Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









   NGƯỜI GIỮ NGỰA THÀNH PHÚ XUÂN




D ưới con mắt người đời, những người giữ ngựa cũng chẳng khác gì những người chăn trâu, bứt cỏ ờ các làng quê, quanh năm dãi dầu mưa nắng, nghèo khổ, có gì mà phải để ý đến.

Nhìn chung thì vậy, nhưng riêng những người giữ ngựa cho Cung Vua, Phủ Chúa thì lại có bao điều đáng nói lắm chứ ! Phần lớn, cuộc đời của họ cũng có lúc mang hia, đội mũ, đi lại ở chốn Cung đình. Có điều đáng nói hơn hết là miềng cơm, manh áo, hơi thở của họ gắn chặt với sự thăng trầm của các bậc đế vương, đại thần giữa chốn Triều chính. Khi lên voi thì họ chẳng hưởng bổng lộc gì nhưng lắm lúc xuống chó phải gánh chịu bíết bao hoạn nạn.

Dòng dõi họ Mã ở xóm Kẻ Hạ này nghe đâu có gốc gác ở ngoài miền núi xứ Thanh, đã theo Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Quảng rất sớm nên đã nhiều đời kế nghiệp nhau phục vụ trong Phủ Chúa. Đến đời Mã Hự vì cha mẹ mất sớm, học hành dỡ dang nên chỉ xin được cái chân giữ ngựa ở trại ngựa Thượng Tứ từ lúc Chúa Võ Vương mới nối ngôi. Và cái họ Mã như một định mệnh buộc chặt Mã Hự cả đời vào chân ngựa với biết bao thăng trầm khổ lụy.

Đội giữ ngựa ở đây tương đối đông, tuyển từ nhiều nơi về. Ngoài ra, còn một số tay gặp sự cố trên bước đường công danh, có chút tiền của do bòn rút của công thời còn hãnh tiến. Bởi vậy, họ sống với nhau chẳng dễ chịu chút nào.

Trong đám người thất sủng ấy có Lão Kíu, trước đây là quan Chưởng Cơ nhưng sử dụng bằng cấp giả nên bị giáng hết bậc, buộc về giữ ngựa. Lão Biện, quan điền thổ, chiếm đất công làm của riêng, bị phát giác, chịu án giam vào ngục thất, sau nhờ chạy chọt về trước thời hạn rồi được cho đến trại ngựa với nhiệm vụ cắt cỏ, quét chuồng. Tay Sĩ Hồ, tuổi còn trẻ, nguyên là quan lớn của Bộ Công. Khi chỉ huy mở đường phía Tây; ăn của đút lót, bị tống giam một thời gian, sau cũng nhờ sự bao che được về đây gánh nước tắm ngựa.

Trong đội giữ ngựa, có lẽ Mã Hự có tính cách khác người . Hằng ngày thường xử sự tử tế với anh em thuộc hạ nhưng lại hay nói móc méo một cách chua cay đối với bọn gian tà, hách dịch.

Do có khả năng, quán xuyến được công việc nên nhiều năm Mã Hự giữ chức Đội trưởng. Chỉ là một tên giữ ngựa nhưng do gần gũi lâu ngày nên không những Võ Vương mà ngay cả cận thần Trương Phúc Loan cũng tin tưởng, quí mến. Chính ông là người trực tiếp chăm sóc mấy con ngựa quí Xích Thố, Bạch Mã, bảo quản mấy chiếc xe Song mã, Tứ mã của Chúa Công và các Đại thần, sẵn sàng phục vụ các Ngài trong việc đi lại.

Chỉ mới hơn mười năm, kể từ khi Võ Vương Nguyễn Phúc Hoạt cho dời phủ Chúa từ làng Bác Vọng vể lại đất Phú Xuân thì nhiều Cung điện được xây dựng lên làm cho bộ mặt nơi này hoàn toàn thay đổi, thật xứng với cái tên mới: Đô thành Phú Xuân.

Võ Vương là một người thông minh, tuấn tú, tính cách mạnh mẽ, quyết đoán và nhiều tham vọng. Để tương xứng với Chúa Trịnh Sâm ở Đàng Ngoài, Chúa đã xưng Vương, đúc Quốc Ấn, đổi Từ đường thành Tông miếu, vợ cả gọi là Tả Thị Lang, vợ lẻ là Hữu Hành Lang, xưng với các lân quốc là Thiên Vương… Nói chung, Võ Vương muốn có một giang sơn độc lập, thoát ra khỏi sự kiểm soát của Chúa Trịnh, lúc này đã lấn hết quyền của Vua Lê.

