Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








CHUYỆN NGÀY XỬA NGÀY XƯA





C huyện xảy ra lâu lắm rồi. Từ ngày xửa ngày xưa...

Có một chàng trai khôi ngô tuấn tú, con của quan đốc học đầu tỉnh. Gia cảnh quan đốc không giàu, nhưng do coi trọng sự học, đã hết lòng đầu tư cho anh con trai theo đuổi nghiệp bút nghiên. Người con trai cũng là kẻ biết nghĩ, cảm động vì được cha mẹ chăm lo chu đáo nên đã tu chí học hành. Ngay từ thuở tóc còn để chỏm, anh có thể ôm tứ thư ngũ kinh, xếp chân bằng tròn, ngồi nghiền ngẫm từ sáng đến trưa. Từ trưa đến chiều. Có những hôm đọc ê a nhiều quá, mồm anh méo xệch, dãi rỏ ròng ròng. Những lúc tập viết, có khi chỉ một nét ngang hay xổ đứng, anh chấm ngọn bút lông đến khô cong đáy đĩa mực tàu mà vẫn chưa ưng ý. Sau một ngày bò lê bò càng để viết, bộ quần áo nâu anh mặc lem luốc đầy vết mực loang. Vợ chồng quan đốc thấy con chăm học như vậy thì mừng lắm. Quan đốc ông thì thầm bảo quan đốc bà, sau này nó sẽ làm to...

Anh con trai chăm học như vậy nên khi tham gia các kỳ thi hương, thi hội, rồi đến thi đình, anh đều đứng đầu bảng. Tiếng lành đồn đến tận cung vua. Đức Vua bèn triệu anh con trai quan đốc vào cung, ban chiếu thành lập một hội đồng thẩm định, thành phần đủ mặt các nhà khoa học tiếng tăm lừng lẫy trong mọi lĩnh vực: văn hoá, môi trường, khoa học công nghệ, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, kiến trúc, nông lâm ngư nghiệp, y tế, giáo dục... để phỏng vấn trực tiếp, đánh giá về đạo đức, trình độ học vấn của anh con trai quan đốc học, xem thực hư ra sao. Đứng trước hội đồng thẩm định, anh con trai quan đốc bình tĩnh, tự tin, vượt qua một cách xuất sắc mọi câu hỏi hóc búa, thậm chí có sự gài bẫy của các thành viên hội đồng. Vua chứng kiến cuộc thẩm định lấy làm mừng lắm, yên tâm rồi đây sẽ có người tài phò vua trị vì đất nước. Nhưng, trước khi trọng dụng người hiền tài, để anh con trai quan đốc điều hành đất nước không lạc lõng, bảo thủ trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, vua cử quan thủ thư mở mạng Internet, online với một trường đại học nổi tiếng nhất thế giới của nước Ô Lênđianh, phía bên kia địa cầu, nhằm đưa anh ta đi du học. Vua lo xa như vậy cũng phải. Bởi, đối chiếu trình độ chung của đất nước, cái vốn kiến thức của anh con trai quan đốc thực đáng nể, nhưng để mở cửa và so tài với các nước trên thế giới, cái vốn đó chẳng thể xếp hạng vào thứ bậc nào cả! Trước khi anh con trai quan đốc đi du học, vua ban chiếu chỉ cùng một số nghị định thi hành để anh cam kết thực hiện, với nội dung chủ yếu sau: Phải nỗ lực tiếp thu tinh hoa văn hoá, khoa học công nghệ của các nước tiên tiến; những thứ phản văn hoá, đồi trụy, lai căng, gàn dở, nhất thiết không được để bị đồng hoá mà phải kiên quyết chống lại, phải quyết tâm giữ gìn bản sắc dân tộc và tính cách đặc trưng của người dân nước Ô Mahôi; kết thúc khoá học, không được tìm cách lấy người nước ngoài để vào quốc tịch của họ xin ở lại, mà phải trở về phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân. Nếu không, sẽ phải bồi hoàn gấp mười lần kinh phí vua ban trong thời gian du học. Đồng thời, sẽ truy cứu trách nhiệm liên đới những người sinh ra anh. Vì vậy, bản cam kết còn phải có cả chữ ký của vợ chồng quan đốc.

Hôm anh con trai quan đốc xuất ngoại, Đức Vua phải nhờ đến máy bay của nước làng giềng. Chẳng là, nước Ô Mahôi của Ngài đóng cửa với thế giới lâu quá rồi. Giờ Ngài nhận ra điều đó thì việc đầu tư để phát triển theo kịp với trình độ chung của nhân loại cũng cần phải có thời gian. Ngay như hệ thống giao thông còn chưa có sân bay. Bến cảng cũng hạn chế lắm. Gần đây, một lĩnh vực mới của thế giới là công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão, Đức Vua cũng đã ban chiếu chỉ xây dựng Chương trình Tiđera để triển khai gấp, nhưng nghe chừng còn trì trệ lắm. Sự trì trệ một phần do vốn hiểu biết hạn chế của đội ngũ quan lại phụ trách mảng công tác này. Họ vừa làm vừa run. Cũng phải thôi. Đóng cửa với thế giới lâu thế, nên mở ra cũng phải dè dặt chứ. Bất cứ lĩnh vực nào, nếu cứ đầu tư ào ạt, biết đâu lại chỉ hứng đủ thứ rác rưởi của các nước tiên tiến đổ vào...

