Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






VẪN CÒN ĐÓ MÙA XUÂN



Mời Qúy Vị Mở Nghe : Quỳnh Hương qua tiếng guitare của Vô Thường



Đ ã định không về, nhưng hăm ba tháng Chạp đưa ông Táo về trời xong thì Sa quyết định về quê ăn Tết. Chị tức tốc xách xe chạy đến nhà cô bạn thân có bà chị bán vé tàu lửa nhờ mua hộ cái vé đi về miền trung. Hảo tròn mắt ngạc nhiên:

-Điên vừa thôi chứ. Người ta mua vé tàu Tết cách đây hai tháng. Bây giờ bà mới mua. Làm sao mà có vé?

Sa năn nỉ:

-Bà giúp tôi lần này nữa thôi. Mua hộ tôi cái vé chợ đen cũng được. Miễn là vé thật. Tôi mua sợ gặp vé giả.

Cầy cục mãi rồi Hảo cũng mua được cho Sa một cái vé với giá chính thức. Cũng may có người trả vé không đi, và Sa được lấp vào chỗ trống. Sa lập tức chuẩn bị va ly ngày hăm sáu tháng Chạp lên đường.

Sa hay có những quyết định bất ngờ như vậy. Từ một phút chạnh lòng, từ một thôi thúc nào đấy. Cũng có thể từ nỗi sợ hãi cảm giác cô độc trong những ngày Xuân – ngày mọi gia đình sum họp. Chị cũng có một gia đình lớn nhưng rồi mỗi người ly tán một nơi. Cha mẹ qua đời, anh chị em mỗi người mưu sinh một vùng đất khác nhau, kẻ độc thân như chị cũng không bám vào căn nhà thừa tự mà trôi dạt tận mảnh đất phương Nam này. Cuối cùng ngôi nhà thờ và mảnh vườn xưa phải nhờ một đứa cháu kêu Sa bằng cô trông coi hương khói. Sa bỏ quê hương ra đi vì công việc, nhưng cũng vì buồn. Thà làm lữ khách lang thang đây đó còn hơn phải làm người ở lại sau cùng, để chứng kiến sự tan tác chia lìa. Lang thang trôi dạt cũng là cách tìm quên nỗi buồn. Nhân vật Socolop trong tác phẩm “Số phận con người” của Mikhain Solokhop cũng đã cùng đứa con nuôi bé bỏng lang thang khắp nước Nga để quên đi nỗi mất mác đau buồn mà cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đã để lại cho anh. Ngôi nhà xưa cùng vợ và hai đứa con của gái anh đã bị một quả bom vùi nát. Đứa con trai duy nhất là sĩ quan đã hy sinh trong khi cùng Hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng Berlin. Khi mà cha con anh sắp sửa gặp lại nhau trong chiến thắng thì một viên đạn bắn tỉa của một tên Phát xít nào đó đã nhắm vào đứa con trai duy nhất của anh. Số phận thật nghiệt ngã và độc ác. Và đôi mắt của anh đã đã trở thành mờ đục như phủ lên một màu tro xám xịt của đau thương và tang tóc.

Sa bây giờ cũng thành Socolop thứ hai, lang thang cho quên đi nỗi cô độc của cuộc đời.

Khi còn ngồi trên tàu Sa đã loáng thoáng nghe về căn bệnh viêm phổi cấp đang hoành hành ở Vũ Hán. Nghe đâu ở bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã có hai bệnh nhân đầu tiên người Trung Quốc đang chữa bệnh ở đấy. Một số hành khách đã bắt đầu mang khẩu trang và ít trò chuyện cùng nhau. Sa ngồi lặng lẽ vì thói quen ít giao tiếp với người lạ và nghĩ có lẽ tình hình nầy thì hành trình du xuân của chị cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Vì không báo cho ai biết nên dĩ nhiên là không có ai đón chị. Sa về nhà lặng lẽ, chỉ có một con chó già nua nằm ở góc sân đứng dậy ngơ ngác nhìn chị nhưng vẫn không tỏ vẻ kháng cự. Có lẽ nó đã quá già nên cũng mệt mỏi với công việc canh gác một đời. Căn nhà ngày xưa chị đã từng sinh ra và lớn lên, nằm lặng lẽ giữa mảnh vườn cây cối xơ xác. Chỉ có mảnh vườn trồng hoa là rực rỡ như một điểm nhấn giữa khu vườn u tịch. Hăm bảy Tết rồi, có lẽ hoa đã được đứa cháu đưa ra chợ bán, nhưng vẫn còn khá nhiều. Cửa nhà không khoá, đúng là ở đây vẫn còn là một nơi chốn bình yên. Sa chợt nhớ câu thơ của Nguyễn Công Trứ trong một bài phú nổi tiếng:

Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cần no

Đêm năm canh an giấc ngáy kho kho, thời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.*

Sa mở cửa bước vào nhà và vào căn phòng thời con gái xa xưa chị vẫn ở. Một thoáng xao động khi nhận ra những đồ vật trong phòng vẫn còn nằm nguyên ở những vị trí cũ. Căn phòng đầy bụi vì đã lâu không có người ở. Chị phải hì hục lau dọn rồi mới tạm ngồi xuống ghế. Qua cánh cửa sổ mở rộng là mảnh vườn cây xanh ngày xưa bây giờ đã già cỗi và bị đốn bỏ phần lớn. Ngày xưa cả một vườn mận đến mùa cho trái đỏ cành. Tuổi thơ của chị là những ngày trèo cây hái quả. Từ mận đến ổi, đến bồ quân, đến xoài…Cây nào cũng có dấu vết của chị. Chỉ còn cây xoài ngày xưa là vẫn sống và vẫn cho trái sum suê, Cây xoài nầy bằng tuổi chị và đã cùng chị lớn lên trong mảnh vườn nầy. Chị quý nó như một người thân. Bây giờ tuổi tác nó cũng đã lớn, gốc cây to sần súi và cành lá che khuất cả góc sân. Đang tư lự nhìn cây xoài thì chuông điện thoại reo vang, đầu giây bên kia – từ một nơi cách xa nửa quả địa cầu – giọng người anh trai cả gọi về:

-Sa đang ở đâu đấy?

- Sa đang ở Quảng Ngãi. Sa mới vừa về.

Giọng anh Hải nao nức:

-Về quên ăn Tết hả? Sướng nghen. Anh cũng muốn về lắm nhưng không về được. Về thì nhớ ăn dùm anh món don, món ram nướng, mì Quảng Sông Vệ. Anh nhớ mấy món đó lắm.

-Ok. Em ăn rồi sẽ kể để anh thèm chảy nước miếng nghen. Sao không nói chị Mai làm mấy món đó cho mà ăn?

-Ồ, bà ấy đâu phải dân Quảng Ngãi mà biết làm mấy món đó. Vả lại, ở Canada tìm đâu cho có don?

Rồi anh kết thúc cuộc nói chuyện bằng câu dặn dò:

-Cẩn thận đấy. Đang có địch Corona ở Vũ Hán.

Phải rồi, nói cho vui vậy thôi chứ khắp nước Việt Nam cũng chỉ có con sông Trà ở Quảng Ngãi mới có con don nầy. Làm sao ở tận Canada mà có được. Don là một loại thuộc họ nghêu, hình thức hơi giống con hến nhưng vỏ nó màu vàng, khác với vỏ hến màu xám đen. Ruột cũng hơi giống ruột hến nhưng nếu ruột hến màu xám thì ruột don màu vàng. Luộc lên thì nước don cũng có màu vàng nhạt và có vị ngọt thanh, không chát như nước hến. Người dân Quảng Ngãi thích ăn don dạng luộc lấy nước rồi múc ra tô dằm vào trái ớt sim xanh, bẻ bánh tráng vào ăn điểm tâm hay ăn xế. Don sống dưới đáy sông Trà có nhiều cát nên sạch hơn hến. Đó là quà tặng của thiên nhiên dành cho mảnh đất miền Trung nầy. Chị Mai vợ anh Hải là người gốc Huế nhưng lớn lên ở miền Nam nên không biết món don đã đành, mà nếu làm món ram nướng hay mì Quảng cũng không thể nào đúng khẩu vị được. Mặc dù mấy chị em gái của Sa không ai ưa tính chị Mai về cái tội hay nói bốc phét kiểu “ mười voi không được bát nước xáo “ của chị, nhưng với Sa dù sao vẫn dành cho chị những thiện cảm từ cái cách của chị khi anh Hải gặp chị lần đầu.

