Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









KHO TÀNG CỦA SỰ IM LẶNG




(Nguyên tác : La ricchezza del silenzio)

Bản dịch của Trương Văn Dân



                                                     Nam Mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát... Nam Mô Đại Bi...

T iếng niệm Phật vang vang trong đầu bà, trong lúc bàn tay khẳng khiu chậm chạp lau những phiến lá chuối, nhẹ nhàng xếp từng chiếc chồng lên nhau, như thể đang lần tràng hạt...

Nam Mô A Di Đà Phật...Nam Mô A Di ...

Bây giờ thì năm tháng đã nặng trĩu trên vai bà, lưng oằn xuống và có lẽ chỉ có cái nhìn tinh anh và sống động từ thời son trẻ là còn nguyên vẹn...

Tiếng niệm Phật cứ nối tiếp đều đều như những chiếc lá lần lượt được xếp chồng len nhau và hồi ức của bà cũng có lúc xen vào giữa những chuỗi âm thanh ngọt ngào như tiếng hát...

Tay bà cầm miếng vải trắng lau qua lau lại nhưng thi thoảng trên vành môi cũng hé ra một nụ cười khi nghe tiếng cười trong trẻo của một tiểu ni... Ồ, vui làm sao khi nhìn những đứa bé lớn lên dần, mạnh mẽ và vui tươi như những đoá hoa nở rộ lúc vào xuân và làm cho không khí trong ngôi cổ tự thêm sinh động.

Ừ, bao nhiêu mùa xuân trong đời mà bà đã trải qua... nhưng tuổi thơ của bà đến giờ đã quá xa nên trí nhớ chỉ hiện lên như một lớp mây mờ. Nó chằng khác gì một đám sương mù nên bà chẳng nhìn thấy hình bóng những người thân... Bà không còn nhớ giọng nói ấm áp của người cha hay những lần được mẹ vuốt ve âu yếm... Người ta tìm thấy bà dưới chân bức tượng đức Quan Âm, đặt trước sân chùa.

Một đứa bé mới lên bảy mà đã bị người ta bỏ rơi như một miếng giẻ rách! Cả thể xác và tâm hồn nó đều vấy máu. Có lẽ kẻ đã đày đọa và hành hạ bé vào phút cuối đã bất nhẫn, một chút lòng thương hại đã lóe lên... nên đã buông tha, bỏ bé trước cổng chùa...

Sự quên lãng chính là một thứ quà tặng quý báu, vì sau nhiều ngày hôn mê, khi tỉnh dậy bé không còn nhớ gì về những việc đã qua... Thế rồi cuộc đời nó như được tái sinh, khởi đầu bằng sự đón nhận bình yên và thanh thản cùng với một khuôn mặt diệu hiền của một vị sư bà, và lớn lên trong lời kinh, tiếng kệ, gõ nhịp đều đều theo chuông mõ. Kể từ lúc ấy cuộc đời nó được che chở trong những bức tường của ngôi cổ tự và được dạy dỗ rất nhiều điều. Dĩ nhiên mỗi sự vật đều có thời gian của nó và tuy lúc mới vào bé có hơi cứng đầu và chỉ học vì tò mò nhưng dần dà bé vui vẻ chấp nhận, biết tuân theo kỷ luật và nội quy của chùa, và về sau học hành nghiêm túc nên còn ngộ ra bao điều thâm diệu.

Học xong, thực hành...rồi cũng đến lúc phải dạy lại. Bà âu yếm nhớ đến những bàn tay bé nhỏ níu chiếc áo nâu sòng của mình, những mái đầu tí hon trọc lóc, chỉ chừa một lọn tóc trên trán mà trong những lúc tụng kinh, cứ đưa qua đưa lại, lắc lư theo nhịp mõ.

Bây giờ thì vài người trong bọn họ, sau nhiều năm, đã trưởng thành và sống bên cạnh bà. Những lọn tóc đã được cạo láng của ni cô, những đôi mắt to và sáng nhìn theo những động tác thuần thục và tự tin, lập đi lập lại vào thời gian trước Tết, cái phút giây mà bà yêu thích nhất.

