T
ruyện ngắn Dưới Bóng Hoàng Lan của nhà văn Thạch Lam trong tập Sợi Tóc (1942) với hình ảnh: “Thanh dắt nàng đi thăm vườn; cây hoàng lan cao vút, cành lá rủ xuống như chào đón hai người. Có lúc gần nhau, Thanh thấy mái tóc Nga thoang thoảng thơm như có giắt hoàng lan...”. Và cuối cùng “Mỗi mùa cô lại giắt hoàng lan trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương”. Trong chương trình Việt văn (Kim văn) ở Đệ Nhất Cấp thời VNCH được học về các áng văn tiêu biểu nên biết đến truyện ngắn Dưới Bóng Hoàng Lan.
Ba mươi năm sau, tác phẩm Để Tưởng Nhớ Mùi Hương của nhà văn Mai Thảo, nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng 1971 gồm chương
Hình ảnh ban đầu “Buổi chiều, đi chơi thuyền với một người bạn gái Huế vừa quen trên dòng sông Hương... Chiều mênh mông và sâu thẳm trong trời. Đó là một trong những buổi chiều đối với Ninh đáng ghi nhớ nhất. Và Ninh đã nhớ. Nhớ mãi không quên. Khuôn mặt dịu dàng và thanh xuân cửa người bạn gái in lên một nền chảy lặng lờ của con sông tưởng như không bao giờ gợn sóng. Cái đẹp của Huế, nhẹ, đã mất. Thoáng như khói sương, mang mang như một niềm ngờ vực...”…
Và hình ảnh đó: “Trang ngồi, xõa tóc, bên thành đá nhẵn bóng của cái bể non bộ chính giữa vùng lát gạch bát tràng của khoảng sân sau nhỏ hẹp. Từ chỗ nàng nhìn lên, bầu trời xa lạ trên cao chỉ hiện hình trong ruột phiến ...
Trang mặc một cái áo cánh ngắn. Vải phin trắng nõn, ôm lấy một thân hình tròn lẳn. Cổ áo hình trái tim. Trái tim này vây quanh một cái cổ rất thanh và trắng ngần. Người đàn bà chừng ba mươi tuổi. Có thể hơn một chút, ở cái nhìn tuy còn trong suốt, đen láy, nhưng thăm thẳm phảng phất buồn như màu đen nhìn thấy giữa lòng một đài hoa. Buổi chiều đi qua trên đầu nàng, trên mái tóc Trang, trên cuộc đời nàng, nàng ngồi đó một mình, trầm tư trong mơ màng, và nàng vừa gội đầu xong. Những sợi tóc lướt thướt toát ra mùi bồ kết thơm cay, được những ngón tay cong vút lùa vào, hất nhẹ, cho thả dài thành một dòng suối mun từ đỉnh đầu xuống gần sát mặt đất”.
Mấy dòng cuối trong tác phẩm: “Nàng nhìn lên trời. Nàng thấy giữa muôn sao, một vì sao sáng hơn mọi vì sao khác. Vì sao đó ở thật xa, xa thẳm, xa như cuộc đời, xa như tiền kiếp. Nhưng vì sao đó đang nhìn Trang. Và đang mỉm cười với một tình yêu không thành nhưng còn sống mãi với vòm trời tỉnh trời tỉnh nhỏ”.
Mai Thảo mô tả mùi hương đặc biệt, không giống bất cứ mùi hương của một giai nhân nào khác, đó là một mùi hương tự nhiên, phát tiết ra từ thân thể của nàng chứ không phải mùi thơm của nước hoa… giai nhân nào cũng giống nhau.
Tuy Trang đã có hai đứa con nhưng “Đẹp. Trang biết nàng đẹp. Khuôn mặt phản chiếu lên từ đáy nước đã mất đi ánh hào quang rực rỡ của những xuân đời Trang đã bỏ lại, nhưng Trang biết nàng còn đẹp, một nhan sắc vô ích, một mình, lặng lẽ nó biết nó đẹp, nhưng không biết đẹp cho ai và dùng để làm gì…”. Phải chăng từ vẻ đẹp dịu hiền, thanh thoát, sâu thẳm, trầm lắng… của nhan sắc cũng gợi ý cho vẻ đẹp tâm hồn?.
