Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

ký họa của Lão Trọc










TÌNH ĐẤT





“Trong thế gian nỗi sầu đau đớn nhất,
                   Cũng không bằng sầu mất quê hương”.

                                     (Thái Tú Hạp)


B uổi sáng sương mai còn ngái ngủ trên lá. Không khí trong lành tinh khiết, mọi vật tràn đầy nhựa sống, sẵn sàng chịu đựng nắng mưa bất thường của ngày mới. Vườn thơm bên kia đường phô diễn từng luống thẳng tắp, từng bụi tỏa lá xòa ra xanh ngắt, tủa gai; giữa mỗi bụi đậu một trái nho nhỏ mới nhú bằng cườm tay, xanh mởn. Đứng đầu vườn ai cũng vui mắt ngó, tưởng tượng như hàng ngàn đóa hoa thật lớn với những đài hoa lê thê nâng niu nụ xanh mơn mởn tròn trĩnh bên trên.

Phía bên nầy đường trải dài bát ngát vườn lài rộng. Mùi thơm thoảng quyện mơ hồ trong không khí ươn ướt buổi tinh sương. Những nhánh lài nho nhỏ, mảnh mai đầy bông trắng, lốm đốm, dát ngọc toàn thể khu vườn bao la. Chim chóc vẫn còn trốn tránh đâu đó, biếng lười kéo dài thêm giấc ngủ chờ chút nắng sớm để ca hát đón chào bình minh.

Thỉnh thoảng một chiếc xe ngựa mù mờ ẩn hiện trong bóng đêm, đèn xe che bằng bốn tấm kiếng khác màu cung cấp một chút ánh sáng yếu ớt ma trơi huyền hoặc, móng ngựa sắt gõ trên đường trải dầu hoắc lóc cóc tạo một hòa âm đồng điệu kéo dài từ mơ hồ xa xa tới rõ rõ từ từ rồi chui lọt tan biến giữa hai khu vườn ép sát hai bên hông con đường nhỏ còn đẫm nước sương.

Sắp hàng bên lề, hai dãy cây dầu con, mặc dầu còn được cột dựa vô một miếng ván nhỏ mới đứng vững, buổi sáng sớm coi bộ cũng sởn sơ hơn, đứng ễnh ngực kiểu đội lính danh dự xếp hàng làm cảnh trong buổi lễ lộc vương giả. Vài mái nhà ba gian nền đúc, dãy cột hàng ba bự xông nghênh ngang lõ mắt trong gió sớm ngó về lớp bông trắng xóa ngang hông người, như lớp mây bông gòn phất phới mờ ảo khúc Nghê Thường.

Cô Út hít một hơi thiệt dài, khoan khoái. Bao nhiêu năm nay, từ khi rinh nổi nửa thùng thiếc nước, mỗi sáng sớm cô đều ra vườn tưới bông, vậy mà bữa nào cũng có cảm tưởng như mới lần đầu được làm cái công việc cô thích thú đó. Vườn đẹp không thua tiên cảnh, bên vườn lài, trắng xóa, thơm nhẹ, thoang thoảng mơ hồ như có nhiều nàng tiên nữa lẩn khuất xa gần, bên vườn thơm, xanh ngắt lãng đãng mùi lá đầy nhựa mạnh mẽ tỏa ra cái sức sống của một đội dũng sĩ tràn đầy sinh lực. Giọt sương long lanh trên lá, trên hoa, trên nụ, trên nhánh, dát kim cương hột cám chung quanh những viên ngọc lớn. Tất cả không gian êm đềm, ngưng đọng kiểu một khu vườn thần thoại đắm mình trong giấc ngủ thời gian.

Cô đưa tay nưng niu mơn trớn một nhánh bông. Những giọt sương thức giấc lăng xăng, chạy về chỗ thấp, đụng đầu nhau, hợp thành một, lớn lên từ từ rồi rủ nhau nương theo sóng lá chạy tọt xuống đất. Nhánh bông vẫn mơn mởn nằm trong tay cô chủ, thỏa mãn được cái nhìn trìu mến, tưng tiu. Cô thả ra, kéo một nhánh khác, những viên ngọc nhỏ khác lại tung tăng chạy trên sóng lá rồi hè nhau nhảy xuống đất. Cô ngó theo, mắt mở lớn vui vui, đất sớm mai trùn đùn đầy mặt vô số đống nho nhỏ cao bằng cái chén chung, những cục đất tròn vo nhỏ như viên thuốc tiêu ngày còn thơ dại má mua năn nỉ uống mỗi khi sình bụng. Cô rút chưn ra khỏi chiếc guồng lồng mức, đạp đạp nhẹ giỡn với đất, sương sớm quyện trong đất chạm vô lòng bàn chưn mát rượi truyền cảm khoái nhẹ nhàng lên tới sóng lưng chạy dài lên ót. Cô mỉm cười sung sướng như thích thú vì cử chỉ vui đùa trẻ trung của mình.

Bỏ chưn vô guốc lại, cô bắt đầu thiệt sự công việc làm hằng ngày. Cô bợ đít bình tưới lên cao hơn với độ cao vừa phải, tính toán trong đầu sao cho mấy tia nước phụt ra không vọt mạnh làm đau đớn bất cứ nhánh bông nào. Nước đem nguồn sống tới toàn thể khu vườn nhưng một tia nước mạnh có thể làm chết số bông già, sắp được lặt nay mai, cô thấu đáo nguyên lý đó ngay từ ngày còn nhỏ ra vườn coi cha cẩn thận tưới cây, tưng tiu trìu mến săn sóc khu vườn.

Cô lên tiếng với dì Tám Sang đương tưới luống bên mặt:

- Mai họ tới lấy bông khô, dì Tám thấy bông mình hái tuần rồi quá dốt chưa. Lần trước còn ỷ ỷ họ mắng vốn quá, nói mình mần ăn không giữ chữ tín, họ trừ tiền hết một thùng. Nếu cần trưa nay dì cho phơi thêm một nắng nữa.

