TRÊN ĐỈNH THÁP CHUÔNG
K hi Tiên đẩy cánh cửa nơi cổng bước vào Cô Nhi Viện thì một người lính Mỹ áo mở cúc để lộ khoảng ngực trần vạm vỡ với chòm lông đen mọc tua tủa chấp chới đi ra trên tay còn giữ chai rượu đã mở sẵn nắp. Gương mặt gã đỏ nhừ, màu đỏ như đang trở màu tím thẫm, của những giọt rượu còn đọng trên những cọng râu cứng bên mép. Đặc biệt đôi mắt gã đã dại hẳn đi, trông bắt ớn. Đó là đôi mắt có chút màu xanh long lanh nằm sâu hút trong một màu đỏ ửng chong hực lên như muốn dồn đuổi, thu bắt hết mọi hình ảnh chung quanh. Tiên lui lại bên bờ tường, nhường lối cho gã, lòng ái ngại. Gã quơ tay lên cao, chụp xuống một cánh cổng, nhoài người ra ngoài. Chai rượu đã tuột khỏi tay gã, bể vung vãi trên những tấm vỉ sắt lót đường. Gã cúi mặt ngần ngừ nhìn lên vũng bọt rượu, miểng chai vụn một lúc, rồi gật gù bỏ đi. Chân tay gã bắt đầu run rẩy, co giựt như người vừa chui ở dưới nước lên vào mùa rét, Đi chập choạng ngã chúi tới trước được mấy bước, gã ngoái cổ nhìn lại cô nhi viện. Tiên nhận ra vẻ già nua của gã trong dáng dấp gầy gầy, cằn cõi; cùng với mái tóc đã bắt đầu điểm bạc…
Dì Lucia lấp ló sau khung cửa kính. Qua tấm kính còn mờ ẩm hơi sương đóng khung khuôn mặt, Tiên trông thấy dì rộn lên vẻ hốt hoảng chưa được kìm giữ. Đôi mắt mở tròn cố hữu trong cơn sợ hãi ngạc nhiên, và nước da dì tái mét không một cách lạ lùng. Thấy Tiên, dì vội vã rời khung cửa. Ở dãy nhà sau, chị Hà rụt rè với những khuôn mặt thấp thoáng sau tường. Trong sân vắng bóng lũ trẻ, có lẽ chúng được dồn đuổi hết vào các lồng gỗ trong nhà ăn. Tiên bước lên mấy bực thềm, tới chỗ dì Lucia đang đứng chờ dưới giàn hoa giấy, bên cái kệ đá dài.
Khuôn mặt dì đã trở lại nét bình yên đậm đà gần gũi, Dì hỏi Tiên ông lính say rượu lúc nãy đi đâu-Tiên cười- nói gã đi xuống ngã quận hay chợ gì đó. Có lẽ gã đi không được xa đâu, bởi gã đã say mèm, yếu lắm. Dì ngồi xuống kệ đá, vuốt bàn tay nhẹ nhàng lên ngực, giữ yên nơi đùi. Dì kể ông Mỹ già đó thường lui tới đây hoài, bận nào cũng mang theo chai rượu, say khướt. Có hôm mặc đồ lính cũ rách, xốc xếch, dơ nhớp; có hôm mặc đồ thường, ướt sũng bọt rượu. Lão tới đây đòi xin cho được con Na. Con bé Na cậu biết chứ ? Hễ lão tới là như lúc nào cũng lèm nhàm ở đâu rồi đó, làm cho con bé nó sợ lão. Lão sấn tới đưa cho nó hộp bánh, bồng nó đi một vòng, rồi cười giỡn với nó một hồi; sau đó lão hết biết gì nữa. Lão làm con bé sau này cứ nhìn thấy dáng lão là nó bỏ chạy, khóc ròng. Lão bảo cho con Na cho lão nuôi, lão sẽ đem về Mỹ…
Tiên nhìn vào mặt dì, thoáng thấy dì bồi hồi.
-Dì nghĩ sao ?
Dì Lucia sẽ chép miệng cười :
- Cậu nghĩ, chúng tôi nuôi con bé Na đã mấy năm nay, từ lúc nó chỉ được vài tháng. Nay nó bắt đầu lớn, làm cho cả viện ai cũng vui. Có nó đó, cũng như những trẻ em khác, nhưng mấy Soeur đã dành cho nó nhiều tình thương hơn bởi nó nhỏ xíu, lạc lõng hơn. Vậy mà lão Mỹ già tới đòi xin, bận nào cũng say mèm. À, hình như lão có bệnh kinh phong gì nữa đó cậu. Tôi nghĩ, ở đâu có thể lo cho nó đầy đủ, sung sướng là được. Chúng tôi không giữ nó lại làm gì, nhưng lúc này thì không thể được. Lão Mỹ già đó cũng sắp sửa được về Mỹ rồi, lão tới một ngày hai ba bận lận…Lão say sưa, bệnh hoạn, con Na sẽ khổ. Với có một chuyện nữa mà tôi dứt khoát không thể cho bé Na cho lão được…
Tiên băn khoăn hỏi:
-Thưa dì , chuyện gì vậy ?
Đôi mắt dì nhìn lơ đãng ra khoảng sân trống; buổi sáng hiu hắt giăng mờ những giọt nước mưa thưa. Chợt dì cúi xuống nhìn đôi bàn tay, mân mê một chéo áo. Dì Lucia ngửng nhìn lên đúng vào mắt Tiên (cái nhìn cố hữu của dì khi dì sắp muốn nói chuyện gì quan trọng, ẩn ức). Dì thờ dài, giọng khô cứng :
-Hôm qua, tôi có tiếp ông Macvill, cố vấn viện trợ trong quận. Ông ta tới bảo chúng tôi nên cho con Na cho lão Mỹ già đó. Tôi trình bày rõ ràng rằng chúng tôi không giữ con bé lại làm gì, miễn khi rời viện chúng tôi biết được đời nó sau này sẽ vui sướng. Sẽ thanh thản trong tình yêu thương bao la của Chúa. Nhưng bây giờ thì chưa có thể, bởi con bé còn quá nhỏ, còn lão kia thì lúc nào cũng nồng nặc mùi rượu. Có thể nào lương tâm chúng tôi yên ổn được khi sự ra đi của một trong những người con trong viện có một ngày mai không sáng sủa? Hơn thế, các ông nên nghĩ tình yêu thương đã buộc chặt chúng tôi với hầu hết những đứa trẻ ở đây thắm thiết. Cắt đứt tình yêu thương đi, không phải dễ dàng như mấy ông tưởng. Nghe tôi nói, ông Macvill đã lên giọng sừng sộ. Ông ta làm in như ông có toàn quyền trên đất nước này. Ông bảo nếu viện không cho con Na cho người Mỹ đó, thì tự hậu viện sẽ không nhận được sự giúp đỡ nào của Mỹ, của các cơ quan từ thiện. Bà phải chọn một trong hai trường hợp đó đi ? Tôi trả lời dứt khoát, không thể được. Không thể có sự đánh đổi, buôn bán trong việc này. Chúng tôi không làm công việc nuôi trẻ mồ côi (dù Mỹ hay Việt) để bán đi với mỗi tháng ít chục thùng dầu, bột bắp, gạo, hay vài thứ vật dụng đã phế thải khác…
Tiên ái ngại nhìn di Lucia:
- Rồi cha Macvill nói thế nào nữa, dì ?
