Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


tranh Mai Qúy Ngọc

GÃ KLIU SI TÌNH




T rong chuyến đi làm việc với các trường vùng cao vào những ngày cận Tết, tranh thủ lúc nghỉ trưa, tôi lững thững dạo quanh các buôn bà con dân tộc K’ho sinh sống. Những ngôi nhà xây gạch đã nhiều hơn, làm cho bức tranh buôn làng thêm màu sắc. Màu đỏ của tôn mạ màu lợp mái hòa với màu xanh, màu hồng của sơn tường, lại điểm xuyết thêm màu bạc lóe sáng phản chiếu ánh mặt trời của những chảo ăng ten bắt sóng truyền hình kỹ thuật số. Các buôn làng vùng cao giờ đã lên đời. Tôi cố tìm, nhưng hình như không còn thấy ngôi nhà chính nào của gia đình thuộc dạng nhà sàn làm bằng gỗ và tre nứa nữa cả, chỉ còn một số người già không quên nếp nhà tâm linh dân tộc, nên bảo con cháu làm cho một cái nhà sàn nhỏ bằng chừng vài ba chiếc chiếu, nằm khuất phía sau nhà chính, để ngủ vào buổi tối luôn có bếp lửa ấm trên sàn… Tôi cảm thấy hơi buồn. Những biểu tượng của bản sắc dân tộc K’ho đã dần bị mai một. Chẳng lẽ, mục đích đưa đời sống bà con vùng cao tiến kịp miền xuôi, cuối cùng là như vậy sao? Loanh quanh thế nào, con đường bê tông nhựa xuyên qua giữa các buôn lại đưa tôi ra bờ sông La Ngà. Đúng giữa trưa nắng chang chang mà ngọn gió của mùa đông cao nguyên thổi lồng từ sông lên nghe lành lạnh. Nhưng trong lòng tôi hình như đang lan tỏa một luồng hơi ấm. Hồi ức về một thời xa lắc xa lơ tưởng đã chìm sâu, ngủ quên trong tiềm thức, bỗng nhiên thức dậy, rồi tràn ngập trong toàn bộ cảm thức của mình… Sông La Ngà khởi nguồn từ cao nguyên Di Linh, đến khi nhập vào sông Đồng Nai, có chiều dài khoảng 272 km. Từ nơi hợp lưu, sông La Ngà chảy ngoằn ngoèo theo hướng bắc tây bắc- đông đông nam trên chiều dài khoảng 30 km, đến khi giáp địa bàn tỉnh Bình Thuận, thì bị chặn lại, sông buộc phải bỏ dòng nguyên thủy để chảy sang dòng mới, làm nhiệm vụ tích tụ nước thành hồ chứa Hàm Thuận rộng 2500 ha mặt nước, rồi đổ vào bể áp lực quay tuốc bin của nhà máy thủy điện Hàm Thuận, công suất 300MW. Nước xả của nhà máy thủy điện Hàm Thuận lại chảy xuống hồ thủy điện Đa Mi, cách đó vài cây số về hướng Nam, để tiếp tục làm ra điện cho nhà máy thủy điện Đa Mi, công suất 175MW. Cuối cùng, sau khi đã biến thành điện, nước của sông La Ngà chảy theo con suối Đa Mi giữa hai vách núi hẹp và sâu để trở lại dòng sông cũ, tại nơi cách điểm sông bắt đầu đổi dòng chảy vào hồ Hàm Thuận chừng 20 km. Đoạn 20 km bị cạn nước này của sông La Ngà ngang qua các xã Đông Tiến, Đông Giang và La Dạ (thuộc huyện Hàm Thuận Bắc). Các buôn làng sống dọc theo bờ sông bị lấy mất nước này được trung ương bù lại bằng con đường nhựa từ Đa Mi xuống Đông Giang và 150 ngôi nhà, coi như phần bồi thường thiệt hại. Tuy vậy, bà con ở đây vẫn buồn lắm, vì cái bến tắm bên sông của làng đã không còn nũa. Tôi cho rằng, sự biến mất của bến tắm này là không thể nào bù đắp được bằng vật chất, dù giá trị có lớn đến bao nhiêu. Ví như mỗi người không thể lấy cuộc sống hiện tại để thay thế cho quá khứ của mình được. Biết làm sao? Việc cắt dòng chảy của sông để làm ra điện là việc làm có ý nghĩa vì lợi ích quốc gia. Đó là việc không thể không làm. Khi xem xét hệ quả phát sinh, chúng ta chỉ chú ý về sự thay đổi môi sinh ảnh hưởng đến việc sản xuất của bà con ở trong lưu vực này, mà không ai quan tâm đến khía cạnh tâm linh của dân tộc có bị tác động gì không. Muốn làm cho mọi người ai cũng hiểu rõ về tâm hồn, về cội nguồn văn hóa của một cộng đồng dân tộc thiểu số nào đó để có cách ứng xử phù hợp, hình như là một đòi hỏi khó có thể thực hiện được…