Cô nhớ tới chuyện đong bông lần trước. Đã thất thâu còn bị nặng nhẹ đủ điều, cãi không lại họng tụi nó nên đành bóp bụng không dám hở môi. Đối với ông già còn ngậm câm hơn, nuốt tức giận vô lòng sợ cha buồn bịnh nặng thêm. Ông già Bảy đương tưới luống bên trái, bất bình ứng tiếng:

- Sao cô không cho tôi hay, tôi sạt cho tụi nó một trận? Vậy mà ỷ ỷ nỗi gì nữa chớ? Thêm một nắng nữa thì khô quéo hết, hao cầu mấy thùng bông của người ta. Họ ỷ mua nhiều quá bắt bí quá rồi, trả tiền mà đặt cà dựa, nhấp nhấp, lại còn làm eo làm xách chê hôi chê thúi ai chịu cho nổi.

Dì Tám chậm rãi:

- Tụi nó là vậy không. Cười cười nói nói nhỏ nhẹ mà móc túi thiên hạ tới cắc bạc cuối cùng. Cô coi bộ thằng cha Hồng ký xài hổng vô thì chịu mối với tụi Phát ký đi. Trà ‘Thiết Quan Âm Kỳ Chưởng’ của họ thơm lắm, bán đắt, chắc họ cần bông của mình, mấy cái vườn nhỏ đằng miệt sau vườn Bà Lớn làm sao cung cấp đủ.

Dì cười nửa miệng, giọng thiệt vui:

- Còn cái ông gì ở bên Giồng Ông Tố muốn làm trung gian, mua mão bông nguyên vườn để bán lại cho các tiệm trà, mình khỏi tiếp xúc từng người một cô tính với ổng chưa? Tôi thấy cách đó cũng hay hay, khỏi cực lòng cực trí đối phó với từng bạn hàng.

Cô Út đổ thêm nước vô bình tưới, xách đi về cuối luống, trả lời nhỏ nhẹ:

- Tính như vậy thì cứ tính, chứ tụi nó phe đảng đàng trời, thằng này chê eo thì thằng kia chê tròn chê méo. Ông ta cũng một lò họ ra chứ đâu. Lệ thuộc một mình ông ta tới chừng xích mích thì càng hỏng giò hơn. Cô giơ cao bình tưới lên, thân yêu theo dõi mấy tia nước rót trên bông trên lá ở những nhánh cao hơn.

Cô ngó về phía mấy người bạn làm, cẩn thận sợ họ thấy bộ mặt mình áo não. Đầy ứ khó khăn trước mặt. Tụi Chà Và, tụi Tiều Châu cứ đòi mua đứt miếng vườn. Anh Năm thì cứ đốc thúc ông già ngày một bán đi để làm ăn thứ khác. Hỏi làm gì thì ảnh mờ ớ nói không rõ ràng nhưng ý như là muốn đòi chia gia tài ngay bây giờ. Thơm càng ngày càng sút giảm. Năm nay cho ra mười thiên thâu huê lợi không bằng năm ngoái năm thiên. Bạn hàng gần thì mặc may còn tới đếm chứ ở xa thì coi như trốn luôn giựt ba cái tiền thiếu chịu trước đó. Người nầy một chút người kia một mớ, lặt vặt, cộng lại cũng bộn bàng, nghĩ tới thiếu điều chóng mặt. Mấy người tới đếm không tế nhị hay là muốn nói bóng gió xa gần cho mình biết mà cứ nức nở khen thơm Lái Thiêu ngon dịu, thơm Bến Lức ngọt thanh. Ông già bịnh rề rề cả hai năm nay từ bữa trúng gió khi đi dẫy mả bà già. Nhà càng ngày càng thấy buồn. Lạnh tanh như mới đưa đám ma. Nhang khói bà già không ai nhớ đốt ngoài mình. Ông anh ôm mấy cái xe ngựa đã không giúp chuyện mắm muối chung trong nhà thì chớ lâu lâu lại thẹo nẹo mượn tiền rồi không bao giờ trả. Anh Tốt thì ông già bắt đi Tây học, ban đầu còn chống chế, lúc nầy coi bộ xuôi xuôi, chắc trước sau gì cũng đi, bỏ thân mình phận gái một tay đối phó với khó khăn dồn dập tứ phía. Cô đưa tay quẹt mấy giọt nước li ti bay phất phới trong không gian, gặp gió trốn chạy trên mặt, trên trán.

Tiếng ông Bảy rươm rướm:

- Có gì cũng cố gắng vững tay chèo nhe cô Út. Buông xụi lúc nầy tụi tui không biết đi đâu… Mà uổng nữa. Cơ ngơi nầy đâu dễ gì tạo. Xô dễ chứ xây dựng thì khó đàng trời, theo tui đã có được thì bất cứ giá nào cũng phải giữ. Đất vườn bây giờ lên giá lắm.

Ngưng một lúc thiệt lâu ông mới trầm ngâm thêm:

- Như là miệt dưới không yên thiên hạ đương đổ xô về Sài Gòn.

Dì Tám Sang nói vói qua ông Bảy, giọng thật trầm như chỉ muốn đủ hai người nghe thôi:

- Từ lúc ông bịnh, coi mòi cô càng ngày càng xanh xao, thấy tội nghiệp quá! Xót ruột mà không biết phải làm sao. Thôi anh Bảy đừng nói nữa cô ấy rớt nước mắt bây giờ. Buổi sáng yên tịnh cô Út nghe mơ hồ nhưng đoán được hết, nước mắt cảm động sắp rơi, cô cũng muốn khóc cho hả hơi. Của ông bà tôi để lại, tía tôi cả đời bù đắp. Má tôi bịnh hoạn ở đây. Anh Hai với anh Ba tôi bị nạn ở đây. Bây giờ tía tôi nằm đó, lẽ nào tôi không lo? Có điều sức đàn bà con gái lại đơn chiếc mà không họ hàng, lo cho mấy cũng không chắc bằng thiên hạ. Có tận nhân lực đó nhưng mà còn tùy thiên mạng.

