Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









KÍ ỨC HOA ĐÀO


Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông

( Nguyễn Du)


1. Những ngày cuối năm…Ngày tháng vẫn là tháng ngày của dòng đời triền miên trôi chảy nhưng vẫn có cái gì đó đặc trưng khó tả. Một chút nắng chiều của miền quê – thị tứ vừa yên tĩnh, vừa xao động…Một chút gió se se lạnh cuối Đông phương Nam hiền hòa. Trời xanh. Xanh trong.

Chiều qua, trên đường từ cơ quan về, chợt bâng khuâng khi nhin thấy những cành đào khẳng khiu đã kín lá xanh bên cầu Đá Bàn. Những chiếc cầu dọc đường thân quen như người bạn đường. Suối Đá, Suối Lức, Suối Nhát… “ Hoa đào năm ngoái”, câu thơ của Tố Như tiên sinh đọc lại khi dọn mớ sách bề bộn. Nhớ! Chao ơi nhớ…Chiếc lục bình cắm hoa vào mỗi độ xuân về, nay đâu rồi nhỉ? Nó chẳng là loại đồ cổ quý hiếm chi. Ngoại tôi trong lần vét mương cạnh nhà nơi vùng quê thơ ấu của tôi, Cổ Cò – Cái Bè, Tiền Giang sông nước đã có được nó. Chiếc lục bình cao không đầy một mét. Những bức tranh ông Ngư, ông Tiều, chú mục đồng tóc ba chõm ngồi trên lưng trâu thổi sáo…chẳng biết đời nào nung họa. Cứ cho là đời xưa. Miệng chiếc lục bình bị sứt một cạnh. Ngoại đắp lại bằng xi – măng trắng và đưa nó về Ông Đồn – Gia Ray – Xuân Lộc dưới chân núi Chứa Chan hoang sơ này. Mẹ tôi giữ nó để cắm những cành mai, cành đào ngày Tết. Sau ngày ba tôi mất, chú Tư em tôi mang về nhà thừa tự giữ gìn như kỉ vật cuối cùng. Giờ chỉ còn di ảnh ông, bà trên trang thờ cao, ảo mờ trong khói nhang tôi vừa thắp sáng nay như một thói quen tạo niềm ấm áp đầu ngày khi chuẩn bị đến cơ quan. Chiếc lục bình không còn nữa. Những cành đào ngày xưa…

…Những năm 80 của thời bao cấp. Thời gian khổ nhưng đẹp lắm lí tưởng tuổi hai mươi. Mái trường mang tên cụ Đồ Chiểu ở Mỹ Tho một thời tôi gắn bó đi vào kí ức không phai. Tôi dạy học cũng là một Cán bộ Đoàn . Bao nhiêu việc không tên. Cứ sau ngày đưa ông Táo về trời, việc trường, việc Đoàn đã xong, tôi lại sắp xếp hành trang về quê ăn Tết. Về quê ăn Tết, mấy từ nhẹ, nhỏ nhưng chứa bao niềm cảm xúc nôn nao…Đứa con xa quê hàng năm trời lại về dưới mái nhà của mẹ, với cha, với anh em sum họp ba ngày Tết. Kẻ lãng du trở về mái nhà xưa mỗi độ xuân về. Đường về không xa lắm. Hai chặng xe. Từ Mỹ Tho lên Thành phố mang tên Bác. Ở lại buổi chiều thăm vài người bạn thân. Ngồi đâu đó nhâm nhi ly cà – phê vĩa hè hồ con Rùa, dưới tàn me mơn mởn lá non tơ. Chuyện đời, chuyện mình, chuyện người, chuyện thơ…Chưa hết buổi lại quẩy hành trang ra bến xe Miền Đông hoặc cầu Văn Thánh lên loại xe chạy bằng than lớn. Và có lẽ chỉ có ở miền Đông Nam Bộ! Trên mui xe không kể, còn dưới chân thì đủ thứ hàng hóa chất chồng. Tìm một tư thế ngồi đã khó lại phải hưởng cái nóng hầm hập của than. Cứ chạy một chăng đường, phụ xe trèo lên mui lấy cây sắt đập ầm ầm vào thùng than. Xe lại lăn bánh. Bụi than bay tung. Thời ấy chưa dùng khẩu trang , nhà xe lẫn hành khách tha hồ hít thở, da mặt chân tay lấm lem. Ngó nhau cười đồng cảm. Kể ra cũng có cái thú khi đi loại xe này. Đường thì xa. Thấy xe mang biển Căn Cứ - Ông Đồn phải nhanh chân lên xe nếu không muốn đi nhiều chặng. Cà rịch, cà tang xe nuốt dần hơn trăm cây số. Chiều tàn, vào đêm. Qua Trãng Bom, đèo Mẹ bồng con, Dầu Giây…nhìn xa xa là núi xanh mờ. Vậy là sắp đến nhà! Xe chạy rì rì trong đêm. Gió lồng qua cửa mát rượi. Tìm chỗ ngồi gần cửa để nhìn những hạt than hồng từ binh than xe rơi tung trên mặt đường, bay tan trong gió cuối năm. Thuốc trên tay cũng đỏ. Hẳn mẹ tôi đang chờ trước ngõ dưới tàn cây xoài cát lủng lẵng trái đầu mùa…

