Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







SỰ DÓI TRÁ HOÀN HẢO






K hi Chính phủ ban hành Nghị đinh 25-26 cho các công trường xí nghiệp (tên gọi các doanh nghiệp thời bao cấp) được quyền tự chủ về tài chính, chủ trương ban ra hầu như các đơn vị sản xuất kinh doanh đều háo hức, phấn khởi chờ đợi. Các xí nghiệp, đơn vị trực thuộc Công ty cũng đều trong tâm trạng đó, chờ mong!. Đúng rồi! Đồng tiền phải liền với khúc ruột mới chủ động làm ăn được. Công ty tôi có nhiệm vụ xậy dưng các mỏ than và sản xuất than, có tên gọi chung là Công ty xây dựng sản xuất than Thanh Khê.

Tôi là kế toán Trưởng Công ty. Công ty Thanh Khê vào loại lớn lúc bấy giờ. Mô hình tổ chức công ty hồi nó khác bây giờ. Một Công ty có rất nhiều đơn vi thành viên tập hợp lại : Sản xuất, xây lắp, cơ khí, bệnh viện, đào tạo, phục vụ đời sống… Công ty tôi quản lý điều hành 27 đơn vị cấp dưới, chứ không như bây giờ là một đơn vị sản xuất con con cũng có thể là một công ty có đầy đủ ban bệ, bàn ghế bóng lộn. Mỗi mỏ sản xuất bây giờ là một công ty có nhà điều hành sản xuất bề thế cao 7-8 tầng…

Giám đốc Công ty tôi lúc đó là Lê HữuThiên, một giám đốc tài năng giỏi giang, ứng biến đâu ra đấy… Cấp dưới đều khen ông có bộ óc siêu đẳng, siêu việt, thẳng thắn , bộc trực, nhạy cảm… Chưa thông hiểu lĩnh vực nào, giám đốc có thể ngồi hàng giờ đê lắng nghe thuyết trình và đưa ra những ý kiến phản biện làm cho người thuyết trình phải ngạc nhiên và đôi khi lúng túng. Ông đã bắt tôi phải giảng cho ông thế nào là giá thành công xưởng, giá thành toàn bộ, giá thành định mức, giá thành hợp lý, lãi dòng…, vốn tự có và coi như tự có. Thế nào là Xip (CIF) thế nào Fốp (FOB)…. Khi tôi nói đồng vốn trong doanh nghiệp phải cân đối tất cả đều đảm bảo mối quan hệ đối ứng cân đối hoàn chỉnh…, ông đã hỏi tôi trường hợp không cân đối thì sao, tôi bảo: Phải đi gọi vốn (vay). Ông lại hỏi: Vay hết định mức thì sao?… Tôi báo: Phải đi chiếm dụng! Ông đã vỗ tay hoan hô tôi : Đúng là kế toán trưởng, phải luôn nghĩ như thế, thiếu vốn phải đi chiếm dụng, thế mới là kế toán trưởng giỏi!

Cái hồi bao cấp thì thế được, thời bây giờ thì hãy đợi đấy!

Rồi ông cười khùng khục: Tớ khen cậu có danh từ gọi vốn… cũng hay hay đấy!… Như chàng trai gọi cô gái: Em ơi đến với anh đi…Thật ngọt ngào dễ nghe… Gọi vốn cũng phải thế chứ sao!

Việc chi tiêu đồng tiền bát gạo ông đều căn cơ nắm cả, cân nhắc chi ly và giải quyết đến nơi đến chốn. Đơn vị cấp dưới nào tỏ ra hào phóng, vung tay quá chớn là ông chì chiết và đập cho tơi bời khói lửa…

