Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









NGƯỜI CỦA PHẬT





   

CHƯƠNG I

II- THỜI GIAN TRONG TRẺO


    N gôi nhà cổ qua bốn, năm đời người được phục dựng lần thứ ba trên nền đất tổ tiên. Năm kia, Minh Tầm tháo dỡ, tu sửa lại. Khuôn viên hai bên mở rộng thêm phòng ốc, nhưng ba gian giữa vẫn giữ nguyên nếp gỗ lim. Nền móng và cột đều nâng cao thêm một mét. Dui mè lợp kép như kiểu trần nhà. Hiên rộng. Ngói Hạ Long đỏ tươi. Sân cũng lát gạch men Đất Việt nâu sẫm. Tòa nhà cổ kính được cất mới trông thật khang trang. Nghĩ cũng tiếc cái đèn ba dây treo ở gian giữa, trước bàn thờ. Chiếc đèn này do ông Vạn Nhiệm hiệu vàng bên phố huyện tặng dịp cụ Lễ Đĩnh đảo ngõa ngôi nhà lợp lá cuồi thành lợp ngói, năm tranh chức lý trưởng cho con trai. Ngót thế kỷ, ba dây xích bằng gang thì còn, nhưng cái phẫn pha lê chụp trên đã vỡ và cái bầu đèn hãng Rooyo đã bục. Minh Thảo đem từ miền Nam ra bộ đèn lục lăng sáu ngọn treo lên thay thế. Mỗi khi nhà có việc, thằng cu Trình cháu nội bật công tắc điện thắp chùm đèn, sáng rực cả ngôi nhà. Con tò vò quái thật! Cái tổ mới tinh màu đất đã bám trên góc cột. Nhà quê có cái mạng nhện, cái tổ tò vò mới là cảnh quê.

Ngôi nhà này đã đón tiếng khóc chào đời của cậu bé Tấn. Cậu bé Tấn từng ngày chập chững đứng lên, ngã bệt, lại vịn rồi bước qua ngưỡng cửa dày vết dao băm, cào xước của trẻ con, rồi tung tăng ra cánh đồng. Đây là mái ấm một gia đình thuần nông có truyền thống nho giáo và chức sắc trong làng Lụa Vân. Và cũng nơi đây, cụ Lý Tấn sẽ ra đi!

Ôi! Đời người! Một áng mây trôi! Mới ngày nào những câu hát: “Hồng Hồng Tuyết Tuyết. Mới ngày nào chưa biết cái chi chi. Mười lăm năm thấm thoát có xa gì. Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu…” thấm vào tuổi thanh xuân, thấm vào đời người vẫn còn nghe văng vẳng. Kỳ tơ liễu… ấy đã lùi xa, xa lắm!

Bấy lâu, mọi người vẫn gọi cụ là cụ Lý Tấn, hoặc cụ Tổng Tấn theo chức sắc ngày xưa. Bởi cụ từng làm Lý trưởng làng Lụa Vân, rồi Chánh tổng vùng Hà Yên bên sông Vân Cừ. Vì nể trọng, người ta cứ gọi như thế. Biết làm sao được? Chứ trong thâm tâm, cụ chỉ muốn người làng gọi là Lý Cu, Tổng Cu. Nôm na, mộc mạc và dân dã.

Đời ông bà nội Tấn sinh hạ được bốn anh em trai, ba chị em gái; một cô đoản mệnh lúc mới đang xoan. Cha Tấn là trưởng nam, ở trên nền đất tổ. Các ông chú, người ra xóm Cổ Thành vật đất dựng nhà, người ra Cống Mang làm nghề chài lưới. Chi ổ nở nang từ nhà thành xóm, kẻ bám ruộng đồng, người neo sông biển sinh sống và mở mang cơ nghiệp. Đến đời Tấn thì Tấn là trai một với bốn chị em gái. Kim chỉ có đầu, Tấn tiếp tục nối dõi trưởng nam của cả một chi ổ lớn trong dòng họ...