Dì lại nở nụ cười se sắc, buồn bã :
- Ông ta giận dỗi bỏ đi.. Tôi chắc lão Mỹ già kia đã nhờ ông ta tới can thiệp.
Dừng một lát, Dì lại nhìn mơ hồ ra sân. Mưa loáng thoáng trong ánh nắng: Tiên đã nghe tiếng lao xao đọc kinh, ca hát của lũ trẻ trong viện phía sau nhà chơi. Tiếng Dì lại vang lên như nói với khoảng không:
-Tôi cũng vừa nhận được một giấy can thiệp của ông quận trưởng. Ông quận cũng khuyên chúng tôi nên cho con bé cho lão Mỹ nọ, nhưng phần quyết định tùy thuộc vào quí viện. Người đưa thư là gã thông dịch viên của ông Macvill. Gã lại quyến dụ chúng tôi còn hơn ông quận và hăm dọa chúng tôi còn hơn ông Macvill. Tại sao gã có thể nghĩ được rằng, chúng tôi sẽ ưng thuận với sự đổi chác bẩn thỉu này với những quà tặng, thực phẩm, vật dụng ?
Chợt Dì Lucia quay mặt lại nhìn đứng vào mắt Tiên:
-Cậu nghĩ như thế nào ?
-Thưa Dì, những gì Dì nói rất giống với ý nghĩ của tôi…
Dì lại mỉm cười :
-Tôi chỉ biết làm theo sự dẫn dắt của Chúa. Lạy Chúa hãy giúp con…
Nắng làm tan hết những sợi mưa ngoài trời, nắng rực rỡ hồng ấm trong sân. Những khóm hoa vàng dưới chân tượng Đức Mẹ bừng dậy tươi tỉnh khác thường. Ngoài cổng, hàng bạc hà rũ bóng lấp lánh nước trong vũng sáng chói chang. Cổ xe ngựa rập rình chạy qua cổng viện mở hờ, những người đi lễ muộn vội vã xuống phố…
Dì Lucia trở vào phòng riêng, cúi đầu trên bàn máy đánh chữ. Tiên bỏ đi ra nhà sau, nơi lũ trẻ đang tụ nhau đùa giỡn. Tiên dừng lại bên bé Na. Con nhỏ lai Mỹ có mái tóc vàng hoe, đôi mắt mở lớn nhiều màu xanh, nước da trắng hồng. Nó xấu hơn những đứa con lai khác ở lỗ mũi hơi thô kệch. Nhìn chung, nó vẫn có vẻ quyến rũ của một đứa trẻ hai giòng máu. Thấy Tiên, nó chạy tới đưa hai tay đòi bồng. Nụ cười nó mở rộng, tự nhiên. Thằng nhỏ có bổn phận coi sóc cho cả lũ nhỏ lắc chắc, kéo nó lui lại. Nó vùng vằng nhào tới, thằng nhỏ bảo nó nằm xuống, chổng mông lên cho nó đánh; nó làm theo lời cũng tự nhiên. Thằng nhỏ đạp vào mông nó một cái, nó ngửng đầu lên nhìn Tiên- anh cười. Chị Hà ở dãy nhà nấu ăn đi ngược lên, nói với Tiên xin con bé đó không ? Tiên đùa bảo nó là giống Mỹ, đâu có ở lâu với người Việt Nam mà nuôi cho mất công. Chị Hà kể lại trường hợp của bé Na được viện nhận nuôi như sau : Buổi chiều nọ có cô gái bồng bé Na tới, bé Na mới có mấy tháng. Cùng đi với cô gái, có người đàn ông, hình như chồng của cô gái sao đó. Nghe lời thuật, cô gái trước khi lấy người đàn ông kia đã đi làm trong sở Mỹ. Cưới nhau chưa được nửa năm, cô gái đã sinh bé Na ra. Người đàn ông hết mực thương bé Na, cứ ngỡ vợ sinh thiếu tháng. Lâu dần bé Na phảng phất dáng một đứa nhỏ lai, cả xóm đều bàn tán, xầm xì. Người đàn ông cũng nhận biết đứa nhỏ không phải con mình, bàn tính với vợ đem cho, cho yên. Cô gái ngần ngừ, rồi cũng chịu. Tới viện, cô gái ngồi mãi không chịu về. Người đàn ông bỏ đi, cô gái lẻo đẻo theo sau. Từ chiều đó, không còn thấy tăm dạng của cặp vợ chồng đó nữa…
Tiên nói :
-Đã hư thân, còn lưu luyến với tội lỗi của mình, thứ con gái đó thật chẳng có chút gì để thương được...
Chị Hà cười :
-Anh nóng dữ! Thời chiến này, thiếu gì con gái như vậy …
Tiên định nán lại chơi với lũ nhỏ một hồi, xưng mình là ba gọi chúng là con; để được làm cha con giả một lúc cho vui nhưng chợt nhớ tới Sa; Tiên hỏi chị Hà :
- Mai giờ có cô Sa lên đây chứ chị ?
Chị Hà cài lại những cúc áo hở của mấy đứa ngồi ngoài bờ gỗ miệng đang la hét những bài hát gì đó Tiên không nghe được câu nào ra câu nào, trong những âm thanh ồn ào, lộn xộn, ngọng nghệu của chúng. Ở mỗi vẻ mặt đó, Tiên vẫn nhận thấy nỗi ngơ ngác, lạc lõng, âm thầm, cho dù chúng có ngồi cùng nhau mà hò hét như bây giờ. Một thế giới đau khổ, bơ vơ, lạnh lùng có thể tìm thấy ở trong viện này. Nhìn chúng, người ta có thể nhìn thấy được nỗi chua cay, khốn đốn, bẩn thỉu của đời sống. Cô nhi viện là nơi thu góp những bất hạnh đó. Chị Hà gần gũi chúng, chăm sóc chúng, buồn vui bên chúng đã lâu, nên trông chị cũng có vẻ gì lơ ngơ, lặng lẽ, tội nghiệp của một đời con gái góa bụa, mất hết niềm tin yêu; quay về với những an ủi vỗ về trong sự đau xót của kẻ khác.