Bao nhiêu việc cần chuẩn bị. Hằng năm, dân trong làng thường đặt chùa làm bánh chưng và bánh tét và tất cả các sư cô trong chùa đều hoan hỉ tham gia : Những người lớn tuổi lau lá chuối mà trước đó các ni cô trẻ đã rửa sạch, các ni cô khác phủ lên lá một lớp gạo nếp đã được nấu sơ với lá dứa để tạo hương vị đặc biệt và có được một màu xanh bắt mắt. Trên lớp nếp, một nhóm sư cô khác sẽ bỏ thêm những khối trụ bằng đậu xanh đã chà vỏ và nấu chín để làm nhưn, có rắc thêm một ít bột tiêu cho mùi vị thêm đậm đà. Đó là một dây chuyền ăn khớp và nhịp nhàng, khi những hình trụ bằng lá chuối có bỏ đậu xanh và thêm nếp đã cuốn lại liền được chuyển đến một nhóm sư cô có nhiệm vụ bó chặt và cột lại bằng những sợi lạt.

Mọi động tác đều liền tay và liên tục, giống hệt một đàn kiến chăm chỉ, ai nấy đều có một nhiệm vụ rõ ràng ... thỉnh thoảng bà ngước mắt để quan sát họ. Bà thích nhất là lúc mọi người làm bánh chưng, thích nhìn những gói lá được cẩn thận xếp lại thành hình một chiếc hộp, giống như đang đóng lại chiếc hộp nữ trang sang trọng có nhân bánh là đậu xanh.

Vui vẻ và cẩn trọng, tất cả các thứ bánh được sắp xếp trong một chiếc nồi cao, to rồi đậy nắp. Thi thoảng, ánh mắt của bà ngừng lại trên vị sư cô này hay vị sư cô kia rồi dừng rất lâu đến người ngồi gần bếp, có nhiệm vụ giữ lửa, cho thêm củi vào dưới đáy nồi.

Ánh mắt bà cũng nhìn theo các tiểu ni loay hoay như một đàn bướm, chạy lăng xăng từ nhóm sư cô này qua nhóm sư cô kia, tùy theo giai đoạn công việc, đem lá chuối cho các người dồn nếp hay mang đậu xanh đã trộn và cuốn thành hình trụ... một vài tiểu ni còn đem những nhiếc bánh chưng hay bánh tét đã buộc lạt, xếp gọn ghẽ vào khay để chờ được đặt vào nồi để nấu.

Đó là một niềm vui rất dễ lan truyền giữa những người trẻ tuổi.

Tuy lúc này bà đã già nhưng bà không thể không nhớ là nhiều năm trước đây mình cũng đã từng có một niềm đau vì không được làm mẹ. Thế nhưng về sau thì bà cũng hiểu ra là bà còn có một niềm vui to lớn hơn nhiều : làm mẹ của hằng trăm đứa con. Bà đã nuôi dạy chúng, đã từng cạo trọc những mái đầu tí hon, chỉ chừa một nhúm tóc nhỏ, và dạy chúng vắt lên vành tai ; bà đã giảng giải cho chúng về sự huyền nhiệm của lẽ tử sinh, của cả niềm đau và hạnh phúc. Nhưng không phải đứa bé nào về sau cũng ở lại chùa. Vài đứa, sau khi được học hành, lớn lên đã chọn một con đường khác. Tuy thế, họ vẫn thường quay lại chùa để thăm bà và để được bà an ủi về những khó khăn từ cuộc sống.

Cũng có những đứa trẻ mà về sau bà không có tin gì về họ, nhưng bà không lấy thế làm buồn. Duy chỉ có một người thường làm bà bận tâm và lo lắng, như thể mẹ và con, đó là Quảng Tiên, kể từ lúc cô bất ngờ bỏ đi vài năm trước.

Nam mô đại bi Quan Thế Âm bồ tát... Nam mô đại bi... tiếng niệm Phật của bà có lúc bị xen ngang bởi những hoài niệm. Cùng với thời gian bà đã nhận biết tầm quan trọng của suy tưởng và của sự im lặng. Dĩ nhiên không dễ gì giáo huấn một đứa bé hiếu động và rắn mắt như bà, nhưng bà may mắn có được một vị sư bà trí tuệ và đã kiên nhẫn theo dõi và hướng dẫn bà kiềm chế cảm xúc và bình tâm hơn theo quy luật của sự im lặng.