Cha Tấn, ông Minh Nghĩa từng làm Lễ sinh huyện An Bang nên dân chúng  thường gọi là ông Lễ Nghĩa, gọi bà theo ông là bà Lễ Đĩnh... Như biết bao gia đình thuần nông khác trên vùng đất cửa sông này, gia đình Tấn cũng vui vầy cảnh quê dĩ nông vi bản, cơm làm ruộng, cá kiếm sông. Nhờ canh nông ruộng vườn mà có “nhà ngói cây mít”, “ruộng sâu trâu nái”. Nhưng đời nào cũng chí thiết cho con cái học hành. Trong bữa cơm, ông Lễ Nghĩa thường dẫn lời các bậc bề trên ra dạy con cái:

-Sinh thời, ông nội các con, tức thân phụ ta, bảo: “Đất đai làm cho con người có nơi có chốn lập kế sinh nhai. Chữ nghĩa làm cho con người lương thiện, sáng thêm gương mặt rộng thêm tấm lòng!”. Bà nội, tức thân mẫu ta thì nôm na: “Người có của có chữ, con ma nó cũng nể sợ!” Các con lớn lên nhớ đó mà làm người… Ông nội mình dân làng hay gọi là cụ Bá Tân. Đến đây, ông Lễ Nghĩa hạ thấp giọng xuống nói nhỏ: tên tục là cụ Bá Ngợi… xưa cũng làm Chánh tổng vùng ta. Cụ là người nhân đức, đem của nhà ra cúng đáp làng xã, nên quan dân đều nể trọng. Bà nội ta là cháu ngoại cụ Nguyễn Huy Bích. Cụ Nguyễn Huy Bích từng làm tri huyện Hà Đông… Ông nhìn Tấn rồi chỉ lên bức hoành phi ba chữ “Thế Hữu Hưng” và đôi câu đối treo hai cột cái: Đấy là khát vọng và lời giáo huấn của các cụ để lại, đến đời thằng Tấn đã là ba đời… -Dạ vâng! Lâu thế mà nước sơn then thếp vàng vẫn bền thầy nhỉ? Tấn ngước nhìn lên bức đại tự và đôi câu đối. Người cha tiếp tục đọc và giảng giải:

-Ừ! Ngày xưa thực thà hạt bột! Cái gì cũng bền cũng tốt! Những lời này quí lắm con ạ! Nghe đây: Thế Hữu Hưng là mong đời hưng thịnh. Thế đức vĩnh lưu di, tổ thiệu tôn bồi long nhất mạch. Gia khương trường tự tục, phong tần nhã tảo dẫn thiên thu. Có nghĩa là: Đức lưu lại cuộc đời bền vững nhờ tổ tiên gây dựng, con cháu bồi đắp thống nhất một long mạch. Gia phong trường tồn theo nền nếp, làm ăn góp nhặt tần tảo sẽ tốt đẹp nghìn thu! 

Gia đình Tấn từ đó mà vận động vươn lên. Mầm lúa nở trên mặt ruộng. Ngó sen nhú giữa ao đầm. Mặc mưa nắng và gió bão xung quanh, bốn mùa vần vụ.