Cô thọc tay vô vòi nước, đưa lên thoa thoa mặt. Nước buổi sáng mát lịm khuây khuây lòng. Nước chun vô môi, cô liếm liếm, nghe ngon mát tận cuống họng. Cô gượng vui chỉa vòi xuống rửa chưn. Đất cát cứ nhảy vọt khỏi mặt đất leo lên guốc như muốn nựng nịu đôi bàn chưn nõn nà của cô chủ. Một mớ cát dính được vô sau gót. Cô vừa rửa vừa ngó chưn mình. Đỏ thiệt tình. Nhưng mà sóng đời dập tới vùi lui biết còn đỏ được bao lâu nữa!

Cô tưới mạnh hơn, lấy chưn nầy chà lên chưn kia. Chà mạnh lên quai guốc. Nước xoáy mòn đất chung quanh hai chiếc guốc. Vẫn còn một vài hột cát len lỏi trên da mát rượi của người con gái. Cô xách bình nước đi về phía giếng. Dì Tám Sang đi theo bên phía nầy, nói nhỏ trong khi quay lại ngó chừng ông Bảy:

- Ba của cậu Tốt mời bạn bè ra ngoài ngày tới ăn mừng cậu ấy được giấy đi Tây học bác sĩ.

Cái bình tưới được đặt xuống đất hơi mạnh tay:

- Tôi đã biết từ hai tháng nay lận. Chuyện tới phải tới. Ảnh ở đây đâu có tương lai. Ông già hối như giặc ngày một. Lạng quạng ở lại bị lính xúc vô quân trường có ngày. Con một, ba ảnh lo xa cũng phải.

- Rồi cô tính sao?

Mấy giọt nước đeo cứng trên khóe mắt cô Út giờ mới chịu buông tay xuống đất:

- Tính sao giờ? Người đi cứ đi. Người ở cứ ở. Ai lo chuyện nấy. Sau nầy gặp lại thì tốt, không thì ai có cuộc đời nấy. Không hứa gì hết để khỏi cực lòng cực trí đôi bên. Nước sông chảy rẽ nhánh chia dòng là thường, tiếc cũng không làm gì hơn được.

Người đàn bà buông dụng cụ xuống, ngó cô chủ, áy náy:

- Phải chi cậu Tốt ở lại giúp cô gây dựng thêm miếng vườn nầy thì hay biết mấy. Nằm đêm tôi vái van hoài cho thổ thần thổ địa cuộc đất giục cho cậu đòi ở lại. Thiên muôn gì chuyện phải làm, một mình cô lo đâu xuể. Cậu Năm có lo khỉ gì đâu; phá cho tanh bành té bẹ thì có!

Cô Út chấm dứt khi đề tài đi quá xa:

- Thôi sáng rồi, dì vô kêu con Cúc dậy tôi với nó đem bông ra chợ. Rằm tháng chạp chắc bán cũng không đến nỗi nào. Mình sửa soạn sẵn sàng không thôi anh Năm ảnh lại cằn nhằn cửi nhửi mất vui.

Trong ánh sáng mờ mờ cuối đêm đầu ngày hàng mấy chục chậu bông được chất khéo léo lên chiếc xe ngựa sẵn sàng cho một buổi chợ bông những ngày giáp Tết. Con Cúc tuy đã rửa mặt mày sạch sẽ, tóc tai gọn gàng nhưng coi bộ còn ngái ngủ lắm, ngồi vắt vẻo trên một cái càng xe ngó cô chủ lười biếng chào bằng một nụ cười mỉm nhẹ. Hai cái đèn xe treo lủng lẳng dưới lườn cùng chao mạnh, đong đưa thiệt mau hai cái bóng qua lại giao thoa trên nền đất khi lên xe dốc vô đường cái.

Vầng dương từ từ nhú lên đằng phía chơn trời. Tiếng ồn ào thức giấc của ngày mới chừng như đã bắt đầu.

***

Nói nào cho ngay, con Út không ghét bỏ gì tôi. Ai có phần nấy, huê lợi đã ăn đồng chia đủ rồi. Tôi khai thác bốn con ngựa với hai cái xe, vừa chạy vừa cho mướn, kiếm được bao nhiêu tôi làm mưa làm gió xây xài gì tùy ý mặc lòng. Nó lãnh phần cái vườn lài với vườn thơm. Lài bán cho Ba Tàu Chợ Lớn ướp trà, thơm đếm cho bạn hàng mấy cái chợ nhỏ. Huê lợi nhiều nên nó gánh vác phí tổn cơm nước, chợ búa, trả tiền cho kẻ ăn người làm trong nhà. Cả hai chưa ai có gia đình nên tình anh em coi mòi cũng còn đậm đà. Mỗi tháng vài ba lần giúp nó chở bông ra chợ, coi như bỏ chuyến nhứt, nhưng không bao giờ tôi cho đó là sự thiệt thòi. Nó cũng vậy, đi chợ lựa món ngon vật lạ về cho cả nhà ăn chớ không hà tiện để dành tiền riêng mà bóp họng bóp hầu người trong nhà.

Ông già đau rề rề hai năm nay nên nó cũng tốn kém. Lâu lâu kẹt mượn nó đỡ nhắm mớ, có thì trả không thì thôi, lâu quá quên luôn. Chừng nó cần hỏi lại, tôi đưa mặt mo ra cười trừ, nó nhằn nhằn một đôi câu rồi cũng thôi. Đâu vô đó. Đợi cho ngui ngui, cần, tôi lại năn nỉ mượn nữa. Anh em hột máu xẻ đôi, ai chớ tôi biết con Út tình anh em nó nặng. Trước sau gì tiền cũng xì ra.

