CHẢY ĐI SÔNG ƠI !
T rung Thu- Hà Nội 2006. Mưa tràn. Cây đổ. Bão nổi phía trời xa. Con trai tôi lái xe mời mẹ, vợ và hai bé cu “thiên thần” của chúng tôi đến Bảo tàng dân tộc học Việt Nam để xem triển lãm về thời bao cấp ở Hà Nội- Việt Nam, những năm 1975- 1990. Trước đó một tháng, con gái tôi ở Paris gửi email xui mẹ đi xem triển lãm này, tôi đùa vui:” Mẹ không đủ sức để sống lại những cảm giác trong địa ngục trần gian từ cái thời âm ti ấy”. Tôi quá nhạy cảm với nỗi đau, nỗi nhục bị kìm kẹp, bị đọa đày… của con người, nên chủ động tránh. Nhưng con trai rủ, tôi lại đi, vì con tôi đầy sức mạnh, nếu tôi có bị bọn ma quái bao cấp ám ảnh, quật ngã, thì con cháu sẽ đỡ tôi dậy.
Triển lãm trưng bày cuộc sống thời bao cấp y như thật vậy, xám một màu, chỉ có người/ đồ vật, người sống chung với lợn gà thân thương lắm… Tôi bái phục những người tổ chức triển lãm này, tưởng như không nghệ thuật trình diễn, tĩnh trí, thâm hậu trong sự xếp đặt, kèm lời chú dẫn, bình luận mạnh mẽ, có dịch sang tiếng Anh. Người xem đông, cả bà đầm, ông Tây, nhiều thế hệ gia đình Hà Nội, bạn trẻ có học chiếm đa số. Người ta đòi triển lãm kéo dài mãi… Tôi nghĩ Bảo tàng dân tộc học Việt Nam đã có tài trí dựng lại cảm giác về cuộc sống một thời của giống nòi, cứ để nguyên đấy theo đúng nghĩa “bảo tàng”, dâng tặng mọi người những “phút rùng mình”, để trí tuệ, tình thương phát sáng- con người sẽ hiểu ra tất cả và dũng mãnh hành động vì một cuộc sống khá hơn.
Chẳng biết mọi người có cảm giác gì khi xem triển lãm mà họ ghi sổ cảm tưởng dày đặc. Còn tôi thì bị hút hồn vào cửa hàng gạo. Bóng những người phụ nữ quần đen, nón lá, lưng còng xuống, đầu chúi vào cái lối nhỏ chắn song gỗ, mắt đăm đắm nhìn vào mấy bao tải gạo đen xì, mốc xỉn, xếp chồng đống trong kho. Không thấy bóng đàn ông, chỉ thấy mũ cối xếp dưới nền đất, cả những hòn gạch, cục đá, nón mê, vỏ máy bay Mỹ… cũng xếp hàng. Cảnh tượng gần gũi với tôi quá. Thời đại của tôi đấy! Một số người đã lên thiên đàng còn phải vác theo cái sổ gạo. Tôi may mắn sống sót để được ngắm lại cái lưng mình còng xuống trước cửa hàng gạo, mà không tự nhìn thấy mặt mình, chắc nó nhầu nhã lắm. Tôi thoát khỏi cái sổ gạo mười lăm năm nay, như một sự Chuyển kiếp. ( Tập truyện ngắn của Mai Thục).
