Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


BÔNG HOA RỪNG NGÀY ẤY


C húng tôi đến thành phố biển vào một buổi chiều đầu xuân để tham dự đêm giao lưu theo lời mời của Liên hiệp Công đoàn và Nhà văn hoá tỉnh bạn. Ngồi trên ô tô chạy dọc theo bờ biển, lòng cứ thấy lâng lâng. Con đường rộng thênh thang uốn lượn bên mép nước đã làm cho vùng đất này trở nên xinh đẹp đến không ngờ. Đã nhiều năm rồi tôi mới có dịp đến đây nên những cảnh vật quen thuộc xưa kia đã trở thành lạ lẩm. Tôi cố căng mắt nhìn ngắm hết xa lại gần. Những ngọn núi nhấp nhô trên mặt biển xanh mờ, những con thuyền bồng bềnh ẩn hiện, vài cánh hải âu chấp chới đó đây, đẹp như tranh thủy mặc.

Đêm giao lưu thơ nhạc thật sôi nổi và hào hứng. Thật tình mà nói thì với chúng tôi những đêm giao lưu thế này không có gì mới lạ, khác chăng chỉ là cái mùi vị mặn mòi của biển cả giao hoà vào mỗi giọng ngâm thơ, mỗi lời ca tiếng hát của bạn bè miệt biển. Nhưng với riêng tôi, không phải vì đêm thơ nhạc mà vì một cuộc gặp gở bất ngờ, thoáng nhanh như một giấc chiêm bao.

Sau buổi giao lưu, mặc dù đã khá muộn, tôi cùng mấy người bạn lửng thửng đi ra bờ biển ngắm những đợt sóng thuỷ triều dập dồn xô vào bãi cát. Chúng tôi hầu như không chuyện trò bởi mỗi người đều đang suy tưởng về những gì không ai đoán được. Tiếng sóng vỗ rì rào chỉ khơi gợi trong tôi một nét nhạc mơ hồ. Đang mải nghĩ suy, tôi chợt thấy trong làn sương mờ đục, một bóng người phụ nữ ngồi trên tảng đá, ngay bên mép nước, bất động như một pho tượng xám đen. Dưới ánh sáng mờ mờ từ các ngọn đèn vàng vọt trên bờ, chị tạo nên trên mặt nước lân tinh một bức hình tương phản đến giật mình. Người thật hay một bóng ma? Tôi cảm thấy như có một luồng gió lạnh chạy dọc theo sống lưng. May mà còn có vài người bạn đi cùng chứ không thì tôi đã bủn rủn đến toàn thân. Tuy từng kinh qua lửa đạn, máu xương không biết bao lần, tôi vẫn là một người yếu bóng vía. Người đàn bà cứ ngồi bất động, mặc cho sóng xô, gió rít. Phải chăng chị đã hóa đá như nàng Tô Thị xưa xa? Tâm trí tôi cứ xoay quanh người phụ nữ này trong khi các bạn khác vẫn lơ đãng phóng tầm mắt tận đẩu tận đâu như không hề thấy gì khác lạ. Người ta vẫn nói là ma chỉ xuất hiện với những người yếu bóng vía, có phải chính vậy không? Phải chăng tôi đã nhìn thấy một bóng ma?

Đi đến cuối bãi thì chúng tôi quay lại. Lúc này chắc đã khá khuya. Thủy triều làm cho bãi biển co hẹp, chỉ còn là một doi cát nhỏ. Mấy tảng đá đã gần như chìm nghỉm. Tôi không còn nhìn thấy cái “bóng ma” ban nãy. Tuy vậy trong đầu tôi dường như vẫn còn đọng mãi hình ảnh người đàn bà hóa đá ngồi bên mép nước.