Tác phẩm Mùi Hương (Perfume: The Story of a Murderer) của Patrick Süskind ấn hành năm 1985, câu chuyện kỳ lạ và ly kỳ về tên tội phạm đặc biệt, Jean-Baptiste Grenouille. Sinh ra trong hoàn cảnh bi thảm khi mẹ của hắn cố tình để hắn chết trong đống ruột cá tanh tưởi, Grenouille đã sống sót và lớn lên trong sự ghẻ lạnh và khinh miệt của xã hội.
Grenouille có biệt tài khứu giác phi thường. Hắn có thể nhận biết, phân biệt và ghi nhớ vô số mùi hương, với đầu óc bệnh hoạn, dị hợm và đầy tham vọng, Grenouille mơ ước tạo ra một loại nước hoa độc đáo và gợi tình vô song. Để đạt được điều đó, hắn đã săn đuổi và sát hại hai mươi lăm trinh nữ nhằm chiết xuất mùi hương của họ… Grenouille bị bắt giải và bị tuyên án tử hình. Hôm thi hành án, Grenouille để cho nước hoa tối thượng của hắn, tổng hợp mùi hương của 25 cô gái, toả hương khắp nơi khiến tất cả mọi người đê mê và choáng ngợp…
Tác phẩm nầy trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới, được dịch ra gần 50 ngôn ngữ và lưu hành hơn 20 triệu bản. Tác phẩm được dựng thành phim.
Dù từng bị từ chối bởi các nhà xuất bản, tác phẩm này đã chứng minh sức hút mãnh liệt của mình qua thời gian. Hãy cùng khám phá câu chuyện kinh hoàng và đầy mê hoặc này để hiểu tại sao nó lại chinh phục được trái tim của hàng triệu độc giả trên khắp thế giới.
Tác phẩm của Patrick Süskind không chỉ là một tiểu thuyết ly kỳ về khứu giác mà còn là một hành trình đầy ám ảnh vào tâm trí của một tên tội phạm khác thường.
Trong các tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, Cổ Long… phe tà giáo chế các loại độc dược có khi không màu sắc, hương, có khi hương thơm thật quyển rũ.
*
Giữa tháng 12/2024, đọc bài viết Hương Gây Mùi Nhớ của Nhất Hùng rất thú vị nên trích những đoạn của tác giả:
Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ rất ý nhị:
“Mành tương phơn phớt gió đàn,
Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”
Câu này có hai từ thật hay, “hương” và “mùi” có lúc cả hai chỉ chung một khái niệm nhưng có lúc lại khác nhau xa lắm. Ta nói “hương của hoa” hay “mùi của hoa” đều đúng nhưng nói “mùi bùn” thì được, còn nói “hương bùn” nghe không ổn, bởi “bùn” thường được cho là “hôi tanh”. “Hương và Mùi” còn được hiểu theo nghĩa trừu tượng như “mùi đời”, “đời lên hương”…
Câu thơ “Hương gây mùi nhớ…” của Nguyễn Du để tả Kim Trọng nhớ cái “mùi”, cái “hương” của nàng Kiều.
Tản mạn một chút và xem lại kho tàng văn học, quả thật, người phụ nữ có cái “mùi”.
Ca dao có câu:
“Chim Quyên ăn trái nhãn lồng
Lia Thia quen chậu vợ chồng quen hơi”
“Hơi” ở đây chắc chắn là cái “mùi” rồi. Không những là quen mà còn nhớ nữa. Khi ái phi Thị Bằng mất, vua Tự Đức có viết:
“Đập tan cổ kính tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.”
Ở Tàu, lúc tuyển cung tần mỹ nữ xưa, các nàng đều buộc phải chạy một quãng đường cho đến khi đổ mồ hôi. Lúc ấy các hoạn quan yêu cầu cởi hết để ngửi…, thứ hạng sẽ được xếp theo cái “mùi” mà các nàng tỏa ra.
