Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









MÙA GIÁNG SINH TRONG KÝ ỨC







nguyên tác A Christmas Memory của Truman Capote



TRUMAN CAPOTE
(1924 - 1984 )
Sơ lược về tác giả:

Truman Capote sinh ra tại New Orleans, Louisiana ngày 30 tháng Chín năm 1924 và mất ngày 25 tháng Tám năm 1984. Có khoảng 20 tác phẩm của Truman Capote đã được chuyển thành phim và kịch bản. Tác phẩm được biết đến nhiều nhất là Breakfast at Tiffany, và Cold Blood. Ông là bạn thân của Harper Lee, tác giả quyển How to Kill a Mockingbird và bà đã dùng ông làm người mẫu cho nhân vật Dill trong tác phẩm của bà. Ông bắt đầu viết rất sớm. Vào năm mười một tuổi ông đã chuyên chú viết ba giờ đồng hồ một ngày. Khi ông được bốn tuổi, bố mẹ ông ly dị và mẹ ông gửi ông về Monroeville, Alabama với một người trong họ, bà u già Rumbley Faulk, Truman thường gọi bà là Sook. Ngày 25 tháng Tám, trước khi chết, những lời cuối cùng của ông là “Em đây mà, em là Buddy,” và “Em lạnh quá.” Buddy là tên của bà u già đặt cho Truman.

Nguyễn Thị Hải Hà



H ãy tưởng tượng một buổi sáng vào cuối tháng Mười Một. Một buổi sáng mùa đông của hơn hai mươi năm trước. Hãy tưởng tượng căn bếp của một gian nhà cũ khá rộng ở miền quê. Nét chính của gian bếp là cái bếp lò màu đen rất to; và thêm vào đó là một cái bàn tròn, lò sưởi với hai cái ghế xích đặt trước mặt lò sưởi. Và ngày hôm nay là ngày đầu tiên cái lò sưởi bắt đầu tiếng gầm gừ đầu mùa.

Một người phụ nữ tóc trắng bóng đang đứng cạnh cửa sổ nhà bếp. Bà mang giày đánh quần vợt, và một cái áo len màu xám đã nhão xệ đến mất cả hình dáng bên trên một cái áo đầm có váy rộng loại mùa hè có hoa. Bà nhỏ người và nhanh nhẹn, giống như một con gà mái bantam, nhưng tại vì hồi còn nhỏ bà bị bệnh một thời gian rất lâu nên lưng bà bị còng trông rất tội nghiệp. Gương mặt bà rất đặc biệt – có nét giống khuôn mặt của Lincoln, răn reo, khắc khổ, nhuộm nắng và gió, và nó cũng rất mỏng manh gầy, đôi mắt của bà có màu sherry và đầy vẻ nhút nhát. “Xem kìa,” bà kêu lên, hơi thở của bà như khói phà trên khung kính của cửa sổ, “Đã đến lúc làm bánh bằng trái cây!”

Bà đang nói chuyện với tôi. Tôi mới bảy tuổi còn bà chừng hơn sáu mươi. Bà là chị họ xa của mẹ tôi, và chúng tôi sống chung với nhau – lâu lắm rồi, trước khi tôi bắt đầu có trí nhớ. Chúng tôi ở chung với nhiều người khác, cũng là họ hàng; mặc dù họ rất có quyền hành đối với chúng tôi và hay làm chúng tôi khóc, chúng tôi không mấy chú ý đến họ. Chúng tôi là bạn thân với nhau. Bà gọi tôi là Buddy (Buddy cũng có nghĩa là bạn thân) để tưởng nhớ đến một chú bé trước đây đã là bạn thân của bà. Cái người tên Buddy này đã chết từ một năm nào đó trong những năm 1880, khi bà hãy còn là một cô bé. Đến bây giờ bà vẫn là một cô bé.

“U đã biết từ lúc trước khi u thức giấc,” bà nói, quay lưng rời cửa sổ với một vẻ thích thú đong đầy trong mắt. “Tiếng chuông ở tòa án nghe rất lạnh và rất rõ. Và không nghe tiếng hót của chim bởi vì chúng đã bay cả về miền đất ấm. Ồ, Buddy, đừng có ngốn bánh bích quy nữa. Đi lấy cái xe con bọ. Và tìm hộ cho u cái mũ. Chúng ta phải nướng ba mươi tấm bánh.”

Năm nào cũng thế: khi một buổi sáng tháng Mười Một đến, bà bạn tôi, như thể tổ chức lễ chào đón mùa Giáng Sinh đã làm trí tưởng tượng của bà nổi hứng và châm dầu vào trái tim đang cháy bỏng của bà, tuyên bố: “Đến lúc làm bánh trái cây rồi, lấy cái xe con bọ, và tìm hộ u cái mũ.”

Cái mũ đã được tìm thấy, đó là một cái nón rơm có vành có kết hoa hồng bằng nhung đã phai màu: cái mũ này trước kia thuộc về một người trong họ rất yêu thích thời trang. Hai chúng tôi, cùng đẩy con bọ, chiếc xe dùng để đẩy em bé đã cũ kỹ ọp ẹp, ra khỏi vườn và vào rừng cây hồ đào (pecan). Cái con bọ này là của tôi, được mua để đẩy tôi khi tôi mới sinh ra. Nó làm bằng nan tre, đã bắt đầu bung mối, và các bánh xe đã ọp ẹp liêu xiêu như chân của người say rượu. Nhưng đây là một vật dụng rất trung thành; mùa xuân, chúng tôi đẩy nó vào trong rừng và chất đầy hoa, rau thơm, gia vị, và những cành dương xỉ dại để cắm vào bình hoa ngoài hàng hiên; mùa hè, chúng tôi chất đầy những đồ để đi picnic và những chiếc cần câu làm bằng cây mía tranh rồi đẩy nó đến tận bờ suối; mùa đông nó cũng được dùng: làm một chiếc xe tải chở củi đốt lò sưởi từ ngoài sân vào trong bếp, làm cái giường ấm áp cho Queenie, con chó đốm hai màu cam và trắng đã chịu đựng rất nhiều cơn nóng giận của người trong nhà và hai lần bị rắn rung chuông cắn. Queenie đang chạy lon ton bên cạnh xe.