Chúng tôi quyết định trở về khách sạn nằm trên ngọn đồi ngay bên bờ biển. Phải ngủ để lấy sức mai còn đi tham quan và gặp gỡ bạn bè. Nhiều người vẫn còn nấn ná như sợ không còn dịp nào đẹp như hôm nay. Ngày mai đoàn chúng tôi sẽ trở về Hà Nội mất rồi. Biển bao giờ cũng có sức hấp dẫn níu kéo khách du như vậy. Đang leo dốc tôi chợt giật mình khi ngẩng đầu bắt gặp một bóng đen lặng yên ngay lưng chừng dốc! Bóng đen cứ lúc mờ lúc tỏ dưới ánh sáng chập chờn của ngọn đèn khuất trong tán lá. Lại là hình bóng người đàn bà lúc nãy. Hình như chị ta đang ngồi Thiền thì phải. Chúng tôi như đồng loạt lặng im khi đi qua “bức tượng đá”. Riêng tôi không giấu nỗi sự tò mò mà thường ra không nên có. Tôi nhìn kỷ vào “bức tượng” mặc dù biết làm vậy là rất khiếm nhã. Khi đã gần như mặt đối mặt với “bức tượng đá”, tôi bật kêu lên:

-Thủy! Thủy “mận” phải không?

Người đàn bà giật mình, như chợt thoát ra khỏi cơn mê. Cô như cái lò xo, bật đứng ngay dậy, ôm chầm lấy tôi:

-Ôi, anh Thái! Anh Thái “trám”. Đúng là anh Thái đây rồi!

Thủy im bặt sau mấy câu hỏi dồn dập. Còn tôi cố trấn tĩnh lại để làm dịu bớt sự nồng nhiệt quá mức này. Các bạn cùng đi nhìn chúng tôi như đang xem một cuốn phim tình cảm đầy xúc động. Thủy vội buông tôi ra, nhanh như khi ôm tôi vậy. Một chớp lóe từ những ngày xa xưa như vừa ập đến …


… Ngày ấy, đã lâu lắm rồi, khi chúng tôi còn rất trẻ. Tôi là một người lính bộ binh tận trong Khu Bốn được cử ra Hà Nội học đại học. Đang học năm thứ ba thì chúng tôi phải theo trường sơ tán lên một vùng rừng rậm núi cao, cách Hà Nội trên hai trăm cây số. Để lên được nơi đây, ngoài đi tầu chúng tôi còn phải cuốc bộ theo đường rừng hơn năm mươi cây số. Phải trèo đèo leo dốc, lội bùn lội suối. Chúng tôi sống nhờ trong một bản nhỏ của đồng bào dân tộc, hầu hêt dân không biết tiếng Kinh. Cái cảm giác đầu tiên khi mới tới khu sơ tán này là hình như đây là vùng đất bị thế giới văn minh bỏ quên hàng vài ba thế kỷ. Những ngôi nhà sàn lợp lá, trên là người, dưới là súc vật, phân tro ngập ngụa. Mùi đặc trưng là phân trâu phân lợn. Chúng tôi nói gì bà con dân bản cũng không hiểu, ngược lại họ nói gì chúng tôi cũng đành chỉ lắc đầu nguầy nguậy. Cũng may là trong lớp có anh Đức, khá lớn tuổi, đã đi làm việc ở nông trường chăn nuôi, nay về đi học. Anh Đức là người dân tộc, trở thành người phiên dịch cho không chỉ cả lớp mà còn của cả bản. Anh bạn này suốt ngày bị gọi tên í ới. Chúng tôi, đặc biệt là các cô gái ai cũng cố bám theo Đức để nhờ phiên dịch. Chỉ sau một thời gian ngắn là chúng tôi học được những câu giao tiếp cơ bản và có thể tự mình giao dịch với bà con dân bản (tất nhiên là phải kết hợp tai, mắt, mồm miệng và cả … tứ chi). Hình như trời phú cho các cô gái cái năng khiếu học ngoại ngữ thì phải. Tất cả các cô gái trong lớp tôi chỉ sau chừng hai tuần lễ là hầu như đều đã tự mình trao đổi với bà con mà không cần nhờ anh Đức. Người giỏi “ngoại ngữ” nhất lớp lại chính là Thủy. Thủy học rất nhanh, nói tiếng Tày chuẩn như người bản địa vậy. Với nét mặt xinh tươi, duyên dáng lại nói năng lưu loát và rất hòa đồng nên Thủy rất được bà con dân bản yêu quý. Có lẽ nhờ vậy mà Thủy được bọn trẻ con trong bản suốt ngày quấn lấy, dẫn cả vào rừng tìm hái những trái mận cuối mùa về cho cả lớp. Các bạn gái gọi Thủy là “Thủy mận” từ đấy. Thủy cũng rất chăm học, chăm làm, xốc vác như một cô gái quê quen lao động nặng. Những tuần đầu chúng tôi suốt ngày vào rừng chặt tre, chặt gổ và hái tranh, hái lá để làm lán trại. Việc gì Thủy cũng đều tham gia, làm một cách nhiệt tình, không nề hà khó khăn mệt nhọc. Vậy mà Thủy lại là một cô “tiểu thư” Hà Nội, con gái “rượu” của một ông thứ trưởng. Khỏi phải nói thì ai cũng biết, xung quanh Thủy luôn có hàng chục cặp mắt dõi theo. Tuy vậy Thủy rất kín đáo, không hề bộc lộ “tình cảm riêng” để ai có thể đoán được. Cô vừa gần lại vừa xa, vừa cận kề lại vừa luôn tạo ra khoảng cách. Bọn con trai trong lớp cứ đoán già đoán non là Thủy đã có nơi có chốn, hoặc Thủy kiêu kỳ không thèm để ý một ai. Cô như một bông hoa rừng dậy hương, bừng sắc mà ai cũng muốn gần nhưng lại ngại những chùm gai nhọn hoắt tua tủa bao quanh. Thời ấy, đối với sinh viên chúng tôi chuyện yêu đương thường là điều cấm kỵ, nếu có ai ho he là dễ bị kiểm điểm như chơi. Tất cả tâm lực là dành cho tiền tuyến, dành cho học tập, yêu đương kiểu “tiểu tư sản” là không thể chấp nhận. Cho nên nếu đã có người yêu thì chắc là Thủy cũng phải giấu kín thôi. Chúng tôi học với nhau đã hơn 2 năm rồi mà hầu như không ai hiểu được ai về mặt sâu xa tế nhị này.