Chị Hà quay lại nhìn Tiên cười. Nụ cười khác lạ có nơi chị khi nghe Tiên hỏi tới Sa. Chị hỏi:
-Anh tìm cô Sa chi mà tìm hoài vậy ?
-Có chút việc ở trường mà…
Chị Hà đứng thẳng dậy, quay mặt sát bên Tiên:
-Cô Sa tập múa, tập hát bên phòng Dì Thérèse …
Tiên nói, tôi đi, chị ; rồi quay trở ra sân, tới phòng Dì Thérèse. Căn phòng ẩn dấu trong tàn bóng cây dày, hơi tối, vắng vẻ như cuộc sống của Dì. Hơi mát quấn quít gót chân khi Tiên rẽ từ lối sỏi đi xâm xâm vào bãi cỏ tìm tới cánh cửa sổ mở.
Dì Thérèse nhìn thấy Tiên ló đầu lên khung cửa, niềm nở cười- gọi :
-Cậu Tiên, Sa này …
Sa đang mãi mê dẫn dắt một bầy con gái nhỏ trạc mười, mười hai tuổi uốn éo theo điệu múa lễ, nghe gọi đứng khựng lại nhìn Dì Thérèse.
Dì chỉ tay ra khung cửa sổ. Sa nhận ra Tiên đang đứng sửng sau khung cửa kính. Rất nhanh, Sa tới mở cửa lớn cho Tiên vào.
-Chào Dì…
-Cậu đi tìm cô Sa.?
-Dạ.
Sa để Tiên ngồi nói chuyện với Dì thérèse, tiếp tục điệu múa bỏ dở. Bầy con gái sốt sắng bắt chước từng dáng điệu của Sa rất dễ dàng. Hình như những điệu múa, bài ca, đã làm chúng yên vui hơn bao giờ.
Dì Thérèse nhìn lũ nhỏ đang tập múa cười:
-Chúng thích tập ca, tập múa lắm. Vắng cô Sa lâu, chúng cứ hỏi sao cô giáo không thấy tới Dì…
Tiên cười theo Dì:
-Cô giáo Sa làm biếng lắm mà, Dì. À, Dì định chuẩn bị cho ngày lễ chắc ?
-Vâng, cũng định tổ chức trong buổi chiều… Nếu rảnh, mời cậu ghé lên chơi với mấy em cho vui ? Ở đây tổ chức sơ sài thôi.
Tiên cười do dự bởi nghĩ tới cái hẹn của Sa trong suốt ngày lễ ; nhưng Dì như đọc được ý Tiên, Dì nói:
-Chiều đó cô Sa cũng đã nhận lời tới giúp viện rồi đó…
Tiên dạ nho nhỏ, hơi ngượng với Dì. Có lẽ nào Dì cũng đã có thời yêu thương như Sa, như mình ? Dì có biết tình yêu là gì không nhỉ ? Tiên nhìn lướt qua khuôn mặt Dì che lấp bởi mảnh vải đen âm u, buồn bã. Dì không có gì khác những người con gái mà Tiên đã gặp; Dì rất đổi giống Sa kia, nếu Dì cởi bỏ lớp áo chùng đen dài thượt. Trong ánh mắt, nụ cười, tiếng nói của Dì; Tiên không tìm thấy điều chi khác lạ; chỉ có một vẻ sâu kín ẩn ức nào đó quyến rũ thôi. Thì ra, tấm áo chùng đen đã che chở cho Dì được nhìn ngắm với vẻ xa lạ; nhưng dì không có gì xa lạ hết. Dì có nhận ra thế không ? Chợt Dì Thérèse quay lại nhìn Tiên- hỏi:
-Ở trường cậu có tổ chức gì không?
-Nhân tiện cũng có bữa tiệc nho nhỏ…
Sau câu hỏi Dì Thérèse hơi cúi mặt, như cố tránh đôi mắt thoáng bắt gặp của Tiên đắm đuối nhìn Dì. Tại sao Dì lại lãng tránh những ánh mắt đó của Tiên? Dì chạy trốn những ánh mắt cùng nổi xao xuyến tìm tới với Dì được à ? Lại một nỗi dằn vặt khó nguôi đến trong đầu Tiên mỗi bận gặp mặt Dì. Rất thoáng qua, rất mơ hồ, nhưng Tiên đã có lúc nghĩ tới Dì Thérèse như nghĩ tới một cõi nào xa xôi, êm ái …
Ra tới sân, Sa ngước nhìn trời, bầu trời sà xuống thấp khép kín mây mù. Gió từ cánh đồng trước cổng viện thổi dạt vào thật lạnh. Cái lạnh ngây ngất âm u của mùa đông với nỗi hoang vắng dã dượi của khu nhà cô nhi tối sụp bóng cây. Nghe bước chân của Sa, Dì Lucia vội vã mở cửa chạy ra.
Sa cúi đầu chào :
-Thưa Dì, con về…
-Cho Dì gởi cái này …
Dì trao cho Tiên tấm giấy mời vừa được đánh máy, Tiên đọc lướt qua, nói cám ơn dì đã nghĩ tới. Dì khoát tay cho Sa ra cổng, vội vã trở vào phòng. Sa đi cạnh Tiên nhỏ bé như một con chim, nói cuộc sống của mấy dì thật đẹp. Tiên nhìn nàng, bảo em thích được như vậy không? Sa lại nhìn vào mắt Tiên, một thoáng im lặng, nàng bảo thích, thích lắm, nhưng đâu phải dễ dàng mà được sống yên ổn trong tình yêu thương của Chúa ? Kẻ nào có phước lắm mới có thể ở lại bên Chúa chứ anh. Tiên nghe rõ trong giọng Sa một vẻ gì nghẹn ngào, buồn bã. Có lẽ nàng lại nhớ tới chuyện của Hinh. Hinh đuổi bắt nàng như người bủa lưới, giăng câu; còn nàng thì lẩn tránh với nỗi sợ hãi. Càng ngày nàng càng cô lẽ trong nỗi buồn, chơi vơi trong niềm hốt hoảng ám ảnh. Nàng đã kể hết cho Tiên nghe từ đầu chí cuối cuộc tình ngang trái của nàng và Hinh: Em không ngờ trên đời lại có kẻ ngu muội đến nỗi bỏ phí cuộc đời để chỉ giăng bắt một cái bóng. Trong gia đình, em bắt đầu thấy hết nơi để nương tựa, an ủi. Mọi người như cùng rủ nhau cầm tròng, bắt em nằm lại với lời xin cưới hỏi của Hinh. Anh Nghĩ có nỗi buồn chán nào hơn cho một người con gái phải ưng chịu một cuộc gắn bó ngoài ước mơ của họ không?