Ba giờ đồng hồ sau chúng tôi trở lại bếp, kéo theo xe đầy những hạt hồ đào rụng vì gió. Lưng chúng tôi mỏi nhừ vì lom khom nhặt chúng: rất khó tìm (bởi vì khi đến mùa chủ nhân đã cho rung cây và bán hạt, và chúng tôi không phải là chủ nhân) bởi vì chúng trốn dưới đám lá, bị đóng giá băng, và che lấp dưới cỏ đầy gian dối. Rốp rốp, tiếng vỏ bị bóc nghe vui tai, những tiếng nổ nho nhỏ khi vỏ hồ đào bị vỡ và một đống hạt nhân màu ngà, có vị ngọt và béo chất đầy trong một cái tô bằng thủy tinh trắng đục như màu sữa. Queenie cứ úng ắng đòi ăn và bạn tôi thỉnh thoảng nhón cho nó một miếng, mặc dù cứ nhất định bắt tôi và bà phải nhịn. “Mình phải nhịn, Buddy. Nếu chúng ta bắt đầu ăn chúng ta sẽ không thể nào ngừng lại. Và từng chỗ này không đủ cho ba mươi cái bánh.” Bóng tối dần dần tràn ngập căn bếp. Hoàng hôn biến cửa sổ thành tấm gương: bóng chúng tôi phản chiếu kết hợp với vầng trăng đang lên khi chúng tôi làm việc bên cạnh lò sưởi nhờ vào ánh sáng của lò sưởi. Cuối cùng, khi vầng trăng lên cao, chúng tôi ném cái vỏ cuối cùng vào trong lửa và, cùng với tiếng thở phào của chúng tôi phụ họa vào, cái vỏ này bén lửa rồi cháy bùng lên. Trong xe không còn hạt hồ đào nào, cái tô chứa ruột hồ đào đã đầy đến vành tô.

Chúng tôi ăn tối bằng bánh bích quy nguội, thịt ba rọi muối lát mỏng chiên, và mức dâu đen và bàn chuyện ngày mai. Ngày mai chúng tôi sẽ làm công việc mà tôi thích nhất: mua nguyên liệu. Trái anh đào và chanh rừng, gừng, vanilla, thơm đóng hộp, da heo khô, nho khô, walnut, và rượu whiskey, và ô, rất nhiều bột, bơ, rất nhiều trứng, gia vị, bột mùi: tại sao, chúng tôi sẽ cần một con ngựa nhỏ để kéo con bọ về.

Trước khi mua những thứ này chúng tôi cần phải toan tính lấy đâu ra tiền. Cả hai chúng tôi đều không có tiền. Mặc dù thỉnh thoảng chúng tôi có một ít tiền những người trong nhà thỉnh thoảng cho (mười xu đã là một món tiền lớn); hoặc là chúng tôi làm những việc lặt vặt để kiếm tiền: như bán đồ ve chai vụn, bán những hộp dâu đen chúng tôi tự hái, vài lọ mứt trái cây làm bằng táo hay đào, hái hoa cho các nhà làm đám táng hay đám cưới. Có một lần chúng tôi thắng giải 70 – 9, được năm đô la, trong một cuộc thi đá bóng toàn quốc. Không phải là chúng tôi hiểu biết nhiều về bóng đá mà bởi vì hy vọng để kiếm được tiền thắng giải chúng tôi tham dự bất cứ cuộc tranh tài nào mà chúng tôi nghe nhắc đến: bây giờ chúng tôi đang nhắm vào giải thưởng cao nhất năm chục ngàn đô la cho những ai có thể tìm ra một cái tên hay nhất cho một loại cà phê mới (chúng tôi đề nghị “A.M.”; và sau một lúc suy nghĩ, bởi vì bạn tôi tránh xúc phạm đến Chúa, khẩu hiệu được đổi thành “A. M.! Amen!”).

Nói thật, chỉ có một việc làm mà chúng tôi đã thu được tiền là thành lập một viện bảo tàng trưng bày cái Vui và cái Sợ ở sân phía sau nhà trong căn chái nhỏ bằng gỗ hai mùa hè trước đây. Cái Vui là những hình ảnh của Washington và New York chúng tôi mượn của một người trong họ (và bà ấy đã rất giận khi biết chúng tôi dùng bộ hình ảnh này để làm gì), còn cái Sợ là chúng tôi có một con gà con có ba chân mới nở. Mọi người nghe tiếng con gà con ba chân này và đòi xem. Chúng tôi bắt người lớn phải trả năm xu, trẻ con phải trả hai xu. Chúng tôi thu được hai chục đô la trước khi viện bảo tàng phải đóng cửa vì cái chết của nhân vật chính.

