Trên xe chỉ còn lại bốn người. Tôi, một người đàn ông vẫn đang còn say giấc trên giường tầng và mẹ con người phụ nữ ở phía cuối xe. Một tay cô ta bế con, một tay xách chiếc túi du lịch căng phồng đang loay hoay chưa biết cách nào để cùng một lúc bước xuống. Tôi đi nhanh về phía đó.
- Để tôi giúp chị!
Vừa đúng lúc cô ta ngẩng mặt lên, chạm ánh mắt, tôi đã thốt lên:
- Liên! Liên đi đâu mà…
Tôi định nói đi đâu mà mẹ con lại qua đây… Nhưng tôi kịp kìm lại vì từ ngày xa nhau, tôi đã nghe tin Liên cưới chồng đâu? Hỏi thế, nhỡ không phải, mình thành hớ hênh.
- Anh Thanh! - Liên cũng mừng rỡ reo lên.
Nhưng rồi Liên nhìn nhanh xuống chân và đứa con nhỏ trên tay, vẻ như ái ngại cho cuộc gặp gỡ bất ngờ không hề hẹn trước này.
- Liên định về đâu?
- Em về xã YA Cơ Tu.
- YA Cơ Tu? Từ đây về đấy còn gần ba chục cây số, Liên đi bằng cách nào?
- Bạn em hẹn đến đón.
Chiều sập xuống rất nhanh. Bóng đêm dần trườn ra mặt phố, nhiều nhà đã bật đèn. Thị trấn nhỏ bé đang chìm dần vào đêm, những bóng đèn nhấp nháy nửa như chờ đợi, nửa như cám cảnh cho sự buồn tẻ và kém cỏi. Tôi ngồi bên Liên cùng chờ. Liên mấy lần bấm máy nhưng đều nghe một câu trả lời, “ số máy tạm thời không liên lạc được”. Thấy vẻ mặt Liên có vẻ buồn, thất vọng, tôi bảo, hay vào nhà anh nghỉ tạm, khi nào bạn xuống đón, rồi Liên đi.
Liên có vẻ ngần ngại. Biết Liên ngần ngại vì điều gì, tôi động viên: "nhà chỉ có mẹ và anh, Liên không phải ý tứ gì cả"…
Tôi và Liên cùng học khoa “ kỹ thuật công trình thủy” đại học thủy lợi. Năm cuối, khi chọn đề tài làm luận án tốt nghiệp, tôi đùa: “Khéo rồi đời bọn mình ngập chìm trong nước mất thôi, chuẩn bị chống thấm và ăn mòn đi là vừa”.
Nói vui nhưng tôi có dụng ý ám chỉ Liên, vì khi ấy, Liên đã yêu thằng Khanh lớp trưởng, con ông thứ trưởng ở Bộ X . Chiều thứ bảy nào nó cũng đánh xe đến đón. Có hôm nó còn đưa cả đám bạn đi nhà hàng. Những cuộc vui vẻ đó, tịnh không thấy bóng dáng tôi. Tôi ghét hắn, không thèm! Liên biết vì sao tôi vắng mặt. Thế mà lại đúng như tôi tiên đoán, ra trường, cứ tưởng Liên sẽ được tuyển về vụ nọ cục kia, ai ngờ, khi thằng Khanh được chọn đi nghiên cứu sinh ở Mỹ, hắn đã đá Liên. Cho chừa! Tôi đã từng rủa thầm Liên. Tôi yêu Liên, nhưng làm sao dám "so găng" với với thằng nhà mặt phố, bố làm to”? Tôi biết phận mình, chỉ là gã trai nghèo, cha mất sớm, sống nhờ sự tảo tần của mẹ già ở quê. Tôi đã thề, không bao giờ nhìn mặt Liên, nào ngờ, bốn năm sau, gặp lại trong hoàn cảnh “mẹ bồng con giữa ngã ba đường” thế này, xem ra, đời người ta có số cả đấy chứ?
- Mẹ!