Một buổi sáng trời quang mây tạnh, đứng trên gác Triêu Dương, Võ Vương cùng với Trương Phúc Loan xem xét việc củng cố thêm thành quách. Giữa núi sông lồng lộng, cỏ cây một màu xanh thẳm, những ngôi nhà rộng, dài vươn cao, những mái ngói lưu ly, những họa tiết khảm sành sứ lấp lánh muôn hồng, nghìn tía dưới ánh nắng mai, đẹp như thể được dát vàng, dát bạc.

Nhìn một cách tổng quát, ở giữa là Chính Dinh so với phủ thờ ở Kim Long, Phủ Ao ở Gia Hội. Hai ngôi nhà đồ sộ nhất là Điện Kim Hoa và Qiang Hoa. Có gác Dao Trì, Triêu Dương, Quang Thiên; lại có thêm đình Thụy Vân, Giáng Hương. Xa xa phía bên kia sông thì Vương cũng đã cho xây thêm Phủ Cam, Phủ Dương Xuân. Xích lên phía núi thì có Phủ Tập Tượng, điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ với những đài cao nguy nga tráng lệ, ngựa xe đi về rộn rã.

Mặc dầu như vậy, sau khi bà Hữu Hành Lang Chiêu Nghi, người được Vương sủng ái nhất, bị trọng bệnh qua đời, Ngài buồn rầu hẳn và hay tâm sự nỗi lòng của mình với những cộng sự xung quanh.

Sau một hồi bàn bạc việc quân quốc, Võ Vương cùng Trương Phúc Loan rời gác Chiêu Dương, lẩn thẩn theo cầu thang bước xuống sân đi về phía chiếc xe Song mã đang chờ các Ngài dưới bóng cây Tùng. Rồi bỗng dưng cả hai người tạt vào dưới giàn hoa Lý, ngồi vào bộ bàn đá đã có ấm trà pha sẵn. Võ Vương gọi Mã Hự đứng hầu bên cạnh. Bất ngờ Võ Vương quay sang Mã Hự hỏi chuyện :

- Nhà ngươi gần gũi ta lâu ngày thấy sức khỏe ta có gì thay đổi không?

- Thưa Chúa công, con thấy sức khỏe của Ngài lúc này không được như trước.

- Đúng vậy. Từ khi Hữu Hành Lang qua đời ta biếng ăn, ít ngủ. Việc triều chính lúc này cũng bộn bề quá. Nhà ngươi chỉ có một việc giữ ngựa, rứa mà sướng. Ta nghe nói nhà ngươi ham đọc sách, là một điều rất quí.

- Dạ, con xin cúi đầu lãnh hội.

Không những Mã Hự mà cả Trương Phúc Loan đều thấy Chúa công hôm nay cởi mở quá, chắc là Ngài có tâm sự gì muốn giải bày. Phúc Loan mời Ngài dùng trà rồi hỏi chen vào :

- Nhà ngươi giữ ngựa đã lâu, chắc có nhiều chuyện vui về ngựa ?

- Dạ, đời giữ ngựa khổ lắm. Nhưng chuyện về ngựa thì nói ngày này sang ngày khác, năm này sang năm nọ chắc cũng chưa hết. Giữ ngựa thấy dễ nhưng lại là rất khó. Có nhiều vị quan lớn bị giáng chức cho về giữ ngựa nhưng không giữ được. Khi đến mùa động đực bọn chúng rất bất trị, thấy ngựa cái là cứ lồng lộn lên, người chăn khó mà ghìm cương được. Giữ ngựa ở Cung, ở Phủ lại còn khó hơn nữa. Mỗi lần ngựa đi qua khu vực Chính Dinh có nhiều thảm cỏ non bọn chúng thường thích dừng lại để tè và gặm cỏ, lắm lúc lại còn ỉa vại ra nữa. Bởi vậy, mỗi lần qua các khu vực đáng lẽ ra phải hạ mã, lại phải quất ngựa truy phong càng nhanh càng tốt.

Vương, quan ngồi nghe như bị ngậm ớt nhưng đó là sự thật nên chẳng bắt bẻ được. Trương Phúc Loan hỏi tiếp :

- Nhà ngươi có kinh nghiệm gì để ngựa chạy theo ý mình ?