Để đưa anh con trai sang sân bay nước láng giềng, gia nhân quan đốc đã chuẩn bị chiếc xe song mã cực đẹp. Trong đàn ngựa gần chục con của nhà quan đốc, chỉ khi nào có việc trọng đại mới dùng đến chiếc xe song mã này. Đôi ngựa, một con trắng, một con đen, ức rộng, bờm dày, hông thót, bốn chân đều tăm tắp, đẹp như ngựa trong tranh của Từ Bi Hồng ở Trung Hoa. Bà đốc không quen đi xa, nên không thể cùng con đến tận sân bay. Theo con trai ra cửa, khoác lên vai cho con chiếc tay nải đựng bộ quần áo nâu, nhìn nó bước lên xe ngựa, nước mắt bà chảy tràn trên má. Hai bên mép, màu đỏ quết trầu bà ăn chảy theo nếp nhăn, dễ làm cho người ta bật cười vì trông thật đối nghịch với cảnh chia ly. Quan đốc cũng buồn lắm, nhưng cố nén trong lòng. Còn ngoài mặt tỏ ra vui vẻ để động viên con. Hơn nữa, ngài rất tin vào tiền đồ sán lạn của đứa con nối dõi.

Hơn một ngày ngồi trên máy bay của nước bạn, anh con trai quan đốc ngỡ ngàng lạ lẫm với đủ thứ. Anh chưa bao giờ nhìn thấy những cô gái mặc váy ngắn đến vậy. Ở quê anh, đàn bà con gái mặc váy dài đến mắt cá chân. Loại vải may váy của họ thô ráp, đen bàng bạc, quanh năm nhàu nhĩ. Còn các cô chiêu đãi viên, anh áng chừng, váy các cô ngắn trên đầu gối đến hơn ba mươi phân. Anh biết, so luật pháp nước Ô Mahôi của anh, váy như thế là phạm quy. Mà vải may quần áo của các cô đẹp quá chừng, trông thật nõn nà. Mỗi lần các cô đi qua, anh nín thở, tim đập thình thịch vì không kìm được đã đưa mắt nhìn theo cặp đùi trắng loá của họ. Đĩa đồ ăn các cô đặt ở trước mặt, anh không biết sử dụng dĩa thìa như thế nào, đành phải bốc bằng tay. Lon nước ngọt 7up lóng ngóng mãi anh cũng chẳng mở được, đành nhờ một cháu gái cỡ mươi tuổi ngồi bên. Nó mở xong, đưa cho anh con trai quan đốc, còn bảo: Chú lớn thế này mà không biết bật nắp lon. Rồi nó tò mò nhìn bộ quần áo anh mặc, hỏi: Chú ơi, sao chú lại mặc quần áo nâu thế này? Chú là nhà sư à? Nhưng là nhà sư sao chú không cạo trọc cả đầu, lại chỉ cạo xung quanh, để một cái chỏm ở giữa rồi đội khăn xếp thế? Anh con trai quan đốc không biết trả lời làm sao, cúi gằm xuống nhìn bộ quần áo của mình. Quả thật, nó khác hẳn với những người xung quanh. Nhưng biết làm sao... Thảo nào, lúc qua mấy cái cửa kiểm soát, các cô nhân viên cứ nhìn anh chằm chằm. Anh nghe các cô hỏi nhau: Quốc tịch nước nào? Nước Ô Mahôi? Thế ra quần áo của họ cổ lỗ sĩ thế cơ à? Vậy mà tớ cứ tưởng người Ả Rập. Ả Rập thì phải quần áo trắng chứ, sao lại là nâu? Ừ nhỉ, mà họ dùng khăn quàng đầu, chứ có phải khăn xếp đâu! Rồi họ lè lưỡi, cười khúc khích...