♣ ♣

Tấn là một cậu bé khôi ngô, thông minh, hiền thảo. Tuy trong gia đình nhiều chị em gái, nhưng cậu rất ham học, ham làm, không ỷ lại thế con một, thế “cậu ấm” đặc hưởng mọi nuông chiều. Các chị gái rất yêu quý cậu em trai. Như một nhị hoa giữa những cánh hoa, Tấn luôn khiêm tốn và kính trọng các chị. Có quà gì cũng nhớ dành để phần và chia đều. Mẹ may cho bộ quần áo mới, cậu cũng hỏi xem các chị đã được chưa? Các chị có rồi, cậu mới mặc. Buổi trưa đi đâu về, mở nồi ra thấy những nắm cơm chim nho nhỏ, kéo các chị cùng ăn cậu mới ăn. Bà Lễ Đĩnh cắt những khuông vải trắng giặt sạch sẽ, dùng riêng vào việc nắm cơm chim và giã bát muối vừng để dành bữa trưa cho trẻ. Chiêm thì gạo chiêm đá đỏ, mùa thì gạo tám đồng trắng. Tấn rất thích những nắm cơm chim xinh xinh như quả ổi quả na. Đi học về, cầm nắm cơm chim chấm muối vừng ăn mới thơm bùi, ngon ngọt làm sao! Cha mẹ hay các chị đi làm về muộn, cậu đơm cơm ra chiếc liễn sứ, ủ lại cùng thức ăn, đạy lồng bàn tre cẩn thận rồi mới đặt mâm lên chiếc chõng tre ngoài hiên..

Tấn rất quý thương cô Hằng em gái út. Bữa trưa nào cậu cũng lựa những nắm cơm to hơn cho em. Em gái út cấn cơm cấn sữa, mẹ bảo vậy; nên phải được chăm sóc, ưu tiên. Khi Hằng lập gia đình, Tấn khóc sướt mướt, theo đoàn đưa dâu tiễn em về nhà chồng tận Hải Phòng. Chưa đầy ba mươi tuổi, Hằng thiệt phận qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo, bệnh tràng nhạc, để lại đứa con gái năm tuổi. Em gái mất, Tấn bàn với mẹ đem cháu gái về nuôi. Mẹ con bà Lễ Đĩnh đã nuôi cháu gái đến khi trưởng thành đi lấy chồng. Tấn vẫn quý em rể như em gái mình còn hiện diện. Những tháng năm khó khăn nhất, anh vẫn dành thời gian cùng những món quà quê sang Hải Phòng thăm em rể như một sự bù đắp.

Người đời quen miệng chê học trò“dài lưng tốn vải”. Nhưng với Tấn lại khác. Đất đai, lúa màu, hoa cỏ cùng mạch gia phong tần tảo, ăn ở nghĩa nhân, cùng những giọt mồ hôi, những lời ru của bà, của mẹ, của các cô đã thổi vào ban mai đời người, gom góp hồn quê làm nên tính cách Tấn. Nhìn vóc dáng con trai đậm đà, tháo vát, bà Lễ Đĩnh âu yếm: Cái đầu to, trán cao, hậu chẩm nhô về phía sau, cái lưng ngắn, mắt sáng, mặt vuông chữ điền. Lớn lên, sau này thằng bé này sẽ chịu khó và trí tuệ lắm đây! Ông Lễ Nghĩa đăm chiêu: Tôi tin nó sẽ có sự nghiệp đấy bà ạ! Nhưng người hiền tài thường gặp nhiều đày đọa, lắm long đong!