- Dạ, bẩm Chúa công và Ngài cận thần: Muốn ngựa theo ý mình rất khó mà cũng rất dễ. Bản tính của ngựa đực là thích phóng túng, muốn giang sơn riêng, nhất là ngựa hoang giữa rừng núi, để dễ bề thị uy đàn ngựa cái. Chắc các Ngài đã biết là người ta vẫn thường nói “Chạy như ngựa tế”.

Người giữ ngựa khôn ngoan, phải tra hàm thiết và dây cương cho chắc, che mắt hai bên cho kỹ, trước mồm luôn treo một nắm cỏ non nhưng biết chắc là ngựa không bao giờ có thể tự ăn được. Khi làm được như vậy thì buộc ngựa phải chìu ý ta. Ta muốn đi nước kiệu, phi nước đại, thẳng đường hay qua phải, qua trái gì chẳng được. Nhưng dù sao đây cũng là chuyện thường tình, ai giữ ngựa cũng phải giữ lề lối ấy. Hơn nhau ở chỗ là luôn luôn phải biết vỗ về ngựa, đưa ngựa băng qua những giấc mộng đẹp để ngựa quên đi hàm thiết, dây cương là những thứ luôn luôn làm cho ngựa khó chịu để quay lại chống trả ta, thậm chí có lúc hất ta xuống đất.

Mã Hự nói rành mạch một hơi dài. Võ Vương lại gật gù hỏi tiếp :

- Khi người chăn ngựa đã đạt đến sự khéo léo như thế, nếu ngựa muốn có chút tự do trở lại thì nó phãi làm thế nào ?

- Dạ, ý này hơi bất ngờ. Nhưng nếu ngựa muốn có chút tự do thì trước hết phải làm cho người giữ ngựa biết thương mình..Ngựa luôn phải tỉnh táo đừng để bị ru ngủ vì nắm cỏ non. Đôi lúc cũng cần hí lên chứ đừng khiếp nhược quá. Mã Hự vừa nói vừa làm bộ điệu trông rất hài hước. Trương Phúc Loan vừa nghe vừa nghĩ vu vơ, còn Võ Vương buộc miệng nói lớn: Thật là đồ ngựa chứng !

Trương Thúc Loan ngồi lâu có vẻ đau lưng bèn đứng dậy xin phép ra ngoài, đi lòng vòng xem hoa vọng cảnh. Thấy quan cận thần đi rồi, Võ Vương hỏi nhỏ Mã Hự :

- Mấy hôm trước nhà ngươi đánh xe chở quan cận thần đi kiểm tra huyện Phú Vang, có nghe quan nói gì không ?

- Thưa Chúa công, con đâu dám nghe chuyện quốc sự của quí Ngài, nhưng Ngài đã hỏi thì con xin thưa. Mong để bụng cho, kẻo con bị liên lụy, quan cận thần nói chém là chém !

Kể từ khi Ngài giao cho Tri bộ Chính Dinh Trần Đình Kỷ mở đợt tổng kiểm tra, vạch mặt bọn tham ô, lãng phí, vòi vĩnh, một cách quyết liệt thì Trương Phúc Loan có vẻ lo lắng, thường phàn nàn Ngài với các quan địa phương. Chuyện này cũng như chuyện cách đây mấy năm khi Ngài ra lệnh cho Tuần Vũ Quảng Ngãi là Nguyễn Cư Trinh xét trị các quan tham ở địa phương, ức chế các hào hữu lấn cướp, buộc bọn gian tà trộm cắp phải vào khuôn phép, thì bọn chúng đã cấu kết, lập phe nhóm chống lại Phủ Chúa.

- Nhưng đối với người dân thì như thế nào ?

- Thưa Ngài, dân rất ủng hộ việc của Ngài làm, vì họ vốn bị các quan địa phương ức hiếp. Hơn nữa, đây là việc cần làm để giữ bộ máy của Vương quyền được trong sạch. Ngày xưa Nguyễn Trãi từng nói: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt chỉ vì khử bạo”.

Võ Vương nghe Mã Hự tâu, hiểu thêm được những người dưới trướng. Bọn cận thần ít khi trao đổi thật tình vì cái thói hay tránh né, sợ vạ lây. Vương nghĩ: Bọn chúng chẳng chí tình bằng một tay giữ ngựa vô danh tiểu tốt. Tệ thật !.

Khi Trương Phúc Loan trở lại bàn đá uống thêm chén nước thì tất cả cùng lên xe chạy về hướng ngoại thành.

Gà đã gáy canh hai, Trương Phúc Loan vẫn chưa ngủ được. Ngôi nhà tòa ngang dãy dọc bóng loáng, ai mới trông vào cũng tưởng là Vương phủ của Chúa công, đã chìm hẳn vào sương đêm giữa khu vườn rộng đầy bóng cây cổ thụ.

Ông nghĩ, với chủ trương chống tham nhũng một cách mạnh mẽ của Chúa công, trước sau gì Trần Đình Kỷ cũng lôi ông ra ánh sáng vì việc nhũng lạm công quỹ của ông trong mấy năm qua. Nỗi lo lắng càng lúc càng dâng cao giữa khuya khoắt, ông bèn nghĩ đến cách lợi dụng tình cậu cháu để tìm sự bao che của Võ Vương.

Từ câu chuyện có vẻ vu vơ dưới giàn hoa thiên lý vừa qua, ông cho rằng ẩn chứa bên trong nhiều ý tưởng sâu sắc. Bỗng ông muốn mình trở thành một người giữ ngựa khôn ngoan để biến Võ Vương thành kẻ ngậm hàm thiết dưới sự điều khiển của ông. Và rồi ngón bài được giở ra.

Hôm sau, ông đến điện Kim Hoa lấy tình cậu cháu nói với Võ Vương :

- Cậu thấy cháu lúc này tiều tụy quá, có lẽ do sự mất mát quá lớn về tình cảm kể từ khi Hữu Hành Lang mất. Muốn khắc phục hành trạng ấy chỉ có một cách là phải bổ sung tình cảm trong việc chăn gối.

- Bổ sung bằng cách nào ? Cháu vẫn còn bà vợ cả, không khéo bà lại ghen lồng lộn lên !.

- Cậu sẽ tìm cho cháu một người mới, tất nhiên là phải trẻ và đẹp hơn vợ cháu. Có điều là không thể làm việc này một cách công khai vì Hữu Hành Lang mới mất, hoàng tộc nhiều người còn phải chịu tang. Cháu chỉ nên tìm vui với một người nào đó đồng thuận với cháu. Đối với việc này, cậu đã gợi ý với Nguyễn Thị Ngọc Cầu ở Phủ Dương Xuân, mới lớn lên đang khao khát tình yêu.

Võ Vương chăm chú nghe, thấy thịt da rừng rực như có lửa cháy, nhưng hỏi lại :

- Nguyễn Thị Ngọc Cầu, con ông chú ruột tức anh em đồng đường với cháu. Cháu sợ mang tiếng loạn luân lắm.

Trương Phúc Loan vừa cố tìm cách giải thích, vừa muốn trói buộc :

- Đây chì là một cuộc tình vụng trộm, thỉnh thoảng mua vui, ai mà biết được. Khi gia đình hết tang, ta tìm cho người khác cưới hỏi đàng hoàng, cháu đừng lo, cậu đã sắp đặt cả rồi.

Võ Vương ngẫm nghĩ một chút rồi như muốn kêu lên :

- Ôi ! Chuyện này tội lỗi quá ! Một tay giữ ngựa tầm thường cũng không thể làm được, huống gì ta là Thiên Vương của thiên hạ lại chịu làm cái chuyện tồi bại ấy !.

Cậu ra sức dụ dỗ mãi rồi cuối cùng cũng được đứa cháu quyền lực, đang chịu nỗi cô đơn, đến với Ngọc Cầu. Những lần đầu Võ Vương chỉ bỡn cợt một chút cho vui rồi kêu Mã Hự đánh ngựa ra về. Nhưng người đời đã nói : Lửa gần rơm không thơm cũng cháy.

Vào một đêm trăng sáng, Phủø Dương Xuân như chốn Bồng Lai giữa núi đồi vắng lặng. Trong căn phòng nhỏ, trướng rủ mán che, chăn êm, niệm ấm, Ngọc Cầu với tấm thân trần ngà ngọc nằm phơi phới dưới ánh đèn màu. Võ Vương không giữ được ý chí của bậc quân vương, vượt qua đạo lý, đã sa vào vòng tay êm ái của Ngọc cầu.

Ngày qua tháng lại, sự say đắm của hai người trở nên quyết liệt.

Kết quả, Ngọc Cầu đã mang thai và sinh con sau bức trường thành bí ẩn của Phủ Chúa. Và cái tên Nguyễn Phúc Thuần được Thái giám chi ghi vào sổ bộ.

Chuyện dù bí mật bao nhiêu rồi cũng có lúc bị vỡ lỡ. Bà Hoàng hậu Hiếu Vỏ đã biết rõ mọi chuyện. Một hôm bà dẫn con cái mình đếán đại náo Phủ Dương Xuân. Để che mắt thế gian, Võ Vương lật đật bồng đứa nhỏ còn đỏ hoe nhảy phóc lên xe, thoát ra cổng sau chạy về hướng Nguyệt Biều lánh nạn.

Trên đường đi, Võ Vương tỏ ra mắc cỡ vì sự tệ hại của mình, còn Mã Hự thì tỉnh bơ, vừa quất roi vào đít ngựa, vừa quay lại nói :

- Cái loại hàm thiết, dây cương, cỏ non vô hình đó còn nguy hại hơn là loại ta thường dùng ở trại ngựa.

Võ Vương thoáng buồn. Đưa tay quẹt mồ hôi trán rồi nói:

- Nhà ngươi nói thật chí lý ! Ta biết Trương Phúc Loan cố siết chặt ta nhưng đành chịu;

♣ ♣

Chuyện loạn luân của Võ Vương gây nên nhiều nỗi bất bình trong Hoàng tộc cũng như sự phê phán dí dõm, trêu cợt của quần chúng. Nó tác động rất lớn đến tâm lý khiến ông ăn không ngon, ngủ không yên, bệnh tật càng lúc càng trỗi dậy không thể nào cứu chữa được.

Khi Võ Vương mất, Trương Phúc Loan lôi kéo Thái giám Chữ Đức, Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thông, tìm cách thay đổi di chiếu, tống giam Nguyễn Phúc Luân, giết chết hai vị thầy khả kính của Luân là Văn Hạnh và Cao Kỷ, rồi đưa Nguyễn Phúc Thuần mới mười hai tuổi lên ngôi với tên hiệu là Định Vương.

Để trả ơn tôn phò, Định Vương đã cử Trương Phúc Loan làm Quốc phó kiêm Bộ Hộ, kiêm Trung tượng, kiêm việc Tào vận. Từ đây Trương Phúc Loan trở thành quyền thần, tha hồ bòn rút của công, vơ vét của cải của dân chúng, bán quan buôn ngục ngay giữa chốn Triều chính. Chẳng mấy chốc ông ta trở nên một người giàu có bậc nhất thời bấy giờ với không biết bao nhiêu là nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò, ngọc ngà châu báu… Gặp năm lụt lội, đem vàng bạc ra phơi sáng cả sân nhà.

Trương Phúc Loan kẻ đại gian ác vơi hình ảnh một Tần Cối mới. Không những đã âm mưu giết hại công thần Tôn Thất Văn, giáng chức Tôn Thất Dục, hãm hại nhiều quan lại dưới trướng để bắt cống nộp mà ngay như một kẻ chăn ngựa tầm thường như Mã Hự ông củng không buông tha chỉ vì ông cho Mả Hự qua công việc đánh xe ngựa của mình đã biết quá nhiều chuyện thâm cung bí sử. Hơn nữa, vàng bạc, châu báu ông lấy từ đâu về và lấy của ai, Mã Hự đều biết cả. Chịu số phận thay ngựa giữa dòng, Mã Hự bị cách chức Đội trưởng và lưu đày lên mạn ngược, miệt Trà Sơn làm lính thu hoạch thổ sản ở các nguồn sông một nơi đi dễ khó về vì nạn sốt rét rừng ở đó.

Tình hình xứ Đàng Trong càng ngày càng rối ren ở phía Nam, ba anh em Nguyễn Nhạc khởi nghĩa ở đất Tây Sơn, vận động được giới nông dân và một số bộ tộc miền núi, đánh chiếm một vùng rộng lớn từ Quy Nhơn ra đến Quảng Nam. Trong khi đó vào mùa đông năm Giáp Ngọ ở phía Bắc Trịnh Sâm thấy Nam Hà có biến cử Tướng Hoàng Ngũ Phúc đem quân vượt ranh giới Sông Gianh đánh chiếm Thuận Hóa. Cả Nguyễn Nhạc lẫn Chúa Trịnh đều lấy chiêu bài trừ khử Trương Phúc Loan loạn thần, gian ác, ngược đãi trăm họ. Khi quân Trịïnh đến Hồ Xá, Chưởng danh Tôn Thất Huống và Nguyễn Cửu Pháp bắt Trương Phúc Loan nộp cho Hoàng Ngũ Phúc để tìm một sự hòa giải, nhưng quân Trịnh thừa thắng xông lên chứ không chịu dừng quân như lời hứa hẹn.

Khi quân Trịnh tràn ngập Đô thành Phú Xuân, Định Vương Nguyễn Phúc Thuần cùng với một số cận thần thoát ra cửa biển Tư Hiền rồi dong thuyền về phưong Nam lánh nạn. Vùng đất Thuận Hóa đã bị thay ngôi đổi chủ. Bao nhiêu quan lại của Triều Chúa Nguyễn hoặc bị giam vào ngục thất, hoặc bị đuổi về quê cày ruộng.

Bấy giờ Mã Hự cũng thôi làm lính, rời nguồn sông, trở lại quê nhà, mua ngựa thồ để kiếm sống, với tấm thân gầy guộc do bị sốt rét rừng từ miền rừng núi Trà Sơn.

♣ ♣

Ơi ! Ông Hai Xu ! Ới ! Ông Hai Xu !.

Trời sắp ngã về chiều, ông Hai đang loay hoay rửa lại bộ ấm chén thì nghe ngoài phía cổng có tiếng gọi ơi ới. Ông dừng tay, ngước mắt nhìn ra thì thấy Mã Hự đang buộc ngựa vào gốc cây ở bãi đất hoang nằm cạnh trước ngõ. Ông giục đứa cháu ra mở cổng để mời khách vào.

Thật ra, người nhà ông Hai đã quen với cái cảnh bị khách gọi ơi ới như thế này. Không những giữa chiều mà ngay cả lúc nửa đêm, mùa nắng cũng như mùa mưa, hễ có khách đến mua hoặc uống rượu lại có những tiếng gọi giật giọng ấy kể từ khi ông mở quán kiếm sống.

Cái thời còn giữ ngựa, ông ta có một cái tên cũng quyền quí, mỹ miều ra phết. Nhưng từ khi bị thất sủng về dựng quán ở đây thì cái tên đẹp đẽ ấy cũng dần đi vào quên lãng. Hai Xu là do bà con lối xóm gọi quen miệng mà có, vì những bợm ghiền chỉ cần hai xu là có thể tạt vào ở đây tớp một ly rượu đế với vài hôït đậu phụng rang, rồi lân la trà nước, nói chuyện cà kê dê ngỗng cả buổi.

Mã Hự và Hai Xu vẫn cố giữ với nhau chút tình đầy oái ăm của cái thời cả hai người cùng ở trại ngựa Thượng Tứ. Bây giờ, mặc dầu hoàn cảnh mỗi người mỗi khác nhưng hễ có dịp thồ hàng đi ngang qua đây, Mã Hự đều ghé thăm Hai Xu, uống một cốc rượu, nói năm câu ba điều. Để cùng nhau ôn lại kỹ niệm của ngày xưa cũ.

Cả hai người cùng ngồi xuống chiếc chiếu hoa cũ trải giữa thềm nhà. Hai Xu rót nước vối mời khách rồi nói :

- Hay chiều nay anh ở lại đây chơi, tôi nói cháu làm đồ nhắm, uống với nhau chén rượu. Tôi mới nấu nồi rượu nếp, ngon lắm. Bà tôi đi vắng cả tuần nay, buôn bán ế ẩm, lui cui một mình cũng buồn.

- Tôi ở chơi với anh cho đến chạng vạng là tôi phải đưa mấy bao than ra ngoài cửa Bắc để sớm mai chủ lò bánh có than đun.

Hai Xu nhìn mặt mày, tay chân Mã Hự lấm lem than củi, rồi nói :

- Tôi thấy anh lúc này vất vả quá, lại ốm hơn trước kia !

Mã Hự cảm kích lời chia sẻ của bạn, chân tình nói :

- Cái đời bọn mình mang tiếng là lính vua, lính chúa mà chẳng có một ngày sung sướng. Đội trưởng như ta đây cũng chỉ là thằng chăn ngựa, quanh năm dầm mưa dãi nắng mà chẳng có chút bỗng lộc gì ! Một chút cám ngựa cũng không dám mang vể cho vợ nuôi lợn.

- Cái đời giữ ngựa khổ thế mà sao tôi cứ nghe quan cận thần nhiều lần kêu lên : Ước gì được làm tên giữ ngựa khôn ngoan.

- Nó nói bóng gió, đó thôi ! Cái thứ ngựa mà nó nói, đâu phải là song mã, tứ mã của bọn mình chăn dắt.

Hai Xu nghe bạn mình nói xa, nói gần cũng chẳng hiểu mô tê gì cả. Mã Hự lại nói tiếp :

- Tên Trương Phúc Loan muốn làm kẻ giữ ngựa, lại trở thành ngựa, để rồi chịu số phận bị thay ngựa giữa dòng.

Cuộc trò chuyện đã lâu. Đứa cháu gái bưng chiếc mâm đồng hoen rỉ với dĩa cá đồng và chai rượu đặt trước mặt hai người. Hai Xu nhanh tay rót rượu mời bạn. Rượu vào lời ra, ông nói với Mã Hự :

- Sao anh không trở lại xin một chân giữ ngựa cho quân Trịnh để cuộc sống đỡ khổ. Dù sao thì anh cũng đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

- Ta đã giữ ngựa trải qua hai đời Chúa. Giờ đầu bạc quá nửa, còn nghĩ gì đến chuyện quan quyền, lính tráng. Đã sinh ra làm người thì phải hiểu thế nào là liêm sĩ. Dòng họ Mã này đã mấy đời theo phò Chúa Nguyễn nên ta thà làm một tên giữ ngựa cho Chúa Nguyễn còn hơn làm cận thần cho Chúa Trịnh. Chúng ta chẳng ai muốn làm buồn lòng tiên tổ. Và nếu cần dấn thân một lần nữa thì cũng phải biết kiên nhẫn chờ đợi minh chủ. Phải không anh Hai Xu ?

- Tôi thấy anh nói rất phải. Hơn nữa, từ ngày quân Trịnh chiếm Thành đến nay, dân chúng cũng chắng khá hơn. Họ vẫn chịu cái cảnh sưu cao thuế nặng, cũng bị bắt phu, bắt lính, khổ sở trăm bề. Nhà cửa quan lại càng ngày càng to, còn ruộng vườn của dân thì cứ rơi dần vào tay của kẻ có thế lực khiến dân tình như ong vỡ tổ, như kiến vỡ đàn, kêu trời chẳng thấu. Bởi vậy, trước đây chúng ta chán ngán Trương Phúc Loan bao nhiêu thì bây giờ chúng ta lại oán hận Hoàng Ngũ Phúc bấy nhiêu. Đúng là quan lại thời nào cũng tệ.

Nghe Hai Xu nói một hơi dài, toàn là chuyện gây ớn lạnh xương sống. Mã Hự nói khẽ với Hai Xu :

- Bọn lính đang lùng sục khắp nơi ! Tai vách mạch rừng mà.

Cuộc rượu còn muốn kéo dài nhưng trời đã tối hẵn. Mã Hự bước cao, bước thấp đi ra khỏi ngõ. Con ngựa già hí lên một tiếng rồi vụt chạy dưới làn roi tới tấp như cố vượt nhanh qua khoảng trời đêm trước mặt.

Chỉ hơn mười năm sau ngày dựng cờ khởi nghĩa, phong trào Tây Sơn đãï có những chiến công vang dội làm phấn chấn lòng người.

Định Vương Nguyễn Phúc Thuần đã bị giết, hai vạn quân Xiêm bị đánh tan tác ở Rạch Gầm và Xoài Mút, Nguyễn Ánh bôn tẩu tận đảo Thổ Chu. Thừa thắng Nguyễn Nhạc cử Nguyễn Huệ mang quân ra chiếm lại Đô thành Phú Xuân và đất đai Thuận Hóa.

Tháng 6 năm 1786, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn ào ào như thác lũ đã làm chủ Đô thành Phú Xuân.

Nhiều người ở xóm Kẻ Hạ cũ thấy Mã Hự có mặt trong hàng quân của Nguyễn Huệ. Chàng mặc áo đỏ, đội nón dấu, tay nắm chặt dây cương dẫn con ngựa Xích thố của vị tướng quân chạy băng qua cổng thành còn mịt mù đạn pháo./.