Ở Tây, trong tác phẩm: “Hương Đàn Bà, Ngôn Ngữ Thầm Lặng Của Tình Dục”, tác giả Janet L. Hopson viết: “Trên cơ thể người phụ nữ cho dù được che đậy bằng các mỹ phẩm cách mấy cũng còn có những khu vực tiết mùi, đó là ở nách, chung quanh âm đạo, nếp gấp ở âm vật, phần ngực giữa 2 vú và nếp gấp giữa 2 vú. Người ta cũng phát hiện các tuyến phát mùi nằm quanh núm vú, trên khuôn mặt, trên lòng bàn tay, gang bàn chân. Thậm chí hơi thở cũng có thể đổi mùi tuỳ theo chu kỳ kinh nguyệt. Hương của phụ nữ tiết ra có tính năng tác động lên não của người đàn ông và làm gia tăng kích thích tình dục ở đàn ông”…
Văn học tốn khá nhiều giấy mực để nói về mối tình lãng mạn của Hoàng đế Napoleon với Hoàng hậu Josephine của Pháp. Lúc gặp Josephine, ông chỉ là một vị tướng trẻ còn Josephine là một góa phụ đã có hai con. Chỉ sau một đêm gần gũi, ông yêu bà say đắm. Có nhiều lý do để anh hùng lụy mỹ nhân nhưng một trong những lý do thầm kín nhất là ông mê “cái mùi” của bà. Đây không phải là giai thoại, trong một bức thư Napoleon gửi cho Josephine còn được lưu lại, ông viết: “Anh sẽ về Paris trong vài ngày nữa. Đừng tắm, anh muốn cảm nhận tất cả những gì thuộc về em”.
Cái mùi thế nào, tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Cùng trái sầu riêng, có người bảo thơm quá, có người lại bảo nặng mùi. Với mắm, có người không chịu nổi nhưng có người trét đầy trái cóc rồi mút lấy mút để.
Mùi tỏa ra cũng lại tùy người, tùy hoàn cảnh, tùy cách sinh hoạt, tùy chế độ ẩm thực. Lúc trước tôi quen mùi nước mắm, thế mà khi qua Mỹ lại không chịu nổi cái mùi cheese của gái Tây…, từ ngày lấy vợ tôi lại nghiện cái mùi xì dầu…Ông bà cũng từng nói “của ai người ấy thơm” là vậy.
Thế còn “hương trinh”, hương này thật mê hoặc, mùi lạ lắm và khó tả... không lẫn với mùi nào khác. Nếu bạn chưa có dịp thưởng thức, nên tạm dùng Trà Trinh Nữ, chắc cũng cảm nhận được phần nào. Để có Trà Trinh Nữ, người ta phải ướp những búp trà ngon với những cô trinh nữ khỏa thân. Có nơi, họ tuyển trinh nữ lên núi hái chè, búp chè non được để vào quần lót của các cô, sau một ngày làm việc, chè lẫn với hương bài tiết từ trinh nữ. Họ mới lấy ra và chế tác…” - (Nhất Hùng)
*
Bài thơ Kiếp Nào Có Yêu Nhau của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh:
“Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi”
Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc:
“Đừng nhìn em nữa anh ơi
Hoa xanh đã phai rồi
Hương trinh đã tan rồi”
Theo nghĩa Hán - Việt, “hương” có hai ý nghĩa vừa chỉ là quê nhà, nơi chốn xưa; vừa chỉ mùi hương thơm… “trinh” có nghĩa là tiết hạnh của người con gái trong trắng, thanh tao. Vì vậy hương trinh được hiểu là mùi hương của trinh nữ.
Trong bài thơ Màu Thời Gian của Đoàn Phú Tứ với “hương thời gian” mà có mùi và sắc rất trừu tượng:
“Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh”
“Than ôi sắc nước, hương trời” (Truyện Kiều), cũng khó hiểu hương trời nhưng cảm nhận thoang thoảng mùi hương của thiên nhiên từ hương hoa cỏ ven đường, hương tỏa trên cánh đồng khi lúa chín vàng, hương của loại gỗ quý trên rừng như miêu tả trong Xứ Trầm Hương ở Khánh Hòa của Quách Tấn ấn hành năm 1969.