Tôi nhớ một lần, để kỷ niệm ngày thành lập Công ty, có mời đoàn làm phim về xây dựng cho bộ phim “Công ty Than Thanh Khê trong quá trình xây dựng, sản xuất và phát triển”. Khi bộ phim được hoàn thành, giám đốc Thiên cho mời lãnh đạo các xí nghiệp công trường về xem và cho ý kiến. Đoàn trưởng Đoàn làm phim có ý kiến trước. Ông đoàn trưởng làm phim nói về sự khó khăn vất vả của đoàn làm phim như thế nào và nói một cách chân thành, và kết luận thời lượng bộ phim là vậy, các sự kiện là thế, tổng chi phí là vậy. Nhưng nói thế không phải không thay đổi được, giám đốc Thiên muốn ngắn đi cũng dược và muốn dài ra nữa cũng được… Giám đốc Thiên nghe, mỉm cười và đứng lên cảm ơn. Nhưng ông đã cau mày phản biện luôn. Ông nói trong vẻ bức xúc: Việc làm này thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thuộc giới văn nghệ sĩ, phải làm gì và làm như thế nào là các đồng chí phải biết và quyết đinh chứ tại sao dài ngắn lại do tôi là sao?- có phải chuyện tiền nong ở đây không? Xin lỗi nhé, phim nó thế nào tôi vẫn là tôi, là Lê Hữu Thiên chứ không phải Lê Hữu Thiến nhé! Cả khán phòng nghe mà giật mình và bấm bụng cười thầm…

Khi Chính phủ ban hành Nghị định 25-26, Giám đốc Lê Hữu Thiên đang được Nhà nước cho đi công tác thăm Ba Lan để học tập kinh nghiệm nước bạn về (việc) kĩ thuật khai thác than tiên tiến. Ở nhà, Công ty phải tiến hành nghiên cứu và triển khai soạn thảo kế hoạch để khi giám đốc về ký và triển khai thực hiện. Tôi là người có trách nhiệm soạn thảo quy chế quản lý kinh tế tài chính theo tinh thần Nghi định. Bản thân suy nghĩ tạo cho các xí nghiệp, công trường được tự chủ trong sản xuất kinh doanh là hợp lí, xí nghiệp sẽ phát huy tiềm lực để làm ăn hiệu quả. Tôi không còn phải lo cơm áo gạo tiền cho các doanh nghiệp, không phải lo chuyện điều hòa vốn mọi lúc mọi nơi giữa các xí nghiệp công trường với nhau nữa, vì Công ty đang hoạt động theo mô hình xí nghiệp liên hợp tập trung tài chính. Bây giờ quyền lo lắng ấy sẽ là của xí nghiệp, vì đồng tiền đã liền với khúc ruột của họ, họ sẽ có trách nhiêm hơn. Mô hính quản lý tài chính tập trung đang vận hành hiện nay cũng chính tôi viết và giám đốc Lê Hữu Thiên ưng chọn thực hiện. Mô hình quản lý tài chính tập trung công ty được giao cho hai người viết, và tôi được Giám đốc công ty đề bạt làm Kế toán trưởng ngay khi công trình hoàn thành.

Phương án phân cấp cho xí nghiệp theo tinh thần 25-26, tôi được phân công làm từ A đến Z… Tất nhiên, theo phương pháp cổ điển, tôi phải suy nghĩ đánh giá kiểm điểm sự hoạt động tài chính của công ty trong thời gian qua, rút ra những bài học gì cần chấn chỉnh, phân tích ưu khuyết của Công ty trong việc thực hiện mô hình quản lý tài chính tập trung, nó kìm hãm sản xuất, xây dựng như thế nào? Để khắc phúc tình trạng trì trệ, Công ty phải triển khai thực hiên nghị định 25-26 của Chính phủ là hoàn toàn phù hợp và kết luận không thể không thực hiện.

Trong phương án triển khai, tôi đã hướng dẫn từng xí nghiệp, đơn vị cấp dưới được mở tài khoản như thế nào, tự chủ về tài chính ra sao, có tư cách pháp nhân đầy đủ như thế nào…, rồi thông báo cho các tổ chức kinh tế, tổ chức chính quyền, đoàn thể được biết để quan hệ giao dịch.

Kế hoạch ngày họp , địa điểm họp, thành phần họp đã được ghi trong giấy mời. Địa điểm sẽ họp ở Mỏ Tràng Khê, Giám đốc mỏ Nguyễn Thế, là phó giám đốc Công ty trực tiếp làm giám đốc mỏ sẽ có những thuân lợi hơn.

Các phó giám đốc công ty nhất trí như phương án soạn thảo và chương trình nghị sự được thông qua không ai phản đối. Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Thế hôm đó sẽ trình bày. Giám đốc Lê Hữu Thiên chủ trì hội nghị.

