Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






BÍ MẬT TRÊN CÂY KƠ-NIA



  L âm Xích năm nay tròn sáu mươi tuổi. Bắp tay vẫn cuồn cuộn, da vẫn ánh màu đồng mun. Từ năm ông được cử làm già làng, việc chung việc riêng như lông con nhím. Người Tà Mun ruộng đất đã ít, cái ăn lại nhiều. Một năm mà ăn Tết ba lần. Tết chính Sannuco Khamun của người Tà Mun vào đầu tháng chín dương lịch, rậm rịch thịt bánh, bông trái ba bốn ngày. Tới cuối năm âm lịch, ăn Tết nguyên đán với người Kinh, lại heo bò, gạo, đậu cả tuần. Tới tháng tư dương lịch, ăn Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây với người Khơ- Me. Tiền bạc đâu lo cho thấu hở trời. Đám thanh niên đi nhổ mì thuê, được đồng nào là ăn nhậu láng trời ông địa. Đám phụ nữ thích đẻ mấy đứa con thì đẻ, không quan tâm sẽ lấy gì nuôi chúng. Ông Lâm Xích suốt ngày ở trần, phơi tấm lưng đỏ au đi khắp làng khuyên nhủ. Dân làng có người nghe, có người ừ ừ, dạ dạ rồi nhậu ba hột vô là quên liền.

Nghe đâu Chính phủ sắp công nhận người Tà Mun là dân tộc thứ năm lăm của Việt Nam. Mừng dữ! Phải vậy chớ. Giấy tờ của bất kỳ ai trong làng, phần dân tộc họ đều khai là “Tà Mun”, vậy mà có khi người ta nhầm dân Tà Mun là tộc Khơ- me, lại có khi nhầm là tộc S’tiêng. Buồn thúi ruột. Ông Lâm Xích muốn tổ chức một bữa tiệc nhỏ mời bà con trong làng để nói kỹ về tin vui nầy, nhưng trong nhà không có gì. Mấy công mì chưa tới kỳ nhổ. Cặp bò vừa mua nhờ vay quỹ người nghèo, dứt khoát không được bán. Trưa nay về nhà ăn cơm, con Hoa ngồi cười ngơ ngẩn trước hiên, hỏi cha.

- Cho lấy chồng đi cha!

- Từ từ rồi tính, còn nhỏ xíu mà chồng con gì!

- Hổng có nhỏ nghen cha. Hai bốn rồi đó. Bằng tuổi người yêu bộ đội rồi đó.

Nghe con gái nhắc đến người yêu bộ đội của nó, Lâm Xích chợt nhớ tới cây Kơ-nia cổ thụ ở cuối vườn. Vựa gỗ Năm Phát đặt giá hai chục triệu, nhưng ông chưa muốn bán. Cây Kơ-nia thân ba người ôm chưa hết, cao mười mấy mét, cành lá xanh tỏa mát quanh năm. Cây có từ ba, bốn chục năm trước, khi Lâm Xích còn nhỏ xíu theo cha mẹ về ấp Suối Vàng khai hoang lập nghiệp. Hồi đó cây Kơ-nia mới lớn bằng chiếc thùng gánh nước. Cha ông phát quang gần mẫu rừng để trỉa bắp, chừa lại gốc cây để có chỗ trú nắng. Năm “bảy tám”, chiến tranh biên giới ì đùng tới khu rẫy, gia đình ông chạy tuốt về vùng giáp thị xã tránh bom pháo. Khi trở về, nhà cửa cháy hết, vườn rẫy tan hoang, chỉ còn cây Kơ-nia sừng sững. Bây giờ bán cây Kơ-nia, có tiền mua con heo làm tiệc đãi làng, còn dư thì dựng thêm cái mái tol đằng trước làm quán sửa chữa xe đạp cho người lớn, con nít.

Lâm Thị Hoa là con gái út trong bầy con bốn đứa của Lâm Xích. Ba thằng anh đều đã có vợ, đều được chia một khoảnh đất vườn để cất nhà, trồng mì. Vợ chồng ông và cô út ở lại trên mảnh vường bốn công đất có cây Kơ- nia. Hoa năm mười bảy tuổi tỏa sáng tựa bông hồng đen. Da ngăm ngăm, tóc xoăn dài, đôi mắt mở to rực rỡ, thân thể căng mọng như trái vú sữa. Đám trai làng đêm nào cũng kéo đến đầy nhà, nhậu nhẹt, ca hát. Bỗng dưng Hoa từ chối tiếp các bạn trai. Cô vẫn làm lụng phụ cha mẹ, nhưng đêm về, chong đèn ngồi một mình, viết hết lá thư này tới lá thư khác, vo tròn một đống vứt trong phòng ngủ. Hỏi viết thư cho ai? Cô nói viết thư cho người yêu. Người yêu ở đâu? Bộ đội! Tưởng là chuyện tâm sinh lý con gái mới lớn, chẳng ai chú ý. Ai ngờ năm sau Hoa có biểu hiện lạ hơn. Lúc thì ngồi hát một mình, khi bất chợt khóc ào ào. Có lúc cô đòi cưới chồng. Gần đây hay ra ngồi thơ thẩn dưới gốc cây Kơ-nia, gấp cào cào bằng lá dừa, may vá quần áo cũ.