Ký ức sống dậy. Tôi nhớ lại cuộc hành trình mười lăm năm tôi mò mẫm đi tìm mình và đi tìm cuộc sống. Con người thời tôi sinh ra, ba mươi (hoặc bốn mươi) năm đầu đời ngây ngô, khờ dại, ngu si, đi học, đi làm, sống theo bản năng, bị nhồi nhét, dẫn dụ, bị cấm đọc Vũ Trọng Phụng, nên không hiểu đời là gì, đến khi nếm trải mùi đời, mới quặn mình xa xót, lê thê dò dẫm đi tìm mình, tìm cách nhìn vào cuộc sống, mà phải mất mười lăm năm mới hiểu đời, hiểu mình.( Mười lăm năm sống chìm nổi, lao đao, đọa đày Nguyễn Du mới viết được Truyện Kiều , ứng vào cuộc sống và thân phận mọi kiếp người, mọi thời đại). Những năm 1986- 1990, người Hà Nội quằn mình đứng dậy. Ông Nguyễn Văn Linh gầm lên tiếng nói:” Con người hãy tự cứu mình trước khi trời cứu.” Nhà văn Nguyễn Minh Châu phút thoát nợ trần, đã gửi lại cho đời giọt nước mắt yêu thương, mà tôi trực tiếp nhận từ trên giường bệnh của anh. Trái tim tôi thắt đau. Nỗi đau của giống nòi. Nỗi đau truyền kiếp. Tôi chán nản trốn vào tu viện mài kinh sách. Trên đời này, tôi chỉ đắm say sách thôi. Nhưng sách cũ đã lên mùi, tôi đọc không vào. Tôi buồn. Không biết mình đi đâu về đâu, một kiếp hoang vu? Một kiếp lạc loài. Tôi không cắt nghĩa được vì sao chiến tranh lại thành định mệnh trên đất nước tôi? Tôi không biết vì sao chúng ta phải sống kiếp “người/ vật ” để Nguyễn Minh Châu mang tiếng khóc thảm thiết xuống mồ? Tôi không biết cái gì đã dày đạp thân phận con người? Tôi chẳng hiểu vì sao Mỵ Châu lại bị chém đầu? Vì sao Huyền Trân, công chúa con vua Trần Nhân Tông lại hóa khối tình hợp giao hai nước Đại Việt- Chămpa?
Rồi tôi nghe tiếng người Hà Nội xôn xao về những truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Tôi tìm đọc: Phẩm tiết, Tướng về hưu, Kiếm sắc, Vàng lửa, Con gái thủy thần, Không có vua, Những người thợ sẻ, Những ngọn gió Hua Tát, Chảy đi sông ơi, Sang sông… Tôi đọc Nguyễn Huy Thiệp, đọc nhiều lần, đọc đi, đọc lại, mỗi lần đọc một khám phá, một suy tư, trải nghiệm… Tôi ngỡ ngàng. Tôi hoang mang. Tôi bừng tỉnh. Tôi biết rằng tôi đang cắm cúi đi theo dòng người mê man từ trong rừng ra. Tôi thấu thị con đường mòn bốc cháy để lại dòng máu Việt Nam tươi đỏ. Tôi muốn đi trên con đường màu xanh yêu thương. Nhưng đi thế nào đây? Sống thế nào đây? Tôi sợ phải lăn lộn, đối mặt với cuộc đời thực gồ ghề, ghềnh thác, bẩn bụi, mưu gian, đấm đá, ghẻ lạnh, hằn học, ghét ghen… Nhưng tôi cũng không muốn sống hèn, sống nhục, sống thừa, sống bám, sống bằng sự mua bán, bán mua, sống bằng mưu ma quỉ, giả dối, lọc lừa… Mà cuộc sống tôi từng trải nghiệm và cuộc sống trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thì nháo nhào, lẫn lộn, xấu tốt, đúng sai, baõ giông, cạm bẫy, xiềng xích, lừa đảo, dối trá, quỉ quyệt, hiểm nguy, đầy hố sâu, vực thẳm, tối tăm, hung bạo… bao quanh tôi. Tôi chạy đâu cho thoát? Nhiều người nổi giận với Nguyễn Huy Thiệp vì xưa nay