Tiên nhìn xa đến ngôi nhà thờ bên kia cánh đồng, đã có bóng người đi nguyện trở về. Con đường đất ngoằn ngoèo ẩn khuất trong bờ ruộng, lùm cây mù mờ êm dịu lạ. Khi cả hai qua hết bờ tường của dãy nhà cô nhi, trời bắt đầu mưa. Tiên mặc áo mưa cầm sẵn, giữ lấy tay Sa cùng nàng xuống phố…
Tiên và Sa tới trường thì sự việc đã được xảy ra xong xuôi, nhưng vũng máu và ngôi nhà cạnh trường dùng làm trụ sở ấp cháy sập còn đó. Lũ học trò đứng bu quanh vũng máu, và ngóng cổ nhìn trụ sở ấp bị đốt phá còn vương vất khói. Đêm rồi những người trên núi đã xuống đây…
Lũ học trò thấy mặt Tiên, ồn ào lên:
-Thưa thầy, ông Cai bị mìn, thầy …
Nhìn xuống vũng máu đã đen, rỉ từng dòng theo mạch nước chảy loang trên sân cát, Tiên biết việc gì đã xảy ra. Mọi người nhốn nháo ùa ra khỏi sân trường tản mác vào các ngõ hẻm theo sự dàn xếp trật tự của mấy người lính dân vệ, xây dựng nông thôn. Lũ học trò được Tiên nhốt vào các phòng học bằng một hồi kiểng. Sân trường còn lại cái không khí im vắng, hiu hắt của một đám tang còn nồng hương khói đằng nhà ông phu trường bốc lại. Sa e dè theo Tiên từng bước. Trên nét mặt của các bạn đồng nghiệp luống tuổi, Tiên bắt gặp nhiều nỗi hoang mang, khó xử. Họ thẩn thờ ở hiên lớp, nhìn mông lung lên dãy núi trước mặt trường. Cánh đồng trống trải lặng lẽ phía sau như còn lay động bàn chân, hơi thở của đám người lúc đêm trở về đốt ấp.
Tiên bước tới trước xác người phu trường già được bỏ nằm trên mảnh chiếu cũ, mặt phủ giấy trắng. Bà vợ lão phu trường ngồi khóc sụt sùi dưới chân. Bà kể lể than khóc gì đó, Tiên không nghe rõ. Bà oán trách réo gọi gì đó, Tiên không để ý. Chỉ có xác lão phu trường nằm lạnh lùng ở đây đã làm Tiên nghe đau thắt trong lòng. Như vậy từ nay, cả xóm, sẽ không còn kêu ca lão về thói uống rượu như nước lã nữa. Vợ con lão cũng chẳng phàn nàn lão lèm nhèm tối ngày. Lũ học trò hết chọc ghẹo để lão múa võ, rượt đuổi, mỗi bận xin Tiên được tiền mò ra quán uống đã bao tử mới chập choạng trở về. Cuối cùng, quí thầy quí cô sẽ không còn đề nghị trong biên bản cuối tháng rằng yêu cầu ông Bảy đóng ngay các cánh cửa lớp để khỏi mất sổ sách, hình ảnh trang hoàng; mỗi khi nghe tiếng kiểng báo mãn giờ. Bây giờ ông chẳng cần gì nữa, ngay cả rượu.
Ngày Tiên tới thế việc thay cho người hiệu trưởng cũ bị Ty rắp tâm trình tấu với bộ, bị bãi chức vĩnh viễn; ông Bảy đã rủ Tiên đi uống rượu. Đang buồn, Tiên cầm tay lão ra quán. Từ đó, lão cứ kè nè bên Tiên mỗi lúc thèm rượu mà không còn một đồng. Câu chuyện về lão làm Tiên tức giận, nhưng cười mãi sau đó vẫn là buổi đại hội phụ huynh học sinh hôm đầu niên khóa. Trước đông đảo phụ huynh học sinh, ông phân hội trưởng vừa bước lên bàn, đọc :
-Kính thưa quí vị, hằng năm đến độ nhà trường khai giảng; trên toàn quốc nói chung, ở xã nhà nói riêng, chúng ta hội họp lại để tổ chức ngày đại hội…
Ông phân hội trưởng đang ngon trớn trịnh trọng đọc diễn văn khai mạc đại hội, thì lão phu trường lừ đừ bước vào mặt mày đỏ lưởng, áo quần bê bết đất bùn; sấn tới giành lấy tấm giấy trên tay ông phân hội trưởng, đọc lấp bấp mấy câu không có viết trong tấm giấy rồi ngã quị xuống đất ọc mửa. Vợ con lão phải lăng xăng khiêng lão vào nhà, lục trong túi lão tìm xâu chìa khóa để đóng cửa các lớp học giúp lão .
Sau lần đó Tiên quyết định không cho tiền lão uống rượu nữa. Món tiền giúp lão được góp lại, giao cho bà vợ. Đỡ say sưa được đôi ba ngày, một hôm lão lại bắt đầu rượt đuổi, múa võ với bọn học trò trở lại. Hỏi ra, mới biết Sa đã nghịch cho tiền lão đi uống. Sa bảo, lão cứ lui tới xin hoài, thật tội.
Lão nói thà để lão chịu đói, nhưng rượu phải cho lão uống. Không có rượu tui đau, cô giáo à. Thế là Sa hỏi lão cần bao nhiêu ; lão cười hớn hở, xin cô giáo ít chục. Sa trao cho lão năm chục đồng, lão mừng quýnh, cám ơn cô giáo; rồi vụt biến ra ngõ. Trong đôi mắt lão, Sa thấy rực lên niềm vui, và thoáng chút áy náy khi liếc nhìn qua lớp học của Tiên. Lão còn kể cho Sa nghe câu chuyện mấy người quanh xóm thách lão bỏ rượu được nội trong ba ngày Tết cho xóm làng yên tĩnh; lão sẽ được thưởng vài trăm, nhưng lão chỉ chịu được trong buổi sáng. Buổi trưa đã thấy lão nhảy chui vào bờ ruộng, lùm cây gai, mà la lối om sòm. Uống rượu tới nước đó, chỉ có trời mới cấm nổi. Tiên lại cho tiền lão mỗi lúc lão sợ sệt tới gần, và đôi lúc buồn, cũng cặp kè với lão ra quán lai rai…
Tiên cúi xuống nhìn sát lên người lão phu trường nơi có nhiều vết máu đọng. Tiên hỏi bà vợ lão đang ngồi cạnh:
-Thưa bác, chắc bị nhiều nơi lắm ?