Mẹ tôi đang đứng trong sân nhìn ra. Bao giờ cũng thế, đi đâu về tới nhà, tôi cũng chỉ gọi có một tiếng mẹ!. Mẹ tôi nhìn nhanh về phía Liên vẻ như muốn hỏi. Liên nhanh nhẩu: - Cháu chào bác ạ! Bác ơi, cháu với anh Thanh là bạn học cùng lớp ngày đại học, hôm nay mẹ con cháu đi thăm một người bạn, tình cờ gặp anh ấy ở bế xe, anh ấy bảo về nhà chơi thăm bác…
- Ồ, quý hóa quá! Mấy khi nhà bác có khách quý. Nào, đưa cháu bé đây, bà bế cho. Vừa nói, mẹ tôi vừa giang tay đón cháu bé. Rất lạ, con bé con theo ngay. Nó tưởng đó là bà nội. Chắc mẹ nó bảo nó là về quê chăng?
Bữa cơm muộn nhưng khá tươm tất. Có thịt gà luộc, cá kho, canh rau đay vườn nhà nấu với tép giã, nhờ bàn tay khéo léo của Liên… Mẹ tôi rất vui vì có đứa bé con cứ bi bô, ba ba bà bà.
Đêm xuống chầm chậm. Liên đã bưng mâm bát ra cái sân giếng vừa lát gạch rửa xong. Con bé con đã theo bà nằm trên giường. Nó đã ngủ say vì cả ngày ngồi gật gù trên xe. Tôi bảo, Liên lên nhà trên với mẹ, còn anh nhà dưới. Liên nhìn tôi, ánh mắt khó tả. Nàng cười cợt cái tính nhút nhát hay thương hại tôi chăng?
- Anh còn nhớ con Thủy Lém lớp ta không? Vợ chồng nó giờ lập nghiệp ở YACơ Tu, xây một đập thủy điện nhỏ, có trăm ha đất , cả một cơ ngơi. Biết em thất nghiệp, bảo đến ở với vợ chồng nó, có lương lậu hẳn hoi. Chỉ lo không có sức mà làm. Hẹn đón em, sao mãi giờ vẫn không đến. Em nóng ruột quá!
- Chắc là nó bận khách khứa gì đó. Cơ sở làm ăn lên, đám báo chí, rồi truyền hình lại chẳng mò đến phỏng vấn, đưa tin ngậu xị lên à.
- Nhưng sao lại tắt máy? Chắc là có vấn đề gì.
- Chẳng có vấn đề gì đâu! Thể nào sáng mai nó sẽ gọi cho Liên – tôi động viên.
Nhìn cảnh tình hai mẹ con, túi đựng đồ, đi chơi mà không ăn diện, tôi biết hoàn cảnh của Liên hiện giờ đang rất khó khăn. Đứa bé chính xác là con của Liên. Không biết Liên cưới chồng hồi nào mà không thông báo với bạn bè, chắc có uẩn khúc gì đây? Tôi không hỏi, biết đâu nhắc lại chuyện cũ, lại chạm đến nỗi đau của Liên. Đời người, mấy ai không mắc phải sai lầm? Vậy thì cứ coi như không biết, như thế tốt cho cả hai.
- Thôi, Liên lên nhà ngủ đi, mình cũng đang díp mắt lại rồi. Tôi giục Liên, mặc dù tôi vẫn muốn ngồi lại với Liên cả đêm. Vết thương tình ái trong tôi do Liên gây ra ngày ấy đến bây giờ vẫn chưa kín miệng. Thực lòng tôi rất yêu Liên. Liên biết chứ, cớ sao lại cứ bám riết lấy thằng kia? Tham tiền bỏ ngãi. Giờ tan tác như thúy kiều lưu lạc, còn nói năng chi cho đau cái sự đời? Giả tạo! Mình đâu phải thằng đàn đông bất tài, hèn kém? Có lẽ Liên đoán biết tôi đang nghĩ gì, và lòng tự trọng, Liên đã đứng dậy đi lên nhà trên. Tôi khép cửa rồi lên giường nằm, đầu óc gã trai thất tình ngày ấy cứ nghĩ miên man, miên man...
Tôi vừa chợp mắt thì nghe có tiếng quát tháo từ ngoài cổng: Có phải nhà kỹ sư Thanh ở đây không? Đúng rồi! Còn nhà ai vào đây nữa? ThằngThanh! Mày giấu vợ con tao ở đâu? Ái chà chà! Tình cũ không rủ cũng đến! Các cụ xưa nói cấm có sai! Xưa yêu không lấy được nhau, giờ hò hẹn đến nhà hú hí đây. Liên đâu? Em ơi, em nỡ phản bội anh sao?
Nghe giọng nói, thấy rõ vẻ đau đớn, tức giận đến cuồng nộ của một kẻ ghen tuông cực đỉnh.
Tôi hốt hoảng mở toang cửa. Ở trên nhà, mẹ tôi đã bật điện. Tôi lao ra sân, tóm cổ áo thằng kia dùng hết sức mạnh đẩy hắn ngược trở ra. Mồm hắn sặc sụa mùi rượu.
- Mày là thằng nào mà đêm hôm dám xâm phạm nhà tao? Tao có thể đâm chết mày mà vô tội! Mày có hiểu pháp luật không?
Thằng kia khá khỏe, nó đẩy tôi trở vào và dùng chân ngáng, tôi ngã chổng khoèo giữa sân.
Tôi lồm cồm bò dậy, định chạy vào nhà cầm dao, quyết sống mái với nó.
- Đừng manh động! Hắn cười khà khà. Tao vào nhà là có lý do chính đáng đấy. Tao có xâm phạm nhà mày đâu? Tao đi tìm vợ con tao! Mày đã cưỡng bức nó về nhà mày. Mày giấu nó ở đâu? Nào! Mở cửa ra!
Cánh cửa nhà trên mở toang, mẹ tôi và Liên đã dậy, đang ngồi, tựa nhau. Mẹ tôi mặt thất thần, vẻ hoảng loạn, mẹ không biết thằng con trai mẹ đã gây tai họa gì mà người ta xông vào nhà giữa đêm hôm như thế này? Trời ơi, nếu hôm nay mà mẹ tôi có mệnh hệ gì thì tôi thề sẽ mổ bụng moi gan thằng khốn nạn kia ngay tức khắc.
Hắn đứng giữa sân, chỉ tay vào nhà, sằng sặc cười. Khi hắn vạch mái tóc dài ra đằng sau, tôi bỗng thốt lên: - Thằng Phạm Khang! Hóa ra là mày ư? Thằng Khang học cùng khóa với tôi, nhưng học chuyên ngành “cấp thoát nước”. Hồi đó, hắn đã tỏ ra lãng tử, bị nhà trường cảnh cáo mấy lần vì bỏ học không có lý do.
- Nhận ra rồi hả? Tốt lắm! Hắn đắc chí chỉ tay vào nhà. Rõ ràng bị bắt quả tang nhé. Khá thật! Mày đã giữ vợ con tao bao nhiêu ngày rồi?
Cơn tức giận nghẹn ứ lên cổ. Tôi không thể mở miệng giải thích mà Liên thì cứ ngồi yên ôm lấy con trông rũ rượi như tàu lá sen hơ lửa. Tôi không thể tưởng nổi là cuộc đời mình lại có lúc rơi vào hoàn cảnh trớ trêu này. Tôi chỉ muốn sống mái với hắn.
- Mày muốn gì? – Tôi gầm lên.
- Ha ha ha… Phải thế chứ! Dĩ nhiên là tao muốn rồi. Thằng khang có vẻ đắc ý.
Thấy mẹ tôi ngồi run mà mắt tôi ngầu đỏ, hắn biết, chỉ tích tắc nữa là tôi có thể giết chết nó bằng một thứ vũ khí nào đó. Vốn khôn ngoan, hắn liền xuống giọng nói với mẹ tôi, cháu xin lỗi bác vì sự có mặt đường đột này. Nhưng vì vợ con cháu bị thằng này nó rủ rê về nhà nó, làm sao cháu để yên được?
Tôi chỉ chực lao vào cắn vào cổ hắn. – Nói nhanh lên, mày muốn gì?
- Tốt lắm! Vậy thì tao nói ngay: Tao cần tiền! Tao đang thất nghiệp và cần một khoản tiền để đi làm ăn xa. Mày chỉ cần đưa cho tao ba mươi triệu, hai mươi triệu, ít hơn cũng được. Cứ cho là tao vay. Tao sẽ ra khỏi nhà này ngay. Còn vợ con tao, hắn nháy mắt, ánh mắt hắn lúc ấy, tôi nhìn rất rõ, vừa cười cợt, vừa láu lỉnh tinh ranh, mày muốn làm gì, tùy ý.
- Còn nếu không? – Tôi nói gầm lên, chỉ tích tắc nữa là tôi lao vào bóp cổ hắn. Thằng Phạm Khang lùi lại: Nếu không tao sẽ la to cho cả phố nghe là mày lợi dụng bạn cũ rủ rê vợ con tao đến nhà để cưỡng bức. Rôi sau nữa, tao sẽ viết đơn tố cáo với cơ quan công an và nơi mày công tác.
Tôi nhìn sang Liên. Mặt Liên tái nhợt. Liên cũng như tôi, không thể ngờ lại xảy ra tình huống này.
- Hắn là chồng em sao? - Tôi hỏi, Liên cúi đầu, im lặng.
Cần phải tống cổ nó ra khỏi nhà càng sớm càng tốt. Thứ nhất là vì mẹ tôi, tuổi già, làm sao mẹ chịu nổi khi người ta bôi xấu con mình. Tôi đi nhanh vào gian buồng, mở tủ, lấy ra hai tập tiền có mệnh giá 500 ngàn vứt trước mặt nó.
- Tao chỉ có chừng ấy, mày cầm lấy và xéo nhanh. Nếu chậm, mày sẽ chết tại nhà tao! Thằng Phạm Khang vồ lấy tiền, rồi biến thẳng. Nó biết, tôi không nói đùa.
Thằng Khang đã ra khỏi ngõ. Cả nhà im phắc, kể cả tiếng thở cũng không nghe thấy. Thật là bang hoàng, cứ như một cảnh trong phim. Tôi đi lại phía giường ôm lấy mẹ tôi. Mẹ tựa vào ngực tôi, rồi khóc, tôi biết, người khóc vì mừng cho tôi là không xảy ra đổ máu. Dù sao thì con trai mẹ vẫn an toàn. Tôi nhìn Liên, không biết lúc đó ánh mắt tôi nói lên điều chi mà Liên cúi mặt.
Tôi xuống nhà dưới nằm bất động. Sự việc giống như một bát bùn đen đúa hắt vào lòng tự trọng sáng trắng tinh khiết của tôi. Tôi cố hình dung lại sự việc từ chiều xem có gì sơ xẩy không? Tôi chỉ tình cờ gặp lại người bạn gái trong hoàn cảnh éo le và mời về nhà mình. Gặp bạn cũ trong tình cảnh như thế, ai mà chả làm như tôi?. Nhưng làm sao thằng Khang lại nhè đúng vào lúc cả nhà vừa lên giường mà xông vào? Nó ở đâu đến và ai thông báo vị trí nhà tôi cho nó? Người đó phải là Liên. Chắc là Liên đã nhắn tin? Hèn chi mà khi hắn xông vào nhà, miệng không ngớt chửi rủa và hạ nhục tôi Liên vẫn ngồi câm lặng. Sao Liên không đứng dậy mà vả vào miệng hắn khi hắn vu cáo rằng liên đã bị tôi cưỡng đoạt? Hai mươi triệu, đối với tôi ví một chiếc lá rơi trên một cái cây còn tươi xanh mơn mởn. Nhưng tôi đau. Một năm làm lụng, tiết kiệm chi tiêu tối đa, tôi cũng chỉ dành dụm được hai cái lần số tiền tôi đã đưa cho hắn. Tôi buồn cho Liên, sao lại u mê để đến nỗi gửi thân cho thằng đàn ông khốn nạn. Cứ miên man với những câu hỏi rồi tự giải thích, tự nhiên tôi đâm ghét cả Liên. Liên đã có con với hắn? Từ bao giờ? Sao từ chiều không nói?
Hay đây là một phi vụ làm ăn? Liên đóng vai một con mồi? Dám lắm! Tôi đã từng nghe nhiều phi vụ làm ăn của giới lừa đảo. Một cô gái giả vờ lỡ xe xin đi nhờ, đến đoạn đường vắng, gạ tình, gã trai ngu ngốc dính vào. Khi cuộc tinh đang đến hồi say đắm thì “ thằng chồng” xuất hiện, thế là gã trai bị lột từ đầu đến chân. Chả nhẽ Liên đã hư đốn đến mức đó? Thôi thì trong thiên hạ mênh mông, ai cũng được, nhưng làm sao Liên nỡ lấy tôi làm con mồi? Thật đúng là "ách ngoài đàng quàng vào cổ".