Tôi không tin quỷ thần dị đoan nên khó nói chỗ nầy, nhưng nếu được thì tôi nói có quỷ thần hai vai chứng giám tôi thương nó lắm và tôi muốn cứu cái cơ nghiệp nhà mình. Hai cái vườn bự xộn ở trong đất của đô thành tiền đất rẻ mạt nên tây tà, chà và ma ní, cắc chú ba tàu đều ngắm nghé. Trước thì vài ba viên đạn với mấy trái lựu đạn lép ai đó chôn gần giếng rồi mách cho Tổng Nha, lính kín tới đào lên, ông già chạy hết một mớ tiền. Kế đó ba bốn người họp bàn quốc sự trong vườn thơm bị bắt quả tang, ổng chạy té khói lần nữa, lần nầy thì mang công mang nợ. Rồi ổng đau nằm liệt giường. Con Út lo đâu xuể. Tôi phải tính kế. Tiền. Ai giúp gia đình mình có tiền trả nợ đây? Không có tiền thì thiên hạ xiết đất đi ra mình không cả đám có ngày. Thấy trước chuyện đó lẽ nào tôi tọa thị điềm nhiên? Dòm xuôi dòm ngược chỉ còn một con đường: nuôi đề. Đại Thế Giới xổ đề hằng ngày. Mỗi ngày là mỗi hy vọng. Trong một tương lai thiệt gần khoảng 24 tiếng đồng hồ mình sẽ không còn là người khổ sở hiện tại nữa. Thua bữa nay, dời sự háo hức lại ngày mai. Sự thành công luôn luôn thấy trước mắt. Ngủ một giấc dậy chạy xe tới trưa là có thể hy vọng thanh toán hết nợ nần rồi. Từ nuôi đề đi lần tới đánh đề, mỗi bữa tôi bàn chiêm bao của mình của người, tôi bàn đề trên tranh hài hước nhựt trình “Tiếng Dân”, “Ánh Sáng”, mặn con nào dốc túi mua con đó để có thêm hy vọng. Tôi chạy theo đề như người ta đuổi theo hươu nai thỏ chồn, thấy trước mặt đó tưởng như chỉ cần đưa tay ra là bắt được nhưng không bao giờ bắt được. Từ đánh đề tôi đi lần tới những thứ cờ bạc ăn thua quanh quẩn giữa những người quen biết với nhau, móc túi nhau đem về làm của mình. Bài cào, dà dách, cắt tê, đánh me, cu-di… không có thứ nào chừa, không có lần nào ai rủ mà tôi có can đảm từ chối. Càng thua xiểng niểng, càng tuột quần, càng thiếu nợ như đỉa đeo tôi càng mặn với con bài lá bạc. Đời sống tôi không bao giờ biết vui thú, biết rảnh rang, tôi chỉ nghĩ tới làm sao có thời giờ và tiền bạc để chung vô sòng, chỉ nghĩ tới cái thú cầm lên lá bài và quơ tiền thiên hạ. Gỡ. Gỡ. Đó là lý do đẩy tôi vô sòng, đó cũng là lý do đẩy tôi xuống lỗ thẳm của những lo lắng muộn phiền triền miên đeo đẳng. Nợ nần lột bỏ từ từ trong người tôi những yếu tố để được kính trọng. Thiên hạ dạ dạ trước mặt rồi đấm c. sau lưng. Ai cũng nói lén nhún trề tôi là thằng cờ bạc. Kệ! Biết làm sao hơn. Lỡ rồi. Thằng Tốt cặp với con Út đâu chừng hai năm nay, khăng khít không rời như sam cả xóm nầy ai cũng biết. Trước đây nó thấy tôi còn đứng dậy giả lả chào hỏi, khúm núm bẽn lẽn, mà con Út cũng coi bộ sợ sệt, bối rối. Thét rồi nó tới chà lết quết xảm ở nhà tôi, gặp thì chỉ chào sơ rồi quay ra tíu ta tíu tít với cái con Út, coi tôi như không phải người quan trọng trong nhà, như một kẻ ăn nhờ ở đậu không có quyền hành gì. Con Út lớn rồi. Tôi đâu nói rầy gì được nên đành làm lơ. Thằng học cũng giỏi. Năm ngoái đậu bắc-on, đương học bắc-đơ, cử chỉ coi bộ chững chạc, nghiêm nghị kiểu thầy bà chữ nghĩa. Không bao giờ còn muốn kéo dài vài ba câu nói chuyện để cầu thân với tôi. Trong trí nó nghĩ làm sao bộ tôi không biết sao? Khi dễ, rẻ rún. Đó là ảnh hưởng của cây bài lá bạc. Tôi không còn có cách nào khác hơn là van vái đất nước ông bà cho tôi trúng cá cặp để tôi từ bỏ hết thảy các thứ cờ bạc, trở thành người tốt. Con Út nhu mì, bươn chải. Hai đứa xứng lứa, vung nồi vừa vặn. Cũng cầu tụi nó xuôi chèo mát mái. May ra con Út không cần miếng vườn, theo thằng chồng nhà khá giả của nó. Đó là một lý do nữa cho tôi có cơ may thoát khỏi gông cùm nợ nần. Nhiều quá, chúa chổm rồi, tính ra cứ đánh xe ngựa kiểu nầy, sớm bửng ra đi tối mịt mới về ngày nầy qua ngày khác trả nợ tới đời con cũng chỉ mới được một phần nhỏ thôi. Bản án nghèo khổ tù đày treo lủng lẳng trên đầu tôi thấy rõ ràng như in.

Vậy tôi phải tính.

Tính vậy mà trời nói không phải vậy. Con Út khắn khít với thằng đó thì khắn khít mà thờ ơ thì cũng thờ ơ. Nó thương đất chứ không thương tiền. Nó có thể bỏ thằng Tốt chớ không bao giờ bỏ miếng đất. Nó tưới bông mỗi sáng xăn xái còn hơn con trai hẹn mèo, năm nầy qua năm khác, không ngày nào lơi nghỉ. Nó nựng nịu từng nụ bông búp. Nó nhẹ nhàng sợ đau từng cái bông nở. Nó tưng tiu vun gốc từng cây mỗi chiều. Hai ba ngày là qua tuốt lá bên vườn thơm. Chủ vườn đâu ai làm những chuyện tiểu tiết nầy. Vậy mà nó khoái. Nó có thể ngồi trong vườn cả một hai giờ đồng hồ, ngó theo từng con chim xập xòe bay lượn, quan sát từng cánh bướm tung tăng. Ghi vô trí nhớ chỗ nào đất sụp, chỗ nào cây đẹt, chỗ nào kiến đùn. Ngày rảnh nó đi lùng trong mấy luống đất, xăm xoi, ngó ngó. Không phải chỉ có mấy cái bông lài với mấy trái thơm mà thôi. Nó còn thuộc đất chỗ nào màu gì, đất thịt hay đất cát. Chậu nào bể, nhánh nào khô, luống nào cần phân cần nước. Đất vườn đã thành da thịt của nó, máu huyết của nó, cái hồn của nó... Nó thương miếng đất quá cỡ. Kiểu như nó tính sanh ở đây, sống nhờ miếng vườn, sẽ chết gởi thịt gởi xương trong đó, bứng xeo, xoi, cạy gì cũng không đi, không bỏ. Không phải chuyện huê lợi, cũng không phải chuyện tiền bạc nhiều ít gì đó. Đối với tôi thì nhiều chớ đối với thằng Tốt sau khi tụi nó nên vợ thành chồng rồi thì ba cái đó đâu thấm tháp gì, như bạc vụn nằm sót đáy rương thôi, cái kiểu nhà giàu tiền bạc bỏ quên trong kẹt hóc nào đó không nhớ tới vậy mà!