Bà ngửng mặt lên, đưa ống quần lau nước mắt. Bà mếu máo kể rằng ổng bị trái lựu đạn chôn dưới đất nổ, bắn tung ra ngoài. Ông nằm rũ dưới đất một hồi, dãy dụa thê thảm một lúc, rồi im lặng luôn. Trái lựu đạn được chôn dưới đất, cạnh chiếc bàn có bày một lá cờ lạ. Ông ấp trưởng bảo ổng dọn đi ; ổng vừa đến lấy lá cờ, khiêng một chân bàn lên, thì lựu đạn bật nổ dữ dội. Chỉ có một mình ổng lãnh hết trơn. Bà kể xong, tiếp tục gục đầu xuống đất mà khóc.
Do dự một đỗi, Tiên nói :
-Này, bác có than thở gì thì ổng cũng đã mất rồi. Lúc này có biết bao là cái chết oan ức kiểu này, bác lo mà tẩn liệm…
Tiên định nói tiếp, nhưng thấy bực dọc với chính những lời lẽ khuyên nhủ của mình, nên thôi. Mọi lời lẽ lúc này đều vô ích. Tiên móc túi tìm một điếu thuốc gắn lên môi.
Đứa con trai lão lại cầm bó nhang từ nhà sau ra cắm trên đầu lão, vái lạy. Trông dáng thô kệch, và nghĩ tới cái tính khùng khùng của nó, Tiên thấy nó thật tội nghiệp, thật bơ vơ. Có lẽ từ nay nó lại phải giữ lấy xâu chìa khóa, thế cha nó. Nhìn thấy Tiên đứng yên nơi trụ cờ chỗ cha nó ngã lăn ra chết, nó tiến tới. Nó lấy chân vẽ dưới đất ghi dấu nơi cha nó nằm với vũng máu trào. Nó cà lăm, lắp bắp kể lại đầu đuôi sự việc. Nó bảo chính mắt nó thấy ba ông ở trần, bẻ khóa cổng trường mà vào. Một tốp khác vào nhà bắt mẹ nó đi mở các cửa lớp coi thử dân vệ, xây dựng nông thôn có chui vào đó nằm hay không. Mở được vài phòng mẹ nó lo ngại bị hắn nếu rủi ro có người lào ở trong phòng học. đang lui cui mở phòng cho vài người có súng xét thì có tiếng nói, thôi đi, tụi nó điên sao mà nằm trong đó chứ. Bà được trở vào nhà, khóa cửa nằm im. Nó nói lúc mẹ nó đi mở cửa, nó với cha nó còn núp sau bụi chuối ngoài vườn. Đốt phá xong trụ sở, họ rút đi êm ru không một tiếng súng…
Những tiếng súng nổ dòn phía sau lưng làm Tiên chợt giựt mình, quay phắt lại. Mấy ông nhân dân tự vệ đang ngồi tụ nhau dưới gốc cây cò kè bắn súng. Cạnh đó, ngôi nhà làm trụ sở ấp cháy rụi, hoang tàn. Tiên trở vào lớp của Sa, chắc nàng đang đợi. Ngó lui ngó tới sân trường vắng ngắt. Tiên nghĩ bụng: Vắng bóng lão phu trường thật buồn.
Tiên nói với Sa ý định dành số tiền đã góp để làm tiệc ngày mai, cho gia đình lão phu trường. Đồng thời kêu gọi tất cả, kẻ ít người nhiều, giúp đỡ cho vợ lão trong việc lo cho lão có được cái hòm. Tiên nhìn Sa nói:
-Lẽ nào cô giáo đã góp tiền cho lão uống rượu mà không góp tiền cho lão cái hòm…
Sa lườm Tiên, gắt:
-Thôi anh đừng nhắc tới chuyện đó nữa, em ghê quá. Mới hôm kia còn đưa tiền cho lão, hôm nay đã mất rồi…
-Coi chừng lão lại về đòi tiền uống rượu đó.
Nói xong không muốn biết Sa giận dỗi thế nào, Tiên hối hả bước xuống hiên, đi tới từng lớp học. Sa vẫn đứng yên đó, thờ thẫn nhìn lờ lửng ra sân. Mùi nhang thơm phức quyện nồng trong gió. Trong mùi nhang thơm, Sa còn nghe như có mùi rượu phảng phất. Nét mặt tối tăm lèm nhèm của lão phu trường lại trở về nở to lên bám sát trong trí. Nàng chợt rùng mình, nghe ớn lạnh sau gáy. Nàng quay trở vào lớp trong lúc bọn học trò xôn xao như bầy vịt.
Một tiếng la lớn từ cuối lớp vọng lên:
-Thưa cô, trò Nghiêm đánh con, cô…
Sa đứng giữa lớp, tiếng ồn chìm xuống dần. Nàng quắc mắt hỏi:
-Nghiêm, sao trò đánh lộn trong lớp?
Nghiêm đứng dậy, nét mặt sợ hãi, hai tay nắm vào nhau. Hình như đôi mắt nó đỏ, muốn khóc. Nghiêm nói giọng thật nhỏ:
-Thưa cô, hôm qua cha trò Tư đi đốn củi bị lạc đạn chết, em cầm trống đi đưa đám giúp, mấy trò thấy cứ ghẹo em hoài…
Sa lôi cả bọn nổi tiếng chọc ghẹo, hoang nghịch nhất lớp lên quỳ một hàng dài. Sau câu nói, thằng Nghiêm bật lên khóc thật tình. Đã có lần nó đã khóc vì thằng Độ khi nghe tiếng cha nó bắt hai tay làm ống loa, a lô a lô thông báo chuyện gì đó cho bà con trong xóm, rồi cứ nhắc đi nhắc lại hoài ngay trong giờ học. Mỗi ngày tới trường Sa đều có chuyện để phân xử- ngay cả những chuyện vu vơ như chúng tranh nhau để bắt cá, mót lúa, hái củi ở nhà.