Nhưng dù sao, khi sang đến nước Ô Lênđianh để du học, trang phục của anh con trai quan đốc cũng không còn là vấn đề rắc rối. Ở các nước tiên tiến, mọi người sống tự do, thoải mái trong sinh hoạt và tôn trọng sở thích của nhau. Chính vì vậy, anh không bị nhòm nhỏ, thì thào gì về quần áo mang trên người. Thấy anh chăm chỉ học hành, nhiều người cũng quý. Họ chỉ không thích cái tính ít cởi mở, hạn chế giao du với bạn bè của anh. Ngay cả với những người đồng hương, anh cũng sống xa cách, lạnh nhạt, khép mình. Mỗi tháng đôi lần, anh gửi E - mail cho quan thủ thư, nhờ báo cáo về tình hình học tập của mình lên Đức Vua và hỏi xem quan phụ trách quốc khố của triều đình đã gửi học bổng sang chưa. Thời gian đầu, nhiều tháng nhận học bổng chậm, anh thấy bực mình và khó hiểu. Anh nghĩ, Đức Vua đã ban chiếu, trợ cấp học bổng toàn phần cho anh mỗi tháng là năm trăm Dako. Vậy thì quan phụ trách quốc khố cứ thế mà thực hiện. Có gì mà phải chậm chạp đến thế. Sau đó, anh hỏi dò bạn bè mới biết, dù Vua đã có chiếu chỉ, nhưng nếu anh không "thối lại" một phần cho ông ta, thì mọi việc khó có thể trơn tru, trót lọt được. Anh đành viết E - mail, nhờ quan thủ thư in ra đưa về cho quan đốc, xin bố mẹ lo khoản "thối lại" cho quan phụ trách quốc khố. Sau này anh biết, khi viên quan thủ thư đọc được E - mail của anh, ông ta đã đe dọa quan phụ trách quốc khố, là sẽ tâu trình lên Đức Vua, về việc ăn chặn học bổng của lưu học sinh. Quan phụ trách quốc khố sợ quá, mỗi tháng đành chia cho quan thủ thư một phần ba chỗ lộc mà quan đốc học đút lót. Từ đó, học bổng toàn phần Vua ban cho anh con trai quan đốc mới nhận được đều đều.

Qua năm năm du học trên đất nước Ô Lênđianh, anh con trai quan đốc đã tiếp thu được khá nhiều kiến thức khoa học hiện đại để có thể trở về phụng sự Đức Vua và phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, nhiều lần anh cũng phải tự thú rằng, có những lúc anh dao động, về việc có nên ở lại hay không. Vì thời gian năm năm đủ cho anh nhận rõ cuộc sống thiên đường của đất nước Ô Lênđianh. Tất cả những người anh gặp thường ngày, cả đàn ông đàn bà đều đẹp như trong mộng. Họ cư xử với nhau thật thân ái, lịch sự. Trẻ con thì trông như những chú hài đồng trong bức tranh vẽ về chúa Giê su. Mức sống trong nước Ô Mahôi của anh thì không thể so bì với cuộc sống của bất cứ người dân Ô Lênđianh nào rồi. Ngay bố anh là quan đốc học đầu tỉnh mà lương đâu có rủng rỉnh gì. Mẹ anh phải tính toán chi tiêu hà tằn hà tiện lắm mới đủ sống. Và gia đình anh vẫn triền miên ăn uống theo kiểu: Tương cà gia bản (tức là trong nhà có vại tương, chum cà là yên tâm mà sống rồi). Tội nghiệp cha mẹ anh, cả đời có biết đi du lịch là gì. Dân Ô Lênđianh mỗi năm phải đi du lịch ít nhất một lần, có thể đi bất cứ đâu trên thế giới. Ngẫm mà thấy thương cha mẹ quá!

Hồi còn ở trong nước, anh thấy việc truy cập Internet bị hạn chế lắm. Cả triều đình mới có một cái máy tính nối mạng Internet. Mỗi lần dùng xong, quan thủ thư lấy tấm vải to quấn kín cho khỏi bụi, rồi đặt vào một cái hòm gỗ sơn màu đỏ, khoá lại. Những trang Web có nội dung thoải mái, chỉ mấy quan thân với quan thủ thư mới được xem. Họ vừa xem vừa cấu chí nhau bịt miệng cười khúc khích. Họ rủ nhau xem rất kín đáo, vì sợ bị các quan khác theo dõi, dâng sớ xin vua ban chiếu chỉ dựng tường lửa. Internets ở Ô Lênđianh thì vô tư, chẳng có tường lửa, tường khói gì hết. Vừa rê chuột nhấn nút truy cập Internet, các cô gái hoàn toàn sexy nhảy vào màn hình đánh ngoéo một cái. Mà nào có thấy ai cấm đoán gì. Cũng chẳng thấy ma tuý, mại dâm làm rối loạn xã hội. Thông tin thì phong phú, đa dạng, đọc cả ngày chẳng thấy chán. Cũng chính vì được sử dụng Internet để học thoái mái mà chỉ một năm đầu du học, anh sử dụng được ngôn ngữ nước Ô Lênđianh không khác gì tiếng mẹ đẻ và dùng bút bi điện tử thành thạo, di chuột nhấn nút máy tính vèo vèo.

