Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







CHẾT TRONG CÔ QUẠNH   





T akashi nằm cuộn mình trong chiếc chăn nhàu nát ở một góc căn phòng tối. Anh bị cảm từ mấy ngày nay. Sau mùa mưa vừa qua, căn phòng đã lạnh lẽo vì không được sưởi ấm suốt mùa đông trước, lại càng thêm ẩm mốc. Đã lâu rồi căn nhà không có ánh đèn vì bị cắt điện.  Khi cần soi sáng, Takashi đành dùng đèn pin và nến. Báo chí đưa tin có người đã ăn cắp  điện của nhà bên, từ một chỗ cắm điện trên tường sau vườn để khi cần  dùng máy móc làm vườn. Chủ nhà là một bà cụ già sống một mình, và người đi ăn trộm điện có lẽ cũng chỉ dám dùng rất ít, nên bà cụ không biết. Chẳng may là một lần bà cụ đến ở nhà con cụ lâu lắm mới trở về, mà những tháng ấy đồng hồ điện vẫn nhảy, nên con cụ mới để ý theo dõi, mọi việc mới vỡ lở. Takashi không thể làm những chuyện như thế, cho dù có biết cách khéo léo hơn.  

Takashi đã tốt nghiệp đại học, đã từng có công việc đàng hoàng, đã có một gia đình hạnh phúc. Tất cả bắt đầu sụp đổ từ một buổi sáng nọ trên một chuyến tàu điện vào giờ đến sở, con tàu  đông người như  nêm cối. Tất cả diễn ra như một cơn ác mộng. Takashi đứng gần nơi cửa tàu điện và còn đang ngủ gà ngủ gật thì bỗng choàng tỉnh, một cánh tay còn đang nắm tsurikawa- sợi dây treo buông từ trần xe để nắm cho khỏi ngã  trong khi xe đang chạy-, còn cánh tay kia của anh đang bị một cô gái nắm chặt. Tiếng cô gái thét lanh lảnh như tiếng lụa xé :

 -Chikan ! Chikan !

 Chikan là tiếng để gọi những người đàn ông tâm thần  bệnh hoạn, làm những việc như đi ăn cắp quần áo phụ nữ đang phơi, thừa lúc tàu xe đông người để sờ mó thân thể phụ nữ .

 Takashi chưa biết ất giáp gì thì tàu dừng lại, mọi người hối hả đến sở, dòng người tuôn ra khỏi con tàu cuốn theo cả  ra thềm ga một người đàn ông còn lúng túng và một cô gái miệng vẫn không ngớt la hét phân bua với nhân viên của công ty đường sắt đứng gần đó: 

 -Kono otoko wa chikan desu !( Người đàn ông này là chikan).

Nạn chikan, nhất là chikan trên những chuyến tàu  đông như nêm cối có lẽ thường hay xảy ra tại xứ này.  Phụ nữ Nhật thời trước nhút nhát e thẹn nên họ chỉ tìm cách né tránh. Nhưng dạo sau này họ có vẻ mạnh bạo hơn trước, đã có người dám tri hô lên để chống cự.  Mức trừng phạt người phạm tội chikan thật ra không nặng, nhưng người đàn ông nào bị tố cáo là chikan thì kể như tàn đời. Trong con tàu đông đến mức quá tải, mọi người đứng sát vào nhau, và không ai giơ cả hai tay lên nắm các tsurikawa, nên rất khó tìm ra nhân chứng để  chứng minh rằng bàn tay buông thõng kia không làm điều gì mờ ám. Người đàn ông bị tố cáo - có khi bị vu vạ - liền bị cảnh sát giữ lại để điều tra. Anh không thể đến sở, không thể đến gặp khách hàng sáng hôm đó như đã hẹn. Trên điện thoại gọi đến sở, anh lúng túng giải thích. Cảnh sát cũng cho phép anh đóng phạt tạm năm vạn yên để đi đến sở ngay lúc đó, chỉ năm yên tức là vào khoảng từ một phần năm, hay nhiều lắm là sáu, bẩy, tám lương tháng trung bình của đàn ông xứ này- để  được tạm tha, nhưng đóng tiền đồng nghĩa với nhận tội.