Cũng như các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên, người K’ho có thói quen chỉ tắm giặt ở một bến nước bờ sông hay con suối cố định. Bến tắm thường được hình thành, một cách tự nhiên, ở những nơi có không gian rộng rãi, thoáng đãng. Cách nay hơn ba mươi năm, tôi đã từng có thời gian sống đủ lâu cùng với bà con các buôn làng K’ho ở đây và dĩ nhiên, có cả cùng tắm chung một bến nước trên dòng sông La Ngà. Lúc ấy, bến nước là nơi đông vui nhất của làng. Khi ra với bến tắm, mọi người sẽ không còn phân biệt về tuổi tác, giới tính nữa, tất cả đều có chung sự bình đẳng tuyệt đối. Họ hoàn toàn khỏa thân, trở về với thiên nhiên, cùng nhau ùa xuống sông, thả lòng, hòa mình vào giữa làn nước mát lạnh, trong không gian tự nhiên được trời ban tặng, gột rửa bụi bặm, trút bỏ hết những ưu tư, phiền muộn, nhọc nhằn của một ngày lao động mệt nhọc, để tìm kiếm sự sảng khoái và vui thích. Tại đây, người ta dễ dàng nói cười với nhau hơn. Họ đùa giỡn, tán tỉnh nhau hay mời hẹn nhau đêm nay cùng hút rượu cần, thổi kèn bầu, đánh chiêng, đánh trống, múa hát quanh đống lửa hồng… Bến tắm là nơi giao hòa, hội tụ, hợp nhất giữa trời, đất, nước và con người. Theo phong tục, trẻ con K’ho khi sinh ra được vài ngày, người mẹ quấn khăn địu con ra bến tắm. Chính tay người mẹ nhúng sinh linh bé nhỏ ấy xuống dòng nước mát lạnh chảy ra từ rừng núi ông bà; một hành động biểu trưng của chủ thể - người mẹ, sau khi nuôi giữ sự sống trong người do thiên nhiên ban tặng qua chín mùa trăng, giờ đến lúc phải bàn giao đứa con của mình trở về với thiên nhiên. Chính vì vậy, bến tắm trở thành không gian văn hóa, không gian tâm linh của người K’ho, là nơi vừa trần tục, lại vừa thiêng liêng biết bao.