Thi nhau bắn súng xem chừng đã mỏi, toán nhân dân tự vệ lần lượt bỏ về. Khi trong sân trường không còn bóng dáng ai, Tiên trở lại lớp Sa. Kiểng báo giờ mãn học được ông Tưởng đích thân ra đánh. Thường ngày ông Tưởng vẫn làm thế công việc này cho lão phu trường, cho học sinh trực, để được về sớm sớm một chút cho kịp chân mấy người dân vệ canh gác. Ông bảo mấy ông ấp với lính tráng về hết trơn, mình ở lại để bị rượt đuổi như đàn vịt như mấy bận trước à ?
Khi xe chạy hết quãng đồng trống quẹo vào con đường đất xuống xóm, Tiên quay lại nói với Sa thế là từ nay anh không còn say sưa nữa, dù có buồn cách mấy. Tìm được một người để ngồi uống rượu như lão Bảy thiệt là khó có. Lúc nãy, nghe tin lão chết, anh đã muốn ra quán chỗ lão với anh thường ngồi, mà uống cho tới say. Tự dưng anh đâm thèm những ngụm rượu đắng, nồng, như người nghiền rượu nặng. Có lẽ chỉ có lần đó, anh thấy rượu đã quyến rũ anh thật nhiều. Nghĩ lại, có thấy được sự quyến rũ của những giọt rượu, mới thấy rượu trong cuộc đời lão là phải. Có lần lão đã tâm sự, hình như chỉ có những cơn say vùi dập lão khật khù, lão mới quên được những khổ đau trong đời lão. Quên được quê kiểng, bầy bò, căn nhà, miếng vườn, và đứa con trai cuối cùng đi lính bị bắn chết bỏ ở quận mấy ngày lão mới nghe tin, đến nhận xác về chôn cất.
Sa cúi mặt sát vào lưng Tiên, tránh gió. Hơi ấm truyền ra từ hơi thở êm đềm Sa làm Tiên ngây ngất. Nỗi rét mướt của mùa đông không làm tan được những hơi thở nồng nàn kia. Gió tiếp tục thổi dạt vào người Tiên. Bầu trời xậm hẳn mây. Màu trời ẩm đục hơi sương sụp thấp xuống gợi Tiên nhớ nụ hôn Sa đầu tiên trong văn phòng, trong cái lạnh rần rật của áo quần bị đẫm ướt nước mưa vào những ngày đông năm trước, lúc còn cùng nàng chờ xe ngựa bên này cầu. Một năm qua, một năm gần gũi trong nỗi hoang mang này Tiên đã nhận ra Sa thật cần thiết trong cuộc sống. Nhưng rồi sự cần thiết của hai người cũng chẳng vượt qua được bờ rào của gia đình, hố sâu của nghi thức tôn giáo. Tại sao những người không cùng một tín ngưỡng, không thể yêu thương, gần gũi nhau ? Chúa hay Phật có bao giờ phân chia như vậy trong suốt cuộc đời ? Trong nỗi cách ngăn này, nhiều lúc Tiên bỗng thấy bàng hoàng bởi như thấy Sa cũng xa lạ, chơi vơi như những đám mây, như cõi nào xa lơ của Chúa. Sa bảo rằng Tiên đã bị những ám ảnh không đâu làm mờ trí óc. Sao lại không, trong cuộc sống đã có quá nhiều điều làm mờ trí óc con người, Sa à. Sa bị cả nhà ép buộc làm đám cưới với Hinh, người đồng đạo mà nàng chẳng mảy may yêu thương. Nghe tin đó Tiên thấy người già thật tàn nhẫn. Họ có bao giờ yêu thương để nghe thấy nỗi đau xót của một tình yêu thương đã vỡ ? Dù được gần Sa hằng ngày ở ngôi trường cách biệt này, Tiên vẫn có nhiều hôm cặp kè lão phu trường ra ngồi ở quán uống rượu …
Sa hỏi:
-Chiều nay anh ghé lên Dì Thérèse chứ ?
-Em có đi không?
-Sao lại không. Bỏ mấy điệu múa cho tụi nó à ?
-Còn anh thì ngại Dì Lucia trách…
Tiếng Sa cười trong vắt phía sau:
-Dự lễ xong, mình đi lên nhà thờ luôn thể nghe anh ?
Tiên cho xe chạy chậm chậm qua cầu. Qua khỏi quốc lộ rẽ vào phố, Tiên bắt đầu thấy những đọt nắng vàng hiếm hoi, ấm áp trong lòng phố vắng. Tự nhiên , Tiên nghe trong lòng đang rộn rã một niềm vui dạt dào vỗ cánh…
Qua khỏi chiếc cầu tre vắt ngang con mương nhỏ đục nước nguồn, Sa đã thấy bóng người rộn rịp trên con đường đất dẫn vào sân nhà thờ. Những tà áo dài chập chờn phất phới trong ánh nắng dịu giữa một màu xanh tươi của cánh đồng khởi sắc thúc giục Sa rảo bước. Ngôi nhà thờ đó với nàng không có gì xa lạ ngay khi nàng còn đi học ở trường tiểu học, nhưng nó vẫn có vẻ mời gọi âm thầm hối thúc mỗi khi nàng qua hết chiếc cầu bắt đầu trông thấy đỉnh tháp chuông cao chót vót. Bây giờ, trên đỉnh tháp chuông cũ kỷ khẳng khiu kia lại có thêm những dây đèn màu, những chiếc lồng đèn ngũ sắc, những lá cờ giấy lật phật trong gió; Sa cảm thấy nó mới mẻ, thân thuộc làm sao. Dưới chân nhà thờ, rải rác các bực thềm, bóng người đã đông đảo, tấp nập. Cùng đường với nàng, những cô gái loắc choắc trong chiếc áo dài rộng thùng thình tung tăng như những cánh chim. Tiên lặng lẽ đi bên nàng, hút thuốc. Sa nói mùa Giáng Sinh năm nay không mưa như năm kia anh nhỉ. Tiên trả lời, nếu có cơn mưa như năm kia mới vui. Phải có cái lạnh lẽo thấm thiết mới biết Chúa đã sinh ra đời thế nào. Dường như những mùa Giáng sinh trong trí nhớ anh lúc nào cũng trắng xóa vây phủ những giọt nước mưa. Và gió lạnh. Tiên kể lại những mùa Giáng sinh hồi còn kháng chiến ở làng anh. Những ngôi nhà thờ hoang lạnh, âm u như những nhà kín không gót chân người. Những vị cha sở, thầy dòng, các Dì, như những bóng đen xa lạ chập chùng đơn lẻ. Đêm Giáng sinh thật ít con Chiên, thu hẹp trong mảnh sân nhà thờ tối mù mờ bởi ánh đèn dầu, ánh đuốc bập bùng ẩn hiện trong những cơn mưa và gió. Kẻ hiếu kỳ đi xem thì đông, nhưng người đến với Chúa thực lòng thì ít quá. Anh cũng đã lặn lội đến đó chỉ để ước ao được xem đôi cánh của những thiên thần. Những thiên thần múa lượn trong màu áo sặc sỡ đã quyến rũ anh hoài từ đó. Tiếng hát cất cao, bay bổng, rạng rỡ, lao xao như hồi chuông trên đỉnh tháp. Lễ nửa đêm mãn, đèn đuốc tắt ngầm, tối om. Những lời kinh cũng lạnh lẽo tản mát trong những cơn mưa như xối nước lên đầu. Ngôi nhà thờ trở lại cái im vắng ghê rợn cũ. Những bóng đen bắt đầu thấp thoáng ngập ngừng ở các dãy hành lang nhà thờ. Anh lầm lũi đội mưa trở về, hồi chuông ngân dài não nuột như vô tận trên không. Về tới nhà, người ướt mềm như chuột lội nước, anh phải đốt lửa lên ngồi sưởi và mang củ lan ra nướng ăn. Cái lạnh ray rứt anh suốt đêm dù anh đã chui vào bồ lúa mà nằm co như con Mèo.
