Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









HẠNH PHÚC HOÀI NGHI



N ăm nào cũng vậy, ngoài hai mươi tháng chạp cả làng tôi đồng loạt ra quân. Đi tứ xứ. Đánh hơi được nơi nào lũ lụt mất mùa, nhất là những giống cây trồng phục vụ tết nơi đó bị hư hại thì chúng tôi đến. Dĩ nhiên là chúng tôi đem đến cho họ niềm vui, bù đắp những gì họ mất mát. Ngay cả như Đà Lạt là thành phố hoa nổi tiếng, chẳng bao giờ lụt lội, mất mùa mà chúng tôi nào có từ đâu.

Làng tôi chuyên nghề trồng hoa, cây kiểng và dưa hấu. Cái nghề cũng năm ăn, năm thua chứ chẳng chắc mẩm gì. Ấy vậy, nhưng được đi đây đi đó, hoà vốn coi như lời. Tôi với lão Ngạch chẳng có tấc đất, chỉ làm thuê thôi nhưng được người ta nuôi cơm. Lão Ngạch hơn tôi hai con giáp, thích uống rượu, thích tán gẫu và nói tục có hạng. Ít người ưa lão, thậm chí là coi thường nhưng tôi thì khác, không ghét, không thương đơn giản bởi lão thường cho tôi đi đây,  đi đó. Hẳn là lão chẳng tốt vậy nếu tôi không tháo vát ra trò. Nói là làm thuê chứ không phải thế, lão nhận khoán công việc gì đó rồi kêu tôi cùng làm. Lão bảo :

- Dở ẹc, nếu chỉ biết chắp tay sau đít mà thúc công, thay vì làm một buổi người ta kéo rê cả ngày. Làm gì nhau. Có ai ngu đâu mà làm hết sức cho nhà giàu.

Tánh lão ngang phè phè là vậy nhưng uy tín nhất mực, đã hứa thì chưa bao giờ sai, đã làm thì chẳng ai chê vào đâu được. “ Sống thì phải có tư duy độc lập, nói không với những điều chướng mắt chướng tai chứ cái gì cũng gật, cũng ừ thì không thể là người lãnh đạo giói và có lập trường vững được. ” Lão ra chiều kẻ cả.

Là tay thợ cày cự phách, lão giỏi tính toán và siêng năng, gà vừa gáy là lão đã lục sục ra đồng rồi. Khi nhận cày bừa, lão thường bắt người ta giao luôn việc làm cỏ, bón phân. Lão không ngần ngại nói thẳng với người ta là bừa kỹ thì cỏ sót không còn, cỏ non thì bơm thuốc, lợi công chưa ? Còn bừa dối thì rách việc. Gặp cỏ gấu, cỏ mần trầu thì chỉ có khóc. Nhổ được cây cỏ đó thì coi như nhổ cả cây trồng.

Lão làm khoẻ như trâu, tôi không bì nổi. Lão cười cười :

- Mày ăn ít mà, làm vừa sức thôi, tao tính chia cho mày tứ lục.

- Nhiều quá, ba bảy là được, tui mà bằng nửa sức ông thì tui đã tự nhận khoán lâu rồi.

- Há há…Tao thách mày đó.

Rồi lão giở nón ra, chỉ vào cái đầu nhẵn thín :

- Còn cái này nữa cưng, không có nó thì chịu. Khổ suốt đời.

Tôi phục lão, đành thua một biền.

Hôm nào có thức ăn ngon lão gọi mấy đứa chăn bò, chăn trâu tới cùng ăn rồi kháo chuyện với lão. Thì cũng mấy chuyện bá láp gì đó nhưng chắc chắn là có điều để lão tìm hiểu. Khi bị cô nàng nào cho đo ván là lão tìm cách trả thù, lão tìm cái xấu nhất của người ta để bêu riếu với đám chăn bò kia. Mà miệng lưỡi của đám chăn bò thì khỏi nói nó rộng và dài vô tận. Đến khi tới tai người ta thì om sòm cả xóm, người ta xỉa xói lão chẳng ra gì. Lão chỉ cười hềnh hệch là xong. Có lần tôi hỏi lão :

-  Sao ông không lấy vợ ? Làng mình còn nhiều bà độc thân mà !

-  Ừ, thì tao cũng tính vậy, nhưng có nghe đứa nào nói năng gì đâu.

