Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







BÔNG HỒNG NGÀY VU LAN



   C on Lượm hốt hoảng choàng tỉnh sau cú đá mạnh vào lưng của mụ Rô. Nó ngồi bật dậy đưa đôi mắt ngái ngủ đỏ hoe, ngơ ngác nhìn quanh. Mụ Rô đang đứng sừng sững chống nạnh, lườm lườm nhìn nó, mặt hậm hực:

-Giờ này còn chưa chịu dậy hả, con nha đầu lười biếng chảy thây?!

“Nha đầu” hay “Tiện tì” là những tiếng mụ Rô vẫn quen gọi Lượm, nghe sặc mùi phim kiếm hiệp Hồng Kông!

Lượm biết thân, vội vàng đứng dậy, đi vào trong.

Mụ Rô lại bàn cầm lên lon sữa bò nhẹ tênh, dốc ngược vào bình sữa cáu bẩn. Một sợi vàng đục mỏng mảnh như sợi chỉ yếu ớt bò ra rồi nhanh chóng đứt quãng, thành từng giọt chậm chạp nhểu xuống một cách khó khăn.

Mụ Rô bực bội, lẩm bẩm câu chửi thề trong miệng. Mụ quăng cái lon rỗng đi, chế nước từ ấm giữ nhiệt vào bình sữa. Nước trong ấm để qua đêm cũng đã nguội lại quá nhiều so với lượng sữa đặc ít ỏi, cho ra thành phẩm lờ lờ như nước dừa. Lưỡng lự nhìn bình sữa, mụ Rô tặc lưỡi, đổ thêm vào hai muỗng sirô rồi vặn núm vú lại, lắc mạnh cho tan đều. Mụ săm săm lại chỗ thằng Lầm. Thằng bé đang xoải tay chân ngủ say sưa, vạt áo tốc lên tận cổ, khoe ra cái bụng ỏng tròn vo.

Đang say ngủ, thằng Lầm cũng cảm nhận được ngay núm vú quen thuộc vừa được mẹ dốc ngược vào miệng. Một cách vô thức, nó giơ cả hai tay ôm lấy bình sữa, mút lấy mút để khi hai mắt vẫn nhắm chặt. Chỉ một loáng, nó lại thõng tay buông rơi cái bình cạn queo xuống, ngủ tiếp. Và nó sẽ dật dờ ngủ mãi trên tay con Lượm cho đến khi thuốc an thần hết tác dụng. Cần nó ngủ yên như thế để con Lượm với xấp vé số trên tay, dễ dàng bồng nó lẽo đẽo trên đường mưu sinh. Thật sự, bán vé số chỉ là vỏ bọc bên ngoài che giấu mục đích chính là ăn xin của Lượm. Nhìn hai đứa trẻ như thế, rất nhiều người nhanh chóng móc tiền ra cho mà chẳng cần nhận lại tờ vé số nào. Tiền lãi từ vé số nhỏ nhoi trong mớ tiền hàng ngày Lượm đem về cho mụ Rô.

Bây giờ thì con Lượm đã rửa mặt, buộc tóc và thay áo tươm tất, sẵn sàng cho một ngày “làm việc” mới. Mụ Rô không cho phép nó bẩn thỉu hay rách rưới để gây khó chịu cho khách khi lại gần họ. Mụ cũng không cho phép chị em nó được ăn no và ăn ngon. Xanh xao, ốm yếu hay quặt quẹo chính là “vốn liếng” đầu tư lòng thương hại của bá tánh.

Con Lượm đeo lên vai cái túi vải nhỏ đựng vé số, rồi cúi ôm xốc thằng Lầm lên, lầm lũi đi ra cửa. Mụ Rô dặn:

-Ghé ngang quán con Chín kêu nó bưng qua cho tao tô bún bò. Nói nó cục giò heo sáng nay cũng nhỏ xíu bằng hột mít như hôm qua là tao úp luôn cái tô lên đầu, ráng chịu à nghen!


***

Yên cẩn thận kiểm lại lần nữa mâm cúng để yên chí không thiếu sót gì. Thông lệ hàng năm cứ đến rằm tháng 7 âm lịch là Yên lại chuẩn bị một mâm, hoặc chay hoặc mặn, cúng các linh hồn không chốn tựa nương, dân gian quen gọi gọn là “cúng cô hồn”. Tập tục ấy, Yên kế thừa từ ông bà rồi cha mẹ truyền lại thành nếp mà nếu không làm tròn, lòng chị áy náy không yên. Hai năm nay, sau khi đứa con gái 5 tuổi độc nhất của Yên qua đời, mâm cúng ấy có thêm hộp sữa, gói bánh và vài thứ đồ chơi. Một cách Yên nhớ đến các sinh linh bé bỏng như đứa con gái vắn số của chị.