Bằng cách này hay cách khác chúng tôi dành dụm tiền để dành cho quỹ Giáng sinh, quỹ Bánh trái cây. Tiền này chúng tôi dấu trong một cái ví cườm nhỏ dưới một cái miếng gỗ có thể tháo ra được dưới sàn gỗ, dưới một cái lọ dùng trong phòng, dưới giường của bà bạn tôi. Cái ví cườm này rất ít khi nào được lấy ra khỏi vị trí an toàn này ngoại trừ để cất tiền vào, hoặc là lấy tiền ra mỗi Thứ Bảy; bởi vì mỗi thứ Bảy tôi được cho mười xu để đi xem phim. Bà bạn của tôi chưa bao giờ được đi xem phim, mà bà cũng chẳng muốn xem. “U thích nghe em kể chuyện hơn, Buddy ạ. Như thế u có thể tưởng tượng nhiều hơn. Thêm vào đó, một người ở tuổi như u không nên hoang phí cái nhìn của mình. Khi Chúa đến, u muốn được nhìn Ngài cho rõ.” Ngoài việc chẳng bao giờ được xem phim, bà cũng chẳng bao giờ: ăn ở nhà hàng, đi đâu xa nhà hơn năm dặm, nhận hay gởi điện tín, đọc cái gì khác hơn chuyện vui cười và Kinh Thánh, dùng mỹ phẩm, chửi thề, rủa người ta, nói láo và để cho một con chó đói bị đói. Còn đây là một số việc mà bà đã làm, bây giờ vẫn làm, dùng một cái xuổng đập chết một con rắn rung chuông lớn nhất ở tỉnh này (mười sáu khúc đuôi chuông), hút thuốc (lén), dạy chim hummingbird (thử thôi) cho đến khi nó đậu trên ngón tay của bà, kể chuyện ma (cả hai chúng tôi đều tin có ma) đáng sợ đến độ chúng tôi phát run trong trời tháng Bảy, nói chuyện một mình, đi bộ trong mưa, trồng hoa japonnicas đẹp nhất vùng, biết tất cả những bài thuốc trị bệnh linh nghiệm của người da đỏ, kể cả cái thuốc làm tiêu mụn cóc rất linh nghiệm.

Bây giờ ăn tối đã xong, chúng tôi đi ngủ trong một góc rất xa trong nhà, nơi bạn tôi ngủ dưới một tấm mền nối bằng những mẩu vải khác nhau trên một cái giường sắt sơn màu hồng của hoa hồng, màu bà thích nhất. Lặng lẽ chìm đắm một cách thích thú của hai tên đồng lõa, chúng tôi lấy cái ví cườm từ chỗ dấu bí mật và trút tiền ra lên trên cái mền. Những tờ đô la giấy được cuốn tròn có màu xanh như những đọt cây non tháng Năm. Những đồng tiền năm mươi xu dịu dàng chất đủ nặng để neo cầu. Những đồng mười xu đáng yêu, là những đông tiền sinh động nhất, những đồng xu thật sự phát ra tiếng rủng rỉnh. Đồng năm xu, đồng hai mươi lăm xu, mòn nhẵn như đá cuội trong suối. Nhưng phần lớn, là một đống tiền một xu đáng ghét có mùi khó ngửi. Mùa hè vừa qua, những người trong nhà đã thuê chúng tôi một xu cho cái chết của hai mươi lăm con ruồi. Trời ạ, cái khốn khổ của tháng Tám: bầy ruồi bay lên thiên đàng! Tuy thế đó không phải là công việc mà chúng tôi hãnh diện. Và khi chúng tôi ngồi đếm tiền xu, chúng tôi có cảm tưởng chúng tôi đang đếm xác ruồi chết. Không người nào trong chúng tôi giỏi về con số; chúng tôi đếm châm chậm, quên mất con số, đếm lại. Theo con số của bà chúng tôi có $12.73. Theo con số của tôi, chúng tôi có 13 đồng. “Tôi hy vọng là em đếm sai, Buddy. Chúng ta không nên đùa với con số mười ba. Mấy tấm bánh sẽ bị xẹp. Hay phải chôn một người nào đó vào nghĩa địa. Tại sao, tôi không có ý định rời khỏi giường trong ngày mười ba.” Điều này đúng sự thật: bà luôn luôn ở trên giường không đi đâu trong ngày mười ba. Vì thế để cho an toàn, chúng tôi lấy ra một xu và ném ra ngoài của sổ.

Trong tất cả nguyên liệu để làm bánh trái cây, ruợu whiskey mắc tiền nhất, và cũng khó tìm nhất: luật của tiểu bang cấm bán ruợu whiskey. Nhưng tất cả mọi người đều biết là bạn có thể mua một chai từ tiệm của ông Haha Jones. Và ngày hôm sau, sau khi mua xong các thứ cần dùng, chúng tôi đi đến tiệm của ông Haha, một quán cà phê “đầy tội lỗi” (theo ý kiến công cộng) có bán cá chiên và có khiêu vũ, ở gần bờ sông. Chúng tôi đã có lần đến chỗ ấy, và cũng cùng một lý do; nhưng những năm trước chúng tôi chỉ mua bán với vợ của ông Haha, một người đàn bà thổ dân da màu sậm tóc tẩy trắng với dáng ngồi của một người kiệt sức. Thật tình, chúng tôi chẳng bao giờ để mắt đến chồng của bà, mặc dù chúng tôi nghe nói là ông ta cũng là thổ dân Mỹ. Một người khổng lồ có vết sẹo mỏng cắt ngang mặt. Người ta gọi ông là Haha bởi vì ông luôn có vẻ buồn bã, một người không bao giờ cười. Lúc chúng tôi đến gần tiệm cà phê (một ca bin bằng gỗ khá lớn được trang trí từ bên trong lẫn bên ngoài bằng những sợi dây xích có gắn những bóng đèn màu sắc rực rỡ và đứng bên cạnh bờ sông bùn lầy dưới bóng của những tàn cây dọc theo bờ sông rong rêu mọc trên những cành cây trông giống như sương mù màu xám. Kể cả Queenie cũng thôi nhảy tung tăng và đi sát vào chúng tôi. Có người đã bị giết ở quán cà phê của Haha. Cắt ra thành từng mảnh nhỏ. Bị đập đầu. Có một vụ án sẽ được xử vào tháng sau. Thông thường những chuyện này chỉ xảy ra vào ban đêm khi những bóng đèn màu tạo ra những hình dáng dị dạng và cái máy hát phát ra những lời than thở. Ban ngày, quán của Haha có vẻ tồi tàn và vắng vẻ. Tôi gõ cửa, Queenie sủa, bạn tôi gọi: “Bà Haha ơi? Có người nào trong nhà không?”

Tiếng chân. Cửa mở. Trái tim chúng tôi lộn nhào. Đó là ông Haha Jones! Và ông ta đích thị là một người khổng lồ ; đúng là ông ấy có vết sẹo; ông không cười. Không, ông ta nhìn chúng tôi lom lom bằng cặp mắt xếch của quỷ Satan và đòi biết: “Các người muốn gặp Haha để làm gì?”