Thạch Kim, lão già Khơ-me hay bẫy chim cu, chiều đó ghé nhà Lâm Xích cho hai con chim mập ù.

- Nấu cháo ăn cho khỏe người. Con út bệnh, chắc không ai phụ vườn rẫy.

- Buồn hết nói luôn lão à! Con gái tui sao lúc tỉnh lúc khùng. Chịu hết nổi.

- Hay nó bị ma ám? Làm lễ ra miếu ông Tà cúng đi.

Lâm Xích vốn không tin ma quỷ, chỉ tin có ông trời và các thần. Con Hoa sanh ra đã thông mình xinh đẹp, có làm gì quấy mà ma ám. Nhưng bà Bảy bánh ú người Kinh thì lại nói khác:

- Chắc cháu nó bị người âm theo đó. Bữa nào tui chỉ đường đón ông thầy pháp trên Khe Dol về làm lễ cắt duyên âm là hết thôi.

Chẳng tin thì cũng phải cúng. Biết đâu con gái khỏi bịnh thì phước cho vợ chồng mình. Lâm Xích giết thịt con dê trắng, kết một mâm bông trái rực rỡ đem ra miếu ông Tà. Nhóm hành lễ gồm bảy người, bốn phụ nữ, ba nam giới, xì xụp khấn lạy hết cả buổi. Lâm Thị Hoa cũng nhập vào chiếu cúng, mặt mũi sáng ngời, khấn vái rành rẽ. Chiều nó vác cuốc rãy cỏ mì với mẹ, chuyện trò rủ rỉ rằng, thằng cu Beo nhà anh Hai đi học mẫu giáo, cái gì cũng biết. Hôm qua nó ngồi hát cho cô Út nghe bài “Con mèo đi học”, dễ thương ghê đi.

- Rồi mày cưới chồng đi, có con nít cho vui.

- Thôi! Con đã ưng được người nào đâu. Mấy đứa trai hay nhậu, con không ưa.

Lâm Xích mừng con mình đã khỏi bệnh. Trưa hôm sau, đi cột bò về, ông chưng hửng thấy Hoa lại ngồi dưới bóng cây Kơ- nia xếp cào cào bằng lá dừa.

Bà Bảy bánh ú ngồi xe ôm lên Khe Dol đón thầy pháp cho Lâm Xích. Ông đưa cho bà Bảy một trăm ngàn lo xăng xe, bả không nhận. Bà thương Hoa như con gái. Nếu nó khỏi bệnh, bà Bảy sang xin cưới về cho thằng Năm đang làm công nhân bên Bình Dương. Ông thầy pháp có chùm râu đen quặp dưới cằm, nhìn mắc cười giông giống con dê đực nhà Lâm Xích. Ông thầy hối nấu chè, xôi, bày ra mỗi thứ mười hai chén. Con gà trống “còn trinh” tức là chưa biết đạp mái, luộc chín bày trên dĩa. Bảy ly rượu, chín ly nước trắng bày vòng cung. Thầy pháp ngồi trên chiếu, thành kính châm nhang dâng ngang mặt, chiếc khăn đỏ bỗng phảy qua bên trái. Ô…ô…ô! A…a…a!. Khăn đỏ đập qua bên phải, trúng một con ruồi đang xà xuống mâm chè. Con ruồi rớt xuống chiếu, khua khoắng mấy cái chân lông lá rồi nằm im. Chiếc khăn phẩy lên cao, ngay trước mặt. Thầy pháp ngước mắt nhìn theo, cầm chùm nhang cháy đỏ vẽ lia lịa vào không trung.

Bà Bảy ngồi chầu rìa, há mồm ra coi, bỗng cười lên khanh khách. Miếng vải đỏ của thầy pháp nhanh chóng trùm lên đầu bà Bảy, làm bà lắc lư muốn té ngửa. Tiếng cười lại bật lên, trọ trẹ:

- Mình thậy em gái ni dệ thương thì chơi cùng thôi.

Thầy pháp chỉ cây nhang đỏ vào bà Bảy hỏi:

- Vong hồn ở nơi nào?

- Mình là lịnh, đánh nhau mại ở đây mà!

- Anh lính tên gì?

- Trần Văn Đức! Quê Thanh Chương, Nghệ An

Lâm Xích nín cười nhìn bà Bảy bánh ú. Bà lại tính cho tụi tui ăn bánh ú ế nhệ đây. Lại còn giả giọng trọ trẹ người này người kia.

- Mình hai bốn tuổi. Ở đây mấy chục năm rồi. Còn cại chân của mình vận trên cây Kơ-nia góc vườn đó tề.

Hoa ngồi xổm, hai tay chống má nhìn chăm chăm vô mảnh vải đỏ trên đầu bà Bảy. Rồi cô mạnh dạn nắm tay bà lắc lắc.

- Anh lính! Có nhận được mấy con cào cào em gởi không?

Bà Bảy bánh ú ngã vật ra, thở phì phì. Cô út cũng vỗ tay cười khanh khách, rồi tới ông Lâm Xích cũng khùng khục trong họng. Thầy pháp nghiêm nét mặt:

- Cô này bị vong hồn người lính nào đó theo rồi. Để tui làm đạo bùa ếm trong người con gái.

Lâm Xích lột chiếc áo trên người, ở trần. Nóng nực thấy bà cố nội. Ngồi cúng chút nữa chắc ông cũng khùng theo con út.

- Thôi ông thầy! Khỏi bùa ngải chi hết. Toàn chuyện tào lao.

Ông đưa cho thầy pháp năm chục ngàn, gói luôn cho ổng con gà trống luộc. Thầy pháp gườm gườm nhìn gia chủ, ra ý “ không tin thì đừng có trách”, nhưng ông vẫn nhận tiền và lễ phẩm bỏ vô cái giỏ bàng, phủi đít đi ra. Bà Bảy chạy theo, kêu xe ôm.

Ông Hai Bình, trưởng Trạm y tế xã đi kiểm tra chiến dịch phun thuốc, ngâm mùng chống muỗi, khi ghé nhà Lâm Xích uống nước, có hỏi thăm Lâm Thị Hoa học lớp mấy. Nếu học hết mười hai thì cho đi học Trung cấp y tế của tỉnh, nhà trường ưu tiên con em dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa. Lâm Xích mừng húm. Con Hoa nhà này có bằng tốt nghiệp mười hai rồi, đã đi thi Đại học xã hội khoa học-nhân văn mà không đậu.

- Ôi! Mà con gái tui đang mắc bệnh chi lạ lắm, khùng khùng mát mát…

- Thanh niên học nhiều, suy nghĩ nhiều đôi khi đầu óc nó tưng vậy đó. Để tôi cho cái giấy giới thiệu xuống bệnh viện tâm thần khám coi.

Ông Hai Bình nói nghe lọt lỗ tai. Có bệnh viện sao không đi khám, cũng kiếng hoài, hao tiền bạc. Nhưng tới bệnh viện tâm thần, bác sĩ nói con Hoa khỏe mạnh, chẳng có bệnh tật chi hết, nếu nó mệt mỏi thì bổ sung vi ta min C. Bẵng đi thời gian sau, con Hoa không khùng nữa, còn tham gia với đoàn thanh niên mở lớp dạy chữ miễn phí cho trẻ em nghèo.

Bữa nay thấy con gái ngơ ngẩn trước hiên, lại đòi cưới chồng, ông Lâm Xích lo lắng bệnh cũ tái phát. Hay là ít bữa, khi mời làng vui tiệc, coi thằng con trai nào ngoan ngoãn, siêng việc, mình chấm làm rể. Chừng nào lo đủ tiền vàng, gạo thịt thì cho nó cưới chồng. Người Tà Mun con cái theo họ mẹ, nên ráng mà lo chồng cho con. Biết đâu có chồng con Hoa khỏe lại.

Lâm Xích kêu vựa cây Năm Phát, chịu bán cây Kơ- nia hai chục triệu. Thằng chủ lè phè chiếc quần lửng ôm cái bụng nước lèo, lắc đầu.

- Trước kêu bán không chịu. Giờ hết muốn mua rồi.

Ngó mặt thấy ghét. Buôn bán giống gì muốn chửi nhau quá. Nhưng Lâm Xích là già làng, không muốn hạ mình cãi lộn với thằng buôn cây. Tuần sau, có người trên thị xã chạy xe hơi xuống tìm Lâm Xích.

- Nghe nói già làng có cây Kơ- nia muốn bán hả?

- Ờ! Nhưng thằng Năm Phát lại không mua nữa.

- Cho tui coi chút được không?

Lâm Xích đưa khách ra góc vườn. Thấy cây Kơ-nia cao vút, lại có ba cành xòe tán bên trên, khách nói:

- Tui trả bác ba mươi triệu, với điệu kiện là đào nguyên bộ rễ lên. Được hông?

Lâm Xích nhẩm tính. Gốc cây nầy, bảy thằng thanh niên đào một tuần thì xong. Công đào hai trăm ngàn một ngày. Một ngày triệu tư, bảy ngày chín triệu tám, vẫn còn hơn hai mươi triệu. Được!

Rễ cây Kơ-nia dài nhưng không sâu, mấy thằng thanh niên đào năm ngày thì xong. Rễ bị bật hết, nhưng gốc cây to gần bằng gian nhà vẫn đứng sừng sững, phải thuê chiếc xe cạp đất tới, cột cáp lên chãng ba, kéo. Cây Kơ- nia như lão khổng lồ từ từ ngả lưng xuống đất, chỉ nghe phà một tiếng như làn gió lớn, không đổ rầm rầm như những cây khác.

Đoạn gốc cắt chừa lại nửa mét, nghe nói sau này người ta sẽ đục thành chiếc bàn giả gỗ lũa, có đủ long, li quy, phượng. Bộ rễ này qúa đẹp. Thân cây cắt được ba đoạn dài bốn mét, đoạn nào đoạn nấy to sầm như con voi, chắc phải ba chuyến xe tải mới chở nổi. Đám thợ cưa mất nguyên buổi sáng mới xong được khúc thân cây. Ba chãng cây với đám cành lá để lại buổi chiều. Tiếng cưa gầm rú bỗng tắt ngúm, đàn chim lao xao trở về, ngơ ngác vì không thấy bóng cây cao. Chúng chuyện qua những cành cây đã nằm xuống, lích chích hỏi nhau tại sao cây đổ. Nhóm thợ cây đã cơm nước xong, ba chiếc cửa máy đồng loạt rú lên ằng ặc, xả khói mù mịt, những cành cây to nhỏ gục xuống răng rắc. Lưỡi cưa chạm chạc cây thứ nhất, cậu thanh niên kêu toáng lên khi thấy một đầu tóc xoăn nhô lên khỏi đám cành lá. Mọi người nhao nhao tới, thấy Lâm Thị Hoa ngồi ngủ dựa đầu vào cành cây, trong tay còn ôm mấy con cào cào bằng lá dừa.

- Trời ơi! Sao chui vô đây mà ngủ hở con. Mém nữa cưa cắt cụt đầu rồi.

Nghe cha la lối, Hoa chỉ cười, đầu tóc xõa vàng như rơm trong nắng.

- Anh lính đâu cha?

- Lính nào?

- Mới gấp cào cào với con đây mà!

Trong bụng Lâm Xích đau nhói. Nó lại lên cơn khùng rồi. Má nó ơi! Cho con nước sâm lạnh đi.

Tiếng cưa lại ngưng đột ngột, thằng thanh niên cao lớn nhảy nhoáng nhoàng trở lui khỏi chãng ba cây.

- Chi vậy? Rắn hay ong?

- Má ơi! Có cái cẳng chân người ta.

- Hả!?

Ông Lâm Xích kéo mấy cành cây nhỏ cho rộng chỗ, bước vô. Chỗ chạc ba cây, hai khúc xương chân nằm gấp khúc, nửa ống xương đùi và hai ống chân, xương bàn chân nằm trong cái đế giày cao su có khía dọc chạy vòng quanh. Căn cứ vào cái đế giày, đây là xương của một chiến sĩ nào đó hi sinh hoặc bị thương tại đây. Có thể miểng bom hay pháo nổ gần ném cái cẳng chân lên cây. Ông Lâm Xích bỗng toát mồ hôi lạnh trên tấm lưng trần. Lẽ nào bà Bảy bánh ú biết rõ vụ nầy. Được kêu tới hiện trường, bà Bảy bánh ú cũng ú ớ không hiểu gì hết. Bữa cúng trong nhà Lâm Xích, bà có nhớ mình nói gì đâu.

Ông Lâm Xích mua một một con heo, nấu hai chục kí gạo nếp làm xôi, làm lễ mời bà con trong làng. Buổi lễ không phải thông báo tin người Tà Mun sắp được nhà nước công nhận là dân tộc thứ năm mươi lăm, mà là tổ chức đưa di cốt của người lính ra nghĩa trang liệt sĩ. Bà Bảy bánh ú không biết đã đành, ông Lâm Xích, con gái Hoa …cũng không nhớ lúc đó vong hồn nói họ tên gì. Ông mua một chiếc tiểu sành, gói hai khúc xương bằng tấm vải đỏ rồi bỏ vô, đem chôn cất. Ngôi mộ không phải vô danh nhưng cũng không hữu danh. Lâm Xích bảo con Hoa viết sơn xanh lên mộ bia dòng chữ. “Liệt sĩ trên cây Kơ- Nia”.

  Tháng 6 năm 2016