Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









CHÂN TRỜI CỎ NON


H ai bảy tết. Trong nhà ngoài phố rộn rực không khí sắm sanh, bày biện.

“Làm cả năm ăn ba ngày tết”. Chẳng biết câu khẩu truyền ấy có tự bao giờ, mà cứ mỗi khi năm hết tết đến là nhà nhà sắm sửa, người người lo toan. Cứ như cả năm chưa từng được ăn, cả năm chưa từng được mua sắm. Chỉ có ba ngày mà thôi là các thứ. Cái gì cũng thích mới mẻ, sáng nhoáng, tươi tắn. Không khí trong nhà đầu năm có rực rỡ sáng sủa thì cả năm mới ăn nên làm ra, con cái trong nhà mới khỏe mạnh tấn tới, vạn sự trong nhà mới suôn sẻ mát mẻ. Nghĩa là bao nhiêu thứ ước muốn cho cả một năm tròn phía trước cứ như gửi gắm cả vào những ngày này vậy. Dẫu những tháng ngày của cái năm sắp hết này có những gờn gợn, có những đùng đục, có những trầy trật thì cũng đánh một cái chép miệng, đánh một cái tặc lưỡi, đánh một cái thở khì “thôi thì… cái cũ đi cái mới sẽ đến thôi, qua trường qua đoạn rồi lại hanh thông hoạn lộ ấy mà”. Ước muốn! Vâng những ước muốn như những giọt dầu chêm vào ngọn đèn cho đốm lửa lại bừng lên lấp lóa, như những làn hơi rút căng buồng phổi cho một cuộc đua tiếp sức lại bền bỉ mà bươn về phía trước. Nếu không thổi một luồng khí khát khao vào chung ngọn gió giao mùa này, thì chắc sẽ chẳng thể nào xua thốc đi những mây mờ hoen mắt cũ, để lại long lanh ánh ngước dõi lên bầu trời trong xanh với từng cụm mây trắng tinh tươm đón nắng. Những ngày mới luôn đầy ắp niềm tin trong mỗi bình minh thắp sáng vừng đông, để lại bao chim muông hoa lá trỗi lên bản đồng ca dạt dào phức điệu mùa vui, để lại ngút ngát đến tận chân trời một màu cỏ non phơi phới, đón chào sức sống, niềm tin và bao ước vọng của những cuộc đời rời rợi sắc tin yêu.

Thiên Ân vừa cúi xuống định nhặt cây phất trần, thì phải vội đứng thẳng lưng, hai tay đỡ lấy cái bụng tròn to ộ ệ, mặt khẽ nhăn vì một cảm giác đau dội lên từ đâu đó. Thiên Ánh chợt nhìn thấy la lên:

- Đã nói là ngồi yên một chỗ đi, cứ loay hoay hoài, coi chừng cái bụng đó. Làm sao để ráng mấy ngày nữa cho em bé ra đời vào mùa xuân chứ mà tọt ra mấy ngày này thì mệt lắm à nha.

Thiên Ân cười:

- Chị yên tâm đi, em chỉ thị cho nó rồi. Con mà không nghe lời mẹ là mẹ không yêu đâu.

- Ờ, mong sao nó dễ dạy rứa cũng đỡ.

- Trẻ con mà dễ dạy quá cũng không hay. Vì như vậy nó sẽ kém phát triển về trí não. Tốt nhất là nghịch nghịch một chút, tinh quái một chút, ranh ma một chút, nhưng đừng có cứng đầu, hỗn láo là được.

Thiên Ái từ ngoài cửa đi vào, nói góp.

- À, Ái về rồi đó hả? Mua xong hết chưa?

- Sao mà đã xong được chị? Nhớ cái gì lại chạy đi mua thôi, mấy ngày này thì đi rạc cả chân ra. Úi trời! May mà một năm có một cái tết, chứ mà đến hai ba cái như vầy chắc chết quá.

- Chết gì. Nếu vòng tuần hoàn thời gian như rứa thì lại có những cách thích ứng khác thôi. Mày lên tầng hai coi má gọi gì kìa.