Tác giả viết về lịch sử, địa lý vùng đất nầy với tất cả địa danh, di tích lịch sử, cổ tự và thắng cảnh… Tác giả cảm hứng từ ca dao trong dân gian:
“Khánh Hòa là xứ Trầm Hương,
Non cao biển rộng người thương đi về”
Ngày xưa, học giả Lê Quý Đôn trong tác phẩm Phủ Biên Tạp Lục có chép: “Kỳ nam (loại trầm hương thượng thặng. Loại cây trầm tiết ra nhựa sẫm màu và mùi hương thơm ngát”.
Theo Quách Tấn, không những mùi hương mà còn tác dụng “Trầm dùng giáng khí, tức là đem khí hạ xuống. Kỳ dùng trị các chứng phong đàm: mài với nước mà uống hay đốt xông vào lỗ mũi. Trị các chứng đau bụng cũng rất hay: chỉ ngậm trong miệng cho tiêu rồi nuốt. Nhiều khi hiệu nghiệm như thần. Trầm và kỳ còn đuổi được khí tà độc, khí ô uế. Trầm thì đốt lên. Kỳ chỉ đeo vào mình cũng đủ”. Vì vậy trầm hương ở Khánh Hòa nổi tiếng nhất trong Đông Nam Á.
Ngày nay với kỹ thuật chế biến, “Trầm hương thứ tinh dầu được kết tinh trong cây gió, được chia làm hai loại: Kỳ nam và trầm hương. Trầm và kỳ được phân biệt ở hình chất và khí vị. Trầm chất cứng và nặng, vị đắng. Kỳ nhẹ và mềm, vị lại đủ chua cay ngọt đắng. Trầm có mùi ngát, kỳ có mùi thanh. Khói của trầm bay vòng quanh rồi tan ra, khói của kỳ bay thẳng và cao vút. Trầm kỳ là một loại dược liệu rất quý, có giá trị cao trong ngành y học”.
Trong ca khúc Trầm Hương Đốt của Bửu Bác có câu: “Trầm hương đốt, xông ngát mười phương… Vần vần khói kết mây lành cúng dường”.
Câu thơ “Than ôi sắc nước, hương trời’ (Truyện Kiều) chỉ người đàn bà có sắc đẹp tự nhiên và hương hoa của đất trời từ nhan sắc đến hương thơm...
Với khứu giác thì mùi (danh từ) nói chung nói chung từ thơm đến hôi tanh như trong ca dao: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” nhưng còn có ý nghĩa khác như “mùi cay đắng, mùi vinh hoa phú quý”.
Với hương (danh từ) gắn liền với mùi hương, mùi thơm như “Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình” (Truyện Kiều). Ngoài khức giác, hương còn là ký ức, hồi tưởng, cảm xúc mùi vị trong trái tim, tâm hồn…
Bài thơ Qua Áng Hương Trà của nhà thơ Vũ Hoàng Chương:
“Hương biếc tràn quanh nắp đậy hờ
Ấm sành nho nhỏ khói lên tơ...
… Cạn từng hớp nhỏ cho sen đượm,
Vớt lại trần ai một chút ta”.
Nói đến trà trước tiên nói đến hương vị từng loại trà nguyên chất đến ướp hương với các loại hoa như lài, ngâu, sen, bưởi, hoa mộc (mộc hương), ngọc lan… đến màu nước trà và vị, từ khứu giác, thị giác và vị giác.
Trà đạo được tôn vinh như nghệ thuật thưởng thức trà trong văn hóa Nhật Bản từ thế kỷ 12 cho đến nay.
Trong vài tác phẩm kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung đã bàn luận về trà từ nguồn gốc và nghệ thuật thưởng thức. Cách uống trà theo tinh thần “thanh, tĩnh, giản, chân” phản ảnh tính cách và tâm trạng của mỗi nhân vật.
Tác phẩm Ngàn Cánh Hạc của Kawabata Yasunari, người Nhật đầu tiên được nhận giải Nobel văn chương năm 1968, nói về trà đạo trong cuộc sống, tình yêu, tình dục và tội lỗi! Song thân của Fumiko đã một thời gắn bó với nhau cùng trà đạo (hai tách đỏ và đen cổ xưa khoảng năm trăm năm) nhưng mẹ nàng lại đã ngủ với người cha rồi đến người con nên nàng luôn cảm thấy xấu hổ dùm cho mẹ nàng bèn đập vỡ cái tách trà của mẹ nàng hay dùng để chôn vùi quá khứ.