Thời gian trôi nhanh, việc đi rừng đã trở nên thường xuyên và quen thuộc. Chúng tôi đã thông thạo mọi việc gần như người bản địa. Tôi nhớ, có một lần tổ chúng tôi đi vào rừng chặt nứa về làm phên liếp. Cứ hai người một nhóm, một người chặt cây, một người kéo cây ra nơi tập kết. Việc kéo từng cây nứa ra bãi trống chỉ cách chưa đầy ba mươi mét không có gì vất vã lắm nên thường dành cho bọn con gái làm. Hôm ấy tôi và Thủy “mận” vẫn làm chung một nhóm. Tôi hơn Thủy tới 4 tuổi, lại là bộ đội đi học nên Thủy coi tôi như người anh trai, tin cậy và đôi lúc còn hơi làm nũng. Cũng có thể là vì Thủy biết tôi đã có vợ ở quê rồi nên yên tâm, không cần giữ gìn ý tứ như với các chàng trai khác. Tôi làm việc gì Thủy cũng thường thích làm cùng. Bọn trẻ trong lớp cứ nói hai chúng tôi như là anh em ruột. Chẳng thế mà nếu Thủy có chuyện gì dù hay dù dỡ chúng nó cũng “mách” tôi đầu tiên. Tôi cứ nghĩ mọi người chắc là như nhau, đều vô tư, trong sáng, không ẩn chứa một cái gì u ám. “Vấn đề tư tưởng” luôn được đặt lên hàng đầu, người này theo sát người kia để kịp thời uốn nắn. Chính vì ý thức được điều đó mà hầu như ai cũng luôn tránh xa mọi điều cám dỗ, nhỏ nhen. Nhưng sự đời không chỉ đơn giản vậy. Thời nào cũng thế, ở đâu cũng thế, vẫn có người này kẻ nọ. Vẫn có nhiều người chân thật, vẫn có kẻ ranh ma. Có nhiều người hướng thiện, luôn ý thức điều “chị ngã em nâng”. Nhưng cũng có những cặp mắt thiếu thiện chí, luôn xoi mói, luôn rình rập đâu đây để “bới bèo ra bọ”. Bệnh thành tích, bệnh vị kỷ, hiếu thắng, bon chen đã sinh ra điều đó. Chỉ khi nó xẩy ra rồi ta mới hiểu được sự thật phủ phàng. Điều kiện vật chất thiếu thốn, điều kiện tinh thần cũng vậy. Sách báo không có, ngay đến cái radio để nghe tin chiến sự thì cả khoa cũng chỉ có một chiếc, mà chúng tôi lại ở cách xa khu lán trại của lãnh đạo khoa tới hai dãy núi và một con sông! Tin tức mù tịt. Thư từ thì năm thì mười họa mới có một chuyến do nhà trường chuyển lên. Như chiếc đèn cù, suốt ngày chúng tôi chúi mũi vào học và làm. Tuy thế chưa bao giờ nghe một ai kêu khổ. Tình thực hay giả tạo thì ai mà biết được. Các chàng trai vẫn đùa như giặc. Các cô gái vẫn đi tìm trái dâu da, trái nhót. Chỉ có điều là sắc hồng thiếu nữ cứ dần dần phai nhạt và chuyển sang mầu tai tái. Trong cái tình cảnh chung như vậy mà Thủy vẫn không tắt nụ cười, vẫn học giỏi thì phải nói đó là một sự cố gắng phi thường. Tôi không “cảm” cái sắc diện của cô mà cảm phục cái nghị lực của cô tiểu thư Hà Nội. Làm việc cùng Thủy rất vui. Cô vừa làm vừa khe khẻ hát, một giọng hát trầm ấm và hơi buồn. Ngoài các bài ca cách mạng quen thuộc, đôi khi Thủy còn hát xen vào một vài bài ca thời tiền chiến như “đêm đông”, “thiên thai”, “con thuyền xa bến” … Thời ấy những bài hát này được coi là “nhạc vàng”, ủy mị, làm nhụt tinh thần, ai mà hát thì dễ bị chi đoàn đem ra kiểm điểm. Có thể Thủy tin ở tôi nên không phải giấu diếm gì. Mà thật tình thì khi chỉ có hai người ở nơi thanh vắng tôi cũng rất thích được nghe Thủy hát những bài gọi là “nhạc vàng” mà người ta luôn bài xích ấy.