Đêm đêm, Tấn thức khuya bên ngọn đèn dầu cắm cúi vào trang sách, nhưng lại dậy sớm, vừa đun nước pha trà cho cha vừa học bài. Chữ Tấn đẹp, viết nắn nót và chân phương. Mỗi lần giở quyển sách của con, ông Lễ Nghĩa nhủ thầm: Nét chữ nết người! Bà Đĩnh thì mừng ra mặt: Cái tính thật thà, nhân đức nó nằm trong khuôn chữ! Thằng Tấn sẽ làm nên chuyện cho dòng họ nhà ta!... Dù ở trường làng hay trường huyện bên kia sông, đi học về cậu lại theo các chị ra đồng cày cuốc, nhổ mạ, gánh phân, gặt hái… Chẳng nề hà việc gì nặng nhọc hay bẩn thỉu. Cậu làm khỏe, nhanh nhẹn và vui tính. Đã làm là gọn đẹp, sạch sẽ. Làm cẩn thận, phải xong mới an lòng. Lúc năm, sáu tuổi Tấn đã lộ trí thông minh, hay ngẫm nghĩ và suy đoán. Ở tuổi này, bọn trẻ con nhà quê còn ngô nghê, dại dột, cả ngày chỉ tha thẩn với con chó mực, con mèo mướp, với cây ổi, cây khế. Không gian tuổi thơ chị em Tấn quanh quẩn trong khoảng sân đầy trăng, với mảnh vườn thơm chùm hoa cau chí chóe tiếng chim sẻ, là lối ngõ ven đồng lê la đánh bi, xòe tam cúc... Chiều hôm ấy, đi cấy về, bà Lễ Đĩnh định chất bếp nấu cơm thì cây đèn bị cạn dầu, tắt ngóm. Rót dầu vào đèn, bà đang loay hoay tìm lửa thì Tấn bảo: Mẹ để con sang nhà bác Ngải… Mẹ chưa kịp đưa cho cây đèn, Tấn đã chạy đi. Lát sau Tấn về. Hai bàn tay chụm vào nhau. Tấn xòe tay ra. Trong lòng bàn tay là một nắm tro bếp, giữa nắm tro bếp là một cục than hồng. Bà Lễ Đĩnh vội cuộn mồi rơm cho con nghiêng hòn than vào rồi vung đi vung lại. Mồi rơm ngún khói nghi ngút và ngọn lửa bốc lên…

-Con trai u giỏi quá! Sao lại nghĩ ra cái mẹo này?

Một lần, ngày mai nhà có giỗ. Chiều ấy, ông Lễ Nghĩa gọi Tấn đến: Năm nay lên mười rồi, xem chừng con đã lớn, có thể làm được nhiều việc. Bây giờ thầy dặn con nhớ tên những người thân thiết của nhà mình, nhập tâm rồi đi mời giúp thầy. Mời là phải tới nơi tới chốn, không được “đi nói dối cha, về nói dối chú”, nghe chưa?

-Dạ! Tấn “dạ” một tiếng như mình đã lớn. Nhưng trong lòng lại lo sợ, vì đâu đã biết và thạo đường tới nhà các cô dì, chú bác, bạn bè của cha. Làm sao cậu có thể tự mình đi mời từng nhà với tâm trạng lạ lẫm và ánh mắt ngơ ngác của một thằng bé chưa bước khỏi vòng tay mẹ? Tấn ngước nhìn cha, rụt rè: Dạ thưa thầy! Con không biết nhà người ta đâu ạ! Ngộ con lạc lối... Chưa nói hết câu, Tấn đã gặp ánh nhìn nghiêm khắc.

Ông Lễ Nghĩa giơ đầu bàn tay vả nhẹ vào môi con: Nhà ở miệng đây này!

Bâng khuâng ra ngõ, Tấn vừa nhẩm tên từng người, vừa lung mung nghĩ: Nhà ở miệng! Nhà ở miệng là thế nào nhỉ? Cậu chợt nhớ tới câu ca mẹ thường hát ru: “Trăm năm bia đá thì mòn. Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ...” Đúng rồi! Tấm bia ở đình làng! Hôm theo cha đi xem tế Thành Hoàng, Tấn thấy cha xấp nước tay, xoa lên đó để đọc những dòng chữ nho hiện lên do lâu đời mặt đá bị mòn. Tầm ngợ ra rằng: Nhà ở miệng! Nghĩa là cái miệng ta phải hỏi!

Tấn hăm hở bước đi. Gặp một bà cụ, cậu đánh bạo hỏi nhà người đầu tiên định đến. Cụ chỉ lối và còn bày cho cách gọi từ ngoài cổng, nhớ gọi tên con người ta, đừng gọi tên tục của cha mẹ và đừng xấn xổ vào ngay dễ bị chó cắn. Tấn cảm ơn cụ rối rít. Y rằng cậu lần lượt tìm và mời được các ông bà, cô chú “bớt chút thời gian đến xơi nước, ăn bữa cơm rau muối với gia đình cháu”... Cứ thế Tấn đến không sai một nhà nào. Cậu về nhà với tâm trạng vui mừng khôn xiết. Ông Lễ Nghĩa phấn khởi xoa đầu con: Chim khôn thử tiếng, người ngoan thử lời! Hôm nay con đã biết thế nào là “nhà ở miệng”. Phải không?