Nhưng anh con trai quan đốc ngẫm kỹ, dù rất muốn ở lại Ô Lênđianh cũng không thể. Điều này liên lụy trước hết đến cha mẹ anh. Là đứa con có hiếu, anh không thể để điều đó xảy ra. Vì vậy, anh quyết định về nước. Trước là báo đáp công ơn trời biển của Đức Vua, sau là phụng dưỡng cha mẹ nay đã về già. Lần này về nước, anh không còn phải quá giang qua sân bay nước láng giềng nữa. Nước Ô Mahôi của anh cũng đã có sân bay. Một điều mới mẻ nữa là, sẽ có một chiếc ô tô chạy bằng pin mặt trời của chính Đức Vua, ra sân bay đón. Đây là một vinh dự thật lớn đối với anh.

Thời gian còn ở Ô Lênđianh, khi lên Internet anh đọc được nhiều tin bài phản ánh về tình trạng tham ô, hối lộ, sách nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính của bộ máy công quyền trong nước. Nên, anh đã chuẩn bị rất nhiều những đồng bạc trắng, dùng để "bôi trơn" cỗ máy làm thủ tục cửa khẩu. Qua các khâu kiểm tra hầu như đều trót lọt. Chỉ một lần anh suýt bị phát hiện đưa hối lộ. Số là, khi nhân viên hải quan đưa tay lách vào cái ống quyển, lôi hồ sơ của anh ra, cô ta nghiêng ống quyển quá mức cần thiết, thế là đồng bạc rơi ra kêu đánh cạch một cái. Nhưng khốn nỗi, đồng bạc không chịu nằm bẹp tại chỗ mà lại lăn vèo vèo đến cạnh chân gã cảnh sát đứng kiểm tra vòng ngoài. Anh con trai quan đốc và cô nhân viên đều tái mặt, nhưng cố tỏ ra bình thản. Gã cảnh sát cúi xuống nhặt, giơ lên ngắm, ngó quanh với cái nhìn ngờ vực. Vài giây trôi qua. Không thấy biểu hiện gì khác thường ở đám hành khách, gã kín đáo đút luôn vào túi ngực. Anh con trai quan đốc và cô nhân viên hải quan thở phào... Anh đành bấm bụng, thò tay vào túi áo comple lôi ra một đồng bạc trắng khác, khẽ luồn dưới tập hồ sơ đang để trên bàn. Cô nhân viên hải quan dường như cũng đã quen với cách giấu tiền kiểu này, nên đưa ngón tay xuống dưới tập hồ sơ, nhón đồng tiền khá thành thạo, đút nhanh vào túi áo của mình.

Bước chân về đến đất nước, anh con trai quan đốc được Đức Vua cho phép về quê bái tổ và thăm viếng cha già mẹ yếu. Anh không hỏi bùi ngùi khi ngắm tấm lưng còng khọm xuống của mẹ và mái tóc bạc phơ như cước của cha. Mẹ anh mắt đã kém, thấy anh bước qua cửa đi thẳng đến trước mặt mình, quay sang hỏi gia nhân: ông Tây nào đến nhà ta thế. Anh nhào tới, ôm lấy mẹ khóc và nói: Mẹ ơi, con đây mà. Sao mẹ không nhận ra? Mẹ anh sờ sẫm vạt áo comple anh mặc hồi lâu, rồi ngước lên hỏi: Trước con mặc cái áo nâu mẹ khâu cơ mà, có phải con thật không? Anh không trả lời được, chỉ khóc nấc lên. Quan đốc đứng cạnh lấy tay lau nước mắt.

Vài hôm sau anh con trai quan đốc từ biệt cha mẹ lên kinh.

Đức Vua lúc này cũng đã cao tuổi, nhưng trí óc Ngài còn sáng láng lắm. Ngài giao cho anh con trai quan đốc xây dựng một Chương trình tổng thể về cải cách hành chính thời kỳ Hotri. Anh con trai quan đốc hăm hở bắt tay vào việc...

Đầu tiên anh xây dựng kế hoạch đi khảo sát hoạt động thực tế trong lĩnh vực hành chính của các địa phương cùng một số ngành, lĩnh vực. Để từ đó có căn cứ xây dựng Chương trình cải cách. Theo yêu cầu của Đức Vua, đoàn khảo sát phải có đầy đủ thành phần các quan phụ trách hầu hết các ban bệ của triều đình. Lệnh Vua ban, dù có thấy không hợp lý thì anh con trai quan đốc cũng không thể không làm theo. Hơn nữa, nếu không có đầy đủ thành phần các quan phụ trách thuộc tất cả mọi lĩnh vực kinh tế xã hội của đất nước, e họ sẽ tỵ nạnh với nhau. Vì vậy, số lượng thành viên tham gia đoàn khảo sát lên tới trên một trăm người. Đó là chưa kể số tuỳ tùng, gia nhân của Đức Vua và của từng viên quan thành viên.

Vào một ngày đầu năm con Mộc mã, thiên niên kỷ Jura, đoàn thanh tra lên đường. Đi đầu là chiếc ô tô chạy bằng pin mặt trời chở Đức Vua. Đi ngay sau là mấy trăm tuỳ tùng gia nhân cùng cung tần mỹ nữ của Đức vua và Hoàng hậu. Tiếp đó là thứ tự từ cao đến thấp, các viên quan thành viên đoàn thanh tra cùng với tuỳ tùng. Ngoài chiếc ô tô duy nhất của Đức Vua, tất cả mọi người đều ngồi trên lưng ngựa. Đoàn thanh tra đi đến đâu, bụi đất bay mù mịt tới đó. Chỉ khổ cho các quan chức địa phương, họ phải huy động lương thực, gia súc và đông đảo nhân lực của tỉnh để phục vụ đoàn thanh tra. Ban ngày, họ phải lo ăn ba bữa với yêu cầu đảm bảo các loại thức ăn đạm động vật, thực vật, hoa quả, bánh kẹo, sữa tươi, sữa chua... Tối, sắp xếp đủ cơ số phòng hát Karaoke, phục vụ cho tất cả những ai có nhu cầu giải trí. Phòng Karaoke phải có trang thiết bị hiện đại, cập nhật những bài hát đang được ưa thích. Để đáp ứng, một số địa phương đành đầu tư xây dựng gấp. Mà đã phải "chữa cháy" kiểu này thì những cai thầu xây dựng và cung cấp thiết bị phòng Karaoke "hét giá chát" bao nhiêu thì mấy ông quan cấp tỉnh cũng đành phải duyệt. Tất nhiên, đặt bút ký hợp đồng thì các ông cũng được nhận một khoản "thối lại". Nhân cơ hội này, mấy ông duyệt chi tài chính cũng tranh thủ "đục nước béo cò". Vậy là, đơn giá cuối cùng của công trình tăng tới ba trăm phần trăm giá gốc. Còn khoản nghỉ ngơi ban đêm, họ cũng phải lo đủ nơi nghỉ ngơi thoáng mát, hợp vệ sinh, không có các loại côn trùng quấy nhiễu. Tất nhiên, cái khoản những cô gái trẻ đẹp lo mát xa để các quan đỡ mệt mỏi thì càng không thể thiếu.

Riêng về công tác báo cáo kết quả hoạt động của lĩnh vực hành chính giai đoạn trước, cùng phương hướng hoạt động cho thiên niên kỷ tới, các viên thư lại của mỗi tỉnh thi nhau bò lê bò càng để chấp bút ngày đêm. Mỗi tỉnh khi đến dâng sớ lên Vua, đều phải huy động cả chục chiếc xe bò kéo, chở hàng chồng hồ sơ ngất ngưởng. Có nhiều lần Đức Vua thiết triều, nghe báo cáo kết quả công tác hành chính của một tỉnh, chưa sang đến phần phương hướng nhiệm vụ tương lai, đã thấy Ngài ngoẹo đầu sang một bên, mắt nhắm nghiền. Quần thần phải đưa mắt cho nhau, ra hiệu dừng báo cáo, chờ Đức Vua tỉnh táo mới đọc tiếp. Vì vậy, việc thanh tra ở mỗi tỉnh đã kéo dài đến hàng tháng. Kết thúc công tác tại mỗi tỉnh, khi đoàn lên đường sang tỉnh khác, tất cả các thành viên của đoàn, kể cả tuỳ tùng gia nhân, đều có chút "quà mọn" của quan và dân địa phương. Khốn nỗi, "quà mọn" toàn là đặc sản của địa phương như: sừng voi, sừng tê giác, nhung hươu nai, mật gấu, nấm hương, linh chi, tam thất, gạo nếp hảo hạng... Còn "phong bì" cũng cồng kềnh chẳng kém, vì toàn là những bao tải bạc trắng to đùng. Do vậy, sau khi khảo sát qua mỗi tỉnh, cơ số ngựa kéo của đoàn lại tăng lên, để chở cho hết số "quà mọn".

Trong thời gian đoàn thanh tra đi công tác, các phó quan phụ trách thuộc tất cả mọi lĩnh vực kinh tế xã hội của đất nước được trao quyền điều hành và quyết định những vấn đề hằng ngày. Với những con chiện trong tay, các phó quan tha hồ ký và lệnh cho cấp dưới triển khai thực thi những vấn đề mà khi còn ở nhà, các quan cấp trưởng dè dặt, không dám quyết. Hoặc cũng có thể, vì bộ máy cồng kềnh qua nhiều cấp duyệt nên việc triển khai lúc đó diễn ra rất chậm chạp. Thế là, trong lĩnh vực xây dựng, nhà cửa mọc lên như nấm. Nhà chung cư cao mấy chục tầng, nhà biệt thự, nhà ống... thi nhau xuất hiện. Riêng những khu nhà cũ, nhà cổ, vì đã có chỉ thị bảo tồn, tôn tạo, nên không ai dám cho phá bỏ. Các phó quan xây dựng chỉ ban giấy phép sửa chữa chắp vá, vụn vặt. Lĩnh vực công nghiệp, các phó quan đã cho nhập ồ ạt nhiều dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Theo thuyết minh của nhà cung cấp, đó là những dây chuyền đảm bảo một nền sản xuất sạch, giữ cho sự bền vững của môi trường. Đường sá trong lĩnh vực giao thông đô thị được đầu tư, nâng cấp, làm mới nhiều tuyến. Nhiều phố khi khánh thành được các chuyên gia nổi tiếng thế giới tham gia bố trí đèn chiếu sáng theo phong cách nghệ thuật huyền ảo, lung linh. Xe máy, ô tô tăng tỷ lệ tham gia giao thông đến chóng mặt. Khi đứng trên nóc một toà nhà cao tầng nhìn xuống mọi tuyến đường, bất cứ ai đều có thể liên tưởng đám ô tô, xe máy đi trên đường như một đàn kiến đông đúc, xuất hiện trước một cơn mưa giông. Các phó quan ngành giáo dục cho biên soạn lại toàn bộ giáo trình các bậc học phổ thông. Thậm chí với quan điểm "trăm hoa đua nở", họ chấp nhận cả những bộ giáo trình được biên soạn do những người không thuộc ngành giáo dục thực hiện. Học sinh các cấp lúc này tha hồ tự do lựa chọn những giáo trình bày bán công khai ở các vỉa hè, góc phố. Khác hẳn thời trước, giáo trình các thế hệ học sinh truyền cho nhau đến mục nát mà vẫn hiếm hoi, khó kiếm. Riêng lĩnh vực văn hoá thông tin thì khỏi phải nói. Nhiều ấn phẩm ra đời đã gây chấn động dư luận, hấp dẫn được đông đảo người đọc. Trên giá của các Bookshop, hàng trăm cuốn sách bìa cứng, hình ảnh cuốn hút, đặt có hàng có lối, với đủ các thể loại, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của mọi lứa tuổi. Để đạt chỉ tiêu đặt ra, các phó quan bên bộ hình đua nhau đưa ra xét xử những vụ án tồn đọng, cả những vụ tưởng như đã bị chìm xuồng. Hàng trăm vụ được đưa ra xét xử và đi đến nghị án nhanh chóng. Những kẻ có tội đã bị trị đích đáng, đem lại công bằng cho người vô tội. Môi trường đô thị nơi kinh thành thì thay đổi khác hẳn. Các quán Karaoke, vũ trường, nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng... đua nhau xuất hiện, làm cho không khí buổi tối của các đô thị thật tưng bừng náo nhiệt, không khác bất cứ một đô thị nào của các nước văn minh trên thế giới. Nhiều nông dân có dịp ra thành thị, chứng kiến sự đổi thay ấy, đều gật gù, tấm tắc rằng: cuộc sống đúng là đang thay đổi từng ngày, từng giờ...

Sau gần một chục năm kinh lý qua tất cả các tỉnh, thành phố của đất nước, đoàn thanh tra về đến kinh thành. Tâm trạng mọi người, từ Đức Vua và Hoàng hậu đến các thành viên trong đoàn thật hỉ hả, viên mãn. Kết quả thanh tra thu được lớn thật không ngờ. Từ đoàn ngựa hơn trăm con, nay tăng lên đến hơn ngàn con. Số lượng cao lương, mỹ vị, đặc sản, "phong bì"... đếm không xiết. Còn những ống quyển báo cáo kết quả hoạt động và đề xuất phương hướng phát triển của các tỉnh thành, xếp ngất ngư núi lớn, núi nhỏ trong các sân của cung đình, ai nom thấy cũng trầm trồ, thán phục về sự làm việc mẫn cán của đoàn thanh tra cùng quan lại các địa phương.