Quyết định phân cấp đã được đánh máy sẵn sàng, chỉ còn chờ chữ ký của Giám đốc Công ty khi công tác nước ngoài về ký và phát hành.

Tất cả bộ tài liệu được ghim lại, để trong cặp 3 giây theo thứ tự thời gian trình bày.

Khi Giám đốc Công Ty, Lê Hữu Thiên về, tôi đem cặp tài liệu đến phòng làm việc của ông. Tôi hào hứng, phấn khởi nói cho ông nghe cái mới, cái hay của chủ trương cởi trói cho xí nghiệp, được tự chủ về tài chính kinh tế, lời ăn lỗ chịu của xí nghiệp. Ông chăm chú nghe. Sau nhấp ngụm nước ông nói: Tất nhiên, hay là hay rồi, hay Nhà nước mới ban hành, nhưng cậu đã nghĩ cả bộ xậu công ty đi đâu và làm gì chưa? Ngồi chơi xơi nước à? Ai trả lương cho các cậu? Đợi đấy!. Ông chậm dãi: Tất nhiên nghị định là phải chấp hành rồi, nhưng bây giờ thì phải nghĩ cách xem “lách” thế nào cho phải đã, ta có trách nhiệm phải thi hành nhưng phải từ từ… không việc gì phải vội vã. Cái Quyết định của cậu soạn, được phó giám đốc ký ruồi, ký muỗi rồi, ngôn từ bóng bẩy lắm, nhưng tớ sẽ không ký đâu, tớ đã gạch chéo rồi! Gạch chéo bằng cái bút chì đỏ cậu tặng tớ đấy khi cậu đị thi kế toán trưởng giỏi ở Sài Gòn về ấy. Tớ làm nghề giám đốc phải chăm lo công ăn việc làm cho số cán bộ, nhân viên công ty chứ!.

Nghe ông nói “chơn tru” như vậy, tôi thật sự bị “sốc”, định ngồi lại để trình bày với ông thêm là công việc đã hoàn tất và phải triến khai trước văn võ bá quan vì đã mời các cơ quan Nhà nước, phải thực hiện quyết đinh của Chính phủ là điều bất khả kháng… nhưng xem có vớt vát thay đổi được gì không?

Ông đứng dậy khỏi ghế, nói : Phải thế thôi! Tớ và cậu sẽ nghĩ kế khác, phải nghĩ việc làm cho 200 cán bộ đang ngồi ở khu nhà tầng này đã… Nghĩa là không phân cấp, phân bậc gì hết!

Tôi chỉ biết thở dài đến thượt một cái và ôm cặp tài liêu về phòng. Vứt cặp tài liệu lên bàn, ngồi nghỉ một lúc lấy lại bình tĩnh rồi đi thông báo cho các phó giám đốc. Phó giám đốc Vũ Tuân nói với tôi: Phải chịu thôi chứ sao! - Quan xa Nha gần… Ông chủ tài khoản không muốn buông thì làm thế nào được! Người ta chỉ chịu phục tùng người cầm tiền thôi mà!

Tuy nhiên trong đầu tôi đã phải nghĩ ngay cách làm sao cho đầu xuôi đuôi lọt. Và phải vạch ra một cách “dối trá” cho thật hoàn hảo. Đối với các cơ quan ngân hàng, kho bạc, thuế vẫn phải giữ bí mật. Văn phòng vẫn gửi giấy mời đi các nơi. Các đại biểu vẫn đi họp do Công ty than Thanh Khê triệu tập một cách bình thường. Đoàn Công ty đến Văn phòng Mỏ Tràng Khê, Giám đốc Thiên ra chỉ thị xanh rờn: “Bảo tôi ốm”.

Tôi đi vào phòng làm việc với Giám đốc mỏ Nguyễn Thế ngay, và báo cáo nhanh sự việc không như ý như vậy. Sau phút giây suy tư, anh hỏi tôi: Thế bây giờ làm thế nào? - Tôi chỉ biết cười và nói nhanh với anh: Mọi việc vẫn phải như không có gì xẩy ra. Anh vẫn là người chủ trì hội nghị, tôi trình bày phương án phân cấp, rồi anh xin mời các cơ quan Nhà nước, tỉnh, thành phố, ngân hàng, kho bạc, thuế phát biểu, chắc họ sẽ hoan nghênh việc làm khẩn trương kịp thời của Công ty và đều hứa tạo điều kiện cho các xí nghiệp, công trừơng hoàn thành, rồi anh tóm lại và cám ơn, xin ghi nhận những ý kiến đóng góp “quý báu”, hứa sẽ nghiêm túc nghiên cứu và báo cáo lãnh đạo Công ty cho thực hiện một cách sớm nhất, rồi mời mọi người xuống nhà ăn, dự bữa cơm thân mật, mừng buổi họp thành công. Tôi khẳng định: Thế là xong thôi mà! Anh cười và bắt tay tôi khen việc lám “dối trá” của tôi là hoàn hảo tuyệt vời!

Sau cuộc họp, các cơ quan Nhà nước cũng nhắc, hỏi sao không thực hiện? Dần dần biết sự thật là thế, nhưng câu chuyện được cho qua, chẳng ai kiểm điểm phê phán gì giám đốc Lê Hữu Thiên cả, vì mọi người đều phải lo cơm áo gạo tiền cho gia đình vợ con. Việc đậu có đó, tre có chỗ chẻ, việc gì phải đi kéo rào ngược cho mệt thân!

Nhưng việc chấp hành chỉ thị, nghị quyết của cấp trên là điều không thể bỏ qua. Bộ óc siêu đẳng của Giám đốc Công ty Thanh Khê đã chấp hành một cách sáng tạo, “lách luật”: Chấp hành chỉ thị nghị quyết của Nhà nước một cách nửa vời: Không phân cấp hết cho các đơn vị mà chỉ cho phép xí nghiệp, công trường… được mở tài khoản chuyên thu chuyên chi, có trách nhiệm nộp tiền bán sản phâm về Công ty và có trách nhiệm nộp phần trăm phí để nuôi bộ máy Công ty. Nghĩa là không được hạch toán kinh tế đầy đủ, mà một khi xí nghiệp cấp dưới chỉ được mở tài khoản chuyên thu, chuyên chi, tất nhiên vẫn phải có người kiểm tra kiểm soát, vẫn có tình trạng xin cho. Tất nhiên người kiểm tra xăm xoi không ai vào đây ngoài Giám đốc Công ty. Theo phương án nửa vời này, Công ty chúng tôi tồn tại hoạt động cho đến ngày Đảng ta có chủ trương kiên quyết “Đổi Mới” thật sự nền kinh tế. Trộm nghĩ việc làm của giám đốc Thiên hồi đó, bây giờ có thể kết tội “Lợi dung chúc vụ, quyền hạn làm sai nguyên tác quản lý của nhà nước…”

Trong những ngày công ty hoạt động theo hình thái phân cấp nửa vời này, cũng có những ý kiến trái chiều, cấp trên có phê bình, phê phán qua loa cái tính bảo thủ, manh nha cục bộ bản vị của giám đốc Thiên. Việc làm của giám đốc Lê Hữu Thiên có khác gì kìm hãm sức sán xuất của Công ty trong suốt một thời gian dài! Nhưng cũng có ý kiến khen ông giám đốc Công ty là có chính kiến, biết nhìn xa trông rộng, biết lách thời thế, có bộ óc siêu việt, luôn nghĩ đến “công ăn việc làm” cho mọi người, trong đó có người nhà, con cái họ hàng của ông. Ông thường cười nói vui: “Thời Chiến quốc thế Xuân thu… gặp thời thế, thế thời phải thế!”.

Thật vậy! Tôi cũng đã nghĩ: Nếu thực hiên nghị định 25-26 ngay tắp lự hồi bấy giờ, không biết 200 cán bộ Công ty trong đó có tôi đã phải đi đâu và làm gì lúc bây giờ? Tôi tự cười thầm…Về mặt nào đó cũng phải cảm ơn ông. Người ta bảo cái gì cũng có hai mặt của nó, có lẽ đúng. Muốn phát huy được mặt tốt mặt đúng, người nắm quyền thế phải vô tư, phải có tâm, có tầm và trách nhiệm với dân với nước…, chứ người có chức có quyền chỉ luôn luôn nghĩ đến lợi ích nhóm, cục bộ bản vị sẽ có, nhưng kết quả không như ý muốn và sẽ kìm hãm sự phát triển cua đơn vị!