Tôi hơi dài dòng về cái bến tắm ngày xưa, bởi vì, câu chuyện có thật mà tôi sẽ kể sau đây, được khởi đầu và kết thúc cũng chính ngay tại bến tắm này…

Hơn hai mươi tuổi, tuy không phải là cô gái đẹp, nhưng K’Hên có nét duyên con gái, thùy mị, ít nói. Như mọi cô gái khác của buôn làng, K’Hên không bao giờ mặc áo, bộ ngực trần phơi ra lồ lộ, săn chắc, khỏe mạnh, như muốn ngầm thông báo cho các chàng trai buôn làng biết, mình thừa khả năng sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Chỉ tiếc rằng, vào năm K’Hên mười lăm tuổi, trong một lần đi rừng hái lá bép về nấu canh, bị trượt chân té từ trên cây xuống đất, đầu đập vào một tảng đá. Từ đó, tai K’Hên bị nghễnh ngãng, nói to mới nghe được và một chân bị teo nhỏ lại, khiến K’Hên phải đi cà nhắc. Nhà K’Hên có năm anh chị em. Ba má mất sớm. Ba anh trai đã theo về nhà vợ, chị gái bắt chồng mấy năm nay, đã có cháu. K’Hên và gia đình chị ở chung nhà. Vì bị tật nguyền như vậy, nên K’Hên rất khó bắt chồng. Con gái K’ho trên hai mươi tuổi mà chưa cưới chồng, coi như bị ế.

Hôm đó, K’Hên gùi những trái bầu khô ra bến tắm. Thường người ta đi lấy nước vào buổi sáng, khi mặt trời vừa lên hoặc vào buổi chiều, giờ đi tắm. Nhưng K’Hên lại đi lấy nước vào đúng giữa trưa. Có lẽ là định mệnh chăng? Bến tắm vắng ngắt. K’ Hên lội ra gộp đá hơi xa bờ, chọn dòng chảy sạch để lấy nước. Chất những trái bầu đầy nước được nút lại bằng lá chuối vào gùi, xỏ dây đeo vào vai, K’Hên đứng lên và… không thể tin vào mắt mình nữa. Trên bờ là một “gã” kliu (tiếng K’ho: “kliu” là cọp) đang đứng nhìn K’Hên với ánh mắt đăm đắm, trong sáng và hiền từ. Sau này, kể lại cho nhiều người nghe, K’Hên nói rằng, mình không có cảm giác sợ hãi, chính vì ánh mắt ấy của kliu. Im lặng đối diện nhau chừng một phút, K’Hên la lên : “Kliu, đi đi!” Như tuân thủ mệnh lệnh, kliu xoay người bỏ đi bằng những bước chân nhẹ nhàng, uyển chuyển. Gã kliu này có lẽ đã núp đâu đó quanh bến tắm để quan sát trong nhiều ngày, đến trưa nay mới có dịp lộ diện. K’Hên giữ trong bụng chuyện vừa xảy ra, không hề nói cho ai biết, kể cả chị ruột mình. Sáng hôm sau, K’Hên mang gùi lên rẫy hái rau. Giữa những đám rẫy trỉa lúa, trồng mì, bà con thường để lại một số cây bằng lăng to đã được cắt cụt ngọn, rồi trỉa bầu, mướp ở dưới gốc, cho dây leo lên cây. K’Hên chọn một cây bằng lăng có nhiều dây mướp lủng lẳng trái, rồi leo lên. Khi hái mướp xong, tụt xuống tới lưng chừng cây, K’Hên mới phát hiện một kliu nằm ngay bên dưới gốc bằng lăng, đang hướng mắt lên nhìn mình. K’Hên nhận ra đó chính là ánh mắt của ngày hôm qua nơi bến nước. K’Hên lấy một trái mướp ném xuống trúng vào người kliu và nói to: “Đi đi, kliu!” Lần này, mệnh lệnh của K’Hên không được thi hành. Gã vẫn nằm bất động, chỉ ve vẫy chiếc đuôi. Ném gần hết những trái mướp già non trên cây mà kliu vẫn không nhúc nhích, K’Hên bắt đầu thấy hoảng sợ. K’Hên cất tiếng hú dài, một tín hiệu mà bà con K’ho chỉ dùng khi gặp những cơn nguy cấp. K’Hên hú đến lần thứ ba, nhiều tiếng hú xa xa đáp lại. Như biết sẽ có nhiều người sắp tới đây, kliu bỏ đi, không quên gởi lại K’Hên cái nhìn đăm đắm. K’Hên chờ đến khi có mấy người tới dưới cây bằng lăng mới dám tụt xuống gốc. K’Hên nói lại ngắn gọn cho mọi người nghe; sau đó, về nhà, mới kể đầy đủ chi tiết cho gia đình và những già làng về toàn bộ sự việc xảy ra từ ngày hôm qua tới giờ. Nghe xong, nét mặt những già làng có vẻ trầm trọng lắm. Lão làng K’Tắc, người có uy tín nhất trong các già làng, nói lên điều mà sau đó tôi nghe được, làm tôi kinh ngạc và thật là khó tin. Ông khẳng định, gã kliu kia đã si tình K’Hên. Ở kiếp trước, K’Hên và kliu này, lúc đó là người, đã bén duyên nhau, nhưng không thành. Kiếp này, dưới lốt kliu, gã đi tìm lại người xưa. Ông cho rằng, trong những ngày tới, nếu có thời cơ, kliu sẽ cõng K’Hên chạy vào rừng. Già K’Tắc còn nói thêm, chuyện tương tự đã từng xảy ra trong buôn làng K’ho, được lưu truyền theo lời kể của các thế hệ già làng. Có những cô gái, vì vậy mà mất tích, không thấy trở về nữa. Tôi nghe mà rùng mình, nổi da gà khắp người. Các già làng bàn bạc và thống nhất với gia đình K’Hên là cần làm ngay bốn việc để giải quyết tình huống này. Trước hết, phải làm gấp cái gác lửng áp mái nhà, để cả gia đình K’Hên, bắt đầu từ tối nay, lên hết trên gác ngủ. Thứ hai, khi sụp tối, du kích xã sẽ bố trí trong nhà canh cửa trước và cửa sau, nếu kliu mò về thì nổ súng. Việc thứ ba là, đem một con heo cột vào gốc cây gần nhà, coi như món quà của gia đình gởi biếu kliu, để cầu xin kliu đừng quan tâm đến K’Hên nữa. Việc thứ tư, bằng mọi giá phải nhanh chóng cưới chồng cho K’Hên, để làm nản lòng gã kliu si tình kia. Các già làng đều tin chắc rằng, tối nay, kliu sẽ vào buôn, mục tiêu chính là nhà K’Hên.