Takashi không thể tạm đóng tiền để được đến sở ngay lúc đó, vì không muốn bị cho là đã nhận tội. Nhìn nét mặt cô gái, môt cô gái hết sức xấu xí, anh đã rùng mình nhận ra ánh mắt căm hờn của cô. Hình như anh đã gặp ánh mắt này ở đâu rồi. Phải rồi, trên một chuyến tàu đêm đi đâu xa lắm, anh cũng ngồi ngủ gà ngủ gật và vô tình ngoẹo đầu lên vai một cô gái ngồi bên cạnh. Cô đeo kính cận, không đẹp chút nào cả. Cô đó đứng phắt lên, làm anh bị ngã chúi xuống. Chẳng may chỗ của cô là một đầu của ghế xe điện, nên đầu anh bị đập vào thanh tựa tay ở đầu ghế,  đau  điếng. Vừa ngái ngủ vừa bị đau, anh tức giận nhìn cô gái, lầu bầu:

 -Kimi ! ..Dare ga nan ka...  ! ( Con nhỏ kia ! Ai mà thèm làm gì mày ... ! )

 Cô gái ấy cũng đã ném trả lại anh một ánh mắt căm hờn. Anh biết mình vừa lỡ lời, nhưng đã muộn. Những người con gái không đẹp thường dễ tủi thân. Hình như là cô gái trên xe điện hôm nay chính là cô gái đó, hay không phải là cô thì cũng là một cô gái đã đem lòng thù hận đàn ông. Nếu không, sao cô lại vu vạ cho anh.

Takashi đã tốn rất nhiều tiền, nhiều năm tháng và công sức để đeo đuổi vụ kiện cho đến khi được xử vô tội. Nhưng anh đã mất việc trước khi tòa mở phiên xử đầu tiên, mọi người nhìn anh với ánh mắt nghi ngờ và kín đáo xa lánh,  vợ anh không chịu nổi ánh mắt lạnh lùng của xóm giềng đã bỏ đi từ lâu. Anh vốn không được khỏe, lâu nay lại bị thêm bệnh tiểu đường và đau gan. 

Những năm gần đây một vài tuyến đường tàu ở Nhật mới dành ra những chuyến xe đặc biệt vào giờ  đi làm, có riêng một vài toa đầu tầu cho phụ nữ, nhằm tránh nạn chikan. Phải chi thời của Takashi đã có các chuyến tàu như vậy. Mà không chừng người ta đặt ra các toa  tàu dành riêng cho phụ nữ không chỉ để bảo vệ phụ nữ, mà mục đích chính là để cứu khổ cứu nạn cho cánh đàn ông đứng đắn như Takashi khỏi bị vu cáo oan uổng cũng nên.  Phải chi hồi đó, ngay từ đầu người ta đã bắt cô gái để y phục lại làm tang vật để điều tra dấu tay, ắt đã có bằng cớ hiển nhiên minh chứng ngay được rằng là anh không hề cố ý chạm vào người cô gái, thì vụ án đâu phải kéo dài đến như vậy.  

Tất cả đều đã muộn màng cho Takashi.  