họ nhìn cuộc sống một chiều, cứ xếp hàng một cặm cụi mà đi, có sao đâu ( đấy là sự chết dần, chết mòn mà mấy ai đã biết) nay nhà văn đập vỡ vòng bao chắn mỹ miều, mở ra nhiều hướng, bình cổ vỡ tung, làm họ hoang mang, không còn chỗ bám. Riêng tôi, thì tôi hiểu, nên rất tin yêu, kính trọng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Anh hiểu sâu sắc bản chất cuộc sống hiện tại. Anh dám dũng cảm xới tung tất cả lên. Mọi thứ rác rưởi, đồ phế thải, xác chết, xú uế, cũng theo gió tung lên, lộn xuống, đổ kềnh. Song tôi vẫn nhận ra từ trong “đống rác cũ” ấy còn nhiều thứ dùng được, có cả vàng rơi, ngọc rắc nữa, và cao cả hơn, linh diệu hơn là tình yêu thương con người của nhà văn tỏa hương trong tiếng gọi thức tỉnh lớn lao. Đặc biệt Nguyễn Huy Thiệp xót thương những con người khốn khổ, đánh thức họ dậy, chia sẻ, an ủi, dẫn dắt, ru họ đi qua biến dịch luân hồi. Anh đã cho chúng tôi nuốt viên thuốc đắng sự thật, để chữa lành bệnh tật, vươn mình đứng thẳng, tăng tốc vượt lên đường lớn, thay đổi định mệnh, làm tươi mới kiếp sống hữu hạn:
” Chảy đi sông ơi/ Băn khoăn làm gì/ Lòng người đen bạc/ Cuốn trong gió chiều/ Anh hùng cười gượng/ Nét buồn cô liêu/ Sóng đời đãi hết/ Chảy đi sông ơi/ Băn khoăn làm gì”
Nguyễn Huy Thiệp cất tiếng hát đồng dao. Tôi nghe tiếng hát trong như nước mắt bé thơ mà đi tìm Nguyễn Huy Thiệp. Nhiều người cùng tuổi với Nguyễn Huy Thiệp như tôi, đi tìm anh. Cả Hà Nội Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp (tên sách Phạm Xuân Nguyên hợp tuyển). Tôi đi tìm Nguyễn Huy Thiệp không phải để ngợi ca văn chương của anh hay, không phải vì anh nổi tiếng, không phải vì anh phong độ, đa tình, cũng không phải để anh dạy cho vài chiêu võ viết văn… Tôi chưa bao giờ mơ tưởng trở thành nhà văn. Chỉ vì tôi buồn quá, đau khổ quá, cô đơn quá, yêu thương quá, nên phải cầm bút viết ra cho linh hồn nhẹ bớt. Tôi đi tìm Nguyễn Huy Thiệp vì một câu hỏi rất chân thành, và thực dụng. Tôi hỏi anh tôi phải sống thế nào? Có nên trèo lên cầm lái con tàu ngược sóng hay không? Bởi vì tôi luôn sợ. Nỗi sợ bản năng của con người đeo bám tôi mọi lúc, mọi nơi. Tôi sợ danh dự bị dày đạp, nhân cách bị biến dạng, méo mó. Nguyễn Huy Thiệp bảo tôi vẫn ngây thơ, thánh thiện như ngày nào. Rằng tôi phải sống lặn ngụp trong đống rác cuộc đời, giữ lấy cái tâm trong trẻo mà bay lên. Rằng người tốt phải ra tay, hợp lực, cùng nhau cứu đời. Rằng kiếp người ngắn lắm, nhưng đẹp lắm, quí lắm, phải sống có ích từng giây một… Sau cuộc gặp gỡ quan trọng này, tôi có thêm sức mạnh, lòng can đảm, tự tin… Tôi không đến tu viện nữa, mà lên đò đưa lữ khách Sang sông . Tôi “liều mình như chẳng có” quăng thân vào đời thực, sống hết mình với dòng sông bão tố cuộc đời, chắt lọc Tinh hoa làm điểm tựa. Một mình tôi trên con đò nhỏ chòng chành dưới đêm mưa giông, sấm chớp, ướt đầm, giá lạnh, cô đơn, ma quỉ nhiều, cám dỗ không kể xiết… Tôi một mình cầm con sào chống trả quyết liệt… giữ con đò không bị gió lật, sóng xô, chở dòng đời tuôn chảy về sông. Và tôi táo bạo lên tàu ra biển. Tôi nhiều lần bị bọn cướp biển và lũ ma men, tiểu yêu, phù thủy, dì ghẻ, bọn điếm, quái vật đội lốt người… đánh đấm bị thương bầm tím toàn thân, bị xúc phạm, bị dày xéo, săn đuổi, có lần suýt bị lên giàn thiêu sự thật… Mười năm con tàu trôi dạt, một mình tôi tựa lưng vào tường, vung bút mà chiến đấu, nước mắt tuôn rơi, thân thể đầy thương tích, nhờ trí tuệ và từ bi của đức Thích Ca Mâu Ni, nhờ ánh sáng Tinh hoa và Tâm linh tiên tổ, giống nòi, tôi đã vượt trùng dương, đặt chân đến mặt đất, vùng trời ánh sáng, gặp gỡ vũ trụ và nhân loại, trở thành con người tự do như gió… nay vẫn mạnh khỏe, bình an, và tự hát:
Trở về bến đợi
Mười năm trước
Nàng khờ khạo, phiêu lưu, mạo hiểm
Muốn thử sức mình
Đã cầm lái con tàu xoáy trong bão tố
Với những cái nhìn đằng đằng, chằm vặp
Vung kiếm dao vây bủa lưới trời
Giữa biển khơi, sóng ngầm xô lật…
Nàng vươn theo ánh thiên thần trí tuệ
Bằng tình yêu tha thiết con người
Bằng nước mắt, mồ hôi và máu của mình
Nàng bẻ sóng- đưa con tàu về vịnh trong xanh…
Nay, sóng lặng. Bão ngừng. Tiếng chim báo bình minh
Tóc điểm bạc, tim dạt dào cuộn chảy
Nàng lặng lẽ Trở về bến đợi
Cây Quỳnh xưa nở hoa dưới trăng
Có còn đón đợi nàng
Đêm cuối của mùa xuân?
Giờ đây, trải mười lăm năm một đời Kiều, thấu lẽ đời, thấu lẽ Âm- Dương, kết nối được với sức mạnh Tâm linh, tôi đi tìm lại Nguyễn Huy Thiệp- nhà văn- người vẽ đường cho những “Con nai buồn ngơ ngác- Đạp trên lá vàng khô”. Con đường anh mở thật giản dị như điệu hát mát lành tiếng thông reo: ” Chảy đi sông ơi/ Băn khoăn làm gì” . Cuộc sống loài người hàng tỷ năm vẫn như một đống rác vậy thôi. Có gì đâu. Nhưng đã sinh ra- phải làm người- phải sống và dám sống hết mình. Cái xấu, cái ác, cái thiện, cái đẹp lẫn lộn, như ảo ảnh, như thiên thần, như ma quái, ẩn hiện, vây bủa. Có khi quỉ dữ khoác áo thiên thần mà ta không hay biết. Nhà văn được Thượng đế lựa chọn sẽ mách bảo ta. Thời đại nào cũng có nhà văn của nó. Đầu thế kỷ XX, chúng ta có Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng. Thời chúng tôi có Nguyễn Huy Thiệp.
Nguyễn Huy Thiệp, anh là ai? Mười lăm năm trải nghiệm, giờ đây tôi có thể nói rằng Nguyễn Huy Thiệp là gã khổng lồ nằm sâu trong đống rác cuộc đời. Gã khôn hơn người. Gã sớm ý thức được thân phận mình, tự mình chọc thủng một cái khe mà ngẩng đầu lên, thở hít linh khí của cha Trời, mẹ Đất, trở nên tràn đầy sức mạnh của trí tuệ, tâm linh và tình yêu thương đồng loại. Một hôm, gã rùng mình, vùng vẫy đứng thẳng, rũ tung đống rác, thả trong gió lành, thành chữ, thành nghĩa, gọi cộng đồng đứng dậy, ra sông rửa sạch, tắm mát, hát ca và chảy miên man về biển:
” Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì
Dòng sông đãi hết
Anh hùng còn chi?” .