Trong tác phẩm Đi Tìm Thời Gian Đã Mất của nhà văn Marcel Proust, chỉ cần mùi vị chiếc bánh và tách trà cũng đủ đưa nhân vật trở về với những ký ức lãng quên từ lâu. Ông viết: “Ngay khi tôi cảm nhận lại được mùi vị của miếng bánh madeleine tẩm trà ti ơn (tilleul) bà dì đưa cho tôi, tức thời căn nhà cũ kỹ màu xám trên lề phố nơi có căn phòng của tôi…”.
Tác phẩm “P.S I love You” gồm 12 chương, năm 2004 của nhà văn trẻ Cecelia Ahern, con gái Thủ tướng Ireland được dựng phim) gây xúc động bởi hình ảnh cô vợ trẻ Holly mới tuổi ba mươi, góa bụa hàng đêm ôm chiếc áo của chồng để cảm nhận, để cảm nhận mùi hương còn lại của người yêu thương. Khi Gerry qua đời để lại những lá thư từ những điều nhỏ nhặt nhất cho đến những điều quan tâm lớn lao giúp Holly vượt qua niềm mất mát để sống một cuộc sống bình thường khi không còn anh. Sau mỗi lá thư điều có dòng chữ PS, I Love You (Tái Bút: Anh Yêu Em) làm tựa đề tác phẩm.
Tác phẩm này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ngày xưa Trần Danh Án khóc “Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh, Phong trùng khâm tử hộ dư hương”, vua Tự Đức với tàn y của ái phi Thị Bằng hay nhà thơ Nguyễn Gia Thiều với Bằng Cơ thì ngày nay nàng Holly với chiếc áo của người chồng quá cố! Quá lãng mạn.
Riêng mùi hương của nước hoa, điển hình các loại nước hoa đắt tiền nổi tiếng trên thế giới với hương liệu của mỗi loại: Clive Christian, Roja Parfums, Maison Francis Kurkdjian, Creed, Amouage, Chanel, Guerlain, Hermès, Louis Vuitton, Tom Ford, Dior… nhưng mỗi loại lại hợp với người nầy, dị ứng với người khác.
Mùi vị nầy dành cho người đẹp, tôi mù tịt nhưng không thể nào quên mùi gội đầu bồ kết với vỏ chanh ngày xưa của mẹ. Hình ảnh thuở nhỏ với mẹ tôi, buổi trưa giao sạp bán vải cho chị kế tôi, về nhà gội đầu xong hong tóc, mùi bồ kết thơm lừng, dịu nhẹ lan tỏa khắp căn phòng, tôi quạt cho tóc mau khô và tận hưởng mùi hương trên tóc mẹ. Trong bài viết nhân Ngày Hiền Mẫu, tôi viết:’ “Mẹ ơi! Hơn sáu thập niên rồi, trong con vẫn cảm nhận mùi hương bồ kết trên tóc mẹ. Mẹ đã bỏ con để về Cõi Vĩnh Hằng, nơi cõi xa xăm ấy làm sao con ngửi được hương vị của thuở xa xưa!”.
Nhà thơ Antonio Cuadra để lại cho đời bài thơ về mùi hương:
“Mùi hương ở nơi nàng rực đỏ…
Và da nàng - những cánh hoa bốc lửa
Rạng rỡ và căng phồng
Khiến những mái vòm dưới làn áo tấy sưng…”
(Bản dịch của Quang Tuấn)
Đặc biệt với “mùi thân xác” được miêu tả như biểu tượng của sự gần gũi, tình yêu, và đam mê. Từ thơi xa xưa, kỹ nghệ chế biến nước hoa rất hiếm nên các cung tần mỹ nữ trong cung đình đã biết tận dụng thiên nhiên để chăm sóc nhan sắc và hương thơm với bí từ hoa hồng. Thả rất nhiều hoa hồng vào bồn tắm không chỉ để cho đẹp, mà nó còn có tác dụng giúp da mềm mại, thơm tho hơn. Khi tiếp xúc với nước nóng, tinh chất từ cánh hoa sẽ trôi ra nước chờ đến khi ấm ngâm mình thư giãn.