Sau một thời gian được cấp trợ cấp thất nghiệp, vừa rồi nhân viên sở an sinh viện cớ bác sĩ của sở này phê rằng sức khỏe của anh đã khả quan có thể làm những công việc nhẹ, họ đề nghị anh tự ý làm đơn xin thôi lãnh trợ cấp sinh hoạt. Theo luật, nếu thất nghiệp , anh sẽ được nhà nước trợ cấp bảo đảm cho có mức sinh hoạt tối thiểu, bao gồm các mục sinh hoạt, y tế, giáo dục – cho trẻ em còn trong độ tuổi chưa xong bậc trung học -, và chăm sóc khi già yếu. Nhưng từ nay phải đi kiếm việc làm thì anh phải tự túc hết, hoạ may chỉ còn được lãnh trợ cấp y tế mà thôi. Chính quyền địa phương này tự hào là gương mẫu về nỗ lục giảm thâm hụt tài chánh, cụ thể là  khuyến khích mọi công dân tự lực cánh sinh để giảm nhẹ gánh nặng an sinh xã hội cho chính phủ. Họ không muốn mang tiếng như vùng mỏ than nọ ở miền bắc, đã bị thâm hụt tài chánh hàng tỉ tỉ yên, vì nào xây trên đồi cao một cánh rừng toàn là những cột  phát điện gió, mà hơn nột nửa cánh quạt không thể  quay được ...vì thiếu gió, các nhà trọ công cộng nhằm thu hút du khách tới thăm di tích mỏ than với hình thù kiến trúc lạ lùng mà rồi chẳng ai muốn ở lại, cứ ngốn bao nhiêu là chi phí điện nước và quản lý. Thâm hụt tài chánh trầm trọng, khiến mùa xuân vừa qua tòa hành chánh của vùng này chỉ cho  bọn trẻ mới lớn vỏn vẹn có một vạn yên để làm lễ thành niên, thay vì  gần một triệu yên như  thường lệ. Nghe đâu một vạn yên ấy chỉ là chi phí ngân sách năm trước dành cho thanh niên mừng lễ thành niên mà tiêu không hết, còn dư. Trong thời buổi khó khăn nói chung trên toàn quốc,  đâu dễ dàng cho Takashi tìm được việc làm. Lại còn cái đám lao động người nước ngoài có sức vóc khỏe mạnh mà lại cần cù chăm chỉ, sẵn sàng làm mọi việc cực khổ vất vả với đồng lương rẻ mạt. Ngành xây dựng có liên quan đến công ăn việc làm của gần 80 % dân số của xứ này lại đang sa sút trầm trọng sau vụ kiến trúc sư Aneha tính toán gian lận -dùng ít sắt thép lại để giảm chi phí xây cất cho nhà thầu chuyên xây chung cư -bị phát giác. Dư luận cho rằng đó chỉ là một góc nổi của cả một băng sơn làm ăn gian dối trong ngành xây dựng từ nhiều năm qua. Nhiều người sợ hãi chẳng dám xây nhà dựng cửa. Thêm vào đó, các công chức được lệnh phải kiểm soát chặt chẽ, nhưng đã quen với lối làm ăn chiếu lệ lâu nay, giờ đây họ chưa biết phải cứu xét thêm những điều gì, và cứ thế họ om dài dài các đơn xin phép, khiến mọi việc trong ngành đình trệ cả. Tuy vậy, viễn ảnh một ngày mai là trước hết Takashi cũng sẽ phải đến chầu chực ở chợ bán sức lao động đang ế ẩm này.

 Phải chi Takashi già trên 70 tuổi, anh có thể đến tòa thị chính xin ghi tên vào danh sách công dân cao tuổi, chờ lâu lâu có thể được giới thiệu cho một việc tạp dịch bất ngờ nào đó, như đứng canh đường giữ trật tự quanh nhà ga, tịch thu các xe đạp làm biếng không chịu đem gửi mà để tạm hai bên đường, nhổ cỏ, làm vệ sinh,v.v..Tuổi của Takashi giờ đây thật là lỡ cỡ, chưa được hưởng sự ưu tiên về cơ hội được nhận những việc làm như thế.