Điều đáng kinh ngạc là Nguyễn Huy Thiệp đã dùng tiếng Việt như một đội quân hùng mạnh, điệp điệp, trùng trùng như núi rừng thâm u, mênh mang, dạt dào như sóng đại dương, uyển chuyển như thơ, du dương như dàn hợp xướng, ríu ran như tiếng chim ban mai, đầy mãnh lực như sức hút của từ trường, ma quái như quỉ, thánh thiện như thần, lang thang như những ngọn gió, gầm gào như tiếng thú, ướt đầm như nước mắt, quyến rũ như tình yêu, cháy như lửa, nóng như thiêu, nổ như bộc phá, thơm như hương nhụy hoa nhài, bốc mùi nằng nặng như cống rãnh, nhẹ như lông vũ, trong như nắng vàng, sáng như mây… để mô tả đống rác cuộc đời với tất cả mọi hình hài, màu sắc, âm thanh, mùi vị… của nó. Thế giới ngôn từ siêu tầng đó của Nguyễn Huy Thiệp chính là cách sống, cách cảm, cách nghĩ, cách ứng xử, lời ăn, tiếng nói, tiếng khóc than, tiếng chửi bới, thét gào, tiếng tục tĩu, nhặng xị, bi hài, cái thô kệch, cái phi lý, cái huyền ảo, hoang đường, cổ tích, huyền thoại, cái bất ngờ, tiếng hát ca, nhạc điệu tâm hồn, ca dao, dân ca… của dân gian Việt Nam.
Bởi vậy, đọc Nguyễn Huy Thiệp, người đọc, dù họ là ai đi nữa, cũng khóc, cười, suy nghĩ, xấu hổ, nhục nhã, tức giận, gầm gào, yêu đương, tưởng tượng, chia ly, thương xót, chán chường, ghê sợ, hoang mang, thích thú, thỏa mãn, thất vọng, hy vọng, muốn bứt phá, thoát ra… Sau những cảm giác ấy, nếu có trí tuệ và bản lĩnh, bạn sẽ đập nát mọi thứ trong tâm trí mình và tự mình xếp lại cách nhìn cuộc đời, và nhìn lại chính mình, tự lựa chọn và bước đi trên con đường mình chọn. Đời rộng thênh thang muôn vạn nẻo đường, đâu phải chỉ có một đường hầm, bạn hãy “xoay lại tìm mình” (“ phản quan tự kỷ”, cách tu của Thiền Trúc Lâm Yên Tử do vua Phật Trần Nhân Tông sáng lập), giảm bớt tham, sân, si, mà lựa chọn đường đi trong sáng, đừng mê lầm sa vào địa ngục trần gian với lòng tham vô đáy về quyền lực, bạc vàng hay sự u mê, lú lẫn, ngu dại...
Phật bảo:” Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn” (Trên trời, dưới đất, và ta). Bạn trẻ ơi! Chẳng có gì che nổi mắt ta. Hãy nhìn đời bằng tuệ nhãn. Chẳng có bức tường nào chặn nổi bước chân ta. Chảy đi sông ơi! Tự do là thế đấy. Thiên- Địa- Nhân hợp nhất, Âm- Dương hài hòa. Đấy là hạnh phúc, là độc lập, là tự do, là bình đẳng, bác ái, là sức khỏe, là trí tuệ, bình an. ” Chảy đi sông ơi! Băn khoăn làm gì” .
Đọc Nguyễn Huy Thiệp ta gặp tất cả mọi loại người trong xã hội: ông vua, bà hoàng, công chúa, quan lại, mỹ nhân, anh hùng, maphia, gái điếm, thằng ở, con hầu, dân quê, thành thị, phố phường, rừng rú, lính, tướng, kẻ điên, thằng ngốc, thi sĩ, lão ăn mày, giáo sư, kẻ sát nhân, xác chết, hồn ma, bóng quỉ, thầy bói, phù thủy, nhà chính trị, kẻ lưu manh, tên đồ tể, thiếu phụ, ông già, bà lão, nữ thánh, gái đồng trinh, Thúy Kiều, Kim Trọng, Sở Khanh, Mã Giám Sinh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, trẻ thơ, nhà tu hành, Phật, thánh, Giê- su, cướp biển, cướp sông, cướp ngày, cướp đêm, mật thám, nhà văn, tên lừa đảo, thằng bịp bợm, nhà thơ, kẻ rên la, gã yếu hèn, mụ giả dối, Tú ông, Tú bà, thằng bán tơ, phường bạc ác… Tất cả hợp lại thành cuộc sống. Họ đi đứng, nói, cười, khóc mếu, van xin, cúi đầu, nhẫn nhục, u mê, đau ốm, làm ăn, sinh con đẻ cái, làm tình, gây tội ác, lập chiến công, vu cáo, giành giật, bon chen, chém giết, rên la, tàn phá thiên nhiên, đốt cháy đại ngàn, ngăn sông lấp bể, chặt kiệt cây rừng, săn đuổi sinh vật, hút cạn khô dòng nước ngọt, phun thuốc độc diệt cỏ cây, rau quả, đánh nhau cướp quyền lực/ của cải, ghen ăn/ tức ở, xúc phạm, ngu ngốc, dốt nát, rượu chè, cờ bạc, trai gái, bạo lực, cạn khô nhân tính, mất hết nhựa sống yêu thương… rồi tất cả cùng chết. Xương của giống nòi chất thành đống khắp núi sông, đại ngàn, sóng biển, đồng đất Việt Nam.
Bao nhiêu nhân vật trong tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp là bấy nhiêu câu chuyện về cách sống, ẩn chứa thông điệp cuộc đời, in bóng thời gian, được tác giả dùng ngôn ngữ điêu luyện như ma thuật, phơi bày trước mặt người đọc một cách sinh động chưa từng thấy. Mỗi người mỗi vẻ mặt, mỗi tâm tính bí hiểm, điêu bạc, dối trá, mỗi người một loại từ riêng, kẻ nói thánh, nói tướng, kẻ thì lừa đảo, người thì xót thương, kẻ ba hoa, kẻ câm lặng mưu ma, chước quỉ, kẻ muốn thành vĩ nhân tỉnh lẻ, kẻ ham hố thống trị hang ổ, loại bán mua, đổi chác, xác chết cũng bị dựng dậy thuyết trình... Bạn cứ bình tĩnh đọc, mà tự biết! Đừng sợ, đời nó thế đấy, khi ta đã hiểu rồi thì ta không còn sợ nữa, mà tự lựa chọn một cách sống cho mình, như khi ta tự chọn thức ăn trên bàn tiệc. Làm thánh thần, làm đồ tể, làm tên sát nhân, kẻ đại bịp… thì dễ, chỉ làm người là khó. Hãy chọn đi!
Thế giới ngôn từ của Nguyễn Huy Thiệp tràn đầy mãnh lực, bởi sức nổ, sức hút của từng con chữ được đặt đúng chỗ, trong sự kết nối với sóng điện trường linh diệu, tạo ra một lực tâm linh. Ngôn ngữ miêu tả thiên nhiên của Nguyễn Huy Thiệp dù rất hiếm hoi, nhưng tỏa lan sự tinh khiết, mát thơm như bầu vú mẹ, mà bất cứ ai cũng phải qui hàng. Dòng sông, bến nước trong văn chương của anh cứ trở đi, trở lại dệt thành âm nhạc ” mơ màng và buồn cô liêu, nửa như chờ đợi, nửa như hờn dỗi” (Chảy đi sông ơi) da diết gọi ta suốt một đời. Dòng sông cuộc đời chảy mênh mang cùng dàn nhạc thiên nhiên vô tiền khoáng hậu: ” Nước lững lờ trôi, giữa tim dòng sông rạch một mũi sóng dập dồn, ở đầu mũi sóng có một điểm đen tựa mũi giáo. Mùa đông có cả những con sáo lông đen chân vàng, đậu trên sợi thép níu đò căng từ gốc gạo sang phía bên kia sông. Chúng nghiêng nghiêng đầu xuống dòng nước chảy thao thiết líu ra líu ríu. Chiều xuống, tiếng chuông nhà thờ ở giữa bến Cốc lan trên mặt sông mang mang vô tận. Con sông tựa như giật mình phút chốc sau đó lại lặng im trôi, giống như một người hiểu biết tất cả nhưng đang mải mê suy nghĩ, chẳng cần mà cũng chẳng thèm biết xung quanh chộn rộn những gì…” (Chảy đi sông ơi)
Tuy vậy, có lúc đứng trước đống rác cuộc đời, tơi bời ngổn ngang, ô trược, vô nghĩa, nhà văn tỏ ra bất lực: “ Tôi nghĩ về sự đơn giản của ngôn từ/ Sự bất lực của hình thức biểu đạt/ Mà nỗi nhọc nhằn đầy mặt đất/ Sự vô nghĩa trắng trợn đầy mặt đất/ Những số phận hiu hắt đầy mặt đất/ Bao tháng ngày trôi đi/ Bao kiếp người trôi đi/ Sự khéo léo của ngôn từ nào kể lại được/ Ai nhặt cho tôi buổi sáng mai này/ Nhặt được ánh hoang vắng trong mắt em gái tôi/ Nhặt được sợi tóc bạc trên đầu mẹ tôi/ Nhặt được niềm hy vọng hão huyền trong lòng chị dâu tôi/ Và nhặt được vị nghèo nàn trên cánh đồng quê?/ Tôi rốt ráo bắn tỉa từng ý nghĩ/ Tìm cách săn đuổi cho nó vào chuồng/ Và tôi hú gọi trên cánh đồng lòng/ Tru lên như con sói hoang/ Tôi gắng gặt một lượm sống/ Bó buộc lỏng lẻo bởi một giải băng ngôn từ/ Tôi hú gọi trên cánh đồng người/ Tôi nhặt những ánh mắt đời/ Hòng dõi theo ánh mắt tôi/ Dõi vào cõi ý thức/ Cõi ý thức mênh mông xa vời/ Dầu tôi biết vô nghĩa, vô nghĩa mà thôi.” (Thương nhớ đồng quê) .
Có lẽ bởi vậy mà Nguyễn Huy Thiệp chưa cười được. Nhà văn nhắc ta: “ Hãy cười lên!”. Hãy là nụ cười. Nụ cười hàm tiếu nở hoài trên mặt Phật. Nhưng anh lại khóc. Nguyễn Huy Thiệp khóc rất nhiều. Nhân vật khóc. Tác giả khóc. Người xấu khóc. Người tốt khóc. Kẻ giàu khóc. Người nghèo khóc. Bề trên khóc. Người dưới khóc. Quỉ khóc. Ma khóc. Cha khóc. Mẹ khóc. Con khóc. Vợ chồng khóc. Những người yêu nhau khóc. Thánh nữ khóc. Gái đồng trinh khóc. Bé thơ khóc… Tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp nghẹn ngào nước mắt, át cả tiếng thét gào. Mỗi tiếng khóc một chứa chan, đau đớn. Nhà văn Nguyễn Minh Châu khóc tủi, khóc sầu, khóc thảm thê, thê thảm như một nạn nhân… Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khóc những cái chết trắng xóa, khóc những tâm hồn trắng, những cuộc đời trắng, khóc trong nỗi đau thương, trong thê lương, trên quê hương. Anh ngày đêm khản tiếng khóc thầm, khóc trong cái xó tối tăm lương tri ấy. Khóc xuyên hai cõi âm dương, đẫm hồn dân Việt. Mới năm ngoái, tôi đọc một tờ báo Tết, thấy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khóc đau thương. Anh gọi hồn giống nòi, dân tộc, tổ quốc lên mà khóc. Nguyễn Huy Thiệp khóc hay từ trong cõi tâm linh Việt, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du nhập vào linh hồn anh mà khóc? Nhưng Nguyễn Huy Thiệp đã không khóc ở nước Mỹ. Anh biết tìm đến, bám tựa vào một thứ ngôn ngữ thức tỉnh con người, để tự lau khô nước mắt:
“ Tôi biết một thứ ngôn ngữ giản dị như đất/ Thứ ngôn ngữ mộc mạc, thẳng băng/ Tựa như tiếng tù và/ Như tiếng kèn đồng/ Như tiếng chuông vọng…/ Một thứ ngôn ngữ thức tỉnh con người/ Buộc họ soi vào lòng mình, như soi mặt xuống lòng hồ/ Có thứ ngôn ngữ của người anh hùng, của người chính trực/ Nó làm ta bối rối, xúc động/ Ta không trốn được/ Thứ ngôn ngữ không hề phù phiếm, cũng chẳng tân kỳ/ Thứ ngôn ngữ của giống nòi truyền lại/ Thứ ngôn ngữ của lương tri không bao giờ mất…” ( Mưa Nhã Nam)