Thiên Ái bỏ những thứ vừa ôm về lên cái bàn rồi đi lên những bậc cầu thang. Thiên Ân vịn vào cái tay ghế, nhè nhẹ ngồi xuống. Cô nghe nghe động trạng trong cơ thể mình. Hình như có cái gì đó khang khác. Ơi con ơi! Con ráng ít ngày đi, chớ mà con đòi ra hôm nay thì khổ lắm. Mấy ngày này ai cũng như vận động viên chơi trò rượt đuổi hết, con mà thò đầu ra thì mệt lắm nghe con. Mẹ muốn con được ra đời trong một bầu không khí bằng an, thanh thản, cho đời con nhẹ nhõm đỡ chật vật. Chứ mẹ không muốn con phải đôn đáo ngược xuôi vầy đâu. Ráng nghe con. Thiên Ân cứ ngồi lẩm nhẩm trò chuyện với con, đứa bé như hiểu lòng mẹ, cũng êm êm dần cơn quấy quả. Bà Thiên Minh từ trên cầu thang bước xuống, ngó ngay sắc mặt Thiên Ân rồi nói:

- Nè, con có thấy gì khác lạ trong người không? Ngó sắc mặt mày tao nghi không ổn quá.

- Dạ, không sao đâu má. Con thấy vẫn thường mà.

- Không chủ quan được đâu. Con Ánh lo đi coi sắp đồ đạc sẵn cho em đi. Lỡ nó ối một tiếng là phải lo đi liền đó.

Thiên Ánh đến cạnh Thiên Ân, xoa tay vào bụng em:

- Con thấy bụng Ân còn cao lắm mà, con nghe nói, gần sanh bụng phải trễ trễ xuống cơ.

- Không chừng đâu. Cứ sắp trước cho yên tâm. Mấy ngày này đã chộn rộn bao công chuyện rồi, đợi đến lúc lại quáng quàng lên à.

Thiên Ánh nghe mẹ nói vậy thì quày quả đi sắp xếp các thứ vật dụng cần thiết cho cả bà mẹ lẫn em bé. Sao mà linh tinh đủ thứ. Thiên Ánh chưa làm mẹ nên cũng không biết rõ là cần những gì. Nhưng từ tháng trước, Thiên Ân và mẹ đã đi mua đủ các thứ rồi, bây giờ Ánh chỉ còn sắp xếp cả vào chiếc giỏ nhựa vuông thôi. Vừa làm cô vừa lẩm thẩm “Bé con ơi! Đừng có mà o e bây giờ nhé, có mà khỏi tết luôn đó. Ba mày đi công tác mai mới về. Thiệt là… đúng cháu bà nội tội bà ngoại mà”. Quang Trực, chồng của Thiên Ân là một chuyên gia trong một ngành thuộc lĩnh vực khoa học. Họ có nhà riêng ở Sài Gòn, nhưng Thiên Ân mới sanh lần đầu, nên về nhà mẹ trước cả tháng cho yên tâm. Lại là những ngày cuối năm, không thể để cô một mình với những gì sắp xảy ra. Nhà Thiên Ân lại toàn phụ nữ, có ưu điểm trong việc chăm sóc bà đẻ, nhưng lại hạn chế khi cần sự nhanh nhẹn xốc vác của phái nam.

- Con đang làm gì mà chăm chú vậy hả Thiên Thanh?

- Dạ con đang vẽ cây mai nè mẹ.

- Giờ nó chưa nở hoa mà vẽ gì, vẽ cây không có hoa đâu có đẹp.

- Thì con vẽ cái cây trước, mấy bữa nữa ra hoa con vẽ tiếp.

- Trời ơi trời! Lại còn có kiểu vẽ dài kỳ nữa chớ. Thôi đi ăn sáng đi cô nương. Trưa è ra mới dậy, ăn sáng thành ăn trưa luôn rồi.

Bé Thiên Thanh cố thêm mấy nét bút nữa rồi mới chạy ra tô bánh canh mẹ để sẵn. Bé lên bảy rồi nhưng chưa từng thấy mặt ba. Đôi khi bé hỏi, Thiên Ái nói tránh là ba đi công tác nước ngoài, không về được. Và bé cũng chưa đủ lớn để hiểu vì sao có những lúc bà ngoại vuốt tóc bé mà khẽ thở dài.

- Ái ơi! gọi cái taxi đi, nhanh lên.

- Vậy là thằng nhỏ này nó ham vui quá rồi, nó không đợi được mấy ngày nữa rồi. Tao nhìn mặt mẹ nó là nghi rồi mà. Con Ánh coi xách đồ xuống cho em đi. Đầy đủ chưa ?

