Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







SẨY SÀNG SÀNG SẨY



M ột đời người dài đằng đẵng cho mỗi cá nhân nhiều cơ hội để nếm trải đủ vị. Không ai hơn ai về mọi cung bậc trải nghiệm, bởi có quá nhiều góc độ cảnh ngộ tâm thái tính khí và vô vàn những điều luật bất thành văn của cuộc sống.

Mỗi người tính từ khi sinh ra mà xem, có rất rất nhiều sự khác biệt, từ gia cảnh đến nhân thân, từ tính cách đến quan điểm, từ bản chất đến bãn ngã, từ cơ hội đến thử thách, từ duyên nghiệp đến mệnh nghiệp, kể cả sinh đôi thì vẫn có nhiều thứ để khác nhau. Và các hình thái xã hội được làm nên từ những cái “khác” ấy.

Tạo luật có lý do thích đáng khi bày ra bàn cờ cuộc sống. Và mỗi người là một quân cờ độc lập có chiến lược có những cách sát phạt chinh phục cho những mục đich cá nhân. Tại sao tôi thích cái này anh thích cái nọ chị thích cái kia ? Trả lời được câu hỏi này cũng đã tự giải mã được phần lớn về bản thân và xã hội. Chỉ có điều, không phải ai cũng tự tìm được câu trả lời sát nhất và sớm nhất. Để những quân cờ cứ phải đập chan chát vào nhau đến trầy trụa sứt mẻ nứt toác vỡ vụn… Nếu may thì còn kịp cảm thức kịp điều liệu kịp giữ lại cho mình chút gì gọi là đáng sống, không may bị cuốn đi để phải trả những cái giá quá lớn về nhân cách phẩm giá và cả sinh mạng. Và cứ thế dòng luân chuyển nhân quần cứ thản nhiên tuần hành qua mọi cung thể địa hình. Mỗi vòng đời từ mở màn đến hạ màn đều là những vai diễn bất đắc dĩ. Không muốn diễn vẫn phải diễn, không muốn xem vẫn phải xem. Khi cười to khi khóc nghẹn khi phẫn uất lúc vô nhiên. Từng phân đoạn đưa ra một biểu đồ ghềnh thác. Ai đó hả hê vỗ tay cười ngặt nghẽo khi thấy đối phương sụp hố chới với trật trầy mà có hay đâu một chân mình cũng đang ngấp nghé. Để rồi chỉ có thể ú ớ bì bụp khi rơi vào cảnh trạng có khi còn tệ hơn.

Nhưng rốt cùng thì vẫn cứ là trò đùa dai nghịch dại tưng tửng trêu ngươi của Hóa Công rỗi việc. Thăng trầm xã hội mãi quẩn quanh bao hỉ nộ giả thật đảo điên hư huyễn… Nhan nhản là những nghịch lý cuộc đời, không một ai không mong cầu việc tốt người tốt mọi sự đều hanh thông thuận lợi tốt lành cho bản thân. Thế nhưng lòng tốt thì luôn bị lợi dụng, người tốt thì luôn chịu thiệt thòi, thậm chí càng sống tốt lại càng bị cười chê là ngốc dại. Kẻ xấu thì ai cũng chê bai, việc xấu thì không ai muốn nhận hậu quả, nhưng đáng buồn là người người thích làm việc xấu vì cái lợi rất nhiều, thực tế phần lớn sự mưu lợi thì khó có cách làm tốt bản chất tốt và lương tâm tốt. Và có nhiều cái lợi thì cuộc sống lại thỏa thuê thoải mái vui sướng hơn nhiều. Nên cái chính của cuộc đời là người ta thôn tính nhau, đòn phép nhau, tàn sát nhau để đạt được những gì mình muốn. Con người được sinh ra nhiều bao nhiêu thì tính khốc liệt của cuộc đời tăng cấp độ bấy nhiêu. Thước đo giá trị đẳng cấp hầu hết dựa trên cấp hàm và tài sản. Những cái nhìn thông thường của người đời thường mang định kiến thứ vị một cách “tức hiệu”. Đo nhanh giá trị người mình đang tiếp xúc qua góc nhìn sơ quát. Cái gọi là “giá trị cốt lõi” “thặng dư” mang chỉ số thật hầu hết không thể hiện thị đầy đủ và công bằng.

Giáo dục là để con người sống tốt hơn có căn bản có nhận thức có lý trí có nhân tâm. Nhưng giáo dục không đúng cách nơi thừa chỗ thiếu, như một thể lắp ghép khiên cưỡng cong vẹo méo mó lệch tâm thì dĩ tất sẽ cho ra những sản phẩm kèo cọc cập kênh. Mà cái kiểu giáo dục như thế thì nhiều lắm. Khi người lớn bảo người bé làm gì cũng phải nghĩ đến cái lợi cho mình, khi người già bảo người trẻ ra đường đừng để thua ai xấu hổ lắm, khi người mạnh bảo người yếu mày không biết ta là ai à, khi người gian ngoa bảo người thật thà ngu thì chết…Hầu hết là tư tưởng “ăn người”. Nhìn chung, những cách giáo dục các hình thái các tầng lớp trong xã hội thường dẫn đến những tâm lý hành vi tiêu cực nhiều hơn tích cực. Hậu quả xã hội ngày càng diễn biến những hơn thua giành giật những hành xử cực đoan vô lương tâm mất nhân tính ngày càng nhiều. Khi sự nhiễu loạn xuất hiện khá nhiều trong đời sống, thì vô hình chung người ta tự thiết lập một vành đai tự vệ bảo vệ bản thân, dẫn đến sự vô cảm bàng quan vị kỷ. Rồi khi những hậu quả đáng tiếc xảy ra thì phần lớn dành sự chê trách nhiều hơn nhìn lại bản thân nhìn lại gốc rễ vấn đề. Lâu dần trở thành một tập tính xã hội. Và rồi người người rồng rắn bươn bả theo nhau qua những cây cầu gẫy để loi ngoi lóp ngóp dưới dòng sông tội đồ.

Bất kể quốc gia nào thể chế nào thời đại nào thì xã hội vẫn có nhiều thành phần . Thành phần “nghĩ ít làm liều” lại chiếm đa số. Ác nỗi thành phần này lại đóng vai trò khuynh đảo xã hội. Luôn bày ra những tiêu cực và hậu quả nghiêm trọng để phải mất rất nhiều thời gian và phương thức để dọn dẹp chấn chỉnh. Các tỉ lệ phần trăm của những thành phần khác cộng lại chưa chắc đã bằng . Vì vậy xã hội luôn có nhiều biến dịch bất ổn, cuộc sống của mọi người vì thế cũng kha khá những thách thức. Và thường thì tùy theo những phạm vi mật độ khác nhau mà có những khuynh hướng hành xử khác nhau. Nếu kha khá con số tổng thể đồng tông thì dễ kết bè tạo thành một thứ thế lực, các thành phần còn lại mặc nhiên “mũ ni che tai’ hoặc “dĩ hòa vi quý”, chả ai dại đối đầu. Nếu mật độ thưa hơn, thì lá mặt lá trái cốt lấy lòng, vụ lợi, các thành phần khác bàng quan không thèm chấp, miễn là còn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, sự phân tầng là rất rõ rệt, mỗi một con người dù có giỏi che đậy biên diễn đến đâu thì cũng chẳng ai đủ ba đầu sáu tay mà khỏa lấp hết được những tật chứng bản thân. Mọi sự rồi cứ tự nhiên mà hiển lộ ra dưới ánh mặt trời trong con mắt người đời, khi một cá nhân tự hạ thấp nhân cách phẩm giá mình bằng những mưu toan vụ lợi nhỏ nhặt, thì họ cũng hết dần những cái gọi là lương tri thể diện. Ví như ai đó nêu lên một câu hỏi “lương tâm để chó tha rồi à”, hỏi nhầm hỏi thừa, có lương tâm đâu mà hỏi. Bởi lương tâm là một thước đo tối thiểu cho nhân cách một người. Mọi hành xử nếu được thông qua lăng kính lương tâm tất sẽ cho ra một kết quả cho dù không tốt lắm nhưng vẫn có thể chấp nhận được. Còn nếu đã có những hành vị gây tác hại cho một hoặc nhiều người một cách cố ý, thì không cần phải hỏi đến hai chữ “lương tâm” nữa. Xã hội suy cho cùng như một nồi “thắng cố”, tất tất bỏ chung vào nháo nhào lên, việc của mỗi người là chọn gì để gắp. phần còn lại nếu không thể thuộc tầm kiểm soát điều chỉnh của một phạm vi thì người ta thường ngao ngán mà thốt lên : Thời buổi….

Ô la la úi chà chà vô thiên lủng là những chiếc mặt na da người. Những chiếc mặt nạ rất tinh vi được trang bị cẩn thận được đậy trên những miệng hố. Và người ta chỉ có thể “À thì ra…” khi đã lọt ùm xuống đáy. Nhưng không sao, vòng quay cuộc sống có nhiều cái lạ lắm, tưởng vậy mà không phải vậy, luôn có những sự trả giá rõ rệt, hoặc lập tức hoặc lâu dài, hoặc bản thân hoặc người liên đới. Và niềm tin vào tính công minh của luật nhân quả thì vẫn hiển hiện để con người vẫn còn nơi bám víu. Cái chính là vị thứ thuộc tầng nào thì vẫn không hề thay đổi, đã thế này thì không thể thế kia và ngược lại. Vây nên cứ sàng cứ sẩy, lụn vụn rồi cũng rơi hết xuống thôi mà.