Chúng tôi đang mải mê làm việc. Đến gần trưa chợt Thủy la lên:

-Ối, anh Thái, cứu em!

Tôi nắm lấy cán dao, chạy vội về phía tiếng kêu. Thủy đang bóp chặt lấy bắp chân, mặt xanh như tàu lá. Tôi chợt hiểu ra tất cả. Một con rắn đã đớp vào bắp chân của Thủy. Cô vừa đau đớn vừa sợ hãi, không nói được nên lời. Tôi vội vàng kéo cao ống quần Thủy lên quá đầu gối rồi vớ một đoạn dây buộc quanh bắp chân để ngăn nọc độc. Giữa bắp chân trắng nõn, máu đang chảy ra ri rỉ. Nhìn trước ngó sau, không biết làm gì, tôi liền cúi xuống, ghé miệng vào vết thương, hút mạnh. Thực tình thì tôi thường rất sợ máu. Và tôi cũng chỉ nghe mang máng là khi bị rắn cắn thì việc trước tiên là phải buộc ga rô rồi tìm cách hút máu độc ra ngoài. Chẳng biết tôi làm vậy có đúng không, nhưng lúc ấy đâu có thời gian để suy nghĩ và cũng chẳng có ai để mà “tham khảo”. Hình như Thủy cũng quá ngỡ ngàng với việc vừa xẩy ra nên trố mắt nhìn tôi không kịp phản ứng gì. Tôi lấy khăn buộc ngang vết thương cho Thủy rồi cõng Thủy chạy nhanh về bản. Lúc đầu Thủy chối đây đẩy, định tự đi nhưng cô bước không vững nên đành chấp nhận cách làm của tôi. Lúc này các bạn khác cũng đã biết và tất cả cùng chạy theo để còn hổ trợ. Cả khu rừng gần như náo loạn. Cũng may là ở bản có một cụ già chuyên chữa rắn cắn nên Thủy đã không hề hấn gì, chỉ phải nghỉ ngơi mấy buổi. Sau cái lần bị rắn cắn ấy Thủy lại càng quý mến tôi hơn, nhưng mỗi lần gặp tôi Thủy lại hình như có vẻ ngượng ngùng, không được tự nhiên như trước. Đàn ông cục mịch như tôi, ai mà biết con gái nghĩ gì?