Và các giai nhân của con nhà quyền quý mới đủ điều kiện để làm đẹp với hoa hồng vì khá đắt tiền.
Theo Tâm Lý Học, số nhà nghiên cứu cho rằng mùi tự nhiên của cơ thể có thể ảnh hưởng đến sự hấp dẫn trong các mối quan hệ tình cảm, đôi khi còn hơn cả ngoại hình. Trong các truyện Tàu (lịch sử và dã sử) đề cập đến “mùi thân xác”.
Trong quyển Tiếu Ngạo Giang Hồ của nhà văn Kim Dung về nhân vật Điền Bá Quang với ngoại hiệu “Giang dương đại đạo hái hoa dâm tặc vạn lý độc hành khoái đao” cho thấy bản chất của con người nầy. Đặc biệt lỗ mũi của ông rất đặc biệt kỳ lạ với phái nữ, nơi chốn sơn lâm cùng cốc nhưng cách xa cả dặm cũng ngửi được “mùi đàn bà”, khi Nghi Lâm ở trong hang động thế mà ở ngoài ông ngửi được “mùi trinh nữ”.
Trời bất dung gian, Điền Bá Quang bị Bất Giới hòa thượng - cha của ni cô Nghi Lâm - bắt lên núi tìm Lệnh Hồ Xung mang về cho Nghi Lâm, Điền Bá Quang rất khâm phục Lệnh Hồ Xung và sau đó tìm cách kết bạn với Lệnh Hồ Xung.
Sau này Điền Bá Quang đã từ bỏ tính xấu hoàn lương, bị Bất Giới hòa thượng ép đi tu, và ông ta đánh cuộc với Lệnh Hồ Xung thua, bị buộc phải nhận Nghi Lâm làm sư phụ. Bất Giới đặt cho Điền Bá Quang pháp danh là Bất Khả Bất Giới, trở thành một hòa thượng theo phái Hằng Sơn.
Giai thoại về phi tần Hương Phi (Y Mạt Nhĩ Hãn) là mỹ nhân đẹp tự nhiên và cơ thể tỏa ra hương thơm một cách kỳ lạ. Y Mạt Nhĩ Hãn sống trong gia cảnh nghèo khó, nên được gả làm thiếp cho Hoắc Tập Chiêm, thủ lĩnh người Duy Ngô Nhĩ. Khi tướng quân Triệu Huệ đánh bại Hoắc Tập Chiêm, liền nhận thấy Y Mạt Nhĩ Hãn có vẻ đẹp mong manh “Trông em mong manh như một cành lan” - Nhạc Vũ Đức Nghiêm) và toàn thân lại tỏa ra một mùi hương quyến rũ đầy mê hoặc nên Triệu Huệ liền bắt giữ nàng, xem nàng như một cống phẩm quý báu dâng cho vua Càn Long.
Trên đường về kinh để nhập cung, Y Mạt Nhĩ Hãn được hộ tống rất cẩn thận. Thậm chí còn tắm rửa hằng ngày bằng sữa lạc đà để không làm mất đi thứ hương thơm bí ẩn của bản thân. Sau khi về đến Tử Cấm Thành, nàng liền ra mắt vua Càn Long. Giữa cung đình, mùi hương với nhan sắc của nàng liền khiến nhà vua phải xiêu lòng. Trong lần đầu gặp mặt, Càn Long đã mê đắm Y Mạt Nhĩ Hãn vì nàng có mùi hương quá sức quyến rũ mà nơi hậu cung hơn 40 phi tần thê thiếp của ông lúc bấy giờ không ai có được.
Y Mạt Nhĩ Hãn ngay lập tức được phong làm Hương Phi và gần như trở thành vị phi tần độc sủng trong hậu cung nhà Thanh lúc bấy giờ.