Trong một thoáng chúng tôi gần như tê liệt không thể mở mồm. Ngay lúc này, bạn tôi có phần nào tìm thấy giọng của bà, nói cho đúng thều thào: “Xin ông Haha làm ơn, bán cho chúng tôi một lít rượu whiskey loại tốt nhất.”

Cặp mắt của ông ta càng có vẻ xếch hơn. Bạn có thể ngờ không? Haha mỉm cười! Còn cười to nữa chứ. “Ai là người uống rượu?”

“Chúng tôi mua rượu để làm bánh trái cây, ông Haha. Để nấu ăn.”

Điều này làm ông dịu xuống. Ông ta cau mặt. “Không nên phí rượu whiskey hảo hạng bằng cách này.” Tuy thế ông vẫn đi vào bóng tối bên trong quán cà phê và vài giây sau ông mang ra một chai rượu, không dán nhãn hiệu, có màu vàng của hoa cúc. Ông giơ lên cho chúng tôi xem nó sủi bọt lấp lánh trong ánh nắng và nói: “Hai đô la.”

Chúng tôi gom tất cả tiền xu tiền cắc để trả tiền cho ông. Bỗng nhiên, khi ông ta lắc mấy đồng xu loảng xoảng trong tay như lắc mấy hột xí ngầu, nét mặt ông bỗng trở nên dịu dàng. “Thế này nhé,” ông đề nghị, bỏ tiền trở lại vào ví cườm của chúng tôi, “hai bà cháu chỉ cần mang đến cho tôi một tấm bánh thay vì trả tiền.”

Bạn tôi nói lúc trên đường về nhà, “ông ta tốt bụng quá. Chúng ta sẽ cho nhiều nho khô vào cái bánh của ông.”

Cái lò màu đen, chất đầy than và củi cháy sáng rực như một quả bí rợ có đèn thắp bên trong. Khuấy trứng, thìa cạo vét chung quanh vành tô chứa đường và bơ, mùi vanila bay ngọt trong không khí, mùi gừng tăng thêm hương vị; mùi bơ tan, mùi gia vị thơm ngát mũi tràn ngập căn bếp, lan tỏa khắp nhà, bay tràn ra thế giới bên ngoài theo ống khói. Trong bốn ngày, chúng tôi sẽ làm xong. Ba mươi mốt cái bánh, tẩm rượu whiskey, phơi bày ở vành cửa sổ và trên ngăn kệ.

Những tấm bánh này cho ai?

Bạn bè. Không nhất thiết là bạn bè láng giềng chung quanh: thật ra, phần lớn dành cho những người chúng tôi chỉ gặp may ra một lần, có khi chưa lần nào gặp. Những người chúng tôi tưởng tượng. Thí dụ như Tổng thống Roosevelt. Thí dụ như Mục sư và bà vợ J. C. Lucey, những nhà truyền giáo đạo Baptist đi đến Borneo đã giảng đạo ở vùng chúng tôi ở hồi mùa đông năm ngoái. Hay người mài dao nhỏ nhắn đến làng chúng tôi một năm hai lần. Hay là Abner Packer, người tài xế của chuyến xe buýt sáu giờ sáng từ Mobile, đã vấy tay chào chúng tôi khi ông chạy vèo ngang qua thả sau lưng đám bụi mù trời. hay là cặp vợ chồng trẻ Wistons, người ở California có một buổi chiều xe của họ bị hỏng ngay trước nhà chúng tôi và họ đã nói chuyện vui vẻ với chúng tôi một giờ đồng hồ trước hiên nhà (anh Wiston chụp ảnh chúng tôi, tấm ảnh vỏn vẹn mà chúng tôi được chụp). Bởi vì bạn của tôi thẹn thùa và nhút nhát với tất cả mọi người chỉ trừ người lạ và những người lạ này, có vẻ những người này thật sự là bạn của chúng tôi? Tôi nghĩ là đúng như thế. Thêm vào đó, quyển kỷ niệm chúng tôi vẫn còn giữ những thiệp cám ơn bằng giấy đặc biệt của tòa Bạch cung, những lần thỉnh thoảng trò chuyện từ California đến Borneo, những tấm bưu thiếp rẻ tiền của ông mài dao, làm chúng tôi thấy gần gủi với diễn biến của thế giới bên ngoài căn bếp của chúng tôi với cái nhìn ngừng lại ở bầu trời.

Bây giờ một cành cây fig (cây vả) trơ trụi của tháng mười hai đang cọ vào cửa sổ. Căn bếp trống rỗng, tất cả những cái bánh đã được gửi đi; ngày hôm qua chúng tôi chở những cái cuối cùng đến bưu điện, nơi mà giá tiền tem đã làm sạch bách túi tiền của chúng tôi. Chúng tôi cháy túi. Điều này làm tôi buồn bã vô cùng, nhưng bạn tôi cứ nhất định phải ăn mừng – bằng khoảng 5 phân rượu whiskey còn lại trong chai của Haha. Queenie được một muổng đầy rượu trong cái tô cà phê (nó thích uống cà phê có mùi chicory và pha rất đậm). Phần còn lại chúng tôi chia ra làm hai vào trong hai cái ly dùng để chứa jelly. Cả hai chúng tôi đều rất gườm chuyện uống rượu whiskey nguyên chất; chỉ nếm nó cũng đủ mang lại vẻ mặt đầy hư hỏng và những cái rùn vai chua chát. Nhưng từng chút từng chút một chúng tôi bắt đầu cất tiếng hát, hai chúng tôi hát cùng một lúc nhưng hai bài khác nhau. Tôi không biết thuộc lời bài hát mà tôi đang hát, chỉ có: Đến đây đi, đến buổi khiêu vũ của những người giỏi nhất của thành phố tăm tối. Nhưng tôi có thể nhảy múa: và đó là cái mà tôi muốn trở nên, một người khiêu vũ biểu diễn bộ môn “táp” trong phim ảnh. Bóng tôi vui vẻ nhảy múa trên tường; giọng chúng tôi làm rúng động cả chén đĩa; chúng tôi cười khúc khích: như thể có bàn tay vô hình nào cù cho chúng tôi bị nhột. Queenie lăn ngửa người, bốn chân quều quào trong không khí, có cái gì giống như nụ cười trên cái mõm đen của nó. Trong lòng tôi, tôi thấy ấm áp và sáng lóe như những thanh củi đang cháy, tự do như gió thổi qua ống khói. Bạn tôi xoay vòng theo điệu luân vũ waltz chung quanh bếp lò, bà nắm nhéo cái mép váy như thể đó là một cái áo dạ hội: Hãy chỉ cho tôi đường về nhà, bà hát, đôi giày tennis của bà kêu rin rít trên nền nhà. Hãy chỉ cho tôi đường về nhà.