Đã bị cúp điện, trong nhà cũng không có nước máy nốt. Takashi phải sử dụng nhà vệ sinh và vòi nước công cộng ở các vườn chơi dành cho trẻ nhỏ. Tối tối Takashi lén ra đó rửa ráy tắm gội giặt giũ, một vườn chơi thật xa để tránh gặp người quen, lấy nước vào chai nhựa đem về nhà dùng. Mấy hôm nay anh đói mệt nằm một chỗ, các chai nước đã cạn khô.

Tới lúc này Takashi lại nghĩ đến việc bán nhà. Căn nhà cũ trên hai mươi năm ở xứ này không còn giá trị, hầu như là zêrô yên, nhưng có thể bán đất, tuy đất chỗ nhà của Takashi bán đi cũng chẳng được bao nhiêu. Lâu nay Takashi cũng đã nghĩ đến chuyện bán nhà  nhưng rồi vẫn phân vân. Căn nhà là tài sản cuối cùng còn lại, Takashi vẫn mong cầm cự rồi sẽ tìm việc làm, còn nhà ở thì không sợ thành kẻ không nhà. Hình ảnh vô gia cư lầm than quá.            

Takashi nhớ lại trước đây, khi còn có công việc đàng hoàng, và có dịp đi công tác ở Tokyo, anh đã đến khu công viên Ueno ở trung tâm thành phố, nơi có dựng bức tượng Saigo Takamori người anh hùng của xứ sở quê anh, và đã chứng kiến tận mắt cảnh những người thất nghiệp sống lây lất ở đó.  Lần đó anh được dự tiệc ngắm hoa anh đào ở công viên cùng với các đồng nghiệp ở thủ đô. Tiệc thưởng hoa thường chỉ được phép tới chín giờ tối. Khi các dây lồng đèn chăng dọc theo hàng cây anh đào phụt tắt, mọi người lo thu xếp chén đĩa giấy và cốc nhựa  cùng đồ ăn thừa bỏ cả vào túi nylon lớn và để vào chỗ vứt rác của công viên, tức thì những kẻ vô gia cư  sống lây lất  đâu đây đã chực sẵn  xông vào xục xạo tìm trong các túi này tất cả những gì còn ăn được. Những miếng potato chip vỡ vụn trong bao, những xiên bánh trôi không nhân ôdangô, xiên thịt nướng bỏ dở, hay hộp cơm bento thừa bỏ dở của một bà béo phì nào đó muốn kiêng ăn để giảm cân. Họ cầm các chai nước ngọt hay lon bia lên lắc lắc nghe ngóng, áng chừng biết là vẫn còn sót lại ít nhiều họ liền cất vào túi xách đem về chỗ ở của họ, khuất sau các bụi cây. Công viên này không có cổng khóa nên ban đêm người ta vẫn có thể ở lại. Ban quản lý công viên đi tuần tìm đuổi, thì họ không còn chăng vải bạt xanh ngang nhiên chiếm đóng như trước, nhưng chỉ cần vài tấm giấy các tông cũng đủ quây ngay được một góc nằm, hễ bị đuổi gắt quá thì họ gấp lại và dọn tất cả gia sản vào chiếc va li có bánh xe đẩy kéo đi nơi khác. Nhân viên của công viên về rồi thì họ lại quay trở lại.  Dưới gầm các xa lộ xây trên cao, như chiếc cầu nổi chạy trong thành phố, cũng có vài kẻ vô gia cư quây các tông hay chăng bạt lấy một chỗ nằm ngồi. Họ từ tỉnh xa tha phương cầu thực sống lây lất ở thủ đô. Có một dạo đài truyền hình xôn xao về vụ những người không nhà sống vạ vật quá đông trong khu vực ga Shinjuku, một nhà ga lớn của Tokyo. Trên thực tế, Shinjuku có cả một khu phố rất rộng dưới mặt đất, mà các lối đi dưới hầm đi qua các tầng hầm của các tòa nhà cao tầng. Những người vô gia cư lấy các tông che chắn thành những cái hộp lớn, lớn gấp đôi gấp ba các chuồng gia súc ở hai bên đường đi này. Tòa thị chính thành phố đã bắt họ vào ở một chỗ và chu cấp mỗi ngày hai bữa cơm, xong lúc đầu họ đã nằm vạ quanh ga phản đối ít lâu. Bây giờ người ta xây nhiều trụ xi măng thấp trước các tòa nhà, chỉ chừa lồi đi vào, giống hệt như cắm chông dưới lòng sông cho không ai có thể nằm ngồi ở đó được. Takashi rùng mình nhớ lại. Dù sao cũng phải giữ lại căn nhà này. Bán nhà rồi mà chưa có việc thì ngồi ăn núi lở, tiền thuê nhà không nhỏ, hết tiền lại không nhà ở thì khổ. Anh không muốn thành người vô gia cư.

Sau mấy ngày ốm nằm ngủ mê man một chỗ, bây giờ Takasshi mới thấy đói cồn cào. Takashi nhớ lại một thời xa xưa lắm hồi còn đi học, có người bạn du học sinh cùng lớp hay tìm hái nơi những bãi đất trống một loại rau mọc hoang mà anh gọi là rau muối. Anh ta nói rau này nấu canh rất ngọt. Anh ta kể chuyện xứ anh người ta nói ”Đói ăn rau, đau uống thuốc ”, vào những năm đói kém mất mùa người ta ăn cả vỏ chuối, thân cây chuối, ăn tất cả  mọi thứ rau cỏ trước đó chỉ cho lợn ăn để cầm cự qua ngày. Xứ gì mà thời trước họ cứ sinh con đều đều, bảo nhau rằng ” Trời sinh voi sinh cỏ”. Conf xứ của Takashi thời xưa dân số chưa đông như bây giờ, đã có lệ mabiki. Mabiki là sau khi gieo hạt trồng rau, khi hạt đã ra mầm, phải nhổ bớt các cây non cho cây mọc thưa, cây mới đủ chất dinh dưỡng mà lớn mạnh. Người nghèo lại không biết cách kiêng tránh, hễ nhà nào đã đông con thì người vợ lỡ thụ thai tiếp, đành phải mabiki bằng cách nhấy từ trên cao xuống cho trụy thai, để trong nhà khỏi thêm miệng ăn.

Nghe đâu vào thời chiến, khi lạc lõng trong rừng, dân nước anh ta hái cây cỏ, bắt ếch nhái mà cũng sống qua ngày được. Dân nước này có lẽ chết vì bom đạn hay vì bệnh, những bệnh chẳng phải là nan y nhưng chỉ vì thiếu thuốc men, nhiều hơn là chết đói. Trước đây có một vài cựu binh và sĩ quan Nhật như các ông Ônôđa hay Yôkôichi bị bỏ rơi lại trên các đảo của Phi li pin, nhưng họ vẫn sống lẩn lút lại đó hàng mấy chục năm sau, nhờ rau trái mọc hoang ngoài đồng; trong khi những binh sĩ bị Nga bắt làm tù binh thì chết lần mòn trong các trại giam trong vùng tuyết Xi bê ria. Đúng là có lẽ nhờ khí hậu nhiệt đới, trên mặt đất cỏ cây mọc rất nhanh, họ ăn khoai sắn rau cỏ qua ngày, hay nhờ dưới sông còn có lắm tôm nhiều cá, dưới khe lạch có con sò con ốc. Dân các xứ nhiệt đới hình như có một sức sống mãnh liệt để chịu được kham khổ, mặt khác bất cứ sinh vật nào ngay đến con chó con mèo con chuột ngoài đồng, con cá sấu dưới sông, con rắn trong rừng họ cũng bắt làm thịt được hết. Nếu mà đã nghèo lại nhằm xứ sa mạc đồng khô cỏ cháy, hay xứ lạnh có nơi tuyết phủ hàng mấy tháng trời cao gần tới mái nhà như đất nước của Takashi, thì có mà đã chết như ngả rạ vì nghèo đói. Hơn nữa nghe đâu họ sống rất có tình, bà con xóm giềng giúp đỡ cưu mang nhau cho qua cơn hoạn nạn, đói nghèo.

Ăn rau ư ? Người Nhật cũng có thú ăn rau dại, mùa xuân có các mầm cỏ non -cỏ tsukushi hình ngọn bút lông- hay đọt mầm dương xỉ để làm nộm, mùa thu có nấm matsutake nướng lên thơm lựng. Những loại cỏ dại và nấm đó ngày nay đã trở thành món lạ, có khi rất quý, thành món ăn đắt tiền, bị người ta lùng sục và nhổ hết ngay. Vả lại người Nhật khi đói thì phản xạ đầu tiên là tìm nước uống, như các vũ sĩ bị thương vì kẻ thù tấn công dọc đường cũng thường cố bò tới bên bờ nước vục uống, và tỉnh dậy hay cầm cự được cũng nhờ những giọt nước trong lành ấy. Còn cái ăn đầu tiên mà Takashi -cũng như bao nhiêu người Nhật khác - nghĩ tới lúc đói, là cơm, chỉ cần một nắm cơm trắng nhỏ, nắm bằng hai bàn tay, gọi là ônigiri. Nắm cơm ônigiri trong gia đình bao giờ cũng mang hương vị của những bà mẹ, với vị muối mặn bao giờ cũng vừa miệng những đứa con. Nắm cơm bán ở ngoài hiệu lúc này chỉ chừng một trăm yên, chắng đáng là bao. Phải chi có ai biết Takasshi đang nằm liệt một chỗ và đang đói. Người Nhật tới thăm nhau khi nào cũng đem theo một gói quà– như kiểu miếng trầu làm đầu câu chuyện-, ở thành phố lúc này đi thăm nhau tệ nhất cũng đem theo hộp bánh chừng một ngàn yên trở lên, xong hàng xóm láng giềng sang thăm nhau có khi chỉ một gói bánh đa sembê, hay một đĩa bánh trôi ôdangô bằng gạo, chỉ vài trăm yên, cũng là đủ. Đã mấy ngày rồi Takashi không có được một giọt nước, nói chi đến nắm cơm hay miếng bánh. Phải chi có ai nhớ ngó ngàng đến Takashi lúc này, để trước hết là xin một ngụm nước. Nước và cơm. Takashi lại mê man thiếp đi, mơ một nguồn nước ngọt ngào và nắm cơm thơm ngon từ bàn tay mẹ。

            

♣ ♣ ♣

Takashi chết đã lâu, nhân viên sở an sinh xã hội mới tìm thấy anh trên chiếu, và quyển nhật ký với giòng cuối cùng ghi ”Ô nigiri ô tabetai na ” ( Ước gì mình được ăn một nắm cơm ). Báo chí xôn xao gọi đây là kôđôkushi, chết trong cô độc, vì bị chính quyền địa phương bỏ rơi không cho hưởng an sinh xã hội. Nhà nước thì đã vậy, mà nghĩ cho cùng, tình cảm thân thuộc và xóm giềng ngày nay hầu như cũng đang nguội lạnh dần, nên mới ra nông nỗi thế. Người ta dễ dàng ghẻ lạnh kỳ thị khi nghe tin đồn vu vơ về người hàng xóm, cũng vì hàng ngày thờ ơ không chú ý hay giao thiệp để biết sơ qua về người đó, để biết anh ta hiền lành hay dữ dằn, làm nghề gì để sống. Một thành phố đông người nhưng chẳng khác nào sa mạc hoang vu, đó đây có những con lạc đà đói khát nằm chờ chết, hay đã vùi xương trong gió cát, quạnh hiu...
 

  (20/10/2007)