XUÂN NGANG QUA TRỜI
B ây giờ đã gần hết mùa đông, khí trời trở nên ấm áp, cây cối bắt đầu nảy lộc đơm hoa, đàn chim các loại: cò, vạc, yến, sẻ ngô… bay về đây sinh sống
Mùa nào việc nấy, thằng Tín từ công việc giăng lưới hay đi rà điện để bắt cá trong mùa mưa bây giờ đến mùa khô, nó chuyển sang nghề bẫy chim. Những công việc nó làm đều mang tính hủy diệt môi trường nhưng suy cho cùng một thằng bé gầy yếu, ốm tong teo, ở với bà mẹ thường xuyên đau bệnh đi làm chập chờn, miếng cơm bữa có , bữa không – nên mới 14 tuổi , bỏ học từ năm lớp 6 để mưu sinh. Làm thuê không ai mướn, nó đành theo một số người lớn học nghề bắt cá, bắt chim… Dần dần nó trở nên một tay sát thủ với chim, cá và nó tự đi kiếm sống.
Bắt chước đàn anh, nó mày mò chế ra một cái bẫy chim; gồm có một cây chống bằng kim loại, phía trên gắn hai đoạn tre cứng nhỏ, chỉa ra hai phía, trên đó có bôi một lớp keo đặc biệt, chim đậu bị dính chặt đôi chân, không thể bay đi. Khi bẫy, nó gắn cái cây kim loai vào một cái cây hay một cái cột trống trải ( như cột điện ), gắn hai con chim mồi vào hai cây tre có bôi keo, rồi lấy điện thoại có thu tiếng chim ( do đàn anh thu cho ) bật lên. Tiếng của đàn chim kêu inh ỏi cộng thêm hình ảnh vỗ cánh của hai con chim mồi khiến lũ chim trời tò mò bay lại đậu. Thế là mắc vào bẫy của Tín , nó dùng nước đặc biệt để gỡ chim ra. Khi bắt đươc khá nhiều, nó đem đi tới các quán để bán ( chim sẻ ) hay phóng sinh ( yến, các loại chim khác… )
Giữa lúc lòng mọi người đang rộn ràng, phơi phới nhận tín hiệu mùa xuân về từ những đàn chim ríu rít hót vang, bay lượn trên bầu trời xanh hay nháo nhác trong những tán cây thì Tín và đám người bẫy chim ra sức tận diệt chúng. Họ ra sức bẫy chim mọi lúc, mọi nơi; số lượng chim khờ khạo bị bắt ngày một nhiều, bầy chim may mắn còn sống sót đã bỏ đi nơi khác. Không gian mùa xuân ở đây thưa thớt bóng chim nên trở nên thinh lặng, quạnh hiu. Công viêc làm ăn của Tín và đám bẫy chim ngày càng khó khăn, họ phải “ tản” đi các nơi xa để đánh bẫy
Một ngày đẹp trời, Tín chở đồ nghề bắt chim lủng củng của nó trên chiếc xe đạp. Nó đi chầm chậm qua các trang trại cà phê, quan sát chỗ thích hợp để đặt bẫy. Tới một trang trại có xây dựng một nhà nuôi yến tương đối qui mô, nó nhìn thấy đàn yến lượn ra, lượn vào trên chóp nhà và trong đám cà phê , cây ăn trái còn có tiếng chim khác kêu ríu rít. Nó quyết định đặt bẫy. Lần này nó cẩn thận hơn, tìm vị trí bên kia đường, đối diện trang trại, tìm cây cây cao, ít cành ,dùng rựa rong cho thoáng rồi cột bẫy vào… Nó tính toán kỉ vì mấy lần trước đặt bẫy trong đất trại người ta thường bị bắt giữ hay bị xua đuổi sau khi ăn vài cái bạt tai hay đá đít của chủ trại…
Khi âm thanh từ chiếc điện thoại bật lên, hấu như lũ chim trong trại đều bay về hướng cái bẫy, chúng lượn vòng vòng trên cao trước khi có quyết định đáp xuống hay không. Tín mừng thầm vì phen này vớ “ bở “ ! Nhưng bất ngờ từ trong trại có con bé chạy tới, vừa la, vừa xua đuổi đàn chim bay đi. Tín tức giận lớn tiếng:
- Mày làm cái gì vậy? Đây là chỗ chim tao bẫy, có đụng chạm gì tới nhà mày …
- Nhưng chim yến và chim khác từ nhà em bay ra… Con bé nhẹ nhàng nói .