2. Quà Tết thời bao cấp có chi nhiều. Kí nếp ngon, chục kí gạo trắng. Nửa kí thịt. Cây thuốc Hoa Mai, có khi Đà Lạt…Chỉ chừng ấy vượt trăm cây số thời “ ngăn sông cấm chợ” đâu phải là dễ. Anh em tôi đều ở xa. Mồng Một Tết Cha, mồng Ba Tết Thầy. Ngày mồng Một là ngày con , dâu rể về chúc Tết đấng sinh thành. Và tôi đứa con phiêu lãng tận miền Tây sông nước chưa vợ con là người về sớm nhất. Dọn nhà cửa, chùi bóng bộ lư đồng. Nhất là phải có cành mai, cành đào chưng Tết. Những năm ấy tìm một cành mai khó lắm. Một năm về nhà đôi lần, thân quen ai mà tìm xin. Không có mai thì đào vậy. Thực ra vùng quê này làm gì có đào Nhật Tân, Ngọc Hà …xứ Bắc. Đào là đào phai Đà Lạt, vườn nhà nào cũng có vì trồng rất dễ trồng. Chỉ cần cành nhánh cắm đất là lên xanh. Xuân về mai đua cánh vàng rực rỡ thì đào cũng điểm hồng tươi thắm nhưng chóng tàn phai. Sân trước, nhà sau đã dọn tinh tươm. Với chừng năm sáu trái chanh, đem bộ lư đồng đánh mới, phơi nắng để lên bàn thờ cũng ánh bóng lên. Chiều ba mươi hơn chục đòn bánh tét mẹ tôi đã cột, gói căng xong, chỉ chờ tối đến nổi lửa. Và tôi đi tìm vài cành cành đào phai chưng Tết.

Đi lùng trong vườn sau nhà, phải có một vài quả đu đủ vừa độ ửng vàng, một nhành sung sai đặc để mẹ tôi xoay bày mâm cúng ông bà. Chỉ cần một trái thơm kiểng, thêm vào trái quýt, xoài … Thế là tạm đủ lễ cầu mong “Vừa- đủ – xài” để ông bà phù hộ năm mới sang sung túc. Nhìn mấy cành đào đã điểm hồng cạnh cây đu đủ, nghĩ miên man về mâm trái cây mẹ sắp bày mà tôi chạnh lòng. Một đời mẹ chỉ vì con, cháu. Mỗi người con giờ đây mỗi gánh gia đình, chỉ còn ba mẹ trong căn nhà trống trước vắng sau. Dưa hành, dưa kiệu thêm nồi thịt kho tàu mẹ lo đủ. Ba mẹ thì ăn bao nhiêu nhưng tập tục thì khôngthể thiếu khi cúng ông bà, tổ tiên nhất là con cháu về sum họp. Ngắm mãi rồi cũng phải chọn chặt vài nhánh đào phai có dáng vẻ, nhiều nụ, nhưng không nhẹ tay thì nụ đào rụng hểt.

Tôi mang vào nhà trổ tài “cắm hoa nghệ thuật”. Chiếc lục bình đặt trên chiếc ghế con, chỗ sứt miệng xoay vào trong. Sửa lại dáng của mấy cành đào, treo thiệp chúc Tết của nhà trường, của Đoàn, của học trò. Có tiếng mẹ ới sau nhà gọi mang các món lên chuẩn bị cúng ông bà. Và có cả một nhành mai nhỏ nhưng đầy nụ xanh. Có nụ đã khoe sắc vàng. Chắc là ai mang cho. Mẹ thật chu đáo. Tết đến mà thiếu sắc vàng hoa mai sao gọi là Tết. Tôi mang cành mai đốt chỗ cắt cành để cho mai nở đứng giao thừa trong mờ ảo của nhang thơm trong hương vị của thịt kho tàu, dưa giá, vị bánh tét dẽo thơm, trong đì đùng của tràng pháo…Và những búp, nụ mai bung nở xòe năm, sáu cánh vàng kín cành ba ngày Tết là phúc, lộc đầy nhà. Chúng tôi nào con,dâu, rể sau lễ giao thừa, nghiêm trang xúc động đứng cạnh những cành đào phai phớt hồng đã rơi tàn nhiều cánh mừng tuổi ba, mẹ. Đàn cháu, đứa nào cũng quần áo đẹp thi nhau tìm lời chúc hay, lạ “không đụng hàng” như cách nói bây giờ để nhận tình thương yêu, tiền lì – xì, lộc mới.

3. …Nhiều năm qua đi, nhiều chuyến về ăn Tết, cứ chiều ba mươi Tết tôi lại đi tìm những cành đào phai về cắm trong chiếc lục bình sứt miệng của Ngoại. Ông cũng đã về cõi tiêu diêu nhưng lại sau mẹ tôi một năm. Còn mẹ tôi bị căn bệnh tháo đường hành hạ đến nỗi chỉ còn da bọc xương thay cho vẻ phúc hậu, xinh đẹp thuở nào…Vừa lập gia đình, với đứa con còn ẵm ngữa trên tay, chúng tôi chuyển về Gia- Ray chăm lo chọ mẹ. Chỉ thương vợ tôi từ thị tứ về nơi xứ lạ quê người. Nơi còn hoang sơ của mít, khoai mì, tiêu điều, bụi của xe than, bụi đỏ ba – dan với trăm chiều vất vả vừa làm việc cơ quan vừa nặng gánh gia đinh bao cấp. Cố níu giữ mẹ ở lại với đời với đủ loại thuốc Đông, Tây y nhưng mẹ vẫn ra đi vào cõi vĩnh hằng trong một ngày mưa tháng 9.

Và cũng kể từ giao thừa năm ấy, tôi không còn cái thú đi tìm những cành đào phai về chưng Tết nữa. Cuộc sống thời mở cửa kinh tế thị trường cuốn lấy tôi. Hoa kiểng ngày xuân giờ đủ chủng loại với bao nhiêu kiểu dáng, sắc màu. Mai, đào lại càng không thiếu. Nhưng khó mà tìm thấy những cành đào phai Đà Lạt chưng Tết những giao thừa còn mẹ của tôi.

…Câu thơ của Tố Như đọc lại mà rưng rưng. Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông. Từ một điển tích đi vào thơ của Thôi Hiệu đời Đường thì đúng hơn, Đào hoa y cựu tiếu Đông phong. Hoa còn đó nhưng người xưa chẳng thấy! Tôi vẫn thích câu Hoa đào năm ngoái, tài hoa mà giản dị. Nó gần gụi với những cành đào phai Đà Lạt bất chợt nhìn thấy dọc đường về từ Sông Ray gió bụi đến Gia – Ray, Ông Đồn, bên cầu Đá Bàn xanh lá, điểm hồng phơ phất trong gió chiều cuối năm. Nhìn hoa mà nhớ Người, nhớ những giao thừa còn mẹ của tôi…

Sông Ray – Ông Đồn, cuối năm 2005 – 2010