Một lần trưa mùa hạ, con gà mái nhà Tấn cục tác nhảy ổ đẻ. Tiếng gà xé toang không gian yên tĩnh. Bên hàng xóm, thằng cu Kem con nhà Rẻm đang ngủ gật; chợt mắt nó sáng lên. Lội tắt ruộng rau muống, nó chui qua giậu râm bụt bò vào chuồng trâu nhà Tấn. Vừa lúi cúi bê ổ trứng ra đến cửa chuồng thì nó va phải Tấn ôm rơm vào cho trâu ăn. Thằng Kem hốt hoảng, định bỏ ổ trứng xuống. Tấn buông rơm chạy vội tới đỡ lại. Thằng bé tái mặt: Bác bác… bác tha cháu! Nhà cháu chẳng còn gì cho em cháu ăn…

Về đằng ngoại, Kem phải gọi Tấn bằng bác, liền anh bố nó. Tấn kéo vai nó đứng lại: Cởi áo ra! Tao bảo! Thằng bé càng hoảng sợ, van xin:

-Cháu… cháu lạy bác. Bác tha cháu. Đừng lột áo cháu. Cháu xin chừa!

-Yên trí! Tao có làm gì mày đâu! Tấn nhanh nhảu nhặt gần hết ổ trứng cho vào vạt áo nó rồi túm chặt lại: Mang về đi, bảo chị mày luộc ngay cho em ăn. Tao chỉ lấy lại hai quả cho con gà nó nhớ ổ thôi! Lần sau đừng làm thế nhá, kẻo lớn lên “ăn trộm quen tay, ngủ ngày quen mắt”!

Bà Lễ Đĩnh đang quét sân, bỏ chổi đứng nghe. Thấy cách xử sự của con trai với thằng cháu hàng xóm, bà rất hài lòng: Được! Con trai mẹ làm thế là phải! Quả trứng thì quí thật, vì đây là ổ gà con so. Nhưng không chấp trẻ con đói ăn vụng, túng làm xằng! Bà đến nâng bọc trứng trong tay thằng Kem: Bác Tấn đã nói cho cháu là cho cháu. Mang về đi! Từ rày chừa nhé!

-Dạ! Cháu đội ơn bà! Cháu đội ơn bác!

♣ ♣

Người làng vẫn thấy Tấn chèo thuyền, đẩy thuyền thành thạo, gặt hái rất nhanh tay, để gồi lúa bằng hăn hắt và buộc lúa rất mịn. Chiếc đòn sóc Tấn vót vừa xóc đã ăn vào bó lúa rất nhạy, nâng lên vai đã mềm cong, nhún nhẩy. Trước buổi cấy gặt cậu đã lo cho cả nhà đủ thứ từ đùm cơm nắm mo cau đến ấm nước vối, từ bó đai đến sợi mây sợi lạt… Công việc và cách dạy dỗ con cái của ông bà Lễ Nghĩa đã sớm tạo nên tính cách thật thà, giản dị, hài hòa và khiêm nhường của Tấn. Tâm hồn cậu thực sự gắn bó với hương đồng gió nội, với đất đai và cuộc sống người nông dân chân lấm tay bùn. Điều này không phải dễ với những “cậu ấm cô chiêu” con cái nhà khá giả!