Chúng tôi ở cách nhà K’Hên chừng vài trăm bước chân. Mọi người khiêng bàn ghế ở lớp học về chặn cửa thật chắc, vì nhà có hai cô giáo trẻ, nên cũng có phần sợ kliu ghé qua. Chúng tôi được huyện đội cấp mấy khẩu AR15 để tự vệ. Thời ấy, phỉ FULRO còn nhiều, chúng có thể tấn công bất kì lúc nào vào các buôn làng Tây Nguyên. Tối đó, chúng tôi thao thức không ngủ được. Đến nửa đêm, đột ngột mấy loạt súng vang lên ở hướng nhà K’Hên. Vài phút sau, bà con đốt đuốc sáng rực đi đến nơi phát ra tiếng súng. Chúng tôi cầm đèn pin, xách súng chạy tới. Một cảnh tan hoang trong nhà K’Hên. Bao nhiêu ché rượu cần bị bể tan nát. Hỏi ra, mới biết, vào nửa đêm, gã kliu kia đẩy cửa sau như muốn vào nhà. Các tay súng canh gác đồng loạt bóp cò. Nhưng hình như không viên đạn nào trúng vào kliu. Các chàng du kích mang tâm lí truyền kiếp của dân tộc mình luôn hãi sợ loài kliu, nên đã bắn chệch mục tiêu, đạn chỉ trúng vào lu, ché.