Hai người trong họ bước vào nhà bếp. Giận dữ. Càng quyền hành hơn với ánh mắt đầy vẻ khiển trách và lời nói có thể làm bỏng tuột da. Lắng tai nghe những lời họ nói, những chữ xô vào nhau bằng một giọng phẫn nộ: “ Một đứa trẻ bảy tuổi! Sặc sụa mùi whiskey! Bà có điên không? Cho thằng bé bảy tuổi uống rượu! chắc chắn là phải khùng điên! Trên đường đi đến chỗ diệt vong! Có nhớ người chị họ tên Kate không? Chú Charlie? Em rễ của chú Charlie? Nhục nhã! Tai tiếng! Mất mặt! Quỳ, cầu nguyện xin Chúa tha cho!”

Queenie rón rén chuồn phía dưới cái bếp lò. Bạn tôi cúi gằm đầu nhìn đôi giày của bà, cằm bà run rẩy, bà kéo váy hỉ mũi và chạy vào phòng. Rất lâu sau khi cả làng đã đi ngủ và căn nhà trở nên im lặng ngoại trừ tiếng chuông đồng hồ và tiếng thì thào của ngọn lửa đang tàn, bà úp mặt khóc vào cái gối và nó đã ướt đầm đìa như một cái khăn tay của bà góa phụ.

“Đừng khóc,” tôi nói, ngồi ở cuối giường của bà và run rẩy mặc dù tôi mặc bộ đồ ngủ bằng vải rất dầy có mùi của thuốc xi rô ho từ hồi mùa đông năm trước, “đừng khóc nữa,” Tôi van nài, chọc phá mấy ngón chân của bà, cù bàn chân của bà, “u đã quá tuổi khóc nhè rồi.”

“Đó là tại vì,” bà nấc, “ U đã quá già. Vừa già vừa đáng bị chê cười.”

“Không có chê, chỉ có cười thôi. U vui cười nhiều hơn bất cứ người nào. Nghe em nói này. Nếu u không nín khóc, ngày mai u sẽ mệt và không thể đi đốn cây Giáng sinh.”

Bà ngồi thẳng lên. Queenie nhảy lên giường (nó không được phép nên chỗ này) và liếm má của bà. “U có biết một chỗ chúng ta có thể tìm thấy một cái cây thông Giáng sinh rất đẹp, Buddy. Và cả loại cây holy nữa. Trái của nó to bằng con mắt của em. Chỗ ấy ở mãi trong rừng. Xa hơn những chỗ mình đã đi. Bố của u thường hay mang về cho chúng tôi những cây Giáng sinh ở chỗ ấy: ông khiêng trên vai của ông. Đã năm mươi năm về trước. Còn bây giờ: U không thể chờ đến sáng mai.”

Buổi sáng. Sương đá đóng lóng lánh trên cỏ; mặt trời, tròn như quả cam và màu cam như mặt trăng lúc trời mùa hè, treo lơ lửng phía chân trời đánh bóng rừng cây màu bạc của mùa đông. Có tiếng gà rừng gáy. Có tiếng của một con heo rừng lạc bầy kêu trong bụi rậm. Không mấy lâu, chúng tôi phải bỏ con bọ ở bên bờ một con suối cạn nước chỉ lấp xấp đầu gối nhưng chảy xiết. Queenie lội xuống suối trước, lõm bõm băng ngang suối sủa gâu gâu như cằn nhằn dòng nước chảy quá mạnh và nước lạnh đủ để làm người ta sưng cả phổi. Chúng tôi theo sau, giày và dụng cụ (một cái rìu, và một cái túi đeo lưng) được nâng lên khỏi đầu. Đi thêm chừng một dặm nữa, gai nhọn trái cây hay cành hoa vướng mắc vào quần áo của chúng tôi; những gai màu nâu sạm của cành thông chiếu sáng vì những loại nấm màu và những cọng lông chim rụng. Ở chỗ này hay đằng kia, có tiếng sột sọat, cái tiếng vỗ cánh, mà tiếng kêu lãnh lót đầy mê đắm gợi cho chúng tôi nhớ rằng không phải tất cả các loài chim đều bay về phương Nam để trú ẩn. Luôn luôn có con đường ngoằn ngoèo xuyên qua những vũng nắng màu vàng chanh và những đường hầm tối tăm dưới những cành cây đan ngón vào nhau. Chúng tôi phải băng qua thêm một con suối: làm khuấy động một đàn cá trau (trout) đang thổi bọt chung quanh chúng tôi, và những con ếch to bằng cái đĩa nhảy bì bõm, đàn rái cá đang xây tổ. Đứng bên kia bờ suối, Queenie quẩy người cho bắn sạch nước và run rẩy. Bạn tôi cũng run rẩy: không phải vì lạnh mà vì quá phấn khởi. Một đóa hoa của chùm hoa cũ kỹ tàn tạ trên nón của bà bị rụng một cánh lúc bà ngẩng đầu hít thở không khí đậm mùi thông tươi. “Chúng ta sắp đến rồi; em có ngửi thấy mùi không, Buddy?” bà nói, làm như chúng tôi đang đến gần biển vậy.