Năm Tấn mười bốn tuổi, ông Lễ Nghĩa bất ngờ ốm nặng, qua đời. Ông chỉ kịp dặn con trai: Cả nhà cả ổ trông vào con! Dù ấm dù lạnh cũng gắng mà giữ lấy gia phong! Làm trai phải có cái danh trong làng nước con nhé…

Phong tục, tập quán thờ cúng ở nơi đây di lưu từ làng Việt đồng bằng Bắc Bộ đã tồn tại hàng trăm năm. Đêm trước tang lễ, Tấn phải học thuộc các thủ tục, chi tiết lễ bái. Theo một ông chú họ hướng dẫn, cậu phải ra góc khuất chỗ đống rơm ngoài vườn tập chống gậy, tập lễ, “bình thân, hưng, bái” đứng lên quị xuống một cách bài bản. Vào cuộc tế, trước linh vị cha, trước nội ngoại, chín họ mười làng, Tấn đã thực hiện hành lễ khoa tế khóc thân phụ rất thuần thục. Trong không khí lâm li, sầu thảm và đau đớn tiếc thương của cả nhà, cậu phải cắn môi, bấm bàn chân hằn trên sân gạch để kìm dòng nước mắt trào ra... Vượt ra mọi qui tắc lễ nghi là lòng thương cảm người cha muôn vàn kính yêu của đứa con hiếu thảo.

Học hết chữ thầy trường làng, Tấn phải hàng ngày sớm đi tối về qua đò sông Tranh sang học trường cụ đồ Lê Hữu Chỉ bên làng Giang Yên tổng Hà Bắc. Bà Lễ Đĩnh lại bán ngô khoai, thóc lúa, lợn gà dồn lực cho con theo nghiệp đèn sách. Cụ Đồ Chỉ, nghe đâu là hậu duệ thứ sáu của Quận công tri châu kiêm Tiết chế Tả quân trấn thủ Hải Ninh, triều Lê Trịnh, quê từ Hải Dương về đây lập nghiệp. Cụ Đồ Chỉ còn là dòng đồng tông với Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác. Được biết vậy, bà Lễ Đĩnh mừng lắm. Vài ngày bà và các cô chị lại gánh thóc qua đò sang chợ Rừng bán và không quên biếu thầy cân gạo nếp, túi bánh gio, nải chuối gọi là của cây nhà lá vườn.

Tấn học chữ nho, chữ Quốc ngữ thông làu và còn học thêm cả tiếng Pháp. Ở trường nào cậu cũng được các thầy yêu mến và bạn hữu nể trọng, kết giao. Bạn ở quê hay bạn ở huyện, ở tỉnh, cậu đều trân quí, thân mật, ứng xử công bằng và hào hiệp. Dưới ngôi nhà gỗ lợp lá của cậu, các thư sinh luôn lui tới chụm đầu chung học và luận đàm thơ phú văn chương. Giọng Tấn sang sảng và âm vang. Nhất là khi đọc các bài phú, hịch và văn tế. “Hịch Tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, “Đại cáo Bình Ngô” của Nguyễn Trãi, “Bạch Đằng giang phú” của Trương Hán Siêu… rồi đọc văn tế trong các đám tang phụ mẫu các chức sắc, bằng hữu trong vùng. Giọng Tấn nhiệt tình, biểu cảm, khi toát lên hào hùng, lắng đọng trầm vang, lúc nghẹn ngào xúc động thật sâu sa... Người nghe ai cũng khâm phục.

Trước Lễ hội Mùa Xuân đầu năm, các làng họp đại diện các dòng họ bầu chọn người chủ bái vào vai tế chính dàn tế quan hàng tổng. Ông chủ tế phải khoẻ mạnh, minh thông, có chữ, có uy tín đạo đức, gia đình phương trưởng, vợ chồng yên ấm, con cháu hiếu thảo và không tang trở. Khi có sự nghiệp, Tấn luôn được bầu chọn làm chủ bái, hoặc đọc văn tế. Dáng Tấn toát vẻ đàng hoàng, bệ vệ, mực thước trong bộ lễ phục màu đỏ với các động tác tế, quị, bái lạy thuần thục và sang trọng. Chức sắc và dân các làng dự tế rất hài lòng và kính nể.

…....... CÒN TIẾP



.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ QuảngNinh .