Những người K’ho có thói quen, khi vào rừng săn thú mà gặp cọp, thì phải bỏ chuyến đi săn, quay trở về hoặc đi sang khu rừng khác. Nó giống như một quy ước ngầm giữa hai “thợ săn”. Người và cọp tránh không săn chung trong một khoảnh rừng. Có lẽ vì vậy mà những người thợ săn, khi săn được con thú nào cứ để tại chỗ, đánh dấu vị trí, rồi rẫy vài giọt nước tiểu quanh con thú. Vậy là yên tâm, không bao giờ cọp đụng tới con thú đã được làm dấu này. Nhưng ngược lại, những con vật nuôi của người như heo, bò… lại trở thành đối tượng săn mồi của cọp. Thường vào buổi chiều, sau giấc ngủ ngày, khoảng từ ba giờ, cọp rảo quanh buôn, nếu có chú heo nào ra khỏi buôn, gặp chỗ thuận tiện, cọp ta sẽ bắt làm bữa chiều ngay. Có khi cọp vừa chộp được heo, định cõng chạy vào rừng sâu, thì bị người trong buôn phát hiện. Họ đánh phèng la hoặc nổ sung chỉ thiên để đuổi cọp. Gặp những lúc như thế, cọp đành buông con mồi rồi bỏ chạy. Người K’ho theo phong tục xưa nay, không bao giờ dám ăn thịt con mồi của cọp thả ra, vì sợ cọp sẽ tìm tới nhà mà đòi lại. Nhờ vậy, anh em giáo viên chúng tôi được hưởng tất cả những con heo đã lỡ bị cọp bắt rồi bỏ lại đó.

Người K’ho theo chế độ mẫu hệ, một vợ một chồng. Người nam có quyền ra giá đòi sính lễ với người nữ nào muốn bắt mình về làm chồng, nên cũng thường kén chọn người nữ mà mình phải chung sống suốt đời. Về việc kiếm chồng thật gấp cho K’Hên, các già làng đã cố công hết sức mong cho kịp trong ngày hôm nay, không biết có kết quả gì không, mặc dù không cần cân nhắc, tính toán về sinh lễ. K’Hên bị tật nguyền như vậy, nên việc bắt chồng là không đơn giản, nhất là đang lúc bị kliu dòm ngó, không khéo người nam dính líu đến K’Hên có khi phải mang họa vào thân.

Đến chiều, mặt trời chưa khuất núi, tôi được già làng mời đến để chứng kiến lễ cưới chồng của K’Hên. Thật ngạc nhiên, người mà K’Hên cưới làm chồng lại chính là ông anh rể ở chung nhà với mình. Anh tên K’Ben, là đảng viên, làm việc ở trạm y tế xã. Anh đứng ra xin vợ và các già làng cho anh được làm chồng K’Hên. Các già làng và vợ anh không còn cách nào khác, đành phải đồng ý.

Tôi hỏi anh:

- Làm như vậy là vi phạm luật, sao K’Ben dám?

K’Ben trả lời thản nhiên:

- Cả làng không ai chịu cho nó cưới, tao là anh rể, phải giúp nó thôi. Tao lấy nó để cứu nó thoát khỏi kliu mà. Đảng có phạt thì chịu thôi!

Thủ tục cưới thật đơn giản và nhanh chóng. Lễ cúng chỉ có hai con gà luộc. Già làng lầm thầm khấn vái thần linh, ông bà, sau đó tuyên bố K’Ben là chồng của K’Hên. Việc mời làng ăn mừng cưới sẽ được tổ chức sau.