Tiếng khóc trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp thức tỉnh nhân tính, thức tỉnh lương tri, tình yêu thương, lẽ sống làm người, thức tỉnh sức mạnh tâm linh và trí tuệ, lòng từ bi, bình đẳng, bác ái, dân chủ, tự do, hòa bình, hòa hợp… của giống nòi, dân tộc. Và học theo Những bài học nông thôn , nhà văn kêu gọi chúng ta Thiền:
Hãy dừng lại đi, dừng tất cả
Dẹp mọi âm thanh cuộc sống xô bồ
Dừng một chút
Lắng nghe sự tĩnh lặng tuyệt đối
Sẽ thấy mình bé bỏng thế nào
Ta chỉ là một hạt thiện bé tí
Trong tĩnh lặng thẳm sâu, ta nhìn thấy hạt thiện bé tí ấy là cái tâm, là Phật tính, là linh hồn mỗi người, màu vàng đỏ, bay lên, nó gặp linh hồn tối cao của vũ trụ, hợp thành sức mạnh tâm linh, cho ta trí tuệ, tình yêu thương để tỏa sáng trên đống rác cuộc đời. Văn chương Nguyễn Huy Thiệp thấm đẫm triết lý nhân sinh Phật giáo và ảo diệu sức sống tâm linh. Vì vậy, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp quả cảm tung ngọn bút xông pha, vung vẩy, thăng giáng từ thiên đình xuống hạ giới, đến hang ổ rừng già, gầm trời, xó tối, tổ quỉ, địa ngục, âm phủ… chống chọi với quái vật, tà ma, vương bá… tuy nhiều lần anh bị thương, nhưng lại tự chữa lành, còn chữ nghĩa thì tỏa sáng, vượt khỏi vòng viền Tổ quốc. Và tôi gọi Nguyễn Huy Thiệp- anh là thi sĩ của trần gian. Nguyễn Huy Thiệp- anh là nghệ sĩ lớn của dân gian Việt Nam nghìn năm tụ lại:
” Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê/ Những con đường chúng ta đi qua/ Tất cả đều xám xịt, lầm bụi/ Mỗi cung đường, mỗi vận hạn đều xám xịt, lầm bụi/ Mà vầng trăng kia xa lắc/ Vầng trăng kia lơ lửng trên đầu/ Có đôi mắt nào mở to trong tim ta/ Và mỗi cái chớp mắt đều khiến ta nhói lòng…/ Trăm năm trước cũng thế, trăm năm sau cũng vậy/ Ta phải dấn thân, phải đốt lửa/ Ngọn cờ ta phất lên là giá trị cuộc đời…/ Làm người chỉ một lần, làm người thật khó…” ( Mưa Nhã Nam)
Tôi nay đã làm bà, Trở về bến đợi , im lặng chao mình trong từng con Sóng biếc Hồ Gươm ( tên Tập bút ký của Mai Thục, sẽ xuất bản), tôi vẫn thích nghe nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hát đồng dao. Tôi vui biết bao nhiêu, tôi tươi thắm lại khi nghe tiếng các bạn trẻ thế kỷ XXI cùng Nguyễn Huy Thiệp hát đồng dao ngân nga:
Chảy đi sông ơi/ Băn khoăn làm gì/ Ai sống mãi được/ Em thì nông nổi/ Anh thì mê mải/ Anh đi tìm gì/ Lòng người đen bạc/ Mỹ nhân già đi/ Lời ai than thở/ Cuốn trong gió chiều/ Anh hùng cười gượng/ Nét buồn cô liêu/ Sóng đời đãi hết/ Chảy đi sông ơi/ Cho tôi nhớ lại/ Bên ai một chiều/ Thôi thì thôi vậy/ Yêu người tôi yêu/ Hết rồi nước mắt/ Mưa giăng ngợp chiều/ Thôi thì thôi nhé/ Em thì em bé/ Anh thì hoang vắng… Chảy đi sông ơi/ Băn khoăn làm gì/”