Nghe tới đoạn đó Sa chợt quay lại nhìn vào mặt Tiên cười nói hồi đó khổ quá há anh ? Tiên nói khổ thì khỏi phải nói, nhưng sao những hình ảnh lúc đó khó quên trong trí anh quá. Anh cũng không biết tại sao đến giờ anh vẫn còn bị những cánh thiên thần đêm Giáng sinh năm đó ám ảnh. Những đứa con gái lạ có khuôn mặt thật giống Đức Mẹ, bây giờ không rõ lưu lạc nơi đâu ? Họ có còn mang trên vai đôi cánh màu, hay đôi cánh đã gãy nát với cuộc đời khốn đốn trong những năm khói lửa sau này ? Đôi lúc anh cứ ngỡ rằng họ chắc đã cất cánh bay về Trời sau đêm cùng nhau múa hát ở ngôi nhà thờ cổ đó. Anh lại đâm nhớ thương họ trong sự mù mịt của cõi trời và cõi trần…
Tiên dừng lại, chị Hà từ cổng cô nhi viện bước ra. Thấy Tiên đến với Sa, chị cười ngượng ngùng. Tiên tự dưng áy náy vì nụ cười của chị. Có phải đây là lần đầu chị trông thấy Tiên tới đây với Sa đâu ? Sa vẫn ưa thích công việc ở cô nhi trong những lúc nàng rỗi, hay có chuyện buồn ở nhà. Tìm tới bên những đứa trẻ ngơ ngác đang đón đợi từng nụ cười, từng chút nâng niu ở người khác, Sa bảo thấy nguôi đi cơn phiền muộn rất nhiều. Với nỗi ngây thơ tội nghiệp này nàng cũng nhận ra nỗi khổ đau của mình rất ít. Không đến nỗi mịt mù vô định. Tiên cũng mong muốn có mặt ở đó, bên Sa, để cùng hưởng chút yên ổn trong những an ủi đã vỗ về nàng.
Sa nắm lấy tay chị Hà, hỏi:
-Chị đi đâu giờ này, chị Hà?
-Dì Lucia sai xuống phố mua thêm ít đồ…
Tiên cười:
-Chị tính giao bầy con đó cho lũ tôi chắc?
Chị Hà cười rụt rè, ngượng nghịu bỏ đi thắng. Tiên mở cổng cho Sa vào. Những giọt nắng chiếu xuyên lá cành rớt đều trên mặt sân, trong lối sỏi. Màu vàng của những đóa hoa dưới tượng Đức Mẹ sáng rực lên trong màu nắng. Nắng ấm trong các dãy hành lang, và phơi phới trong lòng mọi người.
Dì Lucia xùng xình trong bộ áo chùng rộng, dáng vội vã từ dãy nhà sau tiến ra sân. Dì Thérèse đứng trên bậc hiên cao nhìn xuống Sa, cười. Lũ trẻ xúng xính trong bộ đồ mới chạy lui chạy tới trong các lồng gỗ, vỗ tay ca hát ào ào. Tiên cùng hai người giúp việc sắp ghế trên sân. Những chiếc băng dài để theo hình bán nguyệt cho lũ nhỏ, vài hàng ghế dựa cho quan khách. Theo ý Dì Lucia, Tiên phải dàn xếp sao cho khoảng sân thật rộng để lũ nhỏ có thể ca múa, làm trò chơi cũng được. Thêm vào đó, phải để một lối nhỏ cho khách vào giữa. Tiên rộn ràng theo sự nhộn nhịp, hối thúc của tất cả. Cả bầu không khí im lìm bóng cây như trổi dậy xôn xao. Trong lúc Tiên lo trình bầy ở sân, Sa tìm xuống nhà dưới chuẩn bị cho lũ trẻ- thế chị Hà. Ngoài cổng, Tiên đã thấy từng nhóm con chiên lũ lượt đi về hướng nhà thờ, nói cười khúc khích…
Ở hàng ghế khách, Tiên thấy có hai người lính Mỹ và một người lính Đại Hàn. Cả ba đều có đeo nơi cổ một tấm thánh giá. Ông quận trưởng vắng mặt, nhưng hàng ghế dành cho khách đã đầy. Sau những lời nói đầu tiên của Dì Lucia, Dì Thérèse điều khiển cho một toán cả nam lẫn nữ trong bộ đồng phục hát bài thánh ca. Tiếp đó, Sa hướng dẫn bọn con gái trình diễn mấy điệu múa lễ- có một điệu múa làm Tiên xúc động là điệu múa của những thiên thần. Những thiên thần mồ côi, lạc lõng trong đôi cánh thật lớn trông chậm chạp, tội nghiệp.
Dì Thérèse ghé vào tai Tiên nói nhỏ:
-Cậu thấy những điệu vũ có giống nhau không ?
Tiên chỉ cười phụ họa vì chẳng biết tí gì về nhảy múa. Anh đang tưởng nghĩ tới những đôi cánh thiên thần bay lượn trước mặt. Những cánh thiên thần này rồi cũng mịt mù sương khói chăng? Có đôi cánh nào cứu vớt được chúng trở về với cõi yên ổn hạnh phúc nghìn đời được không? Còn đôi cánh nào cho chính Sa ôm ấp, tin tưởng hơn đôi tay gầy, yếu đuối đó ?