Sự đời thật lắm éo le. Các công thức toán học, vật lý, hóa học … cố nhớ thì lại hay quên. Còn cái “trời ơi đất hỡi” đâu đâu càng cố quên thì lại thường hay nhớ đến! Bản thân tôi thì cứ mỗi lần nhìn thấy Thủy là y như tôi lại nghĩ tới cái bắp chân trắng nõn của cô. Tôi đã lấy vợ, một người vợ hơn tôi tới năm tuổi, từ khi tôi còn bé xíu. (Ở quê tôi chuyện tảo hôn là thường). Vậy mà thật tình thì cho tới giờ tôi cũng chưa bao giờ để ý bắp chân vợ thế nào. Tôi thường xa nhà, lúc đi học trường xa, khi đi bộ đội, chẳng mấy khi gần gũi vợ. Chúng tôi sống với nhau như nghĩa vụ đối với gia đình nội ngoại nên chỉ làm việc cần làm mà thôi, chẳng mấy khi quan tâm đến chỗ này chỗ nọ. Thì ra con gái có cái bắp chân mới đẹp làm sao. Hèn chi mà dân phương Tây thường quan tâm tới … cái chân dài! Tôi càng cố lãng tránh thì mắt tôi cứ như luôn bị thôi miên về phía đôi chân của Thủy. Với cái quần bà ba đen “phổ cập” ngày ấy thì làm sao có thể thấy lại cái bắp chân trắng nõn hôm nào! Nhiều đêm tôi cứ miên man nghĩ ngợi. Hết nghĩ tới cái bắp chân trắng nõn lại nhẩm hát một bài ca mà Thủy thường hay hát. Ở cô gái này có cái gì đó vừa như ngời ngời lại vừa như bí ẩn. Học với nhau hơn hai năm rồi bây giờ tôi mới nhận ra điều đó. Nghe đâu Thủy sinh ra ở giữa núi rừng Việt Bắc, nghĩa là có xuất xứ từ dân miền núi. Phải chăng bởi thế nên bây giờ tôi mới nhận ra có một bông hoa rừng chỉ nở thật lộng lẫy khi đã về rừng? Với tôi là vậy. Còn với Thủy thì hình như cũng có nhiều đổi khác. Thủy có cái gì như e dè, giữ ý mỗi khi gần tôi. Nhưng mặt khác Thủy lại thường hay kiếm cớ để ghé qua lán trại con trai của tôi, khi thì hỏi mượn cái thước tính lô-ga, lúc thì nhờ chêm cái cuốc. Giữa chúng tôi dường như ngầm hiểu ý tứ của nhau mặc dầu không ai nói ra một câu nào. Còn với cả lớp thì hình như chẳng có đổi thay gì cả.

Rồi một hôm tôi và Thủy cùng một số bạn trong tổ được phân công vào rừng lấy củi về cho nhà bếp. Thường thì chúng tôi kết hợp lấy củi, lấy măng và phát rẫy trồng sắn. Dịp này trời thường mưa đêm, rừng luôn ẩm ướt. Đi trong rừng mát rượi lại nghe chim hót líu lo nên hầu như ai cũng quên đi thực tại. Chúng tôi tản ra nhiều hướng. Cứ một bạn trai đi cùng một bạn gái để còn tương trợ nhau. Đó là chuyện thường nên không ai để ý hay trêu chọc gì ai. Tôi và Thủy lại làm thành một nhóm. Hai “anh em” chúng tôi đi được một đoạn chừng hai trăm mét thì gặp một cây trám cao to. Ngước nhìn lên thấy trám đen trĩu quả, tôi quyết định trèo lên cây hái về cho nhà bếp. Trám đen luộc chấm muối vừng thì ngon tuyệt. Đó thật sự là một “đặc sản” của núi rừng. Tôi leo lên cây cao, hái từng chùm quả, ném xuống cho Thủy nhặt. Thủy thì hết chui bụi này đến rúc bụi kia nhặt quả. Cứ thế, chỉ sau chừng ba mươi phút là đã được non một rổ. Khi tôi xuống tới gốc thì cũng là lúc Thủy đang tái xanh tái dại, cố kéo những con vắt bám đầy trên tay, trên chân và cả trên cổ áo. Lũ vắt mà đã bám vào đâu thì bám chặt kinh khủng, dùng tay dứt rất khó. Thường thì người ta hay dùng nước vôi, nhưng lúc này kiếm đâu ra! Vậy là tôi đành phải ra tay giúp Thủy. Cái sợ đã làm cho Thủy không còn biết ngượng ngùng, toàn thân như mềm nhũn, cứ để tôi tự nhiên lần theo từng con vắt. Có tới bốn năm con gì đó. Con nào con nấy đều đã căng tròn, uốn cong và bám chắc. Có những con tai quái chui sâu vào trong áo Thủy. Có lẽ vì căng thẳng trong khi “đánh vật” với lũ vắt nên tôi thấy mệt bơ phờ. Xong việc tôi ngồi bệt xuống đất bên cạnh gốc cây, thở gấp. Cả tôi và Thủy không ai dám nhìn ai. Thủy thì cố khép nép lau từng vệt máu. Bỗng Thủy như rú lên khi cô phát hiện ra một con vắt còn căng phồng dưới lớp áo nịt, ngay trên ngực cô. Tôi bật dậy nhưng lúng túng không biết làm gì. Thủy quay lưng về phía tôi, cố gắng tự mình bắt con vắt một lúc khá lâu mà không sao bắt được. Cô thút thít khóc, lại đành nhờ tôi giúp. Tay tôi run bần bật, cứ chạm được vào con vật lại cứ bật ra như chạm vào nơi nhiễm điện. Tôi phải cố mãi mới trấn tỉnh lại được. Đâu phải vì con vắt to bằng ngón tay đang cố bám chặt vào lớp da trắng nõn phập phồng? Phải nói rằng đây là con vắt bám chặt nhất mà tôi từng gặp. Khó đến mấy thì rồi cũng giải quyết xong. Tôi định bụng sẽ lấy dao rựa băm nát con vắt này cho bỏ tức. Tôi run run cài lại cúc áo cho Thủy. Bất ngờ, tôi nhận ra đôi môi Thủy đã dính chặt vào môi tôi từ lúc nào không biết. Chúng tôi như bị một ma lực khủng khiếp, dính chặt vào nhau như không thể nào tách ra được. Lực dính còn hơn con vắt kia triệu lần. Không gian trở nên vắng lặng, thời gian trở nên ngừng trôi. Thực tại dường như biến mất… Khi chợt tĩnh, chúng tôi vội buông nhau ra, may vẫn còn chưa vượt qua giới hạn!

Người ta thường bảo “tai vách mạch rừng”, chắc không sai. Chuyện của chúng tôi chỉ có thế và cũng chỉ có hai chúng tôi biết với nhau vì nó xẩy ra chóng vánh giữa nơi rừng rậm kín bưng và chúng tôi cũng giữ gìn kín bưng như một hộp đen đóng kín. Những ngày kế tiếp chúng tôi luôn giữ ý để không ai thấy có gì bất thường trong quan hệ tế nhị này. Vậy mà không biết từ đâu nó đã được tiết lộ ra ngoài và lan nhanh như một vết dầu loang! Từ những tiếng xầm xì nhỏ to, những ánh mắt khác lạ nhìn về phía chúng tôi đã dần dần trở thành “vấn đề” của lớp. Một hôm anh Lân lớp trưởng kiêm bí thư chi bộ gặp riêng tôi sau bữa cơm chiều. Hai chúng tôi lửng thửng đi ra phía mép rừng khi trời đã nhá nhem. Khi đã khá xa lán trại, anh Lân hỏi thẳng:

-Thái này, mình và cậu đều là dân lính đi học. Vậy mình hỏi thẳng nhé. Giữa cậu và cái Thủy “mận” có chuyện gì phải không?

Vì đã lờ mờ đoán trước tình huống này nên tôi nói luôn:

-Tôi vẫn coi Thủy như em gái và luôn cố giúp cô ấy những việc mình có thể làm được, vậy thôi. Thủy là một cô gái ngoan, rất có nghị lực và cũng rất đáng mến…

-Nói thật nhé, anh em người ta xầm xì là cậu và cái Thủy hình như không chỉ giới hạn là anh em bè bạn như trước mà đã vượt xa hơn thế.

-Ai bảo với anh vậy?