Tôi thiếp đi trong cảm giác nặng nề. Ký ức tái hiện trong vỏ đại não, tôi mơ thấy Liên hồi sinh viên. Liên vừa gội tóc xong, bàn tay búp măng trẵng nõn túm chặt một đầu rồi cho cả búi tóc dày mượt xoay tít. Bụi nước li ti thơm nức mùi bồ kết bay tỏa ra không gian, mắt tôi như bị thôi miên, đắm đuối ngắm nhìn cái cổ cao của Liên trắng ngần như men sứ. Ngay lúc đó, thằng khanh xuất hiện, nó cầm tay Liên dắt đi. Bất giác tôi gọi, Liên Liên, đừng đi theo hắn. Hắn là thằng Sở Khanh, sẽ hại đời em đấy! Nhưng Liên vẫn đi. Tôi nhìn thấy bóng hai người như lướt trên các bậc cầu thang của tòa nhà chính hình chữ u, trước khi đi khuất, còn ngoái nhìn tôi vẻ diễu cợt, thương hại.
Tôi tỉnh dậy, trời đã mờ sáng. Tôi thấy liên ngồi bên canh. – Anh mơ à? Liên ân cần hỏi thăm tôi, rồi nói, em không ngờ hôm qua lại là ngày đen tôi nhất cuộc đời em. Em đã làm khổ bác và anh. Xin anh hãy vì tình bạn xưa mà tha thứ cho mẹ con em. Em khổ lắm! Liên khóc. Tôi không muốn nhìn Liên trong tình cảnh ấy, liền ngồi dậy, lặng lẽ đi ra sân. Tôi như nhìn thấy thằng khang vẫn còn đang đứng lù lù ở đó…
Tôi lao vào công việc, cố quên đi kỷ niệm buồn. Nhưng hình ảnh thằng Phạm Khang và cái dáng ngồi của mẹ con Liên trong cái đêm hôm ấy vẫn ám ảnh tôi mỗi khi ngồi một mình. Làm sao lại có thể tồi tệ như thế được? Tôi cố liên kết các hành động của thằng Khang xem có liên quan gì đến Liên, Liên có phải là tòng phạm với hắn không? Tôi đã tiêu tốn bao nhiêu thời gian và trí lực vì chuyện ấy. Buồn, đau đớn, thất vọng vì sự dại dột của mình. Công trình đang đến giai đoạn nước rút. Tôi phụ trách kỹ thuật thi công cọc bê tông, nghiên cứu chất phụ gia và kết cấu cốt thép cho hợp với môi trường nước lợ. Khi đứng nhìn búa máy đang giáng xuống, từng chiếc cọc cứ lún dần, lún dần, tôi chợt nghĩ đến câu nói đùa với Liên ngày xưa, đúng là cuộc đời tôi đang dầm trong nước. Bỗng nhiên tôi nhớ Liên. Nhớ đôi mắt u buồn ngơ ngác như mắt nai của Liên. Cái cổ cao ba ngấn thon thon trắng mầu men sứ của Liên. Sau cái lần gặp sự cố ấy, bây giờ mẹ con Liên đang ở đâu?...
***
Chiều hai tám tết tôi mới khăn gói về nhà. Bước đến ngõ, nghe tiếng trẻ con líu ríu. Tôi bước vào, sân vườn, mẹ quét dọn sạch bong. Ở đầu ngõ, rác với lá khô được vun thành đống để đốt rấm, khói bay lên quyện theo làn gió xuân nhè nhẹ, không khí tết đã tràn về. Mẹ! Tôi gọi to lên cho mẹ nghe là thằng con trai mẹ đã về. Mẹ tôi nhìn tôi, đôi mắt mẹ ánh lên tình mẫu tử, thương mến vô bờ, rồi bảo đứa trẻ: - Thu! Chào bác đi con! Tôi hỏi, con ai thế mẹ?
- Con đoán xem con của ai nào?
- Con nhìn quen lắm. Tôi giơ tay, con bé sà vào tôi, cái miệng nhỏ xíu, xinh xắn gọi, bác bác. Mẹ tôi như trẻ ra, không khí trong nhà thật ấm áp.
- Con của cái Liên chứ con ai. Nó về quê rồi.
- Sao Liên lại gửi con cho mẹ?
- Nó bảo, có cháu cho bà đỡ buồn. Từ ngày con vắng nhà, mẹ con nó vẫn thường về chơi.
Tôi bước ra sân giếng, nhìn xuống mặt nước đá ong trong suốt. Giếng đào thừ ngày cha tôi còn sống. Mặt nước in rõ khuôn mặt nhuốm đầy sương nắng của tôi. Khuôn mặt thằng đàn ông chưa đầy ba mươi tuổi đầu, suốt tháng quanh năm lăn lộn ngoài hiện trường, hết công trình này lại đi công trình khác, đã chớm vết nhăn, gầy gùa, xương xẩu. Thoáng cái, tám tháng đã trôi qua. Tám tháng trời, có cái gì mới không? Cuộc đời của thằng kỹ sư thủy lợi? Tháng ngày trôi, cứ dầm, xà, móng, cọc, cùng với tiếng búa đóng cọc khô khốc, xập xì bụi khói, tiếng ầm ào của các phương tiện thi công trong áp lực thực hiện tiến độ đã choán hết thời gian của tôi. Tôi nhận thấy, tôi sắp già.
Tôi bước vào nhà, lòng thư thới. Tôi đã quen với hương vị đồng quê, cảnh vườn tược ao chum, tiếng gà gáy, chó sủa. Đêm mưa, tiếng ếch, tiếng chẫu chàng chẫu chuộc kêu um tai. Âm thanh ấy đã ám vào tôi từ thưở lọt lòng. Mỗi lần về nhà, tôi thấy mình thành trẻ thơ.
Mẹ tôi từ trong nhà bước ra, nhìn thằng con trai một lượt, ý như khoảng thời gian dài đó, nó có biểu hiện gì khác thường không. Mẹ cười, ra ý là con trai mẹ vẫn thế, chẳng có gì thay đổi cả dù nó có là một ông tướng thì nó vẫn cứ là trẻ con dưới con mắt mẹ.
- Có một phong thư không biết ai gửi cho con. Gửi theo địa chỉ nhà ta. Mẹ nhận đã gần tháng nay rồi.
Ai nhỉ? Bây giờ mà còn viết thư?- Tôi thấy lạ.
Tôi bước ra sân, lặng lẽ bóc thư. Tưởng ai, thì ra thư của thằng Phạm Khang. Tôi đã định không đọc, xé đi, giữa tôi với hắn bây giờ còn gì nói nữa? Hắn đã vu cáo, hạ nhục, bôi đen cuộc đời tôi, khiến tôi bị tổn thất nặng nề, nỗi đau đó còn ám vào cuộc sống của tôi cho đến khi nào mới hết? Nhưng rồi tôi tĩnh tâm lại. Thử xem hắn viết cái gì? Chắc cũng phải có lý do nào đó. Hắn viết: "Thanh! Trước hết tao phải nói một câu đầu tiên là xin mày tha thứ. Không phải tha thứ mà là tha tội. Bạn bè xa nhau lâu nên mày chưa biết hết về cuộc đời của Liên đâu. Năm ấy, sau cái lần bị thằng Khanh đá, liên đã có bầu với nó. Đáng lẽ phải xổ cái giống Sở Khanh ấy đi thì Liên lại cố tình giữ lại. Thế mới khổ! Một mẹ nuôi con nhỏ, mà ở quê, ông nội có lương hưu, nguồn tài chính cung cấp cho Liên đi học lại vừa mới chết. Liên thành bơ vơ, không nơi bấu víu. Tao đành phải giang cánh tay của một thằng đàn ông lãng tử mà cứu giúp nàng. Nhưng cũng chỉ được hai năm, năm thứ ba thì tao quyệt quệ. Tao làm công trình cấp thoát nước ở một thành phố lớn, thi công giữa chừng thì người ta phát hiện chất lương ống quá kém. Tất cả đổ lên đầu tao vì tao chịu trách nhiêm khâu kiểm tra chất lượng. Phải đào lên thay thế, thất thoát tiền tỷ. Tao bị cảnh sát kinh tế truy cứu, trốn chui trốn lủi. Trong lúc đó thì Liên bế con đi tìm tao. Liên vào cơ quan cũ, thấy Liên, tao vội lủi ra bến xe, ý định ra Bắc, không ngờ, tao vừa lên xe, một lúc sau, mẹ con Liên đã lù lù trước cửa. Tao đành leo lên giường tầng và giả vờ úp mặt ngủ chờ bến nào mẹ con Liên xuống mới dám ló mặt. Tao không muốn gặp Liên, vì sợ Liên bị liên lụy. Cái thằng người tóc bù xù nằm trên giường tầng đến bến xe rồi mà không xuống chính là tao đấy! Thật là trời sắp đặt cho ba đứa chúng ta gặp nhau ở bến xe cuối cùng. Khi mày đưa Liên về nhà, tao đã định vào theo hỏi vay tiền mày nhưng nghĩ đi nghĩ lại, rồi thôi. Bí bót lắm rồi, mấy tháng trời không một xu dính túi. Tao vào quán rượu, biết mày là thằng đàn ông cao thượng, trọng danh dự, coi nhẹ đồng tiền mà mày đã có việc làm ba bốn năm rồi, với lại, xưa nay mày vốn nhu mì như con gái, chưa bao giờ dám đánh nhau với ai, nên tao nghĩ ra một âm mưu như mày biết đấy.
Nhờ có số tiền của mày nên tao không phải nhịn đói. Mọ vào tận Cà Mau tìm việc, bụng lo thon thót, chỉ sợ công an kinh tế tóm bất kể lúc nào.
May mà trời còn thương tao, vụ ấy công an đã bắt gã phó giám đốc phụ trách kỷ thuật nhận hối lộ mấy trăm ngàn đô nên ký nhận lô hàng kém chất lượng. Tao được minh oan. Giờ thì tao đã có việc làm và tiền tiêu rủng rỉnh. Nhưng tao không thể gặp Liên. Tao biết mày vẫn còn yêu nó. Loại người như mày, không dễ thay đổi. Tao chỉ thương mẹ con nhà nó thôi chứ không hê yêu. Tao nói thực lòng đấy! Thôi thì cố giữ lấy phần đuôi, mày hãy thương lấy nó. Mày cho tao xin số tài khoản, tao gửi trả mày món nợ “vay” mày đêm ấy, cả gốc lẫn lãi...”
Tôi bỗng cười to lên. Cuộc đời có những bước ngoặt kỳ lạ thật. Xét cho cùng ra, bạn tôi toàn người tử tế cả đấy chứ! Cuộc đời này còn đáng sống lắm! Cái thằng Phạm Khang, thế mà đóng kịch giỏi. Xưởng phim nào vớ được nó, chắc phát tài.
Mẹ tôi nói lại, theo lời Liên kể, lần ấy Thủy đi đón Liên, khi xe ra đến đường chính thì bị một chiếc xe tải lấn hết phần đường. Thủy liều đánh tay lái sang trái để tránh thì lại gặp hai mẹ con một người dân đi ngược chiều. Không thể tông vào họ, Thủy đành đánh xe lao xuống suối, chấp nhận hy sinh để cứu mẹ con nhà kia. Thủy được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hai chân dập nát. Giờ đã khỏi nhưng ngồi xe lăn. Liên đã nhận việc ở công ty của Thủy, bảo, vợ chồng Thủy cử nó làm chức phó gì đấy phụ trách kỹ thuật…
Không hiểu sao, tôi muốn gặp Liên. Tôi muốn kể cho Liên sự thật về thằng Phạm Khang trong cái đêm hôm ấy? Không nên! Tôi có nên quay lại với Liên, sau bao nhiêu mất mát, khổ đau, hờn giận? Có nên không? Nhiều đêm tôi thao thức. Bức rào ngăn cách giữa tôi và Liên là đứa con mà mẹ tôi đang bồng bế kia. Nó đâu phải là giọt máu của tôi? Là của thằng "Sở Khanh", kẻ địch tình. Có thể nào tha thứ cho Liên, dễ dãi kéo Liên vào lòng? Tôi cười chua chát.
Thôi! Cứ đón mùa xuân này cho thật vui vẻ đã. Mọi sự hãy đợi ra giêng, ngày rộng tháng dài...
Tạm kết thúc những tháng ngày buồn, tự nhiên tôi thấy mình cô đơn. Cố xua đi nỗi trống trải ấy, tôi hỏi vống ra vườn. Mẹ tôi đang dẫn con bé Thu ra thăm mấy luống cải đang lên ngồng.
- Liên hẹn hôm nào trở lại nhà ta hả mẹ?
- Nó chỉ bảo, để cháu lại chơi với bà, rồi lái xe về quê, không nói hôm nào trở lại cả, con ạ!.
Chiều ba mươi, khi mẹ con bà cháu chuẩn bị dọn mâm chiều tất niên thì Liên quay lại. Chiếc xe bảy chỗ ngồi nhuốm đầy bụi đỏ. Liên bước vào, dáng đi nhanh nhẹn, tự tin, thể hiện con người của công việc, nhưng vẻ mặt đượm buồn, bảo, em về quê thắp hương cho các cụ rồi đi. Ở quê, giờ chỉ còn anh trai bị tàn tật. Năm nay em ở lại nhà cùng bác với anh đón giao thừa, sáng mai phải lên với vợ chồng Thủy. Thủy không thể thiếu em một ngày.
Thế là tôi với Liên chỉ có một đêm nay thôi. Tám tháng trước, tôi đã gặp em ở bến xe cuối cùng, và đêm nay, cũng là đêm cuối cùng trong một năm dài thăm thẳm. Tôi sẽ ngỏ lời với Liên. Không còn thời gian nữa rồi…
Tôi với Liên ngồi bên nồi bánh tết đang sôi sùng sục. Lửa ánh lên nét mặt Liên đầy tư lự. Tám tháng thôi, tôi thấy Liên thay đổi quá nhiều. Trên nét mặt rắn rỏi, thể hiện sự trải đời. Đàn bà sau một lần vấp ngã, họ trở thành con cáo tinh ranh. Trên nhà, mẹ tôi đang nựng cho bé Thu ngủ. Ngoài trời mưa bụi lay phay, không gian chùng xuống, mênh mông, gợi mở, cái lạnh đêm giao thừa vừa đủ để người ta muốn gần sát bên nhau. Liên nhìn tôi. Đôi mắt! Ôi, đôi mắt của Liên, giờ tôi mới nhận ra, long lanh, nhân hậu, thủy chung, mạnh mẽ nhưng buồn thăm thẳm.
- Liên! Chúng mình đến với nhau đi. Anh vẫn còn yêu em! – Tôi nắm tay Liên, chân thành.
Cứ tưởng nói xong câu đó, Liên sẽ gục vào lòng tôi mà khóc, mà thổn thức, cảm ơn lòng vị tha của tôi, xin tôi tha thứ cho những lỗi lầm vì nhẹ dạ cả tin trước đây. Nhưng không! Liên nhìn tôi, mắt ánh lên những tia sáng rất lạ.
- Anh Thanh! Em biết anh là người tốt, rất tốt là đằng khác, và biết anh đã yêu em từ những ngày đầu tiên. Nhìn ánh mắt anh khi ấy, con tim em mach bảo, rằng anh đã yêu em chân thành. Nhưng muộn rồi anh ạ! Em đã yêu Khang, mặc dù anh ấy chưa ngỏ lời. Trong tim em, Khang mới là người đàn ông em cần. Anh có biết không? Khi em bị Khanh phản bội, mẹ con em rơi vào tình thế cùng quẩn. Chính lúc đó, Khang đã đưa bờ vai của anh ấy cho mẹ con em tựa mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Hai năm! Đúng hai năm, mẹ con em sống nhờ vào tiền chu cấp của anh ấy. Một con người như thế, sao có thể vào nhà anh đường đột, dọa anh rồi cầm vội mấy triệu đồng? Mà hôm ấy, em thấy thái độ và con mắt của anh ấy khác lắm. Sớm hay muộn rồi em cũng sẽ tìm gặp anh ấy hỏi cho ra nhẽ. Em không tin anh Khang là con người như vậy!
Mồ hôi túa ra ở sống lưng, mặt tôi tái đi, tay tôi run run cời than cho lửa cháy to lên. Tôi nhìn rất rõ đôi mắt liên mở to, trong đó có hai ngọn lửa đang cháy bập bùng. Và tôi biết, hơi ấm ấy, không phải Liên dành cho tôi…