- Má coi lại đi, con sắp hết mấy thứ má mua vào rồi đó.

- Coi nào… quần áo, tã khăn, băng rốn… báo, bình sữa… thôi đủ rồi đó, xe đến chưa? Hai đứa đỡ nó ra cửa đi.

Thiên Ân hai tay ôm bụng, mặt mày nhăn nhó, cô lệt bệt bước theo sự dìu dỡ của Thiên Ánh và Thiên Ái. Chợt một chiếc taxi xịch đến cửa, Quang Trực vội vã tông cửa xe nhảy xuống.

- Ôi trời ! Sao mà về đúng lúc thế hả?

- Dạ tự nhiên hôm qua con nóng ruột quá, nghi nghi nên con xin về truớc, đi xe từ tối qua má à.

- Đúng là cái dây cái nhợ của vợ chồng và con cái.

- Chị để em.

Quang Trực quăng cái cặp lên cái ghế rồi luồn tay đỡ vợ. Thiên Ân mỉm một nụ cười yên tâm. Chiếc taxi thứ hai trờ đến, đành nhận một lời xin lỗi. Nhìn theo chiếc xe, Thiên Ái lẩm nhẩm cầu khấn. Rồi cô bần thần nhớ đến cái ngày…

- Má, bác Ân làm sao vậy má?

- À, bác Ân đi sanh em bé. Con ăn xong chưa?

- Dạ rồi. A, vậy mai mốt con có em bé để chơi rồi.

- Ừ, mai mốt tha hồ con bế em bé bác Ân.

- Thôi, con hổng bế đâu.

- Sao vậy? Chứ con thích em bé lắm mà.

- Con thích, nhưng mà con chỉ dắt em đi được thôi, chứ con bế con sợ em té lắm. Bạn Thảo lớp con, bế em bé bị té, má bạn Thảo la quá trời luôn. Má, sao má không sanh em bé cho con?

- Tại con ăn tham quá mà, ăn hết phần em rồi, làm sao má dám sanh em cho con.

- Má… con đâu có ăn tham đâu, có em thì con nhường phần con cho em chứ.

Thiên Ái ôm con vào lòng, cô mỉm cười mà nghe mắt mình nong nóng. Vẫn là câu “tuổi trẻ bồng bột”, vẫn là câu “khôn ba năm…”, một cái sảy chân không gì đỡ lại được. Lại thôi đành cái nợ cái duyên mình nó thế. Ngày mai… Thiên Ái nhắm mắt xua nhanh những ý nghĩ, mặc kệ ngày mai. Hôm nay hãy cứ là hôm nay đã.

- Thôi con lên lầu chơi đi, cho má làm công chuyện. Ui cha ơi, nhà cửa vầy mà mình tui làm sao đây trời?

Than thở thế nhưng Thiên Ái xắn tay vào việc. Cô vừa làm vừa trông ngóng cái điện thoại. “Hổng biết chị Ân sanh có dễ không nữa? Vái trời…”.

Bồn chồn, thắc thỏm, những nét lo âu hiện rõ trên những gương mặt bơ phờ ngoài cánh của phòng sanh. Những chiếc áo blu tới lui vội vã. Thiên Ân đã vào phòng sanh hơn nửa tiếng rồi. Giờ thì chỉ còn trông vào sự bình an và may mắn của kiếp phận. Cái kiếp đàn bà, sinh tử là phút này, có muốn cũng chẳng ai ghé vai mà gánh giùm cho được. “Đàn ông đi biển có bạn. Đàn bà vượt cạn một mình”. Tạo luật đã phân định rành rành thế.

Thiên Ân cong người trong cơn đau dồn thúc. Tất cả mọi sự trên đời hầu như không gì tồn tại. Tất cả mọi sự trên đời, hầu như không gì trông ngóng. Giây phút này, chỉ có một thứ thanh âm. Cái thứ thanh âm luôn biểu thị cho sự đau đớn, khổ cực, mất mát, tan nát của cuộc đời. Những chỉ có mỗi phút giây này, nó mang một hàm nghĩa hoàn toàn khác. Một thứ hàm nghĩa mà khi nó cất được lên, nó lại đem lại những nụ cười sung sướng, tươi tắn, cởi thoát, và là dấu hiệu duy nhất của sự bình yên. Một khi nó chưa cất lên, thì chưa có thể nói trước được điều gì.