Sự im lặng! Im lặng mở ra cánh cửa của vùng trí tuệ tiềm ẩn, không phán xét và cũng không phân biệt, chỉ đơn giản giúp ta “nghe” được chính ta, ngoại cảnh và kẻ khác. Đó chính là sự khám phá được kho tàng giống như lời Phật dạy: “ Ai từ bỏ được thế giới thì sẽ nghe được âm thanh của Niết Bàn”

Các thiền sư đã chọn con đường tâm linh và sự bình an của họ chính là sự thanh thản trong tâm hồn sau khi đã chế ngự và dập tắt được những ngọn lửa dục vọng. “Nghe được âm thanh của niết bàn” chính là khi đạt được trạng thái hài hòa trong vũ trụ quan Phật giáo. “Hãy quên bản thân và nghĩ đến tha nhân”, quên sự mưu cầu hạnh phúc cá nhân để chia sẻ và hòa đồng với người khác.

Bằng cách ấy bà đã ý thức được mục đích của mình và hiểu được lẽ sống chính là giúp đỡ và che chở cho những đứa con không phải con mình. Nhưng điều quan trọng là sẻ chia cái kho tàng ấy và, với bà, sự im lặng đã trở thành một điều thường nhật trong đời sống hằng ngày.

Bà còn hiểu rằng nhiều người đã đau khổ và không sống bình an bởi vì họ chẳng được ai lắng nghe. Trong một thế giới mà ai nấy cũng la hét để biện minh hay che đậy những lỗi lầm của mình ... hoặc ích kỷ đến nỗi chỉ muốn nghe giọng nói của mình thôi, thì đâu còn thời gian để lắng nghe và thấu hiểu.

Có lẽ vì thế mà thỉnh thoảng có nhiều vị khách hay người dân ở các làng lân cận tưởng đến để ngoạn cảnh, thăm chùa, nhưng thực ra điều họ đang tìm là có thể gặp một ai đó để trò chuyện hay tâm sự mà không sợ bị phê phán. Bà luôn ở bên cạnh, im lặng, để lắng nghe họ thổ lộ, tuôn trào, than khóc... và rồi sau khi bình tĩnh và nghĩ lại, chính họ đã tìm ra lời giải của vấn đề, một cách tự nhiên mà không cần bà phải nói điều gì. Chỉ cần sự ngọt ngào hay một cái nhìn chia sẻ, hơi ấm của một vòng tay là có thể an ủi và làm cho họ hiểu là phương án nào sẽ phù hợp nhất.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật... tiếng niệm Phật vẫn tiếp tục trong lúc bàn tay khẳng khiu của bà vẫn lau những phiến lá chuối. Một năm mới lại sắp bắt đầu, mà có lẽ bà sẽ không còn có thể trụ đến cuối năm. Các mầm bệnh ung thư từ tháng nay đang di chuyển trong tạng phủ của bà. Bà quá mệt mỏi và trong lòng lúc này chỉ có một ý nghĩ là Quảng Tiên đang ở nơi nào.

“ Sư Bà, Sư Bà”... bà có khách! Một tiểu ni vừa từ cổng chạy vào vừa gọi to để báo tin. Đến nơi cô giúp bà đứng dậy rồi dìu bà ra cổng. Một ni cô khác sẽ thế chỗ bà để lau lá chuối.

Bà vừa đi khập khiễng vừa dọ dẫm bám vào bức tường trong hành lang được chiếu sáng lờ mờ từ những bóng đèn dầu và cuối cùng đứng trước khung cửa mở ra vườn. Bà thấp thoáng thấy hai bờ vai mảnh khảnh. Không, không thể nào lầm được! Có lẽ chẳng cần nhìn bà cũng biết đó là người mà lòng bà đang mong đợi.

“ Mẹ ơi, mẹ ơi..! ”. Đúng là giọng nói của cô ấy! Quảng Tiên! Đứa con lưu lạc đã trở về. Khi nghiêng người, bà còn nhìn thấy một đứa bé mà cô gái đang bồng trên tay. Một niềm vui bừng cháy dâng lên và bà lao tới, ôm lấy cô và siết mạnh.

Ôi, đã bao lâu bà chờ đợi phút giây này và lòng bà đang trào dâng một niềm hạnh phúc cho người con gái. Lòng bà bình yên và nhìn thấy tất cả niềm hạnh phúc và yêu thương của nàng sáng rực trong đôi mắt. Chẳng cần nói lời nào nữa, dù có là cái Tết cuối của cuộc đời, nhưng với bà đó là cái tết hạnh phúc nhất./.

Sài Gòn tháng 12-2013