-Người ta nhìn thấy cậu và Thủy đã thân mật quá mức hôm đi rừng hái trám. Có đúng vậy không nào? Việc này ảnh hưởng rất xấu tới tập thể lớp …

Thế này thì tôi còn chối đằng trời! Là một người lính, tôi không thể quanh co lẩn tránh sự thật. Tôi lại rất lo cho tương lai của Thủy. Sau một hồi trấn tĩnh tôi đành kể thật. Đó là một tình cảm bồng bột nhưng rất chân thành từ cả hai bên. Tôi không có ý lợi dụng Thủy và Thủy cũng không phải là người buông thả. Anh Lân cũng công nhận như vậy. Tôi và anh Lân đã bàn cách xử lý sao cho êm thấm. Thời gian này chiến tranh đang hết sức ác liệt, cả ngoài bắc lẫn trong nam. Bản thân tôi từ lâu đã thấy nôn nóng muốn được ra mặt trận trực tiếp cầm súng chiến đấu. Vậy là ngay ngày hôm sau tôi gửi cho chi bộ một bản tường trình. Tôi nhận tất cả thiếu sót về mình, cố bảo vệ Thủy khỏi những điều tai tiếng. Tôi biết làm vậy là đã tự mình “tăng nặng” khuyết điểm của mình vì tôi đã có vợ và vì tôi là người lính. Kèm theo bản tường trình ấy tôi đồng thời gửi một lá đơn tình nguyện, xin được nghỉ học, trở về đơn vị chiến đấu. Ba ngày sau, trong khi các bạn đang giờ lên lớp, tôi lặng lẽ  khoác ba lô lên đường. Thủy đứng từ xa nhìn theo, thầm lau nước mắt. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy “bông hoa rừng” thân thiết của tôi.

“Gặp thời thế thế thời phải thế!” Để giữ gìn cho Thủy, tôi đã không gửi một lá thư nào cho cô như đã hứa. Vậy là chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc cho tới tận bây giờ.


Tôi đứng lặng nhìn Thủy hồi lâu. Trước mắt tôi giờ đã là một người đàn bà khác lạ. Gần bốn mươi năm rồi còn gì. Nhưng đôi mắt “biết nói” ngày nào vẫn còn nguyên nét cũ, trong sáng lẫn đượm buồn. Mọi người đã lần lượt ra về chỉ còn tôi và Thủy dưới lưng đồi. Đêm đã khá khuya, yên ắng. Chỉ có những làn gió se lạnh thổi vu vơ. Chúng tôi ngồi bên nhau, trên tảng đá, mãi không biết nói gì. Tôi biết, từ trong lòng Thủy trách tôi nhiều lắm. Hồi ấy, Thủy “cố định” còn tôi “di động”. Tôi không chịu liên lạc thì Thủy đành ôm niềm thất vọng và chắc chắn là in sâu một vết thương lòng. Liệu Thủy có hiểu cho tôi không? Cái khắc nghiệt của một thời đã làm cho chúng tôi mất nhau mãi mãi!

Tôi không dám hỏi nhiều về đời tư của Thủy. Tuy nhiên thấy cái cung cách mà Thủy thể hiện tối nay như vậy tôi cũng đoán già đoán non được ít nhiều là cô không hạnh phúc. Thủy cô đơn và đang cố “ngồi Thiền” đễ quên đi tất cả? Sự xuất hiện của tôi đã làm gián đoạn mạch Thiền của Thủy! Mãi không thấy tôi hỏi gì, Thủy khe khẻ nói:

-Anh đi bất ngờ quá, nhiều bạn không hiểu tại sao nên cứ xầm xì bàn tán. Họ gặng hỏi em là anh Thái “trám” đi đâu mà sao bí mật thế. Em chỉ lắc đầu. Anh đi rồi em như người bị đất lở kéo vào dòng nước lũ. Em thật không ngờ là anh lại đóng một vai trò lớn lao như vậy trong cuộc đời em. Anh đi được vài tháng thì bọn em chuyển về Hà Nội học, nhưng rồi lại phải chạy hết nơi này đến nơi khác. Có lẽ vì thế mà em không hề nhận được một dòng thư nào của anh, đành mất liên lạc. Em đã để mất anh mãi mãi …