Và, thật vậy, đó cũng là một loại biển. Những mẫu đất rộng bạt ngàn đầy mùi thơm của loại cây đặc biệt được dùng trong mùa thánh, và những bụi holly có lá đầy gai. Những trái dâu dại màu đỏ và sáng bóng như những cái chuông của người Trung hoa: đàn quạ đen bay vụt phía trên kêu la rối rít. Sau khi nhét vào túi vải đeo lưng bao nhiêu là cây lá xanh và hoa trái đỏ đủ để trang điểm cả chục cái cửa sổ, chúng tôi tìm chọn một cái cây. “Cây này tốt đấy,” bạn tôi nói thú vị, “cao gấp hai lần một thằng bé. Vì thế thằng bé không thể trộm cái ngôi sao.” Cây chúng tôi chọn có chiều cao gấp hai lần chiều cao của tôi. Cái cây to và khỏe đã chịu nổi ba mươi nhát chém của cái rìu trước khi nó ngã với một tiếng kêu thảm thiết. Kéo nó đi sền sệt như một con mồi chúng tôi săn được, chúng tôi bắt đầu chuyến trở về mà đường còn rất xa. Cứ vài mét, chúng tôi phải bỏ nó xuống và ngồi thở. Nhưng chúng tôi có sức khỏe của những người thợ săn chiến thắng: đó và cái sinh lực của cái cây, mùi thơm băng giá làm chúng tôi hồi sinh, và thúc giục chúng tôi tiếp tục. Rất nhiều người ngợi khen chúng tôi khi chúng tôi về làng buổi chiều hôm ấy trên con đường đất đỏ; nhưng bạn tôi rất láu lĩnh và không hứa hẹn gì cả. Khi những người qua đường khen ngợi kho tàng của chúng tôi đang ngồi xổm trên con bọ: Cây thông đẹp quá và tìm thấy nó ở đâu thế? “Chỗ rất xa,” bà nói nhỏ, không rõ ràng. Một lần có một chiếc xe ngừng lại và bà vợ lười biếng của ông chủ nhà máy xay giàu có nghiêng người ra nhõng nhẽo: “Cho hai người một số tiền cho cái cây già đó.” Thông thường bạn tôi rất sợ phài từ chối bất cứ ai; nhưng lần này bà lắc đầu ngay tức thì: “Chúng tôi chẳng lấy đồng nào cả.” Bà vợ ông chủ nhà máy xay cứ kiên quyết. “Một đồng, tao đi nhé! Thêm năm mươi xu. Đây là lần cuối. Chúa ơi, bà kia, bà có thể tìm một cái cây khác.” Bạn tôi trả lời nhẹ nhàng: “Không phải cái gì cũng có cái thứ hai.”

Về đến nhà: Queenie nằm ẹp xuống cạnh bếp lửa và ngủ cho đến ngày mai, ngáy to như người ta.

Trong một cái rương cũ cất trên gác xép có chứa: một cái hộp trước đây dùng chứa giày bây giờ đựng đầy lông đuôi chồn ermine (đã được gỡ ra từ cái áo khoác của một bà khách có vẻ rất khác thường đã có lần thuê một phòng trong nhà), những chuỗi kim tuyến mỏng manh biến thành màu vàng vì cũ kỹ, một ngôi sao bằng bạc, một cuồn dây ngắn đã sờn, và những bóng đèn như những viên kẹo trông đầy vẻ nguy hiểm. Những món đồ dùng để trang trí trông sẽ rất tuyệt, có thể được dùng với tất cả tiềm năng của chúng, chỉ tiếc là tiềm năng này cũng chẳng có mấy hơi, bạn tôi muốn cây giáng sinh của chúng tôi sẽ sáng rực “như là cửa sổ của một nhà theo đạo Baptist,” trĩu nặng với những mãnh tuyết giả dùng để trang trí. Nhưng chúng tôi cũng chẳng có tiền để mua những đồ trang trí rực rỡ của Nhật bán ở những tiệm bán đồ lặt vặt giá từ năm xu đến mười xu, vì thế chúng tôi làm những điều mà chúng tôi đã từng làm là ngồi ở bàn ăn, ngày này qua ngày khác, với kéo và bút màu và một chồng giấy thủ công nhiều màu. Chúng tôi vẽ hình mẫu và bạn tôi cắt rời những hình mẫu này ra. Có rất nhiều hình mèo, và cá nữa (bởi vì tụi nó dễ vẽ), vài quả táo, vài quả dưa hấu, vài thiên thần có cánh được cắt từ giấy bạc gói kẹo Hershey chúng tôi đã để dành. Chúng tôi dùng kim băng để cài những hình chúng tôi đã sáng tạo lên cây; và cuối cùng, chúng tôi trang điểm cây giáng sinh bằng cách rải lên cành những mảnh bông gòn cho giống như tuyết (chúng tôi hái bông gòn ngoài đồng từ tháng Tám để dành cho việc này). Bạn tôi, ngắm nghía kết quả, chắp hai tay lại với nhau. “Nói thật nhé, Buddy. Có phải là chúng ngon mắt đến độ làm cho mình thèm ăn tươi nuốt sống chúng không chứ?” Queenie tìm cách ngốn ngấu một thiên thần làm bằng giấy bạc gói kẹo.

Sau khi bện thành vòng và kết nơ lên những vòng lá Giáng sinh treo trên tất cả các cửa sổ phía trước nhà, công việc tiếp theo của chúng tôi là làm quà cho thân nhân. Những cái khăn quàng nhuộm màu bằng phương pháp thủ công cho quí vị phụ nữ, và cho các đấng đàn ông chúng tôi pha chế một hỗn hợp nấu chanh với licorice và thuốc nước aspirin pha đường để dùng cho mỗi khi có “triệu chứng bị cảm đầu tiên sau khi đi săn.” Nhưng khi đến lúc chúng tôi cần làm quà cho nhau thì chúng tôi tách riêng ra để giữ bí mật. Tôi muốn mua cho bà một con dao có cán màu ngọc trai, một cái radio, và nguyên một cân trái anh đào có bọc chocolate (chúng tôi có lần được nếm thử và bà thể: “Tôi có thể ăn món đó suốt đời, Buddy, Chúa ạ, đúng vậy, chắc chắn như thế, tôi không có nhắc đến tên Chúa khơi khơi đâu”). Nhưng thay vì cho bà những thứ mà bà ao ước, tôi chỉ có đủ khả năng làm một con diều. Bà muốn cho tôi một chiếc xe đạp (bà nói một vài lần: “Uớc gì u có khả năng, Buddy. Không thể có được điều mình mơ ước trong đời đã là chuyện bất hạnh, nhưng càng đáng buồn hơn khi mình không thể tặng cho người thân cái món quà mà mình muốn người ấy có. Một ngày nào nó, u hy vọng là u có thể làm được chuyện ấy, Buddy. Em hãy để ý tìm chiếc xe nào em thích. Đừng hỏi tôi sẽ làm gì hay làm cách nào. Có lẽ tôi sẽ ăn trộm nó”). Tuy thế, tôi khá chắc chắn là bà cũng sẽ làm cho tôi một con diều – cũng như hồi năm trước, và năm trước nữa: chúng tôi tặng nhau những cái giàn ná. Tất cả những thứ này tôi đều hoan nghênh. Bởi vì chúng tôi là những người thả diều hạng nhất. Chúng tôi nghiên cứu hướng gió thiện nghệ như là các anh thủy thủ; bạn tôi, tài giỏi hơn tôi, bà có thể làm cho con diều bay lên khi không có đủ gió để chở chút mây nào cả.

Buổi chiều của ngày trước ngày lễ Giáng sinh, chúng tôi vơ vét mấy đồng tiền năm xu hùn với nhau và đi đến tiệm bán thịt để mua món quà cho Queenie theo thông lệ, một cái xương bò thật xịn. Cái xương, được gói bằng giấy có nhiều hình khôi hài được đặt rất cao gần ngôi sao bằng bạc. Queenie biết là khúc xương ở đấy. Nó ngồi ở gốc cây, nhìn lên với một vẻ tham lam mê đắm: khi đến giờ đi ngủ nó cũng không chịu nhúc nhích. Cái chộn rộn của nó cũng tương đương với sự phấn khích của tôi. Tôi đá tung mền và đổi mặt gối làm như thể đó là một đêm mùa hè nóng bức như thiêu đốt. Đâu đó có tiếng gà gáy sáng, nhầm lẫn, vì mặt trời vẫn còn ở phía bên kia của quả địa cầu.

“Buddy, em có còn thức không?” Đó là bạn tôi nói vọng qua từ bên kia phòng của bà sát bên cạnh phòng tôi; và một chỉ một thoáng sau bà đã ngồi trên giường tôi tay cầm ngọn nến. “Giời ạ, u ngủ được tí nào cả,” bà tuyên bố. “Trí óc u cứ như mấy con thỏ nhảy lăng quăng loạn xạ. Buddy, em nghĩ là bà Roosevelt sẽ đem bánh trái cây của chúng ta ra dùng trong bữa ăn tối?” Chúng tôi co ro trên giường và bà nắm tay tôi như thể muốn nói u yêu em lắm. “Có vẻ như bàn tay của em lúc trước nhỏ hơn nhiều. U đoán là u không thích nhìn thấy em lớn lên. Nhưng mà khi em lớn lên chúng ta vẫn là bạn với nhau chứ?” Tôi nói chúng ta sẽ luôn luôn là bạn của nhau. “Nhưng mà u cảm thấy không thoải mái chút nào cả, Buddy. U thèm cho em một chiếc xe đạp vô cùng. U cố tìm cách bán cái cameo, đồ nữ trang cài áo, mà bố của u đã cho. Buddy” – bà ngập ngừng, như thể xấu hỗ - “U làm cho em một con diều.” Rồi tôi thú nhận tôi cũng làm một con diều cho bà; và chúng tôi cười òa. Cây nến đã cháy quá ngắn nên không còn cầm được nữa. Rồi nó tắt, để lộ ánh sao trên trời, những vì sao gắn trên cửa sổ như một bài hát giáng sinh, và dần dần ánh sáng ban ngày cắt đứt sự im lặng. Rất có thể chúng tôi đã ngủ quên; nhưng ánh sáng hừng đông như nước lạnh dội vào mặt chúng tôi: chúng tôi thức giấc, mắt mở to, và đi lanh quanh trong khi chờ những người trong nhà thức giấc. Đầy cố ý, bạn tôi đánh rơi cái ấm nước lên nền nhà. Lần lượt mọi người trong nhà thức giấc, nhìn chúng tôi với vẻ gườm gườm như muốn giết cả hai, nhưng vì hôm nay là ngày Giáng sinh họ không thể làm chuyện ấy. Trước nhất là một bữa ăn sáng thật thịnh soạn có tất cả những món bạn có thể tưởng tượng – từ flapjacks (bánh bột chiên) và sóc chiên cho đến cháo bột bắp và sáp non của mật ong. Các món này làm cho tất cả mọi người thích thú ngoại trừ bạn tôi và tôi. Thành thật mà nói, chúng tôi không mất kiên nhẫn chờ đợi được cho phép mở quà cho đến độ chúng tôi không thể ăn.

Ha, tôi khá thất vọng. Ai mà không thất vọng chứ? Mấy đôi vớ, áo mặc đi học thánh kinh ngày Chủ nhật, vài cái khăn tay, cái áo len cũ, và một năm báo tôn giáo cho trẻ con được trả tiền trước, tờ The Little Shepherd. Nó làm tôi sôi máu. Thật như vậy.

Bạn tôi được quà khấm khá hơn. Món quà tốt nhất của bà là một túi quýt. Bà hãnh diện nhất, tuy thế, là cái khăn quàng bằng len trắng do người chị đã lập gia đình của bà đan cho. Nhưng bà nói món quà bà thích nhất là con diều tôi đã làm cho bà. Và con diều này rất đẹp; mặc dù nó không đẹp bằng con diều bà làm cho tôi, nó màu xanh và có lấm tấm điểm vàng và những ngôi sao màu xanh lá cây dành cho đứa trẻ ngoan có hạnh kiểm tốt; còn hay hơn nữa là, tên của tôi được vẽ lên ấy, “Buddy.”

“Buddy, có gió lên rồi.”

Gió lên, và không có gì có thể xảy ra cho đến khi chúng tôi chạy ra đồng cỏ dưới căn nhà nơi Queenie đã chọn chỗ để chôn những mẩu xương của nó gặm (và đây cũng là chỗ, mà một mùa đông nào sau đó, Queenie cũng sẽ được chôn). Ở đấy, lao vào cỏ mọc mạnh đến thắt lưng, chúng tôi thả dây diều, cảm thấy chúng vặn vẹo ở đầu dây như những con cá bay trên trời khi chúng bơi vào trong gió. Thỏa mãn, ấm người nhờ nắng, chúng tôi nằm dài trên bãi cỏ và lột quýt và xem những con diều nhào lộn. Không mấy chốc tôi đã quên quà là mấy đôi vớ và cái áo len cũ. Tôi sung sướng như thể chúng tôi đã thắng năm chục ngàn giãi Grand Prize trong cuộc thi đặt tên cà phê.

“Ồ, sao mà tôi ngu tối thế này!” bạn tôi kêu lên, bất thình lình tỉnh lại, như một người đàn bà chợt nhớ là mình bỏ quên bánh bích quy trong lò. “Em có biết u luôn luôn nghĩ đến điều gì không?” bà hỏi bằng một giọng như mới khám phá chuyện gì mới lạ và rất nghiêm trang, nhưng đó không phải là điều tôi muốn nhấn mạnh. “U luôn luôn nghĩ phải giữ cho mình một thân thể không bệnh hoạn và chết tàn tạ trước khi người ta được gặp Chúa. Và tôi tưởng tượng rằng khi Ngài đến, cũng giống như chúng ta nhìn qua cửa sỗ của một nhà theo đạo Baptist: xinh đẹp như những mẫu kính màu với mặt trời xuyên qua, chiếu sáng đến độ bạn không biết trời đang tối. Và điều này làm tôi thấy dễ chịu: nghĩ rằng ánh sáng ấy đã mang đi tất cả những điều tăm tối đáng sợ. Nhưng tôi đánh cuộc là điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Tôi đánh cuộc là vào lúc cuối đời một thân thể sẽ nhận ra rằng Chúa đã tự bộc lộ. Bằng cách làm cho mọi chuyện xảy ra như ý Chúa.” – tay bà vẽ những vòng tròn như thể gom lại tất cả các đám mây, hai con diều, cỏ và Queenie đang cào đất phía trên mẩu xương của nó – “nhìn thấy tất cả những thứ đã được luôn luôn nhìn thấy, là đã nhìn thấy Chúa. Và đối với u, u có thể lìa bỏ thế gian này với cái ngày hôm nay trong mắt nhìn của tôi.”
Đó là lần Giáng sinh cuối cùng chúng tôi bên nhau.

Cuộc đời đã chia rẽ chúng tôi. Những người tự phụ là Hiểu Biết Nhất đã quyết định gởi tôi đi học trường Thiếu sinh quân. Và sau đó là những chuỗi ngày khốn khổ nghe tiếng còi toe toe như ở nhà tù, hay những tiếng còi báo thức rất bực mình ở trại hè. Tôi cũng có nhà mới nhưng điều này chẳng đáng kể. Nhà là nơi bạn tôi ở mà tôi không bao giờ về thăm được.

Và bà ở nơi ấy, lanh quanh trong nhà bếp. Đơn độc với Queenie. Rồi chỉ còn lại một mình. (“Buddy thân mến,” bà viết thư bằng nét chữ tháu thô rất khó đọc, “hôm qua con ngựa của Jim Macy đã đá Queenie một cái rất nặng. Em nên mừng là nó chẳng cảm thấy đau đớn lâu. U quấn nó bằng một tấm khăn vải mịn và lấy con bọ đẩy nó đến đồng cỏ Simpson để cho nó có thể chơi với tất cả những khúc xương của nó . . .”). Chừng vài năm sau cũng vào tháng Mười Một, bà tiếp tục nướng bánh trái cây một mình; không nhiều như trước, nhưng cũng vẫn nướng bánh: và dĩ nhiên, bà luôn luôn gởi cho tôi “cái ngon nhất trong đợt này.” Trong mỗi lá thư bà cũng kèm theo một đồng tiền mười xu quấn bằng giấy đi cầu: “Em hãy đi xem một cuốn phim rồi viết thư kể lại cho tôi nghe.” Nhưng dần dần, những lá thư sau đó bà nhầm lẫn tôi với người bạn thời xưa, người cũng có tên là Buddy đã chết vào những năm 1880; rồi càng lúc càng nhiều hơn những khi bà nằm mãi trên giường chứ không chỉ có ngày mười ba: rồi có một buổi sáng tháng Mười Một lại đến, một buổi sáng mùa đông không còn lá và cũng không có tiếng chim, bà không còn đủ sức để tự ngồi dậy và kêu lên: “Ồ đã đến lúc làm bánh trái cây rồi!”

Và khi điều này xảy ra, tôi biết. Một mẩu nhắn tin này chỉ xác nhận một mảng tin mà những mạch máu bí mật của tôi đã nhận được, cắt lìa khỏi người tôi một phần trong thân thể tôi, bỏ rơi tôi như một con diều đứt dây. Đó là lý do, khi tôi băng ngang sân trường một buổi sáng đặc biệt trong tháng Mười Hai, tôi cứ tìm kiếm mãi trên bầu trời. Như thể là tôi biết trước sẽ được nhìn thấy, thay vì đó là những trái tim, một đôi diều bị đứt dây đang hối hả bay về hướng thiên đàng.


chuyển dịch