-  Thúi, chẳng lẽ con gái đi tán con trai. Hôm nọ, tui nghe con Út Chiếu nói với ông là : “ Chú Tư ơi, Chú chịu lấy cháu không ? kia mà. ”

Tư là tên thường gọi của lão.

- Mệt quá mày ơi, mày mà nghe nó có ngày lọt giếng. Nó buôn bán, lang bạt kỳ hồ chớ không quê mùa như tao với mày đâu. Miệng lưỡi dữ lắm, toàn móc hầu móc họng người ta không hà.

- Thì cũng có kẻ này người nọ chớ,  ai cũng hiền như cục đất có mà mấy ông ăn tươi nuốt sống người ta.

Lão chưng hửng.

Lão không bộp chộp làm đâu lủm đấy. Xong công việc nhà nào, tính sổ nhà đó,  giấy bút ghi chép hẳn hoi. Khoản tiền đó như khoản vay mà không tính lãi, cuối năm lão lấy hàng của người ta đi bán, thiếu thừa tính sau. Khi giá cả tăng vọt, nhắm không kham nổi lão mới đành để thiên hạ làm gì thì làm. Ngày trước không có tôi, lão chỉ dám ôm rơm một vườn của ai đó. Còn bây giờ, lão thành đầu nậu tiêu thụ hoa tết cho cả làng này rồi. Lúc ấy, trông lão bảnh tỏn ghê lắm, quần bò, áo hoa sặc sỡ, giày hiệu đàng hoàng. Ai dám nghĩ, đó là kẻ làm thuê chuyên nghiệp đâu nà.

Năm nay lũ rút chậm, nhiều cánh đồng hoa ở miền Tây này vẫn lênh láng nước. Đà Lạt lại Festival hoa vào dịp Noél, Tết ta đứt hoa là cái chắc. Lão bảo Út Chiếu, bán buôn gì thì bán nhưng hai mươi tháng chạp phải giúp lão mươi ngày. Lão bảo đi bán xa thì mới có ăn chớ quanh quẩn Sài Gòn không chịu nổi đám ghe vườn miệt Long An, Bến Lức…Đi Đà Lạt. Nghe đi Đà Lạt ai mà không khoái kia chứ, Út Chiếu mừng rơn.

Đà Lạt thật lạnh, nhất là những ngày cuối năm. Người ta chỉ cho tụi tôi chỗ chưng bày hoa dọc đường bờ hồ, dọc đường vào chợ với lời dặn dò không được nấu nướng, không được xả rác. Gì, chớ chuyện đó thì phải chấp hành nghiêm thôi. Lão bảo :

- Đừng chen vào mấy chỗ đó, đứng bên người quá đẹp mình thành…tào lao phải không Út, Út chỉ đẹp khi đứng bên anh thôi.

- Chú chớ sao anh. - Út Chiếu nguýt dài.

Lão chọn ngã ba đường, cách chợ vài trăm mét để bày hoa. Lão giao Út Chiếu phần hoa cúc. Lão bảo hoa cúc nhiều chủng loại, nhiều giá, tôi không nhớ nổi, bán bậy lỗ chết.

- Mày lo đám mai vàng đi, chậu nào độc độc thì để phía trong. Khách mà chịu chui vào trong lục lọi mới là khách dữ, một khi họ đã thích rồi thì giá nào họ cũng mua.

Còn lão thì chạy đi chạy lại, huyên thuyên con chích choè. Thấy khách bỏ đi, lão giả bộ làm ngơ, quay sang Út đá lông nheo một cái ngầm bảo không thoát nổi tay lão đâu. Năm bước, bảy bước không sao. Mười lăm, hai chục bước thì lão chạy theo tức thì, cò kè thêm bớt cho đến khi khách đồng ý quay lại mua mới thôi.

Giá cả ở thành phố này chắc vào loại cao nhất nước, bữa nào đi mua cơm về Út Chiếu cũng than trời :

- Mèn ơi, xứ gì mà mua năm ngàn cơm họ không bán lại còn đay nghiến nhét răng mèo hả ? Đứt ruột. Mua cho hai ông hai chục ngàn cơm thêm mà đau cả người.

Lão cười khặc khặc :

-   Lấy nó rán nó chớ lo gì. Ở quê một cây cúc giá hai ngàn bạc, còn ở đây ba chục ngàn. Mỗi ngày, ba người ăn mười cây cúc, vốn hai chục, khóc lóc nỗi gì.