-Tại anh đấy Thủy ạ. Tại anh sợ. Anh sợ tất cả. Anh sợ những con mắt rình mò, những đôi tai tọc mạch và những cái mồm chuyên dệt thêu đâu đó. Nó có thể hại anh và nhất là sẽ hại em. Khi ấy em còn quá trẻ, cuộc đời em còn rộng còn dài, càng cần phải giữ. Anh sợ những cái không đâu nhưng có thể sẽ là hiện thực. Vậy thì tốt nhất là mình anh chịu đau khổ để giữ cho em, người anh quý anh yêu. Vã lại lúc ấy là thời chiến, ta phải gác mọi chuyện riêng tư để vì việc lớn. Có thể nói suốt hàng chục năm trời không lúc nào anh không nghĩ đến em. Nhưng sau cái hình bóng người chiến sĩ dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng xả thân, hy sinh vì tổ quốc mà anh luôn vinh dự khoác trên người, xuất phát điểm anh chỉ là một thằng chạy trốn. Anh trốn thực tại, trốn em và trốn cả chính mình. Vợ anh mất khi anh đang ở chiến trường. Anh không có con. Bây giờ anh vẫn sống độc thân. Nhưng anh không dám đi tìm em. Anh nghĩ em đã bình yên, không nên khơi lại vết thương mà có lẽ nó đã liền sẹo từ lâu. Hãy tha lỗi cho anh.

-Anh ạ, cuộc đời em cũng nhiều thăng trầm lắm. Em đã từng đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, cũng đã đã đạt được vài thành tựu trong giảng dạy và trong nghiên cứu khoa học. Nhưng em đã không thành công trong chính cuộc đời mình! Em đã lập gia đình, nhưng rồi lại bị đánh mất ngay trong năm đầu, khi vừa mới đi xa. Có lẽ vì em không có tình yêu. Bao nhiêu năm em chỉ chúi đầu vào công việc. Nghỉ hưu rồi em thường đi lang thang nay đây mai đó, gần như bất định. Em bị mất ngủ nên đến đâu cũng chỉ ngồi tập Thiền. Xưa em hay hát còn nay thì thích lặng im. Xưa em sợ cô độc, bây giờ lại quen cô độc. Xưa em sợ bóng tối, giờ thì không. Có người đã nói là trông em như một bóng ma ấy. Em hầu như không nghĩ đến tương lai. Vậy mà đôi khi em lại chợt nghĩ về anh …

Trò chuyện một lúc thì vì đã quá khuya nên chúng tôi đành chia tay. Xung quanh vắng lặng, chỉ có màn đêm bao phủ. Tôi muốn ôm lấy Thủy mà hôn như ngày xưa nhưng lại ngần ngại nắm bàn tay lạnh giá của cô. Biết đâu lại có những cặp mắt tò mò tọc mạch. Tôi không còn gì để sợ, nhưng giữ ý vẫn hơn. Thời gian cũng đã mặc nhiên góp phần tạo nên cách trở. Thủy trọ ở một khách sạn mini gần bên khách sạn tôi đang ở. Tôi hẹn Thủy trưa hôm sau sẽ gặp lại. Và hầu như cả đêm tôi cứ thấp thỏm mong chờ.

Buổi sáng chúng tôi đi tham quan theo sự chỉ dẫn của các bạn địa phương. Cơm trưa xong đã qua giờ ngọ. Chừng hai tiếng nữa là chúng tôi sẽ lên đường về Hà Nội. Tôi tức tốc chạy sang khách sạn mini tìm Thủy.

Tôi bước vào quầy lễ tân:

-Chào cháu, cháu cho chú gặp cô Thủy ở phòng 204.

-Cô Thủy hả chú? Cô ấy đi rồi chú ạ.

-Cô ấy đi tham quan à? Cháu có biết bao giờ cô ấy về không?

-Không, cô ấy đã trả phòng từ lúc gần trưa. Cháu không biết cô ấy đi đâu. Có lẽ cô ấy về Hà Nội rồi cũng nên.

-Cháu có ghi lại địa chỉ của cô ấy không?

-Không chú ạ. Cô Thủy là khách quen, năm nào cũng ra đây. Chúng cháu chỉ biết cô ấy ở Hà Nội, nhưng ở đâu thì cháu không hỏi.

Vậy là tôi lại đánh mất em rồi! Suốt hơn bốn chục năm mất em, vừa gặp lại em chốc lát, rồi lại mất em! Phải chăng người mà tôi gặp đêm qua là một “bóng ma” như em đã nói?

Hà Nội mênh mông lắm, biết tìm em nơi đâu bây giờ?

Nhưng tôi biết, lần này dù có khó tới đâu thì nhất định tôi cũng sẽ tìm em bằng được. Tôi có thừa thì giờ và có đủ quyết tâm. -/.


 


VVM.05.01.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .