Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









MẸ TÔI





    T rong các trang sách và báo trước đây, tôi đã viết về mẹ tôi. Nhưng bây giờ tôi thấy vẫn còn thiếu một hai mảng kỷ niệm về người trong cuộc đời tôi, mặt khác những gì đã viết là những mảng văn rời rạc, trong bút ký một mảng, trong tâm bút hay trong tùy bút một mảng khác. Nếu cứ để vậy thì đây là một sự vụng về của tôi đối với mẫu thân của mình. Do đó, trong bài này tôi viết lại những gì đã viết về mẹ tôi, và những gì chưa viết, theo ký ức lúc này, tập trung cả vào đây. Mặt khác, lần này tôi bổ sung một vài chiến dịch bên phía Việt Minh, một vài tin về những người công giáo lập một tổ chức chính trị để đối phó với Việt Minh CS, như đó là một cách nói về bối cảnh của lịch sử dân tộc, bối cảnh của thời kỳ tôi bắt đầu rời xa lũy tre làng để đi học xa. Đồng thời lần này viết về mẹ tôi cũng là để tưởng nhớ ngày mẫu thân tôi đã lìa cõi dương gian, đến nay là 56 năm (từ 1964 – 2020). Còn chuyện đi học của tôi thì từ đó đến nay cũng đã 70 năm rồi. Tôi nhớ những sự việc xảy ra thời đó, nhưng đến bây giờ tôi mới hiểu được tính chất của nó. Chẳng hạn ngày mẹ tôi dẫn tôi đi học, trên đường làng buổi sáng hôm ấy, tôi đã nghe và nhớ mãi đến bây giờ những người tôi gặp trên đường đã nói với mẹ tôi rằng, chú ấy sung sướng quá. Ngày ấy tôi không hiểu gì hết, nhưng bây giờ thì tôi hiểu ra, được đi học ở Hoàng Nguyên là một hạnh phúc. Vì thời ấy, Hoàng Nguyên là một trường đào tạo các linh mục của địa phận Hà Nội. Nhiều linh mục, giám mục và cả Hồng y nữa gốc miền Bắc đều đã ngồi hàng chục năm trên ghế nhà trường Hoàng Nguyên. Các thành viên hay các linh mục trong Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh cũng đều xuất thân từ nhà trường Hoàng Nguyên. Còn tôi thì lại chứng kiến tận mắt ngày cha Bề trên Kiều Năng Lợi, các cha giáo và các thày, một số học sinh trong đó có cả tôi, phải khóc vì một biến cố phải đóng cửa Hoàng Nguyên mãi mãi. Hoàng Nguyên đã chấm dứt sứ mạng đào tạo các linh mục, tu sĩ và những con người Kitô hữu khác, chẳng riêng gì cho giáo hội mà còn cho cả xã hột Việt Nam suốt trăm năm.

Đi Học Hoàng Nguyên

Khoảng năm 1949 hay 1950, Trường Latinh Hoàng Nguyên chuyển các lớp lớn lên khu Quần Ngựa Hà Nội, địa chỉ là Nhà Lacordaire, trước đó là của một dòng nữ người Pháp quản lý giao lại. Đó là Tiểu chủng viện PIO XII, Hoàng Nguyên chỉ còn hai lớp 7 (7A, 7B). Cũng kể từ đây, cha xứ ở quê tôi đưa tôi và mấy người nữa xuống Hoàng Nguyên học. Ngoài hai lớp 7, nhà trường mở thêm các lớp bậc tiểu học, nhận học sinh nội trú có linh mục bảo trợ và học sinh của giáo xứ Hoàng Nguyên cũng như các giáo xứ trong vùng, như Bái Xuyên (Bái Vàng) Bái Đô. Vì chúng tôi có linh mục đỡ đầu nên ở tập trung trong một căn nhà tập thể có khoảng hơn 20 giường kê sát nhau, giống như các chú lớp trên. Nhà chúng tôi được gọi là “Gia đình Lê Bảo Tịnh”, kỷ cương như các chú hai lớp 7, có thầy giáo “giám sát” về kỷ luật, cuối mỗi tháng và cuối năm học, nhà trường có công bố bản tổng kết về hạnh kiểm của từng học sinh. Kết quả học tập và hạnh kiểm của từng người được ghi vào sổ học bạ, mang về trình cha đỡ đầu. Năm học đầu ở Hoàng Nguyên của tôi, về học vấn tôi chỉ ở hạng trung bình, còn về hạnh kiểm thì tôi được xếp đầu. Về điều này, cha nghĩa phụ của tôi là Phaolô Đỗ Đức Hanh (1888-1968) rất vui, vì tên của ngài được ghi trong sổ học bạ của tôi. Năm đó, tôi còn nhớ là sau khi xem xong học bạ, ngài gọi tôi bằng “anh”, một điều chưa bao giờ tôi nghe ngài nói, và cho về nhà chơi, mời bà cụ vào đây. Ở trong cha xứ trở về, tôi thấy nét mặt mẹ tôi rạng rỡ rồi nói như để cả nhà nghe. Người vừa cười vừa nói mà tôi nhớ đó là lần đầu trong những năm tháng tôi sống bên người, tôi được thấy mẹ vui như vậy. Người nói rằng, cha xứ mừng lắm vì thấy con trai nhà mình biết giữ kỷ luật nhà trường và hạnh kiểm tốt. Trước mắt cha xứ, có lẽ ngài mường tượng tương lai, tôi sẽ là một linh mục tốt. Có lẽ vì sự kiện này mà năm học sau, tại buổi lễ khai giảng, tôi được chọn thay mặt cho toàn thể học sình của trường, đọc lời chào mừng cha Bề trên, các cha giáo, các thầy.

Hoàng Nguyên là mái trường thứ hai tôi học trong thời nhỏ. Mái trường đầu đời tôi là trường làng, do thầy giáo xứ thuộc bậc “thầy giảng” phụ trách, xuất thân từ Hoàng Nguyên trong các giai đoạn trước năm 1949,1950.

Theo Nguyễn Khắc Xuyên trong cuốn Lịch sử địa phận Hà Nội, 1626-1954, Paris 1994, có nói đến các thầy giảng năm 1637 như sau: “Theo bài điều trần về các thầy giảng, Amaral viết từ Kẻ Chợ ngày 25 tháng 3 năm 1637, thì tổ chức này gồm có bốn bậc hay bốn cấp: cấp một là các thầy giảng, cấp hai là các kẻ giảng, cấp ba là các tập sinh (các cậu, các chú bé) và cấp bốn là các trợ giảng hay các người bõ.” (trang 29). Vẫn theo Nguyễn Khắc Xuyên, ngành các thầy giảng còn tồn tại cho tới năm 1954 và sau đó, nhưng chỉ có một cấp bậc thầy giảng với trường đào tạo hẳn hoi (trang 30). Ở chỗ khác, Nguyễn Khắc Xuyên viết tiếp về việc này: “Tổ chức các thầy giảng đã bắt đầu được hình thành từ thời cha Đắc Lộ năm 1630 ở Đàng Ngoài và năm 1643 ở Đàng Trong. Nhưng từ cha Deydier vào khoảng từ 1666 thì hội các thầy giảng chia làm ba hạng, không kể các tập sinh là các cậu, các chú còn nhỏ.” (Trang 29).

Những ngày còn nhỏ ở nhà, tôi đã được học tập và giáo dục trong môi trường của tổ chức các thầy giảng này. Ông thầy dạy tôi thuở đó là một người được đào tạo để trở nên một “thầy giảng” suốt đời. Linh mục nghĩa phụ của ông đi đâu thì ông đi tới đó để làm các việc từ giảng dạy tới coi sóc nhà thờ…Ngoài ra ông còn phụ trách dạy giáo lý và chuẩn bị cho người ta chịu phép bí tích (Sđd, tr. 94, 95). Khi tôi nhìn lại cái thời học trò nhỏ của mình ở nhà, thì tôi rất tự hào vì được quê hương và giáo hội cưu mang bằng một tình yêu rộng lớn. Ngay ở đầu thế kỷ 20, làng tôi đã có tên trong danh sách các trường làng thuộc địa phận Hà Nội. Nguyễn Khắc Xuyên cho biết, Kẻ Lường (tên trong đạo làng tôi): “ có một trường học, 36 học sinh, 2 họ đạo và số giáo dân trong hai họ là 1233 người” (Sđd trang 261). Đấy cũng nhờ vào việc giáo hội đã sớm tổ chức các thầy giảng, trước khi có các linh mục bản xứ

Thầy giáo xứ dậy tôi là Trần Đình Yêm, sinh năm 1925 quê Đồng Yên, huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam, qua đời tại Sài Gòn năm 2017.

Có một điều là sau một thời gian ông Trần Đình Yêm về làng đạo tôi, lúc nào thì sổ sách làng tôi không thấy ghi, chỉ chép về cha Đỗ Đức Hanh là nghĩa phụ của ông và chúng tôi sau này, ngài về năm 1944, ông Yêm đã chọn tôi vào ca đoàn giáo xứ và không hiểu ông thấy tôi là một cậu bé như thế nào, mà một hôm ông ra nhà tôi, xin cho tôi đi tu, vào ở trong nhà xứ, làm con của cha, làm anh em linh tông với ông. Cha mẹ tôi phân vân, lưỡng lự một lúc, vì lúc đó người anh kế tôi cũng đã đi tu, là nghĩa tử của cha Gioan Baotixita Trần Trọng Cung, đã về giúp làng đạo tôi trước cha Đỗ Đức Hanh, đang ở Sở Kiện. Cha mẹ tôi đã bằng lòng cho tôi đi tu. Sau lúc ông thầy giáo xứ ra về, gia đình tôi trở nên yên lặng khác thường. Hình như thân phụ tôi không mấy hài lòng cho tôi rời xa nhà, xa dòng họ. Trong mắt người mà mãi sau này tôi mới biết, vị trí của họ hàng ngoài thôn xã là rất quan trọng. Nhưng vì người vốn tôn trọng ý kiến của mẹ tôi nên đã thuận theo quyết định của bà. Vì thế mà từ giây phút ấy cho tới mấy năm sau, mẹ tôi luôn đi sát bên tôi, từ việc học hành, tiền ăn uống, may sắm cho tới một việc hệ trọng là năm 1954 cho tôi di cư vào Sài Gòn, chỉ nhằm mục đích là để tôi có “chữ”, có “nghĩa” mà sống tử tế với đời, dù phải hy sinh, chấp nhận nỗi đau như xé lòng là sống xa cách đứa con trai út của mình. Nhưng Thiên Chúa không xếp tôi vào hàng những người khôn ngoan thông thái, mà để tôi vào số những người nhỏ bé, vụng về, ngu ngơ khờ dại, để Người hoàn toàn dẫn dắt tôi. Và tôi đã chứng nghiệm điều này được thực hiện trọn vẹn nơi tôi.

Người thứ hai dậy tôi tại trường làng một thời gian là người trong cùng dòng họ với tôi, ông là một chủng sinh Đại chủng viện Liễu Giai (Saint Sulpice), Hà Nội, tên là Phạm Đức Minh. Ở đây tên thật của ông được thay đổi. Ông Minh sinh năm 1921 tại An Mỹ, Phú Xuyên, Hà Đông (nay là Hà Nội), qua đời tại Hoa Kỳ năm 2002.

Năm Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, 9-3-1945.Trong những cuộc biểu tình ngày 2-9-1945, và cuộc biểu tình lớn ngày 24-10-1945, chống Pháp chiếm Nam bộ Phủ do quân Đồng Minh trao cho Pháp. Bề trên là một linh mục người Pháp không cho các chủng sinh đi, nhưng có 1,2 chủng sinh quá khích nhất định đi. Cho nên, Chủng viện trở nên lộn xộn, bất đồng ý, mất tin tưởng giữa thầy và trò, mất đoàn kết giữa các Chủng sinh với nhau. Thêm vào đó, thỉnh thoảng một vài Chủng sinh bị gọi ra nhà khách và bị cảnh cáo, vì không chịu tham gia cuộc biểu tình. Nghe nói những người đến cảnh cáo là du kích làng Ngọc Hà, Liễu Giai. (theo ĐGM Lê Đắc Trọng trong: Những câu chuyện về một thời, tập 2, tr.59). Đức cha Trọng cho biết thêm : “Ý nghĩ “giải tán” đã ló rạng. Cha Bề trên cũng hỏi ý kiến một số anh em chúng tôi. Người đưa ra quyết định: Đi nghỉ!” (Sđd, tập 2, tr. 60). Trong cuốn Lịch sử Địa phận Hà Nội 1626 -1954, Nguyễn Khắc Xuyên viết về việc này như sau: “Đại Chủng viện Liễu Giai trong đêm 19 tháng 12 năm 1946 đã bị giải tán, 6 giáo sư người Pháp bị bắt và đưa đi miền Việt Bắc. Sau này có một cha, cha Buis chết trên rừng, còn 5 người nữa được thả 2 hay 3 năm sau.Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên cũng gặp nhiều khó khăn thuộc nội bộ cũng như ngoại bộ và phải giải tán một thời gian, một hay hai năm.” (trang 252). Ông Phạm Đức Minh về nhà vào dịp này. Nghe nói năm đó ông đang học năm thứ tư Đại chủng viện Liễu Giai, giáo dân thường gọi là người đã có bốn chức. Khi tình thế đã lắng xuống, trường mở cửa trở lại, nghe nói bề trên gọi ông trở về học tiếp, nhưng ông Minh không về học nữa. Mãi sau này người ta mới biết ông đã tham gia một tổ chức chính trị bí mật và tổ chức này gồm phần lớn là những trí thức tu sĩ công giáo xuất thân từ các Đại chủng viện tại miền Bắc.

Trong lúc còn ở nhà, vào lúc phong trào Bình dân Học vụ mở ra, ông Phạm Đức Minh đã hạ cây đa cổ thụ xuống, lấy gỗ đóng bàn ghế mở rộng trường. Ban ngày các lớp nhỏ chúng tôi học, ban tối dành cho thanh niên thiếu nữ, cả những người đã có gia đình muốn theo học. Thực ra các lớp nhỏ vẫn có trường lớp trong khu vực nhà thờ, nhưng vì hơi chật nên một số được chuyển ra ngoài khi trường mới hoạt động.

Những Bước Chân Của Mẹ

Từ khi cha Phaolô Đỗ Đức Hanh về giúp làng đạo tôi mặt tinh thần, tôi và mấy người nữa là lớp thứ hai được gửi đi Hoàng Nguyên, một trường thuộc địa phận Hà Nội, do các linh mục thừa sai thành lập đã trên 100 năm. Có năm tới ngày tựu trường, trời lại mưa lớn, cha xứ gọi mấy anh đi học lên phòng khách. Ngài giục các anh đi học, “trời mưa bão chết cò cũng phải đi”. Tôi nghe nói, nghĩa phụ chúng tôi nghiêm khắc và khó tính bậc nhất của địa phận Hà Nội thời ấy. Một người con của ngài, trước cả ông Yêm, sắp làm cha rồi đã bỏ tu về nhà vì một cái tát của ngài vào mặt trước một số giáo dân. Tôi cũng từng bị ngài tát thẳng vào mặt trên bàn thờ vì một vụng về nào đó. Có người hỏi mẹ tôi có buồn không? Mẹ tôi buồn nhưng nói là cho đi tu thì phải chấp nhận.

Ngày tôi đi, trời đẹp. Mẹ tôi ăn mặc chỉnh tề, vào nhà xứ xin phép cha xứ dẫn tôi đi. Ngài đưa cho mẹ tôi một phong bì, dặn là khi xuống tới nơi, vào phòng khách cha bề trên thì trao cho ngài.

Mẹ con tôi chào cha xứ rồi lui ra ngoài. Vừa bước chân ra tới cổng nhà xứ, mấy chú còn ở nhà, từ trong phòng thày giáo chạy ùa ra chào mẹ con tôi. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là đi xa. Lại nhớ chiều hôm trước, tôi được về nhà chơi, gặp đầy đủ cha mẹ và các chị, còn các anh thì người anh lớn làm trên Hà Nội đã về quê từ hôm trước, ông tặng tôi chiếc bút máy, ống đựng mực bằng nhựa trong. Chỉ thiếu một người anh lúc đó đang ở Sở Kiện, không về. Nhưng khi tôi xuống tới Hoàng Nguyên và đang lúc nhận phòng, nhận giường chiếu, thì có một chú vào phòng, đứng trên ghế nói lớn: “Ở đây có ai là chú Tùy ?” Nghe có tiếng người gọi tên mình, tôi chạy lại bên người vừa gọi. Chú đưa cho tôi một phong bì nói là của anh tôi ở Sở Kiện, thì ra chú cũng ở cùng chỗ với anh tôi. Trong thư, anh tôi mừng tôi được đi học, kèm theo những lời khuyên bảo rất cặn kẽ của một người anh có lúc đã muốn vào Châu Sơn ở Nho Quan sống đời tu nhiệm nhặt.

Ở nhà xứ ra, hai mẹ con tôi đi qua dẫy nhà có hai ba phòng, có một phòng lớn làm lớp học cho chúng tôi. Có thể gọi dẫy nhà này là ngôi trường làng, được xây cất ở một góc trong sân nhà thờ. Từ nay tôi phải xa những nơi này, không còn được chạy nhảy, đá bóng trên sân này nữa vào những lúc ra chơi hoặc nhổ cỏ ấu mọc ở những khe gạch, chùi vào áo quần cho sạch bụi, đất cát rồi cho vào miệng nhai. Cỏ này có chút hơi cay. Những con đường làng buổi sáng hôm ấy tôi đi vẫn là những con đường cũ từ bao đời nay, cụ thể là từ ngày tôi biết đi bên cạnh mẹ tôi để đến nhà thờ. Nhưng sao hôm nay, tôi thấy như thể đây là lần đầu tôi bước đi trên những con đường làng này. Cái cảm giác đầu tiên tôi nhận ra với chính bản thân tôi lúc ấy là, tôi không còn bé nữa! Hôm nay tôi được đi học ở một trường rất xa, mà nghe nói đến thì ai cũng tỏ vẻ tôn kính. Điều sau nữa là những người làng tôi gặp lúc đi bên cạnh mẹ tôi, người nào cũng vui vẻ hỏi mẹ tôi là hôm nay bà (hay dì) đưa chú ấy đi học dưới Hoàng Nguyên à? Chú ấy sung sướng quá. Với những câu hỏi và những lời nói ấy, mẹ tôi đáp lại bằng nụ cười và nói rằng, cha xứ cho đi đấy.

Hai mẹ con tôi đã ra khỏi làng. Trời đã vào thu nên khí hậu dễ chịu, thỉnh thoảng những cây hai bên đường rụng lá, rơi trên mũ mầu trắng tôi đội, làm tôi giật mình, nhận ra mẹ đang nắm một tay tôi, còn tay kia tôi xách va ly quần áo. Khi ra tới đường cái, có một điểm gọi là Ngã Ba Nguộn, có đường hỏa xa chạy ngang, mẹ tôi dẫn tôi vào chợ Cống, mua cho tôi một vài món cần thiết, như khăn rửa mặt, bàn chải và kem đánh răng, một đôi dép. Mấy món này tôi đã có, nhưng mẹ tôi bảo, con vào trường thì mẹ muốn mua những cái mới cho con. Còn chậu rửa mặt, mẹ tôi mua loại tráng men mầu trắng.

Ngày đó xe đò hay xe khách gì đó còn ít, muốn xuống huyện lỵ Phú Xuyên, khách phải ngồi trên nóc xe, vì xe khởi hành từ Hà Nội nên chạy tới Nga Ba Nguộn hay chợ Cống thì đã đầy khách. Không muốn ngồi trên nóc xe vì sợ ngã, thì người ở vùng bên dưới ga xe lửa chợ Tía, như làng quê tôi, phải đi ngược lên ga này rồi lên tàu. Sau đó tới ga huyện thì xuống. Gần huyện lỵ có cái Cầu Guột, chỗ này có con đường bên tay trái đi vào trường Hoàng Nguyên. Từ đây vào trường, có hai địa điểm nổi tiếng khách bộ hành nào cũng biết. Một là chợ Bìm, nơi đã diễn ra một trận đánh lớn cấp trung đoàn, giữa quân địa phương của Việt Minh với lính Pháp vào năm 1951 hay 1952 gì đó. Phía Việt Minh đã thắng trận này. Nghe người nhà tôi nói, chỉ huy quân Việt Minh là một người thuộc dòng họ tôi. Về sau ông chuyển sang chính quy, làm chính ủy một đơn vị lớn. Nhưng do mâu thuẫn trong nội bộ đơn vị, ông xin giải ngũ, về quê vợ sống.Trường Hoàng Nguyên phải đóng cửa vĩnh viễn vào thời điểm này, sau một loạt bắn phá của lính Pháp đóng tại một đồn bót gần đấy. Nguyên nhân là, buổi sáng hôm bị bắn phá, có một toán bộ đội đến trường đề nghị đấu bóng chuyền giao hữu với đội bóng của trường. Trận đấu giao hữu chấm dứt cũng là tới giờ cơm trưa. Sau đó là giờ nghỉ trưa. Tới giờ học chiều, tất cả học sinh đang học, bỗng những quả đạn ầm ầm rơi xuống trường. Vì nhà trường đã đào hầm trong các lớp học và nhà ở từ trước, nên vừa thấy đạn pháo nổ, chúng tôi đều xuống các hầm hết, nên không có ai bị thương tích gì, chỉ hư hại vật chất một ít. Sáng ngày hôm sau, từ cha Bề trên, các cha, các thầy và học sinh chúng tôi chia tay nhau trong nước mắt (Tôi đã viết về sự việc này trong bút ký Về thăm quê nhà, in trong quyển Mệnh nước nổi trôi, 2016). Địa điểm thứ hai trên đường vào Trường Hoàng Nguyên mà tôi được nghe nói đến là, bên ngoài chợ Bìm, tại bờ một con sông, có một cây đa gọi là “Cây đa giời ơi!”, mẹ nghe kể, ở bên kia sông thỉnh thoảng có kẻ cướp, vào những lúc tối trời thì sang bên này, thấy khách đi đường có tiền, nó bóp cổ chết cướp của rồi vứt xác xuống sông. Trước lúc chết, nạn nhân kêu lên tiếng “giời ơi!” Từ đó người ta mới gọi nơi này là thế. Bây giờ như con thấy kia, rồi người đưa tay chỉ, có một cái miếu tại gốc cây, để tưởng nhớ những nạn nhân đã chết. Nghe mẹ nói, tôi nắm lấy tay người...

Trên những con đường vào trường, trước mặt tôi là những ruộng mía tươi tốt, những cành là dài ngả nghiêng theo chiều gió nhẹ, cọ vào nhau phát ra tiếng kêu khô khan. Bước chân tới cổng trường, tôi đã thấy cảnh người qua lại trong sân trường. Trước tiên là ở hồ nước ngay cổng vào bên tay mặt, có các chú nho nhỏ như tôi hoặc lớn hơn một chút, đang vùng vẫy, nô đừa trong làn nước. Đi thẳng vào trong sân, là tượng đài Trái Tim Chúa Giêsu dang tay. Bước lên mấy bậc thềm gạch là phòng Cha Bề trên. Mẹ tôi cầm tay tôi dẫn vào chào ngài rồi trao thư của cha xứ tôi gửi cha Bề trên. Xem thư xong, ngài mỉm cười nhận tôi vào học. Cha Bề trên ân cần hỏi mẹ tôi đi đường có mệt không, rồi nói là giữa ngài và cha xứ chúng tôi là chỗ thân tình, tính người nóng lắm, cha Bề trên nói thế, như một biểu lộ cảm thông và gần gũi với chúng tôi.

Sau đó cha Bề trên cho người dẫn mẹ tôi xuống nhà khách. Còn tôi thì về phòng dành cho những học sinh có cha đỡ đầu như đã nói trang trước. Lúc này đã quá trưa.

Khi viết đến đây, tôi chợt nhớ lại ngày ấy, lúc hai mẹ con tôi từ phòng cha Bề trên ra, tôi không nói với mẹ được một câu nào từ giã mẹ. Sau này lớn lên, tôi mới biết là, ngày mẹ tôi đưa tôi xuống Hoàng Nguyên học, ở phòng cha Bề trên ra, mẹ tôi đã về nhà luôn, chứ không nghỉ lại để sáng ngày hôm sau về. Vì từ trường ra tới huyện lỵ Phú Xuyên, đường dài khoảng từ 9 đến 10 cây số. Đó là một quãng đường dài, lại đi qua “cây đa giời ơi!”, rồi mới ra tới đường cái, gọi là quốc lộ số 1, từ đây mới có xe đi Hà Nội, tới Ngã Ba Nguộn thì xuống, sau đó mới về nhà, cũng 3,4 cây số nữa. Tôi còn khờ dại quá, vụng về quá, thờ ơ với mẹ. Đây là điều ăn năn mới, một trong những điều ăn năn khác của tôi trong quá khứ. Phải chăng là một dấu hiệu tôi sắp được gặp lại mẹ tôi ở một nơi nào đó thật huyền diệu!

Thời kỳ tôi bắt đầu đi học xa nhà cũng là thời kỳ Việt Minh đã cướp chính quyền (19.8.1945) trong tay quốc gia. Năm tôi đi Hoàng Nguyên (1950) thì năm trước đó (1949) Mao Trạch Đông (Cộng sản) ở Trung Quốc đã thắng Tưởng Giới Thạch (Quốc dân đảng), ông này phải chạy qua Đài Loan. Nhờ sự kiện này, quân Việt Minh có thêm sức mạnh về võ khí do Tàu cộng mang sang. Cho nên chiến sự giữa quân Việt Minh và Pháp có chiều ngả về bên Việt Minh.

Một vài ví dụ:

Năm 1950:

-“Trận tập kích sân bay Bạch Mai, ngay cửa ngõ Hà Nội, phá hủy mấy chục chiếc máy bay, chiến dịch biên giới mang tên Lê Hồng Phong II mở màn ngày 16-9-1950, giải phóng thị xã Cao Bằng và một giải biên giới tới Lạng Sơn, quân Pháp phải rút bỏ Lào Cai, Thái Nguyên, Sa Pa và Hòa Bình (10-10-1950)” (Trích từ: Thế kỷ 20: Theo bước đi thời gian của Quốc Anh trên tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 1-2000 / Ngày 2-1-2000 trang 15)

-“Trong năm 1951, các chiến dịch Long Châu Hà (10-2 đến 15-3), chiến dịch Hòa Bình (18-11-1951 đến 21-2-1952), mà theo tác giả Quốc Anh, “đã mở ra cục diện mới trên chiến trường”. Đồng thời ông đã ghi nhận lời tuyên bố của Hồ Chí Minh ngày 1-5-1951: “Chuẩn bị đầy đủ đặng chuyển mạnh sang tổng phản công”. (Theo Quốc Anh, chủ đề đã dẫn trên, TTCN số 2-2000 / Ngày 9-1-2000 trang 15)

-“Kết thúc năm 1952 là chiến dịch Tây Bắc được mở màn ngày 14-10, giải phóng một vùng rộng 28.000km2, buộc địch phải rút khỏi Sơn La (22-11). Tướng Salan thừa nhận thất bại âm mưu lập “xứ Thái tự trị” (1-12)” (Theo Quốc Anh, chủ đề đã dẫn trên, TTCN số 3-2000 / Ngấy16 -1-2000 trang 15)

Cũng trong năm 1952, lính Tây về làng tôi bắt đi tất cả thanh niên, đưa lên bót tỉnh lỵ Hà Đông nhốt lại. Vì có tin Việt Minh chuẩn bị mở mặt trận trong vùng. Lúc này tôi đang học ở Hà Đông, Trường Trung học Minh Tân, phía đầu nhà thờ, Hiệu trưởng là LM Matthêu Trần Trinh Khiết, Cử nhân Xã hội học, du học ở Pháp về chưa được bao lâu. Tôi nhớ các giáo sư: Cụ Mùi dạy Sử, Nguyễn Duy Diễn Việt Văn, Lăng Tuyền Anh văn, Trần Ngọc Hiệp, Toán...

Về phía người Công giáo, sau ngày Việt Minh cướp chính quyền đang trong tay người Quốc gia, thì vào ngày 29.10.1945, cha Lê Hữu Từ được tấn phong Giám Mục Phát Diệm. Cũng trong ngày này, một tổ chức của riêng người Công giáo đã được thành lập. Đó là “Hội Việt Nam Công giáo Cứu Quốc”, trụ sở chính đặt tại số 9 đường Lamblot (nay là đường Lý Quốc Sư) ở ngay trước cửa Nhà thờ lớn.

Theo ông Nguyễn Đình Đầu ghi lại từ một sử liệu của Đoàn Độc Thư và Xuân Huy, (NXB Sử liệu Hiện Đại, Sài Gòn, 1973), thì sau khi Hội Việt Nam Công giáo Cứu quốc thành lập, Tổng thư ký của tổ chức này là Nguyễn Văn Hiển, bị chính Chủ tịch của tổ chức là Trần Công Chính bày kế sát hại. Trần Công Chính là Phó đoàn Thanh Lao Công Thái Hà Ấp, do các cha Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách, nhưng sau đó ông ta đã theo hẳn Cộng sản, trở tay giết chết người anh em của mình. Sau cái chế của Tổng thư ký Hiển, ba thành viên khác trong Ban Chấp hành chính thức Hội Việt Nam Công giáo Cứu quốc, bị công an Việt Minh bắt. Những người này được bàu lên trong cuộc Đại hội tại Nhà hát lớn Phát Diệm ngay 29.10.1945, có mặt của Phạm Văn Đồng, thay mặt Chính phủ”. (x. Tuần báo Công giáo và Dân tộc số 1551 Tuần lễ từ 31.3 đến 06.4.2006 trang 35)

Vẫn theo ông Nguyễn Đình Đầu, “Linh mục Hoàng Quỳnh liền di trụ sở Trung ương ở Hà Nội về Phát Diệm đổi tên là Tổng bộ Công giáo Cứu quốc và cũng từ ngày đó, phần vì giao thông liên lạc khó khăn, phần vì Việt Minh Cộng Sản cố ý chèn ép, loại trừ các cán bộ Công giáo Cứu quốc tại khắp nơi trên toàn quốc, nên các nơi đã có tổ chức Công giáo Cứu quốc đều phải rút vào bóng tối, chỉ duy có Tổng bộ Công giáo Cứu quốc Phát Diệm đứng vững và đương đầu với Việt Minh CS cho tới ngày quân đội Pháp hành quân chiếm Phát Diệm, 16-10-1949, Công giáo Cứu quốc Phát Diệm và Bùi Chu biến thành Phong trào Quốc gia Tự vệ, liên lạc trực tiếp với Quốc trưởng Bảo Đại” (Tuần báo CGvDT số 1552, Tuần lễ từ 07.4 đến 13.4.2006 trang 15).

Ngày ấy tôi bước ra khỏi lũy tre làng để đi học xa nhà, lại rơi vào tình cảnh đau thương bi đát của dân tộc và giáo hội. Đấy là số phận, hay đấy là Sinh mệnh của Dân tộc, của Giáo hội tôi. Ngày ấy cũng như bây giờ, tôi chỉ là một kẻ yếu đuối, một phận hèn bất cứ một thứ gì cũng làm tôi ngã gục. Nhưng tôi được bảo vệ mà ngày ấy tôi chưa biết Danh, chưa biết Tên, Đấng mà ngày nay tôi tuyên xưng và Tín thác, đã chở che và yêu thương tôi.

Bây giờ mở lại những trang lịch sử của thời ấy, ngay từ lúc tôi vào Trường Hoàng Nguyên cho tới ngày trường phải đóng cửa, tôi nhận ra rằng mẹ tôi đã nhọc công sức lo cho tôi đi học.Tôi đi đến đâu, ở đâu thì cũng đều có bước chân của người, từ Hoàng Nguyên, Phủ Lý, Hà Đông rồi Hà Nội. Kết cuộc tôi cũng không thể “trụ” được ở một nơi nào lâu đài, vì gia đình tôi không khá giả gì, nên cứ phải theo bước chân của anh tôi, ông ở đâu thì lại mang tôi theo. Như sau ngày cha đỡ đầu của anh tôi qua đời, thì ông rời Sở Kiện, gia nhập một dòng của cha Trần Trinh Khiết mới thành lập ở Hà Đông, mới có 4,5 người. Thế là ông lại kéo tôi đi, muốn tôi vào dòng đó. Nhưng tôi không phù hợp với môi trường này. Tôi trở thành một kẻ ở trọ, ăn uống bên ngoài. Mọi chi phí gia đình ở quê gánh chịu.

Mùa Hè Năm Ấy

Mùa hè năm 1954, như mọi mùa hè mấy năm trước đó, tôi từ Hoàng Nguyên, Hà Đông hoặc Hà Nội trở về quê nghỉ hè. Hồi đó, chưa có con đường từ Ngã Ba Nguộn về thẳng làng tôi như bây giờ, nên phải đi qua hai làng Văn Hội và Tạ Xá. Lần này, lúc đi qua một cổng nhà ở Văn Hội thì tôi nghe có tiếng người hỏi : “Chú Tùy đi học về đấy à ?” Tôi quay đầu lại nhìn thì người vừa hỏi là một người đàn ông còn trẻ, đang đứng trước cổng nhà, nhìn tôi cười. Tôi không nhận ra anh ta là ai, sao ở khác làng với tôi lại biết tôi. Mặc dù vậy, tôi vẫn mỉm cười chào lại anh.

Về tới nhà, người đầu tiên tôi gặp là mẹ tôi, lúc ấy đang phơi thóc ở ngoài sân, người không dùng bờ cào mà lấy chân đảo qua đảo lại nhiều lần cho đều.

Nghe tiếng tôi chào, người quay ra phía tôi, nói trong sự khác thường:

-Về làm gì, Cha xứ đã đi rồi!

Nghe mẹ nói thế, thật tình lúc ấy tôi chưa hiểu lời người nói. Tôi đi vào nhà, đặt cái va li nhỏ đựng mấy bộ quần áo xuống phản, rồi đi qua nhà người chị ở phía trước cổng, chồng chị đã chết trong kháng chiến, lúc chị mới 25 tuổi. Tôi vừa bước chân lên hiên nhà chị thì mẹ tôi cũng vừa vào tới sân, lúc đó chị đang ở dưới bếp. Thấy có mẹ sang và tôi về thì vội bỏ lên nhà. Mẹ tôi dịu giọng nói, như muốn nói cho cả chị tôi nghe:

-Lúc nẫy thấy con về, mẹ mừng nhưng đang ở ngoài nắng, có mắng con mấy câu, con đừng giận mẹ. Có nhớ mẹ thì ở nhà mấy hôm thôi rồi lên với anh con ngay. Trong nhà xứ không còn ai nữa đâu. Làng người ta cũng đi nhiều lắm rồi…

Thấy mẹ và chị nói chuyện như không muốn cho tôi biết, tôi xin phép mẹ và chị về bên nhà, rồi thay quần áo, lên phản nằm nghỉ. Tôi đang thiêm thiếp ngủ thì nghe tiếng mẹ nói:

- Bỏ lên bếp cho nó một bát cháo đậu xanh, lúc nào dậy nó ăn. Ở nhà này chỉ có mình cái chú này là biết nghe lời mẹ và thương mẹ. Phải để nó đi thôi!

Sau đó là yên lặng, cái yên lặng vốn vẫn thế ở trưa hè nhà quê. Nhưng như bây giờ tôi mới biết, đó là cái yên lặng trong gia đình tôi có lẽ chỉ có một lần duy nhất đó thôi, sau một quyết định về những ngày sắp tới của tôi. Tôi đã ngủ được một giấc thật ngon dưới mái nhà yêu dấu, nơi tôi sinh ra, được chăm nom và thương yêu của mọi người, nhất là qua tấm thân gầy yếu của mẹ. Tôi vẫn ví mình như thể một loài cây được trồng bên bờ suối.

Trở dậy sau giấc ngủ trưa ở một không gian êm đềm nơi thôn làng, tôi thấy thật dễ chịu. Rồi lấy nước rửa mặt. Nước trong bể (xây ở giữa sân với mui vòng cung bán nguyệt, từ thời ông bà tôi), là nước giếng trong làng. Tôi vục cả mặt vào thau nước mát lạnh, cái thau tráng men trắng mẹ tôi đã mua ở chợ Cống ngày tôi đi học Hoàng Nguyên, mấy năm trước. Nhìn cái thau, tôi chợt nhớ Hoàng Nguyên, ngôi trường thứ hai sau trường làng. Ở đó, tôi có những người thầy, người bạn, và các linh mục dậy dỗ chúng tôi, có một phong cách sống và thờ phượng, một giọng nói, ảnh hưởng rất sâu đến cuộc đời tôi sau này, giúp tôi đứng vững trong cuộc đời lênh đênh và giông bão.

Hoàng Nguyên và Nhà Chung An Mỹ quê tôi, là hai thực thể trong đời sống văn hóa và tôn giáo của tôi, nó tạo lập nhân cách, hướng đi, mục đích của cuộc đời tôi. Cho nên mặc dù nghe mẹ nói là Cha xứ đã đi rồi, lúc này tôi vẫn muốn vào nhà thờ và nhà xứ. Nghĩ thế, tôi liền mặc quần áo rồi đi ngay.

Khi đi tới trước cửa nhà thờ, tôi thấy có một người đàn ông, dáng không phải người trong làng, đang đi theo sau, cách xa tôi vài chục mét. Lúc tôi tới gần cửa nhà xứ, thì người đàn ông này cũng vào tới cổng nhà thờ và hình như cũng đi về phía nhà xứ như tôi. Tự dưng tôi bỏ ý định vào thăm nhà xứ, không phải vì trong đó, nơi tôi đã sống chung với một cộng đoàn tu trì ở giai đoạn đầu đời, nay đã vắng bóng cả rồi, nên lúc tới trước cổng nhà xứ, tôi chỉ dừng lại một lát, quay mặt vào phía trong. Chỉ một thoáng thôi, tôi thấy rất rõ mọi khuôn mặt, từ cha già Phaolô và mái nhà gỗ cổ kính, cha xứ ở, khu vườn trước cửa nhà, trồng mấy cây chanh, luống rau, kế đó là nhà kho, cái cối giã gạo, cũng có bàn chân chúng tôi trên đó những khi chúng tôi phụ giúp nhà bếp giã gạo; lùi xuống là nhà bếp, xuống sâu hơn là khu vườn và cuối cùng là cái ao, rặng tre và bên ngoài là ruộng đồng v.v…Cổng vào nhà xứ đóng, lặng lẽ, vắng người. Một vài chiếc lá rụng trước mặt, tôi thấy tê tái cả lòng, nhẹ đưa tay gạt nước mắt trên mi.Trên mấy bậc gạch ở cổng vào nhà xứ và một khoảng rộng trên sân nhà thờ trước mặt tôi, hoa hồng trắng rụng đầy. Tôi chưa được ăn quả của cây hồng này, thân nó lớn và cao.Cánh hoa nhỏ, có đượm vị ngọt. Tôi ngồi bệt xuống bậc gạch, nhặt lên mấy cánh, cầm mãi trong tay.Vì biết đâu, đây là lần cuối cùng tôi ngồi ở chỗ này với những dấu chân của tuổi học trò, chỉ cần đẩy nhẹ cánh cửa gỗ là tôi vào được bên trong, nơi thân yêu thứ hai sau mái nhà thừa tự của cha tôi. Chính ở căn nhà thừa tự này tôi được sinh ra về thể xác. Còn ngôi Nhà Chung của giáo xứ, tôi sinh ra trong tinh thần và đạo đức. Lúc tôi đưa lên miệng cánh hoa hồng để nếm chút vị ngọt của nó, tôi cũng có cảm xúc mạnh như thể đây là lần cuối cùng tôi hưởng được chính hương vị ngọt ngào của Nhà Chung xứ Kẻ Lường, tiền thân của giáo xứ Lường Xá hiện nay. Hương vị ngọt ngào của Nhà Chung này, tôi cũng coi như hương vị ngọt ngào của quê hương ban tặng cho, trước lúc tôi ra đi, như lời mẹ tôi nói: “Phải để nó đi thôi”, mặc dù tôi không biết mẹ tôi đưa tôi đi đâu!

Người đàn ông lúc nẫy tiếp tục đi về phía tôi. Khi đi qua chỗ tôi ngồi, ông ta đưa mắt dò xét nhìn tôi, không thiện cảm. Hồi đó tôi đã 18 tuổi rồi, nhưng tôi vẫn như một cậu học trò nhỏ, tính hay rụt rè, chẳng nghĩ suy gì về việc người đàn ông này sao lại theo tôi ? Chắc chắn ông ta không phải người làng của tôi. Cho nên, tôi tự hỏi, người đàn ông đi qua mặt tôi vừa rồi là ai, ở đâu đến đây? Tôi chợt nhớ lời mẹ tôi nói lúc ở bên nhà người chị. Người nhỏ nhẹ nói: “Con có nhớ mẹ thì ở nhà chơi mấy ngày thôi, rồi lên với anh con. Ở làng có người phải trốn đi đấy…”

Ngày 02.08.1954, một chiếc xe tải lớn không có mui, xuất phát từ Thái Hà Ấp, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, chở chúng tôi ra sân bay Gia Lâm để lên máy bay vào Sài Gòn.

Tấm Thiệp Màu Trắng

Đúng mười năm sau ngày tôi rời xa đất Bắc, năm 1964 tôi nhận được tấm thiệp màu trắng từ quê nhà gửi vào qua đường bưu điện. Theo quy định của Hiệp Định Genève, Thụy Sỹ, 1954, giải quyết chiến tranh Việt-Pháp bằng cách chia cắt lãnh thổ Việt Nam làm hai phần, tính từ vỹ tuyến 17. Trên vỹ tuyến 17 là Miền Bắc thuộc chính quyền Cộng sản, từ vỹ tuyến 17 trở xuống là phần thuộc về chính quyền Quốc gia. Người dân hai miền Nam-Bắc Việt Nam được trao đổi với nhau bằng một tấm thiệp bỏ ngỏ, không có phong bì, miền Bắc màu trắng, miền Nam màu vàng.

Trên tấm thiệp này, người con trai của chị tôi viết rằng, ngày đưa bà, cháu vịn vào áo quan của bà, nhìn quanh nhìn quẩn cũng chẳng thấy hai cậu đâu. Mẹ con và dì Nhường vừa khóc bà vừa gọi tên hai cậu.

Nhận được tin mẹ mất, tôi như lịm đi nhiều ngày. Nhiều người trong họ đến chia buồn, bà vợ anh tôi không cho ai gặp tôi, cứ nói là chú ấy mới chợp mắt được một tí. Cả đêm chỉ thấy chú ấy trằn trọc không ngủ, rồi khóc mẹ.

Có một đêm tôi nằm chiêm bao thấy mình đi vào một nhà thờ, phía trên Cung thánh có đặt một cây Thánh Giá có ảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh, giống một buổi lễ trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, cây Thánh Giá này đặt ở trên Cung Thánh để giáo hữu lên “hôn chân Chúa”. Tôi quỳ xuống cúi đầu hôn vào dấu thương ở chân Chúa. Bỗng chốc Chúa ngồi dậy, hai tay ôm lấy tôi. Chúa hỏi: “Con xin điều gì?” Tôi thưa ngay: “Xin cho mẹ con được về với Chúa”.

43 Năm Sau: Tiếng Gọi Của Mẹ

Vào dịp quê tôi tổ chức tuần lễ tĩnh tâm, tuần thứ nhất tháng 11.1997 để mừng ngày khánh thành ngôi nhà thờ sau hai năm trùng tu (1995-1997). Tuần lễ tĩnh tâm này, là khởi đầu cho một cuộc đổi mới về đời sống tinh thần của hơn hai ngàn giáo dân thuộc làng đạo quê tôi. Mấy tháng trước, ban mục vụ và ban phụ lão ở quê đã cử một thành viên trong ban thư ký vào Sài Gòn, chuyển Thư Mời của Linh mục Chính xứ, và Hội đồng Mục vụ Giáo xứ gửi đến các gia đình đồng hương trong Sài Gòn trở về dự lễ khánh thành ngôi nhà thờ này. Mọi người đều coi đây là Những Ngày Hội Lớn của làng, trăm năm mới có.

Đồng hương chúng tôi trong Sài Gòn có một phái đoàn hơn mười người trở về bằng xe lửa, khởi hành ngày thứ ba 4.11.1997, vào tới ga Hàng Cỏ Hà Nội đúng 5 giờ sáng ngày 6.11.1997. Các gia đình có người nhà trở về dịp này đã thuê một chiếc xe tải nhỏ chở phái đoàn chúng tôi. Vì xe không đủ chỗ nên tôi ngồi xe máy của đứa cháu con người chị. Đây cũng là ý cúa cháu tôi, muốn tôi ngồi xe của nó để còn được nói chuyện.

Trời đất Bắc đã vào đông nên có khí lạnh. Tuy vậy, bên xe chúng tôi chạy nhanh hơn, nên về tới Ngã Ba Nguộn trước. Chúng tôi dừng xe đợi, khoảng 10 phút sau xe bên kia về tới.

Ngày lễ chính là Chúa nhật 09.11.1997, là ngày làng tôi tới phiên Chầu Lượt thay cho Giáo phận. Chúng tôi về tới quê trước ngày lễ này 3 ngày. Lúc tôi về tới nhà thì anh tôi còn ở trong nhà xứ, nghe tin tôi về, anh vội vã về nhà, nói với tôi được vài câu, anh giục: “Chú vào nhà xứ chào cha Hiền đi, giờ này còn ít khách, không có lát nữa họ đến đầy”. Cha Nguyễn Văn Hiền là người trong dòng họ tôi, ngài sinh tại Sài Gòn, đã về từ mấy ngày trước để mở tuần tĩnh tâm cho giáo dân. Trưa hôm đó, ngài đãi cơm phái đoàn trong Nam chúng tôi tại nhà khách giáo xứ.

Có mặt ở nhà cả tuần lễ rồi mà tôi vẫn chưa đi viếng mộ ông bà và cha mẹ tôi được. Các cháu lớn trong nhà, người nào cũng có việc cho ngày hội làng, có người này lại thiếu người kia. Anh tôi và các cháu lớn, đều ở trong ban mục vụ giáo xứ, đảm trách những nhiệm vụ trong các tổ như kiến thiết, nhân lực. Do đó tôi tính là sẽ viếng mộ các cụ sau ngày lễ Tạ Ơn, 10.11.1997. Nhưng ngày hôm sau 11.11, tôi cũng lại bận suốt ngày. Sáng đưa tiễn cha Hiền lên Hà Nội để ngài trở về Sài Gòn, sau đó tôi lại vào Hà Đông, đi giáo xứ Thạch Bích, mãi đến chiều mới về tới làng, vừa xong buổi kinh chiều. Thế là không đi viếng các cụ được nữa. Đến nửa đêm về sáng ngày hôm sau, 12.11, tôi còn đang ngủ trên giường với anh tôi thì một tiếng gọi phát ra từ phía buồng gần giường, đích danh tôi: “Tùy ơi! ” Tôi ngồi bật ngay dậy, lên tiếng hỏi: “Ai gọi tôi?” Anh tôi nói: “Không có ai gọi đâu, chú cứ ngủ đi.” Nhưng tôi không thể nào nhắm mắt được nữa. Rõ ràng đó là tiếng gọi của mẹ tôi, phát ra từ trong cái buồng, nơi mà tôi không sao quên được ngày nhỏ tôi bị đau mắt, phải nằm trong buồng ấy nhiều ngày, để chiều đến là mẹ tôi vào đánh mắt cho tôi bằng lưỡi của người, sau khi đã nhai lá trầu không. Tôi đau không chịu nổi, mắt xót còn hơn lấy muối chà sát vào vết thương.

Từ lúc nghe tiếng gọi của Mẹ, tôi trằn trọc không ngủ được, mong cho chóng tới sáng để nói với anh tôi và các cháu đi viếng mộ các cụ. Tôi đã thưa chuyện với mẹ tôi trong tâm tưởng:

Ôi! Tình của Mẹ! Từ ngày bước chân ly hương của con còn yếu ớt rời xa quê nhà, con vẫn nhớ đến Mẹ, nhớ đến những năm tháng Mẹ ngược xuôi về việc học hành của con. Có khi nào con không nhớ về Mẹ đâu. Một tuần lễ nay về thăm nhà mà con chưa đi thăm viếng Mẹ-Cha được, vì như Mẹ biết đó, anh con này, các cháu này, đều rất bận công việc trong nhà thờ, nhà xứ. Chiều hôm nay chúng con sẽ đi kính viếng Cha Mẹ, Mẹ ạ!

Mẹ ơi! Từ ngày con rời xa Mẹ đến hôm nay lả 43 năm, con mới lại được nghe tiếng Mẹ gọi tên con! Trong nhà, chẳng có ai gọi tên con một cách rất thân yêu như cách Mẹ goi!

(Ngày 22.7.2020)


.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn ngày 24.7.2020 .