Thế nhưng, do quá thương nhớ quê hương cùng người chồng Hoắc Tập Chiêm, nên Hương Phi suốt ngày ủ rũ, buồn bã như một con chim thảo nguyên bị vây hãm trong chốn cấm cung. Nàng không buồn ăn uống, không buồn giao tiếp nói chuyện với bất kỳ ai, kể cả khi gặp vua Càn Long, nàng cũng chẳng thèm hành lễ. Càn Long thấy vậy không nổi giận mà thương nàng hơn, tìm mọi cách để chiều lòng mỹ nhân như xây dựng thánh đường, kiến tạo ốc đảo... nhằm tái hiện lại khung cảnh quê hương để Hương Phi vơi đi u sầu.
Đáng tiếc, nàng vẫn không mảy may vui vẻ. Cho đến khi, Càn Long sai sứ giả đến quê hương của Hương Phi, mang về cho nàng một cây táo mọc những trái táo vàng, nàng mới chính thức ngã vào lòng nhà vua cho đến khi qua đời.
Sau khi chết, thi hài của Hương Phi được vua Càn Long ra lệnh đem về cố hương của nàng để mai táng. Đoàn diễu hành đưa thi hài Hương Phi lên đến 120 người di chuyển trong suốt 3 năm mới đến nơi.
Trở lại “mùi thân xác”, tuy rất tế nhị nhưng có hương dĩ nhiên có mùi. Chẳng hạn như tình trạng tăng tiết mùi cơ thể từ vùng da dưới cánh tay, gọi là hôi nách (bromhidrosis). Nguyên nhân gây ra tình trạng nảy chủ yếu do sự bài tiết của các tuyến mồ hôi đầu tiết (apocrine gland). Trong da có 2 loại tuyến mồ hôi: tuyến eccrine và tuyến apocrine. Tuyến apocrine tiết ra chất lỏng vào nang lông rồi chất lỏng từ nang lông len ra da. Tuyến eccrine tiết chất lỏng trực tiếp lên trên bề mặt da. Tuyến apocrine tiết ra chất nhờn có chứa lipid, protein… qua các ống lông tại khu vực nách và ở khu vực khác.
Tuyến apocrine là “thủ phạm” của bệnh hôi nách, tuyến apocrine không hoạt động trước tuổi dậy thì. Ở tuổi dậy thì, sự thay đổi về nội tiết (hormone) làm cho tuyến apocrine hoạt động, sau đó tiết ra hoạt chất giống pheronome có vai trò như tín hiệu thu hút người khác giới. Vì vậy cả nam và nữ đều bị ảnh hưởng như nhau.
Việt Nam ở giữa 23 vĩ độ bắc và 23 vĩ độ nam nên thuộc vùng nhiệt đới, khô, ẩm nên vào lúc nắng nóng, mồ hôi tiết nhiều nên từ đó “gởi gió cho mây ngàn bay”. Ngày xưa chưa có các loại thuốc chữa trị hôi nách như Benzethonium chloride, Hydroxyethyl cellulose, Kwangdong, Deodorant, Devrom… nên siêng tắm rửa, vệ sinh thân thể. Kiêng cử thực phẩm, gia vị đổ mồ hôi như ớt cay, nồng nhất là tỏi… tình trạng nầy ảnh hưởng nhiều tới tâm lý của bản thân khi xuất hiện trước đám đông và bị mặc cảm tự ti, lo ngại khi tiếp xúc…
Ở Mỹ thuộc vùng ôn đới nên ít bị ảnh hưởng, ngoại trừ vào mùa nóng ở vài tiểu bang như Texas, Nevada, Colorado, New Mexico, Arizona, California… nhưng ít tác dụng đến cơ thể con người đổ mồ hôi.
Tuy nhiên với mẩu chuyện thật qua trà dư tửu hậu. Ngày đó ở Biên Hòa bắt được “cô gái giao liên” rất đẹp nhưng quá nặng mùi nầy đến nỗi khi thẩm vấn cô trong phòng, bạn tôi cũng không chịu nổi… Thế nhưng sau đó được trưng dụng trở lại và trở thành người tình của sĩ quan trong đơn vị. Theo anh ta, lúc đầu hơi khó chịu nhưng dần dà cũng quen hơi như “Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi” nên đi hành quân lâu ngày cũng “ghiền và nhớ”. Mà cũng có nhiều trường hợp như vậy với nhiều cặp vợ chồng, tình nhân… Vì vậy tạo hóa sinh ra con người thế nầy thế kia cũng được an bày mỹ mãn.