- Ai là người nhà Thiên Ân?

- Đây đây ạ.

Cả bà Thiên Minh và Quang Trực lên tiếng một lượt.

- Anh là chồng của sản phụ ?

Quang Trực gật đầu.

- Anh vào làm thủ tục để chuyển phòng mổ, thai lớn lại con so, không sanh tự nhiên được.

Bà Thiên Minh ôm ngực, mặt tái đi.

- Má, má bình tĩnh đi, chuyển phòng mổ cũng mau mà. Họ xử lý kịp thời thì không sao đâu má.

Bà Thiên Minh khẽ gật, nhưng trong lòng bà, mọi thứ cứ nhộn nhạo hết cả lên. Thủ tục cần thiết được chóng vánh hoàn tất. Thiên Ân mặt mày tái ngắt, ngồi lịm trên chiếc xe đẩy vào phòng mổ. Những gì có thể nhìn thấy chỉ là thấp thoáng ánh đèn hắt ra sau ô cửa kính. Bà Thiên Minh nhắm mắt, miệng lẩm nhẩm cầu nguyện. Quang Trực đi tuốt ra ngoài hành lang bệnh viện ngước mắt trông trời. Thiên Ánh thu lu ôm cái giỏ nhựa, cô chưa từng trải qua chuyện này, nhưng cũng cảm giác được những gì Thiên Ân đang phải chịu đựng. Con với cái. Liệu chúng đem lại cho cha mẹ được những gì, mà ngay từ phút đầu tiên chúng có mặt trên đời, mẹ cha đã phải đối mặt với sự sinh tử. Nhưng cái phép của tạo hóa nó thế, biết làm sao được.

Thiên Ân phó mặc sinh mạng mình trong bàn tay của những người thầy thuốc, thân xác cô như không còn chút hơi sức nào, nhưng thần trí cô thì lại vô cùng tỉnh táo, nó như căng ra trong sự chờ đợi, trông mong. Cái phút giây định mệnh. Phút giây can hệ vô cùng mật thiết cho cả một đời người, phút giây có thể thắp lên một chùm ánh sáng chói lòa, nhưng cũng có thể làm tắt ngấm những gì đang còn le lói. Cái phút giây ấy như kéo cho căng hết cỡ sức đàn hồi của hệ thần kinh khi trong không gian bật lên hai tiếng kêu “đét đét”. Đứa trẻ đã chuyển sang màu da tím tái vì ngạt, khi rời khỏi bụng mẹ. Các cô trợ lý làm những biện pháp cần thiết, và hai tiếng đét đét là sự kết thúc của những biện pháp ấy. Không phải là một tràng âm thanh óa óa khỏe phổi, mà bắt đầu là tiếng “ọ ọ” trong cổ họng, rồi tiếp đến là tiếng “è è”, rồi mới “á….á…”. Đây mới là thứ thanh âm cần thiết nhất, thứ thanh âm không quá to nhưng cũng đủ là một hồi chuông báo hiệu một ngày đã sáng. Tiếng cô y tá hô to “Con trai, nặng ba cân hai”.Thiên Ân thở ra một hơi dài, cô nhắm mắt, cảm giác thân thể mình bỗng chốc như không trọng lượng.

Bà Thiên Minh giơ tay đón đứa cháu đỏ hỏn từ tay cô y tá mà vẫn chưa hết run rẩy. Ơn Trời! Cuối cùng thì tảng đá ngàn cân cũng đã rơi tuột đi. Quang Trực lóng ngóng xếp dọn tấm chăn cái gối be bé để bà ngoại đặt cháu vào. Cu cậu bây giờ đã khóc to hơn lúc nãy rồi. Thiên Ân còn phải nằm phòng hồi sức mấy tiếng đồng hồ nữa mới ra được. Thiên Ánh tíu tít gọi điện báo cho Thiên Ái. “Ừ..ừ.., muốn rơi tim ra ngoài luôn. Hả? Tao đâu có thấy tròn vuông gì đâu, đứa nào cũng dài cả mà… hì hì.. Rồi, thôi nghe”. Bà Thiên Minh cười hỏi:

- Gì mà tròn vuông với dài đó.

