Việt Văn Mới
Việt Văn Mới










CHIẾC ĐẦU LÂU TRÊN THẠCH ĐỘNG




C huyện xảy ra vào khoảng cuối năm 1944, đầu 1945.

Hà Tiên, một thị xã nhỏ, hiền hoà gần biên giới Việt Nam-Kampuchia đã chứng kiến một cuộc tình tay ba mà đoạn kết của nó hết sức bi thảm gắn liền với chiếc đầu lâu nằm trên Thạch Động hàng chục năm trời.

Như nhiều nơi khác của vùng biển phía tây, những ngày được gọi là mùa đông không làm cho người ta phải chùm mền nằm nhà, mùa xuân lại càng không thể gọi là mát mẻ. Chỉ đền chiều về, khi mặt trời xuống dần để lại trên nền trời phìa tây màu đỏ ửng, không khí mới mát dịu đi và gió chiều ve vuốt lên đồi núi, mặt biển tạo nên những gợn sóng lăn tăn và ve vuốt cả những người dân nhàn tản. Từ "dạo mát" lúc này thật có ý nghĩa.

Trong những chiều như thế, người ta hay gặp một cô gái thướt tha tản bộ bên bờ cửa biển Hà Tiên. Ngọn gió chiều với bước đi yểu điệu đưa đẩy tà áo dài với vài tia nắng đỏ còn sót lại càng tăng thêm vẻ thơ và mộng. Hình ảnh đó không phải là duy nhất, nhưng quả thực hiếm hoi đối với xứ " đất Phật, người hiền " mà đạo đức phong kiến còn đè nặng lên tư tưởng người dân. Chỉ có những tiểu thư khuê các chịu ảnh hưởng nếp sống phương Tây mới có đủ can đảm dạo chơi một mình như thế.

Rồi một chiều, cô Ba (ta hãy tạm gọi là cô Ba vậy) vui bước đến tận mũi của đồi Pháo Đài. Bên dưới ngọn hải đang có đôi tảng đá như những cái đôn thiên nhiên mời mọc.gồi đây mà ngắm cảnh hoàng hôn trên biến thì thật là tuyệt vời, cô Ba càng thả sức mộng mơ. Cô có biết đâu, trên đỉnh pháo đài, một chàng trai Nhật Bản đã theo dõi cô từ lúc cô bước qua khúc quanh ra mũi Hải Đăng. Và cứ tò mò theo dõi cho đến say mê nhìn một tuyệt cảnh chiều hôm trên mũi Pháo Đài.

Không lâu sau đó, chàng trai Nhật Bản đã tâm sự biết bao điều với cô gái Việt, từ tinh thần võ sĩ đạo cao qúi đến ngọn Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ trên đầu trắng xoá mà dưới chân núi có bà mẹ gìa luôn mỏi mắt trông con, trông đứa con trai mang về cho tổ quốc niềm vinh quang, cả trông việc bồng đứa cháu nội mà bà hằng ao ước để khi nhắm mắt được yên lòng. Cô gái Việt cũng biết rằng anh hạ sĩ quan Nhật Bản xuất thân từ một gia đình nông dân, theo tiếng gọi của đất nước, anh đi mở rộng biên giới quốc gia, làm cho cả thế giới biết Nhật là một xứ sở hùng cường. Nhưng thực tế của những năm trong quân ngũ, anh đã mường tượng được rằng, không phải Nhật là một dân tộc thượng đẳng, mà các dân tộc, dù gọi là nhược tiểu cũng đều có vốn truyền thống, lịch sử và văn hoá hết sức qúy báu. Cho nên, không có dân tộc nào được quyền thống trị dân tộc nào. Chính vì thế, anh đã đến với cô gái Việt với tư cách là một người bạn để tâm tình.

Việc đến phải đến, từ sự quen biết đến tình bạn rồi tình yêu dần chớm nở. Từ lúc ấy, bức tranh buổi chiều trên mũi Pháo Đài càng thêm sinh động.

Chuyện không có gì đáng nói nếu nó dừng lại ở đây, cho dù kẻ Nhật, người Việt và dư luận có phản đối thì họ vẫn là một cặp đẹp đôi.

Một anh sĩ quan Nhật đã tình cờ chứng kiến bức tranh diễm tình trên và ..."trâu buộc ghét trâu ăn" như dân ta thường ví. Không khó khăn lắm anh chàng sĩ quan này đã biết được thân thế, và quan trọng hơn là nhan sắc đậm đà của cô gái vùng biển Hà Tiên.

Mấy hôm sau, cô Ba cũng ra Pháo Đài như thường lệ, nhưng mãi đến tối cũng không gặp được người quen, tưởng đâu cô sẽ trở thành tượng đá vọng phu nếu không có chàng sĩ quan Nhật đến lân la làm quen. Mối quan hệ được thiết lập nhanh chóng bởi cô Ba cần biết tin người thân cũ. " Bí mật quân sự ", nguyên tắc của quân đội Nhật được bảo đảm chặt chẽ nên cho dù khéo léo, cô cũng không sao biết được anh hạ sĩ quan nhiều tâm sự của mình đang ở đâu. Có lúc cô đã thầm trách ai kia sao lại quá bạc bẽo, ra đi không một lời từ gĩa, không một chữ làm tin. Và có lúc tưởng đâu anh sĩ quan đẹp trai, lịch sự mới quen đã thay vào chỗ trống vắng trong tâm hồn cô gái lãng mạn đang vấn vương nhiều nỗi nhớ mong.

Hôm ấy, cô Ba cùng gia đình đi lễ Phật trên Tiên Sơn Tự, một ngôi chùa trong lòng Thạch Động (trung tâm thị xã Hà Tiên chỉ cách Thạch Động 3 cây số đường bộ) . Không biết ngày xưa, khi công chúa gặp lại Thạch Sanh đã mừng rỡ như thế nào, chớ cô Ba gặp lại anh hạ sĩ quan của mình đã không cầm được nước mắt nhớ thương. Sự tình đã được phơi bấy, anh hạ sĩ quan được lệnh điều đi đột ngột và không được phép trở về chợ Hà Tiên suốt mấy tháng qua. Thế rồi bức tranh buổi chiều trên Pháo Đài chỉ còn lại ngọn hải đăng cô đơn với những phiến đá vô tri. Mà trong dòng người tham quan, lễ Phật ở Thạch Động thường xuyên có mặt cô Ba, và cô luôn trở về muộn hơn mọi người với bao niềm lưu luyến.

Chuyện cô Ba vắng mặt ở Pháo Đài mỗi chiều đã làm anh sĩ quan Nhật không vui, anh điều tra cho ra sự vắng mặt đó.

Không phải khó khăn gì anh mới biết được rằng cô Ba đã chuyển hướng dạo chơi để đến với người quen cũ. Anh thật sự bực tức khi một hạ sĩ quan thuộc cấp đã dám qua mặt mình, anh cho rằng danh dự của người sĩ quan quân đội Nhật bị xúc phạm, thế là...

Cô Ba và anh hạ sĩ quan đang trò chuyện thân mật trên một cửa hang hường ra biên giới thì có lệnh tập hợp khẩn cấp, anh hơi ngạc nhiên, nhưng khi chạy ra bãi trống trước Thạch Động thì anh đã hiểu ra mọi chuyện. Trước một tiểu đội lính Nhật, anh đã bị chàng sĩ quan chỉ huy từ Hà tiên đến sỉ nhục thậm tệ. Dù kỷ luật quân đội Nhật Hoàng rất gắt gao, nhưng lòng tự trọng của một con người, tinh thần võ sĩ đạo không cho phép anh hạ sĩ quan đáng thương kia phải chấp nhận mãi.

- Được Tôi rất khâm phục tinh thần thượng võ của anh, nhưng như thế là anh đã chọn con đường cùng rồi đó !

Anh chàng sĩ quan Nhật Bản trịch thượng nói khi nghe anh hạ sĩ quan đề nghị giải quyết vấn đề bằng thanh gươm.

- Thưa ngài, tôi biết rằng ngài đã được đào tạo tốt hơn tôi, nhưng nước Nhật đã cho tôi tinh thần võ sĩ, mẹ tôi, một bà mẹ Nhật Bản đã dạy tôi phải sống như một người Nhật chân chính.

- Ta cũng là một người Nhật, anh có gì căn dặn lại không ? Ta sẽ vì anh mà thực hiện.

- Nếu không có gì phiền, trong trường hợp tôi rơi gươm, xin ngài gởi thanh kiếm này về cho mẹ tôi với lời báo tin rằng tôi đã sống như bà đã dạy, và xin ngài hãy cắt lấy đầu tôi để trong hốc đá kia.

Một anh lính Nhật tốt bụng đã vào cho cô Ba hay câu chuyện đã hết phương cứ gỡ. Cô chạy ra cửa Thạch Động chỉ để chứng kiến một cuộc so gươm mà sự thất bại thuộc về người cô yêu dấu. Cô ôm chiếc đầu lâu khóc ngất rồi thất thểu đi bộ trở về Hà Tiên mặc cho anh chàng sĩ quan Nhật hết lời khuyên bảo.

Từ đó, người ta không còn gặp cô trên đất Hà Tiên. Sau một đôi ngày buồn thảm, cô đã bỏ xứ đi biết, chỉ còn lại chiếc đầu lâu cô đơn nép mình trong một hốc đá ngày ngày thèm thuồng chứng kiến các đôi nam nữ âu yếm lên chùa lể Phật.