Thời học sinh (nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò nên tinh nghịch) nên đã vô ý làm thầy cô buồn lòng khi “mùi mồ hôi” tỏa trong lớp. Thế hệ chúng tôi thời lính tráng “dầm mưa dãi nắng” ngủ trong giao thông hào thì được ban cho nhau đủ mùi vị từ thân thể đến giày saut.
Thời trai trẻ, thư sinh chưa nếm “mùi mồ hôi” với nhau nhưng khi bước vào “ngưỡng cửa quân đội” thấy bandrolle “Thao trường đổ mồ hôi, sa trường bớt đổ máu” rồi từ đó quyện vào bản thân cho đến ngày tàn cuộc chiến!
“Em đến chơi, áo anh mùi thuốc súng” trong lời ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cho có vẻ lãng mạn mà thôi. Thật tình nơi tiền đồn, căn cứ phòng thủ nơi rừng núi, thiếu nước chỉ dành cho nấu nướng và khi em “Mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, vạn đèo cũng qua” khi gặp nhau thì át cả mùi thuốc súng. Mùi quyện mùi bất tận.
Nhà th
ơ Nguyễn Bính ấn hành tập thơ Hương Cố Nhân (1941). Ngoài ra cũng có vài bài thơ với tựa nầy và nhạc phẩm Hương Cố Nhân của Dzoãn Mẫn.
Cũng khó giải thích “hương cố nhân” là hương gì, mùi vị ra sao? Trong thơ, nhạc cảm nhận đó là người tình cũ khi xa cách còn lưu luyến. Trong ca khúc Hoài Cảm của nhạc sị Cung Tiến:
“Chờ nhau hoài cố nhân ơi!
Sương buồn che kín nguồn đời
Hẹn nhau một kiếp xa xôi,
Nhớ nhau muôn đời mà thôi!”
Bài thơ Gặp Lại Cố Nhân của thi sĩ Vũ Hoàng Chương:
“Người xưa, này vẫn cố nhân
Mà ôi thôi! đã phong trần cả hai…
Bao năm vị đắng mùa cay
Lênh đênh thân thế cầm tay nghẹn ngào…”
Trong tâm hồn của đôi tình nhân dù “mùi” hay “hương” đều quyến rũ lạ thường, khó quên dù gần bên nhau hay xa cách vì vậy mới để tưởng nhớ mùi hương.
Người bạn thân cùng khóa, khi hiền thê anh qua đời, anh sống với rượu, buổi tối anh ngủ với con chó nhỏ Pochi và cùng áo quần của vợ. Mỗi lần gọi phone thăm hỏi chỉ nghe lặp lại điệp khúc “Buồn qua mầy ơi, tao muốn chết theo vợ”. Bạn bè sợ anh cứ tình trạng nầy mãi sẽ bị trầm cảm nên khuyên anh nên thay đổi môi trường về Việt Nam. Thế rồi Việt kiều quy cố hương, ngửi được “mùi cỏ non” quên “tàn y” của nửa thế kỷ, khi bị bệnh nặng trở lại Mỹ vài tháng rồi ra ngươi thiên cổ, theo vợ về cõi thiên thu.
Little Saigon, December 2024
VVM.26.12.2024.
Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”
Lia Thia quen chậu vợ chồng quen hơi”
Xếp tàn y lại để dành hơi.”
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi”
Hoa xanh đã phai rồi
Hương trinh đã tan rồi”
Hương thời gian thanh thanh”
Non cao biển rộng người thương đi về”
Ấm sành nho nhỏ khói lên tơ...
… Cạn từng hớp nhỏ cho sen đượm,
Vớt lại trần ai một chút ta”.
Và da nàng - những cánh hoa bốc lửa
Rạng rỡ và căng phồng
Khiến những mái vòm dưới làn áo tấy sưng…”
(Bản dịch của Quang Tuấn)
Sương buồn che kín nguồn đời
Hẹn nhau một kiếp xa xôi,
Nhớ nhau muôn đời mà thôi!”
Mà ôi thôi! đã phong trần cả hai…
Bao năm vị đắng mùa cay
Lênh đênh thân thế cầm tay nghẹn ngào…”
Little Saigon, December 2024