Tuy vậy, những thành viên đoàn thanh tra cũng không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến sự thay đổi đến ngỡ ngàng của kinh đô thời gian mình đi vắng. Nhưng giấy trắng mực đen đã ghi rõ rành rành, việc uỷ quyền giải quyết công việc cho các phó quan trong thời gian tiến hành chuyến kinh lý, nên họ không thể cự nự cấp dưới của mình được. Họ đành ngậm ngùi im lặng, đưa tay nhận một phần tỷ lệ "thối lại" của các hợp đồng đầu tư mà các phó quan chuyển cho. Nhét tiền vào túi rồi, tĩnh tâm quan sát kỹ họ mới phát hiện, các công trình đầu tư thuộc mọi lĩnh vực đang xuất hiện những trục trặc. Có công trình xây dựng vừa khánh thành đã xuống cấp, chập điện, sụp trần, nứt lún tường. Nhiều dây chuyền công nghệ nhập về, hợp đồng ký chưa ráo mực, đã phải đắp chiếu vì không đồng bộ, thậm chí thiếu những chi tiết quan trọng. Có dây chuyền thực chất là đồ thải, chỉ có thể dùng làm nguyên liệu tái chế. Nhiều đoạn đường nứt vỡ, xuất hiện những ổ gà to như con trâu. Bố trí phân luồng giao thông lại không hợp lý; nhiều người tham gia giao thông không có giấy phép, hoặc là giấy phép rởm, giả, đâm nhau nhiều vô kể. Theo thống kê của các quan an toàn giao thông, có ngày chết cả trăm người. Còn bên bộ hình, tự dưng có đến hàng ngàn đơn thư khiếu nại về việc xét xử oan sai. Bao nhiêu người vô tội đã bị máu chảy đầu rơi. Còn những kẻ ác đã được ra khỏi tù và đang nhơn nhở dạo phố. Tiếng gào khóc oan ức rền rĩ liên miên nơi công đường. Ngành giáo dục cũng xuất hiện vô số bê bối. Học sinh bị mất phương hướng trong việc lựa chọn sách giáo khoa, trở nên bối rối, lười học. Giáo viên các cấp học tổ chức học thêm vô tội vạ. Có cả học sinh mẫu giáo cũng phải đi học thêm. Các cuộc thi cử đã có không ít trò gian lận diễn ra như thi hộ, coi cóp, thông đồng giữa giám thị và thí sinh. Phụ huynh học trò cấp dưới thi nhau la ó về việc con em họ phải học quá tải, phải gò lưng cõng sách tới trường, phải chi những khoản tiêu cực phí để vào trường điểm, trường tốt. Thị trường sách thì tranh nhau hạ giá, tiếp thị vì nhiều sách quá mà không có người mua đọc. Hơn nữa, người đọc cũng không phân biệt nổi đâu là sách thật, đâu là sách rởm in nối bản vì chúng chẳng mấy khác nhau. Họ lắc đầu, chép miệng, thật giả khó lường… Còn môi trường đô thị thì khỏi phải nói, các quan thanh tra thực sự xốc khi rơi vào một thế giới âm thanh cùng ánh sáng hỗn loạn lúc bước chân về đến kinh kỳ. Thấy lạ quá, nhiều quan còn giả làm thường dân, ban đêm chà trộn vào các nhà hàng, vũ trường... sửng sốt chứng kiến hàng chục nam thanh nữ tú đang trần truồng ôm nhau lắc lư vô cùng cuồng loạn.

Trước tình hình đó, sau mấy ngày nghỉ ngơi và phân chia bổng lộc, Đức Vua tổ chức thiết triều. Ngài truyền thánh chỉ, trên cơ sở kết quả thanh tra, anh con trai quan đốc phải gấp rút hoàn thành Chương trình tổng thể cải cách hành chính thời kỳ Hotri. Bên cạnh đó, việc xây dựng và hoàn thiện toàn bộ hệ thống luật pháp phải được khẩn trương tiến hành; phải bằng mọi cách đưa hoạt động thực tiễn của các cấp các ngành thực sự tuân thủ quy định của pháp luật.

Thánh chỉ Đức Vua ban ra, phải chờ một tuần sau để quan thủ thư phô tô và sao y bản chính, mới đến được tay các quan đầu ngành. Căn cứ thánh chỉ, các ngành và vùng lãnh thổ bắt tay vào xây dựng chương trình hành động của mình.

Riêng anh con trai quan đốc phải tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng toàn bộ những báo cáo kết quả hoạt động và đề xuất phương hướng phát triển của các tỉnh thành. Anh cố gắng vận dụng những kiến thức tiếp thu được khi du học ở Ô Lênđianh để đề xuất những ý tưởng mới cho việc cải cách hành chính. Nhưng anh cũng rất trăn trở, băn khoăn về thời gian diễn ra cuộc khảo sát gần mười năm vừa qua. Cuộc khảo sát với quá đông thành phần, kéo quá dài thời gian và phải trải qua quá nhiều thủ tục nhiêu khê. Khi đó, đã nhiều lần anh lựa lời tâu Đức Vua, cần cố gắng cải tiến cách làm việc và giản lược thành phần tham dự đoàn thanh tra, nhưng vô hiệu. Mỗi lần anh làm việc riêng với Đức Vua, thông tin đều bị rò rỉ ra ngoài. Và ngay lập tức, anh bị phản ứng dữ dội từ cả loạt đội ngũ quan lại chấp chính trong triều lâu năm. Một mình anh không địch lại nổi. Hơn nữa, Đức Vua cũng còn nể nang họ, vì hầu hết đều là những hoàng thân quốc thích... Giờ xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính thời kỳ Hotri, anh nghĩ, sẽ phải thật cương quyết; phải tinh giản đội ngũ quan lại các cấp; phải kỷ luật những kẻ tham ô, hủ bại, sách nhiễu dân đen; phải giản lược hệ thống thủ tục giấy tờ rườm rà, lãng phí; phải đầu tư trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ cho hệ thống quan nha thi hành công vụ; ai có công được thưởng, ai vi phạm quy định sẽ bị trừng trị đích đáng...

Sau khi dự thảo xong Chương trình, anh con trai quan đốc trình lên Đức Vua. Vua xem, gật gù khen hay. Tuy vậy, để chứng minh tính dân chủ, minh bạch, Vua truyền lệnh quan thủ thư phô tô Dự thảo, yêu cầu toàn bộ quan lại trong triều đóng góp ý kiến, nhằm khai thác tinh hoa trí tuệ của đội ngũ quan lại chấp chính, tiến tới hoàn thiện Chương trình cải cách hành chính. Nhưng, Vua đã khen, thì đố ai lại dám nói ngược lại. Tức thời, anh con trai quan đốc được tung hô, ca tụng. Họ bảo, anh thực sự là một vị cứu tinh của đất nước. Chương trình anh xây dựng thật hoàn chỉnh, đầy đủ, toàn diện, khoa học và mang tính khả thi cao. Đưa Chương trình vào thực tiễn hoạt động, sẽ chẳng mấy chốc, đất nước sẽ tiến hành cải cách hành chính thành công. Rồi đây, đất nước sẽ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên thiên niên kỷ Hotgira. Đó sẽ là thiên đường của nhân dân nước Ô Mahôi.

Vậy là, Chương trình tổng thể cải cách hành chính được thông qua. Chương trình này được phổ biến đến toàn thể quan lại và đến từng người dân nước Ô Mahôi qua đội ngũ mõ làng. Đêm đêm, tiếng mõ ê a đọc các khoản mục đề ra trong Chương trình, rền rĩ khắp các ngõ xóm. Các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động của mình. Mọi văn bản hướng dẫn dưới luật, hỗ trợ Chương trình cải cách hành chính được tiến hành hoàn thiện và tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể cộng đồng dân cư. Ai ai cũng phấn khởi, chờ đón thiên đường phía trước.

Một năm. Hai năm. Năm năm. Rồi mười năm thực hiện cải cách hành chính qua đi. Đức Vua thêm tuổi, thêm già. Nhưng thật lạ, cùng với thời gian trôi, người ta thấy bộ máy hành chính của các tỉnh thành ngày càng phình to ra. Ngân sách nhà nước chi cho bộ máy công quyền ngày một khổng lồ. Số lượng xớ dân đen dâng kiện cáo đếm không kể xiết. Cảnh quan đô thị thì lộn xộn. Môi trường ô nhiễm nặng nề. Ngành xuất nhập khẩu lách luật, đưa vào trong nước hàng trăm ô tô cũ nát, là nguyên nhân gây tai nạn giao thông như cơm bữa, làm chết người hàng loạt. Việc thi cử của ngành giáo dục xem ra ngày càng xuất hiện nhiều tệ đoan, nhũng nhiễu. Rất nhiều công trình của ngành xây dựng bị tham ô, rút ruột đến tệ hại. Bên y tế để xảy ra những vụ động trời, có lẽ chỉ có ở nước Ô Mahôi, đó là chẩn đoán nhầm đến nỗi đau chân lại đi mổ bụng. Hoặc, mổ bụng nhầm cả bệnh nhân không cần mổ.

Cám cảnh cho sự đời, anh con trai quan đốc xọm người xuống, mỗi ngày mỗi rầu rĩ. Thì ra, được ưu ái ở ngay cạnh Đức Vua, anh dễ dàng phát hiện được nhiều điều, mà với mọi người thật là khó hiểu. Đức Vua ban chiếu bất kể điều gì, đều được tất cả các quan lại trong triều tung hô rầm rĩ, tán thành nhiệt liệt. Nhưng, trên thực thế, chẳng ai có ý định thực thi cả. Bởi, thực thi chiếu chỉ thì thử hỏi, cái chỗ ngồi quyền uy và bao bổng lộc của họ sẽ còn đâu. Việc triển khai chiếu chỉ, càng trì trệ, càng lâu càng tốt. Như thế, họ mới càng vơ vét được nhiều bổng lộc, càng duy trì được uy quyền trước dân đen. Hơn nữa, anh còn nhận ra một điều, họ sống theo ý họ được vì dù sai phạm đến đâu, cũng chẳng ai dám bãi chức họ. Và, họ cũng chẳng tội gì mà từ quan. Mỗi vụ việc sai phạm xảy ra, triều đình xử lý nội bộ là chính, ai cũng hiểu câu: Rút dây sẽ động rừng! Điều này, anh không thấy có ở nước Ô Lênđianh.

Không lâu sau, Đức Vua lâm bệnh nặng. Một mình đối mặt giữa chốn quan trường đầy tệ nạn - dốt nát, bảo thủ, tham nhũng, bè cánh, xu nịnh… xét thấy cũng khó xoay chuyển được thế thái nhân tình, anh con trai quan đốc dâng sớ xin từ quan về quê ở ẩn. Thế là, nước Ô Mahôi vẫn là Ô Mahôi muôn thuở!