Dì Lucia ra dấu cho Tiên, Dì Thérèse, chị Hà đem quà ra phân phát. Khách đã rời khỏi chiếc ghế quan trọng dành sẵn, đi thăm hỏi từng đứa nhỏ. Lũ trẻ thấy được phát quà nhốn nháo hẳn lên. Dì Lucia phải quắc mắt hăm dọa chúng để giữ trật tự. Một người lính Mỹ dừng lại bên bé Na, bồng nó ra giữa sân. Một người khác lôi máy ảnh ra chụp.
Dì Thérèse vỗ tay:
-Đêm đông lạnh lẽo… một, hai, ba…
Lũ nhỏ dùng ăn, dừng nói cười, ngóng cổ lên hát theo lời xướng của Dì Thérèse. Những âm thanh như dồn đuổi nhau, chen lấn, loạn xạ, nhưng bài hát vẫn được tiếp tục:
“ Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Trong hang Bê-Lem ánh sáng tỏa ra tưng bừng, nghe trên không trung …”
Sa đưa cho Tiên gói kẹo bảo rằng của Dì Lucia gởi. Dì cho mỗi người một gói kẹo, một phần của lũ trẻ. Tiên nhận gói kẹo ở tay Sa, mở ra ăn ngon lành. Trời đã chập choạng tối. Bóng người vẫn lũ lượt di động về hướng nhà thờ. Trên đỉnh tháp chuông, đèn điện đã sáng choang. Những sợi dây đèn lồng cũng đã rực rỡ màu sắc. Sa đi nép bên Tiên, dường như nàng cảm thấy lạnh bỡi những cơn gió từ quãng đồng trống lùa vào. Tới gần, Tiên mới biết bên sân trường trung học cạnh nhà thờ cũng đang tổ chức đêm văn nghệ. Tiếng máy phóng thanh kêu rè rè không nghe rõ gì bên đó trong tiếng gió lộng. Tiếng ồn nổi lên như sóng cuộn. Tiên giữ tay Sa đi sâu vào trong sân nhà thờ đông nghẹt người.
Đứng lại bên một gốc cây dương mắc nhiều bóng đèn màu, Tiên hỏi:
-Đợi tới khuya em đói bụng không?
Sa cười, hỏi lại:
-Anh đói không đã?
Tiên cúi sát xuống vai Sa:
-Nhờ gói kẹo cũng đỡ rồi…
Dù nói vậy, Tiên cũng nghe đói bắt đầu cồn cào trong ruột. Tiên lại nghĩ đến những thức ăn dự trử cho buổi tối trở về, cùng Sa nhấm nháp, mà nói chuyện; căn phòng trọ cũng được Tiên dọn dẹp cho có thứ tự một chút từ sáng hôm qua. Tự tay Tiên đã làm một cái hang đá bằng giấy màu, máng cỏ xanh, hình ảnh Chúa hài đồng, những bóng đèn là những ngôi sao lấp lánh. Tiên đã từ chối lời mời của vài người bạn đồng nghiệp trong trường, như ông Tưởng, bà Hạnh, thầy Minh; để được có giờ phút ngồi bên Sa mà ngắm cái hang đá. Được thấy đói cồn cào cùng Sa lễ mễ mang thức ăn nguội ra hiên mà ăn uống. Được ngồi bên Sa trong đêm lạnh lẽo của mưa gió đầy trời mà nghe từng hồi chuông vọng xuống từ đỉnh tháp.
Sa thu ngắn tia nhìn từ những dãy đèn màu giăng ngang khoảng sân nhà thờ xuống đôi mắt Tiên. Lòng nàng bỗng bồn chồn. Tiếng nói Sa thật nhỏ, hao hụt trong nỗi áy náy gần gũi:
-Anh Tiên, anh vào làm lễ với em không?
Đôi mắt Tiên vẫn mở to, cứng nhắc. Đôi mắt như đã đong đầy muôn nỗi chua xót, buồn phiền. Sa lại nhìn sâu vào mắt Tiên.
-Anh vào dự lễ không?
Hồi chuông trên đỉnh tháp bỗng nổi lên, ngân nga, réo gọi. Làn sóng người di chuyển chộn rộn trước mặt. Tiên cúi xuống hôn lên mái tóc Sa:
-Anh chờ em ở đây…
Sa cười- chờ Tiên hôn lên tóc mình một lần nữa mới chịu rời. Nàng như con mèo con tham lam âu yếm. Nàng rẽ đám đông, len lỏi vào bên trong nhà thờ. Ánh sáng của những bóng đèn néon, của những cây đèn sáp lớn, chiếu rực rỡ ra ngoài khung cửa. Tiên cố nhìn vào trong, nhưng vùng ánh sáng chói chang làm mờ đôi mắt. Sa đã có một thứ ánh sáng riêng rẽ cho đời nàng chăng? Con đường triền miên lời kinh cầu kia đã ôm ấp, kéo giữ nàng lần hồi ra khỏi đôi tay mòn mỏi này rồi sao? Vẫn không trông thấy bóng Sa nơi khung cửa. Lời kinh nỗi lên rào rào như cơn mưa. Nỗi im vắng biền biệt trên đỉnh tháp chuông khẳng khiu, giá lạnh.
Tiên đưa mắt nhìn thoáng qua khoảng sân. Sân vắng bóng người. Hình như người đã dồn nhau vào nhà thờ, vào cõi âu yếm quyến rũ nào đó. Đêm sâu thẳm ngoài cánh đồng. Đêm mênh mông trong mắt Tiên. Tiên nói thầm:
-Không có lẽ …
Hồi chuông thứ hai lại nổi lên dồn dập, rộn rã. Lời kinh trầm, buồn, héo hắt vọng ra nghe rõ như trong cơn gió. Tiên ngẩng nhìn lên đỉnh tháp chuông. Thật lâu, Tự dưng Tiên cảm thấy lòng mình thật yếu đuối, thật trống vắng hoang mang: Tiên không thể nào giữ Sa ở lại. Tiên thấy như sầu mình treo lơ lửng trên đỉnh tháp chuông cao. Sa ơi, anh trả em lại cho những lời cầu kinh đó: bởi anh không có một quyền phép nào để giữ em lại bên cuộc đời ngoại đạo lẻ loi của anh.
Mưa lất phất, thật lạnh. Tiên rời cây dương có mắc nhiều bóng đèn được nhận là nơi chờ đợi- bỏ đi ra phía cổng nhà thờ. Bóng Tiên thấp thoáng
trên con đường đất mù mờ ánh sáng. Tiên quyết định trở về để ngồi nhìn hang đá một mình …