắt buộc. Nhưng cô nghĩ, việc sử sự được hàng xóm láng giềng khen thì vẫn tốt hơn...

Cùng với thời gian người đàn bà ngồi tâm sự với nó. Bố nó đã đến ông bà ngoại để nói lên nỗi niềm tâm trạng của mình. Ông ngoại nó vốn là một giáo viên, đã được học khoa tâm lý một cách bài bản. Ông đã thông cảm với những điều suy nghĩ của chàng rể. Ông đã trải rộng lòng mình cho anh con rể nghe : Việc nó ra đi cũng quá bất ngờ, và trở thành một cú xốc quá lớn với thằng bé. Ông nói : Nhưng anh có ý định bắt thằng bé bỏ học để vào trường nghề là tôi thấy không nên, đấy là tôi chưa dùng câu không được. Nó là đứa ham học, mục tiêu của nó là vào Đại học, bắt nó phải bỏ học giữa chừng giữa đoạn, nó chịu sao nổi. Tôi chưa biết người đàn bà đến với anh, có sự suy nghĩ như thế nào về nó. Tôi biết cô ta cũng có đôi lần đi đâu dó cùng vợ anh có vào nhà chơi, có nghĩa là cũng là chỗ quen biết. Tụi trẻ rất nhạy cảm, nó muốn có sự chiều chuộng, chăm sóc nó, chia sẻ vui buồn với nó. Cho nên những việc làm trước đây là thế, bây giờ cũng thế , nhưng nó vẫn cho răng nó bị hắt hủi, không được quan tâm chăm sóc. Anh lại tuyên bố anh sẽ lấy vợ, không ai dám phê phán việc anh lấy vợ, nhưng nói với nó trong lúc này là chưa nên. Nói thế không có nghĩa không có cách khắc phục. Anh đã bàn bạc với cô ta chưa, Anh phải đưa ra những ràng buộc là việc đối sử với đứa con của anh như thế nào ? Phải có sự công bằng, tin cậy, quan tâm đến nó như thế nào. Còn anh vì công việc bận, nhưng những lúc rỗi rãi anh phải coi nó như một người bạn thật sự, có thể đưa nó đi siêu thị, nhà hàng, khi nó ngồi học anh có thể ngòi xem sách báo không thể thấy nó học anh lại bỏ sang hàng xóm chơi bài. Anh cũng có thể nằm ngủ với nó đôi ba tối, gợi mở tâm sự những chuyện cần phải làm trong nhà... những việc tuy rất bình thường nhưng đã làm cho nó vợi đi nỗi nhớ mẹ...Nó đã cảm nhận một điều nó là người lớn được bố đối sử một cách bình đẳng công bằng...

Vào một ngày cuối thu mát mẻ sau thời gian trên hơn hai năm, bố nó đã nhờ mấy cô hàng xóm sang làm giúp sửa 10 mâm cỗ, mời ông bà ngoại, bạn bè thân thích của hai người ... đến để thông báo chính thức với mọi người là bố nó “tục huyền”, và tiện thể mừng nó đã có giấy báo trúng tuyển vào học Trường Đại Học Mỏ Địa Chất, khoa Kinh Tế . Nó đã được bố nó giành hẳn cho 2 mâm để mời thầy cô giáo và bạn bè của nó đến liên hoan một thể mừng cho nó đỗ Đại Học,lớp 12 của nó có 3 đứa thi đỗ Đại Học.

Hôm đó trông Mẹ Hai nó ( nó đã thay đổi cách gọi, không gọi Dì, mà cũng chẳng gọi Mẹ kế mà gọi Mẹ Hai như trong phim mà nó thường thấy) vẻ mặt rạng ngời, có thoa một chút son phấn phơn phớt hồng, mặc quần trắng áo tím Huế trông thật tươi tắn. Bố nó thì mặc áo trắng quần tím than, cổ đeo ca ra vát sọc, trông trẻ ra đến hai ba tuổi.

Hôm hai người ngồi bàn với nhau về việc nên mặc như thế nào có cho nó tham gia, cũng mất khá nhiều thời gian, vì cả hai đều cho rằng “rổ rá” cạp lại, cầu kỳ làm gì để người ta cười cho. Nó đã tham gia : “ Con nghĩ ăn mặc cho đàng hoàng là để thể hiện tôn trọng mọi người chứ đâu phải là khoe mẽ...” Hai người đã khen nó nói phải. Còn nó trong ngày tiệc cũng tỏ ra rất vui vẻ chay hết mâm này sang mâm khác mời chào thầy cô và bạn bè, cười nói suốt, nó nói là muốn thi vào Đại Học Kiến Trúc cơ, nhưng rồi lại thi vào trường Mỏ Địa chất là theo ý nguyện của Mẹ nó. Nó cười một cách vô tư, nó bảo “Mẹ hai” nó cũng muốn như vậy, ví ở Vùng Mỏ làm nghề Mỏ là chắc chân nhất và đã động viên nó bằng cách mua cho nó cái Laptop 12 triệu để dùng trong học tập sau này...