- À, Ái nó nói mẹ tròn con vuông là mừng rồi, mà con có thấy đứa nào tròn đứa nào vuông đâu, đứa nào cũng dài mà.

Bà Minh và Quang Trực bật cười. Hay thật đấy. Chỉ vừa qua cơn nguy hiểm, lo lắng là con người ta lại có thể cười ngay được.

Ba mươi tết. Một chiếc taxi ghé đến tận chân cầu thang khoa sản. Quang Trực bế vợ, bà Thiên Minh bế cháu, Thiên Ánh và Thiên Ái thì tha lôi các thứ lỉnh kỉnh. Tất cả chất vào chiếc taxi để về nhà. Đúng ra thì sản phụ chưa được xuất viện, nhưng vào lúc ngày cùng tháng tận, nên chọn giải pháp đưa Thiên Ân về nhà và mời một cô hộ lý ngày ngày đến nhà chăm sóc. Quả là thời đại dịch vụ. Mọi thứ đều có thể dịch vụ hóa được, tiện lợi cho cả đôi ba bên.

Vừa xong nơi chỗ cho hai mẹ con nằm, cu nhóc chợt khóc ré lên.

- Sao sao nào? Rồi lại ướt rồi. Từ từ tui thay tã cho ông tướng à. Giờ thì ông tướng ngon lành rồi he. Mém chút nữa là cả nhà tiêu cái tết luôn rồi. Ba nó đặt tên cho nó chưa đó?

Thiên Ánh vừa thay cho cháu vừa hỏi. Quang Trực cười :

- Chắc nhờ mẹ với mấy chị em đặt tên cho cháu đi. Bữa giờ nghĩ hoài, hổng ra cái tên nào cho ngon lành hết.

- Hay là nối luôn chữ Thiên đi. Chữ Thiên là ngon một nửa rồi, thêm cái tên nào cho kêu kêu chút là okê.

- Bà ngoại có chọn một cái tên rồi, nhưng không biết ý ba mẹ nó thế nào. Nên chưa nói thôi. Ưu tiên cho ba nó đặt trước đó.

- Dạ, thôi mẹ chọn hộ con đi.

- Thế thì ngoại đặt là Thiên Khôi nhé.

- A, tuyệt vời, Thiên Khôi là mặt trời mới. Quá xá hay rồi. Đúng là mặt trời mới mọc trong nhà ta chứ còn gì nữa. Hoan hô má.

Thiên Ái reo to như trẻ nhỏ. Bé Thiên Thanh cũng ùa theo mẹ :

- Hoan hô bà ngoại. Dzậy là con có em Thiên Khôi rồi. Sướng quá, sướng quá. Êu, chị thương em Thiên Khôi của chị lắm nè nha.

Những tiếng cười cứ thế râm ran cả nhà. Trời chiều sâm sẫm. Thiên Ánh đang loay hoay quét dọn trước cửa. Chợt cô giật mình khi nghe:

- Chị… Chị Thiên Ánh!

Nhìn ra, một bóng người dong dỏng, xách một cái va li, vẻ rụt rè. Thiên Ánh vừa hỏi vừa đi ra gần để nhìn cho rõ:

- Ai đó? Úaa… Vũ Khải…

Người đàn ông vẻ vừa mừng vừa lo lo:

- Dạ… là em..

Thiên Ánh vẫn chưa hết bất ngờ, cô chợt nhìn nhanh vào trong nhà, rồi quay lại nói:

- Sao cậu bỗng nhiên mất tăm từ ngày ấy, giờ đột ngột xuất hiện, cứ như ma vậy?

- Dạ, chị cho em vào nhà, rồi em sẽ nói rõ mọi chuyện.

- Tôi…tôi…để tôi vào hỏi nó đã. Chắc…

- Ai hỏi gì đó Ánh?

Bà Thiên Minh lẹt xẹt chân dép đi ra, trong ánh sáng nhờ nhờ, bà không nhận dạng được người đang đứng ngoài cánh cổng. Thiên Ánh lúng túng, Vũ Khải vội lên tiếng:

- Dạ thưa bác, con là Khải đây ạ?

- Khải? Khải nào? Cậu… cậu còn đến đây làm gì hả?

Âm sắc bà đổi tông giận dữ, giọng Vũ Khải buồn xịu:

- Thưa bác, con biết là con có lỗi với mẹ con cô ấy, nhưng xin bác cho con được gặp cô ấy để nói một lời, nếu Thiên Ái không tha thứ được cho con, con sẽ đi ngay, không làm phiền gia đình đâu ạ.

- Ngoại ơi ! Má con mời ngoại với bác Ánh vào ăn cơm.

Bé Thiên Thanh vừa lảnh lót vừa chạy a ra chỗ bà ngoại và bác. Nhìn thấy con bé. Vũ Khải bỏ cái va li, ngồi xụp xuống, thò tay qua cổng vói nắm tay con. Bé Thanh thấy người lạ thì thụt lui đứng sau lưng bà ngoại. Cánh tay người đàn ông từ từ buông thõng, vắt qua thanh sắt của cái cổng. Bà Thiên Minh bất giác mềm lòng vì hành vi ấy. Bà cũng cảm thấy nên để cậu ta giãi bày câu chuyện xem thế nào. Bà khẽ hất đầu ra hiệu cho Thiên Ánh mở cổng rồi dắt tay bé Thanh đi vào nhà. Thiên Ánh chỉ cái ghế bảo:

- Cậu ngồi đó chờ tôi một chút. Tôi phải nói chuyện với nó xem sao đã.

Nhưng Vũ Khải chợt ngây người như phỗng, Thiên Ánh quay lại thấy Thiên Ái đã đứng ở bức rèm cửa thông lối. Đôi mắt Thiên Ái tròn căng, sự ngỡ ngàng, sự giận dữ, sự uất hận, nhưng thoáng vương một nét mừng vui. Khoảnh khắc thời gian lúc này như ngưng lại, Thiên Ánh sau mấy giây, nhận định được tình thế, cô định lặng lẽ nhường chỗ cho hai người, nhưng bất chợt Thiên Ái hét lên:

- Anh cút ngay đi, cút ngay ra khỏi nhà tôi đi…

- Thiên Ái, hãy cho anh nói đã, anh xin em, hãy nghe anh nói đã…

- Tôi không nghe, không muốn nghe, không thèm nghe, anh biến mất không một lời suốt tám năm qua, giờ anh còn muốn nói gì chứ. Anh cút đi... cút đi…

Thiên Ái vụt quay ngoắt vào trong. Ánh chạy theo ôm lấy em gái:

- Bình tĩnh, bình tĩnh đi em…

- Bình tĩnh? Làm sao mà em bình tĩnh được chứ, chị đuổi anh ta đi đi, đi ngay đi…

- Con à, hãy cho nó một cơ hội, cho cả con nữa. Nghe nó nói xem thế nào, có gút mắc gì, có khó khăn gì, con phải nghe mới biết chứ. Má cũng giận nó lắm, nhưng đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại, con à.

Thiên Ái gục vào vai mẹ khóc nấc lên. Bao chất chứa nỗi niềm như muốn tuôn trào tháo trút cả ra. Bà Minh nhè nhẹ vỗ về con gái, đợi cô nguôi khóc, bà tiếp :

- Con phải nghĩ đến tương lai con gái con nữa. Tha thứ cho một người vẫn dễ hơn là trông đợi vào sự rộng lòng của một người khác.

Dưới ánh đèn bờn bợt, làn da mặt Vũ Khải như xanh hơn, đôi môi khô nẻ vì cái lạnh se của gió mùa, mấp máy mấp máy. Hai bàn tay anh cứ hết đan vào nhau lại mở ra. Bà Thiên Minh không chỉ nghe bằng tai, mà còn nghe bằng mắt, nghe bằng trực cảm của một người nhiều trải nghiệm. Một ngày của gần chín năm về trước, bà phẫn nộ nguyền rủa một cái tên đã khiến cho cuộc đời con gái yêu của bà trở nên nghiệt ngã. Bằng vào một trái tim người mẹ, bà đã dìu bước con mình qua cơn thắt ngặt. Vấn đề của một câu chuyện đã từng bị quy bằng hàng loạt những từ ngữ tồi tệ nhất hóa ra không phải thế. Một đời người luôn có nhiều khúc ngoặt, một trong những khúc ngoặt ấy có tên là “họa giữa đàng”. Khi tạm biệt Thiên Ái với lời hẹn sẽ trở lại với tín hiệu tốt cho một ngày vui, Vũ Khải lẫn Thiên Ái đều không biết Thiên Ái đã mang trong mình một mầm sống, cả hai lại cũng đều không biết một khúc ngoặt từ một gói heroin được phát hiện trong hành lý của Vũ Khải mà không rõ ai là chủ nhân. Khi oan ưng được phân giải thì Vũ Khải cũng đã mất ba năm ngồi tù. Với mặc cảm và nỗi buồn chán khi ra tù, Vũ Khải trốn biệt đi một nơi để tìm đường bắt đầu lại cuộc đời. Bao tháng ngày lận đận, anh cũng tạm tìm được cho mình một chân đứng thì đột nhiên nhận được tin về Thiên Ái qua một người bạn. Anh tìm về, và từng lặng lẽ nhìn từ xa bóng dáng của hai mẹ con, với một ước mong cháy bỏng. Để rồi…