Trời chạng vạng tối, tình cờ, một đơn vị vũ trang tiểu phỉ FULRO ghé làng. Sau khi nghe câu chuyện kì lạ về K’Hên, người chỉ huy đơn vị liền phân công các chiến sĩ leo lên núp trên các cây lớn chung quanh nhà K’Hên, để có thể hỗ trợ cho du kích gác trong nhà. Đêm đó, khoảng mười giờ, có một tiếng súng nổ trước, liền sau là các loạt súng bắn từ trên cây xuống. Chúng tôi ở yên trong nhà. Sáng dậy, mới rõ việc. Vì chờ hoài không thấy động tịnh gì, mấy chiến sĩ bắn hú họa vào lùm cây. Nào ngờ, từ sát vách nhà K’Hên, kliu vụt phóng mình chạy thật nhanh về hướng bến tắm. Các loạt súng bắn theo chỉ như vuốt đuôi kliu, chắc chẳng trúng trật gì.

Mấy đêm liên tiếp sau đó, mọi người vẫn kiên trì phục kích, nhưng kliu đã bặt vô âm tín. Tuy vậy, có những dấu hiệu bất thường, như chó không dám vào rừng, chim bồ chao đồng thanh kêu nhiều hơn, chứng tỏ kliu vẫn còn đang lảng vảng quanh đây, nhưng không lộ diện. Có điều lạ hơn, trong thời gian này, heo nuôi thả rong chạy ra rừng kiếm ăn, không một con nào bị cọp bắt. Kliu cũng đã từ chối con heo làm quà của gia đình K’Hên, như một hành vi của một con người biết tự trọng hay đó là chính sự khẳng định quyết tâm đeo đuổi K’Hên đến cùng của kliu. Cả buôn không ai dám ăn thịt con heo này, mà cũng không ai dám nhận nuôi lại, vì coi đó là phần dành riêng cho kliu rồi. Đơn vị tiểu phỉ, trước khi rời làng, đã xin nhận con heo cùng lời cảm ơn của gia đình. K’Hên nghe theo lời khuyên của các già làng, cũng không vào rừng, đi rẫy cho đến hết mùa trăng này…

Cuối tháng chạp, các buôn làng kết thúc mùa thu hoạch, lúa đã đổ đầy kho ngoài rẫy. Sợi dây mây, sau khi làm lễ cúng Giàng, đã cột chặt cánh cửa kho lại. Đây là thời gian đẹp nhất trong năm ở trên núi. Sức sống của tự nhiên như đầy lên, căng ra. Lá cây rừng đã xanh hết cở, mỡ màng, chuẩn bị cho một chu kì sinh trưởng mới. Những tổ ong mật đã ắp đầy mật và phấn hoa, sẵn sàng cho sự xẻ đàn, xuất hiện những ong chúa mới và những lãnh địa mới. Các loài hoa ở rừng cũng đang khoe hết sắc. Mai rừng tích lũy nhựa sống từ đất trời, mưa nắng, đã căng nụ, bắt đầu một mùa xuân hoa vàng. Trước tiên là những cây mai ở tầng thấp, mọc ven sông suối bung hoa sớm, rồi dần lên cao, cuối cùng là những cây mai cổ thụ tít trên đỉnh núi nở hoa như kết thúc mùa hoa mai trong năm. Mùi hương của rừng cũng đã thay đổi. Khi còn những cơn mưa, rừng có mùi ẩm mốc đậm đặc, ngai ngái của lá cây và sinh vật đang bị phân hủy. Hương rừng mùa xuân thơm thơm hăng hắc; như là mùi của nhựa cây chảy đầy chật trong các thớ gỗ ứa ra, gặp không khí khô hanh, tinh dầu thơm trong nhựa đựơc giải phóng, bay loãng ra làm ngập tràn cả không gian rừng. Tất cả mọi sinh vật hít thở mùi hương mùa xuân của rừng sẽ như được tiếp thêm sinh lực mới, đánh thức những phần mạnh mẽ nhất của bản năng, như bản năng truyền giống và sinh sản… Các gia đình người K’ho cũng đã kết thúc mùa rẫy, bắt đầu thời gian rỗi trong năm. Trong các buôn, những căn nhà sàn mới được dựng lên, thơm mùi tre còn tươi xanh và tranh mới cắt về. Người K’ho không có thói quen sửa chữa nhà như người Kinh. Khi thấy ngôi nhà cũ đã hư hỏng, họ dựng ngôi nhà mới với sự giúp công của bà con buôn làng. Đây cũng là thời gian cho trái gái làm quen nhau, thời điểm của các cô gái bắt chồng và là mùa cưới của làng buôn.