Người ta nói đất có quỷ có ma, sông có Hà Bá thiệt đúng ngay bân. Quỷ ma phải hiểu là thần đất. Thần đất hớp hồn nó rồi. Chặt không đứt, bứt không rời. Đi đâu rồi cũng trở lộn về. Làm gì trong ngày cũng phải có lúc ra thăm vườn nưng bông, dòm lá, vuốt nhánh, hít thở chung không khí với cây. Nó như là một phần tử của vườn. Như là một cây chúa tu luyện lâu năm nên thần thông biến hóa thành người luôn luôn thương mến, che chở thần dân của mình.

Thằng Tốt chữ nghĩa đầy bụng tối ngày lẽo đẽo kế bên nó nên tôi có muốn ăn hiếp em cũng hơi khó lòng. Lâu lâu chỉ mượn được ba món tiển tủn mủn đỡ ngặt tức thời mà thôi, chứ không giải quyết được chuyện lâu dài. Nhằm nhò gì? May quá, ra ngoài ngày, ba thằng đó bắt nó đi Tây. Cả chục năm sau nó về sẽ về với chức bác sĩ nếu không lụy một con đầm mắt xanh mũi lõ nào để bị cột chưn vô đó. Bác sĩ nào mới ra trường lại chịu lấy vợ ngang ngang tuổi mình mà bên vợ coi mòi không thế lực để có thể nhờ cậy trên bước đường sự nghiệp công danh? Cá một ăn mười vụ nầy tôi cũng bắt là tụi nó rã đám, nước ra nước, cái ra cái ngay từ lúc chia tay. Tôi cứ ẩn nhẫn chờ ngày ông già ra đi theo ông bà chắc là ăn nhứt, không còn sợ ai cản đản nói nầy nọ nhức đầu. Lúc đó nằm không cũng sẽ có tiền trả nợ. Phải lo thân mình trước, đi theo đường nhân nghĩa mà giựt nợ, thiên hạ còng đầu mình chớ còng đầu ai?

Lạ lùng là trước đây tôi lo tính kế cứu miếng đất, bây giờ tôi là người chủ trương bằng bất cứ giá nào tẩy miếng đất đi để cứu thân mình. Tất cả chỉ vì lọt vô cửa đổ bát mà thôi. Đi sai đường kẹt như vậy đó, phải chi hồi đó tôi nghĩ cứu bằng con đường khác, lo tu tỉnh làm ăn chẳng hạn, không chọn đường tắt. Đường tắt luôn hy vọng làm người anh xứng đáng của tôi, tắt tương lai dễ thở của một người chủ vườn có xe ngựa cho mướn. Và chắc chắn sẽ mang tới cho em tôi muôn vàn đau khổ, có thể sẽ sứt mẻ tình anh em ruột thịt nữa không biết chừng. Nhưng mà… Thôi chuyện đời nó vậy thì phải vậy!

Hay là tôi mê cờ bạc trước đó mà không tự biết và chuyện cứu vãn miếng đất chỉ là cái cớ tự trong thâm sâu lòng tôi đưa ra để che giấu chuyện ham mê bạc bài? Có thể lắm, biết bao nhiêu chuyện người ta làm ở đời vì có máu me mà cố bao che nầy nọ bằng những lý do tốt đẹp. Máu me cờ bạc đi vô máu huyết tôi như mùi thơm bông lài xuyên vô xương tủy con Út… Có lý lắm. Không thì tại sao ngay từ nhỏ tôi đã thích đỏ đen ông già đánh đập trói cột bỏ đói tôi cũng không chừa?

Thằng Thìn nắm chặt mớ tiền cô Út đưa, nhảy vọt qua đầu mấy chậu bông vạn thọ, mồng gà thấp - dải bông dành bán ngày rằm tháng giêng tới - rồi lững thững đi tắt ngang vườn thơm về phía chợ Cây Điệp. Cô Út vừa cười đưa hàm răng hột dưa trắng đẹp điếng hồn vừa nói ngọt thì biểu lên trời nó cũng đi. Đây chạy ù ra đó hai bận đi về một chút chứ mấy, lâu lắc gì. Nhưng nó không chạy mà cà-rịch, cà-tang mặc dầu trong bụng nôn muốn quýnh. Nó lầm bầm tức tối cái con quỷ Cúc mới tảng sáng đã mắc dịch bỏ đi đâu mất biệt để cho cổ thấy mặt đặt tên mình. Con trai người ta gần Tết mà mượn đi chợ. Thiệt hết đường! Tụi nó đương gầy sòng bầu cua cá cọp ăn thua sớm ở chỗ cái giếng nước cãi cọ dậy giặc coi bộ vui đáo để mà mình không được chơi. Hột của thằng Hai Chí chết rồi, lắc bao nhiêu cũng còn trơ trơ, gà nai cứ ra hoài, canh mà đặt thế nào cũng kiếm được chút đỉnh ra ăn mì thánh của ba thằng Ngầu lấy hên ngày mùng một. Đó là chưa kể hễ ra ba con, biểu nó lắc một cái thế nào cũng dính cựa lại một hai con, phải thời đặt một cái cụp bứng cái, chiều mùng một tra bộ đồ mới vô kéo nhau đi sở thú dòm con gái lấy hên hay ra bồn binh hứng gió coi tây tà…