Hồi ấy là những năm 80, cuộc sống còn vô cùng khó khăn gian khổ. Anh Hải vừa ra khỏi trại cải tạo từ miền Bắc về đến Sài Gòn thì vợ và các con đã vượt biên qua Canada. Bơ vơ một mình với thân hình gầy ốm và căn bệnh suyễn phát xuất từ những năm tháng học tập cải tạo tai miền Tây Bắc, anh đành phải tá túc tại nhà của chị Lê hoặc chị Loan – là hai em gái ruột đã có gia đình ở Sài Gòn. Khi thì ở nhà nầy, khi thì ở nhà kia. Ở đâu thì cũng là cảnh ăn nhờ ở đậu trong túng thiếu cùng cực vì chồng của chị Lê cũng vừa mới ra tù như anh. Một buổi chiều nọ không biết anh đến nhà chị Lê có chuyện gì, nhưng trong túi không có một đồng cắc để đi xe lam, là phương tiện di chuyển rẻ tiền hồi đó. Ban đấu anh định đi bộ, nhưng từ quận Bình Thạnh đi bộ lên tới quận Sáu xa xôi khoảng mấy chục cây số, nếu đi bộ phải đi tới khuya mới đến nơi. Ngang qua bến xe lam Lăng Ông Bà Chiễu anh ngần ngại một chút rồi ghé vào. Ý định ban đầu là xin đi nhờ, nhưng thấy khó mở miệng quá, anh đành vào quầy vé. Có lẽ thấy cô bán vé đang ngồi một mình dầu sao cũng đỡ xấu hổ hơn, nên anh xin cô gái một ít tiền đủ để mua cái vé xe lam về quận Sáu. Cô bán vé bấy giờ là chị Mai, lúc ấy đã ba mươi tuổi nhưng vẫn chưa có chồng, tròn mắt nhìn người đàn ông không có vẻ gì là người ăn xin, nhưng lại ngữa tay xin mình mấy đồng bạc lẻ. Chị nói:

-Tôi trông anh không có vẻ gì là người ăn xin cả. Chắc anh mới đi học tập* về phải không?

Anh Hải gật đầu. Chị Mai hỏi thêm:

-Nhà anh ở quận Sáu?

Anh Hải thật thà:

-Tôi về nhà đứa em gái có gia đình ở đó.

Không biết có phải vì duyên số xui khiến không mà chị Mai lại hỏi địa chỉ nhà chị Lê ở quận Sáu. Chiều hôm sau trong khi anh Hải đang lên cơn suyễn ôm ngực thở dốc thì chị Mai đến. Cả nhà chị Lê đi vắng. Chị nhìn quanh ngôi nhà tuyền toàng trống hoác cũng đủ biết gia cảnh chủ nhà như thế nào. Cảnh nhà chị Lê cũng chẳng khấm khá gì, chị một nách năm đứa con, chồng cùng cảnh ngộ với anh Hải – cũng mới đi học tâp về. Một tay chị bôn ba chạy chợ kiếm gạo nuôi sống gia đình. Thời chồng chị đi học tập cải tạo, chị phải đề ba đứa con lớn ở nhà tự trông nhau, còn chị chở hai đứa nhỏ bằng chiếc xe đạp cà tàng. Cả ba mẹ con ra đi từ bốn giờ sáng. Đứa nhỏ ba tuổi ngồi trước, đứa lớn năm tuổi ngồi sau ôm eo chị, cả hai đứa tiếp tục ngủ gà ngủ gật trên doạn đường dài từ quận Sáu xuống quận Bình Thạnh để chị giúp việc nhà cho một người bà con. Có hôm trời mưa, ba mẹ con trùm chung một chiếc áo mưa. Những năm sau 1975 bánh mì còn rất hiếm, mấy bà buôn bán đi săn bánh mì thấy chị che áo mưa lùm lùm tưởng bánh mì vội chạy đến:

-Sang bánh mì không chị?

Chị giở áo mưa lên chỉ hai đứa bé đang ngủ gật:

-Đó. Sang đi,

Mấy bà buôn bánh mì ré lên cười. Ba đứa con lớn của chị ở nhà tự lo cơm nước ăn uống và đi học. Nói là lớn, chứ thật ra đứa lớn nhất mới mười một tuổi, đứa thứ hai lên chín và đứa thứ ba lên bảy. Những người hàng xóm đi chợ ngang qua nhà tưởng ba đứa nhỏ là con mồ côi cha mẹ nên hay cho tiền. Cũng phải thôi, vì ba đi cải tạo, mẹ phải bôn ba đi làm từ bốn giờ sáng. Tối chị về đến nhà thì ba đứa đã đi ngủ. Hàng xóm không biết chị đã dành mà ba đứa nhỏ cũng ít khi thấy mặt mẹ. Có hôm chị về nghe con bé thứ hai đang ngủ nói mê: “ Em biết thế nào mẹ cũng bảo ăn cơm với nước mắm thôi”. Chị chua xót nghĩ con mình ăn cơm với nước mắm quanh năm, đến nổi giấc mơ của nó cũng chỉ có nước mắm mà thôi. Nhiều hôm về leo lên căn gác tối mờ mờ, chị kiểm tra con bằng cách sờ chân. Cứ đủ sáu bàn chân là đủ ba đứa. Chị Lê cũng ác, nhiều khi nhà đủ gạo nhưng chị vẫn bắt con cứ ba ngày ăn cơm là có một ngày ăn cháo trắng. Chị muốn luyện cho con quen với gian khổ. Thằng Tuấn con đấu của chị nói với bà hàng xóm: “ Cơm thì con ăn mấy cũng được, nhưng cháo thì ngán quá “. Những năm tháng ấy, nhà chị Lê cũng gấn giống như “ Nhà mẹ Lê” trong tác phẩm của Thạch Lam.

Ngay buổi chiều hôm đó chị Mai đưa anh Hải đi bệnh viện chữa căn bệnh suyễn vẫn hành hạ tấm thân còm cõi của anh. Và họ nên duyên từ đó.

Lúc anh Hải lấy chị Mai vợ anh ở Canada cũng đã có chồng khác, mặc dù giữa hai người vẫn còn ràng buộc bằng tờ hôn thú. Mấy bà chị ruột của Sa vẫn có ác ý với chị Mai nên xì xào với nhau:

- Chẳng qua bà Mai chịu lấy anh Hải vì đánh hơi thấy được tương lai sẽ được đi HO, hoặc anh Hải sẽ được vợ bảo lãnh đi Canada, vì dù sao giữa anh và vợ lớn cũng còn tờ hôn thú. Anh Hải đi trước rồi bảo lãnh cho bà ấy sau.

Mặc cho ai nói gì thì nói, Sa vẫn thấy chị Mai đã gặp và yêu một anh chàng đã có vợ con, không một xu dính túi, người đàn ông ấy đã từng cơ cực đến nổi giơ tay xin mình vài đồng bạc lẽ để mua một cái vé xe lam, thì con người ấy phải có tấm lòng trắc ẩn không dễ ai cũng có được.

Dọn dẹp căn phòng xong, Sa đi xuống bếp định tìm cái gì bỏ bụng thì đứa cháu về. Nó về chở thêm một số chậu hoa ra chợ bán. Thấy Sa nó ngạc nhiên:

-Cô về sao không báo cho cháu biết để cháu dọn phòng cho. Trưa nay cháu ăn ngoài chỗ bán hoa rồi. Để cháu đi mua cho cô cái gì ăn đỡ vậy.

Sa bảo cháu cứ chở hoa ra chợ bán, chị ăn đỡ mì tôm cũng được. Nhớ đến anh Hải và những món ăn đặc trưng của quê mình, chị nghĩ tối sẽ rủ vài đứa bạn đi ăn theo lời hứa với anh ấy.

Gặp lại đám bạn học cũ, đó là niềm vui Sa mong chờ nhất. Cả đám bạn cùng lớp thời phổ thông giờ chỉ còn thơ lơ mấy đứa còn ở lại thành phố nầy. Phần lớn bạn Sa cũng như dân ở tình nhỏ quê hương Sa đều có một hướng Nam tiến duy nhất là Sài Gòn. Khác với người dân xứ Huế hầu như tỉnh nào họ cũng có mặt, dân Quảng không đi thì thôi, đi thì chỉ có dất Sài Gòn. Từ thời còn chiến tranh, người dân xứ Quảng bỏ quê vào Sài Gòn đã khá đông – hồi đó cứ thỉnh thoảng lại có một bạn học cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn – sau nầy thời bình họ càng Nam tiến nhiều hơn. Vào miền Nam người Quảng thành đạt giàu có cũng khá đông, người nghèo đi bán báo, bán vé số cũng khá nhiều. Nhưng họ vẫn bám trụ mảnh đất miền Nam hai mùa mưa nắng nầy. Một lẽ dễ hiểu là ở đây con cái họ có điều kiện học đại học, ra trường cũng dễ kiếm việc làm hơn. Người Quảng suy nghĩ thực tế, nhưng một phần cũng phát xuất từ chân lý “ đất lành chim đậu”.

Sa nhìn những người bạn thân thiết từ khi còn tấm bé, thời gian trôi nhanh như nước lũ qua cầu, thoáng chốc đứa nào cũng trở thành bà nội bà ngoại. Chỉ có Sa là vẫn một thân một mình, trơ trọi trên cõi đời nầy. Khanh nhìn Sa hỏi đùa:

-Nghe nói Sài Gòn đã có bệnh nhân Corona rồi, Mầy có đem vi rút Corona về đây không?

Sa cũng đùa:

-Tao đã diệt khuẩn cả người rồi mới về đây. Ai lại đem vi rút về quê mình bao giờ. Khi tao sắp về đây ai cũng can. Ai cũng bảo môi trường tàu xe chen chúc dễ bị lây bệnh lắm đấy. Nhưng tao vẫn cứ đi.

Phúc nói:

-Sa thì không ai cản nổi. Mình biết mà.

Bà chủ quán dọn ra những tô don nước vàng nhạt nổi lều bều những khúc hành cắt ngắn và mấy lát ớt đỏ. Cả bọn bẻ bánh tráng vào tô. Sa chợt nhớ có một nhà báo nào đó một lần ghé qua thành phố Quảng Ngãi được bạn đưa đi ăn don, đã viết một bài báo nói rằng sở dĩ người dân Quảng Ngãi thích ăn don vì được bẻ bánh tráng sướng tay! Thật ra thì với người dân Quảng Ngãi, không chỉ có món don mới dùng chung với bánh tráng, mà nhiều món nữa cũng ăn cùng với bánh tráng như bún bò, cháo, và các món gỏi. Bánh tráng là món ăn không thể thiếu với người Trung, đặc biệt là người Quảng, người Bình Định. Trong những bữa giỗ, thậm chí bữa ăn thường ngày cũng có bánh tráng.

Khánh đang ăn bỗng chống đũa trầm tư:

-Hôm nay mình có gọi điện thoại cho Nguyệt, nhưng nó bảo bọn mình cứ vui đi. Nó hẹn khi khác.

Sa nói:

-Ngày mai bọn mỉnh đến thăm Nguyệt nhé. Thương nó quá.

Nguyệt là bạn củng lớp của Sa từ thời phổ thông, Nhà gần nhau nên hai đứa hay rủ nhau đi học. Trải qua bảy năm phổ thông đi về cùng nhau nên rất thân thiết. Nguyệt lấy chồng sớm, có hai con trai. Không may chồng mất sớm Nguyệt một mình nuôi con. Một đứa học hành nghiêm túc, ra trường có công ăn việc làm. Một đứa bê tha lêu lỏng, lại mê cá độ bóng đá. Nguyệt đã bao nhiêu lần khổ vì bọn giang hồ đến tận nhà đe doạ sẽ lấy mạng thằng con nếu không có tiền chung độ cho chúng. Bao nhiêu lần Nguyệt bán tất cả những gí có được cũng vì muốn chuộc mạng con. Sau bao nhiêu lần bán nhà lớn, mua nhà nhỏ, rồi cuối cùng bán nốt nhà nhỏ, ở nhà thuê, thằng con vẫn chứng nào tật nấy. Tưởng là còn một đứa con trai có việc làm, có vợ con nghiêm túc là chỗ dựa cho Nguyệt trong lúc tuổi xế chiều, nhưng số phận thật trớ trêu, thằng con một hôm đi làm về bị tai nạn chết. Con dâu bồng con về nhà mẹ đẻ, Nguyệt sống với thằng con hư hỏng còn lại. rồi không biết số phận sẽ đưa Nguyệt về đâu!

Đôi khi Sa nghĩ sống một mình như mình chưa chắc đã khổ bằng Nguyệt và một vài đứa bạn có số phận không may khác. Sa cũng đã nghĩ đến một mái chùa nào đó để tá túc những năm tháng cuối đời. Sống đến tuổi nầy, nghĩ đến những bước ngoặc trong đời mình, Sa thấy mọi chuyện đều có bàn tay số phận đẩy đưa, và con người không thể nào cưỡng lại được. Dường như cái may và cái rủi luôn kề nhau trong những khoảnh khắc nhỏ nhặt nhất. Sa cũng một lần suýt lên xe hoa, nhưng rồi vì một lời nói của mẹ Bách – chồng sắp cưới - Sa đã huỷ hôn và sống độc thân mãi đến bây giờ. Ai cũng nói Sa dại, nhưng Sa có tự ái của Sa. Không phải ai cũng có thể ỷ mình giàu có mà có quyền vùi dập lòng tự trọng của người khác. Yêu Sa nhưng biết không thể lay chuyển Sa được, Bách cũng bỏ đi xa. Lúc ấy anh đang làm cho một công ty nước ngoài và được công ty mẹ cấp visa sang Mỹ làm việc và định cư luôn. Sa chỉ biết đại khái như vậy về Bách. Bạn bè và người quen hiểu tính Sa, nên không nhắc gì về Bách trước mặt Sa.

Rồi năm tháng cuốn Sa đi, cho đến ngày Sa thấy tóc mình chớm bạc. Nửa đời người rồi còn gì. Mọi cơ hội đã đi qua. Sa vẫn một mình trơ trọi trên đời. Những dịp lễ Tết là lúc Sa thấy mình trông trải nhất. Nhất là những đêm giao thừa. Ngày thường buồn quá thì có thể rủ bạn bè đi đâu đó, nhưng đêm giao thừa thì có thể gọi được ai? Ai cũng có gia đình riêng của mình với bao nhiêu công việc chuẩn bị đón năm mới. Sa đành uống một viên thuốc an thần và ngủ vùi cho qua hết đêm cuối cùng của năm.

Khi Sa về đến nhà thì thấy đèn vẫn sáng. Sa cứ đinh ninh Bảo – đứa chàu gọi mình bằng cô đang đợi mình. Nhưng thật bất ngờ Bách đang ngồi trong phòng khách. Thấy Sa ngỡ ngàng như không nhận ra mình, Bách lên tiếng:

-Sa đi chơi về đấy à? Anh Bách đây mà.

Sa trả lời, cố trấn tĩnh chính mình:

-Em nhận ra anh mà. Anh về Việt Nam ăn Tết đấy à?

-Anh về thăm Sa không được sao? Nhà anh đâu còn ai ở đây nữa mà ăn Tết. Ba mẹ anh mất lâu rồi. Người anh ruột cũng định cư ở Sài Gòn. Vợ chồng cô em gái thì cũng đã sang Mỹ theo diện con bảo lãnh.

Sa hỏi một điều mà Sa biết mình muốn nghe câu trả lời của Bách nhất:

-Gia đình anh bên Mỹ cũng về với anh chứ. Cả nhà cùng ăn Tết thì vui rồi.

Bách nhìn Sa, cái nhìn tha thiết:

-Anh vẫn sống một mình từ đó đến giờ. Sa tin không? Nếu anh không nhầm thì Sa cũng vậy?

Sa cúi đầu không trả lời. Chị có thể tin được không khi một người đàn ông như Bách sống độc thân từ đó dền giờ. Cũng đã hai mươi năm từ ngày ấy. Hồi ấy Sa hai lăm, bây giờ bốn lăm. Nếu không có chuyện đó xảy ra bây giờ con của Sa và Bách đã vào đại học. Hồi phổ thông học truyện Kiều, Sa thấy Kim Trọng và Thuý Kiều xa nhau mười lăm năm là một khoảng thời gian dài đăng đãng. Mọi thứ đã phôi pha, đã như nước chảy qua cầu. Đối với hai con người yêu nhau, thời gian xa cách thật nghiệt ngã. Nhưng con người chỉ như con rối trong bàn tay số phận. Bách và Sa cũng vậy. Nhưng lần nầy biết đâu số phận lại mỉm cười với họ, và có thể mùa xuân đang đến thật gần với họ, ở phía trước. Bách nhìn Sa bằng đôi mắt của ngày xưa – đôi mắt mà cứ nhìn vào đấy Sa thấy thời gian như ngừng lại, và như quên hết mọi thứ trên đời. Sa nghe tiếng Bách thì thầm:

-Đã hai mươi năm, nhưng chưa có gì gọi là muộn hết phải không Sa?