Mâm “cúng cô hồn” trước kia vẫn theo luật “bất thành văn”: tàn nén hương, chủ nhà không giữ lại gì mà phải để trẻ con tự do vào “cướp” bằng hết. Nhưng sau này đã biến tướng nhiều: có cả một số người lớn tranh phần, buồn thay nếu đó lại là thanh niên lưng dài vai rộng. Thậm chí có nơi, gia chủ vừa đặt mâm cúng xuống sân, đám đông chờ “cướp cô hồn” canh sẵn từ bao giờ lập tức xô đẩy nhau lao vào đoạt lấy bất cứ thứ gì có thể vơ được trong tay. Chỉ vài tích tắc là mâm sạch bách trước đôi mắt bất bình và bất lực của chủ nhà. Có người phải mau chóng dọn mâm khác bù lại, để rồi tiếp tục bất bình và bất lực lần nữa. Ngay cả khi có cổng sắt kiên cố thì đám đông vẫn tìm cách leo rào, thậm chí xô đổ để tràn vào sân bằng được.

Muốn tránh cảnh ấy, có lẽ gia chủ chỉ còn cách đem vào cúng trong nhà đóng kín cửa của mình. Nhưng thông lệ “cúng cô hồn” xưa nay, chẳng ai làm thế cả. Phải cúng ngoài trời, và nếu là ngày xưa, còn đem ra đường dưới các gốc đa, gốc đề nữa.

Mọi chuyện lâu dần cũng thành quen tay quen mắt, sau này cũng chẳng ai buồn kêu ca, tức giận hay chửi mắng nữa. Kêu ca nhiều mỏi miệng, tức giận lắm đau tim, còn chửi mắng mãi thất đức, chứ ích gì?

Năm nay, mâm cúng của Yên toàn món chay do chính tay chị chế biến. Và trong số đồ chơi linh tinh, nổi bật một búp bê mặc váy công chúa.

Yên đưa mắt nhìn, thấy chung quanh có khá nhiều trẻ đứng chờ, chúng đang chỉ trò bàn tán với nhau về con búp bê xinh đẹp. Yên nhận ra ngay chị em Lượm lọt thỏm giữa đám đông háo hức ấy. Cũng như mọi ngày, thằng Lầm đang ngoẹo đầu ngủ li bì trên vai chị nó. Thằng bé đã ba tuổi mà răng chưa mọc đủ, không biết nói cũng chẳng biết đi, ốm yếu quắt queo như một con mèo, vậy mà bồng nó, con Lượm phải vẹo cong sườn như thể sắp bị bẻ người ra làm đôi. Vốn con bé cũng gầy trơ xương, người dài nhẳng như tấm giẻ.

Yên biết chị em Lượm đã lâu. Mái hiên nhà Yên và ngôi chùa nhỏ hiền hòa ở con hẻm cuối đường là hai địa điểm chị em Lượm vẫn ngồi nghỉ mỗi trưa nắng gắt. Ngồi trong sân chùa, Lượm cảm nhận sự êm ả bình an rất dễ chịu, còn hiên nhà Yên có giàn sử quân tử xanh um, quanh năm nở rộ những cụm hoa màu đỏ hồng rất đẹp. Đặt Lầm nằm trên thềm gạch mát lạnh, Lượm ngồi tựa lưng vào tường, ngửa cổ ngắm từng chùm hoa thả xuống đong đưa, trước khi lơ mơ đi vào giấc ngủ chập chờn ngắn ngủi.

Yên ước lượng Lượm trạc tuổi con gái mình nên hay cho tiền và đem bánh cho ăn. Nhưng chẳng lần nào Lượm ăn thứ gì của chị cả. Mẹ nó như trái thơm trăm mắt, nằm nhà vẫn nhìn thấu hành động ngoài đường của nó. Nó dại gì ăn vài cái bánh để tối về phải hứng trận đòn no?

Lượm chỉ dám mạnh dạn đón nhận tình cảm của Yên. Dần dà, hai bên trở nên thân thiện, con bé đã cởi mở kể cho Yên nghe nhiều chuyện nhà nó.

Khi đó Yên mới biết con Lượm đã gần mười tuổi chứ không phải mới lên năm như con gái chị. Biết thằng Lầm luôn ngủ li bì là do bị mẹ cho uống sirô an thần. Biết bất cứ quà bánh ai cho, Lượm phải từ chối hoặc đem về chứ không được tự tiện ăn. Biết những vết bầm thường xuyên trên người Lượm là mẹ nó ban phát. Lượm tính hậu đậu lại quên trước quên sau, làm việc gì cũng chẳng nên thân, không bao giờ làm mẹ nó hài lòng.

Tối tối, người trong dãy nhà trọ thường xuyên nghe tiếng mụ Rô nhem nhẻm chửi. Chửi vung vít, tràn lan. Chửi từ lũ chủ nợ “mặt sắt đen sì” sang đám bạn bè vong ân bội nghĩa, đến hai đứa con như hai cục nợ đời và hai gã đàn ông là nguyên nhân cho mụ “sản xuất” ra hai cục nợ đời ấy.

Hết người để chửi rồi thì mụ Rô dẻo miệng xoay ra chửi luôn trời đất bất công, chửi số kiếp “đen như mõm chó” của mụ. Chửi chán thì… khóc. Khóc dai dẳng. Khóc đau đớn. Thảm thiết như khóc cha chết mẹ chết, mà có khi cha mẹ chết cũng chưa thảm thiết được đến vậy!

Đôi lần, Lượm nghe hàng xóm nói lén với nhau: mụ Rô “có máu điên” nên tính tình nóng nảy, vui giận thất thường. Cười đó khóc đó, sáng nắng chiều mưa. Không ít lần vừa nặng tay với con xong, mụ đã hối hận ngay, lại nhẹ nhàng với chúng. Hai đứa con vừa là “cục nợ đời” vừa là “gia tài của mẹ”!

Chuyện Lượm bị đòn như cơm bữa đến nỗi nó như mất cảm giác… biết đau, càng ngày càng chai sạn, trơ trơ. Đôi khi Lượm còn ngoẹo cổ, lệch đôi mắt ráo hoảnh nhìn mẹ trong cơn kích động, chỉ thấy ngạc nhiên và tò mò. Ngay thằng Lầm thỉnh thoảng vẫn bị mụ Rô phát đôm đốp vào lưng, huống hồ nó? Dường như mụ chỉ quan tâm Lượm đem tiền về nhiều hay ít, ngoài ra mụ dửng dưng với tất cả. Thể xác bệnh hoạn triền miên thêm tâm sinh lý rối loạn khiến mụ ngày một bạc nhược, cộc cằn, vô cảm khó gần.

Dĩ nhiên với người mẹ như thế, tình cảm đứa con như Lượm tránh sao khỏi ảnh hưởng nặng nề. Đôi lúc nó rất chán chường và ngầm oán hận mẹ. Mỗi lần xem cải lương từ Tivi nhà hàng xóm diễn tả tình thương, sự hy sinh cao cả của một người làm mẹ, Lượm vẫn bĩu môi cho là chuyện xạo, giả dối, thậm vô lý! “Tấm lòng của biển” ở nơi đâu không biết chứ chị em nó chỉ nhìn thấy một vũng ao tù đục ngầu rác rến.

Những lời Lượm kể, thoạt đầu cũng làm Yên nghi ngờ, nghĩ nó được người lớn dạy thuộc lòng kịch bản bi đát để khơi gợi từ tâm thiên hạ. Nhưng nhìn sâu vào đôi mắt trong veo của con bé thì Yên tin ngay. Chị xót xa thương nó, đến quặn lòng, đến ứa nước mắt, ước gì có thể nhận nó về nuôi cho nó cuộc sống an bình, đầy đủ hơn.


***

Gần đây, vô tình nghe được câu chuyện giữa mụ Rô và một người bạn cũ lâu ngày gặp lại, Lượm mới hiểu đôi phần chuyện đời của mẹ, lòng nó dậy lên nỗi ngậm ngùi thương xót.

Ngày còn trẻ, mẹ Lượm làm nghề đẻ thuê cho những cặp vợ chồng không thể sinh đẻ theo cách tự nhiên. Cô gái đẻ thuê trẻ trung trắng da dài tóc, sinh đứa bé nào cũng đẹp như tranh vẽ nên đắt khách và cao giá hơn chị em khác.

Lượm ra đời sau sự cố đẻ thuê như thế. Mẹ nó mang thai đã hơn bảy tháng thì cặp vợ chồng thuê đẻ đột ngột kéo nhau ra tòa ly hôn. Họ quăng cho người đẻ thuê một gói tiền rồi bỏ đi đâu biệt tích, chẳng đoái hoài đứa bé gái chưa rõ mặt. Mụ Rô đặt cho đứa con ngoài ý muốn tên Lượm như khẳng định vừa nhặt nó từ bãi rác nào về chứ không phải đã tự nguyện sản sinh ra nó.

Còn thằng Lầm là hậu quả lần đẻ thuê cuối cùng. Cặp vợ chồng thuê đẻ này không ly hôn nhưng người chồng thình lình bị tai nạn chấn thương tủy sống, thành bán thân bất toại. Phải đưa chồng sang Singapore chữa trị lâu dài, vô cùng tốn kém, người vợ còn tâm trí nào quan tâm đến một bào thai? Đứa con bất đắc dĩ được mụ Rô đặt tên Lầm để ghi dấu cho một sai lầm bất đắc dĩ!

Lần đẻ thuê cuối cùng đó, mụ Rô bị tai biến sản khoa suýt chết, phải cắt bỏ dạ con. Rồi thêm nhiều bệnh tật khác khiến mụ lây lất hàng năm, sức khỏe bị bào mòn cạn kiệt. Cũng từ đấy, Lượm phải vừa chăm em vừa đi bán vé số.

Cuộc sống khốn khó cùng bệnh tật đày ải nên mụ Rô ngày càng trái tính trái nết. Hai đứa con đáng thương trở thành nạn nhân đầu tiên hứng chịu mọi khắc nghiệt từ mẹ trút xuống.


***

Lúc này đây, Yên đọc thấy một thèm muốn trong mắt con Lượm đang hau háu vào mâm cúng trước sân nhà của chị. Yên biết nếu không dành ưu tiên cho Lượm thì nó khó tranh giành nổi với lũ trẻ to lớn hơn nó và đang rất hăm hở kia. Có khi Lượm còn bị xô ngã, đè cho bẹp ruột!

Nghĩ thế, Yên vẫy con bé lại gần, thì thầm hỏi:

-Con thích gì, để cô cất riêng cho?

Thấy Lượm chỉ ngây mặt nhìn, Yên gật đầu mỉm cười, ngầm khuyến khích nó:

-Con thấy búp bê kia có đẹp không? Đem nó về chơi, nhé?

Lượm lắc đầu, không nói.

Yên kiên nhẫn gợi ý:

-Hay con thích bánh?... Cũng không à?... Thế con muốn lấy món ăn nào?

Con Lượm vẫn lắc đầu khiến Yên càng ngạc nhiên, không hiểu nó muốn gì. Rụt rè mãi, con bé mới chỉ tay vào lọ hoa tươi, lí nhí:

-Cô cho con… hai bông hoa màu hồng… kia kìa…

Yên hơi bất ngờ, quay nhìn lọ hoa rồi lại nhìn Lượm:

-Con lấy hoa làm gì thế?

Lượm bậm môi, liếc mắt nhìn quanh, bộ dáng nửa sợ sệt nửa ngượng ngùng. Yên thấy không cần thiết phải căn vặn nữa, chị chiều theo ý nó.

Cầm hai đóa hoa còn đọng nước, Lượm hớn hở, mặt tươi lên. Nó nhanh chóng bồng em lếch thếch chạy xa xa mới ngoái đầu nhìn lại, thấy Yên đã vào nhà đóng cửa rồi, bỏ mâm cúng ngoài sân cho lũ trẻ tự do tranh cướp.

Đặt thằng Lầm xuống vỉa hè, con Lượm cầm hai bông hoa một cách thật nâng niu, say sưa ngắm nghía hồi lâu. Đoạn, nó khẽ khàng lần lượt cài hoa lên áo hai chị em, rất trịnh trọng như đang thực hành một nghi lễ thiêng liêng.

Rằm tháng bảy năm ngoái, Lượm đã nhìn thấy người ta làm như thế ở cổng chùa. Hôm ấy, ai đến chùa cũng đều được cài một bông hoa lên ngực. Có người nhận hoa màu hồng, có người nhận hoa màu trắng. Lúc ấy, Lượm không hiểu tại sao.

Mãi đến tuần trước đây, Lượm mới nghe sư cô trong chùa giải thích: Rằm tháng bảy là đại lễ Vu Lan có tục bông hồng cài áo. Ai đang còn mẹ sẽ được cài hoa màu hồng, ai đã mất mẹ phải cài hoa màu trắng.

Hiểu ý nghĩa nghi thức ấy rồi, Lượm thấy thú vị và cảm động quá. Nó định bụng đến lễ Vu Lan sẽ đem thằng Lầm đến chùa thật sớm để cũng được nhận một bông hoa như vậy.

Tiếc thay, năm nay do dịch COVID 19 diễn biến phức tạp, ngôi chùa thân quen của nó phải thực hành giãn cách phòng bệnh, không tổ chức nghi thức này.

Dù thế nào, Lượm vẫn khát khao nhận từ một ai đó hai đóa hoa màu hồng, để nó và thằng Lầm được một lần cài lên ngực áo.



.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ SàiGòn .