Nó càu nhàu, lầm bầm, tưởng tượng nhưng vẫn bước đều. Nó biết sức nặng của lời nói cô Út. Ba nó kỳ khôi không giống ai, đánh con ai giựt roi cũng không tha, hễ mất cây nầy thì lấy cây khác thay vậy mà cô xin thì tha liền. Cậu Năm ôn hoàng dịch lệ vậy, ai nói gì cũng không tin mà cô lên tiếng bào chữa về vụ nó làm mất nửa tháng tiền cắt cỏ trả cho dì Tám Sang thì cậu nín khe móc bóp đưa tiền khác đem trả liền. Cô ít mét đứa nào, mà hễ cô mắng vốn xa gần thì chắc chắn là đứa đó lãnh tật. Năm ngoái con Cúc làm gì đó mà cô chỉ nói một tiếng con nhỏ bị đòn thiếu điều lòi bản họng.

Chợ Cây Điệp nhỏ bằng bụm tay mặc dầu, tưng tửng sáng hăm chín cũng đen nghẹt người ta. Giống như âm phủ họp chợ ba mươi Tết. Nó nhớ tới kiểu nói ngộ nghĩnh của ông già nó mặc dầu nó không biết âm phủ họp chợ ra sao và tại sao lại đông quá mạng. Trực nhớ lại chuyện gì đó coi bộ quan trọng, nó quýnh quáng đưa tay rờ cái túi quần ở ngoài mông, mặt tái ngắt. Chết cha… Rồi nó cười tủm tỉm. Vậy mà tưởng mất rồi. Cầm trong tay mà kiếm thiếu điều muốn xanh mặt. Nôn quýnh nôn quáng nên không khác gì ốc mượn hồn! Quên đầu quên đuôi ráo trọi.

Nó đảo mắt mấy vòng kiếm mấy chị bán trái cây. Chợ xóm nghèo sập có chủ đâu bao nhiêu, phần đông thiên hạ đụng đâu ngồi đó nên người mua phải kiếm kẻ bán. “Mua hai trái dừa Xiêm với hai trái mãng cầu Xiêm. Lựa mãng cầu nở gai vừa vừa thôi, đừng có nở tét mới chưng được tới ngày mùng Ba. Mà gai còn túm quá cũng đừng lấy. Non quá nó sượng chín không kịp. Dừa thì lựa trái họ vạt vỏ xanh rồi, búng ở đầu mà nghe cốc cốc tiếng thanh là vừa cơm, tiếng nặng đục thì đừng lấy, cứng cạy đó”. Nó cười tủm tỉm một mình. Ba người đàn bà ai cũng như nấy, lộn xộn bực mình bực mẩy, cũng bao nhiêu đó. Thứ đồ ba cái trái cây cúng rồi cũng ăn, để dành để để gì đó mà làm như chuyện lên trời, dặn tới dặn lui, gai nở gai túm, cứng cạy non cạy nghe phát mệt. Nó tấp vô chỗ một người đàn bà có mấy trái mãng cầu với một rổ sung trước mặt, sung từ chùm từ chùm như trái dâu màu đỏ bầm thỉnh thoảng lác đác vài đốm hoe hoe coi hơi lạ mắt.

“Mua giùm đi cậu Ba. Còn có mớ nầy bán đổ bán tháo về sớm dọn dẹp đón Tết. Trời ơi, mãng cầu hết xẩy, chín cây đó, gai vừa mới nở. Tới mùng Bốn thì vừa”. Nó còn đương do dự chị kia đã bồi thêm: “Nói thiệt hỏng giấu gì cậu Ba. Thấy cậu coi bộ biết ăn biết mua nên tôi nói thiệt. Mãng cầu nhà trồng đó. Ông nhà tôi tháp vô cây bình bát trồng mé rạch nên trái nó ngọt thanh lắm, không phải chua lòm như trái mãng cầu Xiêm thường đâu. Thứ nầy người biết ăn kiếm đỏ con mắt cũng không ra. Phải ở gần rạch cạn mới có cây bình bát mà còn phải biết tháp nữa…”

Thằng Thìn không biết nói gì hơn. Nó rờ rờ bóp bóp trái mãng cầu bự xộn. Da mặc dầu màu xanh lợt không đậm như mãng cầu Xiêm nó thường thấy nhưng coi bộ láng láng, mát rượi, gai nở đều, không có chỗ đèo, không có chỗ nào sâu. Thôi mua đại mua đùa cho rồi.

Nó cầm một chùm sung lên xăm xoi tò mò. Mấy con kiến lửa hay gây sự được dịp bò mau lên tay nó giơ càng tấn công chí tử những chỗ thịt non. Nó để chùm sung xuống gãi lia lịa, coi bộ bực mình muốn dợm cẳng bỏ đi chỗ khác.

Người đàn bà phủi kiến cho nó, đon đả:

- Cậu Ba thích chùm sung nầy hả. Bự xộn há. Sung mãn. Cậu lấy tính rẻ thôi. Có qua có lại.

Nó nghe hết mặc dầu bữa chợ đông, tiếng lào xào lì xì gần muốn lấn át những câu đối thoại của những người nhỏ nhẹ từ tốn. Nó không trả lời vì chưa quyết định được. Cô Út dễ chịu đã đành, tiền còn đưa hơi dư nữa, nhưng mà cô đâu có dặn mua sung. Làm lanh mua về chắc cô không rầy la gì đâu, nhưng cái thằng cha cậu Năm, tánh tình của thằng chả làm sao biết được? Hay mình tự tung tự tác thằng chả thế nào cũng nói nầy nọ nọ kia khó chịu. Lóng nầy coi bộ thằng chả ưa bắt lỗi bắt phải nhún trề với mình…

Trong trí nó lởn vởn hai ý mua - không. Nó ngần ngà ngần ngừ. Mấy bà buôn đầu chợ bán cuối chợ nói ngọt ngào bao nhiêu thì càng cắt cổ mổ họng người ta bấy nhiêu. Mật ngọt chết ruồi mà! Đâu có ai khi không mà tử tế với người lạ quắc lạ quơ mới gặp ngoài chợ?

Tiếng người đàn bà tiếp tục dong dài như một thứ bùa chú tâm lý:

- Tết nhứt ai cũng phải cúng kiếng. Trái cây là cách ước nguyện cầu xin với ông bà vậy mà. Đâu có ước gì nhiều đâu? Cầu sung vừa đủ. Sung mãng cầu vừa đủ. Đủ là được rồi phải không cậu Ba? Cầu dư mất phước. Tết ai cũng mua mấy thứ đó mà tôi không đủ vốn mua dừa Xiêm với lại đu đủ. Nặng nề bầm dập mà bán không hết ra Giêng kẹt vốn khó lòng. Tôi chỉ bán bậy bạ quơ quào ba ngày Tết kiếm chút mớ cho mấy đứa nhỏ ăn bánh mà thôi. Ngày thường còn phải coi con cái. Mấy cháu còn nhỏ quá. Cậu Ba mua mấy trái? Hai trái nầy ngon lắm nè. Qua Tết ăn phải biết! Ngậm mà nghe!

Nó bắt cười khan lên tiếng dòn. Chị đàn bà nầy nói cũng dòn, cũng hay đó nhưng mà nghe bắt tức cười. Ngậm mà nghe… Ra hè nhả… Người đàn bà coi bộ thất vọng khi thấy nó thờ ơ không có vẻ gì muốn mua. Nó thấy tội nghiệp chị ta và thấy mình ngon lành bảnh tỏn hơn khi nhớ lại nãy giờ được kêu một điều cậu Ba hai điều cậu Ba, lại còn được hầu hạ giải thích đủ điều. Cái tay áo chị rách teng beng té bẹ vá chùm vá chụp thấy dễ động lòng. Nó trả giá đại đùa cho có, bất kể mắc rẻ. Sòng bầu cua lởn vởn trong trí nó “lấy cái tay ba con nai, hột kê huề, cấm tả” tiếng cãi lộn om sòm bát nhã của tụi bạn cùng trang lứa trong xóm xóa bỏ lời dạy “nói thách mua rẻ” nó học được từ lâu.

Chị bạn hàng xăng xái giúp nó để hai trái mãng cầu xuống đáy giỏ, chị chêm tử tế bằng lá chuối khô, cảm ơn liền miệng khiến nó cảm tưởng ấm lòng. Cầm giỏ ra đi nó nghĩ mình mua mắc, thấy tiếc tiếc nhưng nó chỉ nhún vai bước đi khi ngó lại thấy cái tay áo rách be bét của chị bán hàng đương xếp đặt mấy trái mãng cầu còn lại. Nó đi thẳng tới cuối chợ kiếm dừa Xiêm. Có tiếng đàn bà khóc giãy thảm thiết đâu đó gần chỗ mấy bà bán thịt. Lại chuyện hết tiền vì giựt vòng giây hay tráo bài ba lá gì đây. Nó chen vô. Người đàn bà nước mắt đầm đìa mặt, cặp mắt đỏ ửng, nắm vạt áo cãi lẫy với một thằng cha đàn ông nào đó mặt mày vằn vện coi thiệt có cô hồn. Thằng cha nầy liếc ngang liếc dọc, nửa muốn tháo chạy, nửa muốn giải vây bằng cãi lẫy. Coi bộ mặt tỉnh tuồng của thằng chả cũng biết tụi đồng đảng chung quanh cũng khá bộ bàng. Chưa cần đó thôi, nếu có chuyện gì chúng đã hè nhau vô giúp rồi. Người thường bị đàn bà nắm áo giữa chợ mấy ai lại cười hềnh hệch như giả ngộ, cái hềnh hệch tin tưởng ăn chắc và chờ đợi coi tình hình biến chuyển cách nào.

Nó lách mình ra khỏi đám đông. Cũng chuyện đáng giận đó không hà! Kết cuộc là người đàn bà yếu đuối không làm sao được đành bù lu bù loa một hồi rồi bỏ về, chạy đầu trên xóm dưới quơ quào trám vô chỗ tiền bị mất mát!

Đáng đời! Ai biểu đàn bà mà tham lam, chỗ chúng cờ bạc mà xách đít vô! Chắc cũng loại máu me nữa rồi. Muốn giở nhà chúng về cất chuồng heo thì chúng đem bàn thờ ông bà mình ra làm củi chụm. Ruộng vườn bán hết tra thân vào cùm. Cậu Tốt nói lẩm rẩm vậy mà có lý. Nó cười tự thưởng mình. Ưa hóng mỏ nghe người lớn nói chuyện như vậy mà có lý quá cỡ, nhiều câu hay đáo để. Sao lại có chuyện đàn bà con gái mà đi đặt bài ba lá được chứ. Rồi về chạy tiền không ra, bị chồng nó đập cho một trận nên thân mở con mắt ra thì đã muộn.

Tiếng thằng cha đàn ông mầy tao với chị đàn bà làm thằng Thìn tức tức. Tiếc là lính mã tà tới chậm lụt quá. Tụi đồng bọn sẽ gỡ để giải vây cho hắn bây giờ đây. Nó giận mình không lớn con dềnh dàng để nhảy vô can thiệp, tống cho thằng cha bợm bãi một đạp té nhào, rồi đạp lên ngực kiểu Triệu Khuông Dẫn đạp Hàng Thông biểu nó trả hết tiền lại cho người đàn bà yếu đuối đáng tội nghiệp kia. Giận quá mấy thằng điếm! Nó nhớ tới trận đòn tuần trước vì thua bông vụ vuốt mặt. Tụi cờ gian bạc lận đáng ghét đã đành, tụi bày trò lường gạt hay giở thói ăn vùa thua giựt còn đáng ghét biết bao!

Nó phun nước miếng khi đi ngang qua mấy sòng bông vụ. Chun vô đó sẽ thua sạch túi lần nữa. Về nhà chơi bầu cua cá cọp với tụi Hai Chí vậy mà chắc ăn hơn. Nó đưa tay rờ thêm lần nữa túi tiền. Vẫn còn đó. Không suy suyển. Yên bụng. Nó quên buồn, đánh đòng đưa cái giỏ trái cây trên tay. Hai trái dừa còn rộng chỗ xích qua xích lại cấn lên trái mãng cầu thiếu điều giập ra nước nó cũng không thèm để ý. Chùm trái sung làm tài khôn cộ về giờ coi cũng tanh bành té bẹ, không còn hình thù đẹp đẽ như lúc mới mua nữa.

Tôi đi xăn xái qua nhà thằng Hai Lé, băng ngang ngã giếng nước. Khu trồng bông vạn thọ có ánh sáng leo lét, chắc là tụi nhỏ tụ tập bài bạc gì đây.

Giọng con Cúc, từ đây tới đó cũng xa xa, tôi nghe tiếng được tiếng mất:

- Ai đi coi cà bơi như thằng cha cậu Năm.

Yên lặng một lúc. Nếu tôi đi thẳng con đường mình đương đi thì không đụng tụi nó nhưng tiếng xầm xì kế tiếp làm tôi tẽ về phía đó.

- Che đèn đi. Thậm cấp, thậm cấp, chí nguy, chí nguy!

- Đừng có mời thằng chả lại à nghe. Của đâu!

- Cha! Tao thấy mầy ưa cười duyên với thằng chả lắm mà.

- Xì! Thằng chả đảo nhãn tao chứ bộ.

- Im!

Vậy là dưới mắt tụi nó tôi không đáng một đồng xu ten. Tụi nó kêu tôi bằng thằng cha, thằng chả. Tôi đi cà bơ cà bơi, thất tha thất thểu. Chắc là kết quả của mấy trận bài trắng đêm mệt mỏi thêm buồn sạch túi. Tụi nó không muốn nói chuyện với tôi. Tôi để ý con Cúc. Con nhỏ nầy cũng biết. Mấy thằng bạn nhỏ xíu mà cũng biết muốn vợ của nó cũng biết. Con Cúc nói tới tôi bằng một giọng khi dể như mắc cỡ vì chuyện tôi thấy nó nhỏ thó lại có duyên ngầm nên phải lòng thầm hơn mấy tháng nay.

Điều khiến tôi sượng trân muốn chết đứng là nó hay nói huỵch tẹt tôi đảo nhãn nó. Con của người ăn người làm mà trổ mòi thì coi sao được. Nó lại mới có mười sáu tuổi chớ mấy. Ba bốn năm trước còn bận quần xà lỏn đeo chưn đeo tay tôi chớ đâu. Giờ nó trổ mã mình đem về làm vợ cũng được. Cho bận quần áo đẹp đẽ lụa là thì ăn đứt mấy cô ở chợ nữa là khác. Không chùi để vậy lưu ly. Chùi ra tỏ rạng khác gì thủy tinh. Cái môi vảnh vảnh, cặp mắt ướt ướt đó đem về cầu một ngày đo rún ba bốn lần mới đã. Nhưng mà phải có bỏ trầu cau đàng hoàng, cưới hỏi chớ không thể lửa rơm, mèo chuột.

Tôi còn tính là con số đề nuôi mười ngày nay mà trúng thì tôi đưa cho ông Bảy để ông uốn ba tấc lưỡi Tô Tần giùm. Gì chứ chuyện nói ra nói vô để dựng vợ gả chồng cho thiên hạ, ông này ổng thích lắm. Thấy hai đàng hợp nồi hợp ơ là ổng đốc vô liền. Thêm nữa, tình thầy trò mà. Hồi nhỏ tôi theo ổng để học mót mấy câu ca giờ nầy cũng còn xài được khi có tiệc tùng. Con nhỏ mới lớn, nhà nghèo, chắc cũng không có gì khó khăn. Cưới rồi lo tu tỉnh làm ăn, không theo đường cũ “ đùng đùng ngựa chạy qua truông, mãn mê cờ bạc luông tuồng bỏ em”. Vậy mà coi bộ nó chê. Cái thằng Thìn nhỏ hơn nó hai ba tuổi, cứt mũi đầy, đầu cổ lúc nào cũng chôm bôm như ổ quạ, tay chưn dơ hầy, cái mình dài sọc mà còn bị đòn liền xì vậy mà coi bộ khắn khít với nó. Cha! Thèo lèo cứt chuột! Cha! Trà quế nữa. Mấy thằng khác có mặt cho rậm đám, chỉ lo ăn thôi đâu biết bí ẩn bên trong, vô tình làm nhưng làm nhị cho tụi nó liếc qua liếc lại, nỉ non đêm vắng tình dài, cười cợt, mùi mẫn. “Bụi cỏ lau khô sầu ai dã dượi, thỏ non núp lùm nầy chờ đợi bóng trăng non”.

Vậy là tôi đã thua thằng nhỏ nầy. Thua đau đớn trước khi xáp trận. Tưởng là tiếng cậu thiên hạ kêu ngọt sớt mỗi ngày là ngon. Tưởng là con ông chủ vườn có riêng hai cái xe ngựa với bốn con ngựa là ngon. Ai dè tôi bị xô chỏng gọng. Tụi nó tình tang trước mặt mình mà mình không dám hó hé.

Tôi bước tới, sửa giọng tỉnh rụi:

- Chào mấy đứa! Ăn Tết sớm vui hé!

Hết cả bọn làm thinh, một lúc sau con Cúc lên tiếng:

- Tụi nầy tính ăn thèo lèo cứt chuột tán dóc chờ năm mới.

Tôi giễu để làm thân:

- Nói chuyện đời cho vui chớ tán dóc khỉ khô gì.

- Con Cúc nói chuyện đời còn tụi tôi hết thảy đều tán dóc cho vui chớ biết gì chuyện đời mà nói cậu Năm?

Tôi vừa làm người lớn vừa làm thân:

- Mấy đứa tiếp tục ăn uống đi. Cứ tự nhiên.

............ CÒN TIẾP 1 KỲ