Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




KỶ NIỆM VỀ BÀI THƠ ĐƯỜNG LUẬT ĐẦU TAY



        

L à hội viên Bộ môn Nghiên cứu phê bình Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, tôi viết chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình, còn các bộ môn khác, nhất là thơ, tôi là người “ngoại đạo”.

Lần về quê, được mời dự buổi bình thơ của Câu lạc bộ thơ Đường, toàn các bậc cha chú. Các cụ yêu cầu tôi phê bình để các cụ tham khảo. Tôi bốc lên, chỉ ra hàng loạt lỗi trong thơ các cụ như điệp ý, đối không chỉnh, bình đầu, tịnh cước, mạ đề… lại còn lấy một bài đã được giải cao trong cuộc thi thơ Đường cấp quốc gia ra “chê bai”. Một số cụ tự ái, nhưng không bắt bẻ được, bèn nói với nhau cố ý cho tôi nghe thấy: “Nói thì hay lắm, có làm được đếch bài thơ Đường nào đâu!”.

Tôi vờ như không nghe thấy, nhưng trong bụng khó chịu lắm. Cái món thơ luật Đường này rất khó làm, vì nó đòi hỏi niêm luật khắt khe, gò bó. Phê bình thì có thể học, chứ làm thơ phải có năng khiếu. Biết vậy, vẫn bụng bảo dạ: Thử làm một bài xem thế nào, nếu được thì khoe với các cụ...

Một đêm tháng năm, nửa khuya chợt tỉnh, bắt gặp ánh trăng vằng vặc soi cửa sổ, cảm hứng dâng trào, bèn rót rượu nhâm nhi, lời thơ tự bật ra không kìm lại được. Nhưng không biết đặt tên là gì, đành gọi “Vô đề”.

VÔ ĐỀ

Nửa đêm thức giấc ngỡ mình mơ
Một khoảng trời vuông đẹp sững sờ
Dát bạc không gian vầng nguyệt tỏ
Lung linh nền sẫm giọt sao mờ
Thiên nhiên cảnh sắc như tranh vẽ
Cuộc sống muôn màu tựa áng thơ
Lúng liếng hằng nga trong đáy chén
Rượu tình chửa uống đã lơ ngơ.

Sáng sớm đến ngay tòa soạn Tạp chí Văn Nhân, hăm hở nộp bài cho Tổng biên tập. Tổng biên tập dội cho “gáo nước lạnh”:

- Ông làm nghiên cứu, viết thơ làm gì. Để tạp chí đăng thơ cho hội viên bộ môn thơ…

- Ô hay! Các ông bộ môn thơ cũng vẫn viết phê bình đấy thôi!

- Thôi được. Để tôi xem sau!

Qua ba kì Văn Nhân, không thấy bài được đăng, tôi chất vấn Tổng biên tập:

- Xin Tổng biên tập cho biết bài thơ của tôi niêm luật có đạt không, có dùng được không?

Tổng biên tập:

- Ông nói bài gì nhỉ?

- Bài “Vô đề” tôi gửi chín tháng trước, ông bảo để ông xem sau…

- À… Để tôi tìm… Đây rồi… xem nào… Thơ ông mòn sáo quá… Ông viết “trời vuông” là thế nào? Trời sao lại “vuông” được?

Tôi thất vọng:

- Thôi tôi về. Đăng hay không tùy ông!

Tôi cứ băn khoăn, “văn mình vợ người”, mình tự đánh giá thơ mình thường chỉ thấy hay, không thấy dở. Tổng biên tập là nhà thơ chính hiệu, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã phán như thế…

Đưa bài thơ cho thằng cháu ngoại đang học lớp tám, bảo đọc và nói cho ông biết cháu hiểu thế nào, tại sao trời lại vuông? Thằng cháu đọc xong, nói luôn:

- “Nửa đêm tác giả tỉnh giấc thấy trăng soi qua cửa sổ cảm hứng viết thành thơ. Hai câu đầu vào đề, cho ta biết khái quát một cảnh thiên nhiên đẹp. Hai câu tiếp tả cái đẹp cụ thể, chi tiết. Hai câu 5 và 6 liên hệ với cuộc sống. Hai câu kết tóm lại tình yêu thiên nhiên…”

- Nhưng sao lại là “trời vuông”?

- Nửa đêm tỉnh giấc thì tác giả đang nằm ở trên giường, đúng không ạ? Tác giả thấy khoảng trời trăng, sao qua cửa sổ, đúng không ạ? Cửa sổ thường hình chữ nhật đứng, nằm dưới nhìn lên thấy nó vuông, đúng không ạ? Mà ở đây là sáng tác nên cái cửa sổ ấy nó vuông có sao đâu, đúng không ạ? Nhìn trời qua cửa sổ vuông thì chỉ thấy “một khoảng trời vuông” chứ thấy sao được trời tròn. Đúng không ạ?

Nghe thằng cháu ngoại cứ luôn mồm “Đúng không ạ?” mà nở ruột nở gan, thấy cái giọng nói, câu hỏi của nó sao mà đáng yêu đến thế.

Khi tôi đã quên chuyện Tổng biên tập không chịu đăng bài thơ của mình thì bất ngờ Văn Nhân (số 62 năm 2008 trang 31) lại trương bài “Vô đề” của tôi lên…




. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ Nam Định .