- Chim trời cá nước, ai bắt được nấy hưởng, nhà mày cũng “ dụ “ chim vào , chớ có nuôi đâu… Tín hét lớn.
- Anh ơi, anh bắt như vậy thì hết chim còn gì. Giọng khẩn khoản của con bé.
- Kệ tao, không có chim thì lấy đâu tao bán, có tiền mua gạo, mua cơm
Con bé lặng thinh một chập, không biết nói sao. Bỗng nó lên tiếng
- Anh ơi vào đây xem nè
Đoạn nó ngoắc Tín đi theo nó, Tín hơi ngạc nhiên nhưng cũng đi theo nó vào vườn. Con bé dẫn Tín tới những cây ăn trái có tán xum xuê , nó chí lên các ổ chim nào dòng dọc, nào sẻ, nào manh manh … đang ở rải rác trên các tán cây; đoạn con bé nói :
- Nếu anh bắt hết chim bố mẹ thì những con chim non trong ổ sẽ ra sao anh?
Tín hơi băn khoăn nhưng nó nói giọng ngập ngừng :
- Nếu không bắt chim thì nhà tao đói, mày có biết không ?
Một không khí yên ắng bao trùm. Chợt con bé lên tiếng:
- Anh ơi, đừng bẫy chim nữa… em có cái này cho anh để anh bán kiếm tiền
Nói đoạn, con bé chạy vào trong nhà, vác ra một bao tiêu độ 10 ký đưa cho Tín và nói:
- Anh lấy về bán nha.
- Nhưng lỡ ba mày biết thì mày ăn đòn.
- Ba em không biết đâu nhà em nhiều tiêu lắm .
- Ừ, cám ơn mày, tao không bắt chim nữa, tao về…
Tín ngập ngừng ôm bao tiêu ra ngõ.
Xui xẻo cho nó , vừa ra tới đường thì gặp bố con bé đi làm về. Thấy nó ôm một cái bao giống của nhà mình và từ nhà đi ra, ông bèn là lớn:
- A ! Mày giả đò đi bẫy chim để lẽn vào nhà tao ăn trộm hả mày…
- Cháu… cháu… không có lấy…
Thằng bé lắp bắp nói chưa hết câu, người đàn ông chụp cổ áo định đánh thì con bé từ trong nhà chạy ra la lớn:
- Ba ơi đừng đánh anh ấy… Con lấy tiêu nhà cho anh ấy đó .
- Con nhỏ này, tại sao con lấy đồ của nhà cho người ta .
Con bé chạy lại gỡ tay bố ra khỏi thằng Tín, đoạn vừa thút thít , vừa kể hết sự tình đã xảy ra và không quên nhắc tới hoàn cảnh tội nghiệp của Tín. Bố con bé nghe liền nguôi giận, ông thở dài và nói :
- Con biết thương người vậy là tốt, nhưng dù sao con phải đợi ba mẹ về hỏi ý kiến như thế nào đã chứ. Ba mẹ sẽ có hướng giải quyết.
Đoạn ông quay sang Tín nói:
- Cháu để bao tiêu lại cho chú… Đây chú cho cháu một ít tiền về mua gao mắm… Ông rút ra một xấp tiền đưa cho Tín và nói tiếp:
- Thôi cháu đừng đi bẫy chim nữa, làm như thế là tội lỗi lắm, giống chim sẽ hết dần… Mai cháu đi hái cà phê cho chú, chú sẽ trả công cho cháu như người lớn để cháu có thể giúp đỡ gia đình…
Thằng Tín cúi đầu cảm ơn và hân hoan ra về.
Kể từ đó thằng bé có công ăn việc làm ổn định. Nhờ chịu thương chịu khó nên Tín được gia đình con bé quí mến, thường xuyên giúp đỡ cho mẹ con nó. Con bé vì không có anh em trai nên mỗi khi Tín rãnh, nó thường xuyên quấn quít để chơi đùa cùng nhau.
Đàn chim trong vườn giờ lượn bay trên bầu trời một cách vô tư, vì từ nay chúng không còn sợ những hiểm nguy nào chực chờ. Chúng vỗ cánh bay đi mọi nơi và chúng là hình ảnh của mùa xuân bay ngang khoảng trời trong xanh…
( Ngày cuối cùng năm 2020 )