Bà con buôn làng cũng dần quên đi chuyện của K’Hên và kliu xảy ra tháng trước.

Vào một đêm sáng trăng, mọi người trong buôn tụ tập vui vẻ quanh đống lửa hồng, uống những ché rượu cần được các gia đình mang đến để chúc mừng cho K’Hên vừa cưới được chồng và chung vui cùng buôn làng. Bỗng nhiên có mấy tiếng gào thật lớn của kliu từ nơi bến tắm vọng đến, nghe vang xa và ão não đến đau lòng. Các chàng trai đang trong cơn ngà say, liền đốt đuốc và cùng nhau đi ra bến tắm. Trong ánh sáng mờ mờ của trăng chiếu qua màn sương đêm, mọi người đều nhìn thấy kliu từ nơi bến tắm lặng lẽ bơi ra giữa dòng La Ngà, rồi mất hút…

Ba ngày sau, già làng nhận được tin báo thấy xác của một kliu nổi lên dưới sông, ở phía dưới bến tắm chừng một cây số. Mọi người đi xem và xác nhận đó chính là kliu đã theo K’Hên về nhà. Ai cũng nói, do kliu chọn bến tắm làm điểm vượt sông nên bị chết đuối, vì đây là nơi rộng và sâu nhất của khúc sông chảy qua lưu vực này. Già làng K’Tắc im lặng, sau đó nói riêng với tôi: “Kliu này muốn thoát kiếp làm kliu để sớm được trở lại làm người, có cơ hội gặp lại K’Hên, người mà nó đã chọn ở kiếp này, nên đã tự trầm mình xuống sông. Mong cho nó sớm siêu thoát, mà chắc gì kiếp sau làm người được sướng hơn.” Tôi không tin vào chuyện luân hồi chuyển kiếp, nhưng khi nghe lão làng K’Tắc nói, tôi cũng có ý cầu cho kliu được như ý nguyện của mình. Chứng kiến toàn bộ diễn tiến câu chuyện của K’Hên, thoạt đầu, tôi không thể nào tin được, vì tính chất thần bí của nó. Nhưng rồi, sau đó, sự việc lần lượt diễn ra hoàn toàn khớp với dự đoán của các già làng, như các diễn viên phải diễn tuần tự đúng theo lớp lang của kịch bản có sẵn, đã làm tiêu tan sự hồ nghi trong tôi. Chỉ còn một điều không liên quan gì đến tâm linh, mà cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa lí giải rạch ròi được. Đó là việc K’Ben làm chồng K’Hên, đánh giá thế nào, là đúng hay sai? Tuy rằng, tôi vẫn hiểu, hành động đó của K’Ben, nửa này là phạm luật, nửa kia lại đầy tính nhân văn. Chỉ hơi buồn một chút, do cưới hai vợ nên K’Ben đã ra khỏi Đảng.

Trong hơn ba mươi năm qua, hàng ngày, K’Hên vẫn đều đặn ra bến nước tắm giặt, kể cả ba lần mang những đứa con mới sinh còn đỏ hỏn nhúng xuống dòng nước lạnh. Đôi khi, K’Hên cảm thấy mơ hồ như có một đôi mắt sáng từ trong khu rừng bên kia sông nhìn sang bến tắm bên này.

Tôi ngó mông lung qua bờ bên kia sông La Ngà. Có gì không? Hình như phía ấy đang rực những chùm hoa màu vàng. Không biết có phải là hoa mai không?

Xuân đã đầy rồi! -/.



VVM.06.01.2025-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .