Việt Văn Mới
Việt Văn Mới










TÌNH ĐẤT (2)




“Trong thế gian nỗi sầu đau đớn nhất,
                   Cũng không bằng sầu mất quê hương”.

                                     (Thái Tú Hạp)


Đ êm 29, đèn trứng vịt của bác Bảy ở ngoài trời coi bộ không kham, tôi nói:

- Đèn lu quá he! Thìn sao mầy không vô lấy cái đèn dầu trong phòng tao đó cho nó sáng?

Thằng Thìn câu mâu xa gần theo kiểu ông già tía nó:

- Có trăng kia đèn nầy mới lu vậy chớ. Cậu cho trăng luồn đám mây thì đèn nầy cũng tỏ ác.

Thằng lừng quá, nói kiểu lưỡng ước khó bắt bẻ nhưng mà tôi hiểu, đêm hăm chín làm gì có trăng? Con Cúc lớn họng chọt ngang như để cứu bồ:

- Sao tụi bây tham ăn quá vậy, không đứa nào mời cậu Năm hết? Ê hề nè đâu sợ hết.

Hai ba đứa cùng nhao nhao:

- Cậu Năm là người lớn đâu thèm ăn mấy món nầy của tụi mình. Khỏi mời.

- Cúc, mầy ‘tội nghiệp’ thì mời đi.

Tôi ngó con Cúc làm thinh, ‘dầu đói giả no, dầu khôn giả dại đặng dò ý em’. Con nhỏ xí dài, không biết bất bình vì nguyên câu nói hay vì không thèm mời. Tôi tự nhiên rót cho mình một ly nước.

- Uống ly nước rồi tôi đi, không ăn ngọt đâu.

Tôi lần khân vì muốn ngó mặt con Cúc cho đã. Dưới ánh đèn chao chao cặp má bánh bầu của nó càng thêm mờ ảo. Môi nó tươi ướt thấy muốn cắn. Vậy mà nó cứ bơ bơ cười nói với mấy đứa kia coi như không có tôi ở đây. Phải nó cười với tôi một cái chắc thế nào đêm nay tôi cũng gom sòng. Vậy mà… ‘Tiếc công se chỉ uốn cần, chỉ se chưa đặng cá lần ra khơi’. Tôi hớp đại đùa ly nước để xuống, tính nói lời từ giã.

Một đứa nào đó hình như là em thằng Hai Chí, lúc sau nầy tụi lóc cóc tấn lên tôi biết mặt mà không nhớ hết tên, lên tiếng:

- Ê Cúc! Bữa hổm mầy đi mua thuốc dưỡng thai Nhành Mai chi vậy, bộ má mầy sắp có em hả?

Con nhỏ xảnh xẹ:

- Mua cho chị mầy. Chị mầy lùi tôm thịt, có con chuột Tàu trong bụng.

Thằng kia coi mòi không ngán, nó dương Đông kích Tây:

- Hay là mầy mua cho bà Tư Lé (bà già nầy thường phụ với con Cúc cắt cỏ cho tôi để kiếm tiền thêm).

- Đừng nói xàm, bả già rồi, mua ba thứ đó để tế tổ mầy chứ làm gì?

- Vậy thì mua cho mầy rồi. Có cậu Năm đây luôn nè, chịu thiệt đi tụi tao tha.

Tôi xây xẩm thiệt tình, tụi nhỏ leo lên đầu cha tôi ỉa xuống khi nói câu đó. Tôi lạnh lùng:

- Tôi không phải là người để mấy em giỡn nha, đừng được mợi làm tới.

Tôi buồn thiu luồn trong mấy luống bông lài băng qua đường. Mình mẩy không rêm mà nghe bần thần khó chịu như muốn bịnh ngang xương. Rõ ràng. Mít đặc cách mấy cũng biết huống gì tôi, tôi rành sáu câu tụi nó quá. Tụi nó nói mò mà ám chỉ tôi khoái hay tằng tịu với con Cúc. Chưa ăn mà chịu tiếng oan rồi. Cái con quỷ đó biết đâu được. Thứ đồ con gái mới lớn rượn đực dàng trời. Bộ xà nẹo của nó với thằng Thìn mà không có “lang vân” thì cũng như lên võng không đưa lên đu không nhún. Thôi bỏ, kiếm mối khác, xa xa vậy mà khỏi bị biết tẩy khó lòng. Thìn tao nhường mầy đó. Chén kiểu ai thèm giành chỗ với chén đá. Cúc ơi, “bần gie đơm đớm đậu sáng ngời, lỡ duyên tại bậu trách trời sao nên”. Nhà thằng Hai Chí treo đèn măng-xông sáng trưng đằng xa ngó cũng thấy, khác với ngày không có tay nhà nó đốt đèn con cóc lù mù lờ mờ như ma trơi. Chắc thế nào đêm nay cũng thua không còn tấm da mẹ đẻ. Ra ngõ gặp gái là một. Người tình ngó lơ là hai. Thiên hạ xỏ xiên là ba. Vậy mà sao tôi cũng vẫn xâm xâm đi tới vựa củi chớ? Thần cờ bạc linh thiệt. Lậm vô rồi không biết có ngõ bước ra. Đó là câu nói tôi nói với mình không biết bao nhiêu lần sau mỗi trận bạc bài.

***

Cô Út nhẹ nhàng giũ mấy giọt nước sau cùng còn sót lại trên từng trái cây khi từ tốn xếp thứ tự trên cái dĩa quả tử. Cái dĩa lớn xộn gần bằng cái mâm thau mà cũng còn coi bộ chật. Ba nải chuối sứ còn xanh mởn để dưới chót quây vòng gần hết dĩa, còn chỗ trống cho trái dừa… Rồi mấy thứ khác chất chồng lên theo: cam, quít, mận, bưởi…

Cô chăm chú, cân nhắc kỹ từng chỗ cho mỗi trái như khi cầm vòi tưới nước mỗi sớm mai. Nặng tay, bông rụng, ẩu tả gập ghềnh, cây trái đổ lăn cù từ trên bàn thờ xuống. Nhà không có con nít mặc dầu, nhưng mà cô biết tánh anh mình, ngang tàng, ăn đồ trên bàn thờ là thường. Ảnh bóc một trái quít hay một trái cam lủng một lỗ trên dĩa quả tử thì cũng được đi, có khi cả đống cây trái theo nhau lăn xuống.

Cô nói với má con Cúc đương đứng xớ rớ đợi chủ sai biểu sau khi đã quét láng bộ ngựa.

- Dì Tám coi được không? Nhờ thằng Thìn hồi sáng đi chợ mua về hai chùm sung nên màu sắc cũng nhịp nhàng mà lại thêm ý nghĩa. Hai cái dĩa bàn thang đựng trái cây còn không hết. Tôi tính chiết ra một mớ đựng đỡ trên cái dĩa chưng để tối nay cúng trời ở ngoài bàn ông thiên. Ba mươi rồi. Dì thấy tôi tính có phải không, nải chuối sứ nầy cuối quài nên nhỏ để cúng bàn ông thiên cho rộng chỗ.

- Năm nay chắc xóm Vườn Lài mình làm ăn khá. Cây sung chỗ hẻm đâm ra miệt trường mù trổ trái quá xá cỡ, che hết thân cây, phủ kín gốc cây. Dòng sung trái trổ trên thân, biết là vậy rồi mà dòm cũng còn thấy lạ.

- Cô Út nói tôi mới nhớ, tháng trước đi qua đó, dòm sung rụng đầy sân, ước phải chi gần Tết xin ông chủ mấy chùm về chưng ba ngày Tết.

Cô đưa trái dừa cho người giúp việc.

- Dì Tám đem ra sau vạt mặt giùm tôi trái dừa nầy. Để nguyên vậy cúng ông bà không hưởng được. Anh Năm giống hịt như ông già tôi. Nhờ chút mà ảnh cứ cãi nói là cúng thì cúng vậy chứ ông bà nào ăn. Vạt lớp vỏ cứng chừa lại lớp cái để che không thôi để trên bàn thờ ngã đổ.

Cô cười nhẹ:

- Sự vong như sự tồn. Người chết cũng như người sống, mình ăn uống được thì ông bà mình ăn uống được.

Dì Tám cười cười đi ra nhà sau. Tánh đơn giản dì không thể quả quyết ai đúng ai sai, vạt mặt thì vạt, không vạt thì thôi, chưa bao giờ dì nghĩ tới chuyện ông bà có hưởng hay không hưởng. Đưa trái dừa đã vạt xong xuôi cho cô chủ dì nói như một nhận xét:

- Nhà chỉ còn có cô với cậu Năm mà coi bộ ý kiến anh em chỏi như mặt trời mặt trăng.

Cô Út chùi chùi trái quít đương cầm trên tay lau vô cái khăn lông, trả lời hiền từ:

- Ừ! Tánh ảnh vậy đó. Nói lấy được, bất kể. Ai mà không biết thì tức chết. Mà biết tánh ảnh thì thôi bỏ qua. Cãi lẫy ích lợi gì đâu? Chín bỏ làm mười cho êm. Máu huyết không, ai vô đó?

- Cô được nết quá nên mới nói vậy chớ cậu nói nhiều câu tôi là kẻ ăn người làm mà nghe còn muốn nổi máu sản hậu lên.

Dì ngó chung quanh, lấm lét:

- Đàn ông con trai gì mà… Hỏng bằng cái móng chưn cậu Tốt. Người ta nho nhã, biết phải quấy. Tiếng Tây tiếng u bật rót rót…

Cô Út để trái quít chót lên dĩa, bước thụt lui một bước ngắm nghía xâm xoi công trình của mình rồi chuyển đề tài:

- Dì Tám nghĩ sao? Hay là tôi để mấy trái quít phía bên nầy đẹp hơn?

Người đàn bà cười cười bối rối:

- Cô Út nhè tôi người mù mà hỏi đường. Tôi thấy xếp sao cũng đẹp hết. Cô có hoa tay chớ đưa tôi, tôi rị mọ cầu tới mai mới rồi mà còn dị hợm lắm. Tôi có thử làm rồi.

Dì Tám ra sau nhà bếp, lấy cây chổi trở ra phía ngạch cửa quét nhà. Quét ngược từ ngoài cửa vô trong, gom rác lại thành đống ở khạp gạo, khi nghe tiếng cô Út kêu nhờ giúp một tay.

- Biết tánh cô kiêng cữ tôi đâu dám quét nhà ra ngoài. Phải quét trở vô.

- Có kiêng có lành. Cãi ông bà đâu ích lợi gì.- Cô đổi giọng vui vui, - Dì Tám coi nè, thằng Thìn bị bà nào ngoài chợ gạt bán cho hai trái mãn cầu Xiêm tháp bình bát mà bả nói ngọt thanh. Thứ nầy tốt mã nhưng rã đám. Lạt nhách, rẻ mạt.

Người đàn bà mỉm cười không ý kiến. Hai người hè hụi khiêng dĩa trái cây bự xộn để lên bàn thờ. Cậu Năm ngoài cửa xăm xăm bước vô.

- Ha! Đẹp dữ ha. Hai người có hoa tay dữ. Để trên bàn thờ dầu ông bà không muốn ăn cũng bắt thèm.

Cậu bóc một trái quít ngon nhứt. Hai ba trái để gá ngỡi lên trên lăn đùn xuống. Cậu chụp lượm lia lịa rồi đưa lại cho em, cười cầu tài:

- Xin lỗi nhe. Bóc rồi mới nhớ nhà chưa cúng. Thôi coi như khi đi chợ không có mua trái nầy đi.

Dì Tám Sanh dọn lẹ xung quanh gọn ghẽ rồi bưng mớ dĩa dư ra ngoài sau bếp, thúc thúc làm chuyện gì đó rồi ở dưới đó luôn. Thấy cô Út làm thinh, cậu Năm đánh tan không khí đông đặc giận hờn.

- Cúng kiếng là để tỏ bày lòng thành với người đã khuất mặt. Cúng kiếng giỗ quảy là để nói với bà con chòm xóm chung quanh là mình cũng không đến nỗi bỏ phế hương tàn khói lạnh bàn thờ ông bà chớ ông bà nào bắt mình phải cúng mấy trái quít, mấy trái cam đâu. Cô Út thấy phải không?

Cô Út cười gượng:

- Mấy chuyện đó thì khó nói lắm, làm sao biết trúng thật. Mà bữa nay sao anh về sớm quá vậy. Bộ ba mươi chạy không có khách sao?

- Trời chưa đứng bóng thiên hạ đã rút vô nhà hết. Đâu có ai mua bán gì nữa. Út… cho tao mượn 500 ăn Tết coi. Năm nay tao không có cắc nào hết. Xe cộ ế quá. Lại phải đóng 2, 3 cái hụi chết.

- Anh giỡn hoài. Tiền đâu em có. Bán hết lứa bông rằm tháng chạp, bán luôn lứa bông Tết mới được 800 trả tiền công, tiền phân, tiền chạy thuốc cho tía, tiền nợ tía mượn hồi đó, còn chút xây xài trong nhà. Tiền đâu mà đưa cho anh 500?

- Tao mượn rồi tao trả chớ bộ.

- Anh trả. Hồi đó tới giờ anh trả mưa mứa, đồng lặn đồng mọc, đưa anh bao nhiêu tiền nát bét hết trơn lấy lại nguyên được đâu. Hai năm nay đâu để dành được cắc nào. Nhiều khi tới tháng còn không có tiền trả cho ông Bảy với dì Tám. Người ta kẻ ăn người làm mà mình thiếu, mắc cỡ thấy mồ.

- Mầy dài dòng quá. Bỏ cái chuyện người ăn người làm qua một bên đi. Có, đưa tao mượn đỡ 300 ra ngoài ngày tao rán chạy xe thêm tao trả góp. Một tháng thì hết chớ gì. Tao nói danh dự đó.

- Còn có trăm rưởi. Anh lấy thì lấy. Không thì thôi. Anh đem bán tui cũng không có xu nào nữa đâu.

Im lặng ngột ngạt đâu chừng mấy tíc tắc đồng hồ. Rồi có tiếng cười nịnh cà-hệch, cà hạc, giả lả, tiếng thở ra, tiếng đếm tiền nho nhỏ giọng nghẹt mũi, tiếng tiền mới xột xoạt. Khuôn hình người đàn bà ngồi thẳng lưng trên cái ghế bành tượng, hai bàn tay để trên chỗ gác tay, xòe đủ mười ngón với ba cái cà rá cẩm thạch, mấy sợi dây chuyền dài phủ gần hết bờ ngực, có khuôn mặt thiệt phước hậu ở giữa bàn thờ dường như nhăn mặt khó chịu và hình như có nước mắt long lanh hoen mi.

***

Ở đời có nhiều chuyện tức trào máu họng, bởi vậy tôi hiểu như đi guốc trong bụng mấy ông tướng trong truyện Tàu tại sao lại tức ói máu ra cả chậu rồi ngủm củ tỏi. Nhiều khi tôi cũng muốn được như ông Châu Do thiên sanh Do hà sanh Lượng ọc ra một thau rồi thẳng cẳng đi luôn cho khỏe. Khỏi khổ. Khỏi lo. Khỏi nhục. Ai đời rớ đâu thua đó, làm gì cũng hư cũng trật. Ông già tía ổng la ổng khi dễ thì cũng được đi. Con em gái nó làm ăn chắt mót củi lục nên có nhắm mớ để dành khi túng ngặt tôi mượn phần nhiều là hổng cần trả đúng ngày, cũng không cần trả đủ, nên nó cằn nhắn cửi nhửi thì cũng được đi. Tới mấy người ở đợ là kẻ ăn người làm trong nhà mà nhiều khi họ cũng khi dễ ra mặt. Thứ đồ ở đợ, lọt vô nhà khác chủ địt một cái cũng phải dạ vậy mà họ gặp tôi họ bét bét ra cái chỗ khác. Biểu cái gì cũng dạ dạ, không thèm cãi, nhưng mà nhiều khi “đấm đách” làm. Hỏi tới thì đổ thừa ông, đổ thừa cô. Hỏng hỏi tới thì làm thinh cho qua hôm.

Đời nghèo nó chó vậy đó. Biết vậy muốn sửa mà trời cũng hỏng cho sửa. tính trong bụng ngày Tết này cho họ mỗi người chừng độ 5 đồng để lấy tình cảm mà hồi tối thua hết tiền dành dụm cả tháng chạy xe ngựa. Đã vậy còn thua thêm để phải ký chồng vô giấy nợ. Cho tới bây giờ thì để đó cho có nhưng mà nhiều quá cũng ngại. Biết đâu chừng họ trở quẻ. Với lại, thiếu nợ đánh hết sướng nhiều khi ăn bao nhiêu họ trừ mẹ vô tiền nợ. Đánh buồn ngủ như đánh bài ăn ừ. Mà bỏ thì hổng được. Ngứa tay ngứa chưn phải tới sòng. Sâu cờ bạc còn hơn sâu rượu, còn hơn ghiền á phiện. Sòng mở mà mình không tới thì sâu nó cũng hành khó chịu. Làm gì cũng không yên bụng. Bồi hồi bối rối trong lòng như đánh cờ vây, như đàn bà bị mắc đàng dưới. Ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Thêm ý muốn gỡ cũng thúc kéo mình tới sòng bài nữa. Như hồi chiều hôm qua, mới đánh xe ngựa về. Tháo ách ngựa ra chưa kịp làm gì hết con của thằng Hai Lé chủ sòng “cu-di” ở vựa củi kế bên chùa Hưng Long đã nháy nhó là tối nay có mấy người ở Chợ Rẫy tới gầy sòng. Vậy là khỏi quần ngựa, cứ bỏ lúng ngựa vô chuồng, vậy là khỏi kiểm soát coi con Cúc cắt cỏ đủ không, nước nó đổ đầy không, tôi chạy đi xối mình mẩy ba gáo cho có tiếng là tắm rồi lên nhà trên tính và ba hột mau mau, uống nước ào ào rồi chạy đi chơi.

Vậy mà trong lúc ăn tôi như mất hồn. Ông Bảy nói gì tôi cũng không biết. Con Út nó hỏi gì tôi đâu có nghe. Dường như nó nhờ tôi ăn xong vạt mặt mấy trái dừa cho nó để chừng nào rảnh nó sắp lên hai cái dĩa bàn thang để trên bàn thờ cúng ông bà đêm ba mươi. Tôi từ chối bằng lý lẽ gì đó nói vậy cho có vậy mà. Để ăn xong ba hột là vọt liền. Thời giờ là vàng bạc mà.

Dòm cái bàn tay có ba cọng gân nổi lên tròn như ba sợi đậu đũa của ông Bảy đưa đưa chậm chậm gắp mấy cái bông bí luộc, tôi mường tượng thấy ngón tay trỏ của thằng Hai Lé đưa chầm chậm run run lâu lâu lại ngừng lên một con nào đó của dãi tướng sĩ tượng, xe pháo ngựa xanh, đỏ. Nhớ tới chuyện đánh cu-di tôi như mở cờ trong bụng. Muốn đánh ăn thì phải biết bắt tẩy cái thằng xổ. Tôi thì tôi biết thóp của thằng Hai Lé. Tay nó run run trên con nào chém cha tôi cũng không đặt trên đó mà đặt con cách đằng xa. Nó mà lướt qua mau con nào thì bắn súng cái đùng tôi cũng đặt con đó. Tôi bắt nét mặt nó tài lắm. Khi một chút thịt trên mặt dưới mắt trái nó giựt giựt thường là nó xổ lại con mới xổ cách đó một hai bàn trước.

Biết tẩy nó, tôi ăn nhiều trận quá xá thợ mộc. Đặt một trúng mười mà tôi cứ trúng lia chia. Vậy mà cuối cùng tôi thường bị cháy túi vì gần sáng tụi nó đổi qua “đánh me”. Me của nhà thằng nầy nhiều khi kỳ nghĩ không ra. Dám đi một mạch tới cả chục lần liền. Hồi hôm tôi cháy túi là vì nó đi 4 lần rền. Lần đầu cửa yêu đi 5 lần, độ vài bàn nó sang túc 6 lần rồi trở lại yêu 11 lần. Cái điệu nầy có đứa tán gia bại sản chớ hỏng phải chơi. Gần sáng nó đi cửa lượng 10 lần. Nhà cái gom hết, ai cũng thua đậm không còn một xu dính túi. Cay quá tôi ỉ ôi mượn thêm 300 cũng hết, lúc kiểng nhà thờ Chợ Quán đổ thì rã sòng ai nấy thất thểu ra về.

Sao mai đã mọc sáng ở hướng Đông, tôi lội trong đám bông của con Út mà đi xiểng niểng, cặp chưn như làm bằng giấy, yếu thiếu điều muốn ngã trên đống phân ngựa nó ủ rơm trên mặt để dành. Phải ngủ một giấc rồi tới đâu tới. Mệt quá rồi. Thức trọn đêm tim đập thình thình. Sương đêm giáp Tết lạnh thiệt. Tôi rùng mình mấy cái, nhảy mũi liên tu trước khi kịp chui mình vô mền trùm tấn đầu cổ kín mít. Phải ngủ một giấc thiệt lâu mới được. Thức đêm kiểu này mình đồng da sắt cũng ngã… nằm xuống vun vai một cái thì mí mắt kéo xuống không còn biết gì nữa. Đâu đó một giấc, ngó ra thấy trưa trờ trưa trật nên tung mền thức dậy. Qua bên nhà giữa coi chuyện Tết nhứt tới đâu rồi. Nếu thấy thuận tiện khảo con Út một mớ để gỡ. Cậu không có tiền cậu nằm nhà làm sao chịu được. Cả hai năm nay ông già bịnh nằm trong nhà trong, mọi chuyện con Út lo hết. Tôi về cơm nước có sẵn, quần áo bỏ ra cho dì Tám hay con Cúc giặt giùm, tới tháng cho thêm nhắm mớ, lúc nào thua quá thì làm lơ. Họ thì không mở miệng kêu rêu gì nhưng trong bụng chắc cũng không ưa gì.

Chuyện đó càng rõ ràng hơn khi qua nhà thấy dì Tám Sang má con Cúc đương dương môi múa mỏ nói xấu tôi đủ điều nào là nhiều khi nghe tôi nói dì muốn nổi máu hậu sản. Tôi chọc giận thiên hạ dữ vậy sao? Hay là tại tôi không có tiền cho? Dì khen con Út được nết, ý muốn nói tôi mất nết, tầm bậy, tầm bạ cờ bạc thâu đêm suốt sáng, tiền vô cửa trước ra cửa sau, không biết giữ, không lo tu tỉnh làm ăn… Vậy mới biết thiên hạ sợ trước mặt, đấm c. sau lưng, làm bộ nể nể, cậu cậu, nói vuốt đuôi theo mình, chứ để họ tự do nói điều họ nghĩ thì còn lâu! Vậy mới biết lòng người. Nghe dì nói vậy là tôi biết chuyện tình duyên của tôi trắc trở rồi. Bà già vợ nói xấu chàng rể ghe tàu chở không hết kiểu này thì còn lâu bả mới chịu gả con. Dầu cho con Cúc đành mà bả không đành thì cũng như gáo nước nhỏ tưới lửa thành đâu tan. Thôi chuyện con Cúc để qua một bên. Không có kí lô cờ-ram nào với bả thì ráng chịu, mình làm chứ ai vô đó. Mà nó có sắc nước hương trời gì đâu. Nước da bánh ích. Tại nó mới lớn nên coi ngồ ngộ vậy chớ cỡ nó ngoài chợ hằng hà. Thiếu gì. Muốn cao hơn, trắng trẻo lịch sự đứa hơn thì không có chớ cỡ nó, ghe tàu!

Chuyện cần bây giờ là có tiền để đi gỡ trận hồi hôm. Mấy chuyện khác để qua một bên. Tính sau. Phải khôn mới được. Phải nhịn nhục. Bất bình cũng cứ dửng dưng, cũng đừng liếc xéo cũng đừng cười khi. Tôi nói trong bụng như vậy nên nghe hết mà tôi làm bộ giả đò như không nghe, tính tuồng bóc một trái quít ăn.

Tôi biết thế nào nó cũng la vì chưa cúng ăn vậy không nên. Vậy mà trật lất, nó làm thinh, tỉnh rụi. Bà già vợ Tám Sang rút dù ra ngoài sau. Tôi nói bậy bạ câu gì đó cho có lần nữa. Nó cũng làm thinh như câm. Tôi thất vọng, điệu này làm sao mình mở miệng mượn tiền. May quá nó hỏi sao tôi đi xe về sớm.

Tôi nói láo trơn như mỡ là bữa ba mươi thiên hạ tan chợ sớm, chạy đâu có tiền. Rồi tôi mượn tiền nó. Phải nói gãy lưỡng tiền mới lòi. Khi đưa tiền, cái bộ mặt của nó như bún thiu, tôi thấy cũng bất nhẫn. Mà kỳ quá, cái hình của bà già tôi trên bàn thờ thường ngày tôi đi đâu bả cũng ngó theo, tôi quen rồi không có gì đáng chú ý. Dân xe ngựa mà đâu có yếu tim, nhưng bữa nay hồi tôi cầm tới số tiền, tôi nghe như ai đổ nước đá vô sóng lưng, tôi rùng mình ớn lạnh ngó lên bàn thờ, như là bả nhăn mặt rầy tôi hồi nhỏ, một giây thôi, tôi mọc ốc cùng mình, hai cặp mắt tấm hình bả rướm nước mắt như mấy người đàn bà bị chồng bỏ, gặp tai nạn dàng trời, hay có con hoang đàng hư hỏng, chửi cha mắng mẹ gì đó. Tôi còn mài mại nghe như có tiếng thở dài. Quen lắm. Không thể lầm được. Tiếng thở dài nhẹ, nghe buồn thúi ruột. Tiếng thở dài 5 năm trước mỗi khi nghe là bả biểu gì tôi cũng làm. Năm năm nay không còn được nghe nữa. vậy mà lúc đó tôi nghe phát ra từ trên bàn thờ, sau tấm khuôn hình, tôi cảm thấy mình tội lỗi ngút đầu. Thua thiếu tứ giăng đến lúc nào đó không còn vùng vẫy nổi tôi sẽ làm bậy, sẽ lụn bại, không ra gì, lết bằng mo, bò bằng mủng, đầu đường xó chợ ăn mày ăn xin. Má tôi rầy đó… Tôi móc tiền ra tính trả lại con Út rồi tu tỉnh làm ăn nhưng nghĩ sao đó tôi bỏ vô túi lại. Chơi cho đã cái ngày Tết này rồi nghỉ cũng được. Tôi đi thẳng qua nhà thằng Hai Lé.

***

Cô Út cặp mắt sâu quắm, đầu chụp cái khăn rằn sọc đỏ đã xuống màu lợt lạt, để ló ra ngoài trước lúa túa mấy sợi tóc con coi bộ cũng đã bớt đen, từ tờ mờ sáng tới giờ thẫn thờ đi xuống đi lên khu vườn cũ. Sao mà lạ quắc lạ quơ. Sao mà nghe lạnh lẽo không còn cái ấm cúng ngày xưa mỗi sáng tưới bông. Không còn nghe cái thân thiện nao nao của những ngày lội trong vườn thơm, tước lá hay chặt thơm với chú Bảy đếm cho thiên hạ chở đầy xe cá này sang xe cá kia ra chợ Bình Tây.

Khác cảnh đã đành, còn nghe khác không khí nữa. Nghe ngộp ngộp như không đủ không khí để thở. Mắt đỏ hoe như muốn khóc. Cô lạ lùng ngó con đường bây giờ đã tráng nhựa thẳng thớm hơn, bóng láng hơn ngày trước bội phần. Hồi nào hàng dầu bên đường còn nhỏ xíu, trồng ở trong lồng, được cột dựa vô một miếng ván nhỏ mới đứng vững được, bây giờ cây đã lớn xộn, bự tròm trèm bằng thân hình một người lớn đương ngóng ngọn lên trời như giỡn hớt với không trung. Chỗ vườn thơm, nhà cửa chen lấn thiếu điều cỡi lên lưng nhau, lại có một con đường trải đá đỏ xuyên ngang, đi thẳng vô chỗ đám mà hồi trước thằng Thìn ưa quần lội bắt dế sau những buổi mưa tạnh hột.

Khu vườn lại còn khó định chỗ hơn. Mấy cái nhà lụp xụp thì còn đó, cái nhà lầu cây tiệm may của vợ chồng ông người Bắc thì cũng còn nguyên, chỉ khác là tấm bảng tiệm may đã hạ xuống, mà cái vườn kế bên thì biến mất tăm mất tích. Bù vô là một dãi nhà lầu ba từng dài dọc có tường cao bao bọc chung quanh. Cái cửa sắt chềnh dềnh khép kín mà hình như là có lính gác nữa. Nói chung, nhà cửa ở đây coi vừa phảng phất hồi đó vừa coi bộ khá khẳm hơn. Người đi đường như đông đúc hơn mà ngóng mỏi mắt không thấy mặt nào quen. Biết chắc như một với một là hai đi từ Ngã Sáu đi qua khỏi chùa độ năm trăm thước, bên kia đường là khu vườn lài cũ của mình, còn bên này đường là khu vườn thơm mà sao cứ ngại ngại nghi nghi không dám đề quyết. Cô ngó chăm chăm dãi nhà lầu một đỗi hèn lâu như để trả lời mấy câu hỏi có thể nhảy ra trong đầu rồi ngó xuống đất thở dài.

Dãi nhà lầu tấp nập khách ra vô ồn ào náo nhiệt tiếng cười thương nữ ngó xuống người chủ đất cũ như thở dài như chọc tức. Kế bên cửa sắt, giơ đầu dưới trời nắng chang chang một người đàn ông một mắt ngồi trước một thùng thuốc lá lẻ, trên mặt thùng mấy bao thuốc không làm mẫu chịu đựng nắng lâu ngày đã đổi màu nhợt nhạt nhăn nhó, coi cũ mèm nghèo nàn.

Người đàn ông tật nguyền ngó cô Út chăm bẳm một hồi như ngờ ngợ, như muốn kêu nói một điều gì nhưng rồi nuốt nước miếng ngó xuống cái chưn mặt của mình, đưa tay gãi gãi một mụt ghẻ hòm lớn đại được đắp bằng hột lịch đã khô đang đổi sang màu đỏ sậm.

Văng vẳng trong một căn phòng nào đó cao tuốt trên lầu một giọng đàn bà trẻ, ca bài ca cải cách kiểu giang hồ, giọng ca bà chả bà chẹt thiệt nhà quê khó cảm:

Cô mười cô chín hai cô anh muốn cô nào,
Có muốn dắt đi đừng cho má cổ hay.

Hai người đàn ông cặp kè vai nghiêng ngả bước ra, người nầy lầu bầu với người kia:

- Mẹ! Tao đâu thèm dắt một, tao dắt hết, có tiền mua tiên cũng được, nhưng mà hồi đó kìa. Bây giờ vô đây thiếu gì con ngon. Họ tuyển ở đâu mà gái chiếng không, lần nào vô đây hú hí rồi về cũng muốn thôi vợ. Hèn chi hồi đó nghe tin mở Bình Khang thiên hạ ngóng cổ cò chờ hoài…

Ai đó giọng sành sỏi:

- Hồi đó chỗ nầy là xóm Vườn Lài. Đi ngang qua mùi lài thơm phức. Bên kia đường là cái vườn thơm. Thơm còn ngọt hơn thơm Bến Lức. Của một chủ. Họ ngu bỏ mẹ, trồng mấy thứ mắc dịch đó huê lợi đâu có bao nhiêu. Chủ mới khôn hơn nhiều. Làm ăn ba cái vụ nầy tiền vô như nước. Thời buổi nào lại không có người muốn nghe tiếng đàn réo rắt của ca kỹ bến Tầm Dương?

- Anh dân chơi mà nói nghe bất thông. Chủ mới là trùm anh chị đó. Công An Xung Phong gác cửa lềnh đó không thấy sao? Yên bụng chuyện nầy chuyện kia cũng là nhờ ông ta đó. Thế thần lắm mới mua được đất tống chủ cũ đi. Mạnh ngang trời mới chạy được cái giấy phép hái ra tiền nầy.

Cô Út kéo mí khăn lau mắt. Chuyện đời sao như có ai lấy trấu xát tới xát lui vô dạ. Cảnh tung tăng chạy giỡn ngày trước luồn trong mấy luống bông, cảnh giơ cao bình tưới tiếp nhựa sống cho những đóa hoa mơn mởn, cảnh dàn bông thơm ngát ngút ngàn, cảnh tấm thảm dát bạch ngọc lúc đầu ngày bay nhảy chập chờn trước mắt. Cảnh anh Hai bỏ mạng vì con rắn hổ lửa cắn thầy thuốc rắn đem thuốc giải với lá lưỡi cọp tới trễ nên sùi bọt mép. Cảnh anh Ba xớ rớ sao mà đạp đinh hàng rào chỗ chuồng ngựa mấy bữa sau bị phong đòn gánh vật, tất cả như những bức họa trên nền xám từ từ chạy lại như thể sẵn sàng úp vô mặt cô. Cô như lên cơn, nói lảm nhảm một mình:

- Anh Năm thấy chưa, tại anh làm bậy nên gia đình mình tan nát hết. Cái vườn của ông bà mồ hôi nước mắt bốn chục năm nay, sanh mạng hai anh mình trong đó. Một đời cha mình đổ mồ hôi dựng nhà dựng cửa, bây giờ anh làm cho vô tay người khác để họ làm chuyện trời thần.

Một chiếc xe autobus treo bảng Chợ Lớn-Bình Tây ngừng lại bên kia đường. Cô lụi xụi bước qua lộ, leo lên xe, dáo dác kiếm chỗ ngồi. Mấy năm ở rẫy bái bây giờ cô như ngại ngùng văn minh thị thiềng. Người đàn ông bán thuốc lẻ dòm chăm bẳm theo cô Út lần nữa, mắt nháy nháy, nhỏm đít lên ý như muốn chạy theo kêu nhưng rồi lại ngồi xuống khi bóng cô khuất bên trong xe.

- Không biết rồi mình còn về thăm lại cuộc đất nầy bao nhiêu lần nữa. Buồn thúi ruột. Nhớ quá nên lặn lội, nhưng về thấy tang thương biến đổi càng đau.

Một đứa học trò nhỏ, áo bà ba trắng, tóc kẹp ngồi cùng băng lõ mắt ngó sững người đàn bà đi cùng chuyến xe đương ngồi láp dáp một mình.

***

Bao nhiêu năm nay tôi thường chiêm bao thấy mình đương ở trong căn nhà cũ. Tôi thấy mình tưới nước bông lài buổi sáng sớm mai. Tôi cảm nhận được rõ ràng mùi bông lài thơm nhè nhẹ trong không khí, một mùi quen thuộc mà tôi không thể nào gặp được bất cứ chỗ nào. Tôi thấy mình rửa cẳng, kỳ cọ chỗ đất có trùng đùn. Thấy ba má anh Hai anh Ba đủ hết mà không thấy anh Năm. Thấy tôi khom khom sới phân ủ để ra luống mới. Vía tôi nói với tôi: Ủa, vườn nầy anh Năm ảnh làm giấy tờ giả ký tên ông già để lại trọn gia tài cho một mình ảnh rồi ảnh bán cho thiên hạ lâu rồi mà. Cả mười mấy năm rồi. Vía tôi cũng nói tôi đương ở Mỹ Tho chớ đâu còn ở xóm Vườn Lài nữa. Vậy mà tôi vẫn vui vẻ tưới nước, xới phân từng luống từng luống, chăm chỉ và sung sướng với công việc của mình.

Ba tôi kêu mấy đứa con lại đứng xung quanh rồi ông rờ đầu tôi nói vườn nầy là của chung anh em tụi bây. Giữ thì anh em đoàn tụ, không giữ thì trôi sông lạc chợ chia lìa mỗi đứa một nơi, có khi còn không bao giờ thấy mặt nhau…

Cứ ba cái chuyện cũ như vậy của lúc ở Vườn Xoài mà tôi thấy đi thấy lại hoài, chuyện tôi với con Cúc đi bán bông, chuyện phơi bông, chuyện bẻ thơm đếm cho bạn hàng, chuyện thằng Thìn bắt được con dế cơm bự xộn nó hí hửng đem khoe bị tôi biểu thả nó buồn thỉu buồn thiu… Bữa nào thấy chiêm bao kiểu đó thì sáng thức dậy lòng buồn dã dượi cả ngày, ước sức muốn chạy ngay lên Sài Gòn thăm lại miếng vườn cũ.

Cái thằng cha bán thuốc điếu sao coi giống anh Năm. Nhưng sao lại có một mắt hà? Không lẽ ảnh bị tai nạn gì đó? Mà thôi phải - không gì mặc kệ. Nhìn làm khỉ gì cho mất công, tình nghĩa gì nữa. Ủa sao bao nhiêu năm nay mà chỗ nầy vẫn còn bay mùi thơm bông lài? Bộ cái mùi nó núp sẵn trên hàng cây dầu chờ tôi về bu lại mừng sao chớ? Dám lắm à. Thơm như hồi đó, có khác gì đâu. Cái mùi thoang thoảng nhẹ khi tảng sáng sương còn chưa tan.

Thấy thiên hạ tấp nập nhớ tới lúc còn đi bán bông. Ai mà hỏi chọc chớ bông lài nầy có cặm bãi cứt trâu không thì in như rằng con Cúc sẽ liếc háy người ta nói móc họng hay xỏ xiên gì xa gần. Lúc đó tôi chỉ cười cười phân trần rằng đừng coi là cứt trâu thuần túy mà nên coi là phân đi. Phân đem sức sống lại bông lài. Bông lài cần được cắm vô phân trâu đó. Bây giờ đây kiếm đỏ mắt một người chọc gái kiểu đó cũng không có. Tôi là nhánh bông lài không những bị tước bỏ phân cứt trâu mà còn bị rứt ra khỏi chậu đất tôi bén rễ đâm cành từ ngày mới lú lên cặp lá đầu tiên. Tôi nhớ đất nhớ phân nên héo hon gầy guộc tàn tạ chờ ngày nằm xuống như một cây khô không hương. Bây giờ tôi là thứ không còn ai ngó tới huống gì người buông lời ghẹo ngọc trêu huê?

***

Xe rồ máy thổi vọt một cuộn khói đen xì đằng sau đít rồi từ từ nhích bước trước khi vô tốc độ, giống như một con heo bị đuổi, đủng đa đủng đỉnh bước đi không tỏ chút gì vội vàng. Trận mưa chiều đổ ụp xuống nhạt nhòa cảnh vật. Qua lớp kiếng đục trầy trụa, cô Út ráng hết sức bình sanh thâu vô mắt lần chót hàng cây dầu đương độ lớn - dãi nhà lầu có tường bao xung quanh - rue Pierre Pasquier - Hưng Long tự - rue Frédéric Drouhet - nhà máy đá với hãng rượu la-de con cọp…

Mưa càng lúc càng lớn. Như cầm tỉnh mà đổ. Cái chéo khăn rằn sọc đỏ nhích lên lướt nhè nhẹ qua lại trên mắt người đàn bà luống tuổi, thân ái.