Quả là nghịch lý, ở đây cũng có thứ rẻ nhất nước. Hàng áo quần cũ. Cà vạt, mười ngàn ba cái. Vớ, mười ngàn ba đôi. Áo gió, bốn chục ngàn một cái, không biết công may tính bằng gì. Lão sắm cho Út Chiếu nhiều thứ, lão cũng không quên mua cho tôi cái áo len thật dày. Tôi bảo :

- Mua thứ này làm gì, mặc hai ba bữa rồi về vứt à.

- Đừng giỡn mặt, hàng Thái đó mày. Năm chục bạc, rẻ thúi. Lắm lúc lòng cũng tê tái chớ mày. Cần, moi đâu ra.

Tôi ngửi ngửi thấy có mùi ẩm mốc.

Đêm ở đây hãi thật, cái rét như phải kim châm, châm đâu nổi da gà đó. Cả tuần, chẳng có ai tắm rửa gì đâu mà vẫn chịu được, không như xứ nóng mình, hai ngày không tắm là có mùi. Trải bạt lên cỏ, chăn trùm kín đầu vẫn không cản được cái lạnh. Mấy hôm đầu còn chia nhau thức canh hàng, sau giao hết cho trời đất. Lão cũng ngủ khò khò mà chẳng mất mát gì. Phải công nhận là cư dân xứ này còn thật thà lắm lắm. Tôi chọn nằm ngoài bìa, lão nằm giữa, mền ai nấy đắp. Chẳng hiểu sao mấy đêm rày Út Chiếu không chịu nằm gần lão. Nó bảo lão ngáy như sấm, nó không làm sao ngủ được. Lão cười the thé :

- Mày chê tao già chứ gì. Ừ, mà cũng đúng thôi con. Tao già rồi, tao chỉ xứng với dì Sáu của mày thôi, phải không Út ?

Út Chiếu khều tay tôi cười cười. Lần đầu nằm bên con gái, tôi chẳng tài nào ngủ được. Phần vì áy náy cho lão, phần thì sao sao ấy. Khuya lắm tôi mới thiếp đi.

Mở mắt ra không thấy Út Chiếu đâu cả, chỉ thấy lão ngồi trầm tư bên ly cà phê thơm ngát, thuốc lá phì phèo, hồn vía gửi tận đâu đâu. Theo hướng lão nhìn, tôi thấy chiếc thuyền câu bé tẹo lênh đênh trên mặt hồ bàng bạc sương trắng. Nó bé quá, tưởng như không chịu nổi sức nặng của người ngồi trên đó. Hai con thiên nga bơi theo đớp bọt nước, vẽ nên bức tranh đẹp đến kỳ ảo. Vài cặp tình nhân ôm xà nẹo trên những chiếc xe đạp đôi ngồ ngộ. Con đường cũng thức giấc từ đó. Hình như chỉ chờ khoảnh khắc này. Lão rút điện thoại ra, chìa cho tôi xem một tin nhắn ướt át :

- Tư nhớ trông chừng sức khoẻ con Út, nó dễ bị cảm lạnh lắm. Nó cũng chưa đến Đà Lạt bao giờ, nếu không bán hết hàng, qua Tết về cũng được. Em đã nói với chị Năm em rồi.

Lão cười cười, trông hơi đểu đểu :

- Dì Sáu của con Út đó. Tao thấy mày ngọ ngoạy suốt đêm, bộ thích con Út rồi hả.

- Dạ, đâu có chú Tư.

Tôi bỗng ngượng, thay đổi xưng hô hồi nào vậy cà. Trước giờ chỉ tui tui, ông ông không hà.

- Xạo mày, tao cũng như mày mà ở giá.

Xấu hổ thật, lão đi guốc trong bụng mình sao ấy. Tôi bưng ly cà phê của lão đưa lên miệng, ực một cái hết sạch. Đã quá. Một vầng hào quang nắng bừng lên phía sau Út Chiếu, chiếu ngược hướng cô đi về. Qua làn vải mỏng của bộ đồ ngủ bó sát, trông cô như một thiên thần. Đẹp thật, những đường cong quyến rũ làm sao. Tôi tiếc, đêm qua không dám nắm tay Út Chiếu.