Căn phòng khách với những bông hoa nhiều hình sắc, những tấm ren màn cửa mới tinh dậy một không khí hương Xuân rộn rực. Nhưng trong căn phòng ấy, trên một góc của bộ ghế salon chỉ có tiếng khóc của Thiên Ái nức lên từng cơn. Bà Thiên Minh nhẹ nhàng đứng dậy đi ra, Thiên Ánh và Quang Trực hiểu ý cũng lần lượt đi ra. Chỉ còn lại hai người. Vũ Khải tần ngần một chút rồi đứng dậy đi đến chỗ Thiên Ái, anh như quỳ xuống trước mặt cô. Cầm lấy hai tay cô, anh nhẹ đưa lên môi, Vũ Khải thầm thì :

- Anh xin lỗi em.

Thiên Ái ngước đôi mắt đẫm nước nhìn người đàn ông đang vời vợi ánh chờ trông, một giây… hai giây… cô đổ gục vào vòng tay anh. Vũ Khải nhắm nghiền mắt siết chặt lấy cô.

- Má ơi! Hoa mai nở rồi, con vẽ tiếp hoa mai vào đây nhé. Ư…

Tiếng bé Thiên Thanh réo rắt làm cả hai sực tỉnh, vội rời nhau đứng lên. Thiên Ái đưa tay áo lau nước mắt vẫy bé Thanh lại gần:

- Má! Sao má khóc dzậy má?

- Con à. Con chào ba đi con.

- Chào ba? Ba đi công tác nước ngoài mới về hả má?

- Ừ, ba đi công tác mới về đó. Con chào ba đi.

Bé Thiên Thanh vòng tay lễ phép:

- Con chào ba.

Vũ Khải nhấc bổng con lên trong đôi tay mạnh mẽ, anh dụi mặt vào tóc, vào má, vào gáy, vào cổ, vào khắp người con, anh hít hà mùi da thịt non tơ con trẻ, mắt anh rơm rớm. Thiên Ái rưng rức nhìn hai cha con, cô lại trào ra những giọt nước mắt, nhưng đôi môi hé một nụ cười ấm áp.

Bà Thiên Minh đưa ánh mắt dịu dàng nhìn từng gương mặt những con cháu, ánh lên một niềm vui mãn nguyện. Bà thong thả rút ba nén nhang châm vào ngọn nến, rồi nghiêm trang đứng trước bàn thờ lẩm nhẩm khấn vái. Tất cả dàn hàng ngang sau lưng bà, cũng cúi đầu thành kính. Mùi trầm hương tỏa nhẹ lâng lâng trong không gian, trong lênh loang ngào ngạt hồn người. Linh lang… linh lang…

- Giao thừa rồi! Hai cọc chèo mình cụng ly chúc mừng năm mới cái nào. Mời má! Mời cả nhà.

Quang Trực cầm chai rượu vang rót từ từ vào từng chiếc ly cao chân. Thiên Ân cũng được dìu ra, cô ngồi dựa ngả theo chiều dài của chiếc ghế salon dài nhất. Màu hổ phách của rượu như bóng lên sau lần thủy tinh, ánh vào mắt mỗi người một sắc long lanh. Những gò má hồng lên, những tia nhìn nồng nàn, những nụ cười hạnh phúc. Trên màn hình phẳng của chiếc ti vi ba mươi inch bỗng rộ lên từng chùm pháo hoa và tiếng hô vang của người phát thanh viên “CHÚC MỪNG NĂM MỚI”.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ BanMêThuột ngày 02.02.2021